© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.9.2005
Lý Quí Chung
Hồi ký không tên
15 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
Gia đình thân yêu

Với tôi, gia đình là trên hết. Trên nền tảng quí trọng này mà trân trọng cuộc sống lương thiện và có ích cho xã hội, yêu thương người khác, yêu thương Tổ quốc. Gia đình là sức mạnh của mỗi chúng ta, cho ta động lực để cống hiến, sự ổn định để sáng tạo và niềm tin nhìn vào tương lai.

Tôi không được cái hạnh phúc “một vợ một chồng” cho cả đời mình. Nhưng trải qua ba lần lấy vợ, tôi lại càng nhận ra vai trò người vợ đối với tôi quan trọng đến ngần nào. Tôi sẽ không là tôi như cuộc đời tôi đã sống và làm việc nếu bên cạnh tôi không có người vợ - một nửa của tôi. Chúng ta không thể nào đo lường được hết cái sức mạnh kì diệu của người phụ nữ gia đình và trong sự gắn bó với sự nghiệp của người chồng. Ai không có hoặc đã đánh mất đi “phân nửa” của chính mình thì ít nhiều đều què quặt trong cuộc đời!

...Các đứa em của tôi, vượt biên khoảng 1977 trên những chiếc thuyền từ năm 1992 cũng bắt đầu lần lượt trở về. Tôi sung sướng tột cùng khi được gặp lại những người ruột thịt của mình mà lúc ra đi tưởng sẽ không bao giờ gặp lại. Nhưng tôi có một niềm vui sướng riêng cất giấu trong lòng: sự trở về của các em tôi đồng thời cũng là sự xác nhận anh trai mình đã có một chọn lựa không sai. Lúc đầu chỉ có các em gái trở về, tôi vẫn không thấy người em trai út. Tôi biết ngày các đứa em tôi ra đi, Nghĩa là đứa thất vọng hơn cả. Sau ngày giải phóng, Nghĩa hoạt động tích cực trong Đoàn Thanh Niên. Tội nghiệp nó, cái áo mặc đi học không dám ủi thẳng thớm vì sợ phê là “tư sản”. Suốt ngày ở trong trường vẽ tranh cổ động và biểu ngữ. Một đoàn viên Thanh niên hết sức tích cực với niềm hăng hái ở cái tuổi 14-15 căng tràn. Thế rồi tai họa ập xuống gia đình tôi, niềm tin ở Nghĩa bỗng chốc tan biến. Do đó khi ra đi rồi Nghĩa không muốn trở lại nơi hằn sâu kỷ niệm buồn thời niên thiếu của mình, nơi chứng kiến cha mẹ mình trải qua những biến cố đau lòng. Các em gái nói cho tôi biết ban đầu khi các chị trở về Việt Nam Nghĩa nhất định không về.

Chuyến trở về đầu tiên của Nghĩa sau gần 20 năm xa cách đất nước là để thăm vợ tôi (lúc này là Trần Hồ Quang Ngọc Cúc; tôi chia tay với Quỳnh Nga, người vợ đầu từ năm 1984) khi vợ tôi vừa phát hiện bị ưng thư đại tràng. Từ lần đó, Nghĩa trở về quê nhà nhiều lần, vết thương xưa trong lòng dần dần được hàn gắn.
Các em tôi đều thành đạt tại Mỹ và Canada. Gia đình tôi cũng trải qua không ít những căng thẳng và mất mát, nhưng xét cho cùng không thấm thía gì khi so sánh với biết bao gia đình khác ở cả hai phía trong cuộc chiến. Gia đình tôi rất may mắn đã có một “Happy-ending” nói theo một loại phim có một kết thúc tốt đẹp.

Tôi có tất cả bảy người con – năm với người vợ đầu (Nguyễn Thị Quỳnh Nga), một với người vợ thứ hai (Trần Hồ Quang Ngọc Cúc) và một với người vợ thứ ba (Võ Thị Thanh Thủy). Ngoài ra còn có một người con riêng với người vợ thứ hai (Nguyễn Hồng Quang) mà tôi coi như con ruột của mình. Các con tôi đều có công ăn việc làm đàng hoàng trong nhiều ngành nghề khác nhau từ đại học, truyền thông cho đến kinh doanh, đời sống riêng ổn định, trừ đứa út là một bé gái mới tròn ba tuổi (Lý Quí Thuỷ Chung).

Tôi không bao giờ ngờ rằng cuộc đời tôi lại trải qua đến ba đời vợ! Khi kết hôn với Nguyễn Thị Quỳnh Nga ở tuổi 21 tôi còn là một sinh viên vẫn nghĩ mình sẽ sống ở đời với người phụ nữ này. Đó là mối tình đầu đích thực. Yêu và lấy làm vợ. Cả đoạn đời đầu (trước 1975) và một phần đoạn đời sau (sau 1975), tôi sống với Quỳnh Nga. Chúng tôi có một cuộc hành trình bắt đầu trong gian khó nhưng sôi nổi và khá thành công trong suốt con đường dài 23 năm. Đáng tiếc đến một giai đoạn (năm 1984), chúng tôi đã không vượt qua được những bất đồng mỗi lúc càng khoét sâu trong cuộc sống; tình cảm và sự kính trọng dành cho nhau chỉ hy vọng cứu vãn nếu chúng tôi chấp nhận một cuộc chia tay thật êm đẹp. Và chúng tôi đã làm được điều đó. Sau 20 năm chia tay, Quỳnh Nga và tôi vẫn là hai người bạn rất đặc biệt, gặp nhau thường xuyên và vẫn quan tâm đến nhau. Năm đứa con của chúng tôi rất ít cảm nhận sự mất mát và đều hãnh diện giữa sự đối xử giữa cha và mẹ dù hai người thân yêu của chúng không còn sống chung với nhau.

Khi tôi kết hôn lần thứ hai, tôi đã bàn với các con tôi, nói rõ quyết định và sự chọn lựa của mình. Trần Hồ Quang Ngọc Cúc, sau này được bạn bè gọi tên thân mật là Cúc Phượng. Nàng đã có một đời chồng nhưng ở với nhau rất ngắn ngủi (hai năm). Khi tôi yêu và lấy Cúc Phượng làm vợ, nàng có một đứa con riêng ba tuổi - Nguyễn Hồng Quang. Hôn lễ được tổ chức tại báo Tuổi Trẻ. Thời kỳ tôi lập gia đình lần thứ hai, cuộc sống rất khó khăn. Bữa cơm thường gồm chỉ có một món duy nhất: hột vịt chiên với cà tô-mát. Rất may mắn là Phượng làm món này rất ngon nếu không thì rất gay bởi các món khác nàng... không biết nấu! Thế mà sống với nhau chỉ một thời gian ngắn, Cúc Phượng trở thành một phụ nữ nấu ăn rất khéo; mỗi bữa ăn đều tạo nên sự bất ngờ thích thú cho chồng. Cúc Phượng còn gây cho tôi sự ngạc nhiên cảm phục khi nàng mở quán ăn có tên “Đôi đũa tre” (Bamboo Chopsticks) ngay tại nhà, địa điểm rất xa khu trung tâm thành phố, mà vẫn thu hút được một số đông thực khách trong và ngoài nước. “Bamboo Chopsticks” được coi là “nhà hàng – gallerie” đầu tiên. Có khoảng 20 bức tranh bán trừu tượng của tôi được treo trên các bức tường ở đây, tạo nên một không khí mới lạ, một phong cách văn hóa ẩm thực rất mới vào những năm đầu thập niên 90.

Cúc Phượng quyết định mở nhà hàng ngay sau khi nàng biết mình bị ung thư đại tràng và vừa trải qua một cuộc đại phẫu. Tôi không thể hiểu nổi nàng lấy đâu ra sự dũng cảm phi thường để vừa tiếp tục sống lạc quan, yêu chồng yêu con, vừa thản nhiên tính chuyện tương lai, khi hiểu rất rõ hơn ai hết quỹ thời gian cuộc đời dành cho mình tối đa là hai năm hoặc hai năm rưỡi. Nàng theo dõi cái mầm bệnh tai ác lớn lên trong cơ thể mình không khác gì theo dõi sự tượng hình đứa con lúc nàng mang thai mà tôi đã từng chứng kiến. Tự nàng hàng tháng đi siêu âm, biết rõ kích thước của khối u đang phát triển. Không hề sợ hãi, buồn phiền. Hoặc có buồn phiền đau khổ nhưng giấu tất cả vào trong, nhất quyết không để cho một ai thấy, nhất là chồng mình. Cúc Phượng không muốn làm ai phải buồn phiền, lo lắng cho mình. Sau khi nàng được giải phẫu, biết mình mắc bệnh gì, nàng không bao giờ nói đến bệnh của nàng bởi sợ những người thân yêu mình đau khổ hơn chình mình đau khổ.

