© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
21.9.2005
Nguyễn Huệ Chi
Để làm được chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại
 
Gần đây, tôi được một nữ phóng viên đặt cho hai câu hỏi sau khi chị đi thăm di tích Côn Sơn nổi tiếng trở về: 1. Tại sao ở nơi lưu danh những nhân vật tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi lại có những kẻ ngang nhiên đục bừa bãi tên mình lên các tấm bia đá cổ được các đời dựng làm lưu niệm, thậm chí bọn người làm việc vô lương đó còn ghi rõ địa chỉ của họ là những môi trường học vấn (như Cường và Duy ở Cao đẳng Sư phạm Hà Bắc; Quang, Quân, Vũ Anh Hào, Ngô Tịch ở Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang; Thành, Tuấn, Lê Huynh, Nguyễn Tiến Huấn ở K2 Đại học Bách Khoa...)? 2. Tại sao các di tích văn hóa-lịch sử của chúng ta lại không được chăm sóc chu đáo như ở các nước láng giềng, và các bài văn bia không được dịch ra cho du khách hiểu, làm “chiếc cầu nối” quá khứ với lớp người sinh sau đẻ muộn hôm nay?

Cả hai câu hỏi của chị đều gợi lên những vấn đề bức thiết, nhưng ngẫm cho kỹ dường như chúng có mối liên quan nhân quả nào đó với nhau mà để tìm được lời giải đáp thật “trúng”, quả không phải dễ dàng.

Việc xây dựng “chiếc cầu nối” giữa văn hóa truyền thống với thế hệ hôm nay là điều hết sức cần kíp. Tạm giới hạn trong phạm vi các di tích, việc đó đòi hỏi một đội ngũ có chuyên môn sâu, tinh thông Hán ngữ, và có tấm lòng tận tụy đi về tận nơi có di tích nghiên cứu kỹ lưỡng rồi giới thiệu sao cho hay, cho đúng nét đặc sắc của từng di tích hiện còn ở từng địa phương cho gần xa cùng hiểu, rồi dịch các bài văn bia ra tiếng Việt, sau đó chép lại trang trọng ở những nơi tấm bia được bảo quản, nhằm giúp khách tham quan đọc, và từ đọc sẽ thấm, dần dần biết quý công sức, tài năng, sự nghiệp, tâm huyết của cha ông. Đây là một hướng làm marketing đòi hỏi phải có thực tài và thực tâm. Một đội ngũ chuyên gia như thế hiện nay chưa có nhiều.

Nhưng vấn đề là “cung” phải xuất phát từ “cầu”. Cầu ở đây không phải là nhu cầu của người xem di tích (nhu cầu ấy bao giờ mà chả có), mà là nhu cầu của người có trách nhiệm bảo quản di tích. Chưa thấy một cơ quan bảo tồn bảo tàng ở cấp nào “đặt hàng” cho giới chuyên môn để làm các việc như tôi vừa nói. Thành thử, các di tích đối với khách tham quan từ trước tới nay đa số vẫn chỉ biết “câm lặng”! Mà “câm lặng” thì cầm chắc là một di tích chết, không chóng thì chầy số phận của chúng sẽ lâm nguy. Tôi nhớ, trước đây hơn 40 năm, học giả Lê Thước đã lặn lội về những nơi có dấu chân Nguyễn Trãi, về quê Tiên Điền của Nguyễn Du, để điều tra lập hồ sơ di tích về hai danh nhân đó. Nhưng lập hồ sơ thì cứ lập, còn giữ gìn di tích trên thực địa lại là một chuyện khác. Hãy cứ thử soát lại hồ sơ tỉ mỉ của cụ Lê Thước rồi đối chiếu với tình trạng thực của di tích hiện tại thì sẽ biết cái nào mất, cái nào còn, cái nào đã biến dạng như thế nào. Có lẽ ta chưa có đủ kinh phí để làm công việc giữ gìn, tôn tạo theo cái cách làm cho ra làm, ít ra là đối với những di tích vào loại tiêu biểu chăng?

