© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
22.9.2005
Phan Khôi
Bàn thêm về “bút chiến”
 
I. Cái thái độ của chánh khách và của học giả

Đọc Thần chung, trong một số ra trước đây mấy bữa, thấy có bài đề là “Bút chiến” của ông Bùi Thế Mỹ, bàn về sự các nhà ngôn luận đánh giặc cùng nhau trên giấy, bằng ngòi bút [1] .

Ông Bùi nói phải lắm. Ổng nói phàm bút chiến cốt để binh vực lấy chủ nghĩa mà mình đã tin chớ không phải để đấu khẩu nhau như hàng tôm hàng cá. Ông lại chê và phản đối hết sức những cái giọng nói xấu nhau của mấy ông ra ứng cử nghị viên.

Nhưng cái bài ấy chỉ nói sơ lược mà thôi. Theo tôi tưởng, về các cuộc bút chiến, còn có nhiều điều nên nói và nên biết nữa.

Bởi vậy tôi viết bài nầy để phô bày thêm một vài lẽ cần yếu trong cuộc bút chiến. Trước khi động bút, B sánh với động binh, tôi tuyên ngôn rằng đây là một đạo viện binh muốn dàn thêm ra cho kín mặt trận, chớ không phải kéo ra để cự chiến với quân họ Bùi đâu.


*


Trong các cuộc bút chiến thường có hai cái thái độ: cái thái độ của bọn chánh khách và cái thái độ của bọn học giả. Kêu bằng chánh khách, tức là những người ra làm quốc sự; những người ra ứng cử nghị viên cũng nhập vào môn ấy.

Bất kỳ ở nước nào cũng vậy, hễ đã ra làm quốc sự thì thế nào cũng hướng nhiều về quyền lợi hơn là về đạo đức (cái quyền lợi ấy hoặc thuộc về một người, hoặc thuộc về một đoàn thể, hoặc thuộc về công chúng, chi cũng kể là quyền lợi cả). Hễ đã khuynh hướng về quyền lợi thì cái mục đích của sự tranh biện với nhau là để choán lấy quyền lợi về phe mình. Mà hễ đã muốn choán lấy quyền lợi cho mình thì tức nhiên phải công kích bên phe địch.

Quyền lợi chẳng là một thứ tương phản với đạo đức. Bụng lúc bấy giờ chứa những quyền lợi là quyền lợi, thì miệng nói ra đạo đức sao được?

Bởi vậy cho nên những tay ra làm quốc sự, nhằm hồi họ tranh quyền với nhau, họ nói xấu nhau chẳng còn chỗ chừa chỗ dẻo. Mà cái đó cũng đã thường thấy trong các nước văn minh, ò có lẽ văn minh chừng nào thì cái đó lại càng kịch liệt chừng nấy, chớ không phải một mình chi nước ta.

Vẫn biết rằng cái sự bươi xấu nhau như vậy, cái sự bất đạo đức như vậy là chẳng hay chi, song can họ không thể can, mà cấm họ không thể cấm. Bởi vì, cái đời là cái đời quyền lợi, thì trong lúc tranh nhau quyền lợi, tối mày tối mặt, vớ được chi nói nấy, ai mạnh miệng nấy hơn, còn rồi đâu mà lựa lời? Chửi nhau trên tờ báo, ấy còn là thanh bai một chút, giá có dịp cho họ chửi nhau bằng miệng, họ cũng chẳng từ!

Tranh chi thì cứ việc tranh, song làm sao cho nó có vẻ ôn hòa, cho ra dáng quân tử, như được vậy thì tốt lắm. Song chừng như không có thể được thì phải. Không có thể được cho nên luật pháp cũng phải nới tay. Theo hồi bình thường, luật có điều buộc tội kẻ nói xấu người khác, kêu là điều phỉ báng (diffamation) song trong khi cử nghị viên, ai vì sự tranh cử mà nói xấu nhau, luật không buộc điều ấy cho; là vì lẽ đó.

