© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
15.9.2005
Lý Quí Chung
Hồi ký không tên
15 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
23. Cuộc “trốn chạy” của Nguyễn Văn Thiệu

Không khí tại Dinh Hoa Lan rộn rịp lên sau tuyên bố từ chức của ông Thiệu.

Cựu trung tướng Trần Văn Đôn, nghị sĩ quốc hội, thất bại trong toan tính tự giới thiệu mình với Pháp như một ứng cử thay Thiệu, giờ chót quyết định ủng hộ người bạn xưa của ông là cựu trung tướng Dương Văn Minh. Tướng Đôn trước đây hầu như không thấy xuất hiện ở Dinh Hoa Lan, bây giờ vô ra thường xuyên. Tuy Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn cùng tham gia cuộc lật đổ hai anh em Diệm-Nhu và đều xuất là những sĩ quan quân đội Pháp nhưng ngoài đời hai người rất ít quan hệ với nhau vì tánh tình rất khác nhau. Ông Minh thích thể thao từ nhỏ, đã từng là thủ môn của đội bóng Thủ Dầu Một những năm 40, một đấu thủ quần vợt có hạng và mãi sau này ông vẫn cầm vợt ra sân tuần ba buổi tại câu lạc bộ CSS. Khác với phần đông các tướng lãnh Sài Gòn đều mê gái, ông Minh có một cuộc sống gia đình rất gương mẫu. Tướng Đôn ngược hẳn: ông như nhân vật Don Juan, các phụ nữ đẹp trong giới thượng lưu Sài Gòn khó thoát khỏi tay ông nếu lọt vào tầm ngắm của ông. Dù không hợp nhau nhưng Minh và Đôn vẫn tôn trọng nhau.

Người ta cũng thấy xuất hiện một số tướng về hưu như trung tướng Nguyễn Hữu Có, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh... Thẳng thắn mà nói số tướng tá chung quanh ông Minh lúc này không có nhiều và cũng ít có gương mặt nổi bật. Các tướng tá đương quyền, thuộc thế hệ sau, đều phò Thiệu hoặc Kỳ. Nếu xảy ra một cuộc đối đầu quyền lực với Nguyễn Cao Kỳ, chắc chắn nhóm ông Minh sẽ gặp khó khăn. Lực lượng của ông Minh quá mỏng. Do lâu ngày tách khỏi quân đội, ông Minh không còn tay chân thân tình của mình trong hàng tướng tá. Trong các buổi họp hàng tuần của nhóm ông Minh chỉ thấy mặt hai nhân vật quân sự thuộc thế hệ đã qua: đó là cựu trung tướng Mai Hữu Xuân và cựu trung tướng Lê Văn Nghiêm, đều không còn ảnh hưởng trong quân đội.

Khi nhân vật tình báo Mỹ Charles Timmes gián tiếp nói cho Kỳ biết đại sứ Mỹ Martin ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh và không ủng hộ cá nhân ông, Kỳ không giấu giếm lập trường của ông là sẽ chống ông Minh không khác chống cộng sản. Tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ vẫn nuôi tham vọng tại chính trường.

Ngay sau khi Thiệu ra lệnh rút khỏi Ban Mê Thuột, từ Khánh Dương trên Cao Nguyên - nơi ông có một nông trại - Kỳ đáp máy bay trực thăng về Sài Gòn nhờ tướng Cao Văn Viên, đang là tổng tham mưu trưởng, thuyết phục Thiệu giao quân cho Kỳ đi ngăn chặn sự tiến quân của quân giải phóng và bảo vệ Sài Gòn. Trong hồi ký của mình (Budda’s Child), Kỳ kể đã gặp Cao Văn Viên.

Kỳ hỏi: “Tình hình Ban Mê Thuột thế nào rồi?”.

Viên đáp: “Rất khó khăn. Chúng ta không có thừa quân vì phải bảo vệ Sài Gòn”.

Kỳ: ‘‘Tôi không cần nhiều quân. Cho tôi vài tiểu đoàn thủy quân lục chiến hoặc dù, và chừng 20 đến 25 chiến xạ, tôi sẽ tìm cách phá vỡ sự bao vây. Tôi sẽ trực diện với quân địch và chiến đấu”.

Dừng một lúc, Kỳ hỏi Viên: “Anh có nghĩ tôi sẽ thành công”

Viên trả lời: “Nếu anh chỉ huy lực lượng đó, tôi nghĩ là thành công”.

Kỳ: ‘‘Vậy thì hãy để tôi hành động”.

Viên: “Đáng tiếc tôi không ở vào vị trí có thể lấy một quyết định như thế. Quyết định này thuộc thẩm quyền của tổng thống Thiệu”.

Kỳ: ‘‘Ô kê, hãy gọi Thiệu, báo cho ông ta tôi đang ở đây và nói với ông ta biết đề nghị của tôi…”

Viên gọi điện cho Thiệu, nhưng tổng tham mưu trưởng không nói chuyện được với vị tổng chỉ huy của mình. Thông qua một tùy viên của Thiệu, Viên để lại một báo cáo. Nhưng sau đó, viên trợ lý này gọi lại tướng Viên và cho biết:

“Tổng thống cảm ơn tướng Kỳ rất nhiều về đề nghị của ông nhưng tổng thống cần có thời gian để suy nghĩ về đề nghị của ông”.

27 năm có đủ lâu để suy nghĩ cho một quyết định như thế? Tôi vẫn chờ câu trả lời của Thiệu. Có lẽ ông ta sợ tôi sẽ làm gì đó tại Sài Gòn với đơn vị xe tăng hơn là sợ đối phương có thể làm gì với quốc gia”.

Thật sự đây chỉ là canh bạc xì phé mà Kỳ tung ra với Thiệu. Cả Cao Văn Viên và Nguyễn Văn Thiệu không ai tin rằng Kỳ sẽ cầm quân ra mặt trận vào lúc đó sinh mạng sống của mình để bảo vệ cái ghế của Thiệu. Điều mà cả hai nghĩ là có quân trong tay Kỳ sẽ tính tới lật đổ Thiệu và giành lấy quyền bính mà ông ta đã để lọt ra khỏi tay hồi năm 1967. Tự cho mình quá hiểu Kỳ, Thiệu đương nhiên gạt qua một bên “đề nghị viển vông” ấy.

Vào lúc CIA có ý định lật đổ Thiệu, ông Kỳ lại được nhà báo Mỹ Robert Shaplen của báo New Yorker tích cực vận động để quay trở lại chính quyền. Từ đầu Shaplen luôn ủng hộ Kỳ. Shaplen có ảnh hưởng khá lớn đối với tòa đại sứ Mỹ, nhưng cuộc vận động này nếu quân giải phóng chưa vào Sài Gòn, ngày 30-4-1975, chắc chắn Kỳ cũng sẽ tìm cách đảo chính ông Minh.

Ngày 25-4-1975, ông Thiệu rời Sài Gòn một cách bí mật; địa chỉ đến là Đài Loan. Trước đó quyền tổng thống Trần Văn Hương thúc hối đại sứ Martin phải áp lực ông Thiệu rời Việt Nam sớm bởi “sự hiện diện hiện diện của ông Thiệu gây khó khăn cho ông”! Từ ngày 21-4 sau khi tuyên bố từ chức, ông Thiệu và gia đình vẫn ở trong Dinh Độc Lập. Ông Thiệu rời Dinh Độc Lập vào lúc 7 giờ 30 tối. Cùng đi với ông Thiệu có tướng Trần Thiện Khiêm, cựu thủ tướng và là bạn thân của Thiệu. Bà Thiệu và bà Khiêm đã rời Sài Gòn trước đó vài ngày. Bà Khiêm mang theo cả người giúp việc. Theo sự tố giác của linh mục Đinh Bình Định, người rất gần gũi với linh mục Trần Hữu Thanh, thì trong quân đội vào đầu tháng 3 có nhen nhúm một kế hoạch kết hợp Thiệu và Khiêm thành một liên danh tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 3 vào cuối năm 1975, nếu chế độ Sài Gòn còn kéo dài. Chính Thiệu cũng từng tiết lộ kế hoạch này với đại sứ Martin và cho rằng nếu ông làm tổng thống một nhiệm kỳ nữa thì ông sẽ có điều kiện để mở rộng dân chủ!

Chi tiết về cuộc “trốn chạy” của ông Thiệu – vâng phải gọi đó là một cuộc trốn chạy – được các tài liệu CIA sau này tiết lộ như sau:

Ngày 25-4-1975, đại sứ Martin điện cho Kissinger báo rằng ông đã nghĩ ra cách đưa Thiệu và Khiêm rời khỏi miền Nam một cách bí mật. Martin cho tướng Mỹ Timmes tổ chức cuộc ra đi của Thiệu.

Timmes điện cho Thiệu và cho biết ông ta có thể dùng một chiếc trực thăng để đưa Thiệu từ Dinh Độc Lập đến phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng ông Thiệu trả lời rằng ông ta muốn đi ô tô để ghé tổng tham mưu trước và “uống một ly rượu với 22 tướng tá” đến chào từ biệt ông ta tại đây. Hình như nơi Thiệu và Khiêm ghé lại là nhà riêng của ông Khiêm. Từ tổng tham mưu, chính nhân viên, chính nhân viên CIA Frank Snepp và tướng Timmes đưa Thiệu và Khiêm ra sân bay. Timmes giới thiệu Snepp với Thiệu: “Đây là một chuyên viên phân tích cừ khôi của tòa đại sứ, hơn nữa anh còn là một tài xế đẳng cấp”. Khi ô tô đi vào sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, Timmes khuyên ông Thiệu cúi người xuống “như thế an toàn cho tổng thống”. Timmes sợ lính gác nhận ra tổng thống của họ chạy ra nước ngoài và biết đâu sẽ manh động. Timmes hỏi thăm bà Thiệu và con gái, ông Thiệu trả lời: “Họ đang shopping ở London mua đồ cổ”. Đại sứ Martin đứng chờ sẵn ông Thiệu bên cạnh chiếc máy bay C-118. Trước khi lên máy bay ông Thiệu vỗ vai cảm ơn Frank Snepp. Trong bài viết riêng của mình liên quan đến phút giây này trong quyển The Vietnam War rememberd from all sides của Christian G. Appy, Frank Snepp có kể rằng ông Thiệu bắt tay Snepp và nói “tiếng Anh bằng giọng Pháp” với Snepp rằng: “Cảm ơn, cảm ơn tất cả mọi chuyện”. Nhưng sau đó Snepp lại tự hỏi ông Thiệu cảm ơn chuyện gì? “Tôi nghĩ chúng ta (tức người Mỹ) đã mất 58.000 thanh niên tại đây – ông Thiệu cảm ơn chuyện đó? Hay đơn giản cảm ơn vì bản thân mình chuồn đi được?”. Đại sứ Martin theo Thiệu vào tận bên trong máy bay. Ông ta nói với Thiệu “Chúc may mắn” rồi mới bước bước trở xuống lên ô tô của mình. Chuyến bay của Thiệu mang số 231 đi Đài Loan vào lúc 9 giờ 20. Có tin đồn Thiệu mang theo 16 tấn vàng của ngân khố Sài Gòn. Thật sự số vàng vẫn ở lại miền Nam. Nhưng theo Kỳ thì “Thiệu mang theo tấn hành lý và nhiều triệu đô la tiền mặt. Ông ta không chuồn với số vàng của ngân khố quốc gia”.

