© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
16.9.2005
Nguyễn Viện
Bí mật của một con ma
 
Nó rất đen và trông hơi có vẻ kềnh càng. Nhưng vì lẫn lộn với bóng tối, nên chẳng mấy ai trông thấy nó, dù nó luôn xuất hiện như thể Chúa ở khắp mọi nơi. Điều dễ nhận ra một con ma là nó chỉ nghe mà không nói, hoặc khi nói thì bao giờ cũng hù dọa người khác. Cũng rất dễ để nhận ra một con ma thật với một con ma giả. Con ma thật, nó dọa người khác bằng chính nó. Còn con ma giả, tất nhiên phải dọa bằng một thứ không phải là nó. Khi dọa một đứa trẻ con, để cho nó nín khóc chẳng hạn, người ta hay bảo coi chừng ông kẹ, hoặc ông ba bị, mẹ mìn bắt. Để dọa một người lớn, tất nhiên không thể mang ông kẹ vớ vẩn, hoặc ông ba bị, mẹ mìn cắc ké ra hù, người ta thường bảo coi chừng công an bắt. Con ma cũng vậy. “Bị bắt” là một phạm trù của nỗi sợ hãi. Cái biểu tượng của công lý bị biến mất. Con ma tự đồng hóa mình với một thế lực hủy diệt. Nó cho mình cái quyền áp đặt người khác trong ý muốn của nó. Khác nó là chống nó. Nhưng bản chất của nó là dựa hơi, vì không có thật, nên nó luôn đeo mặt nạ thánh để phán bảo chân lý.

Câu chuyện được kể lại bởi một người bị ma nhát:

“Hôm ấy, tôi đi ăn trưa ở một quán của người quen. Nó theo tôi vào ngồi cùng bàn. Tôi không biết cô gái hầu bàn có nhìn thấy nó không, bởi vì nó là ma, nhưng cô ta vẫn dọn lên hai cái bát và hai đôi đũa. Cũng có thể cô ta nghĩ tôi còn chờ một ai đó. Tôi không nói gì. Khi thức ăn được dọn lên, tôi ăn như không có nó, vì tôi biết nó là ma. Nhưng nó thản nhiên cầm đũa và ăn như thể tôi với nó là bạn. Tôi bảo: “Tao không phải bạn mày”. Nó nói: “Tất nhiên mày không thể là bạn tao”. “Thế thì mày ngồi đây làm gì?”, tôi hỏi. “Đấy là nhiệm vụ”, nó nói. Tôi bảo “cút mẹ mày về âm phủ cho người ta sống”. Nó nhe răng cười coi tôi như thằng ngu dốt: “Mày không biết đây cũng là âm phủ à?”. “Mày muốn gì?”, tôi hỏi.

“Tao muốn mày phải sợ hãi đến chết”.

Tôi phun nước bọt vào mặt nó. Con ma tan biến.

Tôi rút được một kinh nghiệm, mỗi khi con ma xuất hiện mà tôi không muốn nhìn, tôi chỉ việc nhổ nước bọt vào mặt nó”.

Dưới chân tượng Nữ Vương Hoà Bình cuối nhà thờ Đức Bà, tôi đã nhìn thấy con ma đứng khóc. Lạc loài trong thế giới vật sống, tôi nghĩ rằng con ma cô đơn hơn hết thảy các loại vật chết. Bởi sự tồn tại của nó là thừa. Tôi nhìn xuyên qua nó. Những giọt nước mắt tuôn ra từ một hốc tối. Tại sao mày không tan biến vĩnh viễn đi? Nó nói ông không thể hiểu được có những kết tụ như những giọt nước mắt từ bóng tối này. Có những hiện thể nằm ngoài tri giác của con người, nhưng lại gieo rắc sự lo âu vào cuộc sống. Tôi không phải là một sứ mạng. Tôi thuộc về thể tính của cái hữu bất biến, cho nên không thể tan biến. Đừng tìm cách triệt tiêu tôi, vì điều đó vô ích. Nhưng đôi khi tôi vẫn phải khóc vì chính tôi là cái không thật và không thể tách biệt được.

Bố khỉ. Tôi bảo thế mày có muốn uống bia giải sầu không?

