© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.2.2004
Vương Sóc, Lão Hiệp
Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê
Ðối thoại văn học
Vũ Công Hoan dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Phần VI
Truyền thống "Lừa đời cướp danh"


3.Tìm mưu lược từ trong "thuyết đen dầy" tàn khốc

Lão Hiệp: Anh đã xem Lão Tử chưa?

Vương Sóc: Tôi cũng chỉ lật qua. Toàn những chuyện như đạo chẳng phải đạo, hợp đạo hay không hợp đạo, vô cùng đạo...Thật ra tôi đã xem rồi, nhưng bây giờ chẳng còn nhớ được mấy, xem xong là quên. Trước kia cứ nghe nói Lão Tử, Lão Trang tôi cứ tưởng họ là một người họ Trang. Ví dụ như Lão Lưu, Lão Vương ấy mà, sau này mới biết đó là hai ông. Hai ông, có ông trước, có ông sau không nhỉ?

Lão Hiệp: Trang Tử có sau Lão Tử.

Vương Sóc: Tôi xem sơ qua, cũng nghe sơ qua, thì lý lẽ của Lão Tử là một thứ lý lẽ rất cởi mở, dạy người ta suy nghĩ thông thoáng một chút, đừng sống mệt mỏi. Lý lẽ của Trung Quốc, một ông Khổng Tử, một ông Lão Tử, một nho một đạo, nào là dạy người ta phải suy nghĩ thông thoáng, nào là xây dựng cho người ta nền nếp quy củ, nghĩ không thông thoáng thì đi xây dựng nền nếp quy củ, hoặc để người khác xây dựng nền nếp quy củ cho anh, nghĩ thông thoáng, thì cách xa người ta một chút, đứng riêng ra, không nhập bọn. Phàm những ai đã nhập bọn là nghĩ thông thoáng. Về cơ bản là những thứ như phải mà không phải. Tôi cảm thấy có khá nhiều người cũng không biết Lão Tử lắm, không biết ông ấy là thế nào, càng không biết ông ấy đã từng một dạo là thầy của Khổng Tử. Nhưng bọn họ đã nhắc đến Lão Tử trong văn chương, hay bảo một người nào đó có "phong cách của Lão Trang". Tôi luôn luôn không biết "phong cách Lão Trang" này nói cái gì. Có những người háu chơi thứ này, nào xuất thế, nào ẩn dật, rồi nói thái độ sống của ai đó, tác phẩm của ai đó có cái này. Theo tôi, thì phàm những cái gì tỏ ra có dáng vẻ văn hoá, khoe sách vở trong văn chương, đều là lối siểm nịnh. Tôi thật sự không hiểu Lão Trang. Tôi cảm thấy đó là tấm màn che của một số người. Lão Trang bị một số đông người biến thành tấm màn che, đạt không được mục đích liền dở chứng, bịt mắt bắt dê, tương tự như làm nũng, chẳng qua là để người ta tiếp tục coi trọng ông ta, nào là ba lần đến lều tranh, nào là tạo ra một vị cốt cách tiên, cốt cách đạo, xem xét con người bằng nửa con mắt. Về cơ bản tôi đánh giá Lão Tử là như thế.

Lão Hiệp: Nào là Trang Tử, nào là Thiền của Phật giáo, từ xưa đến nay luôn luôn là đền thờ đẹp của những kẻ học đòi phong nhã, các văn nhân trên con đường làm quan, mỗi khi bị vướng víu, thì nhất định không Lão Trang cũng Thiền Tông. Học đòi phong nhã của các danh sĩ có tài năng nhưng ngang tàng của thời kỳ Nguỵ Tấn, tuy có mặt chân thực phản kháng, trút xả, nhưng quá tiêu cực, mà trong củ tỉ vẫn bất mãn. Lỗ Tấn đã có những kiến giải sâu sắc đối với chuyện này từ lâu rồi. Thơ sơn thuỷ từ đó trở đi, từ Tạ Linh Vận đến Vương Duy, từ Tô Ðông Pha đến Chu Hy... chẳng qua là một thứ tô điểm, một sự điểm xuyết sau khi không được như ý mà thôi. Nghe nói vị thầy cao tay của Thiền Tông Trung Quốc không biết chữ, song đã lôi kéo được bao nhiêu người biết chữ như thế đi theo gây ầm ĩ. Nền văn hoá Trung Quốc chỉ có "nội nho ngoại pháp" là thật. Thuật cai trị là nho pháp bổ sung cho nhau, chứ không phải nho đạo bổ sung cho nhau như Lý Trạch Hậu nêu ra. Ðối ngoại thì giữ Nho, giữ lễ nghĩa, bắt người khác "Khắc kỷ phục lễ" (Tự kìm chế lòng riêng tư theo lễ nghĩa). Ðấu tranh quyền lực đối nội, thì toàn là cái lối của các nhà âm dương và pháp gia, thâm hiểm mà độc địa. Người trí thức Trung Quốc không phải tin thật cái gì sao? Nhà thơ người Mỹ Kingsbao tin Phật, rất thích Thiền Tông, ông nào đã từng đến Trung Quốc, muốn tìm được Thiền Chính Tông, khỏi cần nghĩ, chắc chắn là thất vọng ra về. Hoà Thượng, giáo sĩ, nhà thờ, đền chùa, tôn giáo hiện nay đều có cấp bậc hành chính. Tôi còn nhớ những năm 80 có một sự kiện, có thể nói rất rõ tín đồ của Trung Quốc là cái gì. Một đại pháp sư hơn 70 tuổi tên là gì nhỉ...

Vương Sóc: Pháp sư Hải Ðăng, cái ông Nhị chỉ Thiền ấy mà!