Dân Sài Gòn dửng dưng (và không ngạc nhiên) khi hay sự “trốn chạy” của Thiệu ra nước ngoài. Họ không ngạc nhiên vì Nam Việt Nam đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu những cuộc đào tẩu như thế của những kẻ một thời lãnh đạo miền Nam. Trường hợp của ông Thiệu cũng thế thôi, nằm trong sự dự đoán trước của nhiều người. Trung tá phi công Minh, bạn học của Hoàng Đức Nhã ở Lycée Yersin Đà Lạt, được Nhã kéo về chỉ huy đội bay trực thăng riêng của tổng thống Thiệu trong nhiều năm, gặp tôi tại Dinh Độc Lập tối 29-4-1975 đã bày tỏ sự bất mãn của anh với cách cư xử của Thiệu với những người đã từng là thân tín của ông ta. Tại Lycée Yersin, trung tá Minh học trên tôi hai lớp và chúng tôi từng quen biết nhau. Trung tá Minh kể rằng ông Thiệu chẳng nói gì với anh trước khi ra đi mặc dù anh là người bảo đảm tính mạng, sự an toàn cho ông Thiệu trong nhiều năm. Thiệu không cần quan tâm số phận người cộng sự thân tín của mình với gia đình anh ta rồi sẽ ra sao. Không một lời an ủi hay một cử chỉ giúp đỡ trước khi ra đi, mặc dù ông Thiệu dư biết trung tá Mình không dư dả gì trong vị trí công tác của mình. Cái đáng phục ở trung tá Minh là dù sau đó anh có điều kiện ra đi an toàn với chiếc trực thăng mà anh đang lái nhưng anh vẫn quyết định ở lại.

Ngày 25-4-1975, ông Thiệu rời Sài Gòn đi Đài Loan, coi như cuộc chiến ở Việt Nam qua 4 thời tổng thống Mỹ kết thúc.

Một sự thất trận hoàn toàn và đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Tuần lễ còn lại chỉ là thủ tục chính thức khai tử cuộc chiến đã trở thành nỗi nhục và vết thương không thể hàn gắn trong nhiều thế hệ người Mỹ.

Thật ra Washington đã thấy trước sự sụp đổ của miền Nam, đặc biệt từ sau quyết định của Thiệu rứt khỏi Ban Mê Thuột. Trong hồi ký của mình, Kissinger tiết lộ vào thời điểm đó, ông không tin rằng Pháp sẽ dàn xếp được một giải pháp chính trị nào đó. Các cuộc vận động của Pháp phản ánh sự tiếc nhớ của một thời thực dân đã mất ở Đông Dương hơn là đạt tới một dàn xếp thực tiễn. Do đó, từ đầu tháng 4-1975, Mỹ đã tiến hành âm thầm những chuẩn bị cho một cuộc rút chân hoàn toàn khỏi Việt Nam, làm thế nào diễn ra an toàn nhất. Kế hoạch của Mỹ là phải đưa 6000 người Mỹ và khoảng 10.000 người Việt Nam đã từng cộng tác với Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Về những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, xem lại các tài liệu, người ta đi đến kết luận đại sự Graham Martin “lì” hơn tổng thống Thiệu. Ông ta không tìm cách bỏ chạy sớm như Thiệu. Sau khi Thiệu ra lệnh rút khỏi Cao nguyên, lúc đầu đại sứ Martin vẫn hy vọng thực hiện một tuyến phòng thủ cho Nha Trang, Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long để giữ lại phần đất sau cùng - một đề nghị khi được thông báo về Washington đã làm điên tiết Phil Habib, trợ lý các vấn đề Đông Nam Á của tổng thống Mỹ. Và đến khi chế độ Sài Gòn sụp đổ đến nơi thì Martin vẫn hi vọng đạt tới giải pháp chính trị chính phủ liên hiệp ba thành phần (!). Washington coi các suy nghĩ của Martin là ảo tưởng. Quốc hội Mỹ mỗi ngày áp lực mạnh mẽ hơn buộc tổng thống Ford phải tiến hành khẩn cấp lệnh di tản. Ngày 14-4-l975, cả Ủy ban ngoại giao thượng viện Mỹ gọi điện trực tiếp cho tồng thống Ford tại Cabinet Room - phòng làm việc riêng của tổng thống để thúc hối tổng thống ra lệnh di tản ngay. Chuyện này chưa từng xảy ra từ thời tổng thống Woodrow Wilson. Bộ trường quốc phòng James Schlesinger và ngoại trưởng Kissinger cố gắng trình bày tình hình quân sự cho các thượng nghị sĩ nghe. Nhưng các nghị sĩ trong Ủy ban ngoại giao Mỹ phản ứng lại rằng lúc này khôngcòn là lúc bàn cãi các giải pháp mà phải nhanh chóng di tản người Mỹ, “không được kéo dài thời gian để cứu người Việt Nam” (chi tiết này trích trong hồi ký “Ending The War” của Henry Kissinger).

Trong hồi ký của mình, tổng thống Ford kể rằng ông đã gửi cho Martin một bức điện nêu ý kiến rõ ràng: ‘‘rút ra nhanh”. “Tôi sẽ cho ông một số tiền lớn để thực hiện cuộc di tản”. Nhưng Ford kể thêm rằng nghị sĩ Jacob Javits, thuộc New York, lưu ý “đừng dùng số tiền đó như một một viện trợ quân sự trá hình”. Nghị sĩ Frank Church (Idaho) thấy việc cấp tiền cho sứ quán Mỹ có thể sinh ra vấn đề nghiêm trọng, có thể dẫn tới “sự dính líu của chúng ta và một cuộc chiến mở rộng nếu chúng ta có gắng di tản tất cả những người Việt Nam đã trung thành với chúng ta”. Còn nghị sĩ Joseph Biden (Delaware) lặp lại rằng “Tôi không biểu quyết thêm một số tiền nào để đưa người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Tôi không muốn điều này dính líu với việc di tản người Việt Nam”.

Vào lúc này, chuyện di tản người Việt Nam đã từng làm việc với người Mỹ, bị nhiều nghị sĩ coi như “một thứ nợ đời phiền toái”, một yếu tố có thể làm liên lụy đến sự an toàn của người Mỹ khi rút ra khỏi Việt Nam.

Cuối cùng Martin phải tuân lệnh di tản từ Washington nhưng ông vẫn tìm cách thực hiện quyết định này theo ý mình: kéo dài thời gian di tản người Mỹ để hạn chế sự hoảng loạn trong số người Việt dính líu với Mỹ muốn rời khỏi miền Nam.
Kế hoạch di tản của người Mỹ khởi động từ ngày 21-4-1975, liên tục cả ngày và đêm, ban ngày với máy bay C-141s, ban đêm với máy bay C130s. Những người không quan trọng được đi trước.

Để thực hiện cuộc di tản an toàn, tòa đại sứ Mỹ cần duy trì sự tồn tại chế độ Sài Gòn càng lâu càng tốt. Đại sứ Martin khi chấp nhận quan điểm của đại sự Pháp Jean Marie Merillon cần ủng hộ ông Minh thay thế ông Hương cũng vì mục tiêu ấy mà thôi. Thời gian còn lại không còn nhiều nhưng ông Hương vẫn không chịu rời khỏi cái ghế quyền tổng thống của mình bất kể áp lực từ các sứ quán Pháp và Mỹ. Bám vào lập luận mình thay Thiệu đúng theo hiến pháp, ông Hương buộc những người muốn thay ông cũng phải thông qua hiến pháp và quốc hội. Là một người ngấm ngầm say mê quyền lực, ông Hương vẫn mơ làm tổng thống và tự coi minh là một Charles De Gaulle mà ông rất ngưỡng mộ. De Gaul1e là vị cứu tinh của nhân dân Pháp trong thế chiến thứ hai, còn ông Hương thì tưởng tượng rằng mình có sứ mạng cứu Sài Gòn trước “cuộc xâm lăng của cộng sản”. Do đó khi đã có quyền lực trong tay rồi ông không dễ dàng buông ra.

Thế là các nỗ lực nhằm đẩy ông Hương ra khỏi chiếc ghế tổng thống phải hướng sang quốc hội. Ngày 26-4-l975, lưỡng viện quốc hội được triệu tập để nghe ảnh hình quân sự và quyết định người thay quyền tổng thống Trần Văn Hương. Chỉ có 136 dân biểu nghị sĩ hiện diện trên tổng số 219. Rất đông trong số họ đã chuồn ra nước ngoài. Phiên họp lưỡng viện có mặt cựu tướng Trần Văn Đôn với tư cách bộ trưởng quốc phòng, đại tướng Cao Văn Viên - tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, trung tướng Nguyễn Khắc Bình - tổng giám đốc cảnh sát, trung tướng Nguyễn Văn Minh - tổng trấn Sài Gòn. Các nhân vật quân sự này lần lượt thuyết trình cho các nghị sĩ và dân biểu nghe tình hình quân sự tuyệt vọng của Sài Gòn với sự dẫn chứng cụ thể trên bản đồ. Quân VNCH chỉ có 60.000 người để bảo vệ Sài Gòn. Lúc này quân giải phóng cũng có một quân số như thế nhưng tăng lên nhanh chóng từng giờ. Phần thuyết trình quân sự nhằm thuyết phục các dân biểu nghị sĩ sớm biểu quyết sự thay thế ông Hương để tìm một giải pháp chính trị. Tiếp liền đó là cuộc thảo luận của quốc hội. Có mặt trong phiên họp này ở tầng lầu trên dành cho khách còn có đại diện các tòa đại sứ, đông đảo phóng viên nước ngoài.

Các dân biểu, nghị sĩ tham dự đều biết mục đích phiên họp là đưa ông Minh lên thay ông Hương nhưng cuộc thảo luận có lúc giậm chân tại chỗ và tưởng đâu bế tắc. Những dân biểu, nghị sĩ từng bị gọi là “gia nô” vì bán mình cho tổng thống Thiệu - họ nắm đa số trong cả Thượng viện lẫn Hạ viện - do dự trong biểu quyết trao quyền ông Minh vì hai lý do: 1. Sợ phe đối lập (tức phe ông Minh) lên nắm quyền sẽ trả thù họ. 2. Sợ quân giải phóng vào Sài Gòn quá nhanh chạy không kịp sẽ nguy hại tính mạng.

Nắm rõ ảnh hình này, trong giờ giải lao tôi tiếp xúc với một số dân biểu và nghị sĩ có ảnh hưởng ở phía thân chính và đưa ra thẳng đề nghị trao đồi như sau: 1. Sẽ không có ai trong phe thân chính quyền bị trả thù vì hoạt động ủng hộ Thiệu hoặc chống phe đối lập. 2. Những ai muốn rời khỏi Việt Nam thì sẽ được chính quyền mới cấp hộ chiếu ra đi chính thức. Tôi nhấn mạnh rằng tôi nói với tư cách đại diện chính thức ông Dương Văn Minh.

Những lời hứa này - một thứ bảo đảm an toàn cho các dân biểu, nghị sĩ thân chính - đã thúc đẩy một số còn do dự.

Cuộc biểu quyết truất quyền ông Hương và trao quyền cho ông Minh được thực hiện với số phiếu gần như tuyệt đối 147/151 vào lúc 20 giờ 54 tối. Đây là kết quả từ nhiều phía, nhất là trước viễn cảnh Sài Gòn bị tấn công quân sự. Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm đã điều khiển cuộc biểu quyết này.