Con ma bảo em thích massage hơn. Sờ mó là một hiện thực. Tôi bảo thì uống bia cũng đâu phải trừu tượng. Nhưng con ma bảo phải sờ mó thì hiện thực mới được kích động. Tôi hỏi mày là ma thì làm sao massage được? Người ta không sờ mó em được, nhưng em sờ mó người ta được, nó nói.

Tất nhiên tôi không thể gọi một nhân viên phục vụ cho nó. Bởi thế, nó vào chung phòng với tôi.

Cô gái đang xoa bóp cho tôi bỗng kêu ré lên: “Anh làm gì kỳ vậy?”. Tôi giơ hai tay lên: “Anh có làm gì đâu?!”. Cô gái nhìn hai bàn tay tôi vô tội. Rồi cô tiếp tục làm việc, nhưng ngay trong lúc cô đang bẻ ngón tay tôi, con ma ngu xuẩn vẫn hành động. Cô gái thét lên và chạy ra ngoài.

Tôi nói với con ma: “Mày vừa phải thôi chứ”. Không một chút bối rối, con ma nói em không chịu nổi.

Mặc cho con ma ở lại muốn làm gì thì làm, tôi bỏ về. Đi bộ dọc theo con phố, không định nhìn ngắm gì, tôi chỉ muốn thấy tôi đang trôi đi. Tôi ước gì được trôi đi. Bất định có phải là sự tối hậu? Có một cô gái người Nhật đi song song với tôi. Chắc chắn tôi không lầm là đã thấy cô ngồi một mình trên một chiếc ghe nhỏ thả trên sông Hằng giữa lạnh và sương, nhiều năm trước. Cô choàng một cái khăn lớn chỉ để lộ ra khuôn mặt. Trông cô thanh thoát và bình an. Giờ đây, gặp lại cô giữa đường phố Sài Gòn, tôi vẫn thấy cô thanh thoát và bình an, tuy rằng cô đang mặc một cái áo thun ba lỗ bằng vải gai. Da cô trắng và đục như sữa. Tôi giữ một khoảng cách và nhìn ngắm. Vẻ tự tại của cô làm tôi ái mộ, nhưng tôi cảm thấy mình vô duyên nếu nói bất cứ điều gì với cô. Chắc chắn cô sẽ không bao giờ biết, tôi đã hai lần nhìn thấy cô trên trần gian này với cùng một ấn tượng đẹp đẽ về sự trôi dạt. Tại sao tôi lại nhớ cô mà không phải một ai khác? Có những người mà khi gặp họ lần đầu, ta đã có cái cảm giác thân thuộc thì tôi tin rằng, đó là người đã từng hoặc sẽ là người thân thuộc của mình. Tôi vẫn có cái cảm thức về sự xoay vòng, gấp lại của không gian và thời gian, như thể tôi sống trong nhiều thế giới, nhiều thời đại. Vì thế, tôi đã từng viết một truyện có khoảng thời gian lịch sử là 1000 năm, từ lúc Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long cho đến năm 2010, nhưng tất cả đều diễn ra trong thì hiện tại. Những sự kiện của 1000 năm ấy nằm song song với nhau, không trước không sau. Nên truyện của tôi có thể đọc từ bất cứ đoạn nào và kết thúc ở đâu cũng được. Rất tiếc, tôi chưa thể phổ biến nó, mặc dù viết đã xong từ năm ngoái. Tôi sợ. Tôi chưa sẵn sàng cho cuộc tử nạn.

Người viết văn Việt Nam, cho tới thời điểm này, vẫn hệ lụy về những quan điểm chính trị, dù anh ta ở bất cứ đâu trên mặt đất. Bởi thế viết văn là một thảm kịch trí thức. Nhà văn không chỉ đối diện với chữ nghĩa mà còn phải đối diện với nhân cách của chính mình. Nhưng cũng giống như dân tộc của mình, nhà văn Việt Nam ít có khả năng tự vấn. Anh ta trôi dạt và kẹt vào nỗi sợ hãi, kẹt vào những vấn nạn ngoài văn chương. Ở đấy anh ta chết, hoặc dặt dẹo như quái vật. Hèn mọn.

11.9.2005

© 2005 talawas