© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
19.9.2005
T. Vấn
Vài ý nghĩ nhân đọc Hồi ký không tên của cựu dân biểu Lý Quí Chung
 
Dạo tháng 7-2005 vừa qua, tôi về Việt Nam thăm gia đình. Và tất nhiên, tôi không bỏ lỡ cơ hội rảo qua một loạt các hiệu sách để có cái nhìn tổng quát về những hoạt động văn hóa ở trong nước. Khi dạo qua quầy thể loại hồi ký ở một cửa hàng sách, tôi chú ý đến quyển Hồi ký không tên của ông Lý Quí Chung xuất bản cuối năm 2004.

Ông Lý Quí Chung là một khuôn mặt khá quen thuộc của giới báo chí và chính trường miền Nam những năm từ 1965 cho đến tháng Tư 1975. Nguyên là sinh viên khóa 10 Học viện Quốc gia Hành chánh (1963), đang học dở dang ông bỏ ra làm báo. Khởi đầu, ông viết những bài về thể thao, rồi chuyển qua những bài tường thuật chính trị nhân sự kiện cuộc đảo chánh 1 tháng 11 lật đổ Đệ nhất Cộng hòa của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và sau đó, là một loạt những hỗn loạn của chính trường miền Nam. Dưới sự nâng đỡ và đề cử của ông Võ Long Triều (lúc ấy ông Triều giữ chức Ủy viên Thanh niên trong Nội các Chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ 1965-1967), ông Chung được bổ nhậm làm Giám đốc Nha tác động Tâm lý của Bộ Thanh niên. Cũng chính ông Triều đưa ông Chung vào danh sách ứng cử viên Quốc hội Lập hiến năm 1965 để tạo vây cánh cho ông Kỳ. Từ bước tiến thân đầu tiên này, lần lượt ông Chung ứng cử và đắc cử vào Quốc hội Lập hiến năm 1967, 1971 [1] . Ở Quốc hội, ông thuộc nhóm dân biểu đối lập gồm một số khuôn mặt trẻ có lập trường trung lập mà họ gọi là lập trường dân tộc như: Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung, Dương Văn Ba, Kiều Mộng Thu v.v… Để hỗ trợ cho hoạt động chính trị, ông Chung và bạn hữu còn sáng lập hoặc tham gia những tờ nhật báo có khuynh hướng thiên tả như Điện Tín, Tiếng Nói Dân Tộc, Đại Dân Tộc, Bút Thần, Tin Sáng v.v... Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, ông Chung ở trong nhóm Hòa hợp Hòa giải Dân tộc cùng với cựu tướng Dương Văn Minh và ông này đã chọn ông Chung làm Bộ trưởng Thông tin trong chính phủ 48 tiếng đồng hồ của mình. Tất nhiên, sau 30 tháng 4 năm 1975, ông Chung ở lại Việt Nam. Thú thực, tôi chú ý đến quyển hồi ký của ông Lý Quí Chung là vì tôi tò mò muốn biết sau 1975, ông Chung và các bạn bè của ông ở lại đã được chính quyền mới đối xử như thế nào. Tôi đã thất vọng. Lẽ tất nhiên, tôi biết mình không nên trông đợi nhiều vào hồi ký của một người từng có những hoạt động trong chế độ miền Nam, nay được phép sinh hoạt trong làng báo chế độ mới, được phép xuất bản hồi ký và được chính một nhân vật tiếng tăm cỡ Trần Bạch Đằng [2] viết lời Tựa cho quyển sách. Đọc xong, tôi cảm thấy một nỗi bứt rứt khó chịu đến độ không thể không viết đôi hàng về quyển sách, dù biết rằng, ông Chung - sau khi quyển sách xuất bản được vài tháng - đã qua đời ngày 03.3.2005 vì bạo bệnh ở tuổi 65.

Một người bạn của tôi có một quan niệm rất thẳng thắn, làm kim chỉ nam cho anh hành xử ở đời. Anh nói, nếu không ai bắt mình viết, bắt mình nói, thì, nếu có nói, nếu có viết, hãy nói cho thật, viết cho hết. Nếu sợ thì đừng nói, đừng viết. Đã viết, đã nói, thì đừng sợ. Tôi muốn mượn câu nói của bạn tôi để nhận xét về quyển hồi ký của ông Lý Quí Chung.

