© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.3.2004
Vương Sóc, Lão Hiệp
Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê
Ðối thoại văn học
Vũ Công Hoan dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Phần VII
Văn hoá hiện đại không hồn


6. Có sự miêu tả tính dục dung tục hay không?

Lão Hiệp: Mặc dù tác phẩm của anh có cái rất lưu manh, song sức tấn công, tính gay gắt, tính châm biếm trở lại và tính phê phán, đều được biểu hiện qua thứ lưu manh này. Nhưng tôi phát hiện ở anh có một chỗ, đó là không chút nào viết về tình dục. Tiểu thuyết của anh phàm là viết đến chỗ tình yêu trai gái, thì so với các nhà văn đương đại khác, anh tương đối kìm chế. Anh rất hiếm, thậm chí không có sự miêu tả, chạy theo kích thích cảm giác xác thịt của những cuộc làm tình trần trục. Hơn nữa, nhân vật đàn ông với đàn bà trong tác phẩm của anh đều là loại lưu manh choai choai. Sự miêu tả quan hệ nam nữ này rõ ràng là thanh bạch như vậy, liệu có trái với nguyện ước ban đầu của anh thể hiện trạng thái vốn có của đời sống hay không? Trái lại, các nhà văn Trung Quốc trong thập kỷ 80 đã đi vào miêu tả tính dục một cách trần trụi, sang thập kỷ 90 đã hình thành một khuynh hướng phổ biến hóa. Ví dụ: ở "Phế đô", Giả Bình Ao miêu tả tình dục rất trần trụi, thậm chí còn có cái bỉ ổi của "Kim Bình Mai", còn có một loạt nhà văn nữ tỏ ra hết sức mạnh mẽ về mặt này, hễ động vào tác phẩm là ngứa ngáy tự sờ mó, mà chỉ hận ngay từ nhỏ đã không biết tự sờ mó để tự an ủi, tự thỏa mãn. Về sau lại xuất hiện sách bán chạy như tôm tươi, miêu tả thật về quan hệ trai gái như cuốn "Tuyệt đối riêng tư", đã xuất hiện những kịch truyền hình và tiểu thuyết lấy tình yêu ngoài giá thú làm đề tài, hơn nữa đã trở thành sản phẩm giết thời gian của đại chúng, có tỉ lệ thu xem và lượng phát hành đều rất lớn. So với văn học lưu manh của nước ngoài, thì viết về tính dục của anh càng kìm chế hơn. Như Renci của Pháp và Miller của Mỹ, miêu tả tính dục của họ trong tác phẩm, kể cả miêu tả đồng tính luyến ái đều là trần truồng. Vậy bản thân anh định quay trở về trạng thái vốn có của đời sống trong sáng tác, lưu manh trong đời sống sống như thế nào thì anh viết như thế. Nhưng khi động tới tính dục thì anh đã lược bỏ thành phần của "chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa nói thẳng ra". Lược bỏ hàng loạt mối quan hệ tính dục trai gái này liệu anh có trở về với sự chân thực nguyên chất nguyên vị mà anh hy vọng hay không? Anh là người bị phái học viện gọi là nhà văn lưu manh, nhưng tại sao những nhân vật nói chuyện làm việc trong tác phẩm đều sống không cò kè, bủn xỉn còn về mặt tính dục luyến ái thì tỏ ra lại thanh bạch, tự kìm chế như vậy?

Vương Sóc: Tôi cảm thấy cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra phương pháp tốt để miêu tả tính dục. Phần lớn các nhà văn viết về tính dục đều không sạch sẽ, không lành mạnh. Tôi cảm thấy "chiến tranh một mình" của Lâm Bạch, "Anh nhi" của Cố Thành viết về tính dục tương đối hay. Ðọc tác phẩm của họ, tôi có một chút lòng tin đối với việc viết tính dục trong thứ cảm giác ấy, cảm thấy quan hệ tính dục cũng có thể viết không dung tục như vậy. Các nhà văn Trung Quốc có nói đến một ngàn, một vạn lần, thì viết về tính dục đều không hay không tốt. Quan hệ tính dục cũng là một cấm kỵ trong sáng tác của tôi trước đây. Lúc ấy viết quá đáng về tính dục trong tác phẩm thì biên tập cũng không hài lòng lắm. Thập kỷ 80 vẫn chưa mở cửa về tính dục. Thời ấy về cơ bản tôi không trực tiếp miêu tả tính dục, chỉ là dùng một số những lời bình nhận định, nhờ vào một số không khí để viết. Nhưng bây giờ có lẽ tôi phải viết về tính dục, bởi vì không né tránh được nó trong tác phẩm. Né tránh chỉ là biểu hiện của sự bất lực, mấu chốt là tìm ra một cách viết lành mạnh, một trạng thái tâm lý lành mạnh. Xem xét về quan hệ giữa con người với con người, thì quan hệ trai gái rất quan trọng, rất nhiều tiểu thuyết đã viết về quan hệ trai gái. Trong quan hệ trai gái không thể không có tính dục, không có quan hệ nam nữ, thì khá nhiều việc không xuất hiện nổi, hợp tan tan hợp, thật ra nguyên nhân hết sức quan trọng là ở tính dục. Song hơi một chút coi sự xung đột tính dục thành xung đột tính cách, xung đột giá trị, xung đột tập quán sinh hoạt thì ở chừng mực nào đó không phải thành thật lắm, viết tính dục như vậy sẽ phải trả giá không chân thực hay nói một cách khác đã thổi phồng tầm quan trọng của quan hệ tính dục trong đời sống, tính dục là tính dục. Trong đời sống thường ngày nó rất đơn thuần rất đơn giản kể cả trong phần miêu tả đơn thuần đời sống gia đình, đời sống tình cảm như "Chơi cho đã rồi chết". Không viết tính dục thì như thiếu mất một chân, anh không thể viết ra được toàn bộ diện mạo của nó.