Lão Hiệp: Chính ông ấy. Một buổi tối liên hoan mừng xuân năm mới, đã đưa ông ấy lên đài truyền hình Trung ương làm khách mời, ông ấy cũng đã đến.

Vương Sóc: Ông Nhị chỉ Thiền phải không?

Lão Hiệp: Ông Ðại pháp sư này, nghe đâu mấy chục năm nay chưa xuống núi bao giờ, ông tu luyện tới mức cả sáu khí quan đều sạch sẽ trong trắng. Thật ra Ðài Trung ương này cũng quá quắt, có thể dựa vào mệnh lệnh hành chính để lôi ông ấy từ nơi rừng sâu núi thẳm đến chỗ đô thị ồn ào. Người ta đã tu luyện bao nhiêu năm trời trong núi sâu, tâm tình yên ả, chửa biết chừng lần này đã huỷ hoại việc tu hành cả một đời của ông. Ðêm liên hoan mừng xuân, thế tục biết chừng nào, tầm thường biết chừng nào, kích động tình cảm biết chừng nào, hấp dẫn lôi cuốn con người biết chừng nào. Màu sắc rực rỡ, nào hát nào nhảy, hở vai hở đùi. Không khí này chẳng phải cố tình lôi pháp sư xuống ao đó sao? Chắc chắn vị pháp sư này bị đẩy vào thế bất đắc dĩ, rất không muốn nhưng ông ấy hình như hào hứng lắm, cảm thấy mình được tiếp đón long trọng. Ông ấy đã làm ngay tại chỗ một bài thơ, thêm một chút mùi thơ của nhà Phật vào cái mâm chắp vá to đùng, tầm thường xấu xa, của Ðài này.

Vương Sóc: Nổi tiếng là được người ta biết đến, được chúng ta biết đến, được khen thành "Lão Trang". Tôi thấy đều không Lão Trang lắm. Lão Trang thật sự của chúng ta không biết. Tôi nghĩ có lẽ có một thứ ý nghĩ, phàm đã xuống núi thì thế nào đằng sau còn có một đám người đi theo khen ông ta đã siêu phàm thoát tục như thế nào. Loại người này chắc chắn không "Lão Trang" lắm đâu. ít nhất thì ông ta có mối quan hệ tốt với những kẻ học đòi phong nhã thế tục, người ta cảm thấy ông hoà thượng này cũng tốt, trong lòng cũng có ý nghĩ bắt mối làm quen.

Lão Hiệp: Anh đã đọc các sử sách như "Sử ký", "Tư trị thông giám" chưa?

Vương Sóc: Ðọc rồi. Hồi còn bé đọc "Sử ký", nhưng đọc không nhiều cũng không nhớ được bao nhiêu. "Tư trị thông giám", tôi đọc ba bốn quyển, có phần nhìn mà sợ. Tôi phát giác trong đó cũng đầy rẫy các thứ lý lẽ. Tôi phát hiện một số người viết sử của Trung Quốc cũng là những vị có tầm cỡ, dạy bảo người ta không biết mệt mỏi. Từ những câu chuyện thật lịch sử dẫn ra một số lời bình, đưa ra một số lý lẽ. Tôi sợ những quyển sách nói lý lẽ này, một khi nói lý lẽ là hai mắt tôi tối sầm, đọc không vào nữa. Hình như ngoài lý lẽ ra, người Trung Quốc không biết viết cái gì khác.

Lão Hiệp: Tiểu thuyểt của Trung Quốc cũng như vậy, sẵn sàng dạy bảo con người không biết mệt ở mọi lúc mọi nơi. Ðọc những tác phẩm có tên tuổi cổ điển và tiểu thuyết không nổi tiếng, thì bao giờ cũng có một đoạn nói lý lẽ ở mào đầu và kết thúc của mỗi chương, mỗi hồi, thường là dùng thơ nói lý lẽ, nào là có thơ viết rằng...

Vương Sóc: Việc lớn ở đời là tách lâu phải hợp, hợp lâu phải tách...Phần lớn đều có những lý lẽ hết sức cũ kỹ, hết sức tầm thường. Trong "Tư trị thông giám"có nhiều quyền thuật. Người nói đến quyền thuật sớm nhất, liệu có phải cũng bắt đầu từ chỗ Khổng Tử?

Lão Hiệp: Quyền thuật đến từ thuyết âm dương và thuật tung hoành của thời chiến quốc. Lão Tử là bậc đại sư thiết kế âm mưu của Trung Quốc. Ông ta đã cung cấp quy tắc chơi căn bản cho sự vận hành thao tác đen tối của nền chính trị Trung Quốc. Một số nhà tung hoành kia, vị quân vương nào chấp nhận ông ta thì ông ta phục vụ cho họ. Hôm nay đi nước Tề ngày mai đi nước Nguỵ, ông ta đi rao bán những lý lẽ của mình, ai chấp nhận thì bán cho người đó. Trên thực tế không chỉ có những nhà tung hoành, mà ngay đến Khổng Tử cũng đi chu du một loạt nước để rao bán lý lẽ, giống như những "quan chạy" thời bây giờ. Hay nói một cách khác, trạng thái tâm lý kẻ dưới trướng của những người trí thức hiện nay đã bắt đầu từ Khổng Tử. Ông ta đi chu du một loạt nước chẳng qua là để chạy vạy, kiếm một chút chức tước: Ông ta nói nhân nghĩa, nhưng đã được làm quan rồi thì cũng độc ác tàn nhẫn như thường, làm được mấy ngày Ðại tư Khấu thì giết luôn Thiếu Chính Mão. Thời bấy giờ cũng có một số quân vương thích "nuôi kẻ sĩ", nuôi một đống tướng trí thức trong nhà, giống như nuôi một bầy ngựa tốt. Kể từ thời đó, số phận của trí thức Trung Quốc đã định sẵn. Lối kỹ xảo du thuyết của những nhà tung hoành, đều được người đời sau kế thừa. Làm người là, cứ ai có sữa sẽ là mẹ. Hôm nay dựa vào chỗ này, ngày mai bám vào nơi kia, nào là niềm tin, nào là trung thành, chẳng làm gì có đâu. Ngày nay cũng như vậy.