Luật đã nới cho thì tùy ý, mặc sức tha hồ mà chửi nhau chẳng ai thèm thò miệng vào làm chi!

Cũng có khi những tay chánh khách tranh biện nhau về lý tưởng nào, về chủ nghĩa nào trong vòng chánh trị, không đụng chạm nhau về quyền lợi, thì cái quang cảnh lại đổi ra tạnh ráo, sáng sủa, chớ không sấm chớp, bão bùng, u ám như trước nữa. Song khi ấy thì họ lại đã đứng về phương diện học giả rồi.


*


Trong cuộc bút chiến, chỉ có thái độ nhà học giả là ngộ hơn hết, phải chăng hơn hết, sang trọng hơn hết.

Các nhà học giả cãi nhau cốt để tìm cho ra sự thiệt, cho thấy chơn lý. Ngoài điều ấy, không còn có mục đích gì nữa. Thiệt như câu thành ngữ Tây mà họ Bùi đã dẫn: "Có biện luận thì mới nẩy ánh sáng ra". Khổng Tử ta cũng bảo rằng: "Học thì phải hỏi cho kỹ và biện cho sáng" (Thẩm vấn chi, minh biện chi). Cho nên, trong học giới, sự cãi cọ biện bác với nhau, là một sự rất có ích và rất cần cho việc học.

Nói nghe mà thèm!

Khắp cả nước ta, từ ngày có báo đến giờ, sự tranh đấu nhau về quyền lợi thì thường có mà sự biện luận nhau về học vấn thì tựa hồ như chưa có. Nhớ mười năm về trước có cuộc bút chiến của ông Nguyễn Háo Vĩnh với Nam phong về vấn đề văn quốc ngữ; năm ngoái đây có cuộc bút chiến của Tiếng dân với Đông Pháp thời báo về vấn đề sử Nam [2] ; song vì có một bên cãi bướng, thành ra cuộc tranh biện không có giá trị chi cả. Trong báo giới không có cuộc bút chiến có giá trị, ấy là điều sỉ nhục cho nhà ngôn luận đã đành, mà cũng là sự bất lợi cho mọi người.

Chi cái đó mà sỉ nhục? C Đừng lấy làm chơi, sỉ nhục lắm chớ!

Trong đời, nhứt là trong một nước cần sự biết như ta đây, khi nào mà lại chẳng có những điều nên nói đi nói lại, những lẽ cần phải biện cho vỡ ra, thế mà nhà ngôn luận ngồi im, không vi sử đến, đủ tỏ ra là kém học thức, kém sự luận nạn và phán đoán, chẳng đáng lấy làm sỉ nhục hay sao?

Bất lợi cho mọi người là vì công chúng không có thì giờ mà đọc sách, mà học; điều hay lẽ phải phần nhiều nhờ ở tờ báo. Tờ báo không có cuộc bút chiến nào về học vấn, ấy là thiệt thòi cho công chúng, cho kẻ đọc.

Đại để cuộc bút chiến về học vấn cần phải có, mà muốn có cuộc bút chiến ấy có giá trị thì nhà ngôn luận phải tập lấy cái thái độ của học giả.

Cái thái độ của chánh khách là kịch liệt, võ phu; cái thái độ của học giả là bình hòa là nho nhã. Sự kịch liệt võ phu đã không thể không có được thì cái khí tượng hòa bình nho nhã lại cần phải có luôn luôn.

Về thái độ học giả, kỳ sau sẽ nói rõ hơn.


II. Cái thái độ của học giả trong cơn bút chiến

Trong bài trước đã nói: các nhà học giả cãi nhau cốt để tìm cho ra sự thiệt, cho thấy chơn lý. Ngoài điều ấy, không còn có mục đích gì khác nữa.