Sáng tác của tôi từ nay về sau không còn né tránh vấn đề tính dục này nữa, tôi sẽ viết nó trực diện, tôi cảm thấy những thứ chân thực đều không bẩn, không có gì không sạch sẽ. Còn việc có những nhà văn viết về tính dục, viết tới mức khiến người ta cảm thấy bẩn, cảm thấy rơi vào sáo mòn tầm thường, đó là bởi vì tác giả không có cảm thụ cá nhân độc đáo đối với cái đó, hoặc là việc miêu tả tính dục này để ở đây có thể được, có thể không, đâu có hết sức cần thiết, nhưng nhà văn đã dứt khoát phải đặt ở đó một cách sai lầm. Còn một điều nữa là tác giả có vấn đề về mặt nắm bắt vấn đề này, ví dụ rất nhiều người đúng là có lối nghĩ không lành mạnh đối với quan hệ tính dục. Viết như vậy, anh ta đã coi tính dục thành sự việc rất nặng nề. Anh ta coi việc này quá ư nghiêm trọng, thì những thứ viết ra chứng tỏ đã quá ư dốc sức về mặt này, đã thổi phồng tác dụng của tính dục. Những năm này có người viết về tính dục cũng thường xuyên nhấn mạnh quá mức tác dụng của tính dục. Lòng ham mê tính dục của cá nhân tôi tương đối bình thường. Ðương nhiên tôi cảm thấy cái thứ tính dục này rất quan trọng, nhưng tôi không coi nó thành vấn đề có tính chất quyết định. Ðối với một người thông thường mà nói, tính dục không quan trọng tới mức uốn cong nhân cách, làm méo mó tính cách của con người. Tôi luôn luôn không có cách nhìn nhận này. Tôi cảm thấy khi tôi lại đứng trước vấn đề tính dục trong lúc sáng tác, có lẽ có thể nhìn thẳng vào vấn đề này, cứ né tránh cũng không phải là một phương pháp.

Lão Hiệp: Miêu tả tính dục trong văn học truyền thống Trung Quốc, về cơ bản có hai phương thức, một là tính dục là tính dục, cứ trần như nhộng, tính dục không có tình, thậm chí là biệt danh của dâm lạc, mặc sức bừa bãi, chơi bời, ví dụ kiểu "Kim Bình Mai", quá quắt hơn là "Nhục Bồ Ðoàn" là các mẫu tư thế làm tình viết bằng thủ pháp văn học tương tự. Một phương thức khác là viết tính dục thành tình hoàn toàn, biến hoặc thăng hoa tính dục thành tình "Hồng Lâu Mộng" là đại biểu điển hình. Ngoài ra như kiểu "Mẫu đơn đình" "tình có thể khiến người sống, làm người chết và làm người chết sống lại". Phương pháp tả tính dục của Tào Tuyết Cần hoàn toàn là truyền thống, phàm viết đến quan hệ tính dục thô tục đều là tính dục không hề phân rõ, tình yêu, như Phượng Thư đùa nghịch Giả Dung, như dâm đãng của đám người Tiết Phiên. Nhưng hễ viết đến những người như Giả Bảo Ngọc, Lâm Ðại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Tịnh Văn thì không còn là tính dục trần truồng nữa, mà là tinh tế, trang nhã, lấy cái tình làm tâm trục, chuyển hóa tính dục thành tình hoàn toàn. Ở Trung Quốc, rất hiếm có sự miêu tả hòa nhập rất tốt giữa tính dục và tình, hoặc là phóng túng tính dục, tháo trút tính dục kiểu "Kim Bình Mai" hoặc là ý thơ hóa tính dục như "Hồng Lâu Mộng", gọi là đi từ tính dục đến tình ấy mà! Cách nói của người Trung Quốc gọi là "thăng hoa", văn hóa truyền thống còn phân biệt bằng hai quan niệm nhân tính và thú tính. Nhân tính là "Hồng Lâu Mộng", thú tính là "Kim Bình Mai".

Vương Sóc: Cái gọi là "thăng hoa", với tôi mà nói là dâm ý. Còn đối với miêu tả tính dục kiểu "Kim Bình Mai", thì nhất định phải lên án về đạo đức, như là thơ của mỗi hồi nói cái gì. Tôi ngán ghét miêu tả tính dục trong "Kim Bình Mai", càng không chịu nổi những thuyết giáo đạo đức. Không thể bắt chước sự miêu tả tính dục của "Kim Bình Mai", chỗ không có ý nghĩa nhất của nó là trình thức hóa miêu tả tính dục, tức là mấy lần ấy, đọc một trăm đoạn miêu tả tính dục cũng là mấy chục chữ đó. Viết về tính dục của tác giả không có ý sáng tạo gì, không có đặc điểm gì. Một loại miêu tả khác là tô hồng tính dục, thăng hoa tới tinh thần, đánh giá thấp hoặc xem thường bỏ qua xác thịt. Tôi không chấp nhận cả hai phương thức. Thật ra, tôi nghĩ trong này không có bí quyết gì hoặc cái gì thần bí. Cảm giác của tôi là cứ viết một cách thật thà, nó thế nào thì cứ viết thế, mỗi lẫn có khác nhau thì khác nhau, vô số lần trùng lặp, cho đến nhạt nhẽo vô vị thì nhạt nhẽo vô vị. Tính dục tác dụng như thế nào lên tinh thần, tác dụng như thế nào lên quan hệ của hai người, nó làm sâu sắc thêm tình hay làm tiêu tan tình ...Thật ra đời sống tính dục rất phong phú, song không có con đường khôn khéo nào, nghĩa là cứ viết thật thà y như nó có, khi thì dẫn đến vui thích, khi thì còn có thể dẫn đến thất bại, dẫn đến va chạm, xung đột, căng thẳng tâm sinh lý, mất thăng bằng v.v...Tôi cảm thấy có lúc viết tính dục xuyên suốt tác phẩm cũng có thể viết hay, đọc thấy dễ chịu, phải xem ở trạng thái và mục đích khi sáng tác. Chỉ có thể đối xử tính dục một cách thật thà, y như nó có. Nếu muốn thông qua tính dục để biểu hiện cái gì có ý nghĩa sâu hơn, thì cao quá, lớn quá, tính dục không kham nổi.