Vương Sóc: Tôi cảm thấy ở Trung Quốc chúng ta những người chơi quyền thuật, vĩnh viễn không đổ, cũng không già.

Lão Hiệp: "Tư trị thông giám" là bộ từ điển lớn tập trung quyền thuật thời cổ. Nó là "Thuyết đen dày" tàn khốc lạnh lùng thời cổ. Tính hấp dẫn của nó không phải ở mấy điều lý lẽ cổ hủ mà Tư Mã Quang rút ra từ sự thật lịch sử, mà là sự đen tối, mưu mô và bạo lực của nền chính trị truyền thống ở Trung Quốc. Kẻ nào đen tối, độc địa, vô liêm sỉ, thì kẻ đó chắc chắn diệt được kẻ thù chính trị, nắm độc quyền lớn trong tay. Ðúng là không kể họ hàng thân thích, chỉ cần gây trở ngại đến việc đoạt quyền, thì dù cho có yêu mến đến mấy cũng tiêu diệt cho bằng hết. Trí tuệ này có một phần rất lớn được đúc rút từ Lão Tử và pháp gia mà có. Lão Tử là một nhà âm mưu. Lý lẽ của ông ta là từ bản thể luận tự nhiên đến thuật giấu tài luân lý, rồi đến mưu quyền chính trị, cái gọi là lấy nhu thắng cương, lấy âm thắng dương, lấy bất biến ứng vạn biến, có vô tư mới có được tư lớn v.v... không có chỗ nào là không toát lên sự xảo trá của trí tuệ, những cái này trong 24 pho sử nhiều lắm. Hàn Tín chịu nhục chui qua háng, cuối cùng làm nên nghiệp lớn, là một ví dụ điển hình. Từ nhà trường đến gia đình, những người lớn ai cũng thích đem thuật giấu tài của Hàn Tín ra dạy con cháu. Dạy bảo con người ta, để đạt mục đích phải biết không từ một thủ đoạn nào, thậm chí vứt bỏ sự tôn nghiêm của con người. Nếu bạn là một con người, một con người có tôn nghiêm, thì tại sao bạn lại có thể vì quyền lợi nhất thời mà cam chịu nhục chui qua háng. Dùng phương thức này để thành đạt trong tương lai thì coi như bảo với bạn muốn người trên người, thì phải không coi mình là người, và người dưới người thì cũng không phải là người. Tranh quyền thái giám trong lịch sử Trung Quốc, là thứ mưu lược Hàn Tín được chế độ hoá. Cuối cùng biến thành không phải cung đình dứt khoát phải thiến bằng được ai, mà là nhiều người tự thiến mình để tranh được vào cung. Trong sách sử của chúng ta, hễ cứ động vào là nhắc đến cuộc đấu tranh giữa các tập đoàn hoạn quan và tập đoàn quan văn thì phần lớn đều đổ tội ác lên thân hoạn quan thường nói nền văn hoá Trung Quốc bị huỷ hoại trong tay hoạn quan. Ðiều này không công bằng. Một là hoạn quan là con đẻ của chế độ quân chủ; hai là, về chính nghĩa và đạo đức thì tập đoàn quan văn cũng hoàn toàn không cao hơn tập đoàn hoạn quan bao nhiêu, chẳng qua chỉ là kẻ đi năm mươi bước cười người đi một trăm bước. Mức tàn khốc và đẫm máu trong đấu tranh ở cung đình, không phải vì đã nuôi một lũ tiểu nhân, mà là vì cái chế độ này chỉ có thể dựa vào nền chính trị mưu mô và đẫm máu để chèo chống. Quan hoạn chỉnh quan văn cay độc, quan văn được thể chỉnh quan hoạn cũng mà hoàn toàn không thương xót chút nào, thậm chí còn cay độc hơn quan hoạn. Truyện này không phải một ông vua nào đó hoặc một tập đoàn nào đó quyết định, mà là bản thân chế độ quyết định.

Vương Sóc: Vậy thì, tôi cảm thấy ở Trung Quốc có những văn nhân cũng học được rất nhiều kỹ xảo sinh tồn của tổ tiên cụ kỵ. Chơi tới mức, xã hội không còn ra xã hội, con người không còn ra con người. Anh cảm thấy thế nào?

Lão Hiệp: Ðúng là bọn họ đã học trò này trong thuyết sách lược dân sinh và thuyết chính trị âm mưu. Hai thuyết này cộng lại thành "thuyết đen dầy". Từ trong "thuyết đen dầy" họ đã học được một lối sống, mà hạt nhân của nó là nhìn người sắp đĩa, nhìn hướng gió nói chuyện. Ðể đạt mục đích, bất chấp mọi thủ đoạn, hơn nữa thường coi mục đích của bản thân là thứ rất cao thượng.