Bỏ qua một bên những bộn bề của chi tiết, của sự kiện, sau bao năm tháng đã có thể không còn được chính xác hoặc vì tam sao thất bổn, hoặc vì người viết dựa phần lớn vào trí nhớ, thì theo tôi, cái làm tôi chú ý hơn hết trong hồi ký của ông Chung là sự thiếu thành thật (hay không thể thành thật?) khi nhận định về những sự kiện, nhất là những sự kiện xảy ra sau 30 tháng 4 ở trong nước, dù ông rất ít nói về giai đoạn này, dù ông hứa hẹn sẽ dành cho giai đoạn này một tập riêng. Nếu tính về thời gian, cái mốc 1965 – tức năm ông bắt đầu những hoạt động báo chí chính trị của mình – cho đến tháng 4-1975, chỉ có 10 năm. 10 năm ấy, từ một sinh viên học hành dở dang, với những cơ hội đẩy đưa, ông tìm được một chỗ đứng, và cũng như một số người trẻ tuổi sống an bình ở thành thị lúc ấy, ông chọn con đường phản kháng chế độ, chống lại chiến tranh. Đó là con đường nhanh nhất đi đến danh vọng (có biết bao sinh viên dù đang còn học đại học đã trở thành nổi tiếng những ngày ấy), tuy có cái nguy hiểm của bắt bớ tù đày, nhưng dù sao lúc ấy vẫn còn luật pháp, vẫn còn kỷ cương (tuy lỏng lẻo) của một quốc gia non trẻ về dân chủ. Vả chăng, những năm 1960, Phản Chiến là một danh từ thời thượng với khẩu hiệu “Make Love, Not War“ được phổ biến khắp nơi trên toàn thế giới, cho nên, khoác lên người tấm áo phản chiến cũng giống như lá bùa hộ mệnh, chính quyền Sài Gòn có muốn làm gì đi nữa thì vẫn phải dè chừng “quan trên trông xuống người ta trông vào”. Thử hỏi 30 năm sau có ai còn dám “can đảm” như những ngày ấy, viết báo, in truyền đơn chống đối, xuống đường, biểu tình, bãi khóa… Khoảng thời gian 10 năm này đã chiếm hầu như gần hết quyển hồi ký dài 25 chương của ông Lý Quí Chung. Phần còn lại từ tháng 4 năm 1975 cho đến 2004 – là năm ông Chung chọn để kết thúc hồi ký này - là con số 30 năm chẵn chỉ được dành cho một phần rất khiêm tốn. 30 năm ấy có biết bao điều cần nói - trên cương vị ông Chung, một trong những người từng sống qua hai chế độ - về lý tưởng xã hội mà ông và bạn bè ông theo đuổi từ những ngày các ông, một mặt, ăn lương dân biểu và phụ cấp của chế độ miền Nam – mà theo ông Chung ghi lại trong hồi ký là rất lớn -, hưởng đủ các quyền hạn như bất khả bãi miễn, không phải nhập ngũ xông pha hòn tên mũi đạn như những người cùng trang lứa, mặt khác, các ông đã tận tình làm mọi cách (công khai và không công khai ) để cho chế độ ấy sụp đổ nhanh chóng, để các ông có cơ hội sớm thực hiện cuộc cách mạng xã hội, đem lại hòa bình, bình đẳng, cơm no, áo ấm cho dân tộc. Tôi thất vọng vì không tìm thấy một hàng chữ nào trong quyển hồi ký của ông Chung nói về điều mong ước ấy (có đạt được hay không?) trong giai đoạn sau 30 tháng 4. Kể cả các bạn bè ông, những người cùng ông ở lại đón tiếp những người anh em ở “nửa tổ quốc bên kia[3] , ông Chung cũng không cho biết chút nào về họ – ngoại trừ một người. Đó là ông Nguyễn Hữu Chung đã theo gia đình di tản từ những ngày trước 30 tháng 4, “người bạn thân và đồng hành với tôi trước 1975 trong thời gian chống Mỹ-Thiệu, cựu dân biểu Nguyễn Hữu Chung đã mất ngày 26-2-2004… vì bị ung thư phổi“ [4] . Rất nhiều những người bạn đồng hành khác với ông Chung còn ở lại Việt Nam thì sao? Những người sau 30 tháng 4-1975, co cụm với nhau chung quanh tờ Tin Sáng, tờ báo được Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Chợ Lớn sử dụng như một công cụ trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm trấn an dư luận quần chúng Sài Gòn những năm đầu “giải phóng”, những cựu dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, nay ra sao, đã làm được gì và đã không làm được gì?

Nhưng ông lại viết khá chi tiết về gia đình mình (với một dụng ý?).