Bởi vậy cho nên, trong khi cãi nhau đó, bên nào cũng phải giữ lấy cái thái độ của mình cho ôn hòa, cho nho nhã. Vì muốn tìm chơn lý thì phải tìm ở trong sự bình tĩnh, điều độ, trật tự mới thấy được, chớ chơn lý không hề khi nào ở trong sự ồn ào, hỗn độn cáu giận [3] mà ra . Lời tục thường nói: "nóng mất ngon, giận hết khôn", phải lắm; trong những lời nói bởi giận dữ mà ra, chắc không có trí khôn ở đó. Tìm chơn lý được là nhờ ở trí khôn; nay trí khôn mất đi thì lấy chi mà tìm?

Trong cơn bút chiến, nhà học giả chỉ thấy cái thuyết của bên địch mình, mà không thấy đến cái người chủ trương cái thuyết ấy. Nghĩa là cái thuyết ấy nó sai lầm bởi đâu, tại làm sao mà mình công kích, đó là những điều mình nên giãi bày ra cho kỹ; còn cái người lập ra nó, bất cần là bạn với mình hay là thù với mình, đều không có quan hệ gì. Bên Âu châu ngày xưa có một đấng hiền triết viết sách thường hay chỉ trích những điều sai lầm của thầy mình rồi nói rằng: "Ta yêu thầy ta, ta còn yêu chơn lý hơn nữa". Trong học giới phương Tây ngày nay còn truyền tụng câu ấy mà cho là danh ngôn. Thầy là ân nhân của mình, còn có thể vì chơn lý mà chẳng nệ thay; vậy thì nếu gặp bên địch là một người thù của mình, càng nên vì chơn lý mà không căm hờn mới phải vậy.

Nhà học giả cãi nhau về một vấn đề gì, về một lý thuyết gì, không nên trông cho mình được thắng mà phải trông cho chơn lý được thắng. Ngộ như cãi nhau mà mình phải, ấy là chơn lý nhờ mình mà được thắng mình mừng đành rồi. Trái lại, nếu bên kia là phải, thì chơn lý nhờ bên kia mà được thắng, mình há lại nên giận sao? Nếu mình giận thì ra cái cuộc biện luận đó, mình chỉ vì khách khí, vì tánh háo thắng, vì sự tư lợi cho mình, chớ không có ý gì về chơn lý cả.

Trước khi biện luận cùng ai, mình phải có cái chủ ý như vậy, phải có cái lòng trung thành đối với chơn lý như vậy, thì tất nhiên nó sẽ hiện ra cho mình cái thái độ đúng đắn, là cái thái độ của học giả.

Ở nước ta, vì thuở nay trong làng ngôn luận chưa hề có cuộc bút chiến có giá trị, như đã nói trong bài trước, thành ra người ta còn cho sự ấy là sự lạ tai lạ mắt. Những người mà trong xã hội không trọng thị, họ cãi bậy với nhau, chẳng ai kể chi; còn những người mà xã hội đã cho là hạng người khá, ngộ có nói qua nói lại một vài lời với nhau thì thiên hạ đã ồn lên, nói rằng: "Ủa! Té ra mấy ông nầy mà cũng đã chửi nhau rồi!” Rồi những người gọi là hạng khá ấy, đối với công chúng cũng phải giữ mình, phải tránh hết thảy những sự cãi chối đôi co dầu có thấy chỗ sai lầm của nhau cũng không dám nói, cứ việc làm thinh mà chịu. Ấy là lầm cả thảy, cả công chúng và hạng người khá cũng lầm.

Phải hiểu rằng cuộc biện luận không phải là đám chửi nhau, cái thái độ của học giả không phải là của bọn võ phu. Khoan đã! Công chúng chớ vội huýt còi, nên đứng im mà nghe các nhà học giả họ biện luận với nhau cho nẩy ra chơn lý. Còn các nhà ngôn luận! Không nên sợ công chúng hiểu lầm mà đành chôn chơn lý trong đám mây mù.

Nhà ngôn luận, đương trong cơn bút chiến, giữ một lòng trung thành với chơn lý mà thôi, còn chưa đủ; phải cần có nhiều điều khác nữa.