Lần đầu tôi gặp Cúc Phượng là tại một tiệc sinh nhật của một người bạn: tiền đạo Đinh Công Hoàng có biệt danh “Hoàng Cá lóc” của đội Công Nghiệp Thực Phẩm. Cô ấy lúc đó khác hẳn bạn bè xung quanh từ cách trang điểm tự nhiên cho đến lối ăn mặc giản dị. Ngay từ buổi quen biết đầu tiên tôi cảm nhận đây là người phụ nữ rất cần cho cuộc đời còn lại của mình. Lúc đó tôi đã 44 tuổi, vừa chia tay với người vợ đầu tiên, còn Cúc Phượng 26 tuổi. Tôi đã từng gặp Cúc Phượng thoáng qua một hai lần đâu đó nhưng không hề nhớ, còn nàng biết tôi rất rõ trước đó. Tiếng đồn “Ông Chung lả lướt, dan díu với rất nhiều phụ nữ” và cả lời đe của bạn bè “mầy lấy ông ấy sẽ khổ...” không hề làm cho nàng e dè chùn bước. “Khi anh cười, trông anh rất nhân hậu. Giác quan thứ sáu báo cho em biết anh sẽ là người chồng tốt” – Cúc Phượng nói với tôi như thế khi chúng tôi đã là vợ chồng của nhau. Tôi không thể quên câu nói đầu tiên của nàng khi chúng tôi quyết định đi tới hôn nhân: “Em coi anh vừa là người chồng vừa là người cha của em. Từ khi sinh ra, em đã thiếu tình cha”. Cha nàng là một bác sĩ nha khoa nổi tiếng ở Sài Gòn, từng là dân biểu quốc hội thời Ngô Đình Diệm, rồi giám đốc Nha du lịch, đã có vợ người Hồng Kông nhưng bà này ít khi sống ở Sài Gòn. Người vợ tại Việt Nam của ông là mẹ của Cúc Phượng. Mẹ Cúc Phượng dứt khoát chia tay với cha nàng sau khi nàng ra đời. Trong ký ức của Cúc Phượng về cha mình chỉ là hình ảnh mờ nhạt về một người đàn ông thật cao lớn, lâu lâu đến thăm nàng lúc nàng mới được hai hay ba tuổi. Cúc Phượng được bà ngoại nuôi từ nhỏ. Suốt tuổi thơ và cả sau này, Cúc Phượng tìm mọi cách liên hệ với cha mình nhưng không nhận được một hồi âm nào. Cách ít năm nàng mất, Cúc Phượng có nhờ một người bạn xưa của cha mình trong một chuyến sang Mỹ cầm một lá thư của mình gửi cho cha. Nhưng vẫn không có tin tức gì từ người cha.

13 năm tôi sống với Cúc Phượng tràn đầy hạnh phúc (chúng tôi có một đứa con trai Lý Quí Phúc. Hầu như chúng tôi không có một cuộc cãi vã to tiếng nào. Cuộc sống vật chất của gia đình dễ chịu hơn khi tôi bắt đầu làm báo Lao Động (năm 1990) và cũng năm này tôi bắt đầu vẽ tranh khi quen biết họa sĩ Trịnh Cung. Hồi còn đi học tôi chỉ vẽ bằng màu nước và bút chì. Anh Trịnh Cung hướng dẫn bước đầu cho tôi kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu. Ngay năm 1990, tôi tổ chức cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Nhà hàng Thanh niên (nhà hàng của người vợ đầu Quỳnh Nga) và năm sau mở cuộc triển lãm ở Hà Nội tại Gallery Tràng Tiền. Đó là cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của một họa sĩ Sài Gòn tại Hà Nội và cũng là cuộc triển lãm đầu tiên tranh trừu tượng ở thủ đô sau 1975. Nhờ mối quan hệ bạn bè với anh Trịnh Cung, tôi đã khám phá thêm một thế giới nghệ thuật đầy mê hoặc và đồng thời cũng khám phá một mặt khác của chính mình. Bởi nghệ thuật đích thực bao giờ cũng phản ánh cái chiều sâu của một con người. Năm 1992 tôi có cuộc triển lãm tranh lần thứ hai tại Hà Nội. Lần này tôi và anh Trịnh Cung cùng bày tranh tại Bảo tàng lịch sử. Sau đó tôi còn tổ chức thêm hai cuộc triển lãm cá nhân nữa tại Gallerie Mai (con gái của nhà dịch giả Dương Tường) và Gallerie Hàng Bài. Tại TP.Hồ Chí Minh tôi có ba cuộc triển lãm tranh cá nhân vào các năm 1990, 1991, 1993.

Cúc Phượng là người chia sẻ với tôi niềm đam mê mới này và là một trợ lý tích cực trong các cuộc triển lãm. Khi tôi cầm cọ, nàng luôn ở đâu đó và nhiều khi nằm chờ tôi bên cạnh giá vẽ đến một, hai giờ sáng, rồi mới cùng đi ngủ. Nàng luôn là người đầu tiên phát biểu về các bức tranh vừa hoàn tất, thường các nhận xét của nàng thẳng thắn và rất có ích cho tôi. Chính Cúc Phượng căng bố, đi đặt khung tranh và một mình chuẩn bị các cuộc triển lãm từ A tới Z như theo dõi công việc treo tranh, tổ chức tiệc Cocktail, tiếp đón khách ngày khai mạc và chụp ảnh kỷ niệm cho chồng. Khi tôi phụ trách tòa soạn báo Lao Động tại Hà Nội trong 6 tháng, Cúc Phượng theo tôi sống tại Hàng Bồ suốt thời gian này. Nàng đi chợ lo cơm nước và giặt giũ cho tôi. Chúng tôi ăn ở luôn tại cơ quan ở Hàng Bồ. Anh em ở tòa soạn thiết kế cho Cúc Phượng một cái bếp dã chiến trên tầng một. Tôi và Cúc Phượng cùng yêu Hà Nội nên chúng tôi có những ngày ngắn ngủi tại đây đầy những kỷ niệm đẹp. Buổi tối, nếu không đi khiêu vũ, thì đi uống cà phê ở một quán cóc nào đó hoặc đèo nhau trên chiếc xe máy chạy từ phố này qua phố nọ, không có chủ định trước. Với Cúc Phượng, hạnh phúc là cái gì đó thật đơn giản. Nàng mang lại cho tôi cái cảm giác luôn êm dịu, an toàn và tự tin. Khi đứa con trai của chúng tôi – Lý Quí Phúc - bị tai nạn trong nhà, mặt cháu bị miếng kiểng cắt sâu, chính nàng giành ôm con ra xe và trấn an tôi để tôi bình tĩnh lái xe đưa con đi cấp cứu. Các con dâu của tôi đến ngày sinh nở cũng nhờ “cô Phượng” đưa đi bệnh viện. Sự bình tĩnh của nàng làm cho người sắp trải qua giây phút căng thẳng cũng an lòng. Nàng ở bên cạnh con dâu của chồng cho đến khi đứa bé ra đời. Vì Cúc Phượng không có khoảng cách tuổi tác quá lớn so với các con tôi nên các con tôi chọn cách xưng hô thân thương và... phù hợp để gọi người vợ của cha mình là “cô Phượng”.

Sự thành thật, thẳng thắn và trong sáng của Cúc Phượng ngay từ lúc mới yêu nhau khiến tôi hết sức kính trọng.