Nhưng nói chưa đủ kinh phí xem chừng vẫn chưa thuyết phục. Chẳng phải ta đã bỏ tiền ra để trùng tu, quy hoạch Côn Sơn, Nhị Khê, Tiên Điền... mỗi nơi chí ít cũng vài ba lần, tốn kém đến cả bao nhiêu chục tỷ đồng đấy sao? Tại sao đi tham quan di tích của các nước, thấy người ta chăm chút, trân trọng từng hiện vật rất nhỏ, rồi trở về nhìn lại cung cách tu bổ chăm nom di tích của nước mình thì lại có tâm trạng xấu hổ đến chán ngán? Hầu như khắp đất nước, đâu đâu cũng tôn tạo lại đình, chùa, miếu mạo mà một thời đã từng bị đập cho tan nát, nhưng than ôi, tôn tạo theo cái kiểu bôi xanh bôi đỏ lòe loẹt, chữ Hán viết đã xấu lại sai lẫn, và cứ đến đình miếu nào cũng chỉ thấy rặt một vài câu sáo rỗng như “Đức lưu phương 德 流 芳”, “Đức lưu quang 德 流 光” hay “Hộ quốc tý dân 護 國 庇 民” phô ra một cách hãnh diện, tưởng như không còn câu nào xứng đáng hơn thế nữa. Chợt nghĩ nếu có một phái đoàn Trung Hoa nào nhỡ đến tham quan một di tích hôm nay họ sẽ nghĩ ra sao về trình độ Hán học của cha ông ta, vì họ có biết đâu những tấm biển “sản xuất đại trà” kia là mới làm lại dăm ba năm nay. Trừ một ít di tích nào đấy thuộc “phương diện quốc gia” người trùng tu còn cố gắng làm cho có vẻ tươm tất, ngoại giả thì đều lợp ngói tây, xây tường con kiến, cột xi măng và vì kèo giả gỗ, cong nơi này, vểnh nơi nọ... theo cách bôi bác, cẩu thả, có lẽ chỉ cốt thỏa mãn tâm lý khao khát tín ngưỡng của người dân ngót sáu mươi năm bị cấm đoán, và nhất là tâm lý của mấy vị chức sắc thích được người ta khen địa phương mình đã biết tôn trọng “vốn cổ”, chứ có một công trình tôn tạo nào làm với nhiệt huyết của người thật sự vì cái vốn liếng quá khứ của dân tộc mà bảo tồn đâu (chưa nói việc tôn tạo có thể còn đi kèm với hiệu quả... “tiết kiệm” được một khoản kha khá bỏ vào hầu bao người lập dự án, thiết kế và thi công, nó là chuyện nhan nhản ở xứ sở này, kể ra không xuể nên ở đây khỏi bàn). Cho nên làm xong rồi thì phó mặc. Bao nhiêu tượng quý, bao nhiêu đồ thờ đáng giá ở không ít đình chùa bị trộm nẫng mất (có chùa như Tây Phương chúng còn đem cần cẩu đến bứng đi đàng hoàng) mà nếu tuần phòng không ngẫu nhiên bắt gặp thì hiếm có một nơi nào điều tra ra. “Tiền thầy” đã bỏ túi rồi, sống chết là chuyện tự anh phải lo lấy chứ! Còn công an? Họ cũng có quan tâm đến một chừng mực nào đấy nhưng nhiều việc tày trời phát sinh như cơm bữa, đuổi theo mướt mồ hôi còn chưa xuể, mấy cái chuyên án “đồ cổ” này giải quyết được đến đâu hay đến đấy, dẫu có quan trọng đến mấy cũng nào đã chết ai. Nội một việc như đục bừa lên bia đá Côn Sơn, người bảo vệ di tích ngồi chỗ nào - hay đang bận đi “làm ăn” - mà không kịp thời ngăn chặn? Đục một dòng chữ nào có phải vài phút mà nhoáng cái đã không thấy tăm hơi “phường lòi tói” đó nữa. Nếu không ngăn chặn kịp thì sao không lần theo địa chỉ của những kẻ “thiếu học” ấy, yêu cầu nhà trường, cơ quan thi hành kỷ luật thật nặng đối với họ? Chẳng lẽ di tích đã được xếp hạng, có biển cấm mà không có luật trị tội kẻ vi phạm lệnh cấm hay sao?