Bằng điện thoại tôi đã báo cáo lại cho ông Minh về “sáng kiến” riêng của tôi nhằm thúc đẩy nhanh cuộc biểu quyết và được ông tán đồng. Tôi nhớ rất rõ không khí tại trụ sở Thượng viện trước và sau cuộc biểu quyết. Kẻ thì chán nản như người sắp chết đuối là các dân biểu, nghị sĩ thuộc phe Thiệu, còn những người phe Dương Văn Minh thì hấp tấp, vội vã như sợ không còn bắt kịp cơ hội cuối cùng. Ở tầng trên của phòng họp, báo chí nước ngoài, các nhà ngoại giao nhìn xuống sự bát nháo phía dưới như những khán giả đang xem một trận cầu đầy bi kịch ở phút 90! Hai đại diện ngoại giao căng thẳng nhất vào lúc này thuộc hai tòa đại sự Mỹ và Pháp. Phiên họp lưỡng viện bắt đầu từ sáng 26-4-1975, một ngày sau khi ông Thiệu lên máy bay đi Đài Loan, kéo dài đến chiều tối mới kết thúc.

Còn tại sao quốc hội biểu quyết ông Dương Văn Minh làm tổng thống từ ngày 26-4-1975, lễ tấn phong diễn ra ngày 28-4-1975, nhưng cuộc trình diện thành phần chính phủ lại dự kiến đến ngày 30-4-1975? Trong nhóm ông Minh có bác sĩ Hồ Văn Minh và một người thích nghiên cứu khoa bói toán, xem ngày tốt ngày xấu... Bác sĩ Minh từng là phó chủ tịch Hạ nghị viện và là ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh của ông Dương Văn Minh khi ông Minh có ý định ra ứng cử tổng thống năm 1971. Theo ông “thầy bói nghiệp dư” Hồ Văn Minh thì “ngày tốt” để trình diện nội các Dương Văn Minh là ngày... 30-4-1975 và không thể sớm hơn.

Ông Minh triệu tập những người thân cận, cùng các nhóm Phật giáo, Công giáo từng tán đồng lập trường hòa bình với ông dự phiên họp trong ngày 27-4-1975 để thành lập chính phủ. Những người được mời đến buổi họp đặc biệt này - trên tầng lầu một của dãy nhà phía sau ngôi biệt thự hình bánh ít, tức Dinh Hoa Lan - đều là những người đã đồng hành với ông Minh trong những năm ông từ Bangkok trở về sau thời gian bị phe tướng Nguyễn Khánh buộc lưu vong. Hầu như không ai hiện diện trong buổi họp ngày đó xem việc phân phối các chiếc ghế trong chính phủ Dương Văn Minh như một thành đạt của cá nhân mình, cái ghế chức tước giờ đây đã trở nên hết sức nặng nề, có thể mang lai nhiều phiền toái hơn là quyền lực và danh vọng.

Ông Dương Văn Minh chọn luật sư Nguyễn Văn Huyền, từng là chủ tịch Thượng viện - một trí thức công giáo có uy tín miền Nam làm phó tổng thống. Ông Huyền được cả hai phía đối lập và thân chính kính trọng. Cách cư xử của ông với mọi người luôn từ tốn và lễ độ dù cho người đối diện nhỏ tuổi và vai vế xã hội kém hơn ông. Tôi còn nhớ những lần tiếp xúc với ông bao giờ ông cũng mở đầu câu nói “Thưa ông dân biểu” hoặc “Thưa ông trưởng khối” khi tôi làm trưởng khối dân biểu đối lập Hạ viện (khối Dân Tộc). Về nhân cách, luật sư Huyền hơn hẳn các nhân sĩ nổi tiếng khác có mặt trên chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ như Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu, Mai Thọ Truyền, Trần Văn Văn…

Ở vị trí thủ tướng, ông Minh mời luật sư – nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, đã từng là ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm 12 năm về trước.Vào thời điểm chính phủ Diệm đối đầu với cuộc đấu tranh của Phật giáo và có những hành động đàn áp ác liệt, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đang đi công tác tại Hoa Kỳ. Ông đã cạo đầu và tuyên bố từ chức tại đây để phản đối chính sách đàn áp của gia đình ông Diệm đối với Phật giáo. Ông Mẫu để lại trong đầu tôi hình ảnh một con người có uy tín lớn về nhiều mặt, từ nghề nghiệp riêng trong giới luật sư cho đến các hoạt động chính trị qua cả hai thời kỳ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Thái độ chân thành và có thể gọi dũng cảm của ông trong những ngày cuối cùng và cả khi lực lượng giải phóng vào Dinh Độc Lập khiến cho tôi nhớ mãi và kính phục.

Phó thủ tướng là bác sĩ Hồ Văn Minh đã từng là phó chủ tịch Hạ viện. Anh Minh tánh tình hiền hậu, thái độ chính trị ôn hòa nhưng luôn đứng về phía đối lập và là bạn thân thiết của anh Hồ Ngọc Nhuận. Cả hai chịu trách nhiệm Chương trình phát triển Quận 8, một chương trình xã hội mà người bảo trợ là kỹ sư Võ Long Triều - ủy viên thanh niên, tên gọi của chức danh bộ trưởng thanh niên dưới chính phủ Nguyễn Cao Kỳ.

Tôi không nhớ hết tất cả những ai được mời vào chính phủ Dương Văn Minh nhưng nếu có thiếu sót thì cũng rất ít. Chẳng hạn giáo sư Nguyễn Văn Trường được mời phụ trách Bộ giáo dục. Ông Trường đã từng là Bộ trưởng giáo dục thời chính phủ Kỳ và cả thời chính phủ Trần Văn Hương. Ông là người bạn thân thiết của giáo sư Lý Chánh Trung. Khi ông Trường làm bộ trưởng Bộ giáo dục, ông Trung là đổng lý văn phòng của ông Trường, vị trí đứng thứ hai trong bộ. Người được mời đảm trách Bộ kinh tế, nếu tôi nhớ không lầm là ông Nguyễn Võ Diệu đang là tổng giám đốc một ngân hàng. Đáng chú ý là ở Bộ quốc phòng, tổng thống Dương Văn Minh đã mời một nhân vật trong Lực lượng hòa giải dân tộc thuộc ảnh hưởng Phật giáo Ấn Quang chẳng dính dấp gì đến quân đội, đó là một giáo sư đại học trường đại học Huế, ông Bùi Tường Huân. Tôi có hỏi ông Minh về sự chọn lựa khá đặc biệt này và ông đã trả lời: “Chính phủ của mình đâu có mục đích tiếp tục chiến tranh. Một Bộ trưởng dân sự và là một giáo sư đại học làm Bộ trưởng quốc phòng thể hiện cụ thể ý muốn hòa bình của anh em mình...”.

Trong ghi chép riêng của mình, anh Hồ Ngọc Nhuận có bày tỏ quan điểm của anh lúc đó là không nhận ghế bộ trưởng nào cả. Ngay cả chuyện ông Minh được đề nghị thay ông Hương làm tổng thống, anh Nhuận cũng cố gắng thuyết phục ông Minh không nhận và khuyên nên vận động để chủ tịch Thượng viện Nguyễn Văn Huyền hoặc nghị sĩ Vũ Văn Mẫu nhận chức vụ này.

Tôi nhớ lúc đầu ông Minh có ý định giao chức tổng trưởng Bộ Thông tin cho một người khác, nhưng sau cuộc trao đổi giữa ông Minh với anh Dương Văn Ba và một vài anh em, ông Minh giao cho tôi đảm trách bộ này. Tôi cũng nhớ ông Minh có ý định giao cho anh Nhuận Bộ Xây dựng Nông thôn mà theo ông rất phù hợp tính cách của anh Nhuận. Và tôi cũng nhớ - nếu trí nhớ của tôi vẫn tốt - anh Nhuận có một phản ứng giữa phiên họp làm mọi người không thể nín cười dù lúc tình hình cực kỳ căng thẳng. Anh nói: “Nông thôn đâu còn nữa mà cần Bộ Xây dựng nông thôn, thưa đại tướng!”.

Thế là anh Nhuận được ông Minh đề nghị lãnh chức vụ Đô trưởng Sài Gòn. Trong thực tế, ngay cả với chức vụ này, anh Nhuận cũng không... quan tâm. Lúc đó do những quan hệ riêng của anh với “bên trong”, tức người của MTDTGPMN, anh biết rõ hơn nhiều anh em trong nhóm ông Minh rằng... “màn đã hạ rồi”. Chuyện lập chính phủ vào thời điềm này rồi chẳng đi đến đâu Trong 48 tiếng đồng hồ cuối cùng, nhiều anh em không thấy Nhuận ở đâu, có người thì thấy anh lúc hiện lúc… biến.

Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, ngồi bên cạnh ông Minh trong phiên họp, được ông Minh đề nghị làm phụ tá đặc biệt của tổng thống. Anh Nguyễn Hữu Chung là người rất thẳng tính đã từ chối chức vụ này vì cho rằng nó không xứng đáng với những đóng góp của anh ngay từ đầu trong nhóm. Ông Minh cố gắng thuyết phục Nguyễn Hữu Chung, nhấn mạnh rằng chực vụ phụ tá đặc biệt tổng thống được xếp ngang hàng bộ trưởng và là thành viên của hội đồng bộ trưởng. Ông còn dẫn chứng vai trò quan trọng của phụ tá đặc biệt Nguyễn Cao Thăng bên cạnh tổng thống Thiệu! Nhưng Nguyễn Hữu Chung vẫn nhất quyết từ chối. Có lẽ vì tại miền Nam lúc bấy giờ luôn có thành kiến đối với chức vụ phụ tá đặc biệt của tổng thống qua hai nhân vật chuyên “đi đêm” và làm những việc đen tối: Nguyễn Cao Thăng và Nguyễn Văn Ngân.

Anh Dương Văn Ba được đề nghị làm thứ trưởng giáo dục nhưng không nhân và bày tỏ ý muốn chuyển sang làm thứ trưởng bộ Thông tin cùng tôi.

Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền cùng luật sư Trần Ngọc Liễng được ông Minh giao nhiệm vụ hòa đàm với MTDTGPMN. Ngoài các thành viên chính phủ, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh được chỉ định là tổng giám đốc cảnh sát Sài Gòn.