Sau thời gian quen nhau khoảng sáu tháng, tôi bày tỏ ý định muốn tiến tới hôn nhân. Nàng rất xúc động, do dự một lúc nói: “Em không giấu giếm, em rất mong muốn có một người chồng như anh. Em thèm khát một cuộc sống gia đình bình thường. Chỉ vì điều đó, em có quan hệ với một người đàn ông; người đó hứa với em sẽ dàn xếp chuyện gia đình của anh ấy và tiến tới hôn nhân với em. Nhưng thời gian gần cả năm qua không tiến triển, em đột nhiên rơi vào hoàn cảnh của một người vợ bé, một người tình núp lén tội lỗi...” Tôi hỏi lại: “Nhưng em còn yêu người đó không?”. Tôi biết khá nhiều về người đó. Một nhân vật có tên tuổi ở Sài Gòn, sau 1975 là một nhà doanh nghiệp. “Em không còn thương người đó nữa. Có một lúc em chịu ơn người đó, nhưng người ta không giữ lời hứa với em”. Tôi nói với Cúc Phượng: “Em là người phụ nữ xứng đáng để có hạnh phúc. Anh muốn có một người vợ như em... Anh không coi chuyện em có quan hệ với ai đó trước anh là quan trọng. Vấn đề là kể từ khi chúng mình gặp nhau tình cảm như thế nào và xử sự với nhau ra sao...”.

Cúc Phượng có một đề xuất khá bất ngờ: “Dù sao chuyện em và người đó vẫn chưa rõ ràng, em không muốn người ta suy nghĩ không đúng về em và cả về anh. Ngày mai em sẽ gặp anh ấy và nói cho anh ấy biết dứt khoát suy nghĩ và quyết định của em. Anh sẽ đưa em đến đó chứ?”. Tôi chấp nhận đưa nàng đi để khẳng định tình yêu và sự tin tưởng dành cho nàng. Sau này, hai vợ chồng tôi thỉnh thoảng có gặp lại “người đó” trong những cuộc tiếp tân. Lúc nào Cúc Phượng cũng tỏ ra là một người vợ đầy tự tin và xứng đáng bên chồng.

13 năm hạnh phúc đi qua cái vèo. Như một giấc mơ.

Cuộc ra đi của Cúc Phượng được nàng biết trước hơn hai năm. Nàng bình tĩnh chuẩn bị và trù liệu trước từng chi tiết những gì sẽ diễn ra cho cuộc ra đi đó như một người sắp thực hiện một chuyến du lịch. Sau khi nàng trải qua cuộc đại phẫu (năm 1995) tại Bệnh viện Đại học Y Dược, một hôm tôi nhận được một cú điện thoại của một bác sĩ muốn gặp nàng để “bổ sung giấy tờ”. Tôi ngạc nhiên hỏi giấy tờ gì thì vị bác sĩ này cho biết đó là: “Thủ tục hiến xác của chị Ngọc Cúc”. Suýt nữa tôi té ngã bên chiếc máy điện thoại. Phản ứng của tôi với bác sĩ Nguyễn Quang Quyền, trưởng khoa giải phẫu học của trường Đại học Y Dược TPHCM, không còn bình tĩnh: “Tôi là chồng của Ngọc Cúc nhưng chuyện này tôi chưa hề biết. Xin lỗi bác sĩ...”. Rồi tôi cúp điện thoại. Vào thời điểm này, Cúc Phượng rất khỏe mạnh và xinh đẹp. Trong đầu tôi chưa thể hình dung ra nàng sẽ chết, nói chi chuyện xác nàng sẽ được hiến.

Tối đi ngủ, nằm bên cạnh nàng tôi lựa lời hỏi lý do gì nàng quyết định hiến xác. Tôi liếc nhìn nàng qua ánh sáng yếu ớt của đèn ngủ. Cúc Phượng hơi lúng túng vì nàng chưa chuẩn bị để trình bày chuyện này với chồng. Có lẽ nàng định sẽ nói với tôi khi các thủ tục đã hoàn thành. Nhưng rồi Cúc Phượng bình tĩnh giải thích một cách rành rẽ, chứng tỏ nàng đã suy nghĩ rất kỹ về quyết định của mình: “Em hiểu bệnh của em, chỉ có điều em không biết chính xác lúc nào em sẽ ra đi. Tại bệnh viện em tình cờ biết được các sinh viên y khoa không có xác người để thực tập, họ phải học “chay”. Trường Y khoa có lời kêu gọi hiến xác tại trường Y Dược và em cũng có tham quan phòng mổ xác. Suy nghĩ của em là khi mình chết rồi, xác được chôn xuống đất cũng rã tan, làm mồi cho các loại côn trùng thôi. Cái xác của em có nghĩa lý gì đâu. Cuộc đời của em cũng thế, chẳng giúp ích được gì cho người khác. Thế mà khi em chết và hiến xác em lại trở thành người có ích cho xã hội, cái xác của em lại có ích cho khoa học, giúp cho các bác sĩ tương lai học nghề một cách tốt hơn để cứu nhiều sinh mạng khác thì anh thử nghĩ em có nên làm như thế không?”

Tôi không thể bác bỏ lập luận của nàng, mà chỉ xót xa phân trần với nàng: “Chẳng lẽ em... sẽ không về nhà? Ít ra em cũng cho anh và các con được ở bên cạnh em một thời gian, dù là ngắn ngủi. Rồi còn người thân, bạn bè nữa...”. Cúc Phượng cũng đã nghĩ tới cả chuyện sau đó sẽ diễn ra như thế nào. “Trong đời em đã chứng kiến hai cái đám tang, của bà ngoại em và của ba anh. Cả hai đều diễn ra rất buồn, tiếng kèn trống, tiếng tụng kinh gây ồn ào cả khu xóm, những người đến chia buồn thật đông nhưng trong số đó người thương yêu thật sự người qua đời đâu có bao nhiêu. Em muốn anh tổ chức đám tang của em thật đơn giản. Đâu cần có quan tài. Anh đặt một khung ảnh của em ở một góc phòng, mời một số bạn bè đến, những người bạn mà em biết khi em còn sống họ có tình cảm thật sự dành cho em. Bạn bè có thể đến với một bó hoa nhỏ. Em rất ghét những tràng hoa cườm và những vòng hoa lớn. Em thích có một cuộc chia tay ấm cúng và đơn giản như thế”.

Hai ngày sau khi nàng mất tôi đã tổ chức cuộc chia tay cho Cúc Phượng với người thân và bạn bè đúng như nàng đã phác họa. Danh sách bạn bè được mời đến do chính Cúc Phượng nêu tên: Vợ chồng anh Tống Văn Công (cựu tổng biên tập báo Lao Động), anh Vĩnh An, nhà báo Lưu Trọng Văn, vợ chồng nhà báo Hoàng Thoại Châu, vợ chồng nhà báo Trần Trọng Thức, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh Nguyễn Trung Dân và vợ là chị Phan Thị Lệ, họa sĩ Trịnh Cung, cô Ý Nhi, hai nhà báo Đặng Hoàng, Thúy Hà và mẹ Thúy Hà.

Trên chiếc bàn dài, nhiều bó hoa tươi của bạn bè đặt chung quanh di ảnh của Cúc Phượng. Trong ảnh, nụ cười của nàng thật hiền hòa, nụ cười mà tất cả những ai quen biết nàng đều không thể quên được. Một vài người bạn lần lượt đứng lên nhắc lại những kỷ niệm đẹp của mình với Cúc Phượng, riêng anh Lưu Trọng Văn đọc một bài thơ viết tặng nàng:

THIÊN SỨ

Người đàn bà ấy
Từ đâu
Mà tới đây?
Rồi đột ngột đi đâu
Người hàng xóm ngớ ra
Bầu trời cũng ngớ ra
‘‘Người ơi đừng hỏi!’‘
Tiếng ai nghe quen vậy?
Còn tiếng ai nữa
ngoài người đàn bà ấy
suốt một đời chẳng muốn ai
bận tâm đến mình
Biết trước mình sẽ đi xa
Sợ úa lá dâu
không đòi manh áo
Sợ con ong buồn
không đòi vòng hoa
Sợ đau cánh rừng
không đòi ván gỗ
Và tôi,
Tôi cũng biết trước người đàn bà ấy sẽ ra đi
Mà sao không đến chào, tiễn biệt?


22-8-97

Chính nhờ buổi chia tay được tổ chức như thế này, tôi đã có dịp nói những lời yêu thương với nàng giữa bạn bè. Một sự nhìn nhận công khai ân nghĩa mà nàng đã dành cho tôi trong cuộc sống chung ngắn ngủi 13 năm. Cuộc tiễn đưa như thế của những người thương yêu nàng chắc chắn làm nàng mãn nguyện.

