© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
6.9.2005
Phan Nhiên Hạo
Đọc Xâm Mỹ - American Tatts - tập thơ mới của Đinh Linh
 
American Tatts
Đến Mỹ năm 11 tuổi, Đinh Linh viết chủ yếu bằng tiếng Anh.

Đinh Linh lớn lên trong văn hóa Mỹ, nhưng không hoàn toàn vừa vặn trong cái gọi là “dòng chính”. Điều này, một phần do cá tính, phần lớn do tình trạng bình đẳng nhưng tách biệt (equal but separate) về chủng tộc của xã hội Hoa Kỳ. Trong phỏng vấn với Chau-Pech Ollier, Đinh Linh đề cập vấn đề này: “Một ảo tưởng buồn cười. Bạn nghĩ sự hòa nhập là quá trình tịnh tiến: học tiếng Anh, quen người này người kia, học lịch sử Mỹ, bóng chày, bóng bầu dục, rồi sẽ được chấp nhận. Nhưng bạn đến ngõ cụt, choáng váng. Sau cùng, bạn nhận ra sẽ chẳng bao giờ được chấp nhận hoàn toàn” [1] . Hơn hai năm trở về Việt Nam sống, Đinh Linh cũng bị xem như người ngoài: “Mặc dù sinh đẻ ở đây, tôi được tiếp nhận như người ngoại quốc, tôi có thể thụ hưởng những đặc quyền của một người Mỹ xấu xí nếu muốn. Thật mỉa mai” [2] .

Xâm Mỹ - American Tatts - gồm nhiều bài thơ có tính tự thuật, nói theo thuật ngữ văn học, những bài thơ tự thú (confessional poems). Những bài thơ cho thấy một Đinh Linh mạnh mẽ, phức tạp. Đây là kẻ từng mơ làm họa sĩ lớn nhưng rốt cuộc trở thành thợ sơn nhà đêm đêm ngồi uống bia trong những bar rẻ tiền, kẻ có hai đất nước nhưng không quê hương, kẻ chán ghét cuộc mưu sinh nhưng không thoát khỏi nó, kẻ nói hai thứ tiếng nhưng không thoải mái trong ngôn ngữ nào. Một kẻ mâu thuẫn:

Tôi có thể trình ra phần hạnh phúc
Cho A, phần giận dữ cho B;
Thế, khi có mặt cả A lẫn B,
Tôi không biết phải ứng xử thế nào.

Choáng váng bởi ký ức không vui
Tôi đấm vào mình - rõ đau- ngay mặt.

(“Mười lăm hiệp không đối thủ” – “Fifteen Rounds With A Nobody”, tr. 70)

Một kẻ giằng xé, đôi khi bên bờ hủy hoại, nhưng luôn kiêu hãnh, từ chối trở thành nạn nhân:

Vâng, có những khoảng khắc. Đôi khi
Tôi nghĩ nó chỉ là phương tiện,
Một cách để kết thúc, nhưng rồi nhận ra
Tôi yêu nó biết chừng nào, bất chấp hung bạo.
(...)
Tháng năm trôi qua tôi trả phần mình nhưng chẳng
Ma nào chú ý. Chẳng ai biết tôi là thằng đéo nào.
Cuộc đời lạ lùng, cô đơn quá đỗi.
Nhưng ai cũng cần riêng tư, bạn biết.
Thiên hạ nhìn tôi, tất cả họ thấy chỉ là
Một thằng chui cửa, một thằng kỳ quặc.

Một kẻ có thể không tiền
Quyền lực, tình yêu
Bình yên tâm hồn, điều đó không hẳn
Hắn là nạn nhân. Không ai nạn nhân.
Sau chuyện không may,
Bạn chỉ cần nói, Mẹ kiếp!
Rồi lại tiến lên.

(“Tan nát” – “Devastation”, tr. 71)

Xâm Mỹ, như tên gọi, cũng là tập thơ để lộ những “mảng xâm” về nước Mỹ, dĩ nhiên trong cái nhìn ít nhiều ngoài lề của Đinh Linh. Những bài như “First Love”, “You Don't Know What Inside of Me Yet”, “Two Captains” được viết từ giọng điệu gái vị thành niên Mỹ hời hợt, say mê khám phá tình dục; “Right Field Bleacher At Yankee Stadium”, bài thơ văn xuôi dài, mô tả chi tiết một trận bóng chày; “What's At Frank's”, “Which Not”, “Watching the Winter Olympics at McGlinchey”, “The Endless Bar” mô tả các quán rượu của giới lao động Philadelphia, nơi Đinh Linh biết rõ nhất, từ cảnh đến người, ngôn ngữ:

Tất cả tuyên bố về bar vô tận (trừ một) đều xạo. Duy nhất chỉ bar góc đường 15 và Spruce, Philadelphia là thật. Bar Sausolito ở California không dài vô tận. Hơn một lần tôi đã ngồi ở hai đầu bar này. Mười năm phung phí đời mình trong thùng rác.