Cần nhứt là phải biết phép luận lý. Mình muốn bẻ bác những lời của bên địch, phải chiếu theo phép luận lý mà bẻ bác; muốn chủ trì cho cái thuyết của mình, cũng phải dựa theo phép luận lý mà chủ trì. Khi cái thuyết của mình ngó bộ núng thế, phép luận lý không có thể bảo hộ cho nó được nữa thì đành phải liệu mà cuốn cờ bó giáp chịu bại trận một cách chánh chánh đường đường, chớ không nên ráng gân cổ mà cãi bướng, cãi bướng thì thành ra ngụy biện.

Luận lý học thì mênh mông lắm, song đây chỉ nói qua vài điều cần cho sự bút chiến mà nghe. Phàm trong khi hai đàng đối luận cùng nhau về vấn đề gì, thì trước phải lập ra những cái định nghĩa (définition) cho phân minh, cho nhứt trí, hai bên không có thể hiểu khác nhau được. Rồi lại phải vạch ra cái phạm vi của vấn đề, hai bên cùng đứng trong phạm vi ấy mà nghị luận, chớ không được vượt ra ngoài. Như vậy thì cuộc bút chiến sẽ có thứ tự chỉnh tề và có hiệu lịnh sum nghiêm [4] , kẻ xem phải lấy làm thích mắt.

Trong các rạp hát bộ ta, khi có chiến trận thì thế nào hai bên cũng có khấu ó [5] nhau bằng lời nói. Quốc trạng thì kêu tướng Phiên: mầy là khuyển dương chi bối; tướng Phiên cũng mắng Quốc trạng: Mầy là đồ nhũ xú tiểu nhi! Ủa hay! Các ngài đánh trận với nhau thì cứ lấy binh pháp mà đánh, sao lại nhiếc nhau làm chi vậy? Trên sân khấu có phải là chỗ chợ búa đâu?

Nhà ngôn luận khi đánh giặc bằng bút cũng dùng cái cách độc miệng ấy thì thật là đáng xấu hổ quá. Có người lại bươi đến việc riêng của bên địch ra mà nói, mà là việc chẳng ăn nhập chi với vấn đề đương bàn luận hết, thế mới ngán cho! Những người như vậy cũng chẳng nên đem phép luận lý mà nói với họ làm chi, song chỉ nên cho họ một bài học khác.

Tóm lại, trong bài nầy, tôi muốn chỉ ra cái thái độ của học giả trong cơn bút chiến, trước hết là phải biết yêu chơn lý, rồi phải theo khuôn phép, giữ trật tự, tỏ ra mình là ôn hòa, nho nhã, trái lại với cái thái độ của võ phu, của tiểu nhân. Tuy vậy, đây mới xem bề mặt chớ chưa lật qua bề trái; bài thứ ba nữa, tôi sẽ nói đến những điều cấm kỵ trong cuộc bút chiến, ấy là bề trái của nó.


III. Những điều cấm kỵ trong cơn bút chiến hay là "chiến thời công pháp"

Giữa vạn quốc có đặt ra một thứ pháp luật chung, kêu là "Vạn quốc công pháp" để làm mẹo mực cho sự giao thiệp với nhau trong lúc bình thường; lại đặt riêng một thứ công pháp nữa kêu là "Chiến thời công pháp" để làm khuôn phép cho các nước trong khi có chiến tranh. Những nước giao chiến với nhau phải phục tùng chiến thời công pháp cũng như thời bình thời phải phục tùng vạn quốc công pháp vậy.

"Chiến thời công pháp" cốt để ngăn ngừa sự tàn bạo phi pháp trong lúc đánh nhau, cho nên mỗi một điều là khuynh hướng về mặt tiêu cực. Đại để như: Cấm dùng độc khí và những thứ súng có thể giết người quá lạm; cấm bất kỳ nước nào trong những nước giao chiến không được đem quân đi ngang qua phần đất của nước trung lập; cấm bắn hay là thả trái phá vào những nơi thành thị đông dân cư...