Tại bệnh viện, trước khi Cúc Phượng trút hơi thở cuối cùng, những người thân và bạn bè có mặt đông đủ. Quỳnh Nga, người vợ đầu của tôi và năm đứa con với dâu rể đều có mặt bên cạnh mẹ chúng để bày tỏ tình thương yêu và sự kính trọng dành cho người vợ kế của cha mình. Ngay sau khi Cúc Phượng qua đời, nàng được chuyển sang Trường đại học Y Dược, rồi đưa vào gian phòng mà nàng đã từng tham quan hai năm trước khi nàng còn khỏe mạnh và xinh đẹp!

Đã có các bài báo viết về Cúc Phượng gọi nàng là ‘‘người phụ nữ đầu tiên hiến xác cho khoa học’‘. Điều đó chắc chắn không làm nàng vui lòng bằng nếu nàng biết được, với hành động hiến xác của nàng, sau đó đã có hàng trăm người khác tự nguyện hiến xác.

Tôi là người chẳng bao giờ làm thơ. Thế nhưng sau khi Cúc Phượng mất, trong căn nhà trống rỗng, cứ mỗi khi đi về tôi lại bắt gặp cái nhìn và nụ cười hồn hậu của nàng trong bức di ảnh đặt trên bàn thờ. Mỗi lần như thế tôi lại dừng lại, nói với nàng vài câu. Một đêm, sau khi dừng lại trước bàn thờ, lên phòng làm việc, tôi nhớ nàng khủng khiếp. Tôi ngồi vào bàn, cầm viết lên và viết một mạch hai bài thơ – hay nói đúng đó là hai cuộc chuyện trò với nàng:

1
Em liếc nhìn tôi
Từ trong khung ảnh
Mắt em vẫn thế
Nụ cười em vẫn thế

Hình như em hỏi
Anh có buồn không
Em lỗi với anh
vô cùng
Bởi nửa chừng em bỏ lại anh
Anh đốt cây nhang
Khói làm em nheo mắt
Nhưng em vẫn nở nụ cười hồn hậu
Bởi cả đời em, không biết giận, ghét ai.

Anh có buồn không?
Thay cho câu trả lời
Anh cầm khung ảnh hôn em
Anh đau đớn tột cùng
Bởi nửa chừng anh không giữ được em


2
Nửa đêm anh thức dậy tìm kiếm em
Trong chồng an-bum
Trên bàn phấn
Trong tủ quần áo
Trong những cuốn sổ điện thoại
Đâu đâu anh cũng thấy em
Em gần anh - gần khủng khiếp
Tưởng như có thể đặt tay lên vai em,
môi em
ngực em
Anh nghe dưới bàn tay anh
da thịt em
Và tiếng em nói trong hơi thở mọi lần
‘‘Hãy thật nhẹ nhàng anh nhé’‘
Anh lướt bàn tay thật nhẹ
Vào khoảng không
Không màu sắc
Không âm thanh
Cõi im lặng của em.

20-9-97

Cuộc đời tôi có may mắn lớn được gặp những người phụ nữ tuyệt vời như Quỳnh Nga, Cúc Phượng. Họ đều trở thành những người phụ nữ làm tôi ngưỡng mộ. Khi tôi tái hôn với người vợ thứ ba, nàng mới 21 tuổi. Trong lòng tôi không bao giờ mờ nhạt hình ảnh của Cúc Phượng nhưng tôi là người không thể sống một mình. Cuộc sống thiếu một gia đình đúng nghĩa luôn làm tôi thấy chênh vênh sao đó. Nhất là vào buổi tối, tôi chịu đựng không nổi sự trơ trọi. Chỉ khi nào có người vợ kế bên thì tôi mới tìm lại được sự thăng bằng cho cuộc sống. Ngôi nhà lúc này mới là tổ ấm. Có vợ buổi tối, tôi thường ở nhà, ngồi vào bàn viết. Chính lúc này công việc viết lách của tôi đạt năng suất cao nhất. Người phụ nữ sống với tôi bao giờ cũng có một vai trò rất lớn trong khả năng sáng tạo của tôi. Thiếu người phụ nữ, tôi chỉ là một nửa của chính mình! Ít tháng trước khi Cúc Phượng qua đời, một đêm nằm bên cạnh tôi nàng nhỏ nhẹ nói: “Em sống không bao lâu nữa. Em lo lắng khi nghĩ tới anh sẽ sống một mình. Em biết anh không phải là loại người đàn ông có thể sống một mình. Anh không lo được chuyện nhà cửa, chuyện tiền bạc, con cái... và nhất là không chịu đựng được cuộc sống cô độc. Bây giờ em có thời gian để cùng lo chuyện đó cho anh...”. Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Em cùng lo với anh chuyện gì?”. Cúc Phượng nói thẳng ra là chuyện... chọn vợ cho tôi! Nàng nói: “Em bàn chuyện này với tất cả chân tình, vì rất hiểu anh, vì yêu anh, chứ em không có ý định gì ở phía sau. Nhất là em không có ý định thăm dò anh đâu”. Tiếp đó, Cúc Phượng kê ra hẳn hòi một danh sách khoảng năm người phụ nữ mà nàng nhận xét có thể thay thế nàng. Năm phụ nữ này cả hai chúng tôi đều quen biết, họ đang sống độc thân. Tôi từ chối cuộc bàn về đề tài này với nàng. Cúc Phượng còn sống đó, tôi lòng dạ nào lại bàn chuyện tìm người thay thế nàng? Trong đêm, nước mắt tôi chảy dài.

...Cô gái 21 tuổi trở thành người vợ thứ ba của tôi không nằm trong danh sách năm người phụ nữ được Cúc Phượng nêu tên. Thật sự tôi không có ý định lấy một người vợ trẻ đến mức đó. Trong việc lấy vợ tôi chọn người chứ không chọn tuổi. Bấy giờ tôi đã 58 tuổi. Khoảng cách 37 năm giữa tôi và Thủy không chỉ là khoảng cách về sinh học mà còn là khoảng cách về nhiều khía cạnh khác không dễ dàng vượt qua khi bắt đầu cuộc sống chung. Phải có nhiều tình thương và cố gắng hòa hợp với nhau cho cuộc hôn nhân. Người đàn ông về phần mình cố gắng có một cuộc sống trẻ trung, người vợ trẻ cũng đừng quên mình có một người chồng thật sự lớn tuổi, để hai phía điều chỉnh nhau trong cuộc sống chung hạnh phúc.

Khác hơn nhiều người, tôi không coi vũ trường là cái nơi trụy lạc. Hoặc như một số dư luận lên án: đó là ổ mại dâm. Những khách đi vũ trường mà bỏ bê gia đình, trở thành trụy lạc, bản thân họ trước đó đã là người trụy lạc, chứ không phải môi trường này đã biến người tốt thành người hư hỏng. Đi sâu vào vũ trường, người ta sẽ thấy thân phận của nhiều cô gái ở đây đáng thương hơn là đáng lên án suông.

Tôi thích đến vũ trường khiêu vũ nhưng tôi tự đặt cho mình một nguyên tắc: khi đã có vợ, hầu như tôi không đến vũ trường một mình. Một tuần, mười hôm, tôi vẫn đưa vợ tôi đi khiêu vũ một lần. Đó là một nơi không chỉ được thưởng thức nghe nhạc, nghe hát mà người khách còn được tham gia trực tiếp cuộc giải trí lành mạnh với môn khiêu vũ - một trong những loại hình nghệ thuật lâu đời nhất. Ở giới nào cũng thế có người tốt người xấu. Cái tốt cái xấu trong đầu, trong con tim. Tôi đã gặp rất nhiều cô vũ nữ có trái tim tốt, cái đầu đàng hoàng, nhưng cái nghề của họ vẫn không thể thoát khỏi những định kiến của xã hội. Cuộc đời của vũ nữ phần nhiều ngay từ đầu đã đậm đặc những trắc trở, những bi kịch. Những hồng nhan bạc mệnh. Chính vì thế, họ thường chọn chốn này để mưu sinh.Và cũng vì thế, nhiều người trong số họ rất biết trân trọng những tình cảm chân thật đến với họ, và khao khát có được cuộc sống gia đình bình thường. Ở Sài Gòn trước 1975, tôi từng biết nhiều trường hợp các cô vũ nữ giành được một chỗ đứng đàng hoàng trong xã hội khi may mắn gặp được một người đàn ông chân thành.