(“Bar vô tận” – “The Endless Bar”, tr. 17)

Trong “The Endless Bar”, người đọc như được lôi vào một quán rượu thực sự, cảm nhận không khí lầy nhầy, nhìn những khuôn mặt mụ mẫm, nghe những tán tỉnh bợm bãi, hài hước:

Khỏe không mấy em?
Cút mẹ mày đi, đồ lại cái. Tụi tao không hái nấm tối nay. Tối qua, ừ, hay có thể tối mai.
Chừng nào chưa uống tới chai thứ mười hai, ả vẫn là lesbian, biết chưa.
Muốn không?
Tao đưa mày giấy bảo đảm.

(“Bar vô tận” – “The Endless Bar”, tr. 19)

Đinh Linh đưa vào thơ những người bạn ngoài đời, mô tả họ với bút pháp hiện thực đến nỗi, khi đọc, tôi có cảm tưởng đang nghe lại những chuyện anh từng kể. Điều ngạc nhiên là với một bút pháp từ chối “biến dạng hay vu khống” như vậy, Đinh Linh thường vẫn thành công trong việc đem lại cho các nhân vật tính biểu tượng, chất thơ. Trong “Lucre”, Đinh Linh kể về Joe LeBlanc, người nhiều năm là “xếp” thợ sơn của Đinh Linh. Bài thơ như bản liệt kê tiểu sử nhân vật: quê ở Quebec, đi lính sang Việt Nam, làm xạ thủ trực thăng, bị cho giải ngũ, thuê mướn tất cả các giống dân ngoại trừ da đen, tặng xe đạp và mắt kính cho trẻ em da đen trên đường phố, đọc tiểu thuyết mua từ chợ K-Mart và hiệu tạp hóa Seven Eleven. Bài thơ tưởng sẽ kết thúc trong sự đều đều. Nhưng không, những chi tiết cuối, mặc dù vẫn hiện thực, lại có tính biểu tượng về đời sống trống rỗng Mỹ:

Từng có gia đình, giờ đây Joe sống với con chó nâu
Buổi tối ngồi một mình nơi bàn trong bếp
Say khướt vì whiskey, gạch bỏ bằng bút lông màu
Dòng chữ “Chúng ta tin tưởng Thượng đế” trên những tờ bạc.
Joe mơ về hưu trong một nhà vòm bang Kentucky
Nơi hắn uống rượu và nã súng cả ngày
Vào vô tận.

(“Lucre”, 74)

Thành công của đoạn thơ nằm ở việc lựa chọn chi tiết vừa hiện thực vừa có tính tượng trưng: chi tiết Joe gạch tên Thượng đế trên những tờ dollar; ở việc sử dụng một từ đắt giá đúng chỗ: từ “vô tận” (infinity) mô tả không gian rộng vắng của Kentucky, đồng thời gợi tưởng về hư vô. Một bài thơ quá nhiều hình ảnh ẩn dụ dễ trở nên lòe loẹt, nhưng một bài thơ thiếu những chi tiết và từ ngữ gợi mở sẽ chỉ là xác chết dẹp lép. Trong những bài thơ thành công, Đinh Linh giữ được thăng bằng giữa hai yếu tố này:

Xa lộ được xây
Để ngăn hàng xóm thăm viếng nhau.
(...)
Những tên đần là tài xế tuyệt vời -
Không đời sống nội tâm
Khỏi sợ đãng trí quên luật đi đường.
(Chỉ các thiên tài chết vì đụng xe)

Suốt đêm xe tải lặng lẽ chuyển hàng
Từ thành phố trống rỗng này sang thành phố khác.

(“Lối ra” – “Exits”, tr. 40)
Susan Shultz, trong một bài viết, chỉ ra điều mà tác giả gọi là tính chất “ghê tởm” (disgust) trong thơ Đinh Linh. Theo Shultz, tính ghê tởm trong thơ Đinh Linh “là những biểu hiện nghịch lý về sự đau đớn: bạo lực, bần cùng, phân rã, và (về phía độc giả) một sự đồng cảm kỳ quặc với kẻ bị kẹt trong đó” [3] . Xâm Mỹ có những hình ảnh “ghê tởm” như vậy, đặc biệt những hình ảnh thể xác:

Mắt tôi xanh tuyệt đẹp. “Xem nè!” hắn nói,
Móc tròng mắt phải tôi ra khỏi hố mắt.
Với mắt trái còn lại, một cách thú vị, tôi nhìn
Hắn dí điếu Camel không đầu lọc vào cơn đau buốt.