Đánh nhau bằng súng phải vậy thì đánh nhau bằng bút cũng phải vậy. Nếu trong cuộc bút chiến không có cái gì làm cái máy hãm cho sự biện luận thì ai muốn nói ngang nói dọc gì cũng được cả, tuy cái hại không phải là đổ máu nhiều quá, mà là “phun máu” dơ quá!

Vậy nhà ngôn luận phải biết những điều cấm kỵ trong cơn bút chiến, coi nó như là chiến thời công pháp mà không thể vi phạm được. Cái công pháp nầy không phải tôi dám tự tiện đặt ra, song tôi chỉ thuật lại mà thôi, tôi thuật lại những điều cấm kị mà các chiến tướng trong trường ngôn luận xưa nay gìn giữ.

Những điều cấm kỵ ấy trong bài thứ hai đã nói phớt qua một ít rồi, ở đây chỉ nói thêm cho rõ hơn.

  1. Cấm không được nói phạm đến nhân cách người bên địch. . Khi nào mình muốn phản đối với cái thuyết nào của ai, mình chỉ nên nhắm vào cái thuyết ấy mà nói, chớ không nên nhắm vào người lập ra hay là đứng chủ trì cái thuyết ấy. Mặc dầu người ấy có thói xấu, tiếng dơ, hay là thế nào đi nữa, mình cũng không được bươi móc đến hoặc bằng cách trực tiếp, hoặc bằng cách gián tiếp. Nhứt là khi người bên địch đó bình nhựt không ưa nhau với mình thì mình lại càng nên giữ khít nước.

  2. Cấm không được nói ra ngoài đề. . Bàn một việc chi, cứ nội trong việc ấy, mới trông có ngày giải quyết được; nếu cứ nói lan rộng mãi ra thì chẳng biết nói đến đời nào cho rồi. Có nhiều cuộc bút chiến, hai bên đối đáp mãi với nhau, càng ngày càng giang ra xa lắc, chẳng còn nhớ đến hồi đầu nói chuyện gì nữa. Như vậy, thật là chỉ báo hại cho hao giấy tốn mực mà chẳng có ích gì cho chơn lý cả.

  3. Cấm không được trích lấy một vài lời của bên địch. . Khi nào mình muốn phản đối một cái bài của ai thì phải nên lấy lòng thành thật mà hiểu hết ý của cả bài người ta đã, nếu là đáng, thì hãy phản đối. Trong khi biện luận, cũng nên lấy lòng thành thật mà để mắt vào cả bài của người ta, chớ không nên trích ra một vài chữ hoặc một vài lời để làm nê cho mình công kích. Có người vẫn tâm phục cả bài của người ta là được, song chỉ vì ý riêng, bươi móc ra một vài lời để đánh đổ cả một bài cho khoái ý, làm như vậy thật là trái với lương tâm mình. Nói láo với người khác còn chưa là đê tiện mấy; nói láo với lương tâm mình mới thật là đê tiện.

  4. Cấm không được dùng những chữ tối nghĩa hay là nhiều nghĩa. Nhà viết văn, nhứt là trong văn biện thuyết, phải dùng chữ nào cho đích đáng chữ ấy. Dùng chữ đích đáng như vậy, tỏ ra mình có sự thấy sáng suốt, không chịu nói cách lờ mờ, vả lại tỏ ra mình có chí khí cao thượng, mạnh dạn, không thèm rụt rè, không thèm trở vỉa. Có người hay dùng những chữ tối nghĩa hay là nhiều nghĩa để phòng sau bên địch đánh ngõ nầy thì chạy ngõ khác, cái đó thật là hèn mạt quá, thà "trốn lính" cho rồi, biểu ra đương lấy đầu tên mũi đạn làm chi!