Thân phụ ông – một cựu Phó Tỉnh trưởng của chính quyền miền Nam, đã vì uất ức khi thấy căn nhà mình đang ở bị chính quyền Quân quản tịch thu, bản thân mình bị quy kết tư sản ác ôn, mà người con trai trưởng – ông Lý Quí Chung – vẫn hết lời viết báo ca tụng chế độ mới – kết quả, người cha bị đột quỵ, á khẩu, tê liệt nửa thân người. “Một trong những câu nói đầu tiên sau thời gian ông bị bặt tiếng là nói với tôi – khi tôi đứng bên giường chăm sóc ông. Giọng ông giận dữ: “tao không muốn gặp mày nữa. Gia đình mày đã ra thế này, cha mày ra thế này, mà mày còn viết báo cho cộng sản. Cha mày từ mày… Tôi đứng lặng thinh vì biết rằng mọi lời giải thích lúc này đều vô ích.“ [5]

Còn trước sự phẫn nộ và lo buồn của mẹ ông và các em ông - như một cán bộ cộng sản chính tông - ông viết: “tôi cố gắng giải thích với mẹ và các em tôi chuyện xảy ra với gia đình mình (và một số khá đông hộ trong phường) là những sai phạm của chính quyền địa phương trước sau gì cũng sẽ có sự điều chỉnh“. [6]

Ông còn tiết lộ một chi tiết khác liên quan đến những người em ruột thịt của ông. Trước những sự kiện cụ thể xảy ra ngay trong gia đình ông – mà ông cho là may mắn hơn rất nhiều người – biết rằng không thể nào sống bình yên dưới chế độ mới, các người em của ông Chung (gồm 7 người và gia đình của họ) đã tìm mọi cách vượt biên bỏ nước ra đi. “Sau khi tình cờ biết được dự định (vượt biên) của các em tôi, tôi đã nhờ một người trong báo Tin Sáng có quan hệ với công an cấp cao tìm cách… dọa em rể của tôi, chồng đứa em gái kế, là người tổ chức vượt biên để nó từ bỏ dự định” [7] . Nhưng vô ích, họ đã ra đi trót lọt tất cả. Và bây giờ “đều thành đạt tại Mỹ và Canada [8] .

