© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
13.9.2005
Hồng Việt
Phê phán sự phê phán của bài báo “Thực chất của cái gọi là khung mẫu tư duy mới”
 
Trước hết cần phải nói rằng chúng tôi không hoàn toàn đồng tình với lập luận trong bài “Góp vài suy nghĩ để cùng tư duy tiếp tục về đổi mới” của giáo sư Phan Đình Diệu. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta mô hình hóa một quá trình chuyển động kinh tế trong môi trường hoàn toàn bó buộc bởi những nguyên lý kỹ thuật. Đối với kinh tế, toán học hiện nay mới chỉ là công cụ, phần nào mang nặng tính thống kê, làm sáng tỏ những hiện tượng có tính qui luật, để đúc rút thành chân lý. Mặc dù đã thể hiện xuất sắc vai trò minh họa và giáo khoa hóa những vấn đề hóc búa trong lý luận, nhưng toán kinh tế chưa có những công trình tầm cỡ, mang tính dẫn dắt và định hướng. Đó là do một phần đặc thù của ngành kinh tế học, bị chi phối bởi những qui luật mang tính con người thuần túy. [1] Bùng nổ và chuyển hướng không ngừng là đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thế giới ngày nay. Công nghệ (thông tin, sinh học...) luôn là động lực làm thay đổi bản chất hình thái kinh tế. Từ đó có thể thấy, tính đúng đắn của các qui luật kinh tế luôn bị giới hạn trong những phạm vi nhất định. Một ví dụ, bộ lọc Kalman rất hiệu quả trong quá trình dự đoán (predict) những trạng thái tương lai đối với những bài toán kỹ thuật. Tuy nhiên nhiều khi nó gặp phải những trục trặc rất hài hước khi tham gia giải quyết bài toán dự báo thị trường chứng khoán (stock-market).

Rất khó dùng kết quả trong nghiên cứu “hệ thống thích nghi phức tạp” để áp dụng vào quá trình thay đổi tư duy định hướng, ngõ hầu cải thiện nền kinh tế. Liên quan này thực tế không rõ ràng, nếu không nói là rất mờ nhạt. Thừa nhận “sự hỗn độn” và “sự không ổn định trạng thái” của các hoạt động tương tác tức là chúng ta thừa nhận sự “bó tay” trong việc giải các bài toán phi tuyến đặc trưng mô hình hóa các hoạt động đó. Với sức mạnh tính toán (calculating power) ngày nay, nếu có tuyến tính hóa gần đúng các nhánh của bài toán, e rằng khi chúng ta có đáp số cho những ma trận khổng lồ, hình thái kinh tế đó đã biến đổi về bản chất từ lâu, nghiên cứu trở nên vô nghĩa.

Trong một quá trình vận động gồm nhiều đối tượng hoặc nhóm đối tượng thì tương tác luôn là thuộc tính vĩnh cửu giữa các đối tượng hoặc nhóm đối tượng đó. Mô hình hóa các quá trình tương tác trong lĩnh vực kinh tế, chính trị là điều cần hết sức cẩn trọng vì đối tượng trong trường hợp này là con người. Nếu còn sống, hẳn Fermat sẽ rất sung sướng khi nhìn thấy hàng loạt lý thuyết nổi tiếng đã ra đời do kết quả của việc tìm tòi lời giải rốt ráo cho định lý lớn của ông. Nhưng ngược lại, Marx sẽ rất đau khổ khi biết rằng khoảng 30% nhân loại đã lâm ngõ cụt do việc áp dụng học thuyết của ông. Nếu định lý lớn Fermat không có lời giải tổng quát, điều đó cũng không ảnh hưởng đến sự tiến bộ nhân loại, và không phải vì vậy mà con người không còn dành cho nó sự quan tâm thích đáng. Nhưng học thuyết Marx, chưa nói đến sự phá sản, mới chỉ nhìn vào “những cơn đau đẻ dài” của nó đã khiến hàng triệu người hôm nay còn rùng mình. Trong nhiều chục năm, 30% nhân loại đã là vật thí nghiệm cho một hình thái xã hội mới. Họ xứng đáng nhận được một lời xin lỗi hơn là sự giải thích ráo hoảnh “do những sai lầm, hạn chế của các đảng cộng sản, công nhân trong việc vận dụng chủ nghĩa Marx – Lenin”. Trên đây là so sánh nhằm chỉ ra bất cập khi áp dụng khoa học tự nhiên vào khoa học con người.