  5. Cấm không được đem người mà phân bì với lời nói. . Ví dụ có một ông chủ bút nào ghiền a phiện như Trần Độc Tú bên Tàu mà viết báo công kích a phiện, thì mình không nên viện lấy cớ đó mà nói rằng : "Sao ông cũng ghiền ông lại nhè a phiện mà công kích?" Nếu mình nói như vậy thì là bất luận lý (illogique) quá. Bởi vì, sự công kích đó là có ích cho công chúng, ta nên nhìn là phải; còn sự nói một đường làm một nẻo của ông kia chẳng qua là cái lỗi riêng của ổng, mặc ổng, mình nói làm chi? Mình nói đến, ấy là mình chủ ý nói xấu người ta, chớ chẳng ích chi cho công chúng và cũng chẳng ích chi cho ông ấy nữa. Đem người mà phân bì với lời nói thì có khác chi thằng con cứng đầu mà Mạnh Tử đã bày đặt ra, nó nói với cha nó rằng: Cha dạy tôi làm điều phải, sao cha chưa hề làm điều phải?(!)

  6. Cấm nói xỏ xiên và lỗ mãng. . Đã cấm không được nói phạm đến người bên địch, phần rồi; lại còn cũng không được dùng những lời xỏ xiên để mà châm chích bên địch nữa. Như trong bài trước đã nói: đánh giặc thì ăn thua nhau bằng binh pháp, còn bút chiến thì ăn thua nhau bằng luận lý học (logique) chớ còn nói hỗn chẳng hề hơn ai. Đến như dùng những lời lỗ mãng, chỉ tỏ ra mình là người vô giáo dục, không ích chi đã đành, mà trở lại mình hại mình đó thôi.

  7. Cấm đánh trả đòn. . Khi cãi nhau về một vấn đề gì mà mình bị thua thì nên chịu thua một cách thật thà là hơn, không nên cùng trong lúc ấy lại kiếm thế trả thù bên địch về một vấn đề khác. Gà chọi, nó bị bên địch đá cho một đòn đau thì nó có phép trả lại liền; song cái tư cách của nhà ngôn luận không phải như gà chọi!

Đây nhẫn lên bẩy điều chẳng qua là nêu lên những điều đại khái mà thôi, viết ra nữa khí rườm rà, vả lại giấy cũng hết rồi, xin cho phép tôi kết.

Nếu y như cái "công pháp" trên nầy thì chẳng là bó tay bó chơn lại mà đánh nhau sao? Cuộc bút chiến còn có oai phong gì và còn có thú vị gì nữa? Nhưng mà không; muốn cho có oai phong, có thú vị, phải tìm ở nơi khác; còn những điều nầy thì phải giữ, không phạm được, vì nó là công pháp.

Một bài nữa, tôi sẽ làm cho cuộc bút chiến bớt cái vẻ nghiêm nghị mà trở nên vui.


IV. Không có gì làm vui cuộc bút chiến cho bằng giọng khôi hài

Luận về bút chiến, tôi viết bài nầy nữa là hết. Mà tôi tưởng bài nầy, ý nó cũng quan trọng như các bài trên.

Trong bài thứ III đã nói, nếu ép phải theo các điều cấm kỵ kể ra đó thì cuộc bút chiến thành ra nghiêm khắc lạnh lùng mà buồn bẽo quá. Bởi vậy các nhà bút chiến xưa nay đã bày ra một lối trong trường văn trận bút để điểm chuyết cho nó đỡ buồn. Ấy là giọng khôi hài.

Văn khôi hài là một thể văn riêng. Còn sự khôi hài tôi nói đây chỉ là một ít lời khôi hài điểm chuyết trong bài văn.

Xưa nay đã có nhiều người nhận ra rằng văn chương mà có điểm ý khôi hài vào là lợi ích nhiều bề lắm. Đã vui tai cho người đọc mà có khi lại phát minh cho chơn lý. Càng những cái vấn đề khô khan lạnh lạt bao nhiêu, mà trong khi biện luận mình nên cho một vài ý khôi hài vào thì nó lại càng trở nên tươi tỉnh mặn nồng bấy nhiêu.