Hoành phi câu đối ở đình Mai Động bị đóng thành ghế ngồi cho hợp tác xã, do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp năm 1966 (ông Vũ Xuân Hỷ cung cấp)
Xét cho cùng, sự coi thường văn hóa của tổ tiên thấm vào trong tiềm thức trong cốt tủy từ lâu như một căn bệnh mãn tính có lẽ mới là lý do để cho những việc vừa dẫn ở trên cứ tiếp tục diễn ra không ngớt. Không thể không nhắc lại rằng từ hơn 50 năm lại đây, văn hóa truyền thống đã trải qua một “đại nạn”: vì nghĩ đây là những tàn tích phong kiến, chúng ta đã công nhiên lên án chúng, thẳng tay “đàn áp”, “xử tội” chúng; đã để cho bao nhiêu đình chùa, bia mộ, sách vở quý giá ở khắp mọi vùng bị đốt phá, hoặc mất mát hư hỏng mà không một chút động tâm, như nhiều thế hệ đã tận mắt nhìn thấy. Nhưng “đại nạn” liệu đã qua khỏi thật chưa khi người ta mới chỉ quan tâm đến bảo vệ di tích một cách hình thức và vẫn để cho việc trộm cắp cổ vật, lấn chiếm di chỉ, tự do đục khắc lên bia, tháp, mộ, đập phá thành cổ, hang động để lấy đá, để tìm vàng... công nhiên hoành hành? Trèo lên Ngọa Vân Am ở phía tây hòn Yên Tử, ở độ cao khoảng 1.000 mét, nơi người anh hùng hai lần lãnh đạo cả nước chống giặc Nguyên và cũng là vị tổ của nền Phật giáo thống nhất đời Trần: dòng Thiền Trúc Lâm - Trần Nhân Tông - an tịch, người ta thấy choáng váng đến sững sờ: ngôi Tháp Phật hoàng tức tháp Trần Nhân Tông cao sừng sững, bị đào rỗng ruột đứng vật vờ trước gió, bài vị bằng đá đen và một tấm đá bán nguyệt rất lớn khắc mấy chữ “Phật hoàng tháp” thật đẹp trong niên hiệu Minh Mạng (1839) bị đập thành nhiều mảnh. Một tấm bia cao lớn đề năm 1689 do chúa Trịnh Căn cho khắc để ghi nhớ việc ông dẫn các con (vương tử và quận chúa) trèo lên đây chiêm bái người anh hùng, cũng bị đập thành năm bảy mảnh. Bên cạnh đó, ở một ngọn núi khác có động Hồ Thiên nằm ở độ cao khoảng 800 mét, cũng là nơi trần Nhân Tông tu Phật, có nhiều ngôi tháp rất đẹp phía dưới bằng đá xanh phía trên bằng đá đỏ gắn khít với nhau không hề thấy dấu vết vôi vữa, đều bị phạt ngang tất cả. Một ngôi thạch thất được kiến tạo bằng những tấm đá xẻ mỏng rất to lớn nguyên phiến không chắp, kể cả hai mái cũng bằng đá, cũng bị đào rỗng phía dưới và đập vỡ mất một bên vách, mà ở trong còn dựng một tấm bia chạm khắc tinh xảo vào thế kỷ XVIII (tấm bia sẽ đổ bất cứ lúc nào). Rồi đình Trạo Hà ngay giữa thị xã Đông Triều có ngôi mộ một vị tướng của Tây Sơn với bốn phiến đá trắng khắc mấy đạo sắc của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Quang Toản cũng đang bị “đóng băng” để... ai kia tranh thủ bán đất cho người ta xây cửa hàng cửa hiệu. Vân vân... Chúng tôi đã gửi thư cấp báo đến Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh, cũng như đã khẩn thiết “báo cáo miệng” với Ủy ban Nhân dân huyện Đông Triều (vào năm 1992 sau khi đi khảo sát trở về). Một cái cười xã giao đầy “thông cảm”, và một sự im lặng kéo dài từ bấy đến nay ở tất cả những cơ quan hữu trách... chốc đã chín mười năm (!!!). Sau này mỗi lần nghĩ lại cái buổi chiều trèo đến bở hơi tai, lội qua tám con suối và bị ong độc đuổi chạy rơi cả kính, lên đúng nơi có tiếng là thiêng liêng nay đã trở thành một hoang tích ghê sợ - mà mấy chị đi cùng đoàn không nén được đã bật khóc - tôi cứ lẩn thẩn nghĩ không hiểu ông vua Trần lừng danh kia có tội tình gì mà bị người ta đối xử thậm tệ đến vậy, một ông vua có tầm vóc trong lịch sử và có tư tưởng khoáng đạt xứng đáng được cả dân tộc tôn vinh – có lẽ còn phải liệt tên ở trước Hồ Chí Minh nữa kia. Hay vì ông đã hòa đồng Phật, Đạo với Nho, không nêu tấm gương “cực quyền” để đời sau học hỏi, nên không xứng tư cách một Hoàng đế đáng được tôn sùng?