Tuy nhiên, trong bài này, điều chúng tôi muốn là phê phán sự phê phán của (các) tác giả trong bài Thực chất của cái gọi là “khung mẫu tư duy mới” (TCCCGL).


1.

Vấn đề đầu tiên chúng tôi muốn đề cập là thái độ của người phê phán. Chúng tôi cứ phân vân vì có cảm giác bài báo không phải của những người chuyên với công tác nghiên cứu. Điều này được thể hiện ở giọng văn trịch thượng, có phần hơi thiếu lịch sự của người viết.

Chợt nhớ một nhà cách mạng lão thành, cây lý luận hàng tiên phong của Đảng, ông Hoàng Tùng, có nhận xét rất mạnh dạn về các vị sư tổ của chủ nghĩa cộng sản như sau:

Tìm tòi một con đường giải phóng nhân loại phải là sự nghiệp khoa học của nhiều cái đầu lớn nhỏ. Tranh luận phê phán và sự phê phán là phương pháp khoa học. Ở đây, hai ông riêng rẽ soạn thảo và không hoan nghênh mọi sự phê phán, phản biện mà dành cho mình quyền phê phán trước mọi quan điểm khác với quan điểm của mình. Đó là điều tối kị đối với công tác khoa học”.

Chúng tôi thành thật xin lỗi những nhà nghiên cứu Mác-xít không có thói quen thể hiện chính kiến một cách thiếu văn minh trước khi nói rằng nhận xét trên khiến chúng tôi buộc phải suy diễn: phải chăng tiêu chuẩn để đánh giá sự trung thành với lý tưởng cộng sản chính là sự trung thành với phong cách và phương pháp nghiên cứu của Marx? Nghĩa là không thể để cho ai đó có quyền được bày tỏ suy nghĩ ngược lại với ý kiến của mình. Người đọc sẽ rất khó tiếp thu khi tác giả đã dùng những câu văn và từ ngữ có phần miệt thị và ngạo mạn như:

“… Trái lại chúng tỏ ra hết sức nông cạn và lạc hậu so với các kết quả mà giới nghiên cứu lý luận, khoa học Mác-xít chúng ta đã đạt được từ lâu”. (TCCCGL)

“… kết luận chính trị thực tiễn sai trái, cũ rích. Mà về bản chất, thì – thật đáng tiếc và đáng trách! - chúng hoàn toàn đồng nhất với lập trường vốn dĩ công khai từ trước đến nay của kẻ thù tư tưởng của chúng ta”. (TCCCGL)

chỉ có “nhà toán học” là chưa kịp cập nhật kiến thức, hoặc cố tình giữ lập trường sai trái”. (TCCCGL)

Thậm chí phán quyết mà chúng tôi cho rằng rất coi thường người bị phê phán:

“… Những kết luận cực đoan đó chẳng qua chỉ là sản phẩm hoặc của sự xuyên tạc bóp méo lý luận khoa học Mác-xít, hoặc của sự yếu kém bất cập về nhận thức”. (TCCCGL)