Bởi đó cổ kim Đông Tây có nhiều nhà viết văn nhờ khéo khôi hài mà nổi danh trong một thuở. Cho đến các bậc thánh triết cũng chuộng sự khôi hài. Nói chi ông Esope ở Hy Lạp thì cả đời ông chỉ nói đùa luôn. Nghiêm trang như ông Khổng Tử phương Đông ta mà ngài cũng không cấm nói dỡn. Có một lần ngài nói với học trò rằng: Cắt cổ gà mà dùng dao bầu chọc huyết trâu làm chi! Rồi ngài thú nhận liền mà rằng: câu nói ấy là câu ta nói dỡn.

Thật vậy, sự nói dỡn nó làm cho cuộc giao tế của loài người trở nên thân mật mà đầm ấm, những người vui tánh, khéo khôi hài thì ai cũng ưa, chớ còn "lập nghiêm ai dám lại gần".

Chỉ có một điều là trong sự khôi hài phải cho biết cách. Nói dỡn mà "phạm nọng" [6] người ta, ấy là không biết nói dỡn, thế thì trở lại chẳng bằng đừng nói là hơn. Trong Kinh Thi có câu: "Thiện hí nước hề, bất vi ngược hề" nghĩa là khéo nói dỡn cợt mà chẳng đến làm hại, thật đáng làm mẫu mực cho sự khôi hài vậy.

Tôi dám nói rằng trong xã hội ta tuyệt nhiên không có cái sự hí hước như Kinh Thi nói đó. Những phường hạ lưu nói xỏ nói xiên nhau chẳng đủ kể rồi. Còn đến trong đám người khá, người có học, hội đàm với nhau, thì phải lựa từng chữ, giữ từng lời, thường hay quá ư câu cẩn. Cho nên trong đám thượng lưu ta nói chuyện với nhau thường ít nghe có tiếng cười, và nói chừng vài phút thì hết chuyện, rồi ngồi đó mà ngó nhau. Ấy là vì trong lúc nói hay giữ gìn thái quá vậy.

Cũng vì trong xã hội không quen cách hí hước theo phép lịch sự, thành ra ít người phân biệt được câu nói đùa với câu nói xỏ khác nhau thế nào. Tục ngữ có lời: "Nói chơi không biết nói thiệt không hay", là chỉ mấy anh đó.

Cũng vì vậy nên trong làng ngôn luận, trên tờ báo ít thấy có những bài đùa nhau một cách nhã. Nếu có ai hiểu cách ấy mà muốn viết ra cũng không dám viết, sợ người ta không biết, cho là xỏ nhau hoặc chửi nhau. Làm vậy thành ra trong tờ báo xứ mình chẳng có cái vẻ gì là cái vẻ "sống" hết, nó cứ lừ đừ như người buồn ngủ toan ngủ gục!

Báo giới bên Tây bên Tàu thì không như vậy. Nhiều cuộc bút chiến của họ ngộ bắt kinh.

Bên Tàu cách mươi năm nay có cuộc bút chiến về khoa học với huyền học là có danh hơn hết. Cuộc ấy có đến mươi cái báo và độ trên mười nhà học giả dự vào, đánh giặc với nhau đến nửa năm. Về sau nó sẽ có tên trong lịch sử, kêu bằng "khoa huyền luận chiến".

Trận ấy có nhiều tay chiến tướng khéo khôi hài, làm cho vui trò, làm cho độc giả phải hoan nghinh. Vì đọc báo như vậy thì cũng như đi xem diễn kịch mà lại có ích cho sự học hơn nữa. Tôi cử ra một trò khôi hài mà nghe.

Trương Quân Mại về phe huyền học, viết một bài phản đối khoa học, nhưng sau rốt có mấy câu vô ý tỏ ra như là phải có khoa học mới được. Bên kia, Hồ Thích viết một bài trả lời.

