Văn há»cCác giải thưởng văn há»cLoạt bài: Các diá»…n từ/diá»…n văn Nobel văn chÆ°Æ¡ng
21.9.2005
Albert Camus
Giữ cho thế cuá»™c khá»i tan rã
(Không Ä‘á» tên ngÆ°á»i dịch)
Tôi rất vẻ vang được tiếp nhận vinh dự mà quý Viện trao tặng, và lòng biết ơn của tôi càng sâu xa hơn khi tôi nghĩ rằng giải thưởng đó quá lớn lao đối với giá trị cá nhân tôi. Thực ra mọi người, nhất là mọi nghệ sĩ, đều muốn được công nhận. Tôi cũng mong muốn được như vậy. Nhưng tôi không thể tiếp nhận quyết định của quý Viện mà không so sánh vinh quang đó với cái thực chất của tôi. Một người gần như còn trẻ tuổi, chỉ lấy những hoài nghi của riêng mình với một sự nghiệp còn dở dang làm tài sản, chỉ quen sống trong im lặng của việc làm và ẩn náu trong tình bằng hữu, người đó làm sao tránh khỏi sự kinh hoàng khi thình lình anh ta được biết một quyết định đưa anh ta, bơ vơ một mình, ra giữa nơi sáng chói. Người ấy có thể tiếp nhận cái vinh dự đó với tấm lòng như thế nào, trong khi mà ở Châu Âu có nhiều tác giả khác vào hạng vĩ đại nhất phải chịu im hơi lặng tiếng, và trong lúc mà quê hương của anh ta phải chịu đựng một tai họa không ngừng?
Tôi đã trải qua sự bối rối, băn khoăn trong nội tâm đó. Ðể trở lại được yên ổn, tôi cần phải thanh toán với một số phận quá may mắn như thế. Và, bởi vì với những giá trị riêng của tôi, tôi thấy mình không xứng đáng với số phận đó, tôi cũng không tìm được cái gì khác để giúp tôi, ngoài những gì đã nâng đỡ tôi trong những hoàn cảnh trái ngược nhất và trong suốt cuộc đời tôi là: ý niệm của tôi về nghề văn và về vai trò của nhà văn. Xin quý vị cho phép tôi, với một tấm lòng tri ân và thân ái, được trình bày về ý niệm đó, bằng một cách giản dị nhất mà tôi có thể đạt tới được.
Bản thân tôi không thể sống không văn. Nhưng không bao giờ tôi đặt nghệ thuật đó lên trên tất cả. Nếu, trái lại, nó cần thiết cho tôi, thì chính vì nghệ thuật đó không bao giờ tự tách rời khỏi bất cứ ai, và vì nó cho phép tôi sống như hiện nay, ngang mức với mọi người. Ðối với tôi, nghệ thuật không phải là một lạc thú để hưởng một mình. Nó là phương tiện để đánh thức một số đông nhất con người bằng những hình ảnh đặc thù về những nỗi đau thương và những niềm hoan lạc chung. Như vậy nó buộc người nghệ sĩ phải phục tùng sự thực bình thường nhất và đại chúng nhất. Và kẻ nào đã chọn kiếp nghệ sĩ vì tự cảm thấy mình khác người, kẻ đó sẽ sớm biết rằng anh ta chỉ dung dưỡng được nghệ thuật và cái khác biệt của anh ta giống tất cả mọi người. Người nghệ sĩ tự rèn luyện mình bằng sự giao tiếp thường xuyên giữa mình với thiên hạ, ở khoảng giữa cái Ðẹp mà anh ta không thể bỏ qua được và cái cộng đồng mà anh ta không thể tách rời ra được. Vì thế, người nghệ sĩ chân chính không khinh miệt cái gì, họ tự bắt mình phải tìm hiểu thay vì phán xét. Và, nếu người nghệ sĩ có một lập trường xác định trong cuộc đời này thì lập trường đó chỉ là lập trường của xã hội, mà ở đấy, theo một danh ngôn của Nietzsche, kẻ ngự trị không phải là quan tòa, mà là người sáng tạo, dù người đó là lao động hay trí thức.
Vai trò của nhà văn, cũng vì thế, không được rời xa những nhiệm vụ khó khăn. Theo định nghĩa, hiện nay họ không thể phục vụ những kẻ đang làm ra lịch sử: họ phục vụ những kẻ chịu đựng lịch sử. Nếu không thế, họ sẽ bị lẻ loi và bị tước mất cả nghệ thuật. Tất cả những quân đoàn với hàng triệu binh khí của bạo quyền không làm cho người văn nghệ khỏi cô đơn ngay cả lúc và nhất là khi họ ưng theo gót chúng. Nhưng sự im lặng của một người tù vô danh, bị bỏ rơi trong sự đầy ải ở tận nơi góc biển chân trời, là đủ kéo nhà văn ra khỏi cảnh lưu vong, ít nhất là vào những khi, ở giữa những đặc quyền sự im lặng kia nhà văn có thể làm cho nó vang lên được bằng những phương tiện của nghệ thuật.