Sau khi Cúc Phượng mất, tôi không chịu đựng được cuộc sống một mình, tôi lại tính sẽ bước một bước nữa. Những lúc tôi đến vũ trường, một ý nghĩ nảy sinh trong đầu tôi: biết đâu chính tại đây mình sẽ tìm ra người thích hợp với hoàn cảnh của mình hiện nay. Đi tìm một phụ nữ chịu sống chung với mình ở tuổi 57-58, vừa mang đến cho mình tình yêu và cả sự hứng khởi trong cuộc sống thật không dễ dàng. Qua nhiều tháng tới lui vũ trường, tôi gặp một cô gái khác hẳn nhiều đồng nghiệp của cô. Hoàn cảnh gia đình của cô đáng thương nhưng con người cô lại rất đáng trân trọng. Cuộc thăm dò và tìm hiểu kéo dài trong hơn nửa năm. Cô chẳng biết gì về tôi, ngoại trừ cảm kích sự cư xử của tôi và an tâm rằng đây là một người đàn ông lớn tuổi đáng tin cậy, không lừa dối mình, có công ăn việc làm đàng hoàng. Một vài lần tôi đưa cô đến văn phòng làm việc của tôi ở một tòa báo... Một vài lần khác đưa đi ăn. Cô không tỏ ra ngại ngùng về khoảng cách tuổi tác. Cô biết tiền bạc của tôi chẳng có bao nhiêu - cả đời tôi vẫn thế - thu nhập của tôi thường chỉ ở mức có thể sống khá dễ chịu. Cô quá nhỏ để biết người đàn ông thương mình là ai. Khi tôi... đầu hàng ở Dinh Độc Lập thì cô mới hai tuổi, cô được mẹ mình kể lại vào thời điểm đó ba cô - một người tham gia cách mạng – cũng mới ra khỏi tù không biết là lần thứ mấy. Người đàn bà quê mùa, mẹ cô, gần cả đời chỉ lo đi thăm nuôi chồng và... mẹ chồng, hết nhà tù này đến nhà tù nọ. Sau tháng 4-1975, cha cô làm phó chủ tịch phường ở một quận TP.HCM trong một thời gian không dài rồi chết ở tuổi 49 vì đột quị. Thế là cả gia đình rơi vào vòng xoáy của những bất hạnh. Người mẹ nghèo và quê mùa không đủ sức một mình đối phó với quá nhiều khó khăn ập tới. Sau một người chị, đến lượt cô chọn vũ trường làm nơi kiếm sống cho mình và cho gia đình. Cô mới vào làm một thời gian ngắn thì gặp tôi.

Câu chuyện về Võ Thị Thanh Thủy, người vợ thứ ba của tôi là như thế.

Sau khi biết chắc chắn Thanh Thủy đáp lại tình cảm của tôi dành cho nàng và nàng tha thiết muốn lập gia đình dù nàng còn rất trẻ - mới 21 tuổi - một hôm tôi đã nói với nàng “Em có chịu trở thành vợ của anh không? Nếu em đồng ý kể từ ngày mai em có thể đến cùng sống với anh. Anh sẽ giới thiệu em với con cái anh và bạn bè của anh một cách chính thức”. Do hoàn cảnh khoảng cách tuổi tác không dễ dàng được dư luận chấp nhận, nên tôi dự tính không làm đám cưới công khai nhưng qua một cách thức khác, tôi vẫn tổ chức các cuộc ra mắt lần lượt với những người thân và bạn bè. Tôi muốn Thanh Thủy trở thành vợ tôi một cách công khai và đàng hoàng, chứ không phải giấu lén. Thanh Thủy không do dự, trả lời đồng ý. Trước khi Thủy về sống với tôi chính thức, tôi họp các con tôi lại, nói rõ quyết định của mình: “Các con mỗi đứa đều có gia đình riêng, có những bận rộn riêng. Dù các con có yêu thương cha, muốn chăm sóc cha cũng không thể làm đúng mức. Ba cần một phụ nữ yêu thương ba sống bên cạnh ba, chăm sóc công việc của gia đình, ba mới yên tâm lo việc viết báo, làm báo. Cho nên ba đã quyết định lấy vợ một lần nữa...”. Tôi nói cho các con tôi biết Thanh Thủy là ai, làm nghề gì, bao nhiêu tuổi và tại sao tôi chọn Thanh Thủy làm vợ. Tôi hỏi các con tôi: “Khi ba chọn mẹ các con làm vợ, ba đúng hay sai?” Các con tôi gật đầu. Tôi lại hỏi: “Khi ba chọn cô Phượng, ba có chọn đúng không?”. Các con tôi lại gật đầu. Và tôi nói tiếp: “Vậy lần này cũng thế. Ba không chọn sai đâu”. Con gái tôi, Lý Quỳnh Kim Trinh, chỉ nêu một ý kiến: “Phải chi cô ấy nhiều tuổi hơn. Cô ấy trẻ quá...”. Tôi chưa nói gì thì người con thứ ba, Lý Quí Dũng, nói: “Trẻ tuổi cũng đâu có sao, vấn đề là cô ấy có thương ba thật sự không và chăm sóc cha ba đúng mực như một người vợ không. Chỉ có ba mới rõ điều đó...”.

Thanh Thủy cũng được các con tôi chọn cách xưng hô như đã từng xưng hô với người vợ trước của tôi: “Cô Thủy”. “Cô Thủy” còn quá trẻ nên mối quan hệ với các con tôi không thuận lợi ngay từ ban đầu như “cô Phượng”. Trong bốn cô con dâu của tôi không có cô dâu nào nhỏ tuổi hơn “cô Thủy”. Nhưng mỗi ngày mối quan hệ ấy ngày một tốt hơn vì các con tôi đều có tâm hồn rộng mở, dễ hòa nhập. Điều quan trọng là thời gian đã cho thấy “cô Thủy” thương yêu thật sự cha của chúng, sống vì gia đình. Khi đứa con gái của tôi với Thanh Thủy ra đời (năm 2001), gia đình của tôi càng ngắn bó. Thanh Thủy giành trọn vẹn thời gian cho con và cho tôi. Chúng tôi đưa mẹ nàng về sống chung. Bà ngạc nhiên khi phát hiện “ông chồng già” của con gái mình mà trước đây mình không chấp nhận, lại không quá già như bà tưởng. Bà mẹ vợ tôi nhỏ hơn tôi hai tuổi! “Tao thấy Chung còn trẻ hơn thằng Toàn”, bà mẹ vợ tôi đã nhận xét như thế sau thời gian gặp tôi. Toàn là anh trai lớn nhất của Thanh Thủy.

Có vợ nhỏ hơn mình 37 tuổi kể ra cũng không dễ dàng. Thanh Thủy sinh một ngày với Quỳnh Nga, cũng ngày 10-3 và cũng tuổi Tỵ nhưng nhỏ hơn ba con Giáp. Có lẽ khi biết được những sự trùng hợp bất ngờ này, người vợ đầu của tôi có nhiều thiện cảm hơn với Thủy.

Tôi may mắn và rất hãnh diện là cả ba người phụ nữ thành vợ tôi đều đạt tới một sự thành công nào đó trong nghề nghiệp riêng mà họ đã chọn. Quỳnh Nga và Cúc Phượng, mỗi người mỗi cách đều đặt dấu ấn của mình trong nghệ thuật ẩm thực ở TP. HCM. Dấu ấn của Cúc Phượng không đậm nét bằng Quỳnh Nga và cũng ngắn ngủi hơn, vì cuộc sống của Cúc Phượng quá ngắn. Nhà hàng “Đôi Đũa Tre” cũng có một vị trí riêng, dù về mặt kinh doanh chưa so sánh được với nhà hàng Thanh Niên hay sau này hàng loạt nhà hàng thành công khác như Tân Nam, Nam An, An Viên... của Quỳnh Nga.

