© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
8.9.2005
Châu Diên
Quyền lực của một cô gái
 
Một cô gái sắp tròn ba mươi tuổi không đang xoan mà sắp toan về già, một cô gái từ khi mười ba tuổi đã mang một bản án gắn với bệnh tim, lại có một lá tử vi ngớ ngẩn hạn định cuộc sống trần thế, khiến tâm hồn khó ngủ yên, ngày đêm chập chờn trạng thái Bóng đè [1] , một cô gái xinh xẻo cao ráo nói năng hiền hòa và lại theo đuổi cái nghề luật để được tập tranh tụng cứu giúp những tâm hồn không giết người nhưng bị can án giết người…, một cô gái như thế có quyền lực gì?

Nếu không muốn chết trong im lặng, lại muốn bộc lộ một quyền lực giời cho, cô gái thế ấy còn biết làm gì ngoài một tiếng kêu có tên gọi là hoạt động nghệ thuật? Cái công việc nói năng thủ thỉ với chính mình và với đời bằng những ẩn dụ để tìm đồng cảm? Trường hợp của Đỗ Hoàng Diệu và Bóng đè thực sự là một ca sáng tác văn học tự nhiên như con trẻ, như khi chúng nói chuyện một mình và như khi chúng nguệch ngoạc vẽ.

Nhà viết truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu không chủ bụng “phản ánh” một hiện thực nào cả. Nhưng chính vì kể truyện một cách tự nhiên, hồn nhiên, không có một nỗ lực nghệ thuật nào hết, nên thực tại cứ tự nhiên và hồn nhiên và không cần nỗ lực cứ thể nhảy vào các trang viết và tạo thành một quyền lực của cái cô gái trẻ đã tình cờ vào nghề viết văn xuôi này. Tính chất tự nhiên ấy thể hiện trong hai loại bố cục của các truyện ngắn trong tập sách của Đỗ Hoàng Diệu. Một kiểu bố cục là kể và kể theo dòng chảy tự nhiên của câu chuyện đang kể. Và một kiểu bố cục thứ hai là mở đầu bằng một hình tượng như là hoang dã như trên rừng đại ngàn, để rồi tiếp đó chuyển sang người thực của cuộc đời thực này. Như thể hành vi các nhân vật của Đỗ Hoàng Diệu dù là con người đương đại thì cũng cứ mang nặng chất hoang sơ vô thức.

Trong cả hai loại bố cục, những điều do Đỗ Hoàng Diệu kể cho mình nghe rồi nhân tiện gửi tới bạn đọc, những câu chuyện của cô gái thường trực tâm trạng bất hạnh giời đầy đọa mình từ tuổi nữ thập tam bao giờ cũng để lại những hình ảnh thảng thốt bóng đè, những ẩn dụ dễ đọc mà không dễ giải mã. Gây bất đồng như thế cũng lại là quyền lực của người viết văn, dù đó là một cô gái viết văn còn quá trẻ, miễn là nhà văn bẩm sinh đó không vô cảm. Vốn sống “cấm cung” trong gia đình, rồi “cấm cung” trong môi trường luật học, Đỗ Hoàng Diệu thu nhặt vật liệu và xây dựng nên các hình tượng mang thương hiệu riêng từ những tình cờ tự nhiên và hồn nhiên của mình. Những phương diện tâm lý học đối với người viết truyện ngắn xưa nay thường còn rất ít được khám phá. Còn quá ít người băn khoăn chuyện cái tứ thơ nào đã làm nảy sinh câu chuyện “bóng đè”? Quá ít người lùng sục để cố bắt quả tang sự hình thành một bài thơ hoặc một thiên truyện ngắn. Song ta hoàn toàn đoán biết cái bóng đè ấy chính là sự phản kháng của tác giả, một cô gái chưa từng có chồng nhưng ngấm ngầm chống lại chính mẹ đẻ mình trong tư cách một bà mẹ chồng. Ta còn thấy tác giả - cô gái sẽ có chồng này trong một nhân vật “giặc bên Ngô” là cô em chồng có tên là Thắm. Ta thấy Đỗ Hoàng Diệu một cách vô thức đã đứng về phe đàn bà chống lại những xét nét săm soi vô lý với các cô nàng dâu. Một nỗi đồng cảm của cô gái -tác giả đối với những thân phận đàn bà của những anh trai em trai mình, và đòi được yêu hơn thế nhiều.

Trong tập truyện ngắn này, “Vu quy” là một tác phẩm vô cùng mềm mại, yếu đuối, đầy bí ẩn nữ tính, cho thấy Đỗ Hoàng Diệu lãng mạn và dạt dào tình cảm, chứ không chỉ tập trung vào những khía cạnh gọi là tình dục. Đỗ Hoàng Diệu không phải là Vệ Tuệ cũng chẳng hề là Sagan, cũng chưa biết đến và cũng không cần biết đến cả Vệ Tuệ lẫn Sagan. Nhưng cả ba tác giả nữ này đều lại có một cách biểu đạt với bạn đọc gần gần như nhau, là cách nói bằng những ẩn dụ đậm đặc tính thân xác. Có ai thánh thiện đến độ chưa từng trải nghiệm những ức chế đau đớn ấy chứ? Dùng những đau đớn vì ức chế để diễn đạt thành ẩn dụ những ức chế đau đớn, thì có hại gì nhỉ?

Một nền văn học luôn luôn tiến lên nhờ hai kiểu người viết văn. Có những người được học để thành nhà văn, và có những người thành nhà văn trước khi được học. Nhưng trước sau, đó đều là những người tự nguyện nhận phần công việc nặng nhọc này cho mình gánh vác. Cả hai kiểu viết văn đều đáng quý vì đều viết như chơi một canh bạc mình đặt cuộc với riêng mình một chiếu. Song có những nhà văn cứ phải “nỗ lực” vì “sứ mệnh” của mình, trong khi có tác giả như Đỗ Hoàng Diệu lại viết thảnh thơi như người rong chơi, như trẻ con suốt ngày nhong nhong cây gậy tưởng tượng không bao giờ biết mệt. Đừng vặn vẹo em bé đang làm gì và ý nghĩa vì sao. Hỏi thế sẽ chỉ khiến em bé ấp úng.

Nhà văn thực thụ càng trưởng thành sẽ càng bớt ấp úng đi và sẽ nói được rành rọt hơn về cái món nợ đời, mặc dù sự rành rọt có khi lại làm hại sự trong trẻo. Nhưng giời cho đến đâu thì cứ có đến đấy đã. Trong trường hợp tác giả Bóng đè, cầu mong cho nữ tác giả đau tim bẩm sinh sẽ còn thêm nhiều trang bản thảo khác nữa, giúp mình và giúp đời thoát nợ.



[1]Đỗ Hoàng Diệu, Bóng đè, tập truyện ngắn, nhà xuất bản Đà Nẵng, 182 trang, giá bìa 25 ngàn VN đồng, nộp lưu chiểu quý III năm 2005.
Nguồn: Thể thao-Văn hoá ngày 02.9.2005. Bản đăng trên talawas có má»™t số bổ sung nhỏ của tác giả.