Lão Hiệp: Miêu tả tính dục ở Trung Quốc thì "Kim Bình Mai" là phi chính thống, dòng chính của miêu tả tính dục trong truyền thống là kiểu "Hồng Lâu Mộng", một khi tính dục trở nên nghiêm túc, thì trở thành tình yêu sống chết của Lâm Ðại Ngọc và Giả Bảo Ngọc quyết không được dính dáng đến tính dục thô tục. Sự trao đổi qua lại của hai người là cùng đọc "Mẫu đơn đình", chôn hoa, thơ phú... đã bẻ cong tính dục, lại làm cho tình trở nên hư giả. Trong văn học hiện đại, những tác phẩm đề cập tới miêu tả tính dục không nhiều. Trong tác phẩm của Lỗ Tấn, rất hiếm có trực tiếp miêu tả tính dục, thô tục nhất cũng là A.Q trêu ghẹo ni cô, nấp ở trong miếu mơ mộng hão được làm Hoàng đế sẽ có bao nhiêu đàn bà. Còn những tác phẩm khác như "Ðau chết" thì không có tính dục, chỉ có mối tình tự do thất bại. Con đường miêu tả tính dục của Lỗ Tấn vẫn là hai mô thức truyền thống. Chỗ cao hơn người một cái đầu của ông là từ tình yêu mà nêu ra vấn đề xã hội. Người khác viết tình yêu tự do thì sự kết hợp cuối cùng là điểm kết thúc. Lỗ Tấn đã đem điểm kết thúc của người khác làm khởi điểm của ông, tự do kết hợp rồi, lại làm thế nào nữa? Có hạnh phúc thật không? Cuối cùng là thất bại, đi khỏi, sau khi Na Lạp đi khỏi thì làm gì nữa? Tính dục mà những nhà văn nữ thời ấy miêu tả tức là tình rồi. Ức Ðạt Phu là trường hợp ngoại lệ. Ông không coi tình là tượng trưng của theo đuổi tự do, mà coi tính dục là tượng trưng của giải phóng kìm nén và phá vỡ kìm nén. Tính dục trong "Trầm luân" là tượng trưng của kìm nén buồn khổ đi tìm giải phóng. Tính dục được thăng hoa tới tầm cao sự theo đuổi tự do cá nhân của sự phản kháng của sự trút bỏ. Nhưng ở ông còn có một mặt nữa, hễ nói đến tính dục ở "Tri Quế Hoa" thì rất sạch sẽ, là thứ tính dục của chủ nghĩa duy mỹ. Nhưng "Trầm luân" của Ức Ðạt Phu trong văn học Trung Quốc, rút cuộc đã cho tính dục một ý nghĩa mới, tuy ý nghĩa này nhập từ phương Tây vào.

Ðương nhiên, về sau này, đừng nói miêu tả tính dục, mà ngay đến miêu tả tình cũng không có, như "Hoa rau diếp dại" là chuyện tình, "Bài ca tuổi trẻ" là tình điệu tiểu tư sản. Sau "cách mạng văn hóa", văn học đã đột phá cấm kỵ về mặt này, đầu tiên là đột phá về tình, ví dụ "Bắt tay lần thứ hai", "Vị trí của tình yêu", đột phá về tính dục là "Một nửa của đàn ông là đàn bà" của Trương Hiền Lượng. Ðặc điểm của các nhà văn phái hữu là đội mũ chóp cho mọi thứ, hoặc thăng hoa tới tầm cao giải phóng mạng sống về chính trị về đạo đức nào đó, hết sức giả tạo. Họ viết về tính dục là mối quan hệ tính dục đau khổ hoạn nạn và giải thoát đau khổ hoạn nạn, là trời đất tối sầm, đất trời sập đổ, vũ trụ ngả nghiêng. Lý tưởng cao cả, tư tưởng đạo đức, sức sống nguyên thủy của chủ nhân, ông hoàn toàn do một lần giao hợp có tính chất quyết định với một người đàn bà. Nhà văn phái hữu không đơn thuần như Ức Ðạt Phu chỉ viết tính dục là giải phóng cá nhân. Họ còn cố tình cho vào sự cao cả về mặt chính trị và sự tái sinh trong khổ đau hoạn nạn v.v... Những tác phẩm này trên thực tế, thì giống như "Truyền kỳ núi mây trời", "Người chăn ngựa","Thị trấn phù dung", chỉ có điều thêm một ít miêu tả tính dục. Sau này đến "Cao lương đỏ" của Trương Nghệ Mưu. Ông ấy tâng tính dục thành sự rung động nguyên thủy và sức sống của người Trung Quốc hoặc dân tộc Trung Hoa, không khác gì với sự thăng hoa hoặc cố tình gán thêm của Trương Hiền Lượng. Bắt tính dục gánh chịu tai nạn chính trị của toàn dân tộc và sức sống của dân tộc Trung Hoa phải chăng là quá ư tàn khốc, quá ư làm ra vẻ? "Cúc Ðậu" là loạn luân, "Ðèn đỏ trên cao" là thê thiếp thành bày, Trương Nghệ Mưu là chuyên gia tính dục trong số các đạo diễn của Trung Quốc, song không quay được pha nào chân thực, lại còn "Tam luyến" của Vương An Ức, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của tâm lý học Freud. Tôi cứ cảm thấy tay trái bà bê sách tâm lý học của Frend, tay phải bà viết tiểu thuyết tính dục, không thì sự phát triển của quan hệ tính dục trai gái trong tác phẩm sẽ không phù hợp với mô thức bản ngã, tự ngã và siêu ngã như thế. Tác phẩm viết mấy năm gần đây tôi đọc hơi ít, không biết các nhà văn hiện nay viết tính dục như thế nào, tác phẩm của Lâm Bạch chỉ đọc một lần. Các nước phương Tây cũng có cách viết thổi phồng. Ví dụ: "Người tình của bà Chatterley" của David Herbert Lawrence, vì cảm nhận tính dục như kẻ chết đuối trong biển cả, thổi phồng quá quắt, trao cho tính dục một sứ mạng quá nặng. Nền văn học Trung Quốc xưa nay chưa có sự miêu tả tính dục tương đối tốt, dường như từ gốc rễ chúng ta chưa làm rõ tình dục không thể hư cấu, tưởng tượng, câu chuyện có thể bịa ra. Song những chi tiết, thì phải chân thực. Hư cấu, hoặc tưởng tượng về miêu tả tính dục, chắc chắn kết quả là thổi phồng. Ðương nhiên, trừ tưởng tượng về tính dục trong đời sống của con người.