Tấm bia đá ở am Ngọa Vân bị đập vỡ được khuân ghép một phần còn lại để dập chữ Hán (1992)
Nhân nói về Hồ Chí Minh, tôi nhớ lại đã nhiều lần đưa khách nước ngoài đi thăm một số di tích ở Hà Nội, nhưng hễ cứ đến ngắm cảnh quan chùa Một Cột hiện nay là ai cũng ngao ngán lắc đầu. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã choán hết không gian của cụm chùa Diên Hựu và chùa Một Cột, đến nỗi mới nhìn tưởng đâu như cụm di tích này là một thứ công trình phụ nép vào Bảo tàng, hoặc được mọc lên từ một đáy giếng, không còn đâu một khoảng trời xanh và một khuôn viên đủ rộng cho chúng nữa. Có lần, một vị khách cảm thấy băn khoăn không nín nổi đã chỉ vào tòa nhà xòe cánh lừng lững mà hỏi khéo tôi: “Có phải cái bông sen nở xòe to lớn ấy mọc lên đây trước cả cái bông sen xinh xinh này phải không?” Tôi cười, biết rằng ông khách có một vốn hiểu biết văn hóa Việt khá thâm thúy nên chơi chữ với mình, bèn cũng chơi chữ lại: “Bông sen thời Lý mới nhú khiêm tốn nên đứng âm thầm một góc khuất nẻo càng làm cho người ta quý, còn bông sen thời nay là “sen vàng” (Kim Liên) đã tỏa sáng đến năm châu bốn biển, nên phải vươn thật cao xòe cánh che lấy bầu trời chứ sao”. Nhưng khi khách đã chia tay rồi, lòng tôi tự nhiên thấy trĩu nặng. Sao khi tìm địa điểm làm Bảo tàng Hồ Chí Minh người ta không thèm hỏi gì giới chuyên môn, để cho một di tích vào loại cổ nhất Thăng Long và là một biểu trưng của Thăng Long ngàn năm văn vật - nên nhớ là vào năm 1954 khi người Pháp rút khỏi nơi đây có kẻ nào đó muốn phá biểu trưng kia đi đã manh tâm giật sập chùa Một Cột - phải lâm vào tình trạng bị “cớm” một cách tệ hại mà khách nước ngoài cũng phải thấy là bất nhẫn? Chẳng lẽ với cơ chế này trí thức chẳng một ai có cơ hội bộc lộ chính kiến thật của mình hay sao? Hay người ta có hỏi mà không ai dám trả lời? Không giải đáp nổi thắc mắc cho mình, tôi bèn cất công đi tìm, thi hỡi ôi, lại còn biết thêm một sự thật bàng hoàng hơn: khi xây Bảo tàng, thấy chùa Diên Hựu đứng đó làm vướng víu cho công trình tưởng niệm Bác, một chức sắc cao cấp trong ngành xây dựng chịu trách nhiệm thi công đã ngấm ngầm lệnh cho thợ xây phun nước liên tục vào chùa cho nó sập quách đi. May mà về sau có người - Gs. Trần Quốc Vượng - tìm mọi cách “rỉ tai” nên trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc, ngôi chùa vẫn còn giữ được “cái mạng” già lão. Nghe rồi bần thần mất một lúc, lại liên tưởng đến bọn Taliban đã phá hai tượng Phật khổng lồ ở Afghanistan. Hóa ra mọi cái đầu độc tôn bản chất đều giống nhau, chỉ khác về tầm mức. “Đậm đà bản sắc dân tộc” là đấy chăng, một hành vi tự tung tự tác, đối xử “kẻ cả” với di sản, ngay cả một Hồ Tây bị lấn chiếm tứ phía, hết cả cái lãng đãng khói sương mờ ảo từ lâu rồi, nhưng đến nay nguy cơ bị thu hẹp diện tích cũng nào đã hết. Tại sao gia tài văn hóa của cụ Vương Hồng Sển để lại, từ người trong nước cũng như khách nước ngoài đều thấy là quý báu, thế mà không thành lập nổi một “bảo tàng cổ vật Vương Hồng Sển”, khiến phải phân tán đi ba bốn nơi? Thử hỏi, một ngôi nhà có từ thời nhà Nguyễn, bao nhiêu là đồ cổ ngoạn có từ hàng mấy trăm năm, rồi những pho sách hơn trăm tuổi... chúng đã gắn bó hữu cơ với nhau, nay đem xé lẻ ra thì còn ra sao nữa. Mà những cổ vật bằng sứ quý như thế liệu có giữ được khỏi “thất tán” hay không? Và những cuốn sách vốn đã cũ, đã giòn, nay đem về thư viện cho người đọc bình thường tự do mượn đọc, liệu khuân ra khuân vào được mấy lần thì nát? Và muốn mua lại được những cuốn sách vô giá ấy hỏi biết đến bao giờ?!