Ví dụ: Trên người ông Vương Mông cái này hết sức rõ nét. Mấy năm trước, bởi tác phẩm "Cháo muôn thuở" của ông ấy, mà trong giới trí thức đã nổi cơn sóng lớn. Có người đăng bài nói tiểu thuyết "Cháo muôn thuở" của Vương Mông ám chỉ tổng thiết kế sư v.v... Vương Mông đã đứng lên, lấy pháp luật làm vũ khí bảo vệ danh dự, quyền lợi và tiền đồ chính trị của mình. Truyện này rất hay, đầu tiên sau khi biết tin tôi phấn khởi lắm, cuối cùng đã có một nhà văn có tiếng tăm, không phải dùng phương thức bút chiến, mà là dùng phương thức cuả pháp luật bảo vệ bản thân. Nêu cao chính nghĩa xã hội, nêu một gương sáng cho người trí thức khác từ nay về sau làm thế nào vừa bảo vệ được mình, vừa bảo vệ công bằng xã hội khi bị những đòn tấn công có lẽ có, hay thậm chí cố tình công kích một cách độc ác. Nhưng đột nhiên có một hôm, Vương Mông cho đăng một loạt các bức thư, trong đó có một bức thư của ông Mã Lạp Tẩm Phu, cầm đầu giới văn nghệ mới được bổ nhiệm thời đó gửi Vương Mông.Thời bấy giờ ông Vương Mông như mặt trời ban trưa, đang ở chức Bộ trưởng Bộ văn hoá. Mã Lạp Tẩm Phu lúc ấy không có việc gì làm, nội dung bức thư nói là hình như ông còn làm được việc, xin Vương Mông bố trí cho ông một vị trí, một bức thư giọng khiêm tốn kiểu quyết tâm thư, có người gọi bức thư đó là "thư bày tỏ lòng trung thành". Theo tôi không có liên quan đến bày tỏ lòng trung thành, cũng là thói giấu tài quen dùng của người Trung Quốc mà thôi. Ông Vương Mông đăng bức thư này rõ ràng là để chơi xỏ Mã Lạp Tẩm Phu, nhưng đây là thư cá nhân, thư riêng, khi chưa được người viết thư đồng ý, hoặc uỷ quyền thì không được đăng công khai, người nhận thư có thể đốt hoặc giữ lại, nhưng không được công khai. Ðây là thường thức về pháp luật. Song ông Vương Mông mặc kệ, ông ấy cho rằng, tiểu nhân đành phải dùng cách của tiểu nhân để đối phó, lưu manh đành phải trả lời bằng lưu manh. Hình như ông ấy không rõ, lấy lưu manh đối xử với với lưu manh, chỉ có thể mọi người càng lưu manh. Như vậy có thể trút bỏ ân oán cá nhân, nhưng không có lợi cho trật tự và chính nghĩa xã hội. Ðúng như kết quả lấy bạo lực thay bạo lực vẫn là bạo lực. Hình như chúng ta vĩnh viễn khôn thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn xấu xa này. Nên ông Vương Mông vẫn có thể làm như vậy; Trước đó ông đã biết vận dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình và chính nghĩa xã hội một cách danh chính ngôn thuận. Về sau ông lại biết xuất hiện bằng hoá thân chính nghĩa, không đếm xỉa đến thường thức pháp luật tối thiểu, dở chước đen tối. Ông ta dùng thủ pháp lưu manh đối xử với lưu manh, để trả thù một người nào đó có hại đối với ông. Hơn nữa, tôi cho rằng chuyện không công bằng này là cách làm của Vương Mông, cũng là tâm lý chung của đông đảo văn nhân.

Sau khi công bố bức thư của Vương Mông, nhiều văn nhân đã vỗ tay khoái chí. Cảm thấy bộ mặt phái tả sừng sỏ của con người Mã Lạp Tẩm Phu chuyên môn chỉnh người ấy phen này chết hẳn, một đám người bị ức chế thời bấy giờ đã mượn thủ đoạn vặt vãnh của Vương Mông để nhả hơi độc, thở phào nhẹ nhõm. Tôi cảm thấy bọn họ đã vỗ tay hoan hô đối với cách làm của Vương Mông, đã tỏ ra vui sướng một cách hết sức đã đời. Thực ra đây chỉ là sự phát tiết ân oán cá nhân là cuộc sống mái với nhau giữa các Bang xanh đỏ của Văn đàn, hoàn toàn không liên quan đến công ích xã hội, như xây dựng pháp chế, chống cực tả và cải cách dân chủ. Có những người trí thức, ngay từ đầu đã giẫm lên công bằng chính trực. Bọn họ chỉ quan tâm đến lợi ích của cá nhân và phe cánh, ngay đến tư cách chính nghĩa xã hội tối thiểu, bọn họ cũng không có. Nếu nói Vương Mông bị hạ bệ vào đầu những năm 90, đã đi giật lùi thì vẫn còn có chút ít lương tri. Ít nhất, số phận của ông ấy cũng đáng được đồng tình, nhưng qua việc làm này của ông ấy, tôi không thấy lương tri của ông ấy ở đâu. Tôi coi số phận rủi ro của ông ấy và cách thao tác nhuần nhuyễn mưu mẹo vặt này là những biểu hiện khác nhau của một thứ sách lược sinh tồn, kỹ xảo sinh tồn thông minh tuyệt đỉnh, tuỳ chỗ tuỳ nơi, tuỳ người mà khác. Song, trong đó hoàn toàn không có tim gan.

Vương Sóc: Trong những bức thư ấy, hình như có một loạt hào kiệt trên văn đàn, hình như ông Tạ Miện có một bức thì phải.