(“Đau buốt” – “A Blue Pain”, tr. 7)

Trong một bài thơ khác, Đinh Linh đề nghị nên cấy máy ghi âm vào tai người nhằm giúp truy bắt tội phạm. Phương cách này, theo tác giả, tốt hơn cấy máy quay phim vào hố mắt trái, vì máy quay phim đắt tiền, không thực tế, và đặc biệt, “có thể dễ dàng bị múc ra bởi một ngón tay hay chiếc muỗng” (“Chống tội phạm” – “Crime Correctives”, tr. 54). Dĩ nhiên đây là câu đùa, nhưng liệu nó có phản cảm?

Giải thích yếu tố “ghê tởm” trong thơ Đinh Linh, Shultz viết: “như một nhà thơ, Đinh Linh cho thấy đau đớn được cảm biết thông qua ghê tởm, hơn là những biểu hiện của xúc cảm dịu dàng như ‘tiếc thương’, ‘trắc ẩn’ hay thậm chí ‘giận dữ’” [4] . Chọn lựa này không phải cách duy nhất để biểu đạt đớn đau trong thơ ca. Cá nhân tôi không thích chọn lựa này, và trong một số trường hợp, không đồng ý với những quan điểm văn chương của Đinh Linh, nhất là về thơ Việt. Tuy nhiên, tôi tôn trọng Đinh Linh vì những gì muốn nói trong thơ, anh nói một cách không làm dáng hoặc cường điệu; và vì anh viết như một người sáng tạo thật sự, không phải như những kẻ lấp liếm sự kém cỏi của mình bằng trò nhố nhăng. Ngay cả trong tiếng Việt, thơ Đinh Linh giữ một giọng điệu riêng biệt, tránh được những áp lực “cách tân” đa phần ngớ ngẩn, những xung động tủn mủn của một bộ phận thơ hôm nay.

Thơ Đinh Linh mang vẻ ngoài khô lạnh, bất cần, nhưng đằng sau bộ mặt đó, không mấy khó khăn để nhận ra một tâm hồn mẫn cảm vật lộn với những câu hỏi của cuộc tồn tại:

Thật lâu tôi mới hiểu ra,
Bạn biết không, Cứt!
Rằng ta sẽ có con cái
Sẽ chết
Nhưng ta cứ phải tin tưởng tương lai.

Nói về tương lai, hãy nhìn thằng người bằng tuyết ngoài kia
Sáng qua cùng với con mình, tôi đắp
Hôm nay nó tan rã rồi.
Chỉ còn lại củ cà-rốt trên cỏ.

(“Tan nát” – “Devastation”, tr. 72)

Trong thơ, dù cố gắng che giấu, người ta cũng sẽ để lộ cái Tôi. Xâm Mỹ cho thấy một cái Tôi không thi vị nhưng không bi thảm hóa, mạnh mẽ nhưng không trâng tráo, chua chát nhưng chân thực. Tôi thích Xâm Mỹ vì sự chính xác: chính xác trong từ ngữ, hình ảnh, nhưng quan trọng hơn, chính xác với bản thân:

Tôi không sinh động, không ấm, không thú vị, không sáng sủa, không thông minh.
Tôi là cái bắt tay ẩm ướt trong bữa tiệc lặng lẽ.
Tôi không quyền lực hay tác động. Tôi chỉ chính xác.

(“Kẻ không chết” – “The Undead”, tr. 9)

Về mặt nghệ thuật, Đinh Linh viết thoải mái như đa số các nhà thơ Mỹ hiện nay: thơ tự do chen lẫn vắt dòng khi mạch thơ đòi hỏi - không phải viết một đoạn văn xuôi rồi ngắt ra đều đặn thành dòng; chú trọng ngôn ngữ - nhưng không phải nhà thơ ngôn ngữ; mô tả tình dục và sử dụng từ tục - nhưng không quá lạm dụng. Thơ Đinh Linh tránh được tình trạng mặc cảm của những lý trưởng mới lên phố thị lần đầu, lo lắng bề ngoài quá đáng.

Đinh Linh là một trường hợp văn chương đặc biệt. Khi viết tiếng Anh, Đinh Linh xem mình là nhà văn Mỹ: “Tôi viết tiếng Anh. Vậy tôi là nhà văn Mỹ, chấm hết” [5] . Nhưng Đinh Linh cũng viết tiếng Việt. Vậy theo logic trên, Đinh Linh là nhà văn Việt? Sau cùng, Đinh Linh nên được xem là nhà văn Mỹ, Việt, hay Mỹ gốc Việt? Điều này có thể bàn cãi. Có điều, tôi tin tình trạng “mắc kẹt” giữa hai thế giới của Đinh Linh là một tình trạng thú vị, tuy không dễ dàng. Nó cho phép anh phản ánh hiện thực với con mắt đa chiều, vừa như người trong cuộc, vừa như kẻ ngoài lề. Đây là vị thế mà những nhà thơ khác, dù muốn hay không, sẽ khó có dịp trải nghiệm. Đinh Linh không thuộc hẳn thế giới nào, nhưng chính vì vậy, có thể anh sẽ tìm thấy nhiều tự do hơn.