Lão Hiệp: Nhưng miêu tả tính dục trong văn học Trung Quốc, đặc biệt là trong văn học đương đại, rất khó nhìn thấy những thứ lành mạnh như anh nói, một thứ miêu tả tính dục chân thực không thổi phồng, không dung tục. Trong tiểu thuyết trước kia của anh, trong cái gọi là "Văn học lưu manh", miêu tả tính dục đã trở thành một vùng cấm của anh trong sáng tác. Một khi anh gặp nó, chắc chắn phải né tránh, không miêu tả nó chính diện. Căn cứ vào đặc điểm này trong tiểu thuyết của anh, cũng có một số người bảo, nếu Vương Sóc là nhà văn lưu manh, song tính dục của những tên lưu manh mà anh ấy viết lại rất sạch sẽ. Anh ấy tuyên bố mình phải viết một cách nguyên vị nguyên mùi y như nó có, cứ coi như chúng ta tin vào những con người vớ vẩn, những con người hết sức vô liêm sỉ mà anh ấy viết là chân thực, song về mặt miêu tả quan hệ tình dục của những nhân vật này, thì anh ấy lại giả tạo, không chân thực, do đó chúng ta cũng có thể hoài nghi, về tính dục, anh ấy đã che giấu, thì các mặt khác cũng không chân thực. Vừa giờ anh đã giải thích với tôi, anh chưa tìm được phương pháp tốt để miêu tả tính dục. Anh cảm thấy trong văn học truyền thống của chúng ta, hoặc trong tác phẩm đương đại liệu có sự miêu tả tính dục lành mạnh và sạch sẽ lý tưởng phù hợp với anh không? Anh nói vẫn chưa có cách nào tốt, lại nói được gợi mở nào đó từ trong tác phẩm của Lâm Bạch và của một số nhà văn nào nữa nhỉ?

Vương Sóc. Cố Thành với tác phẩm "Anh Nhi".

Lão Hiệp: Anh bảo tới đây anh sẽ không né tránh miêu tả tính dục nữa. Bởi vì không né tránh nổi cần phải viết. Hình như trong lòng anh đã có một phương pháp, hay nói cách khác, so với trạng thái trước kia của anh, anh đã tìm được lòng tự tin viết về tính dục, có thể viết nó tương đối lành mạnh. Vậy anh có thể nói rõ đó là cái gì, hoặc phương pháp gì không?

Vương Sóc. Không phải cái gì khác, mà là viết một cách thật thà, có gì viết thế. Tôi cảm thấy trên nhiều sự việc tôi đi chệch lối là ở chỗ tôi định tìm cho nó một phương pháp tốt có ý nghĩa gì đó ...Thật ra, sự việc ấy vốn đã ở đây, chỉ cần anh miêu tả y như nó có là được. Tôi vốn nghiêng về việc cho nó một cái vỏ ở ngoài bản thân sự việc, song lại coi nhẹ cái vốn có của nó, tính dục cũng vậy. Tôi muốn tìm một phương pháp thích hợp, góc độ thích hợp...Lúc cực đoan nhất tôi còn muốn cho nó một nồi xào xáo, tìm được một phương pháp có thể giải quyết mọi vấn đề! Sau đó tôi hiểu ra, thật ra không có phương pháp này. Có thể như anh đã nói, miêu tả tính dục biến thành hai mô thức, một là kiểu "Kim Bình Mai", mấy thể thức, trên dưới một trăm câu sáo rỗng, bao nhiêu câu gì đó, lúc nào viết đến nó cũng là cái khuôn đó. Còn một loại nữa là ý thơ hóa tính dục, nâng thành một hoạt động tinh thần. Coi người thành thần, hoặc coi tính dục là bom nguyên tử quyết định mọi mặt của mạng sống. Vậy là sau đó tôi phát hiện, nếu định viết về tính dục thì phải thoát ra khỏi bất cứ mô thức nào, chỉ viết tính dục vốn là cái gì mà thôi.

Tôi cảm thấy thật ra là uốn nắn lại thái độ. Giả thử tôi còn viết nữa, tôi sẽ không còn quan niệm bảo thủ nữa, cứ nghĩ cái đó có sạch sẽ không, có lành mạnh không đã. Nó là nó, trong đời sống và trong kinh nghiệm của tôi. Nó đã cung cấp cho tôi những gì, thì tôi viết những cái đó, viết đến đâu thì viết, đụng đến cái gì thì đụng. Nhưng thứ nhất không phối hợp nhịp nhàng gì cả, không bố trí sắp xếp cái gì cho kết cấu chuyện, tức là cứ viết nó một cách đơn thuần. Thứ hai tôi cũng sẽ vì ý nghĩa gì đó mà viết nó, tôi không nhấn mạnh cái gì, hay nói cách khác không hạ thấp nó, cũng không thăng hoa nó.

Ở phương Tây có người nhấn mạnh tính dục, làm nổi bật vai trò tác dụng của tính dục, thí dụ tác phẩm "Người tình của bà Chatterley" của Lawrence mà anh nói, hay như tác phẩm "Lolita" của Nabokov. Tác giả viết về tính dục, thì cứ phải viết đến một thể nghiệm nào đó xuất phát từ lúc còn bé, từ lần đầu tiên đến lần cuối cùng, tác giả nhất định phải làm rõ quan hệ mạch lạc này, tác dụng của tính dục ở từng thời kỳ trong đời sống của ông. Thật ra trong kinh nghiệm của tôi, hình như tính dục không có vai trò gì lớn lắm đối với sinh lý hoặc tinh thần con người. Nhưng tôi phát hiện trong khi viết tiểu thuyết, anh cứ viết cứ viết rồi tự dưng máu lên để tăng thêm sức nặng của tính dục. Bởi vì ngay từ đầu anh đã có ý định viết về nó không cho thêm một thứ gì, không có những lời thừa bỏ đi nào, mỗi đoạn đều viết tới mức hết sức nghiêm chỉnh, nhưng trong quá trình viết, anh vô tình đã nhấn mạnh tác dụng của nó. Trong sáng tác, ảnh hưởng của tính dục đối với toàn bộ câu chuyện, ảnh hưởng đối với nhân vật có tác dụng tiềm tàng vô ý thức. Tôi cũng không dám hứa sau này viết đến tính dục nhất định không có sự nhấn mạnh tiềm tàng này. Ta có thể sẽ có đấy, phần lớn sự miêu tả tính dục hiện nay mà tôi đã đọc thì tôi cảm thấy Lâm Bạch viết hay hơn. Bởi vì chị ấy viết thật thà, có thế nào viết thế, không lần nào giống lần nào. Mà phần lớn miêu tả tính dục ở Trung Quốc kể cả nước ngoài đều miêu tả nó như một thứ giống nhau, nào là tốt đẹp, nào là ở mức độ khoái cảm, nào là ở dạng thay đổi không bình thường, dẫn đến những suy nghĩ cuồng loạn. Lâm Bạch hình như có một nhận thức hết sức rõ nét đối với tính dục. Chị viết về cái này, tôi cảm thấy thái độ của chị không coi trọng quá mức, cứ y như đối xử với việc ăn cơm ấy thôi, nào có ai ban cho việc ăn cơm quá nhiều ý nghĩa đâu, nào là khi ăn cơm có bầu không khí ư, ăn cơm có ảnh hưởng đến cơ thể của bạn ư, khi ăn xong bạn thấy mệt mỏi ư, hay rất dễ chịu ư, khi ăn cơm chẳng ai xiên xẹo được ư. Ăn cơm là ăn cơm. Nhưng trên vấn đề tính dục, mọi người lại nảy ra nhiều thứ có lẽ có. Có thể là vì nó tương đối kín đáo. Hơn nữa nó luôn ở một trạng thái bên rìa của đạo đức. Vậy thì khi bạn viết sẽ tự nhiên thốt lên: ta phải nghĩ rõ ràng về nó, ta phải có thái độ đối với nó...Tôi nghĩ khi tôi còn viết tới vấn đề tính dục, thì không cần suy nghĩ đến những điều ấy, gặp phải những chuyện này tự nhiên nảy sinh, thì cứ viết theo dáng vẻ nảy sinh tự nhiên của nó. Bởi vì tôi cảm thấy, có rất nhiều sự việc... không phải cứ nhất định dẫn đến tính dục. Hoặc trạng thái hiện nay của miêu tả tính dục là kết quả của nhấn mạnh cái đẹp nào đó. Trên thực tế, nó có thể cái gì cũng đúng, trong tình huống khác nhau nó là những thứ khác nhau. Cũng có thể không hề có cảm giác, cũng có thể có rất nhiều cảm giác, có khi cảm giác tốt, chưa hẳn đã dẫn đến kết quả tốt. Tôi cảm thấy đây là vấn đề vô cùng khác biệt. Lòng tin của tôi đối với việc miêu tả tính dục là ở chỗ: Tôi cảm thấy nó vốn là cái gì, thì cứ miêu tả như thế.