Lão Hiệp: Vương Mông là con người có mưu lược. Ông ấy định chơi khăm Mã Lạp Tẩm Phu song lại không để bị lộ tẩy, đã để thư của ông kia, lẫn trong đống tướng những bức thư khác đem công bố ý nói Mã Lạp Tẩm Phu viết thu bày tỏ lòng trung thành với Bộ trưởng văn hoá, các thư của người khác cũng chẳng hay ho gì. Ngoài những bức thư của các bậc tiền bối lão thành, đức cao vọng trọng như Băng Tâm không có lời xiểm, nịnh ra, những bức thư còn lại, gần như bức thư nào cũng có. Tương đối tởm lợm là thư của Hứa Tử Ðông ở Thượng Hải và Tạ Miện giáo sư Trường Ðại học Bắc Kinh. Hứa Tử Ðông có tên tuổi bởi là một trong ba người bàn về văn học đương đại Trung Quốc. Trong thư của ông này đã nói đến tiểu thuyết "Hoạt động thay đổi hình người" của Vương Mông. Nói nhiều người đọc và hiểu về cuốn tiểu thuyết này đều chưa nhận xét đủ độ Hứa Tử Ðông tôi phải bình luận lại nhưng họ đều chưa khai thác hết nội hàm sâu sắc của nó. Dù sao thì câu chuyện cũng tỏ ra hết sức giật gân. Tạ Miện lại càng quá quắt. Lúc bấy giờ Vương Mông đã từng đăng thơ trên tạp chí "Văn học nhân dân", dài lắm. Tạ Miện làm công việc phê bình thơ ca mà nên cơ đồ, là quật khởi số một trong "ba quật khởi" phê phán khi tẩy rửa ô uế trong năm 83. Dù sao thì ông ấy cũng là giáo sư, tiến sĩ của trường Ðại học Bắc Kinh. Người có thẩm quyền đang lên như diều của giới lý luận thơ ca Trung Quốc đã từng bao nhiêu năm nay làm công tác nghiên cứu thơ ca, chắc chắn đã đọc không ít thơ phú. Song đã viết trong thư: Ngài Bộ trưởng Vương Mông không chỉ viết tiểu thuyết rất hay, mà thơ cũng hay... Nói thế chẳng phải là nói láo nói bừa hay sao? Bất cứ người nào có đôi chút hiểu biết về thơ xem những bài thơ ấy của Vương Mông cũng không cảm thấy hay, thế mà một giáo sư, tiến sĩ, một người có thẩm quyền lý luận như ông Tạ Miện lại có thể trơ tráo cố ý nhận xét đó là thơ hay được ư? Nếu đó cũng là thơ hay, thì là người nghiên cứu thơ ca chuyên nghiệp, ông đặt thơ ca Trung Quốc vào chỗ nào? Lại xem xét từ góc độ danh dự học thuật, ông đặt danh dự của giáo sư, tiến sĩ thuộc trường Ðại học Bắc Kinh có tiếng tăm này vào chỗ nào? Xem xét từ góc độ làm người, ông đã ngần ấy tuổi đầu, cũng đã nếm trải nhiều sóng gió cuộc đời, ông lại đặt sự tôn nghiêm của bản thân vào đâu? Xem bức thư ấy, anh sẽ biết tiêu chuẩn thẩm mỹ của một con người có thẩm quyền lý luận thơ ca như ông ta là gì. Không phải là tiêu chuẩn mỹ học tiêu chuẩn tri thức, tiêu chuẩn học thuật gì đâu, mà là tiêu chuẩn địa vị của con người, tiêu chuẩn quyền lực và tiêu chuẩn nổi tiếng. Những người như Hứa Tử Ðông, Tạ Miện đều là người của phái Học viện, lối xiểm nịnh đối với quyền lực này của họ là chuyện thường tình của một số người thuộc giới trí thức Trung Quốc. Học thuật đã biến thành quyền thuật, đằng sau quyền thuật, là kỹ sảo làm người, là sách lược sống ở đời. Thứ học vấn của phái học viện như vậy, thì làm sao có thể là học thuật được, làm sao có thể lấy được lòng tin của công chúng?



Phần VII
Văn hoá hiện đại không hồn


1. Ai trụ vững trong lịch sử văn học

Vương Sóc: Nghĩ thoáng qua thì nền văn hoá Trung Quốc rực rỡ đấy, phong phú đấy, uyên thâm sâu xa lâu dài đẩy. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì có những ai, chẳng có ai cả. Cứ nói đến văn học hiện đại thử xem. Tôi nghĩ văn học hiện đại thì những nhà văn được nhận xét bình luận trong giảng đường trường Ðại học cũng chỉ có Lỗ Tấn là hơn cả, những vị còn lại cũng chỉ một hai tác phẩm mà thôi, Thẩm Tòng Văn sau này còn được. Anh thử nói thứ tự sắp xếp ấy xem nào, Lỗ Quách Mao, Ba Lão Tào. Ba người này ở trước chỉ có Lỗ Tấn, ở sau thì Tào Ngu còn được, "Lôi Vũ" hơi kém, "Người Bắc Kinh" và "Nguyên dã" đúng là còn được. "Nguyên dã" quả thật đã cho tôi một bài học giai cấp. Tôi vốn cứ tưởng địa chủ đối lập với nông dân. Có thể lúc đó, tôi chưa có quan điểm đấu tranh giai cấp mà mình tiếp thu sau này. Lúc đó địa chủ và bà còn nông dân đều là mối quan hệ bố nuôi, mẹ nuôi, đây mới là tình hình chân thực của nông thôn Trung Quốc cũ. Những năm ba mươi bốn mươi Lão Xá có một ít tác phẩm hay, còn những năm năm mươi thì viết mò, trình độ của họ cũng không hơn nhà văn giỏi thông thường. Một nhà văn muốn có chỗ đứng, thì cũng phải có một hai tác phẩm chứ. Thật ra viết được một hai tác phẩm hay cũng không đặc biệt khó và nhờ vào một hai tác phẩm hay là đi vào lịch sử văn học hiện đại được thôi. Thật ra lịch sử văn học hiện đại cũng không hay ho vì đã kéo vào không ít những kẻ vô công rồi nghề; những người bỏ đi. Song đã loại ra rất nhiều nhà văn nghiêm chỉnh, kể cả những người như Trương Ái Linh cũng bị gạt ra.