Trích Xâm Mỹ của Đinh Linh
Phan Nhiên Hạo dịch

Made in USA

Aziz cạo đầu, chạm đục, lông mày dữ tợn
Sinh ở Iran, lớn lên ở Anh và Ðức
Mới gặp tôi nghĩ hắn là họa sĩ ác liệt
Gợi hứng bởi Bechman, Kirchner và mấy bợm khác.
Còn tôi cũng là tay vẽ siêu phàm.
Như bọn nhãi ranh chúng tôi tưởng mình sinh ra để trị.
Vẽ suốt đêm, bình minh danh vọng sẽ đến.

Ôi sự thôi thúc giận dữ ngọt ngào -
Không ngại một đời dây bẩn!
Hội họa, thông hành siêu hình chấp nhận khắp nơi.
Hội họa giải thoát đời tục, công sở sáng chiều.
Hội họa quyền lực, xuất thần, hủy diệt.

Trường hợp chúng tôi dĩ nhiên chẳng nước mẹ gì,
Ngoại trừ năng lượng điên khùng, thói khoái uống bia
Và khoái coca. Chỉ Aziz điên có giấy.
Thỉnh thoảng lên cơn thật sự hắn được đưa lên tầng chín
Bệnh viện Pennsylvania – cổ nhất nước Mỹ,
Do Ben Franklin thành lập 1751.

Ai nấy đinh ninh hắn khùng vì chơi ma túy,
Chỉ tôi biết thật lý do
Khi điên, Aziz lảm nhảm
Rằng hắn không phải Iran.
Rằng mũi hắn giả, thậm chí da hắn không thật,
Rằng hắn là thằng nhỏ Ðức tóc vàng bị cặp vợ chồng Iran bắt cóc.

Với Mỹ đen, Aziz nói, “Tao đen, như tụi mày”.
Với Mỹ trắng, Aziz nói, “Tao trắng, như tụi mày”.

Trong một cơn say điên, Aziz xâm vào trán: Made in USA.

(“Made In USA”, tr. 34)


Sống giữa các người

Năm tháng trôi qua, tôi học được
Một hai từ, có lẽ cả ngàn,
Dù về cú pháp, tôi phải thú nhận,
Cần được sửa lỗi.

Tôi có thể mù màu và ấm ớ,
Nhưng từ vị thế dưới tôi nhìn thấy mọi điều,
Lợi thế điểm nhìn từ sàn lót gạch,
Nơi tôi vờ ngủ.

Ðôi khi tôi muốn ngủ thật,
Nhưng chỉ cần tiếng động nhỏ
Một cuộc cãi vã say sưa từ xa,
Những sự tầm thường ngọt ngào thủ thỉ
Hay tiếng thằn lằn thở dài
Tôi sẽ thức giấc.

Tôi thấy kẻ sống lẫn chết.
Trò chuyện với tôi, vỗ đầu.
Họ ném cho tôi khúc xương tưởng tượng.
Dù khoái lang thang trần thế,
Họ luôn về nhà cũ ám buổi đêm,
Như vịt về chuồng.

Họ không ám ảnh cõi trần quá lâu
Vì lòng sợ hãi, thói quen, dịu dàng,
Tất cả cố gắng chống lại lãng quên,
Trước khi đồng thuận biến mất.

(“Living Among You People”, tr. 89)


Xa lộ xuyên bang

Xa lộ xuyên bang, hệ thống nhiều làn xe chạy
Mênh mông tiếp nối. Chẳng bao giờ
Bị cắt ngang, dù chỉ một lần, bởi đường nhỏ hơn.
Hành trình cuộc đời không cần dừng lại
Khi ta di chuyển trên lộ xuyên bang.
Sự vô tận này hiện thực và được chứng minh, biểu đồ
Thiên đàng (địa ngục) dành cho đám đông không lời.

(“The Interstate”, tr. 39)


9. 2005

© 2005 talawas




[1]Chau-Pech Ollier, Leakthina. “A Conversation with Linh Dinh”. Of Vietnam Indentities in Dialogue. New York: Palgrave, 2001. Tr. 160-161
[2]Chau-Pech Ollier, Leakthina. (bđd). Tr. 160
[3]Schultz, Susan M.: http://jacketmagazine.com/27/schu-linh.html
[4]Schultz, Susan M. (bđd).
[5]Chau-Pech Ollier, Leakthina. (nđd).Tr. 160