24. Chính phủ cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa

Nhưng cuối cùng chính phủ Dương Văn Minh chính thức lúc đầu chỉ gồm bốn thành viên: Tổng thống Dương Văn Minh, phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, thủ tướng Vũ Văn Mẫu và tổng trưởng bộ Thông tin là tôi. Việc tôi được bổ nhiệm làm tổng trưởng thông tin trước khi công bố thành phần đầy đủ của nội các xuất phát từ một nhu cầu đặc biệt của tình hình lúc bấy giờ. Ngày 26-4-1975, quốc hội biểu quyết bầu ông Minh làm tổng thống, nhưng ông Minh dự định mãi đến ngày 30-4-1975 mới trình diện thành phần chính phủ. Như thế có một ‘‘khoảng trống chính trị’‘ đến bốn ngày. Các đài truyền hình và phát thanh Sài Gòn, nhất là đài chiến tranh chính trị quân đội, tiếp tục bình luận và phát nhạc chống cộng như lúc ông Thiệu, ông Hương vẫn nắm quyền. Tôi đã chủ động trình bày với ông Minh và ông Mẫu về tình hình này: cần chấm dứt ngay các hoạt động tuyên truyền chống cộng và hiếu chiến trên truyền hình và phát thanh, nếu không đường lối hoà bình và dự định hoà giải hòa hợp của chính phủ mới sẽ phá sản trước khi ra mắt. Trong ngày 27-4-1975, dù chưa được chính thức bổ nhiệm vào bộ Thông tin (lúc đó còn có tên ‘‘Bộ thông tin và chiêu hồi”) tôi đã chủ động gặp ông Lê Vĩnh Hòa, tổng giám đốc đài phát thanh truyền hình, tại nhà riêng của ông tại đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), nơi vợ ông có một cửa hàng bán đồ cổ, để vận động ông ra lệnh thay đổi ngay giọng điệu của cả hai đài thuộc quyền của ông. Tôi đến nhà ông vào lúc khoảng 01 giờ trưa, ông đang ăn cơm với vợ. Tôi tự giới thiệu mình và cho biết tôi sẽ được tổng thống Dương Văn Minh chính thức bổ nhiệm trong ngày mai làm tổng trưởng Thông tin. Nhưng tôi cần gặp ông ngay hôm nay vì tình thế đòi hỏi phải có một thay đổi hoàn toàn về nội dung tuyên truyền trên hai đài truyền hình, truyền thanh, càng sớm càng tốt - về đường lối kết thúc chiến tranh và đặc biệt là thái độ của chính phủ mới đối với quân giải phóng. Tôi nói ‘‘Ông có quyền không nghe tôi vì tôi chưa chính thức là tổng trưởng Thông tin, nhưng tôi tha thiết yêu cầu ông, do đòi hỏi của tình thế cấp bách, nên có một quyết định có lợi cho cái chung ngay bây giờ”.

Tổng giám đốc Lê Vĩnh Hoà không cần tôi nói gì thêm, đã đồng ý hợp tác ngay. Ông ra lệnh bỏ tất cả các loại nhạc chống cộng và ngưng phát các bài, tin, mang tính chống cộng và cổ xuý tiếp tục chiến tranh. Tôi cũng điện thoại trực tiếp cho trung tướng Trần Văn Trung, tổng cục trưởng Tổng cục chiến tranh chính trị là người đang chỉ đạo đài quân đội. Tướng Trung chỉ hứa nhưng không chấp hành.

Cũng trong ngày 26-7-1975, thừa lệnh tổng thống Dương Văn Minh, tôi cũng đã hẹn gặp cố vấn chính trị tòa đại sứ Pháp Pierre Brochand để vận động tổng thống Pháp Giscard D’Estaing có một tuyên bố chính thức trên hệ thống truyền thông Pháp hỗ trợ chính phủ mới ở Sài Gòn. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại Xẹc Tây, tức Cercle Sportif Saigonnais (CSS), được sắp xếp như một cuộc gặp tình cờ. Địa điểm nói chuyện: hồ bơi của CSS!

Khi hai chúng tôi đang đứng ở dưới nước thì Thomas Polgar, “xếp” CIA tại miền Nam nằm dài phơi nắng cạnh hồ bơi, cách chúng tôi không bao xa. Tôi chưa từng gặp mặt Polgar nên không biết sự hiện diện của ông ta. Chính Brochand đã nói khẽ cho tôi biết sự có mặt của Polgar.

Tôi mở đầu cuộc đối thoại: “Ngày mai tôi mới được bổ nhiệm làm tổng trưởng Thông tin nhưng hôm nay tôi được tổng thống Dương Văn Minh cử làm đại diện chính thức của ông, để thông qua tòa đại sứ Pháp, yêu cầu tổng thống Pháp Giscard D’Estaing có lời tuyên bố ủng hộ chính phủ mới cùng nỗ lực tìm kiếm hòa bình của chính phủ này”. Ông Pierre Brochand trả lời rằng ông sẽ báo cáo ngài đại sứ và sẽ chuyển ngay lời yêu cầu này về Paris và ông hi vọng tổng thống Pháp sẽ lên tiếng vào ngày mai. Tôi không được nghe trực tiếp lời tuyên bố của tổng thống Pháp ngày hôm sau vì lúc đó quá bận rộn, nhưng tôi được biết yêu cầu của tổng thống Dương Văn Minh đã được chính phủ Pháp đáp ứng. Rõ ràng đường lối của Pháp trong thời điểm này là ủng hộ chính phủ Dương Văn Minh và muốn chính phủ này có một vai trò trong kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Dĩ nhiên Pháp hi vọng, trong hoàn cảnh này, họ sẽ có một vị trí đặc biệt ở Việt Nam.

Người Mỹ, một mặt hy vọng người Pháp thành công trong nỗ lực của mình để họ có thêm thời gian thực hiện kế hoạch rút khỏi Việt Nam, nhưng mặt khác người Mỹ lại nhìn một cách không thiện cảm các hoạt động của Pháp, cho rằng người Pháp muốn phục hồi thời thuộc địa của họ ở Đông Dương. Trong quyển Interval Decent mà cựu nhân viên CIA Frank Snepp viết về sự kết thúc chiến tranh ở Việt Nam đã vạch ra Pierre Brochand là nhân viên “Phòng nhì” (Deuxieme Bureau) tương đương với CIA của Mỹ. Frank Snepp mỉa mai Pierre Brochand muốn trở thành một Kissinger thứ hai.

Có thể nói đây là lần đầu tiên và duy nhất, tôi bàn với Pierre Brochand một vấn đề chính trị cụ thể. Trước đó quan hệ giữa Pierre và tôi chủ yếu là bạn bè, dù đôi khi có đề cập một chuyện thời sự nào đó nhưng không đi xa hơn sự trao đổi bình thường giữa hai người bạn. Pierre Brochand đẹp trai, ăn mặc lịch sự và luôn hợp thời trang, quan hệ bạn bè khá cởi mở nhưng rất thận trọng khi đề cập các vấn đề nội bộ của người Việt Nam. Ông là người Pháp đáng ghét nhất đối với ông Thiệu vì ông Thiệu cho rằng chính Brochand là người thúc đẩy và hỗ trợ các nhóm hoạt động chính trị đối lập thuộc thành phần thứ ba.

...Ngày 28-4-1975, ông Minh chính thức cử tôi làm tổng trưởng Bộ Thông tin dù chưa chính thức công bố nội các. Quyết định bổ nhiệm tôi do thủ tướng Vũ Văn Mẫu ký. Cũng như Bộ Quốc phòng dự định giao cho một người chẳng biết gì về quân sự - giáo sư đại học Bùi Tường Huân - Bộ Thông tin giao cho tôi, một người hiểu biết rất ít về người cộng sản và càng không có khả năng đảm trách “cuộc chiến ý thức hệ” mà thường bộ thông tin của các chế độ trước đây ở miền Nam luôn phải tiến hành. Ông Dương Văn Minh cũng biết rõ điều đó và rõ ràng ông có chủ đích khi chọn tôi làm tổng trưởng Bộ Thông tin, bởi tôi hoàn toàn có khả năng đóng góp vào mục tiêu tìm kiếm hòa bình của chính phủ Dương Văn Minh.

Sáng 29-4-1975 tôi đến Bộ Thông tin Chiêu hồi trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) ở gần ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), nhận nhiệm vụ mới của mình. Lúc ấy cái tên của bộ giao cho tôi còn là Bộ Thông tin Chiêu hồi. Việc đầu tiên của tôi khi đến đây là chỉ thị cho người trợ lý mới của tôi là Lưu Trường Khương đổi tên bộ này thành “Bộ Thông tin”, bỏ hai chữ “Chiêu hồi”. Anh Lưu Trường Khương cùng học một khoá ở Học viện quốc gia hành chánh với tôi. Khi tốt nghiệp anh bị Trung ương tình báo trưng dụng mặc dầu anh không muốn về làm việc ở đấy. Sau đó dù đã về đây nhưng Khương vẫn tìm cách vận động, qua nhiều người có thế lực trong chính quyền, để được rời khỏi chỗ này. Cuối cùng anh phải chấp nhận về bộ Dân vận Chiêu hồi (sau này mới đổi tên Thông tin Chiêu hồi) thời Hoàng Đức Nhã để thoát khỏi một ngành hoàn toàn không phù hợp với tánh tình anh. Ngay khi còn làm ở Trung ương tình báo, thỉnh thoảng Khương đến thăm tôi và tiết lộ cho tôi biết anh bị cấp trên giao nhiệm vụ theo dõi tôi. Anh nói: “Có lúc tôi đứng hàng giờ bên kia đường nhà ông. Tôi cảm thấy hết sức nhục nhã...”. Về bộ Dân vận Chiêu hồi, Nhã giao cho Khương làm đại diện vùng 4, tức miền Tây Nam Bộ.

Không có ai chỉ thị cho tôi đổi tên Bộ Thông tin Chiêu hồi, kể cả tổng thống Dương Văn Minh hay thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Tôi tự động làm việc này. Trong buổi họp đầu tiên và duy nhất tại văn phòng tôi ở Bộ Thông tin, với tư cách tổng trưởng Thông tin tôi còn chỉ đạo cho tất cả các bộ phận trực thuộc và địa phương từ nay không gọi Việt cộng nữa mà là “quân Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam”, gọi Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Để tránh phản ứng điên cuồng của những phần tử chống cộng quá khích, khi giải thích lý do về những sửa đổi này, tôi đã nói rằng vì chính phủ Dương Văn Minh chủ trương hoà bình nên nhất thiết phải dùng chính danh khi nói về bên kia.

Giữa phiên họp, Lưu Trường Khương đến sau lưng tôi hỏi nhỏ vào tai “Ông ở lại hay đi?”. Tôi quay đầu lại trả lời Khương: “Mình ở lại”. Khương nói tiếp: “Dứt khoát như thế nhé. Mình cũng sẽ không đến chỗ hẹn của Mỹ để được bốc đi vào lúc 15 giờ. Mình cũng ở lại”. Địa điểm mà Khương được “bốc” đi là địa điểm dành riêng cho các nhân viên tình báo.

Trước đó ba hôm (26-4-1975) từ Dinh Hoa Lan về nhà, tôi được Quỳnh Nga, vợ tôi, cho biết anh chàng thanh niên người Mỹ được tôi thuê dạy Anh văn tại nhà mới hai tháng qua (được anh Dương Văn Ba giới thiệu) có mang đến nhà một giấy giới thiệu của người Mỹ dành cho bảy người trong gia đình tôi đi tản cư bằng phương tiện máy bay. Bảy người là đúng nhân số của gia đình tôi: Hai vợ chồng và năm đứa con. Vợ tôi nhờ anh Nguyễn Hữu Thái (đang lánh nạn trong nhà tôi) phiên dịch lại với anh thanh niên Mỹ là gia đình tôi không có ý định di tản. Vợ tôi kể lại: “Em nói cảm ơn anh ta và đã trả lại tờ giấy. Em bảo chồng tôi không có ý định rời quê hương”. Tôi rất tán đồng quyết định của vợ. Về anh chàng thanh niên Mỹ này, có dịp đọc bản thảo hồi ký của anh Dương Văn Ba, tôi mới nhớ lại tên anh là Peter Porr đến dạy anh văn cho anh Ba qua sự giới thiệu của nhà báo Mỹ phản chiến John Spragens. Peter Porr là giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tòa đại sứ Mỹ có chủ trương ưu tiên di tản người Mỹ và tiếp đó là những viên chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn cùng những người đã hợp tác với họ trong ngành tình báo và các cơ quan của họ tại miền Nam. Ở mỗi khu vực, họ đều giao cho một người của họ lập danh sách và tập hợp để đưa ra sân bay tránh những cản trở của giới chức trách và an ninh của chính quyền Sài Gòn. Có lẽ Peter Porr được giao lôi kéo một số nhân vật chung quanh ông Dương Văn Minh. Với hai trường hợp mà tôi được biết (anh Ba và tôi) thì Peter Porr đều thất bại!