Lão Hiệp. Tôi đọc tác phẩm của Lâm Bạch ít thôi. Chỉ một hai chuyện không thể nhận xét toàn diện về miêu tả tính dục của chị ấy, nhưng chỉ nói về những chuyện mà tôi đọc, thì ấn tượng mà tôi cảm thấy là chị đã thổi phồng vấn đề tính dục. Có một tác phẩm chị ấy viết nhân vật kia từ lúc rất nhỏ đã hết sức chín tới, đã ý thức đến tính dục, đã có thể dùng cách tự sờ mó để thỏa mãn bản thân, cái thứ tự an ủi này để đem đến cái gì cho mạng sống và cuộc sống của cô gái sau này, dường như là những thứ vô hạn không bao giờ lấy hết. Chị ấy còn gọi điều này là phụ tải tính dục quá nhiều. Quả thật vấn đề tính dục có những cái quái đản, ai ai cũng từng trải tính dục, bình thường như chuyện cơm ăn, áo mặc, song bị loài người làm tới mức rất thần bí. Từ xưa đến nay, xã hội đã có biết bao điều cấm kỵ về đạo đức về pháp luật đối với nó, rất nhiều cái truyền thống đều đến từ chuyện này. Có thể người xưa coi trọng nhiều hơn về công dụng chức năng sinh đẻ của tính dục. Hết sức coi trọng nó vì đời sau, vì kế nối dõi. Lâu dần đã chuyển từ sự coi trọng đối với sinh đẻ sang nhấn mạnh đối với bản thân tính dục. Mới đây tôi đã xem một quyển sách, kể chuyện lịch sử, nói về cuộc cách mạng tính dục ở phương Tây trong những năm 60, nhiều người tự thuật đều nhấn mạnh ở thời ấy giải phóng tính dục và tự do tính dục do sự xuất hiện của thuốc tránh thai và sự chuyển biến về quan niệm đem đến và hàng loạt hành vi phản nghịch của lớp người trẻ tuổi do chuyện ấy dẫn đến. Tính dục ở thời đại ngăn cấm lòng ham muốn tình dục, thậm chí đã trở thành vấn đề có liên quan đến sống chết. Thuộc tính tự nhiên của bản thân tính dục bị xã hội gán cho công năng và ý nghĩa quá ư nặng nề. Trong đời sống hiện thực nó là một việc mà ai cũng trải qua, nhưng một khi đem nó ra thảo luận làm một chủ đề xã hội thì nó đã biến thành một vấn đề hết sức to tát, nó phải chở nhiều thứ nặng nề vốn không nên do nó gánh vác. Cho nên đối xử với tính dục, miêu tả tính dục với thái độ thường tình là một việc không dễ dàng gì. Tuy tính dục của bản thân chúng ta có thể rất giản đơn, rất bình thường, nhưng trên cơ thể mỗi con người chúng ta đều có quan niệm tính dục quá ư rối rắm. Sở dĩ miêu tả tính dục trong tác phẩm văn học không được tốt, theo tôi bởi vì điều mà các nhà văn miêu tả không phải là kinh nghiệm tính dục thật sự của bản thân, mà là "quan điểm tính dục" bị nhồi nhét hàng triệu năm nay. Nói một cách đơn giản là: không phải viết bản thân tính dục, mà là viết về quan niệm, thái độ và sự cấm kỵ đối với tính dục... tức là những thứ xã hội gán cho tính dục. Cho nên cách viết như anh nói, nhìn nhận nó bằng trái tim bình thường, nó là cái gì, tôi trải qua nó như thế nào thì tôi cứ viết thành thật như thế là đủ. Loại miêu tả tính dục này tôi chưa hề gặp trong các tác phẩm cổ kim trong ngoài nước mà tôi đã đọc và trong các sản phẩm nghệ thuật tôi đã từng xem. Viết về tính dục một cách chân chất như thế, giống như viết ăn một bữa cơm. Liệu anh có hoàn toàn gạt bỏ được quan niệm về tính dục đã ăn sâu bám chắc trong tiềm thức, trong đầu óc của anh không? Lối đi này có đúng không?