Không nói đâu xa, ở di tích Côn Sơn, ngay trên đỉnh núi, nơi dấu tích bàn cờ tiên của Nguyễn Trãi thuở xưa, nay không hiểu sao lại bị san phẳng đi để xây lên đấy một nhà bia tưởng niệm Hồ Chí Minh. Thế là, vẻ đẹp vẹn toàn của một hệ thống di tích nhìn từ thấp lên cao bỗng nhiên bị phá vỡ. Hồ Chủ tịch về thăm Côn Sơn là việc bình thường hà cớ gì phải khắc tên ông vào bia và cắm lên chỗ cao chót vót, cao hơn cả nơi tưởng niệm Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, khiến cho Bàn cờ tiên bỗng biến mất? Nếu ông Hồ sống lại, chẳng biết ông có vui trước việc làm ngỡ là tôn kính mình nhưng lại tàn hại cảnh quan nghiêm trọng như thế hay không? Tất nhiên đây là việc của người phụ trách bảo tồn bảo tàng ở Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương, nhưng ví như do phải chiều theo thị hiếu của một ai đi nữa, thì kiến thức và tầm nhìn của người chịu trách nhiệm trước dân trong quản lý di tích ở đâu, vai trò của chính quyền nhà nước các cấp ở đâu, hay là họ “không có thì giờ” đến thăm nom di tích? Mà càng ngắm cái nhà bia, người xem lại càng thấy phải ngẫm nghĩ, bởi đó vẫn là một kiểu nhà xi măng giả gỗ rẻ tiền, đặt vào quần thể những ngôi nhà cổ của Côn Sơn ai cũng nhận ra là khập khiễng, hơn nữa lại có cả một... “hòm công đức” đi kèm, và hàng quán mọc la liệt xung quanh.