Phần cuối tập Hồi ký không tên, ông Chung viết: “Các đứa em tôi, vượt biên khoảng 1977 trên những chiếc thuyền từ năm 1992 cũng bắt đầu lần lượt trở về. Tôi sung sướng tột cùng khi được gặp lại những người ruột thịt của mình mà lúc ra đi tưởng sẽ không bao giờ gặp lại. Nhưng tôi có một niềm vui sướng riêng cất giấu trong lòng: sự trở về của các em tôi đồng thời cũng là sự xác nhận anh trai mình đã có một chọn lựa không sai“. [9] Đọc đến đoạn này tôi giật mình. Thế ra những người Việt bỏ nước ra đi, bây giờ về thăm cha mẹ, anh em còn kẹt ở quê nhà (hay tự nguyện ở lại như cá nhân ông Chung) tức là thừa nhận rằng, những người không chịu ra đi (như ông Chung) là đúng, hay nói cách khác, sự việc bỏ nước ra đi đã là một việc làm hoàn toàn sai lầm. Chính chi tiết này và những gì xảy ra trong gia đình ông như ông Lý Quí Chung đã tiết lộ khiến tôi quyết định bỏ thì giờ viết về quyển sách của ông. Quả thật đây là một trường hợp “bảo hoàng hơn vua“ hiếm thấy trong xã hội Việt Nam hiện nay. Chính những người cầm quyền cộng sản đã thấy mình sai lầm trong việc trước đây gọi những người bỏ nước ra đi là phản quốc nên đã thay đổi thái độ đối với Việt kiều “núm ruột ngàn dặm của tổ quốc“, dù sự thay đổi này có tính trục lợi hơn là thực tâm. Hơn ai hết, ông Lý Quí Chung – trong 30 năm thăng trầm của gia đình ông dưới chế độ này – hiểu được sự thật chua chát dưới những mỹ từ hào nhoáng mà ông – đứa con ghẻ của chế độ – đã hết sức để tin tưởng, nhưng vẫn không thể tìm được điều gì khả dĩ có thể tự đánh lừa được chính mình. Thái độ ngụy tín ấy ở một người đã từng nuôi ảo vọng về con đường mình đi, đã thấy mình sai lầm, nhưng không đủ can đảm thú nhận sự sai lầm đó – trong khi ấy biết bao người cộng sản chính tông đã công khai nhận ra sự sai lầm của mình – lại còn tự nguyện lên tiếng ca tụng điều mình biết là sai lầm, theo tôi, thái độ ấy là không trung thực với mình, với người. Tôi không nghĩ ông Lý Quí Chung thành thật tin rằng nếu các em ông chọn lựa ở lại như ông, sẽ thành đạt như hiện nay họ đã thành đạt tại Mỹ và Canada, sẽ được an vui như hiện nay họ đang an vui. Rất thật lòng, tôi cân nhắc vô cùng khi viết những dòng này, vì ông đã không còn ở trên cõi đời này nữa. Truyền thống Việt Nam, nghĩa tử nghĩa tận, không cho phép tôi vượt quá những giới hạn của một người hằng tin tưởng vào tình người, dù tình người dưới chế độ cộng sản. Nhưng tôi vẫn phải viết những điều này, vì nỗi buồn tận đáy lòng tôi, một người đã từng hâm mộ những bài tường thuật bóng đá sắc nét của ông Chung dưới bút hiệu Chánh Trinh từ những năm 1980. Thành thực mà nói, chính lối viết bay bướm, sôi động, sâu sắc của Chánh Trinh đã thổi một luồng sinh khí mới vào làng báo Sài Gòn (cộng sản) những năm ấy. Từ đó, ông tạo được một chỗ đứng cho mình giữa lòng người Sài Gòn. Chính vì lẽ đó, sự ngụy tín của ông lại thập phần nguy hiểm. Người ta viết hồi ký là để kể lại những sự kiện xảy ra, trong đó chính mình mắt thấy tai nghe, để cho hậu thế có cái nhìn trung thực hơn về lịch sử, và từ đó, có những nhận định chính xác và đồng thời rút ra những bài học bổ ích. Nhưng tiếc thay, từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều người viết hồi ký để chạy tội, đánh bóng cá nhân mình hay bạn bè, bóp méo sự kiện nhằm mục đích tuyên truyền cho một cá nhân hay cho một học thuyết. Đó là chưa kể tầm mắt hạn hẹp của người viết. Người đương thời còn đọc với con mắt cảnh giác, vì họ ít nhiều cũng có cơ hội biết được phần nào những gì đã xảy ra, để mà gạn lọc. Còn các thế hệ mai sau sẽ dễ dàng bị những thái độ ngụy tín, vô trách nhiệm ấy lừa gạt.

Trong quyển hồi ký của ông Lý Quí Chung còn rất nhiều điều cần bàn cãi nhưng, vì ông đã qua đời, tôi không muốn đề cập đến. Tuy nhiên, đọc lời Tựa do ông Trần Bạch Đằng viết, tôi vẫn không hiểu ông Chung có ý định gì khi cho xuất bản tập hồi ký này, và, một người đã 64 tuổi như ông Chung, đã có một quá khứ khá sôi động, nếu không nói là thành công – ở một phương diện nào đó – nếu so sánh với những người cùng tuổi trẻ hơn 30 năm trước, lại bằng lòng để cho ông Đằng viết những lời rất trịch thượng giới thiệu tác phẩm của mình: “Anh đã sống dưới chế độ ngót 30 năm, dài hơn thời gian chạm mặt chế độ cũ, nếu tính chỗ xuất phát từ một Lý Quí Chung 20 tuổi. Không có gì đặc biệt khi trong tập hồi ký hoặc nói thẳng hoặc ẩn chứa ưu tư của một trí thức trước thời cuộc, song Lý Quí Chung hướng về phía trước, hướng về những khám phá, hướng về nghĩa vụ. Tôi cho rằng tập hồi ký là nỗ lực của Lý Quí Chung để tự hiểu mình, tự đặt mình trong vận nước, và, thật đáng quý, tự vượt qua chính mình. Ở cái tuổi 64, cái “ngộ“ ấy chắc chưa viên mãn, song nó là cái nền cho một hồi ký khác - tôi hy vọng sẽ viên mãn hơn. Thật ra, giới lớp trí thức Sài Gòn như Lý Quí Chung, “phơi phới sống với chế độ mới“ là chuyện không thể có, tức không thể đòi hỏi.“ [10]