Thanh Thủy không theo nghề nhà hàng mà chọn nghề may mặc thời trang. Về làm vợ tôi được một năm, Thanh Thủy nhất quyết học nghề may. Nàng học suốt hai năm với một giáo viên rất giỏi. Có một sự trùng hợp cũng... lạ thường: Cúc Phượng mở nhà hàng “Đôi Đũa Tre” sau khi nàng biết mình bị bệnh ung thư, còn Thanh Thủy khai trương cửa hàng “Thủy Chung Fashion” sau khi tôi hồi phục bệnh ung thư. Khi tôi vừa ngã bệnh, cuộc chẩn đoán đầu tiên tại trung tâm chẩn đoán Medic có kết quả: sự sống còn lại của tôi không dài hơn một tháng (!). Lúc đó, kết quả chẩn đoán không thông báo trực tiếp cho tôi, tôi chưa biết gì, vẫn tưởng mình bị đau cột sống bình thường. Các con tôi đưa tôi khẩn cấp vào bệnh viện Chợ Rẫy trong tuyệt vọng, với mong mỏi duy nhất là cha mình được chăm sóc tốt nhất trong những ngày cuối cùng. Nhưng trong cuộc hội chẩn tại bệnh viện Chợ Rẫy ít ngày sau đó, bác sĩ Trịnh Toàn Thắng ở khoa huyết học, phát hiện ra bệnh của tôi, cũng là một loại ung thư, nhưng có thể phục hồi và không đến nỗi chết trong... một tháng như chẩn đoán ban đầu. Chính thông tin đầu – tôi không sống hơn một tháng – đã khiến nhiều bạn bè trong làng báo vào thăm tôi rất đông. Nhiều người bảo với nhau “Không vào nhanh sẽ không kịp gặp anh ấy!”. Khi chưa biết mình bệnh gì, tôi rất ngạc nhiên về sự thăm viếng của quá nhiều bạn bè trong đó có nhiều người khá lâu chưa gặp lại!. Dù sau đó bác sĩ Thắng cam đoan với tôi và gia đình rằng một tháng sau tôi có thể ngồi dậy, ba tháng sau tôi có thể bắt đầu đi lại, nhưng lúc đó hầu như không ai tin. Cái con người mất gần hết máu của tôi, chỉ còn da bọc xương, đang nằm trên giường bệnh không cho thấy có hy vọng vượt qua tử thần con người ấy có vẻ hợp với chẩn đoán ban đầu (!) Bình thường tôi cân nặng 72 kg nhưng vào bệnh viện trong thời gian nhanh chóng tôi chỉ còn 48-50 kg. Anh Hoàng Thoại Châu, nhà báo có bút danh được nhiều người biết đến là “Ba Thợ Tiện”, đã chuẩn bị một bài thơ thay cho bài phúng điếu tôi như sau:

Cuộc đi vòng
Biết là sớm tối cũng về
Mà sao người ở nghe tê buốt lòng
Trăm năm một cuộc đi vòng
Biết là biết vậy, vẫn mong không về

Khi tôi bắt đầu phục hồi, trong buổi sinh nhật tổ chức ngày 1-9-2002 với sự có mặt một số bạn bè và đồng nghiệp, anh Ba Thợ Tiện đã đọc bài thơ điếu... “được dời lại” ấy! Kể cũng hiếm trường hợp người còn sống được nghe bài thơ phúng điếu mình như tôi.

Không phải qua cơn nguy khốn rồi... nói tướng nhưng kỳ thật, dù đang nằm liệt trên giường trong khi mà mẹ tôi, vợ tôi, các con tôi, Quỳnh Nga và nhiều bạn bè thân đều lo tôi không qua khỏi, thì bản thân chẳng có lúc nào nghĩ rằng mình sẽ... chết. Dù sức rất yếu, không thể tự lăn qua lăn lại trên giường, nhưng tôi vẫn nói chuyện tỉnh táo khi tiếp bạn bè, vẫn tiếp tục theo dõi các trận World Cup vòng bán kết và trận chung kết trên màn ảnh chiếc Tivi được các con tôi mang vào phòng bệnh. Tôi ngã bệnh giữa lúc đang theo dõi và viết bài về World Cup 2002 cho các báo Lao Động, Công An TP.HCM, Pháp Luật Tp.HCM và bình luận mỗi ngày trên đài truyền hình Đồng Nai.

Gia đình và bạn bè hầu như không ai nghĩ tôi có thể phục hồi lại như xưa. Nếu có thể phục hồi thì với một đốt xương sống bị nẹp chắc tôi cũng phải đi xe lăn. Nhưng khả năng phục hồi của tôi thật kỳ diệu (theo lời của bác sĩ Thắng). Một cuộc chiến đấu gay go qua ba giai đoạn: Giai đoạn đầu trong ba tháng, giai đoạn kế trong sáu tháng rồi giai đoạn sau cùng mới trở lại cuộc sống thật sự bình thường. Người tôi mang ơn nhất là bác sĩ Trịnh Toàn Thắng. Anh đã dự đoán chính xác từng bước phục hồi của tôi. Trong khi chữa trị và chăm sóc tôi, anh Thắng không chỉ là ân nhân mà còn trở thành người bạn thân thiết của cả gia đình tôi. Mỗi lần anh đến khám bệnh, chúng tôi nói đủ chuyện trên đời, từ chuyện y học cho đến văn học, xã hội, kinh tế v.v... Anh giúp tôi hiểu biết cặn kẽ bệnh của mình, phác đồ chữa trị ra sao v.v... Tháng 11-2003, bác sĩ Thắng báo cho tôi biết cuộc điều trị của tôi chấm dứt, tôi đã phục hồi bình thường. Thời gian tới là theo dõi và tiếp tục duy trì tình trạng ổn định này. Do tôi thích ứng với liều thuốc thấp nhất nên nếu bệnh có tái phát thì có thể điều trị theo phác đồ cũ. Tôi nào ngờ những lời dặn dò đó của bác sĩ Thắng lại là những lời trăn trối...

Bởi chỉ ít ngày sau, bác sĩ Thắng đột ngột ra đi sau một cơn đau tim. Buổi sáng hôm đó anh Thắng hẹn đến thăm tôi vào lúc 8 giờ sáng, chờ mãi không thấy anh tới, tôi điện vào máy di động của anh. Người cầm máy trả lời tôi là bác sĩ Dung, vợ anh. Chị nói anh Thắng đang ở trong phòng cấp cứu. Thoạt đầu tôi nghĩ bác sĩ Thắng đang tham gia một ca mổ khẩn cấp nào đó nên không kịp dời cuộc hẹn với tôi. Đâu ngờ chính anh là người đang được cấp cứu do nghẽn động mạch vành. Chỉ hai giờ sau đó có tin tim anh đã ngừng đập. Tin ấy quá khủng khiếp đối với tôi. Cái chết từng xuất hiện sát bên tôi, nhưng không mang tôi đi lại cướp đi mạng sống người đã cứu sống tôi. Hình như có sự nhầm lẫn ở đâu đó chăng? Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp cùng các đồng nghiệp của bác sĩ Thắng cố gắng hết lòng để kéo anh trở về cuộc sống, giành giựt với từ thần mạng sống của một nhà khoa học tài năng. Nhưng vô vọng. Tôi đến bệnh viện khi nỗ lực tìm cách làm quả tim của anh đập lại vẫn đang tiếp diễn. Thật là một cú sốc đối với tôi. Bác sĩ Thắng là người đã... nối dài thêm sự sống của tôi. Anh trở thành một phần của con người tôi đang hiện hữu. Sự ra đi của vị bác sĩ đã cứu mình, trở thành bạn mình, là một sự mất mát vượt khỏi lĩnh vực tình cảm đơn thuần. Tôi vẫn tưởng tôi sẽ đi trước và ngày tôi đi sẽ có anh bên cạnh. Nào ngờ... Bác sĩ Thắng mất ở tuổi 48. Cái tuổi đẹp nhất của một người làm khoa học. Cuộc đời quả thật có nhiều điều phi lý!

