© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
9.9.2005
Lý Đợi
Nghĩ lại hai chữ Xăm Mỹ - American Tatts - của Đinh Linh
Bài viết này, hiển nhiên rồi, là một cách nhìn khác với bài viết vừa đăng trên talawas ngày 6.9.2005
 
1.

Xăm có thể được hiểu là quẻ xin ở đền chùa miếu khám… để biết tương lai, theo cách gọi của dân gian, đó là tin xăm. Cũng có thể được hiểu là lưới chặt mắt, lưới mau mắt dùng để bắt tôm tép nhỏ, thả xăm ở ao là một ví dụ. Và cũng có thể được hiểu là cách châm bằng mũi nhọn vào vỏ ngoài để bớt chất cay, chất đắng, xăm gừng chẳng hạn. Hoặc có thể là xăm xăm, một từ láy diễn tả hành động vừa nói vừa đi nhanh và thẳng mạch, trong Kiều có câu: Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang… Hay có khi là xăm xỉa, một lối nói xỏ xiên, châm biếm, như câu: Nhà thơ kia thích lối xăm xỉa. Và còn rất nhiều, rất nhiều ngữ ngôn, tầng nghĩa và cách hiểu nữa. Như trường hợp những người bình dân, buôn bán-giang hồ vỉa hè tại Việt Nam, mà cụ thể là Sài Gòn, không quen dùng sách vở, từ điển hay luật chính tả thì thường phát âm xăm thành ra xâm, và khi cần viết lên tường, hay chửi thề với nhau, sẵn sàng chơi câu: Mày đừng chơi xâm mình với tao nhé!

Tôi không biết Đinh Linh trong trường hợp của tập thơ này [trong ý ngầm], dùng từ xăm ở nghĩa nào. Thôi thì, với vai trò người đọc, tôi nghĩ Xăm Mỹ cũng giống như tục xăm mình của người Việt cổ; nghĩa là dùng kim châm màu vào da để tạo ra mảng xăm gồm những hoa văn, hình thù,… kỹ thuật này thì ngày nay không cần phải giải thích, nhiều người cũng biết được. Như một mũi kim, như một phần nhọn bên ngoài, với tất cả nỗ lực của mình, Đinh Linh muốn châm vào cái thực thể Mỹ, tạo ra dấu vết và muốn để lại dấu vết. Hay cũng có thể hiểu theo cách thông thường, Đinh Linh đang hoà trộn mình vào những mảng xăm, tìm hiểu và chơi với nó.

Y như một ngày nào đó, theo logic lập luận, Đinh Linh lại làm một tập thơ Xăm Việt… cũng chẳng sao. Vì thế, hiểu đúng từ xăm là rất quan trọng, không khéo, thành ra Đinh Linh đang nỗ lực lấn sang phần bên cạnh, như xâm vườn nhà hàng xóm; xâm lược; xâm nhiễm; xâm nhập; hoặc xâm mặt [mặt bị xâm]: chóng mặt và mờ mắt vì trời nắng.


2.

Cũng với tư cách người đọc, tôi tự cho phép mình lập ra một cách hiểu khác, và bày tỏ thái độ khác với Xăm Mỹ, bằng cách sau:


Xăm Đinh Linh

Đến Mỹ năm 11 tuổi, hắn nhận về mình một mảng xăm
một ít rau răm
một ít lá mơ, mắm tôm
và một hẻm cụt, mà hắn choáng váng ở trong ấy [vì không thịt chó]…

Hắn từng mơ thành hoạ sĩ quan trọng
làm ra những mảng màu chín mọng
Nhưng lại trở thành thợ sơn lành nghề, cũng không kém quan trọng…

Hắn có hai chai bia trong quán bar bình dân,
hơn ba cách mưu sinh
và bốn ngôn ngữ [tính luôn Ý, và thân thể] để xài cho công việc du lịch
hắn du lịch ở bất cứ đâu, trong ý nghĩ,
và du lịch trên bàn giấy [1] hay chính quê hương mình…

Hắn đang xăm vào Mỹ
mà có kẻ hiểu nhầm thành xâm xàng trước Mỹ…

Hắn đã từng chơi đĩ [chuyện bình thường]
nhưng luôn luôn bị nhìn trong biến dạng và vu khống một cách ấu trĩ…

Hắn không biết đánh mất thăng bằng
[dù có một cây kèn]
không biết viết bài thơ quá nhiều ẩn dụ
[dù cũng có đạo cụ]
hay quá thiếu chi tiết và những từ ngữ gợi mở
[dù đã từng ăn phở]
hắn chỉ là một cái xác dẹp lép nhưng lắm mùi và đang xăm Mỹ
Mỹ cũng đang xăm hắn
như con rắn có nhiều khoang…