Lão Hiệp: Lịch sử văn học hiện đại có thể không có Mao Thuẫn, song không thể không có Trương Ái Linh.

Vương Sóc: Hiện giờ các đại gia đều đang sửa lịch sử, đòi bỏ đi viết lại. Nhưng tôi cũng không tin vào các sử gia đó. Tôi cảm thấy họ đều mang những thiên kiến rất lớn trong khi sửa lại lịch sử. Vị giáo sư xếp ngôi thứ các nhà văn kia, đã xếp Kim Dung ở vị trí số 4, thì làm sao tin phục nổi? Hay nghe nói, gần đây nhất ông này đã viết một cuốn lịch sử văn học, tuy chưa được xem, nhưng với kinh nghiệm đọc sử trước kia, với môi trường và không khí hiện nay, tôi không tin ông sẽ viết chân thực, chắc chắn sẽ gài thành kiến cá nhân của mình vào trong đó.

Lão Hiệp: Vậy là vài năm nay, cái thứ "sử " này đã là ước chú của hình thái ý thức. Làm sử đã thành lối mòn. ở đại học, học "Lịch sử văn học Trung Quốc" do Du Quốc Ân chủ biên, "Lịch sử văn học hiện đại" do Vương Dao chủ biên, chẳng qua là chỉ ba mảng lớn bối cảnh thời đại, tư tưởng chủ đề và đặc trưng nghệ thuật. Bây giờ, sửa lại lịch sử, phải chăng là thay đổi một phương pháp ngoại nhập, phương pháp nào mốt, thì dùng phương pháp ấy, ví dụ dùng phương pháp phân tích văn bản một lượt từ đầu.

Vương Sóc: Liệu có phải bây giờ họ đã tỏ ra xấu hổ khi dùng lại phương pháp xếp ai tiến bộ, ai lạc hậu để viết sử đó chăng?

Lão Hiệp: Trên thực tế, cho đến giờ vẫn chưa có một cuốn văn sử triết hiện đại Trung Quốc làm người ta hài lòng. Chúng ta chưa có nhà lý luận và nhà sử học giỏi. Nền giáo dục của người Trung Quốc, điều quan trọng nhất vẫn không phải là đại học, mà là trung học và tiểu học, đặc biệt là sách khoa văn. Mấy bài chọn vào sách giáo khoa Ngữ Văn thì ngay từ bé đã làm hỏng khẩu vị của học sinh, bồi dưỡng học sinh thành không biết thế nào là cái hay cái tốt. Lại còn một bộ phương pháp làm văn giảng dạy ở Trung Quốc nữa, những thứ phân loại, văn nghị luận viết thế nào, văn kể chuyện viết thế nào v.v... học sinh không biết viết ra làm sao, chẳng khác nào văn bát cổ thi cử ngày xưa. Những thứ này, dù là văn bát cổ ngày xưa, văn bát cổ ngày nay, hay là văn bát cổ tây cũng vậy, xem xét từ gốc rễ đều như nhau: Bóp nghẹt sức sáng tạo của các em. ở trường đại học hiện nay có khá hơn, mức độ tự do trong giảng bài đã mới hơn, học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Chế độ thi cử ở các trường đại học và cao đẳng đã buộc học sinh trung, tiểu học đi vào con đường nhỏ duy nhất của tư duy bát cổ, không được đứng sang bên, càng không được lùi lại. Ngoài việc đi theo lối chật hẹp này, thì bốn chung quanh đều là dốc cao vách đứng, toàn là vực thẳm. Lớp học sinh trong "cách mạng văn hoá", được cái phải bỏ học, nên thiên tính của trẻ nhỏ còn dễ chịu hơn, lớp thanh niên trí thức lên núi về làng còn được đánh bạn với cái cuốc, mảnh ruộng, cái hồ, con trâu, con lợn, con chó... với những thứ có mạng sống. Trẻ nhỏ bây giờ, bắt đầu từ lúc vào học, những thứ học được dường như không có liên quan đến sinh mạng sống, toàn là những thứ chết cứng nhồi nhét từ bên ngoài.

Vương Sóc: Theo anh nói, thì lối thoát duy nhất, lối tránh xa người chết, là không đi học.