Hãy nói sang di tích Nguyễn Du. Cách đây vài năm, người ta đã bỏ ra đến khoảng mươi lăm tỷ đồng để dựng lên cả một khu “hoành tráng” có vườn cây, nhà trưng bày, tượng ông Nguyễn Du trên bệ cao đang ngồi cầm bút thật đĩnh đạc. Nhưng tượng ấy là tượng của Nguyễn Du ư? Còn nhớ vào năm 1965, để chuẩn bị kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du, nhà phê bình Hoài Thanh, Viện phó Viện Văn học, giao cho tôi thảo một lá đơn trình lên Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhân danh cá nhân ông, đề xuất việc làm tượng cho Nguyễn Du dựa vào phương pháp Guerassimov, do chỗ ông căn cứ vào báo cáo thực địa của cụ Lê Thước (năm 1958) và của tôi (năm 1961) về việc mộ Nguyễn Du chỉ mới được cải táng từ Vườn Đào (nơi nhà riêng của Nguyễn Du ở Tiên Điền) ra bãi cát hiện nay vào năm 1941 và theo gia đình thì khi cải táng sọ vẫn còn nguyên. Theo cách tính toán của Hoài Thanh, khoảng thời gian từ 1941 đến 1965 chưa xa là mấy, lại táng nơi cát trắng, xương khó nát ngay được, nên ông đề nghị cho đào mộ lên gửi hộp sọ sang Liên Xô để khôi phục lại nguyên dạng bộ mặt của Nguyễn Du. Tốn kém không nhiều mà ta sẽ giữ được gương mặt duy nhất của một danh nhân thời xưa đúng như thật. Tiêc thay, hai lần thảo thư cho ông rồi tự ông cho đánh máy và gửi đi theo đường nào đấy mà không hề thấy hồi âm. Tôi cứ nghĩ lúc ấy Bộ Chính trị chắc còn bận trăm công nghìn chuyện nhằm đẩy mạnh cuộc chiến tranh miền Nam nên hẳn không có thì giờ để lo việc dựng tượng một nhà thơ. Phía sau hậu trường không rõ thật hư thế nào nhưng nghe đâu khi thông qua chủ trương kỷ niệm, vẫn có một đôi vị chê trách nhà thơ của chúng ta đã để cho Từ Hải “bó thân về với triều đình”, thậm chí họ còn giễu Từ Hải là “cái thằng ấy không chết đứng thì cũng đến chết quỳ”. Mãi năm 1990 có dịp sang Liên Xô đọc sách ở Thư vỉện Viện Viễn Đông tôi tìm thấy trong một tờ tạp chí của Trung Quốc một cái tin làm cho mình sững người. Vào năm 1988 chính người Trung Quốc đã làm một việc giống như Hoài Thanh từng mong mỏi. Sau khi tra tìm được đích xác ngôi mộ của Ngô Thừa Ân tác giả Tây du ký họ bèn cho đào lên và tìm thấy ba hộp sọ, mời chuyên gia Anh Pháp sang làm việc thì xác định được một hộp sọ là nam, hai hộp sọ còn lại là nữ. Mở gia phả ra biết Ngô Thừa Ân được hợp táng với hai vợ nên chắc chắn đấy là sọ của tác giả Tây du ký rồi. Thế là một hợp đồng ký kết ngay với chuyên gia nước ngoài (không phải Liên Xô) để các nhà khoa học kỳ công dùng phương pháp phục chế từ hộp sọ mà khôi phục lại diện mạo Ngô Thừa Ân. Sau đó họ đổ đồng, dựng tượng, và tự hào rằng họ đã có được một Ngô Thừa Ân mặt mũi đúng như lúc sinh thời. Nghĩ đến Nguyễn Du và cả đến tâm nguyện của Hoài Thanh tôi không khỏi thoáng chút ngậm ngùi sao những con người đó lại... trót sinh ra làm người Việt Nam. Và nghĩ đến nước Tàu, tôi lại muốn bắt chước Nam Cao mượn lời nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt: “Tiên sư anh Tào Tháo!”.