Chúng tôi không được rõ chuyên ngành của các tác giả bài báo này là gì và đã từng tòng học ở đâu, hiện nay chức danh khoa học của các vị ra sao. Nhưng theo chỗ chúng tôi được biết, giáo sư Phan Đình Diệu là nhà khoa học có tiếng trên nhiều lĩnh vực (toán học, tự động hóa, công nghệ thông tin) không chỉ ở Việt Nam mà còn trong cả giới khoa học quốc tế. Có thể theo quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, suy nghĩ của giáo sư chưa được phù hợp. Tuy nhiên, cần phải thấy góp ý của giáo sư là đáng trân trọng. Nếu với bất cứ tư tưởng không thuận chiều nào cũng bị lăng mạ đại loại như: “Thực chất của cái gọi là…” thì rốt cuộc sẽ chỉ còn lại những lời tâng tụng. Chân lý không thể vì vậy mà được sáng tỏ. Các cụ xưa đã dạy “trung ngôn nghịch nhĩ”. Với một giáo sư hiện đang sống trong lòng chế độ, đã từng là đại biểu Quốc hội, mà các tác giả dùng lời lẽ như với một kẻ thù giai cấp, thì những người đang đứng ở nơi xa với chế độ liệu còn dám có ý kiến gì.


2.

Theo dõi những nghiên cứu của thế giới về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, chúng tôi nhận thấy rằng, luận điểm không nắm vững lý luận đích thực học thuyết Mác-xít là luận điểm duy nhất trong quan điểm chính thống của Đảng CSVN. Một vài quan điểm khác (tất nhiên là cộng sản) cũng nói qua đến nguyên nhân này, nhưng nội dung của nó nhấn mạnh đến yếu tố độc tài Stalinism.

Luận điểm này ra đời trong hoàn cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách mở cửa, song đồng thời vẫn mong muốn giữ hình thái xã hội xã hội chủ nghĩa. Cụ thể hơn: về kinh tế, chấp nhận từ bỏ đường lối kế hoạch hóa tập trung, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nhưng lại có ước vọng dùng ý chí của con người cộng sản để uốn nắn những lệch lạc do mặt trái của kinh tế tư bản sinh ra. Vì thế, nó (luận điểm trên) không ngoài mục đích tuyên truyền cho đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một khái niệm còn mơ hồ và mang tập trống nội hàm.

Các tác giả nên thấy thực tế này để phân biệt rằng công cụ tuyên truyền và chân lý khoa học là hai khái niệm khác rất xa nhau. Một điểm nữa cũng lưu ý các tác giả là chúng tôi, đến tận bây giờ, vẫn hết sức kính trọng những giáo sư kinh tế thời Xô-viết bởi tri thức kinh điển của họ. Với một nguồn lực trí tuệ như vậy, thật khó cho rằng họ“không nắm vững lý luận đích thực học thuyết Mác-xít” để rồi gây nên “cơn đau đẻ” cho quá trình ứng dụng học thuyết Marx-Lenin.


3.

Vấn đề dân chủ: chúng tôi cho rằng không thể có một khung mẫu nào hoàn hảo và đa năng để áp một cách đồng đều lên mọi quốc gia. Tất cả những vấn đề về dân chủ được khơi lên ở nơi này hay nơi khác trên thế giới, cho dù nơi đó dân chủ có thực sự bị thủ tiêu, thì cũng đều mang màu sắc chính trị thể hiện quyền lợi của kẻ đề cập đến nó. Nhận thức quyền lợi và trách nhiệm của con người đối với nền dân chủ của đất nước phụ thuộc vào trình độ của mỗi công dân. Sự bất cập xảy ra tại các quốc gia Ðông Âu thời hậu chiến tranh lạnh là một minh chứng. Dân chủ phương Tây không hẳn đã phù hợp với các quốc gia châu Á. Chủ nghĩa cá nhân không hẳn đã chiến thắng chủ nghĩa tập thể. Nước Nhật sử dụng tinh thần Nhật Bản, kỹ nghệ phương Tây, để canh tân. Nền Khổng học đã giúp Singapore trở thành quốc gia phát triển. Chủ nghĩa Tam giáo đang tìm dần lại vị thế của nó ở Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa hiện nay đã thiết đặt nền tảng kinh tế, khiến chân lý của dân chủ thuộc các nền văn minh khác nhau tiệm cận dần dưới những giá trị mang tính phổ quát nhất. Ví dụ một quốc gia không thể được gọi là văn minh nếu mỗi công dân (không phân biệt giàu nghèo, giới tính, dân tộc, trình độ văn hóa…) không bình đẳng quyền lợi trong vấn đề bầu cử. Có thể ở Việt Nam ngày nay chưa cần đến đa nguyên đa đảng. [2] Nhưng đa đảng, đa nguyên phải là đích đi tới của con người. Khi chúng ta vượt ngưỡng đói nghèo một chút (khoảng 1000$-1500$/người/năm), chúng ta sẽ được chứng kiến sự thôi thúc đòi hỏi của nhu cầu đó, như đối với nhu cầu tự nhiên thiết yếu cơm ăn, áo mặc hàng ngày hiện nay. Sự thôi thúc khi đó cũng sẽ giống như sự thờ ơ bây giờ, đều do ý chí của 80 triệu người dân đang sinh sống trên đất nước Việt Nam quyết định. Điều kiện để điều đó xảy ra là dân phải giàu, nước phải mạnh, ai ai cũng được học hành.