Vương Sóc: Có nghĩa là theo anh nói như thế, tôi cảm thấy vẫn còn cơ hội viết tốt về tính dục. Lối đi này vẫn không sai. Tôi cảm thấy cái thứ này cần có một khuôn khổ tương đối dài để viết cảm giác này ra. Nếu một truyện ngắn lấy cái này làm tâm trục, thì chỉ cần động bút vào là anh đã muốn chuyển tải một chút gì đó. Thật ra, rất nhiều người khi trải qua thứ này đã rất kích động, kích động tự thân, hơn nữa trong đời người bình thường, và cuộc sống hòa bình thì đây là việc lớn, điều này đã tạo thành hình như trong tác phẩm viết về thanh niên đương đại đều phải viết đến tính dục. Hầu như đều chạy theo chuyện ấy, hết sức to lớn. Nhưng nếu anh định để nó trở về vị trí xứng đáng, thì phải có khuôn khổ khác. Có thể phần đông người, khi viết tiểu thuyết loại này đã đem nó ra làm đầu mối chính, tôi cảm thấy viết như vậy vô hình dung anh ta đã tăng cường tính dục. Có thể khi tôi viết, tự nhận thấy viết nó bằng trái tim bình thường, song biết đâu viết ra rồi đọc lại vẫn thấy mình đã nhấn mạnh nó. Nó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến vận mệnh, ảnh hưởng như vậy là có, song tôi cảm thấy không lớn lắm. Trên thực tế không có sự việc nào là do một nhân tố riêng lẻ, thật ra đều có nhiều cái trong đấy, nhưng có cái chủ yếu. Song tôi cảm thấy nguyên nhân chủ yếu đến đâu đi nữa cũng không chủ yếu tới mức quyết định tất cả. Không có chẳng qua chỉ là có người muốn làm nổi bật chuyện ấy mà thôi.

Lão Hiệp: Có khi trên vấn đề tính dục này, xã hội cần có một thần thoại hết sức thông tục, ai ai cũng muốn nhìn thấy một thần thoại như vậy, đây là nguyên nhân của yếu tố có tính chất chủ đề của tình yêu trong tác phẩm văn học được luôn luôn miêu tả đi miêu tả lại một cách sâu xa lâu dài. Bộ phim lớn "Con Tàu Titanic" của Hollywood là phiên bản đương đại của thần thoại mang tính thông tục này. Ðó là mối tình tai nạn cộng với sống chết không thay đổi. Còn có "Lang Kiều di mộng" cũng thuộc thần thoại tính chất loại này.

Nền văn minh nhân loại đã biến tình yêu tính dục thành một pho sử lãng mạn của mối tình sống chết, nào là tình yêu sống chết kiểu Romeo và Julliet, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Ðài, nào là vợ chồng ăn ở lâu dài bên nhau sinh ra chán ngán, việc lên giường trở thành một nghĩa vụ và gánh nặng, thế là có chuyện bồ bịch, lại còn chuyện một thanh niên có chí nhiều lần bị thất bại, khi hư hỏng hoặc là tìm đàn bà trút xả, hoặc bị người tình cứu vớt. Tôi đã xem một cuốn tiểu thuyết của Pháp, nhan đề là "Mẹ nước Nga của tôi", đã kể một số kinh nghiệm tính dục thời niên thiếu của đàn ông, bị người đàn bà chín chắn rủ rê như thế nào. Mẹ anh ta dung túng anh ta nếm mùi tính dục như thế nào. Sau này khôn lớn, anh ta luôn luôn có ý nghĩ ngông cuồng, mẹ anh ta quyền rũ anh ta làm tình như thế nào, quá trình anh ta và mẹ lên giường miêu tả tới mức rất quá quắt, anh ta muốn trở về chỗ anh ta sinh ra để thể nghiệm xem ở trong tử cung mẹ, anh ta sống thế nào và có cảm giác như thế nào khi ra khỏi âm đạo của mẹ. Ðây là một ý nghĩa ngông cuồng vừa hận vừa yêu, dần dần có chiều hướng thay đổi không bình thường.

Cho dù đối với một người nước ngoài mà nói, thì ý nghĩa ngông cuồng về tính dục mà ông ta miêu tả cũng là một thể nghiệm cực đoan.

Ở Bắc Âu trong những năm 80, đã từng thảo luận công khai vấn đề loạn luận. Nguyên nhân gây nên sự việc là một bà vợ khởi tố chồng mình, nói ông ta đã quyến rũ làm tình hoặc cưỡng dâm con gái, nhưng con gái lại công khai tuyên bố không phải quyến rũ hoặc cưỡng dâm mà là cô ta yêu bố, giống như yêu một người đàn ông hoặc yêu người tình. Người bố kia cũng tuyên bố yêu con gái, yêu cô như yêu một người đàn bà. Mọi người liền thảo luận chuyện loạn luân này liệu có phải không có đạo đức, sự kiện này có phạm pháp hay không? Có một phái chỉ trích đây là loạn luân, mất đạo đức, đương nhiên, quan niệm tính dục truyền thống chắc chắn hết sức phẫn nộ việc này. Nhưng một phái khác chỉ rõ, chỉ cần là quan hệ tính dục xuất phát từ tình yêu thì đều là có đạo đức. Sở dĩ loạn luân trong xã hội truyền thống không có đạo đức là do cấm kỵ, là vì vấn đề sinh dục, vấn đề sức khỏe của thân thể và tinh thần của đời sau, quan hệ tính dục giữa những người cùng dòng máu, xét từ góc độ di truyền, rất có thể dẫn đến dị dạng, điều này là vô trách nhiệm với đời sau, cho nên không có đạo đức. Nhưng thời đại phát triển đến ngày nay về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề quái thai dị dạng trong quan hệ tính dục. Biện pháp tránh thai mỗi ngày một an toàn, đã loại bỏ được dị dạng của quan hệ tính dục cùng dòng máu. Có kỹ thuật hiện đại này, thì giữa bố và con gái, bởi vì yêu nhau mà có chuyện ăn nằm chung chạ sẽ không phải là vấn đề đạo đức, có hại gì đến người khác. Quan hệ tính dục khác dòng máu cũng dẫn đến đau khổ cho thế hệ sau cơ mà. Trai gái đã yêu nhau chỉ cần hai bên thỏa mãn, còn những chuyện khác đều không quan trọng chỉ cần hai người yêu nhau, thương nhau mới là điều quan trọng. Nếu không coi hai bên yêu nhau làm lý do đạo đức nhất trong quan hệ tính dục thì quan hệ tình dục do bất cứ nhân tố nào khác dẫn đến sẽ càng không đạo đức. Cho nên, dùng cái cớ quan hệ huyết thống để ép buộc trai gái yêu nhau thật sự phải chia lìa là không đạo đức.