Thông qua cái ghê tởm
[mà có thằng tưởng rởm]
hắn không nói mình sáng tạo thực sự
[không phải là hội viên nhà văn bé bự]
hắn không chê phường lấp liếm
[càng không phải là điếm]
không khinh bọn nhố nhăng
[hắn không dùng đến răng]
không miệt thị kẻ ngớ ngẩn…
[tay hắn có đeo nhẫn]
và trong mồ hôi dân chủ, hắn chia sẻ được những điều tủn mủn…

Thông qua sự bi thảm
nhiều lúc hắn thấy trong toilet mình là kẻ trâng tráo [vì rặn táo bón]
chua chát… và cả ngọt bùi
hắn thấy mình mặc cảm và không bao giờ là lý trưởng [hương lý hay chánh tổng]
hắn lợi dụng tài sơn nước để xăm vào Mỹ
và xăm vào thơ Việt… [nhưng không học phiệt]

Hắn, những mảng xăm chân thật, nhiều màu sắc
Hắn, một tấm lưới xăm, nhiều tôm tép
Hắn, một lá xăm không số và bóc được trong ngày thứ 370
và tất nhiên, không ở nước Mỹ, càng không ở Việt Nam hay Ý Đại Lợi…

Hắn đang đi lòng vòng
đang ngủ lim dim
đang tìm loanh quanh
đang thấy lung tung…

Và nhìn thấy thằng khùng, là tao
Tao đành chào: mã mẹ mày, xăm tao đi!
Hắn cười: tao đang xăm vào tao, đâu có xăm ai!
Cả hai cùng quay ngay, trong câu chào: gút-bai.


3.

Cuối cùng. Đây cũng là một cách nghĩ về Xăm Mỹ, mà nói theo thuật ngữ văn học, là cứu xét dựa trên tiểu sử học.

Trong cuộc sống đời thường, Đinh Linh là một trường hợp rất đặc biệt. Khi đi ăn thịt chó ở Thị Nghè, Đinh Linh chưa bao giờ nói với những bạn bè Việt còn lại: mình là người Mỹ hay Việt kiều. Khi đi sơn nước, dọn vệ sinh tại Mỹ, anh cũng chưa bao giờ nói với những người Mỹ khác: mình là người Việt. [Xin lưu ý, cái vụ ở Mỹ là tôi đoán thôi.] Anh càng không nói mình là nhà thơ Mỹ. Nên anh không tự tách riêng ra để phân biệt mình với đại "đa số những nhà thơ Mỹ khác", vì thế, trong tư thế hiển nhiên-bình thường, anh dễ dàng có được tự do để „xăm vào Mỹ“. Chứ anh không dễ dàng bị xâm xàng trước hào quang hay vực thẳm của nước Mỹ, hay bất cứ nước nào. Xâm xàng, vui thích, tự ca hay tự hào… cũng là biểu hiện cho tâm lý bệnh hoạn, cho thái độ khệnh khạng… Với tư cách tác giả, thái độ bình thường hoá trong điểm nhìn cũng biểu hiện cho trình độ cao trong nhận thức; sự nhận thức trong cách nhìn. Cho nên, Xăm Mỹ là biểu hiện cho thái độ độc lập của một nghệ sĩ, mà bản thân có tình trạng và những lo lắng của riêng mình. Đây không bao giờ là chuyện lên gân-chạy theo mốt; khó có thể biểu hiện cho thái độ dòm lén người khác, để rồi đâm ra soi mói, xúc xỉa mà quên đi chính nhiệm vụ của mình. Trong tư cách của một tác giả, tôi nghĩ Xăm Mỹ xứng đáng là tiếng nói trực thẳng và bỏ qua ngữ cảnh, theo kiểu Hiện tượng luận (Phenomenology). Nó có thể đánh thức được những tác giả khác, nhất là những người đang sống trong những điều kiện xã hội [như Mỹ] dễ sao nhãng tình trạng của chính mình.

Xăm Mỹ còn là một vết xăm của lương tâm-ý thức dai dẳng, chứ không phải của tình trạng bệnh lý tức thì (xâm), cho nên rất dễ để lại ấn tượng-vết tích với những bạn đọc có thể đọc được, ở Việt Nam. Nhưng nhớ, "hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng".

La Hán Phòng, 7.9.2005

© 2005 talawas



[1]Trong một truyện một câu, không có đề, Đinh Linh viết thế này: "Những sách du lịch làm hắn say mê đến nỗi hắn bỏ cả cuộc đời tự trói mình vào bàn làm việc, với cửa sổ đóng chặt, để đọc chúng".