Không một ai trong chúng ta có đủ sức để thực hiện sứ mệnh đó. Nhưng, trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc đời mình, tối tăm hay tạm thời có danh vọng, bị ném vào ngục tối của bạo quyền hay được tự do bộc lộ, người cầm bút có thể chiếm được tình cảm của một cộng đồng sống động, nó sẽ minh chứng cho anh ta với điều kiện độc nhất là anh ta chịu gánh vác đến hết khả năng của mình, hai trách vụ khả dĩ làm nên sự cao quý cho nghề văn là: phụng sự chân lí và tự do. Vì sứ mệnh của anh ta là tập hợp một số người lớn nhất có thể được, sứ mệnh đó không thể thích ứng với sự man trá, với sự thuần phục, là những thứ hễ ngự trị ở đâu thì làm cho nơi đó phát sinh đầy rẫy sự cô đơn. Bất kể những tật nguyền của bản thân chúng ta, tính chất cao thượng của nghề văn bao giờ cũng bắt rễ sâu vào hai điều tâm ước rất khó giữ là: không chịu nói man trá về những điều mình biết và chống lại sự áp bức.
Hơn hai mươi năm của một dòng lịch sử thác loạn, đọa lạc không được cứu vớt, cũng như tất cả những người cùng lứa tuổi tôi, trong những quằn quại của thời thế, tôi thành ra được nâng đỡ bởi một cảm giác âm thầm rằng sự trước tác ràng buộc tôi và bắt tôi không được chỉ viết văn mà thôi. Nó lại còn bắt tôi, với con người và tùy theo sức vóc của tôi, với tất cả những ai đã cùng tôi sống chung một lịch sử, phải mang nặng mối tai họa và niềm hi vọng mà chúng tôi cùng nhau chia sẻ. Những người đó, ra đời từ khởi thủy cuộc Thế chiến I, đã bước vào tuổi hai mươi giữa lúc tồn tại uy quyền của Hitler và những vụ án cách mạng đầu tiên, rồi sau đó lại phải đương đầu để được hoàn tất học vấn, đương đầu với cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, với cuộc Thế chiến II, với vũ trụ của những trại tập trung, với Châu Âu của tra tấn và tù tội, đến bây giờ lại phải nuôi dưỡng con cái và tác phẩm của họ trong một thế giới bị đe dọa tiêu diệt bởi chiến tranh nguyên tử. Tôi chắc rằng không ai có thể đòi hỏi họ lạc quan cho được. Và tôi còn đồng ý rằng chúng ta phải thông cảm với nhầm lẫn của họ mà không ngừng chống lại những người vì quá thất vọng đã giành lấy quyền được ô nhục, và đổ xô vào chủ nghĩa hư vô của thời đại. Nhưng số đông còn lại trong chúng ta, ở đất nước tôi, và cả Châu Âu, đã khước từ chủ nghĩa hư vô đó và đi tìm một thái độ chân chính. Họ đã phải đào luyện một thứ nghệ thuật sống trong thời tai biến, để được sinh ra lần thứ hai, và sau đó sẽ đối mặt chiến đấu chống lại bản năng vong mạng đang tác hại trong lịch sử chúng ta.