Lão Hiệp: Ở nước ngoài tôi có một cảm giác đặc biệt mạnh mẽ. Người ta quan tâm đến những thứ sống, quan tâm đến sự nhảy nhót của mạng sống. Cõ lẽ họ không đọc được mấy sách, nhưng ngày nào họ cũng vô tình nghe nhìn, cảm giác thấy, đang lặng lẽ đào tạo nuôi dưỡng ra sự mẫn cảm và quan tâm đối với sinh mạng sống. Ðây là một thứ có tính thẩm thấu, mưa dầm thấm lâu, ngày nào cũng rót vào tai, nhuộm vào mắt, nếu chỉ dựa vào đọc sách không thể bồi dưỡng nổi. Một hôm tôi cùng một người nước ngoài đi xem phim "Tiêu Dụ Lục", chị ấy tỏ ra quan tâm đến điện ảnh Trung Quốc. Trong đó có màn kịch, sự phản ứng của chị vừa khiến tôi hết sức ngạc nhiên, vừa đặc biệt đáng yêu. Một ông già ốm nặng nằm trên giường, con trai ông bàn bạc làm thế nào, kết quả là họ đi đến quyết định tìm bí thư Tiêu Dụ Lục. Xem đến đây người bạn nước ngoài này đứng vọt dậy, nói bô bô: người sắp chết đến nơi rồi, nên đi tìm thầy thuốc, chứ tìm bí thư Tiêu Dụ Lục để làm gì. Bí thư huyện uỷ chữa được bệnh ư? Bộ phim này sao lại quay thế nhỉ? Ngay đến kiến thức thông thường cũng không có. Còn một cảnh khác, vợ ông Tiêu Dụ Lục cần đi mua một ít thịt, giữa đường bị chồng lôi về, ông bảo bây giờ đang là thời kỳ khó khăn, mọi người còn đang đói bụng thì mình không được ăn thịt. Sau khi về nhà ngồi ăn cơm, con của ông bà Tiêu Dụ Lục không muốn ăn bánh bao cao lương, cứ khóc đòi ăn vạ. Ông Tiêu Dụ Lục đã đánh con, sau đó bắt cả nhà ngồi quây quần quanh mâm cơm. Người bạn nước ngoài ấy xem rồi bảo, sao lại tàn nhẫn với con mình như thế. Bí thư Tiêu Dụ Lục muốn vì nhân dân, muốn làm tín đồ trong sạch, muốn làm quan thanh liêm, muốn có nhân cách thần thánh, thì đó là việc của bản thân ông ấy. Ông không có quyền đòi hỏi vợ con ông cùng hy sinh với ông. Màn kịch gia đình, màn kịch ăn cơm ấy, cuối cùng đã biến thành những pha: bí thư Tiêu Dụ Lục ngồi ngay ngắn, nét mặt nặng chình chịch, giảng đạo lý, những đạo lý to tát của Nhà nước và nhân dân. Cảnh này đâu có phải bữa ăn trong gia đình, mà rõ ràng là đang họp hội nghị thường vụ huyện uỷ. Vợ và các con không phải đang nghe người chồng người cha tâm sự, mà là đang nghe bí thứ huyện uỷ dạy bảo đấy chứ.

Vương Sóc: Hồi chúng mình bé, đều không có cái gì thật sự là tình yêu của bố mẹ, của gia đình ấm cúng. Con người càng lớn càng cảm thấy lúc còn bé, các bậc cha mẹ đều bận mải làm cách mạng. Số không cha không mẹ như kiểu chúng tôi đông lắm.

Lão Hiệp: Môi trường sinh ra và lớn lên của chúng ta từ nhỏ đã xấu quá, không có muối, rót cho anh đầy một bụng nước. Sau đó đột nhiên quẳng anh vào trong dòng chảy ham muốn vật chất lừng lững, ai chống đỡ nổi sự mê hoặc ấy cơ chứ?

Vương Sóc: Con người lớn lên trong sa mạc màu đỏ, săn bắn cái gì cũng tham lam và hung hăng hơn sói đói.

Lão Hiệp: Trở lại nói văn học hiện đại, những nhân vật bậc thầy đã khẳng định trong lịch sử văn học như Mao Thuẫn, Ba Kim, Quách Mạt Nhược, Băng Tâm, Ðinh Linh v.v.... xét từ góc độ ngôn ngữ thì kém xa Tiêu Hồng, Trương Ái Linh, Thẩm Tòng Văn. Ðặc biệt là Băng Tâm và Ðinh Linh trong số nhà văn nữ, họ đều bắt đầu mô phỏng phương Tây, từ hành văn đến tư tưởng tình cảm, sau đó sự bắt chước này cứ lặp đi lặp lại trong tiểu thuyết thành thị ở Thượng Hải thuộc những năm bốn mươi và trong tiểu thuyết của Lưu Sách Lạp, Từ Tinh, Mã Nguyên và Dư Hoa trong những năm tám mươi.

Vương Sóc: Tiểu thuyết của Băng Tâm thời ấy đều được những ai xem, cũng là thanh niên có phải không?

Lão Hiệp: Băng Tâm mới đầu xuất hiện với tư cách "tiểu thuyết vấn đề" xã hội. Sau đó chịu ảnh hưởng của Tagore, bà chuyển sang viết cho thiếu nhi "gửi đọc giả nhỏ".

Vương Sóc: Loạt người này của văn học hiện đại, anh cảm thấy ai còn có thể đứng vững được?

Lão Hiệp: Lịch sử văn học hiện đại, ngoài Lỗ Tấn ra, không còn bậc thầy nữa. Có một vài người thi thoảng có một ít tác phẩm, song về toàn bộ thì đúng là không có thứ gì?

Vương Sóc: Anh cảm thấy văn học Trung Quốc làm không nên chuyện là do nguyên gì?