Ở đất nước chúng ta không thể có cuộc thảo luận như vậy. Người ta thảo luận công khai chuyện này cũng không dẫn đến sự hỗn loạn về quan hệ tính dục, chỉ có thể thúc đẩy mọi người đi sâu tìm hiểu về tính phức tạp của quan hệ tính dục. Ở Trung Quốc hiện giờ, bán dâm và kẻ thứ ba thọc chân vào đã là chuyện thường tình trong quan hệ tính dục của người Trung Quốc, nhưng rất khó hình thành một cuộc thảo luận có tính chất xã hội công khai. Trong kịch phim và vô tuyến truyền hình, biểu hiện cái này nhất định phải kèm theo những lời khiển trách đạo đức ở chừng mực khác nhau. Ðối với gái làm tiền, đối với kẻ thứ ba thọc chân vào, đối với người chồng hoặc vợ có bồ bịch ngoài hôn nhân, thì có một sự khinh bỉ về đạo đức đến từ phía quan niệm truyền thống và hình thái ý thức chủ đạo. Còn có một loại thần hóa quan hệ tính dục trong truyền thống văn học cổ kim đông tây tạo nên. Có người bảo, tình yêu là chủ đề vĩnh hằng của văn học, trên thực tế là một thứ thần hóa quán tính, hoặc nói một cách khác một thứ thiêng liêng đang gây tác dụng.

Vương Sóc. Nói về văn hóa đại chúng mà tôi tiếp xúc thì việc cấm kỵ về mặt này chủ yếu là do sự hạn chế của chính sách. Ðương nhiên điều đó không loại trừ có sự cấm kỵ, hoặc nhu cầu trong tiềm thức xã hội. Nhà văn nữ chắc chắn có ý thức hoặc tiềm thức này, tương đối ngả về phía trừng phạt kẻ thứ ba. Tác phẩm "Tay trong tay" có khuynh hướng này.

Lão Hiệp. Tác phẩm "Ði đi về về" cũng như thế, còn mạnh mẽ hơn cả truyện "Tay trong tay".

Vương Sóc. Truyện "Tay trong tay" cũng có ảnh hưởng chính sách rõ rệt. Năm 1996 sau khi nó ra đời, đã gửi cho Trung tâm nghệ thuật, vì đề cập đến kẻ thứ ba thọc chân vào, phải tiến hành khiển trách đối với kẻ thứ ba về đạo đức, quyết không được ra khỏi giới hạn nay, kẻ thứ ba không được trở thành vai chính. Tác giả đã gác lại. Ðương nhiên, Trung Quốc luôn luôn có chuyện trên có chính sách, dưới có đối sách, chính sách đã không cho phép thứ này, thì ta xoay xở biến báo nó thành một hành vi vô ý thức. Hay nói cách khác, phương hướng sửa chữa của tác giả phải là đi theo hướng vô ý thức, hết sức cố gắng để mối quan hệ của người thứ ba xảy ra ở mức vô cùng vô ý thức, trở thành không phải cố ý ...làm kẻ thứ ba, mà là có ban ơn và cảm ơn cụ thể, không phải bởi vì muốn yêu nhau nên hai người mới có quan hệ qua lại, mà là vì chuyện khác đã đi lại với nhau, lâu ngày nẩy sinh tình cảm, phải xuất hiện rất nhiều thứ khác, đủ để biểu hiện cô ta không cố ý phá hoại gia đình người khác, mà là có một thứ không tự kìm giữ nổi được tích tụ dần trong đời sống gây nên quyết không được để cô ta muốn làm kẻ thứ ba.

Tôi còn nhớ lúc bấy giờ còn có một tác phẩm rất cực đoan, mang tên "Ai là kẻ thứ ba", tương đối cấp tiến, nhưng giàn dựng không có sức thuyết phục. Về mặt này đàn bà tương đối cấp tiến, nhất là chị em mang danh trí thức. Họ cho rằng tình yêu vẫn là vấn đề rất quan trọng, không phải vấn đề thứ tự đến trước đến sau, ai trước ai sau, cũng không phải vấn đề ai có tính hợp pháp, ai không có tính hợp pháp. Nhưng phạm vi cho phép của chính sách hiện nay ở đất nước ta, không thể đặt cả hai sự việc lên cùng một vị trí ngang nhau. Quan niệm về đạo đức của văn hóa truyền thống vốn đã ăn nhịp với chính sách của Nhà nước hay nói một cách khác chính sách của Nhà nước được đề ra trên nền tảng của quan niệm đạo đức truyền thống. Dù sao thì dàn dựng phim tình yêu tay ba, trong đó cũng có nội dung bị khiển trách.
Nữ tác giả viết như vậy, gánh nặng về tâm lý cũng nhẹ. Bởi vì, bản thân bọn họ đã có khuynh hướng này. Hơn nữa, tôi cảm thấy đây là đón ý làm cho vừa lòng đại đa số người về quan niệm đạo đức. Phá hoại một quan hệ đã có, trước tiên là đuối lý cái đã. Giả sử nếu gặp phải một cuộc hôn nhân không có tình yêu, cho là tình cảm không hợp, là cuộc hôn nhân không đạo đức, thì cho dù có đầy đủ lý do như vậy, người thứ ba vẫn phải chịu quở trách về đạo đức. Họ sẽ bảo, ai cũng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Hiện nay, thông qua sự phân tích hóa học, thông qua sự phân tích gen và hàng loạt nghiên cứu khoa học đều đã chứng minh con người trời sinh ra đã thích mới chán cũ, đã ưa cuả lạ, tình cảm giữa đàn ông đàn bà không bền vững lâu dài. ảnh hưởng hoặc sự thay đổi của kết luận này đối với quan niệm đạo đức của người ta đòi hỏi phải có thời gian rất dài. Không phải hễ có luận chứng khoa học về mặt này là người ta có thể tiếp nhận người thứ ba thọc chân vào và tâm lý thích mới nới cũ về lĩnh vực đạo đức. Nhưng nói đến lý do đạo đức ngoài tình cảm, thì tôi cho rằng chuyện này không có liên quan với quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, rất nhiều người lợi dụng cái cớ này để nói chuyện khác. Người Trung Quốc rất thích suy diễn, cành mẹ đẻ cành con, làm cho vấn đề trở nên rắc rối, không có ý thức giới hạn, cứ cho anh ta một cái cớ, là anh ta nói vung thiên địa. Cho nên, đã có bầu không khí xã hội như vậy, lại cộng thêm khuynh hướng tự nhiên của đàn bà, khi đàn bà viết về những điều này, thì thường ngay từ đầu đã thiết kế đâu vào đấy kẻ thứ ba sẽ thất bại, có cái đó rồi, mới bắt đầu viết. Trên vấn đề này, yêu cầu của bản thân phụ nữ là một địa vị rõ ràng chính thức đơn phương, đàn bà không cam chịu ở địa vị của kẻ thứ ba. Cho nên đã biến thành cuộc chiến tranh giữa đàn bà với đàn bà, đàn ông kẹt ở giữa, tác phẩm cuối cùng phải đi đến kẻ thứ ba thất bại thảm hại. Về mặt này đàn ông hình như không có thái độ nhất trí, bởi vì vấn đề mà đàn ông phải đối diện trong tác phẩm là làm thế nào để biện hộ cho hành vi vượt rào này, tìm cách làm cho sự vượt rào này tỏ ra hợp lý trước mặt vợ rồi tiến tới trước mặt quần chúng, trước xã hội, ít nhất cũng để người ta đồng tình, hoặc ít nhiều cũng có chút thông cảm. Ở những tác phẩm thông thường hay viết đàn ông kiểu này, đem cái đó làm thành hợp tình hợp lý, đấy là nhược điểm của nhân tính, tai hại nhất là nhược điểm của nhân tính, trước xã hội anh ta tỏ vẻ bất lực không biết làm thế nào. Tôi cũng chẳng biết ra sao nữa, ai bảo tôi là con người cơ chứ?