Sau 30-4-1975 Lưu Trường Khương đi học tập cải tạo. Lúc này vì hoàn cảnh tôi không giúp được gì cho Khương. Nghe đâu Khương vẫn lạc quan, sau đó thì có tin anh qua đời vì đau ruột thừa nhưng không được phát hiện kịp thời...

...Trở lại ngày 29-4-1975, sau phiên họp tại văn phòng bộ, tôi đến đài truyền hình cố gắng thuyết phục đồng bào không tiếp tục di tản ồ ạt. Theo yêu cầu của tôi, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm người vừa được tân tổng giám đốc cảnh sát Triệu Quốc Mạnh (cũng là một đảng viên cộng sản nhưng lúc ấy chưa lộ) trả tự do theo lệnh ông Minh cũng có mặt tại đài truyền hình. Khi chúng tôi đến đài, tổng giám đốc phát thanh và truyền hình Lê Vĩnh Hòa và nghệ sĩ Trần Văn Trạch đón tôi. Hình như lúc này anh Trạch phụ trách phần văn nghệ của đài truyền hình Sài Gòn. Đây là lần cuối cùng tôi gặp anh Trạch, người mà tôi rất mến mộ tài năng. Anh đã từng mang truyền đơn bươm bướm cổ động bầu cử Hạ nghị viện của tôi phân phát cho các cư tri khi tôi ra ứng cử dân biểu lần thứ ba (1971). Anh nổi tiếng với giọng hát nhại theo các danh ca quốc tế như Tino Rossi, Maurice Chevalier... Đặc biệt anh Trạch nhại được cả âm thanh của các cuộc đua ô tô Công thức 1 như những buổi tường thuật trực tiếp trên các đài phát thanh nước ngoài. Đời sống riêng của anh khá chật vật, do đó không có điều kiện để phát huy sở trường của anh thật đúng mức.

Bài nói của tôi trên truyền hình không được viết sẵn nên nội dung cũng không được tổng thống Dương Văn Minh hay thủ tướng Vũ Văn Mẫu duyệt. Tôi được tổng thống Dương Văn Minh dành cho một quyền hạn khá rộng rãi và một sự tin cậy cao. Bởi tôi cũng là một trong những người góp phần hình thành lập trường chung của nhóm ông Minh, nên ông Minh và ông Mẫu tin chắc tôi nắm rõ quan điểm của nhóm trong phát biểu của mình.

Trong bài nói trên truyền hình, trước hết tôi khẳng định chính phủ Dương Văn Minh là một chính phủ chủ trương hoà bình. Những ngày sắp tới chắc chắn không có tắm máu như những lời đồn đại vì rằng chính phủ Dương Văn Minh dứt khoát sẽ không đối đầu quân sự với quân giải phóng: “Bà con hãy ở lại. Mồ mả ông bà của ta ở đây, quê hương của ta ở đây”. Những lời kêu gọi này, tôi nói gần như trong nước mắt.

Để làm tăng sự sợ hãi trong dân chúng, thúc đẩy người dân miền Nam ra đi ồ ạt, ngày 16-4-1975, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger nói với quốc hội Mỹ rằng nếu cộng sản chiến thắng sẽ có 200.000 người Việt Nam bị giết. Ngày 18-4-1975, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, đại tá Robert Burke, tuyên bố rằng qua các báo cáo mật mà ông ta có, ở những vùng do cộng sản mới chiếm đã xảy ra nhiều vụ trả thù đẫm máu; một số chi tiết của những vụ trả thù này thật “ghê rợn” (horrifying). Còn tờ báo quân đội Mỹ phát hành ở khu vực Thái Bình Dương “Stars and Stripes” có bài báo với cái tít lớn “Ít nhất một triệu người Việt sẽ bị tàn sát”. Tôi nhớ lại lời kể của phóng viên ảnh của AP, Carl Robinson, rằng tòa đại sứ Mỹ có chủ trương tung những tin thất thiệt để gây hoảng loạn trong dân chúng Việt Nam trước sự tiến quân của quân giải phóng và thúc đẩy một cuộc di tản ồ ạt. Đặc phái viên của tờ Der Spiegel (Đức), Tiziano Terzani kể rằng ông nhận được một tin khẳng định một linh mục công giáo tại Ban Mê Thuột di tản không kịp bị cộng sản chặt làm ba khúc! Nhưng chỉ ít ngày sau chính vị linh mục này có mặt tại Sài Gòn “người ông vẫn nguyên vẹn”. Ở Ban Mê Thuột cũng có tin có 300 người bị cộng sản giết nhưng sau đó Tiziano Terzani xác nhận được rằng số người này chết vì bom do máy bay quân đội Sài Gòn thả xuống theo lệnh của tổng thống Thiệu khi thành phố được cộng sản giải phóng (Saigon 1975 – Tiziano Terzani). Tung tin như thế để thúc đẩy người dân miền Nam ồ ạt rời bỏ quê hương mình, hàng ngàn người đã bỏ xác ngoài biển là một tội ác lớn.

...Tôi không hề có một thông tin nào về thái độ cuối cùng của quân giải phóng – đánh hay không đánh vào Sài Gòn – nhưng trong bài nói chuyện của tôi với dân chúng Sài Gòn trên truyền hình ngày 29-4-1975, tôi vẫn mạnh dạn cam đoan rằng sẽ không có trận đánh đẫm máu cuối cùng như cả Sài Gòn đang lo sợ. Tại sao? Lúc đó chỉ bằng suy đoán, căn cứ vào những phân tích và đánh giá chủ quan của tôi về lập trường của người cộng sản qua hai cuộc chiến mà họ tiến hành chống Pháp và chống Mỹ - đều là cuộc chiến yêu nước – tôi tin như đinh đóng cột rằng nếu quân đội Sài Gòn không tiếp tục đối đầu và nổ súng thì quân giải phóng cũng không bao giờ đánh vào Sài Gòn. Do đó sẽ không bao giờ có cuộc “tắm máu” như đã được loan truyền trong những ngày qua từ toà đại sứ Mỹ khiến cho người dân miền Nam ùn ùn tìm mọi cách để ra đi.

Trước khi kết thúc bài nói chuyện trên truyền hình, tôi mời anh Huỳnh Tấn Mẫm xuất hiện bên cạnh tôi và giới thiệu: “Đây, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm bằng xương bằng thịt, vừa được trả tự do, đúng như lời hứa của chính phủ Dương Văn Minh trả tự do cho tất cả những người tù chính trị”. Cho đến lúc này anh Huỳnh Tấn Mẫm vẫn tiếp tục đóng vai một thanh niên trí thức hoạt động chống Thiệu tại Sài Gòn chứ không phải một đảng viên cộng sản hoạt động trong hàng ngũ của MTDTGPMN. Như đã nói chính quyền Thiệu nhiều lần toan tính trao trả anh Mẫm cho MTDTGPMN tại Lộc Ninh (để chứng minh anh là một người cộng sản) nhưng anh Mẫm luôn từ chối và đòi được trả tự do tại Sài Gòn.

Một cựu dân biểu có kể rằng vào những ngày giữa tháng 3-1975 sau khi Ban Mê Thuột thất thủ và cả Vùng 2 chiến thuật lần lượt tháo chạy, tướng Nguyễn Cao Kỳ đề nghị có cuộc tiếp xúc với tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh đồng ý tiếp. Trong cuộc gặp này, tướng Kỳ đề nghị hợp tác với tướng Minh trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng tiến công của cộng sản. Tướng Kỳ đưa ra giải pháp quân sự: lấy Cần Thơ làm thủ đô, gom tất cả lực lượng hải quân, không quân và bộ binh làm vành đai bảo vệ phần đất còn lại từ bến phà Cần Thơ trở về phía dưới miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Trà Vinh, Rạch Giá... Nhưng kế hoạch này không được ông Minh chấp nhận.

Tháng 2-2002 khi cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ trở về quê hương lần đầu sau 1975, tôi có gặp lại ông. Trong một buổi cơm trưa, tôi hỏi ông Kỳ trong những ngày cuối cùng trước khi quân giải phóng vào Sài Gòn ông có gặp ông Minh để bàn về cuộc hợp tác không thì ông Kỳ cho biết không có cuộc gặp đó. Ông nói với tôi: ‘‘Tối 27-4-1975, tôi có điện tôi có điện thoại cho tùy viên quân sự của ông Minh là Đại tá Trương Minh Đẩu để yêu cầu gặp ông Minh bàn về sự hợp tác trong cuộc đối đầu với sự tiến quân của cộng sản. Đại tá Đẩu báo cáo với ông Minh và trả lời với tôi rằng ông Minh đang bận họp, sẽ gọi điện lại. Sáng 28-4-1975, đại tá Đẩu báo rằng ông Minh sẵn sàng tiếp tôi tại Dinh Độc Lập. Lúc đó tại nhà tôi có tướng Nguyễn Bảo Trị và một số bạn bè khác. Anh em khuyên tôi không đi vì đã quá muộn để có thể làm gì. Như thế vào những ngày cuối cùng, tôi không hề gặp ông Minh’‘. Cũng về những sự kiện xảy ra vào thời điểm tháng 4-1975, ông Kỳ còn kể rằng, trước đó khi ông Trần Văn Hương vừa lên thay ông Thiệu rút khỏi cương vị tổng thống, ông có tự động đi gặp quyền tổng thống Hương và đề nghị với ông Hương là ông sẵn sàng đứng đầu quân đội để chỉ huy cuộc chiến “ngăn chặn cộng sản”. “Ông Hương khéo léo từ chối bằng cách bảo rằng trước đây tôi là phó tổng thống mà bây giờ bổ nhiệm tôi làm tổng tham mưu trưởng thì... coi không được. Ý ông nói chức vụ này nhỏ hơn. Cho ông suy nghĩ thêm vài ngày. Tôi liền bảo trong vài ngày nữa miền Nam đâu còn nữa để cụ và tôi còn gặp nhau!”. Câu chuyện giữa ông Kỳ và ông Hương chưa hết ở đây. Ông Kỳ kể tiếp “Anh có biết không, cái ông già đó thật hết nói. Sau khi ổng bị quốc hội truất quyền và trao cái ghế tổng thống cho ông Minh thì chính ông lại điện thoại cho tôi và nói với tôi: bây giờ anh muốn làm gì cứ làm. Có nghĩa là ông già Hương xúi tôi đảo chính!”.