Gần đây nhân về thăm khu lưu niệm Nguyễn Du, thấy mộ ông mấy lần đập đi xây lại rất tốn kém mà vẫn chẳng đẹp, hỏi thì người ta bảo: từ lần xây đầu tiên đã định đào lên xác định lại vị trí để xây cho đúng chỗ, nhưng có ngài quan chức vào hàng cao nhất trong tỉnh bấy giờ phán một lời thật khôn ngoan: “Các anh đào lên nhỡ không còn thấy gì cả thì sao? Có phải là làm cho dân thất vọng hay không? Cứ chỗ đó mà xây mộ thì yên ổn đủ mọi bề, có hài cốt hay không ở dưới ấy nào ai có biết, mà mình cũng đâu có cần, miễn là có một ngôi mộ là được”. Tôi nghe mà thấy sợ cho cách nghĩ chỉn chu của một vị quan, nó là cái tiểu xảo muôn đời của sĩ đại phu nước Việt. Ranh khôn đến thế thì ứng xử với văn hóa quá khứ cách nào mà chẳng được. Chỉ có điều muốn có được một sản phẩm văn hóa đích thực thì e sẽ chẳng bao giờ có (như câu chuyệnThành Lồi thuở nào [1] ). Cũng như bao nhiêu nhà cửa, cầu cống, tượng, đài... đã xây ra, đã dựng lên, luôn luôn được đài báo khoe là nhất Đông Nam Á, nhưng cứ ngẫm xem, có mấy cái rồi sẽ bền vững với thời gian và in sâu trong ký ức của đương thời và hậu thế, đánh dấu công trình của thời đại này?

Chỉ nói chừng ấy cũng đủ thấy việc chăm lo cho văn hóa truyền thống còn bao nhiêu là vấn đề nổi cộm làm nhức nhối những người hiểu biết. Trách nào lớp trẻ chả mạnh ai nấy khắc, vạch lên bia Thanh Hư động, đá Thạch Bàn, tượng linga ở Mỹ Sơn và vô số những nơi khác mà chắc gì họ đã hiểu đó là việc làm tội lỗi. Sự phô bày trắng trợn địa chỉ của họ ở các trường cao đẳng, đại học hẳn hoi cho thấy nhà trường của ta hình như không lấy việc giáo dục ý thức công dân cho học trò, phải biết coi trọng lịch sử dân tộc làm việc hàng đầu, hay có giáo dục mà chẳng đến đầu đến đũa. Song nói cho đáng tội, lớp trẻ hẳn cũng đã “lây” cái thái độ coi thường văn hóa, hãnh tiến với quá khứ của cha chú họ. Vì thế, việc cần kíp hiện nay, theo ý tôi, là phải xây dựng lại một cách nghiêm túc và thật cơ bản ý thức lịch sử trong mọi tầng lớp quan chức từ cấp cao nhất trở xuống cũng như trong dân chúng, xây dựng cả “quan trí” và “dân trí” thì mới mong làm được “chiếc cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại.

9-2001/9-2005


© 2005 talawas



[1]Truyền thuyết Thành Lồi kể rằng vào thế kỷ XIII, sau khi Huyền Trân Công chúa không lên dàn thiêu chết theo chồng mà được Đỗ Khắc Chung cứu thoát về Thăng Long, vua Chàm tức giận cho quân ra chiếm lại hai châu Ô và Lý. Quân Việt kéo vào nhưng không đánh mà đem ra kế sách hai bên cùng thi nhau xây một bức thành, trong một đêm nếu ai xây xong trước thì sẽ thắng, bên kia phải tự nguyện rút quân. Trong khi quân Chàm do tướng Lồi thật thà lo hùng hục đắp đất xây thành thì quân Việt giở trò ranh mãnh làm một thành giả bằng phên tre rồi sơn phết như thật. Sáng ra quân Chàm nhìn sang kinh hoảng vì thấy thành của mình xây còn dang dở thế mà tòa thành của đối phương đã xong tự lúc nào. Họ bèn lặng lẽ rút lui. Ngày nay vẫn còn dấu tích bức thành dang dở của quân Chàm thuộc địa phận mấy xã Dương Xuân, Nguyệt biều, Thừa Thiên mà người ta quen gọi là Thành Lồi (xin xem Kho tàng truyện cổ tích việt Nam 5 tập của Nguyễn Đổng Chi. Viện Văn học xuất bản, 1992).
Nguồn: Đã đăng má»™t phần trên tạp chí Tia sáng, Hà Ná»™i, số 11-2001