Lão Hiệp. Ðằng sau cái dáng vẻ bất lực là chịu chỉ trích vô tội. Không biết làm thế nào là để chứng minh mình vô tội. Ðàn ông viết về chuyện này đều phải viết anh ta thành một người có tình, có nghĩa, có tinh thần trách nhiệm, đối với vợ anh ta đã không còn chút tình cảm, tình cảm của anh ta hoàn toàn bị người thứ ba chiếm hữu, trong tình huống này, người đàn ông ấy cũng vẫn còn có ý thức trách nhiệm, vợ anh đã từng cống hiến đóng góp cho anh. Về khách quan lại còn chuyện làm tổn thương đến đứa con vô tội, cho nên xuất phát từ trách nhiệm, anh ta còn phải quan tâm đến vợ, thậm chí còn phải viết anh ta bất chấp cảm thụ của người tình, không tiếc làm tổn thương đến tình yêu giữa hai người để gánh gác trách nhiệm đối với gia đình. Cho nên anh ta do dự trong việc ly hôn. Ðàn ông viết về đàn ông là tự thương yêu mình, thậm chí tự tô hồng chính mình. Ðàn bà viết về đàn ông là tự buồn tự thương, là một hình tượng kẻ yếu vô tội bị hại. Ðàn bà vĩnh viễn là kẻ yếu, cần được yêu thương và bảo vệ chở che, đàn ông vĩnh viễn là kẻ mạnh, cần được thông cảm và tô hồng. Trên vấn đề này, đàn ông viết hay đàn bà viết cũng thế, rất hiếm có người viết đầy đủ những cái tự tư, vô liêm sỉ của đàn ông trong mối quan hệ tam giác này. Rất hiếm người bới ra những chỗ đen tối nhất trong nhân tính. Vẫn là thương tiếc bản thân, anh ta có thể không có tình cảm, nhưng không thể không có tinh thần trách nhiệm. Lối viết này, thường cho thêm thành phần gỡ tội, thậm chí tô hồng vào trong mối quan hệ tam giác, mà điều này thì chính là nhược điểm của bản thân con người, không kể đàn ông hay đàn bà, một nhược điểm còn giả dối hơn có mới nới cũ. Mà trong đời sống loại đàn ông vô liêm sỉ quá đông, trong truyền thống của Trung Quốc từ bao giờ đã tạo cho người đàn ông Trung Quốc có lòng tham lam, muốn năm thê bảy thiếp. "Phế đô" của Gia Bình Ao, "Ðèn lồng đỏ trên cao" của Trương Nghệ Mưu, "Anh Nhi" của Cố Thành đã tiếp cận với sự tham lam được ca ngợi một cách trần trụi này. Anh ta định bắt cá hai tay, đã có gia đình ổn định, lại có người tình lãng mạn, đã có sức hấp dẫn của đàn ông, lại có ý thức trách nhiệm về đạo đức.

Vương Sóc: Tôi cảm thấy loại đàn ông mà anh nói, nói trừu tượng một chút, anh ta là loại người vô liêm sỉ, nhưng trong tình hình thực tế, anh ta phải đứng trước một vấn đề: Sự vướng víu mập mờ không rõ ràng giữa trách nhiệm và tình cảm.

Lão Hiệp: Nói đến vấn đề trách nhiệm, tôi xin nói, ít nhất thì hình tượng người đàn ông xây dựng trong tác phẩm văn học và trong phim kịch truyền hình, chưa bao giờ viết đến chỗ hết sức vô liêm sỉ, hết sức vô trách nhiệm đối với vợ con trong quan hệ tay ba. Không phải không có loại đàn ông có tinh thần trách nhiệm, nhưng không thể chỉ viết loại đàn ông có tinh thần trách nhiệm, mà không viết loại đàn ông vô liêm sỉ kia. Hai loại người này đều có trong kinh nghiệm cá nhân của tôi thì loại đàn ông vô liêm sỉ nhiều hơn, loại đàn bà chịu nhịn thứ đàn ông vô liêm sỉ nhiều hơn.

Vương Sóc. Việc này đúng là rất khó giải quyết. Anh viết anh ta có tinh thần trách nhiệm là giả dối, anh ta không có tinh thần trách nhiệm là vô liêm sỉ. Ðúng thế, gặp trường hợp này, lại cần viết trong tác phẩm, rất khó cực đoan hóa nó, như thế không thể nêu được tính cách của anh ta. Nếu anh ta là một thằng khốn nạn thì anh ta không đáng để anh viết. Anh ta đáng được miêu tả là ở chỗ anh ta đứng giữa hai cực đầu và đuôi. Cho nên nhiều thứ đúng là do số phận của anh ta, anh ta cũng đâu có cao thượng như anh ta nghĩ, thực tế thì anh ta không cao thượng nổi, không có không gian cao thượng nữa rồi, không có khoảng trống cao thượng nữa rồi. Trong sự việc này, hoặc là anh tự kìm chế, nhưng thế thì phản nhân tính. Do đó tự kìm chế hoàn toàn ở mức độ hà khắc hơn, thì chẳng là cái gì cả.

(Hết)
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ Trường Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002