Lão Hiệp: Vấn đề ngôn ngữ. Thời kỳ "ngũ tứ" là thời kỳ khởi sáng văn bạch thoại. Lúc đó, mặc dù người ta viết gì, chỉ cần dùng văn bạch thoại Mọi thứ đều sáng tạo ra một phương thức ngôn ngữ mới. Họ đã may mắn được sáng tạo một cách không hề cấm kỵ, mỗi loại thử nghiệm đêù có ý nghĩa. Ngay cả bài thử nghiệm mà chủ trương la tinh hoá hán ngữ của những người như Tiền Huyền Ðồng cũng có ý nghĩa. Sau thời kỳ khai sáng, đã hình thành mấy mô thức ngôn ngữ. Hồ Thích đã đại diện cho lối viết nhàn nhạt, bình tĩnh. Phong cách ngôn ngữ của ông, viết tác phẩm văn học không được, y như thơ hò vè, song đã góp công phổ cập quan điểm mới. Còn có phong cách ngôn ngữ mạnh mẽ nói toang ra, của những người như Trần Ðộc Tú, Lý Ðại Chiêu, "Thái dương xã" sau này đều là ngôn ngữ loại đó. Ví dụ, văn chương như của Quách Mạt Nhược là điển hình hơn cả. Loại ngôn ngữ hò hét nói toạc móng heo ra này, về sau ghép nối với ngôn ngữ của khẩu hiệu cách mạng đã hình thành ngôn ngữ đại trữ tình kiểu Lưu Bạch Vũ, Dương Sóc và Nguỵ Nguy. Loại đại trữ tình khoa trương này đã từng là âm điệu chính của thời kỳ khai sáng nền văn học thời kỳ mới. Lại còn có những người như Chu Tác Nhân kế thừa văn tiểu phẩm Minh Thanh, du ký sơn thuỷ cổ đại, thơ sơn thuỷ, hay ngôn ngữ kiểu mỹ văn của phái uyển chuyển hàm súc trong từ Tống. Tản văn của Chu Tự Thanh, tuỳ bút của Lâm Ngữ Ðường, những tác phẩm của "phái trăng mới", tiểu thuyết của Thẩm Tòng Văn đều là của lối này. Loại ngôn ngữ ấy hầu như bị tiêu diệt ở nửa sau của thế kỷ này, song đã lan tràn trở lại trong nền văn học thời kỳ mới. Còn một loại ngôn ngữ của những người khác là thể văn phiên dịch như Băng Tâm, Ðinh Linh, Thi Tồn Triết ở Thượng Hải những năm bốn mươi. Mục Thời Anh và một loạt nhà văn khác, Ba Kim, Mao Thuẫn, những người được tôn thành bậc thầy lớn như vậy, thì hoàn toàn không có ngôn ngữ, xét từ góc độ ngôn ngữ, cống hiến của các ông trong nền văn học lèo tèo mờ nhạt, giá trị sách của các ông chỉ có thể làm tài liệu để nghiên cứu xã hội học, tư liệu lịch sử tư tưởng. Hai nhà văn nữ Tiêu Hồng và Trương ái Linh là những người có ngôn ngữ văn học trời cho hiếm có trên lịch sử văn học hiện đại. Hai bà hoàn toàn sáng tác bằng những thứ của bản thân đàn bà, bằng ngôn ngữ trong tử cung. Họ là người thế nào, thì có thứ ngôn ngữ như thế. Trên người Trương Ái Linh còn có dấu vết của di truyền gia tộc. Tiêu Hồng thì sáng tác một cách không có nơi nương tựa, hoàn toàn nhờ vào thiên tài của bản thân bà, ngôn ngữ của bà cũng có chút mùi vị của mỹ văn, của những bài văn hay.
Phong cách ngôn ngữ ấy đều đã để lại dấu vết trong văn nhân sau này, đặc biệt là thứ ngôn ngữ nói toáng lên, ngôn ngữ của mỹ văn và ngôn ngữ của thể văn phiên dịch. Ngôn ngữ duy nhất không thể bắt chước là ngôn ngữ của Lỗ Tấn, loại ngôn ngữ vừa tối vừa lạnh vừa chìm vừa nóng vừa sắc bén vừa hóm hỉnh. Chỗ có một không hai của Lỗ Tấn vừa là ở chiều sâu tư tưởng, ở thái độ tư thế đấu sĩ, vừa là ở ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ của ông có không khí u ám ma quỷ của Lý Hạ, nhà thơ đời Ðường. Lý Hạ chết quá sớm. Thơ của ông đã không có bộ mặt đạo đức văn dĩ tải đạo, cũng không có tình điệu nỉ non "Thi dĩ trữ tình", hoàn toàn khác với các nhà thơ khác, cũng không hề tương tự với những câu chuyện ma trong "Liêu Trai". Thơ của Lý Hạ làm cho con người nghĩ đến "Sơn Trang gào thét", thơ của nhà thơ nước Mỹ Emily Dickinson, cảm thấy màu đen nước độc trong địa ngục.

Vương Sóc: Loại hình này của ông dường như rất hiếm trong các nhà thơ Trung Quốc.

Lão Hiệp: Ðúng. Loại nhà thơ này rất hiếm. Văn nhân hiện đại Trung Quốc có một số bị những bài văn hay truyền thống làm cho lúng túng không biết thế nào mà lần. Anh đã đọc tác phẩm của Lâm Ngữ Ðường chưa? Bài "Nước ta dân ta" ấy mà?

Vương Sóc: Chưa đọc bài ấy, chỉ đọc song hai tập tạp văn của ông ấy, toàn là tuỳ bút.

Lão Hiệp: Anh có cảm giác như thế nào đối với tác phẩm của ông ấy?

Vương Sóc: Tôi vốn cảm thấy Lỗ Tấn hết sức độc đáo, sau khi đọc, tôi phát hiện họ có một vài giọng điệu chung. Dường như Lâm Ngư Ðường còn "ranh" hơn Lỗ Tấn một chút, nhưng có một vài bài cũng hết sức chua ngoa. Thái độ phủ định đối với văn hoá truyền thống của hai ông tương đối nhất trí. Hai ông đều cảm thấy văn hoá truyền thống không ra sao. Lâm Ngữ Ðường không mạnh mẽ quyết liệt bằng Lỗ Tấn, ông khôn hơn, cứ nói vòng nói vèo.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ Trường Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002