Khi còn trong bệnh viện và biết mình bị mắc căn bệnh không thể chữa khỏi, lạ lùng thay tôi vẫn rất bình tĩnh. Tôi nghĩ “Mình sống thế cũng quá đủ rồi. Mình chẳng còn gì phải tiếc...”. Tôi nghĩ thế giới của người sống như một sân khấu vĩ đại, bao la. Mỗi con người là một diễn viên trong hàng tỷ, tỷ diễn viên, luân phiên nhau diễn một vở kịch bất tận, chẳng ai biết khởi đầu chính xác lúc nào và bao giờ kết thúc. Mỗi người một vai dài ngắn chẳng ai có thể biết trước. Có người chỉ nói được vài câu rồi... biến. Có người thật nổi bật trong thiên hạ, vai diễn thật tuyệt vời, nhưng rồi hết vai cũng phải ra đi. Cũng có những người đứng đâu đó trên sân khấu, chẳng ai chú ý, rời sân khấu lúc nào cũng chẳng ai hay... Không có ai tồn tại mãi trên sân khấu, và hình như càng tồn tại lâu càng trở nên... thừa! Vậy, đến lúc nào đó nếu vai diễn của mình được... nhà đạo diễn trên cao xanh bảo rằng “kết thúc” thì cứ vui vẻ mà... rút lui. Vấn đề là khi còn có mặt trên sân khấu, mình diễn vai nào, có đạt không? Nếu mình diễn tạm được, chân thành với lòng mình thì dù hay hoặc dở một chút, mình cũng có thể an tâm mà rời sân khấu của đời này. Khi biết mình bệnh gì, tôi cũng đơn giản nghĩ: Đã đến lúc vai của mình kết thúc. Thế thôi.

Nhưng khi sức khỏe phục hồi, tôi không thể không tự cho mình là “bệnh nhân - hiểm nghèo – may mắn”. Tình thương bao bọc chung quanh tôi là sức mạnh hỗ trợ tôi đối phó với căn bệnh tai ác. Các con tôi thật tuyệt vời. Tôi không thể không cảm ơn những gì chúng đã làm cho cha chúng. Tôi thật ấm lòng. Trong cơn bạo bệnh, tôi lại nhận ra hạnh phúc lớn lao của mình. Tình nghĩa như bát nước đầy của người vợ cũ cũng là chuyện hiếm hoi trong đời sống mà tôi lại là người may mắn có được. Đó là tình nghĩa của hơn hai mươi năm chung sống, nay đã gạn lọc đi những gì phiền muộn, mâu thuẫn đưa đến sự chia tay. Tôi cảm ơn Quỳnh Nga với cả com tim.

Không thể không nhắc tới người vợ trẻ Thanh Thủy tưởng như lạc lõng giữa cái thế giới đại gia đình thân thuộc riêng của chồng mình mà nàng gặp mặt đông đủ lần đầu. Nàng không khỏi lúng túng. Nằm trên giường bệnh tôi nhìn nàng lặng lẽ, theo dõi nàng lo việc này việc kia cho chồng. Tôi thấy cả nỗi âu lo của nàng khi nghĩ đến tương lai đứa con gái nhỏ nếu chồng mình không qua khỏi cơn bệnh. Nhìn mà thương xót vô cùng. Nàng là người sau cùng trong gia đình được thông báo tôi mắc bệnh gì!

Nhưng ở người vợ 25 tuổi ấy – cái tuổi của nàng vào lúc tôi bị bệnh – có một sức sống riêng và một ý chí thầm lặng rất mạnh mẽ. Ngay khi tôi vừa bình phục, Thanh Thủy tổ chức ngay một cửa hàng may mặc tại nhà với thương hiệu “Thủy Chung Fashion”, lấy tên nàng và tên tôi ghép lại. Sự xuất hiện của tiệm “Thủy Chung Fashion” và sự hăng hái lao vào công việc sáng tạo của nàng mang lại một không khí lạc quan cho gia đình. Cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường trong gia đình và tiếp tục hướng về tương lai.

Trước bạn bè, người thân, Thanh Thủy không hề mất tự nhiên về khoảng cách tuổi tác giữa nàng với tôi. Nếu có ai gặp nàng lần đầu có sự nhầm lẫn Thanh Thủy là con, hay cháu tôi, thì nàng bình tĩnh giới thiệu lại “Anh Chung là chồng tôi”. Nhưng cái lý lịch từng là vũ nữ, lúc đầu khiến nàng mất một phần sự tự tin trong giao tiếp. Tôi nói với nàng: “Điều đó trái lại phải khiến em hãnh diện, bởi tại sao mình ở môi trường đó mà được một người có chút ít tên tuổi trong xã hội không hề e ngại lấy mình làm vợ, giới thiệu mình chính thức với gia đình, với bạn bè?”. Thật sự, tôi rất hãnh diện có một người vợ như Thanh Thủy. Càng sống với nàng, tôi càng kính trọng nàng. Lập gia đình mới nếu sự chọn lựa của mình lại được con cái, mẹ, các em và bạn bè chấp nhận thì đó là một niềm vui nhân đôi. Trong cả ba lần lấy vợ, tôi đều tự chọn lựa, không hề có ý kiến của cha mẹ. Tôi thấy mình cũng có lỗi. Khi mẹ tôi từ Mỹ trở về, lần đầu bà gặp Thanh Thủy, bà không khỏi băn khoăn: “Sao con chọn vợ nhỏ tuổi quá!”. Nhưng sau nhiều lần tiếp xúc với Thanh Thủy mẹ tôi lại nhận xét “Mẹ thấy được”.

...Khi tôi vừa ngồi dậy được sau ba tháng nằm liệt trên giường, điều tôi nghĩ tới đầu tiên là viết báo trở lại. Chưa viết được trực tiếp, tôi đọc cho Thanh Thủy đánh vi tính. Bài báo đầu tiên tôi viết trở lại và gởi cho báo Lao Động là ngày 1-9-2002, đúng ngày sinh nhật thứ 62 của tôi. Với tôi “tồn tại là viết báo”. Tôi đã tồn tại như thế suốt hơn 40 năm. Và tôi chỉ thấy mình tồn tại thật sự nếu còn có thể tư duy để viết lách.

Sau đó tôi bắt đầu cộng tác thường xuyên trở lại với ba tờ báo: Lao Động, Công An TP.HCM, Sài Gòn Doanh Nhân cuối tuần, bớt đi một hai tờ mà tôi có cộng tác trước lúc bệnh. Tới dịp SEA Games 22, tôi lại bình luận bóng đá cho Đài Truyền hình Đồng Nai. Nhưng gần đây tôi không từ chối lời mời của báo Thể Thao Ngày Nay.

...Một vài người bạn như các nhà báo Trần Trọng Thức, Nguyễn Trung Dân... khi thấy tôi có khả năng bình phục đã gợi ý với tôi viết hồi ký. Trước khi bị bệnh tôi chưa nghĩ đến việc này. Lúc đó tôi nghĩ nếu có bắt đầu, tôi vẫn thích viết một hồi ký về 40 năm làm báo hơn là về cuộc đời chung của mình. Tôi rất muốn có cơ hội gởi gắm những điều mình học hỏi, tích lũy được trong cuộc đời viết báo, làm báo của mình cho các bạn trẻ.

Nhưng bệnh tật đột nhiên đến, khiến tôi phải thay đổi kế hoạch. Hồi ký về báo chí – tôi đành gác lại sau vậy.

Viết hồi ký cũng là một cách nhìn lại cuộc đời mình. Tôi bắt đầu làm việc đó từ tháng 12-2002 khi sức khỏe bắt đầu phục hồi tốt. Tôi cứ tưởng công việc này chỉ mất năm hay bảy tháng là xong. Không ngờ mãi đến tháng 4-2004, tức 16 tháng sau, vào lúc tôi đang viết những dòng này, cũng chưa hoàn tất. Nhà báo Thúy Hà (báo Phụ Nữ TP.HCM) giúp tôi công việc đọc lại bản thảo, hạn chế những sai trật về chữ nghĩa, điều này khó tránh với một người vốn từ nhỏ học tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt như tôi. Thúy Hà làm rất tỉ mỉ và tận tình. Đây là công việc đầy tình cảm mà không bao giờ tôi quên ơn.

...Đem chuyện của riêng mình kể cho nhiều người nghe, tôi không chắc mọi việc đều đáng kể và được người đọc quan tâm. Nhưng đây là chuyện đời tôi, gồm cả những điều hay dở, nhưng đó là những điều tôi đã từng suy nghĩ như thế và hành động như thế. Tất cả những gì kể lại trong hồi ký này là chuyện của tôi, là chính tôi. Như tôi đã nói: Tôi cố gắng không gọt dũa và sửa sang lại quá khứ của mình.