...Chiều 28-4-1975 vào lúc 16 giờ 45 buổi lễ bàn giao giữa quyền tổng thống Trần Văn Hương và tân tổng thống Dương Văn Minh diễn ra tại dinh Độc Lập. Thật sự ông Minh không bao giờ muốn có một buổi bàn giao như thế này. Ông vẫn từ chối trở thành người kế tục tổng thống Nguyễn Văn Thiệu theo hiến pháp của Đệ nhị Cộng hoà mà ông hoàn toàn phủ nhận giá trị của nó. Ông Minh muốn mình nhận một sự uỷ quyền khác của người dân miền Nam, có một nền tảng tín nhiệm của quần chúng thực sự. Nhưng bối cảnh lịch sử bấy giờ không cho ông có một chọn lựa nào khác. Ông Minh và những người cộng sự gần gũi với ông tự đặt cho mình một nhiệm vụ lịch sử cần kíp hơn, hệ trọng hơn: Bằng mọi giá truất quyền tiếp tục chiến tranh đang còn trong tay của phe Thiệu - để tránh xảy ra trận cuối cùng đổ máu làm hoang tàn Sài Gòn. Bởi ông Trần Văn Hương thay tổng thống Thiệu vẫn tuyên bố “quyết tiếp tục chiến đấu để giữ đến tấc đất cuối cùng”.

Tại Dinh Độc Lập, đọc xong bài diễn văn giao quyền của mình, quyền tổng thống Hương bắt tay ông Minh – tân tổng thống – và nói: “Nhiệm vụ của Đại tướng rất nặng nề”. Câu nói chứa đựng sự mỉa mai và cả sự hoài nghi của ông Hương về khả năng ông Minh tìm một giải pháp thương thuyết hoà bình cho miền Nam. Khi tân tổng thống Dương Văn Minh vừa bắt đầu đọc bài diễn văn nhậm chức của mình thì sét đánh ầm ầm, một trận mưa to chưa từng có trong nhiều năm ập xuống Sài Gòn. Thậm chí quan khách dự lễ không nghe được ông Minh nói gì. Nhiều người cho đó là một điểm gở cho tân chính phủ. Tôi không ngồi ở những hàng ghế dành cho các nhân vật chính phủ hay dân biểu nghị sĩ. Tôi đứng ở một góc cuối phòng gần chỗ dành cho các nhà báo nước ngoài. Cái không khí chung của buổi lễ nhậm chức thật buồn não. Nhiều người đã thấy trước sự vô ích của buổi lễ này. Một tân tổng thống chẳng có quân đội, lực lượng, chẳng còn đất đai. Một tổng thống của Sài Gòn thì đúng nghĩa hơn là một tổng thống của miền Nam. Và cái chức vụ ấy gần như trống rỗng.

Diễn văn nhậm chức tổng thống của ông Dương Văn Minh rõ ràng đã phản ánh lại hai áp lực mà ông không thể không tính đến: Một mặt quân đội VNCH vẫn còn đó, và dù hiện rất xơ xác, nhưng vẫn còn điều kiện để phản ứng điên rồ nếu họ thấy mình bị “phản bội”; mặt khác tân tổng thống Dương Văn Minh phải chứng minh được với “phía bên kia” đây là một chính phủ không có mục đích đeo đuổi chiến tranh, mong muốn được thương thuyết hoà bình. Kết quả bài diễn văn nửa vời ấy bị coi là nhợt nhạt, không tạo ra được một lực đẩy mới mạnh mẽ và dứt khoát hướng tới con đường chấm dứt chiến tranh.

Thật khó cho chính phủ Dương Văn Minh vào thời điểm này nghiêng hẳn lập trường bắt tay với quân giải phóng. Những đồn đãi về một cuộc đảo chánh từ các phe chống cộng râm ran khắp nơi. Nhất là từ phía lực lượng không quân thuộc ảnh hưởng của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Từ khi quốc hội biểu quyết cử ông Minh thay ông Hương, lực lượng không quân ở Tân Sơn Nhất đã đóng cổng, chối từ nhận lệnh điều động của tổng thống Minh!

Khi ông Minh và đoàn tuỳ tùng vừa từ Dinh Độc Lập trở về Dinh Hoa Lan thì nghe vang lên những tiếng nổ làm rung chuyển cả Sài Gòn. Các loại súng ở Dinh Độc Lập và Hải quân ở bến Bạch Đằng bắn lên như điên nhưng chẳng biết bắn vào mục tiêu cụ thể nào. Lúc đó tôi đang ở tại văn phòng báo chí của ông Minh nằm ở cổng sau Dinh Hoa Lan, cùng một số anh em khác. Mọi người đều chui xuống bàn. Chưa kịp trao đổi với nhau, nhưng tất cả đều nghĩ phe Kỳ đảo chính. Có người còn đặt ra giả thuyết: có khả năng Kỳ dội bom xuống Dinh Hoa Lan. Liền đó, trung tướng Mai Hữu Xuân, người thân tín của ông Minh ra lệnh anh em rời Dinh Hoa Lan. Tôi cùng ông Minh, bà Minh và một số người di chuyển đến một biệt thự nằm trên đường Phùng Khắc Khoan, cách Dinh Hoa Lan 500 mét đường chim bay và chỉ cách tư dinh của đại sứ Mỹ Graham Martin khoảng 100 mét. Nhà này hình như của một tư sản gốc Hoa, bạn của tướng Mai Hữu Xuân. Tại đây tướng Xuân mới được báo cáo: các tiếng nổ là do máy bay Việt cộng oanh kích xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Có tất cả năm chiếc A-37s – mà quân giải phóng mới chiếm được - xuất phát từ Nha Trang đã tham gia cuộc tấn công dưới sự chỉ huy của trung uý phi công Nguyễn Thành Trung. Đây là cuộc tấn công thứ hai của Nguyễn Thành Trung từ khi ông rời quân đội Sài Gòn vào vùng giải phóng (tin tức sau này cho biết ông Trung là đảng viên cộng sản nằm vùng từ lâu được cài trong binh chủng không quân Sài Gòn). Trong số phi công dội bom sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ có Nguyễn Thành Trung là thông thạo loại chiến đấu cơ của Mỹ. Bốn phi công còn lại trước đó chỉ lái Mig. Điều này khiến cho giới quân sự Sài Gòn và Mỹ kinh ngạc. Mặt khác vì ở trại Davis vẫn còn phái đoàn quân sự của MTDTGPMN nên giới quân sự Sài Gòn vẫn nghĩ rằng quân giải phóng không dám cho máy bay oanh tạc khu vực này.

Tướng Xuân cho điều động một số xe tăng đến bảo vệ Dinh Hoa Lan. Các liên lạc với căn cứ không quân ở Tân Sơn Nhất vẫn không thực hiện được. Khoảng hơn 10 giờ đêm, ông Minh và đoàn tùy tùng trở về Dinh Hoa Lan.

Tôi không biết Đô đốc Chung Tấn Cang, tư lệnh Hải quân, vào Dinh Hoa Lan tối 28-4-1975 gặp ông Dương Văn Minh nói gì về quyết định ra đi của ông. Nhưng sau đó trong giới thân cận của ông Minh hay tin ông Minh đã chấp nhận cho con rể của mình là đại tá Đài đưa con gái và hai cháu ngoại của ông lên tàu hải quân cùng đi di tản với Đô đốc Chung Tấn Cang. Vào lúc này có lẽ ông Minh đã biết chuyện thương thuyết với quân giải phóng là vô vọng. Các tin tức từ đại sứ Pháp Jean Marie Merillon và cố vấn chính trị Pierre Brochand không có sự tiến triển nào cả. Vai trò trung gian của Pháp cho một giải pháp chính trị mà lúc đầu họ rất tự tin cuối cùng trở nên vô vọng.

Sau này đọc quyển sách Cruel April của Olivier Todd, tôi ngạc nhiên vô cùng được biết trong lần gặp ông Minh cuối cùng tại Dinh Hoa Lan, đi theo Chung Tấn Cang còn có hai sứ giả của ông Trần Văn Hựu, cựu thủ tướng thời Bảo Đại. Hai sứ giả này là Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh. Họ đề nghị ông Minh mời ông Hựu về làm thủ tướng “vì Hà Nội và Chính phủ Cách Mạng lâm thời tán đồng vai trò của ông Hựu”. Nhưng ông Minh đã dất khoát từ chối những gợi ý của hai người này. Tôi không biết rõ điều tiết lộ của Olivier Todd có đúng sự thật hay không. Trong giới thân cận của ông Minh, mãi cho đến sau này, không ai nhắc đến sự kiện này.

Cũng trong ngày 28-4-1975, cựu dân biểu Ngô Công Đức từ Paris về đến Bangkok cũng có liên lạc với ông Dương Văn Minh qua trung gian của dân biểu Hồ Ngọc Nhuận. Nhắc lại: Đức rời khỏi Sài Gòn tháng 8-1971 sau khi thất bại trong nỗ lực tái cử của mình vì bị chính quyền Thiệu gian lận. Ngô Công Đức dự định trở về Sài Gòn nhưng từ ngày 26-4-1975 máy bay dân sự không còn được phép đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Đức đã phải quay lại Bangkok. Trong cuộc điện đàm với ông Dương Văn Minh, anh Đức nói rằng đến lúc này không có giải pháp chính trị cho sự kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ông Minh hỏi anh Đức: “Toa thấy không còn cách nào à ?”. Anh Đức trả lời: “Thưa Đại tướng, theo tôi không có cách nào!”. Gặp Đức sau 1975, tôi có hỏi anh sự khẳng định đó anh có từ đâu. Đức nói theo nhận định riêng của anh qua các tiếp xúc chứ không là tin chính thức từ đâu cả.

Ông Minh nhận trách nhiệm trước lịch sử ở lại đóng nốt vai trò của mình bất kể sự việc kết thúc sẽ ra sao. Sự ra đi của con gái và hai cháu ngoại giúp cho ông nhẹ bớt âu lo chuyện riêng tư. Bà Dương Văn Minh thì vẫn ở lại bên chồng.

Mãi đến 12 giớ đêm tôi mới về đến nhà ở đường Nguyễn Tri Phương. Vợ tôi chưa ngủ, vẫn thức chờ tôi. Năm đứa con đã ngủ. Đứa lớn nhất Lý Quí Hùng 13 tuổi, kế đó Lý Quí Dũng 11, Lý Quí Trung 9 tuổi, Lý Quỳnh Kim Trinh – con gái duy nhất – 7 tuổi và Lý Quí Chánh nhỏ nhất mới 5 tuổi. Trong giấc ngủ, chúng như những thiên thần. Trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ: chiếc thuyền tôi đang lèo lái chở khẳm quá, trong khi biển đang sóng to gió lớn, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nước mắt như chực trào ra. Không biết tại sao. Nhưng tôi kịp ngăn lại. Thay quần áo xong, tôi để một băng nhạc Trịnh Công Sơn vào máy AKAI, bật lên và nằm dài trên thảm. Nhiều lần tôi đã làm như thế sau một ngày chống Thiệu gay go. Với tôi, nhạc Trịnh Công Sơn luôn là một liệu pháp tinh thần kỳ diệu.

Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương nước mắt lưng dòng...
Em chưa biết quê hương thanh bình
Em chưa thấy xưa kia Việt Nam
Em chưa hát ca dao một lần
...

(“Người con gái Việt Nam”, Ca khúc da vàng)

Cha mẹ tôi chưa biết quê hương thanh bình. Tôi cũng chưa biết quê hương thanh bình một ngày nào. Hy vọng thanh bình ấy sẽ đến với các con tôi chăng? Mây đen đang vần vũ trên bầu trời nhưng ánh sáng tươi đẹp đang ló dạng? Tôi thiếp ngủ lúc nào không biết...