Từ những dòng đề tựa đầy nét hợm hĩnh của một kẻ ở thế thượng phong – đối với ông Chung và bạn bè của ông, những người nuôi ảo tưởng về một nước Việt Nam không tư bản không cộng sản – tôi rút ra được một điều: sẽ không thể có hòa hợp hòa giải đúng nghĩa giữa những người anh em trước đây đã “ở hai bên nửa của tổ quốc”. Những người như ông Chung, suốt 30 năm một lòng một dạ đi theo tiếng gọi của cách mạng, không đếm xỉa gì đến nỗi đau đớn của cha già khi nhìn thấy bộ mặt thật của người anh em phía bên kia, thành khẩn khai báo với cách mạng “âm mưu vượt biên” (tức phản bội tổ quốc – nếu dùng chính xác tội danh mà chính quyền cộng sản Việt Nam đã áp dụng cho người vượt biên bắt đầu từ năm 1977) của cả những đứa em ruột thịt của mình, viết tâm thư cho chính cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nói xa nói gần về ý nguyện muốn được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam giữa lúc biết bao những đảng viên công thần kỳ cựu vất trả lại thẻ đảng và mạnh dạn nói lên những sai lầm chết người mà chính mình và Đảng đã phạm phải trong mấy chục năm qua, hết lòng như vậy mà còn bị ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen, ngay trên tác phẩm tâm huyết của mình: “giới lớp trí thức Sài Gòn như ông Chung, phơi phới sống với chế độ mới là chuyện không thể có, không thể đòi hỏi. Đã thế, tác phẩm còn bị phê là “chưa viên mãn“, tập hồi ký kế tiếp “hy vọng sẽ viên mãn hơn[11] . Cho nên, không lạ gì, những người thuộc thành phần thứ ba hớn hở ở lại để đón tiếp những người anh em ruột thịt của mình đã hoàn toàn biến khỏi sân khấu sau cái bắt tay đãi bôi. Theo tôi, cũng vì lý do đó mà ông Chung không thể nhắc đến những người cùng hội cùng thuyền năm xưa, dù chỉ đôi hàng về cuộc sống của họ hiện nay. Tưởng cũng ghi lại đây một sự kiện đáng chú ý. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, một số các nhà trí thức phương Tây (trong số đó Jean Paul Sartre – một triết gia lỗi lạc người Pháp) khuynh tả có thái độ ủng hộ Bắc Việt Nam. Nhưng sau khi miền Nam hoàn toàn lọt vào tay cộng sản, thấy rõ bộ mặt thật của họ, các ông đã lên tiếng hô hào thế giới lên án, tẩy chay nhà cầm quyền Hà Nội và vận động dư luận thế giới tiếp tay cứu giúp những người Việt can đảm bỏ nước ra đi tìm tự do. Trong số này có cả ca sĩ nổi tiếng phản chiến Mỹ Joan Baez. Nhưng, từ trong nước, nhóm trí thức miền Nam bị thất sủng (trong đó bao gồm một số người thuộc nhóm ông Chung) đã cùng với những người cộng sản nằm vùng ký tên vào một bức thư chung gởi đến các quốc gia phương Tây biện hộ cho nhà nước cộng sản với những lời lẽ mở đầu như sau: “Chúng tôi, những người trí thức của miền Nam trước đây lấy làm rất bất nhẫn khi thấy một chiến dịch vu khống và dèm pha do một số nước Tây phương chống lại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đất nước của chúng tôi, chúng tôi thấy có bổn phận phải phổ biến lá thư sau đây.” [12] Nội dung bức thư, không cần đọc, tôi vẫn có thể hình dung ra những mỹ từ, những lý luận cùn mòn “thu họach” được sau những lớp tập huấn “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội “, những lớp lý luận Mác-Lê ngắn ngày, dài ngày dành cho các nhà “trí thức yêu nước thành phố “.

Vâng, ông Chung và bạn bè ông hết lòng như thế, mà còn bị đối xử như vậy, huống gì những người khác. Huống gì những người nhanh chân đi trước từ 1975, nay trở về, tưởng mình được trọng vọng vì nhiệt tâm muốn cùng góp sức xây dựng lại đất nước.