...Vào lúc sắp kết thúc tập hồi ký này, tháng 2-2004, một sự kiện tình cờ nhiều ý nghĩa với tôi xảy ra: Tại TP. HCM tôi gặp lại ông Nguyễn Cao Kỳ. Nếu tính từ cuộc gặp ông lần đầu khi tôi mới vào làng báo thì đến nay 40 năm đã trôi qua.

Qua trung gian là Quỳnh Nga, người vợ đầu của tôi, ông Kỳ và tôi có một buổi ăn trưa tại nhà hàng An Viên của bà, trước một ngày ông Kỳ rời TP. HCM trở về Mỹ. Đây là chuyến về thăm quê hương đầu tiên của ông Kỳ sau khi rời Sài Gòn ngày 29-4-1975.

Những năm khởi đầu cuộc đời làm báo (1964-1965) tôi đã có dịp gặp ông Kỳ, lúc ấy ông là thủ tướng Sài Gòn. Tôi dự buổi ăn sáng của thủ tướng Kỳ tổ chức tại nơi làm việc của ông trên đường Thống Nhất. Mỗi tuần ông đều tổ chức một lần ăn sáng với báo chí để trao đổi các vấn đề thời sự. Trước ông và sau ông không có một thủ tướng nào ở Sài Gòn làm thế. Nhưng các buổi ăn sáng này chỉ kéo dài trong vài tháng. Tôi có dự cả buổi họp báo ông Kỳ công bố quyết định đóng cửa tất cả các báo Sài Gòn hồi năm 1965 - một chuyện có một không hai trước 1975 tại miền Nam. Nhắc lại chuyện xảy ra 40 năm về trước, ông Kỳ còn kể lại cho tôi nghe một chi tiết bên lề cuộc họp báo: “Khi ông vừa công bố quyết định đóng cửa tất cả các báo để tái lập trật tự thì ở gần cuối phòng họp một nhà báo Việt Nam đứng dậy hô to “Đả đảo độc tài” và hô hào các đồng nghiệp mình bỏ phòng họp ra về. Nhà báo đó, tôi còn nhớ là Tô Văn. Tôi nói to hướng về Tô Văn: “Mời anh ngồi lại. Nếu anh bỏ phòng họp ra ngoài vào lúc này tôi sẽ có biện pháp giữ anh lại”.

Với ông Kỳ, tôi còn có nhiều chuyện liên quan khác mà tôi đã kể ở những đoạn trước của hồi ký này.

Thật không thể tưởng tượng lại có một ngày ông Kỳ và tôi có dịp dùng cơm trưa với nhau tại TP.HCM trong không khí rất riêng tư và an bình như thế. Cuộc gặp diễn ra khi tôi viết phần cuối Hồi ký không tên của tôi. Những gì tôi đã viết về ông Kỳ trước đó tôi vẫn giữ nguyên, không sửa đổi một ý nào hay một chi tiết nào. Bởi đó là những gì tôi biết và nghĩ về ông khi ông là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (tức Thủ tướng) và Phó Tổng thống VNCH, còn tôi là nhà báo và sau đó là dân biểu Hạ nghị viện. Còn những gì các nhà báo nước ngoài viết về ông trong thời gian đó, mà tôi có trích lại trong Hồi ký không tên thì thuộc phần tư liệu, giúp cho những người sau này hiểu thêm về một thời kỳ đã qua tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Các đánh giá về ông Kỳ của các nhà báo nước ngoài là như thế, đúng sai đến mức nào khó có một thẩm định chính xác, nó tùy thuộc chỗ đứng của người viết và tính chất quan hệ giữa người đó với ông Kỳ.

Ông Kỳ trong con mắt của tôi sau 40 năm vẫn là thế. Về mặt tính cách, ông không thay đổi nhiều. Lập trường và các hành động chính trị của ông trước 1975 có nhiều điều để tôi không tán đồng và lúc đó tôi đứng về phía đối lập với ông. Dĩ nhiên sự đối lập của tôi với ông Kỳ khác với ông Thiệu. Không đứng cùng nhau một trận tuyến chính trị, nhưng từ trước 1975, tôi vẫn có thể quan hệ bình thường với ông, và từng chơi quần vợt với ông trên sân Xẹc Tây. Chính vì mối quan hệ năm xưa như thế, nên khi được gợi ý, tôi đồng ý ngay việc gặp lại ông trong một buổi ăn trưa. Tôi đoán trước đó sẽ là một buổi gặp thú vị, bởi ông Kỳ là con người nghĩ gì nói nấy, không lắt léo che giấu những suy nghĩ của mình.

Gặp lại ông Kỳ sau 40 năm, với tôi như đã đi tròn một giai đoạn lịch sử của đất nước (1965-2005). Khi tôi gặp ông Kỳ lần đầu, đó là lúc quân đội Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến đi vào những ngày tháng ác liệt nhất. Đó cũng là thời kỳ khởi đầu sự nghiệp chính trị của ông Kỳ. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, chúng tôi lại ngồi chung với nhau vào lúc đất nước đã hòa bình và thống nhất, kinh tế bắt đầu một giai đoạn phát triển mới. Mỗi người chúng tôi có một con đường đi khác nhau, một sự chọn lựa khác nhau nhưng cuối cùng gặp lại ở một điểm hẹn chung trên quê hương mình! Trước mặt tôi vẫn là một Nguyễn Cao Kỳ ‘‘nghĩ sao nói vậy’‘. Khi ông chống Cộng thì chống dứt khoát, thậm chí thực hiện hành động bị nhiều người lúc đó lên án: tự mình lái máy bay bỏ bom miền Bắc. Còn bây giờ, khi đất nước có những thành tựu tốt đẹp, khi trở về ông công khai bày tỏ sự mừng vui ủng hộ bất chấp những “chiến hữu” cũ của ông ở Mỹ có phản đối quyết liệt. Việc một cựu thủ tướng và là phó tổng thống VNCH chính thức trở về nước trong chế độ cộng sản, dù muốn hay không, được coi như một cột mốc lịch sử: là sự thừa nhận chế độ mới của một trong những người từng điều khiển cuộc đối đầu trực diện với người cộng sản trong chế độ cũ trước đây. Tôi cảm phục sự dũng cảm đó của ông Kỳ. Dũng cảm trước những áp lực ở phía những người đã từng đứng cùng chiến tuyến với ông và nhất là dũng cảm với chính mình khi bày tỏ công khai một thái độ chính trị đi ngược hẳn với con đường mà ông đã đi trước 1975. Dám thay đổi thái độ của mình không vì điều gì khác hơn là vì quyền lợi của dân tộc, bất chấp những dị nghị ác ý là điều không dễ dàng.

Gặp lại ông Nguyễn Cao Kỳ, bất chợt nhớ lại 40 năm đã qua trong cuộc đời của mình, tôi thấy cuộc đời mình rất nhỏ bé giữa bao la biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng tôi đã sống với nó hết lòng, luôn sôi nổi và hào hứng. Hay, dở là do mình. Mình không thể phủ nhận nó. Tôi hài lòng về nó chứ? Con người và năng lực của tôi, cùng hoàn cảnh cho phép, chỉ được như thế. Tuy nhiên tôi cũng không mơ ước một cuộc đời nào khác và nếu phải bắt đầu lại, thật khó lòng dựng lại một kịch bản như thế. Tôi đã sống cuộc đời nhỏ bé của mình như một tiểu thuyết, mãnh liệt ở từng chương và từng trang. Chưa bao giờ tôi hờ hững với những năm tháng của đời mình.

...Ngay bây giờ sau cơn bệnh nặng tưởng là không qua khỏi, thời gian được cuộc đời “tạm ứng” thêm chắc không nhiều, nhưng nhịp độ viết báo và làm báo của tôi vẫn không thay đổi. Hiện nay tôi là một nhà báo tự do, không thuộc biên chế một tòa soạn nào nhưng viết bài thường xuyên cho bốn tờ báo, mỗi ngày viết từ hai đến ba bài và tư vấn cho hai tạp chí. Kết thúc cuốn hồi ký này, tôi chuẩn bị bắt tay viết tiểu thuyết Người Mỹ cuối cùng chết ở Việt Nam mà tôi đã ấp ủ từ hơn mười năm qua. Sự bận rộn và căng thẳng trong công việc luôn làm tôi hạnh phúc. Như tôi đã nói: Với tôi, cầm viết tức là tồn tại!

TP. HCM ngày 12-4-2004

Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 Ä‘