Bộ mặt của Sài Gòn sáng 29-4-1975 khác hẳn ngày hôm trước. Đó là những dấu hiệu đầu tiên của hoảng loạn. Từ nhà riêng ở đường Nguyễn Tri Phương ra Dinh Hoa Lan, ô tô của tôi được hai chiếc xe Jeep của cảnh sát bảo vệ. Một chiếc chạy phía trước và một chiếc chạy bọc sau.

Trước khi bước lên xe, tôi nhận ra sự hiện diện của bốn viên cảnh sát đã từng theo dõi tôi đứng trong tư thế sẵn sàng bên chiếc xe đi theo bảo vệ. Khi ông Thiệu bỏ chạy ra nước ngoài, bốn viên cảnh sát này liền liên hệ với những người bảo vệ tôi và ngỏ ý nhập vào toán cận vệ của tôi nếu ông Minh trở thành tổng thống. Và tôi đã chấp nhận. Họ và tôi chẳng có gì để hận thù nhau. Họ chỉ làm phận sự do cấp trên giao.

Đoàn xe của tôi vừa ra đến đường Trần Quốc Toản (nay là đường Ba Tháng Hai) thì chứng kiến một vụ lính thuỷ quân lúc chiến cướp xe gắn máy của một người đàn ông. Cận vệ của tôi - Nguyễn Văn Bé – cho biết tối hôm qua tại thành phố đã xảy ra một số vụ binh lính đào ngũ dùng súng cướp nhiều tiệm vàng và cửa hàng. Trên đường đến Dinh Hoa Lan, tôi không thấy một bóng dáng nào của cảnh sát giữ trật tự và an ninh ở các ngã đường. Trong đầu tôi hiện lên những cảnh cướp bóc mà thành phố Đà Nẵng đã trải qua trước khi quân giải phóng có mặt. Tôi nghĩ: “Làm sao tránh cho Sài Gòn tai hoạ này?”.

Tổng giám đốc cảnh sát là trung tướng Nguyễn Khắc Bình đã bỏ chạy, chỉ còn phó tổng giám đốc là thẩm phán Phạm Kim Qui. Tối 28-4-1975, theo lệnh của tổng thống Minh, anh Dương Văn Ba điện thoại cho ông Qui yêu cầu cho ông ta bằng tất cả khả năng còn lại của Tổng nha cảnh sát cố gắng giữ trật tự trị an, đừng để xảy ra cướp bóc, nhất là vào ban đêm. Phạm Kim Qui cho biết ông ta còn có thể điều động được một sư đoàn cảnh sát dã chiến và sẽ cố gắng thực hiện chỉ thị của tổng thống Minh. Ngày 28-4-1975, theo yêu cầu của tôi, anh Ba (lúc này là thứ trưởng bộ Thông tin) cũng đã liên hệ với Phạm Kim Qui điều động một đại đội cảnh sát dã chiến bảo vệ an ninh khu vực Bộ Thông tin. Điều đáng nói là lúc này chúng tôi, sợ binh lính VNCH đào ngũ làm bậy hơn là sợ Việt cộng tấn công!

Khi tôi đến Dinh Hoa Lan trong phòng khách chỉ có ông Minh và vợ tôi (đã ra đây bằng ô tô riêng chờ tôi). Ông Minh hỏi tôi tình hình bên ngoài như thế nào? Tôi tường thuật cho ông Minh nghe vụ cướp trên đường Trần Quốc Toản và không khí trên phố, kể cả những gì được anh cảnh sát cận vệ kể lại. Tiếp theo đó, tôi thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình:

“Thưa đại tướng (trong sự thân mật, tôi và những người thân cận vẫn gọi ông Minh là đại tướng dù ông đã là tổng thống) tôi thấy tình hình rất nguy ngập, nhất là đối với dân thường. Không còn ai bảo vệ trật tự an ninh của thành phố. Sài Gòn hiện giờ là một thành phố không còn luật pháp. Tôi lo ngại Sài Gòn sẽ bị cướp bóc và hỗn loạn như ở Đà Nẵng mà mình thì bó tay. Thưa Đại Tướng, tôi nghĩ mình nên tuyên bố “Sài Gòn bỏ ngỏ” – ville ouverte – và để quân giải phóng kiểm soát và bảo vệ an ninh cho thành phố. Chỉ có cách đó là tránh cho Sài Gòn khỏi hỗn loạn...”

Liền đó tôi đưa thêm một ý kiến: Không nên công bố việc chuyển giao quyền hành cho quân giải phóng ngay vì như thế Sài Gòn sẽ trải qua một đêm vô chính phủ cực kỳ nguy hiểm. Tôi đề nghị sáng mai hãy công bố. Quyết định này sẽ được giữ kín trong một số rất ít người.

Sáng hôm sau các thành viên của tân nội các vẫn tụ tập tại phủ thủ tướng ở đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) chờ dự lễ gia mắt. Nhiều người thân cận ông Minh, trong chiều 29-4-1975, cũng chưa hay quyết định này, ngoại trừ thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Hình như phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền cũng không được thông báo.

Quyết định của ông Minh có thể không xuất phát hoàn toàn từ đề xuất của tôi. Một số vị khác có thể cũng có đề xuất như vậy. Ý nghĩ ấy có lẽ cũng đã ở sẵn trong đầu của ông Minh trước đó. Những tin tức bế tắc từ sứ quán Pháp, cuộc trao đổi với anh Ngô Công Đức từ Paris... chắc chắn đã có ảnh hưởng vào suy nghĩ của ông. Hơn nữa ông Minh là một nhà quân sự nên cũng rất hiểu tình hình lúc đó là như thế nào.

Sau khi quyết định, ông Minh liền giao việc soạn thảo bản tuyên bố cho bác sĩ Hồ Văn Minh. Tôi không biết sau đó bác sĩ Hồ Văn Minh có nhận lời không, và có thêm ai khác tham gia soạn thảo bản tuyên bố này không.

Chiều tối, trung tướng Vĩnh Lộc - tổng tham mưu trưởng – cùng chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (từ lâu đã đứng về phía cách mạng, là cơ sở của Ban binh vận miền Nam) – lúc này là phụ tá tổng tham mưu trưởng vào Dinh Hoa Lan thuyết trình lần cuối tình hình quân sự và an ninh quanh khu vực Sài Gòn. Cuộc thuyết trình càng khẳng định tình thế hoàn toàn tuyệt vọng đối với quân đội VNCH.

Sau khi hai tướng lĩnh này ra về, tôi đề xuất với ông Minh nên vào Dinh Độc Lập ngủ đêm nay. Vừa nghe đề nghị của tôi, ông Minh đã cực lực phản đối: “Tôi không bao giờ vào Dinh Độc Lập dù có tồn tại trên cái ghế tổng thống. Tôi đã nói điều đó với anh em rồi”. Đúng là trong khi đấu tranh giành chính quyền, ông Minh đã từng nói với những cộng sự viên thân tín của mình rằng dù ông có trở thành tổng thống ông cũng không vào trong Dinh Độc Lập, mà vẫn tiếp tục ở Dinh Hoa Lan của mình. Nhưng ông có nói với tôi: “Mình sẽ vào đó đánh quần vợt” (Phía sau Dinh Độc Lập có hai sân quần vợt giành cho ông Thiệu và bạn bè thân tín của ông). Cách ông Minh nói “Mình sẽ vào đó đánh quần vợt” có thể được hiểu quyết tâm của ông Minh hạ bệ tổng thống Thiệu.

Tôi phải giải thích rõ hơn ý kiến của mình: “Thưa đại tướng, ở lại đây đêm nay rất nguy hiểm cho tính mạng của đại tướng. Chỉ một quả pháo kích không biết từ đâu đến rơi vào đây là chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Sáng mai sẽ không ai có đủ thẩm quyền tuyên bố ngừng bắn và chuyển giao quyền cho quân giải phóng. Vì quyền lợi chung, tôi nghĩ đại tướng nên vào Dinh Độc Lập đêm nay. Ở đó có tầng hầm chống lại các cuộc pháo kích và ném bom”.

Sau một phút suy nghĩ, ông đồng ý vào Dinh Độc Lập. Lúc đó khoảng 9 giờ tối.

Từ Dinh Hoa Lan, ra cổng trước, đi theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), đến đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) rẽ trái là đến cổng chính vào Dinh Độc Lập. Đường đi chưa đến một ngàn mét. Trong Dinh Hoa Lan có hai chiếc ô tô đều được dùng cho cuộc di chuyển này. Ngoài ra cũng có một số xe khác đậu ở cổng sau. Vợ chồng tôi đi xe chung với ông bà Dương Văn Minh. Vì có khá đông người, trong đó có cả gia đình của một số dân biểu nghị sĩ, nên không đủ xe đi. Một số phải đi bộ. Đoàn người, vừa đi xe vừa đi bộ, kéo dài trên đường đến Dinh Độc Lập.

Vào đến Dinh Độc Lập đoàn người chia nhau tìm chỗ ngủ qua đêm. Dinh quá lớn, đủ chỗ cho mọi người. Dĩ nhiên phải sử dụng cả những phòng làm việc. Đầu tiên ông Minh và các cộng sự thân cận của ông được đi xem tầng hầm, nơi đây ông Thiệu dùng để đối phó với các cuộc đảo chính bất ngờ, có thể an toàn tiếp tục chỉ huy cuộc phản công. Phòng trú ẩn rất rộng, trang bị đầy đủ hệ thống truyền tin và liên lạc vô tuyến với đủ loại bản đồ quân sự của Sài Gòn và cả miền Nam.

Khi sĩ quan trong dinh hướng dẫn ông bà Dương Văn Minh đến phòng ngủ của ông bà Thiệu trước đây ở tầng hai, chúng tôi đi qua hành lang phía sau dinh, từ đây, xuyên qua hàng cây sao, ông Minh và tôi nhìn thấy sân quần vợt. Tôi còn nhớ câu nói đùa của ông trước đó: “Mình vào đây rồi và nhìn thấy nó nhưng mình sẽ không có cơ hội cầm vợt bước ra sân”.

Ông bà Minh mời vợ chồng tôi và vợ chồng dân biểu Nguyễn Hữu Chung vào ở chung phòng. Phòng ngủ của ông bà Thiệu khi chúng tôi đến đã trống trơn! Trên thảm, trước giường ngủ chỉ còn bộ da cọp nằm đó trơ trọi. Trong phòng tắm không có một cục xà bông nào. Nhớ sực hồi chiều chưa dùng cơm, tôi hỏi viên sĩ quan trong dinh có gì để ăn không. Viên sĩ quan này bối rối trả lời rằng không còn gì cả dù chỉ là một miếng bánh mì và thịt nguội!