Ðành rằng, thế hệ nào cũng tưởng mình có nhiệm vụ tái tạo cuộc thế. Song le thế hệ của tôi biết nó chẳng làm được như thế. Nhưng nhiệm vụ của nó còn trọng đại hơn. Nhiệm vụ đó là giữ cho thế cuộc khỏi tan rã. Thừa hưởng một lịch sử suy đồi, xáo trộn của những cuộc cách mạng thất bại, của những kĩ thuật trở thành điên rồ, của những thần linh đã chết và những chủ nghĩa đã kiệt lực, một lịch sử trong đó các quyền lực tầm thường vào lúc này có thể tàn phá hết thảy nhưng lại không biết làm sao để thuyết phục; lịch sử của trí tuệ tự hạ mình xuống mức tự nguyện làm tay sai cho nỗi căm hận và sự áp bức, thế hệ ấy, dựa vào chính bản thân nó và xung quanh nó, đã bắt đầu từ sự phủ nhận chính mình mà tái thiết lập, cả bên trong lẫn bên ngoài, một chút những gì tạo nên giá trị của cuộc sống và cái chết. Ðứng trước một thế giới bị đe dọa tiêu tan, nơi tòa án lương tâm nghiêm khắc có thể khép tất cả mọi người vào tội đáng đày vào địa ngục, thế hệ ấy đã biết rằng nó có bổn phận, trong cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian, phải tái lập giữa các quốc gia một nền hòa bình, không phải là hòa bình của cảnh nô lệ, phải một lần nữa giải hòa lao động và trí thức, và phải cùng tất cả con người xây dựng lại cây cầu của lòng tương thân tương ái. Thế hệ đó không chắc có ngày hoàn thành được sứ mệnh vĩ đại ấy, nhưng vững tin rằng trên khắp thế giới này, nó đã quả quyết nhận sự thách đố xây dựng chân lí và tự do; và, nếu cần, biết chết không thù hận cho cuộc thách đố đó. Chính thế hệ đó đáng được chào đón và khích lệ tại những nơi nó có mặt, và nhất là tại những nơi mà nó hi sinh. Dù sao đi nữa, chính là để giành phần cho thế hệ đó mà, tin chắc được quý vị đồng ý một cách sâu xa, tôi muốn tặng lại niềm vinh dự mà quý vị vừa trao tặng cho tôi.
Ðồng thời, sau khi đã nói lên cái cao quý của nghề viết văn, tôi muốn đặt nhà văn trở về đúng chỗ của anh ta, là người không có danh nghĩa gì khác cái danh nghĩa mà anh ta chia sẻ cùng các chiến hữu của anh ta, là người yếu mềm mà cứng cổ, bất công và tha thiết với công lí, là người xây dựng sự nghiệp của mình không hổ thẹn, cũng không kiêu ngạo trước mọi người, luôn luôn do dự trước Cái Khổ và Cái Ðẹp, mang số kiếp con người kép phải cố công sáng tạo giữa những cơn chấn động hủy hoại của lịch sử hủy hoại. Như vậy, ai còn dám chờ đợi ở nhà văn những giải pháp có sẵn và những lời luân lí khuôn sáo? Chân lí là những bí mật, khó tóm bắt, luôn luôn phải được chinh phục. Tự do nguy hiểm, khiến đời sống chật vật nhưng hứng khởi. Chúng ta phải tiến về hai mục tiêu đó, một cách khó nhọc, nhưng quả quyết, biết chắc từ trước những phút nản chí trên con đường quá dài ấy. Ðã như thế, có nhà văn nào đối diện với lương tâm, dám đảm nhận việc khuyên răn đạo đức suông? Về phần tôi, tôi cần phải nhắc lại một lần nữa rằng, tôi không là gì hết trong những thứ tôi vừa kể. Tôi đã không thể từ bỏ ánh sáng, hạnh phúc sinh tồn và cuộc sống tự do từ lúc tôi lớn lên. Nhưng mặc dù niềm luyến tiếc đó là nguyên nhân của phần nhiều những sơ xuất và nhầm lẫn của tôi, nó chắc chắn đã giúp cho tôi hiểu nghề nghiệp của tôi hơn, và nó còn giúp cho tôi đứng vững được, một cách mù quáng, bên cạnh tất cả những con người lặng lẽ gánh chịu trên thế gian này một đời sống thụ động nhờ vào kỉ niệm hay sự vãn hồi của những mẩu hạnh phúc thoáng chốc và tự do.
Nay trở về thực trạng của tôi, về các giới hạn của tôi, các món nợ của tôi, cũng như về lòng tin khắc khổ của tôi, tôi cảm thấy được thanh thản hơn để trình bày với quý vị về tính quảng bác và khoan dung của danh dự vừa được quý vị trao tặng; được tự do hơn để thưa với quý vị rằng tôi muốn nhận phần danh dự đó như là một sự ngưỡng mộ dành cho tất cả những ai cùng chung cuộc chiến đấu, nhưng không được một đặc quyền nào, mà trái lại, chỉ biết có tai ương và hoạn nạn. Ðến đây, chỉ còn có việc cảm tạ quý vị, tự đáy lòng tôi, và để riêng tỏ tấm lòng tri ân, tôi công nhiên xin hứa cùng quý vị vẫn một lời hứa thủy chung đã xưa cũ, mà nghệ sĩ chân chính nào cũng hàng ngày nhắc cho chính mình, trong im lặng.
(A. Camus đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1957 tại Tòa Thị chính Stockholm.)
Nguồn: Những báºc thầy văn chÆ°Æ¡ng thế giá»›i: tÆ° tưởng và quan niệm. Trang 71-78. NXB Văn há»c, 1995. Không Ä‘á» tên ngÆ°á»i dịch. Không ghi thông tin vá» bản gốc.