Quan điểm của chúng tôi về đa nguyên đa đảng dựa trên những nền tảng như vậy. Nó quyết nhiên không phụ thuộc gì vào vấn đề đấu tranh giai cấp như các tác giả đã đề cập trong bài báo. Nếu không chú ý đến yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc để giải quyết vấn đề đa nguyên đa đảng, chúng tôi e rằng cái giá phải trả sẽ khó lường. Chúng tôi cho rằng, bằng cách nói về phong tục tập quán sẽ dễ thuyết phục một vài thanh niên đừng cởi truồng, bôi phẩm lên người, đứng ngoài công viên để trình diễn nghệ thuật sắp đặt, hơn là giảng giải về mỹ học Mác-xít. Thiết nghĩ ở đây chúng ta nên trân trọng suy tư của cựu bí thư trung ương đảng Hoàng Tùng:

Trong lịch sử, đấu tranh giai cấp là một động lực, nhưng không phải là cơ bản và thường xuyên. Kỹ thuật sản xuất làm thay đổi thế giới và cuộc sống của con người. Và cùng nhiều động lực khác. Nói lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp là có vấn đề rồi tuy rằng nó vẫn tồn tại trong xã hội có giai cấp. Đơn điệu hoá, cường điệu hoá đấu tranh giai cấp, tât cả đều nhìn qua lăng kính giai cấp không thể tránh khỏi sai lầm như: phân tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, trên lập trường giai cấp dẫn đến méo mó nguy hiểm đả kích tất cả, tháo bỏ tất cả những gì mà giai cấp vô sản không ưa. (Sự thật là một số người nhân danh giai cấp vô sản)”.

Muốn xây dựng cho riêng mình một con đường, chúng ta nên bắt đầu từ những tiên đề mang tính khoa học. Không nên vì muốn tránh phá bỏ nguyên lý mà chọn cách đổ tội cho tiền nhân.


4.

Theo chúng tôi, các tác giả bài “Thực chất của cái gọi là…” nên có một bài báo khác xin lỗi giáo sư Phan Đình Diệu. Rất hy vọng trong bài báo đó, người đọc sẽ tìm thấy những lý luận mang tính học thuật cao hơn, thuyết phục hơn, với tình cảm anh em, không chứa chất sự thù hằn tư tưởng.

© 2005 talawas


[1]Theo giáo sư Vũ Đức Phúc, từ thời Phục hưng được gọi là qui luật nhân văn. Ngày nay, từ nhân văn đã bị hiểu sai đi.
[2]Chúng tôi cũng cho rằng như vậy. Khi mà còn có nhiều người lớn vào hùa với một bài văn của con nít để chê bai lịch sử chính dân tộc mình thì đa đảng, đa nguyên để bày tỏ những chính kiến gì? Sẽ có chuyện một nông dân chắc chắn ly khai đảng của mình để ra nhập đảng đối lập tư tưởng, nếu đảng này hứa sẽ giúp anh ta bán nốt những món hàng nông phẩm đang ế ẩm.