Ông Minh nhìn xuống bãi cỏ trước dinh, thấy hai chiếc trực thăng dành riêng cho tổng thống vẫn nằm yên đó. Ông quay vào bảo người tuỳ viên quân sự là thiếu tá Hoa Hải Đường hỏi xem hai viên phi công trực thăng còn có mặt ở đây không, nếu còn, mời họ đến gặp ông. Một lúc sau, hai viên phi công trình diện ông Minh. Đó là trung tá Nguyễn Văn Minh và đại uý Tạ Duy Báo. Trung tá Minh từng học chung với Hoàng Đức Nhã ở trường trung học Pháp Lycée Yersin Đà Lạt. Tôi cũng quen biết Minh khi học trường Yersin. Minh học trên tôi hai lớp. Có lẽ anh được Nhã gọi về phụ trách đội bay trực thăng của ông Thiệu là do mối thân tình bạn bè ở Yersin. Còn Tạ Duy Báo, tuy là phi công nhưng thường có mặt trên sân quần vợt nhiều hơn. Anh là đấu thủ số một của Xẹc Tây. Anh còn được xếp hạng vào một trong năm cây vợt mạnh nhất của miền Nam, đứng sau Võ Văn Bảy, Võ Văn Thành, Lý Aline, Dương Văn Minh (trùng tên với Đại tướng Dương Văn Minh). Anh Báu có cú đánh rờve (trái tay) hồi mã thương rất mạnh và bất ngờ. Hoàng Đức Nhã quen biết Báu trên sân tennis và rút anh về bổ sung ê kíp lái trực thăng cho người anh bà con mình ở Dinh Độc Lập.

Ông Minh hỏi hai viên phi công: “Trực thăng có đủ nhiên liệu bay ra Đệ thất hạm đội hay không?” Hai viên sĩ quan nghĩ tổng thống Minh và đoàn tuỳ tùng định ra đi, liền báo cáo “đủ và an toàn”. Ông Minh chuyển sang hỏi thăm gia cảnh của hai người. Trung tá Minh than phiền cách đối xử của ông Thiệu đối với các nhân viên thuộc cấp như anh. Khi ông Thiệu ra đi ông chẳng có một quan tâm gì về những người đã từng sát cánh với ông và bảo đảm mạng sống của ông trong thời gian dài. Ông Dương Văn Minh đã gặp và có dịp chơi bóng với Tạ Duy Báu một đôi lần. Báu còn rất trẻ, lúc đó chỉ khoảng 26-27 tuổi. Anh chẳng nói gì cả, chắc trong đầu anh lúc này chỉ nghĩ về gia đình, âu lo không biết có chạy kịp trước khi cộng sản vào Sài Gòn. Ông Minh đột ngột nói với hai viên phi công “Tôi không đi đâu. Tôi cho phép anh em ai muốn đi cứ sử dụng cả hai chiếc trực thăng”.

Trung tá Minh nói ngay anh không đi, chỉ có Báu đi. Hai chiếc trực thăng đã rời khỏi Dinh Độc Lập khi trời còn tối để tránh phản ứng của binh lính đang còn bảo vệ dinh. Tôi không biết mỗi chiếc mang theo bao nhiêu người.

...Trong phòng ngủ của ông Thiệu chỉ có một cái giường – dành cho ông bà Minh. Tôi không biết ông bà có chợp mắt được hay không. Vợ chồng tôi và vợ chồng Nguyễn Hữu Chung ngả lưng trên sàn có trải thảm cạnh đó. Vợ tôi và vợ Chung Nguyễn rì rầm nói chuyện với nhau cả đêm.

Chỗ Chung Nguyễn và tôi nằm, nhìn thẳng ra đại lộ Thống Nhất. Trước mắt chúng tôi là quang cảnh máy bay trực thăng liên tục đáp xuống sân thượng tòa đại sứ Mỹ bốc người đưa ra Đệ thất hạm đội, tạo nên một vầng sáng kỳ lạ, nhìn từ xa như một đám cháy lớn. Thật khó tả tâm trạng của tôi trước quang cảnh này. Tôi tưởng như những người được bốc đi là những người thân của mình, vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại. Có cái gì trì nặng trong lồng ngực. Nước mắt ứa ra lúc nào không hay. Đúng lúc đó tôi bỗng nghe Chung Nguyễn nói nhỏ vào tai tôi: “Mai tao đi. Con tao còn nhỏ quá, bên vợ không ai chịu ở lại...”. Con của Chung Nguyễn lúc đó mới được sáu-bảy tháng. Lấy vợ khá lâu anh mới có con, có lúc tưởng đâu hết hy vọng. Gia đình bên vợ là người Bắc di cư vào Nam năm 54 sau Hiệp định Genève. Hoàn cảnh của Chung Nguyễn thật khó ở lại. Biết được quyết định của người bạn đã gắn bó với mình trong suốt những năm tháng hoạt động chung ở quốc hội tôi sững sờ nằm lặng yên. Bởi tôi biết lời khuyên của tôi trong trường hợp này là vô ích. Chung Nguyễn là người bạn thân nhất của tôi dù đôi khi chúng tôi có quan điểm khác nhau. Ở Sài Gòn lúc đó người ta quen gọi phân biệt hai Chung và hai Trung. Chung Nguyễn (Nguyễn Hữu Chung) và Chung Lý (Lý Quí Chung) trong quốc hội và báo chí; Trung Lý (Lý Chánh Trung) và Trung Nguyễn (Nguyễn Văn Trung) trong Đại học là những trí thức tiến bộ. Tôi không nhớ đêm đó mình có chợp mắt lúc nào hay không. Vầng sáng trước mặt, nóng hực như một đám cháy, kéo dài suốt đêm, đến hừng sáng 30-4 mới tắt.

Chiếc trực thăng di tản cuối cùng - chiếc thứ 19 - rời khỏi sân thượng tòa đại sứ Mỹ vào lúc 3 giờ 58 phút sáng 30-4-1975 mang theo đại sứ Martin. Ông đến Sài Gòn tháng 4-1973, coi chiến tranh Việt Nam như một thứ thập tự chinh của cái gọi là “thế giới tự do”, còn bản thân ông, tự trao cho mình sứ mạng tiêu diệt người cộng sản. Khi chấp nhận làm đại sứ ở Sài Gòn, ông tuyên bố: “I accepted because I felt it to be a mission”. Theo nhà báo Tiziano Terzani, ông ta là người chống cộng thuộc thập niên 50. Các đồng nghiệp của Martin gọi ông là “người Mohican cuối cùng của chiến tranh lạnh”. Ông có một người con trai chết trận ở Việt Nam cũng như tướng De Latre de Tassigny, đứng đầu quân đội viễn chinh Pháp thất trận 20 năm trước, cũng mất một người con trên chiến trường Việt Nam. Martin đi bộ từ nhà riêng của mình (ở đường Phùng Khắc Khoan) qua tòa đại sứ Pháp (cửa vào đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) rồi từ đây đi sang tòa đại sứ Mỹ xuyên qua một khoảng tường trống vừa được mở ra để hai tòa đại sứ thông với nhau. Đại sứ Martin bỏ lại mọi thứ, sách vở, tranh ảnh, đồ cổ, chỉ mang theo cái cặp và... con chó. Ông bước lên trực thăng, một tay ôm lá cờ Mỹ, cũng như đồng nghiệp ông, đại sứ Mỹ tại Campuchia – John Gunther Dean - trước đó hai tuần, đã ôm lá cờ Mỹ leo lên trực thăng rời khỏi Phnom Pênh.

Còn với 129 Thủy quân lúc chiến phụ trách an ninh ở sứ quán Mỹ bảo vệ cuộc di tản, thì đến 7 giờ 53 phút ngày 30-4-1975 người cuối cùng mới rời khỏi sứ quán. Trong hai tuần, tòa đại sứ Mỹ di tản 50.000 người Việt Nam và 6000 người Mỹ. Khi Mỹ kết thúc các chuyến bay di tản vào 4 giờ 58 phút, trong khuôn viên tòa đại sứ Mỹ còn kẹt lại 420 người Việt Nam mặc dù trước đó chỉ ít tiếng đồng hồ người Mỹ quả quyết “No one will be left behind” (Không ai sẽ bị bỏ lại).

Bình luận về sự “cuốn cờ” thảm hại của đại sứ Mỹ Martin, nhà báo Tiziano Terzani viết trong quyển Saigon 1975: Three Days and Three Months như sau: “Người Mỹ! Họ muốn tiêu diệt một phong trào cách mạng nhưng thực tế họ đã nuôi dưỡng nó. Họ đến đây nhằm đặt lại mọi thứ trong trật tự nhưng họ lại ra đi để lại sự hỗn loạn. Họ đến để xây dựng nhưng lại tàn phá. Họ đến để bảo vệ một dân tộc mà họ cho rằng bị tấn công nhưng họ chỉ bảo vệ cho chính họ chống lại những người mà họ coi là “bạn” của mình”.

Năm 2002, một giáo sư người Nhật, Hajime Hitamura thuộc Đại Học Western Sydney (Úc) chuẩn bị một quyển sách về chiến tranh Việt Nam, có gặp tôi và đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ thất trận tại Việt Nam? Tôi có đọc một tài liệu: Năm 1963 trả lời nhà báo Walter Cronkite trong một cuộc phỏng vấn về chiến tranh Việt Nam, tổng thống John F. Kennedy có nói: “Xét cho cùng thì chiến tranh này là chiến tranh người Việt, thắng hay bại là tuỳ ở họ”. Theo tôi cuộc chiến Việt Nam chưa bao giờ thật sự là một cuộc chiến của người Việt Nam theo nghĩa một cuộc xung đột ý thức hệ giữa người Việt Nam với nhau. Người Mỹ ngụy biện khi nói rằng: họ đến đây để giúp những người Việt Nam theo thế giới tự do chống lại cộng sản. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều lấy cái có đó để tiến hành chiến tranh tại Việt Nam nhằm áp đặt lên dân tộc nước này ý muốn xâm lược của họ. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở mỗi thời kỳ của mình đều có ý đồ riêng nhằm vào Việt Nam. Sau cuộc chiến của người Pháp thì đến cuộc chiến của người Mỹ. Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 1 kết thúc. Và khi Mỹ không đối phó được chiến dịch Hồ Chí Minh rút chạy thì cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai cũng theo chân họ mà tàn lụi. Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam với quân lính, phương tiện, tiền bạc của họ, dùng người Việt Nam của họ lập nên chính quyền Sài Gòn, thuê mướn và cưỡng bức một bộ phận người Việt Nam cầm súng cho họ. Tôi nhớ rất rõ quần chúng miền Nam không hề có cái gọi là lý tưởng chống cộng, có cuộc chiến đấu của mình để chống lại người cộng sản, ngoại trừ một số đảng phái chống cộng không có quần chúng. Cuộc chiến mà người Mỹ tiến hành nhân danh “người Việt Nam chống cộng” do đó hoàn toàn không có quần chúng. Chỉ có họ và những người vì quyền lợi riêng tư hoặc bị ép buộc theo họ. Chính vì vậy người Mỹ ở Việt Nam không chỉ phải chống lại cộng sản mà còn phải chống lại tất cả những người yêu nước không cộng sản, nói một cách nào đó là phải chống lại gần như cả nhân dân Việt Nam. Cuối cùng người Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam là chuyện tất yếu.

Tôi nói với ông Hajime Kitamura rằng tôi không phải là một nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam. Tôi chỉ nêu một suy nghĩ riêng của mình và chắc chắn chưa phản ánh một cách đầy đủ nguyên nhân thất bại của người Mỹ tại Việt Nam.

Tiêu biêu cho một trí thức có “lý tưởng chống cộng”, tướng Đỗ Mậu, từng là tổng trưởng thông tin và phó thủ tướng thời Nguyễn Khánh (sau 1-11-63) đã viết trọn một hồi ký chỉ để vạch trần sự phá sản của hai chế độ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa (từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu). Hồi ký của tướng Đỗ Mậu đã lý giải khá đầy đủ vì sao chế độ gọi là “quốc gia” đã thất bại.

Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 Ä‘