Một chi tiết khác, rất nhỏ, trong tập hồi ký của ông Chung, làm cho tôi vẫn cảm thấy xót xa cho chính thân phận của mình và bạn bè, dù đã 30 năm qua đi. Ông Chung cho biết, những ngày gần cuối cùng của cuộc chiến, chủ tịch Hạ viện (Việt Nam Cộng Hòa) đã tìm mọi cách tháo khoán ngân quỹ của Hạ viện để trả lương cùng phụ cấp cho các dân biểu, nhân viện Hạ viện, và tất nhiên, ông Chung cũng có phần của ông: “Tôi nhớ số tiền đó hình như tương đương cả 7-8 chục triệu bây giờ. Phụ cấp hàng tháng của một dân biểu nghị sĩ lúc đó rất là cao trong xã hội“ [13] . Số tiền đó “đã nuôi được gia đình tôi (ông Chung) mấy tháng đầu sau 30 tháng 4!”. [14]

Còn tôi, một sĩ quan độc thân cấp bậc trung úy đã lãnh trọn tháng lương cuối cùng của mình khoảng 25 ngàn đồng (lúc đó) vào ngày 22 tháng Tư 1975, chỉ đủ trả tiền cơm tháng và một số chi phí vặt vãnh khác. Ngày 30 tháng Tư 1975, tôi vất vưởng trên quốc lộ 4 với một số tiền rất nhỏ trong túi, vừa đủ cho tôi sống thêm một đôi ngày. Lúc đó, tôi (cùng với các chiến hữu của mình) có nhiệm vụ gìn giữ một nửa đất nước tự do không cho lọt vào tay cộng sản, còn ông Chung, làm công việc là tiếp tay cho cộng sản mau chóng thôn tính miền Nam, và cả hai chúng tôi đều ngửa tay nhận đồng lương từ chính phủ Sài Gòn, tức tiền thuế đóng góp của dân chúng miền Nam.

30 năm đã qua, nhắc lại chuyện cũ cũng chỉ là để ôn cố tri tân. Tôi không hề có ý định phiền trách bất cứ ai, dù còn sống, huống hồ gì người đã vĩnh viễn về với cát bụi như ông Lý Quí Chung. Chẳng qua, cũng chỉ vì những thế hệ mai sau, mà tôi hằng tâm niệm với chính mình và bạn bè rằng, chúng ta (tôi) đã để lại một gia tài không lấy gì làm hãnh diện lắm cho họ, thì cũng không nên làm vẩn đục nhận thức trong sáng của họ bằng những thái độ thiếu thành thật với mình, với người.

Cũng xin hương hồn ông Lý Quí Chung tha lỗi cho tôi nếu, do hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm, tôi đã hiểu sai hoặc hiểu không hết ý ông, khi ông nỗ lực hết sức mình cho ra mắt tập hồi ký trong hoàn cảnh như hiện nay.

Sài Gòn, Việt Nam – Wichita, Hoa Kỳ

Tháng 8/ 2005

© 2005 talawas



[1]Chi tiết này người viết rút ra từ tập Hồi ký không tên của cựu dân biểu Lý Quí Chung do nhà xuất bản Trẻ ở Việt Nam in và phát hành tháng 12 năm 2004 (Chương 5, từ trang 77 đến trang 86).
[2]Trần Bạch Đằng là cây bút chính luận tầm cỡ, từng là Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam, tác giả hàng ngàn bài viết có tính cách chỉ đạo cho báo chí miền Nam từ năm 1975, tác giả bộ trường thiên tiểu thuyết Ván bài lật ngửa tái hiện cuộc chiến tranh vừa qua bằng một thủ thuật hư cấu bất chấp những sự thật của lịch sử, mập mờ đánh lận giữa giả tưởng và sự kiện. Tuy tác phẩm được ra đời vội vã ngay trong thời điểm cuộc chiến vừa chấm dứt, nhằm mục đích tuyên truyền (và cũng đã được dựng thành phim với kinh phí nhà nước rất lớn) cho một giai đoạn, nhưng ngày nay vẫn còn được nhắc đến, phổ biến và ca tụng bởi các bộ phận tuyên truyền của Đảng, tất nhiên, không vì giá trị văn học của tác phẩm ( T. Vấn).
[3]Chữ ông Chung dùng để chỉ người phía Bắc Việt Nam.
[4]Lý Quí Chung (LQC), Sách đã dẫn (sđd), tr. 416.
[5]LQC, sđd, tr. 421, 422.
[6]LQC, sđd, tr. 422.
[7]LQC, sđd, tr. 422
[8]LQC, sđd, tr. 451
[9]LQC, sđd, tr. 451.
[10]LQC, sđd, tr. 9.
[11]LQC, sđd, tr. 9
[12]Trích lại từ: Nguyễn Văn Lục “Trí thức miền Nam – Hai mươi năm nhập cuộc ( 1955-1975)’’, talawas 08.8.-12.8.2005.
[13]LQC, sđd, tr. 411
[14]LQC, sđd, tr. 414