Bài của Hồ Thích đề là “Tề Thiên Đại Thánh với Trương Quân Mại”. Mới nghe cái đề ai cũng phải cười nôn ruột và phải chú ý để coi ở trong nói chuyện gì.

Ở trỏng nói rằng: "Xưa kia Tề Thiên Đại Thánh đấu phép với Phật tổ Như Lai, Đại Thánh nói rằng: mỗ có vân đẩu cân, bay một cái xa đến 18 vạn dặm. Phật tổ giơ bàn tay ra nói rằng: đố bay thế nào cho thoát khỏi cái bàn tay nầy. Đại Thánh bay đi. Bay thiệt xa đến tận đâu đâu, đến chỗ có năm hòn núi lớn. Ông ta nghĩ rằng nếu không để lại dấu tích gì ở đây thì chẳng lấy gì làm cho Phật tổ tin mình đã đến, bèn viết một hàng chữ trên hòn núi lớn hơn hết và đái ở dưới một đống, rồi bay về thuật lại cùng Như Lai. Như Lai đưa bàn tay ra thì ra nơi ngón cái có một hàng chữ rõ ràng và dưới đó có mùi nước đái khỉ i vì Đại Thánh nguyên là cốt khỉ. Thế là Đại Thánh bay mấy cũng không khỏi tay Như Lai. (Chuyện này thấy trong truyện Tây du). Nay Trương Quân Mại nói rằng mình có vân đẩu cân bay thoát khỏi phạm vi khoa học, song về sau cũng quay đầu lại, mà không thoát khỏi được. Như vậy Trương quân chẳng khác gì Đại Thánh!".

Ấy đó, cái cách khôi hài của họ nó có lý thú là như vậy. Nó lại có ích cho sự biện thuyết nữa, vì nếu chỉ lấy lời lẽ mà phản bác thì dài dòng mất bao nhiêu; cái nầy, đem một câu chuyện nực cười làm ví dụ thì đỡ nói nhiều mà lại càng rõ nghĩa.

Bài trả lời ấy bấy giờ người Tàu họ cho là khéo khôi hài mà nhã lắm; chẳng ai hề trách Hồ Thích có ý nói xăm nói điếm chi, vì họ biết cách nói chơi, họ hiểu nhau rồi.

Song nếu đem câu chuyện ấy mà viết trong báo An Nam mình thì thế nào cũng có người cho là xỏ lá, vì người ta nói rằng: Hồ Thích nói như vậy là cầm Trương Quân Mại như con khỉ!

Ấy là lời thêu dệt. Nếu cứ bắt tròn bắt méo theo kiểu bà gia với nàng dâu đó thì thôi, chẳng ai còn dám nói đùa nói bỡn một câu nào hết. Cho đến Khổng Tử cũng ngậm miệng mà không dám thò cái câu "cắt cổ gà, chọc huyết heo" ra!

Ta hãy mở rộng độ lượng ra một chút mà nghe những lời đùa bỡn của người đời. Đừng có nên "thông ngôn" một cách xiên xẹo. Bao giờ trên tờ báo có nhiều giọng khôi hài thì bấy giờ mới có cuộc bút chiến có lý thú, vì nó tương quan với nhau vậy.

Thần chung, Sài Gòn, s. 106 (28.5.1929); s. 108 (30.5.1929); s. 111 (2 và 3.6.1929); s. 114 (6.6.1929).



[1]Bài “Bút chíến” của Bùi Thế Mỹ đăng Thần chung số 102 (23.5.1929)- Các chú thích đều của người biên soạn (Lại Nguyên Ân)

[2]Ở đây nhắc lại cuộc tranh luận của C.D. (Phan Khôi) với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu về việc người Pháp giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn.
[3]Hai từ “cáu giận” là tạm đoán, vì bản chụp bị mờ, không rõ.

[4]sum nghiêm: như oai nghiêm.
[5]khấu ó: chính ra là gấu ó, trỏ việc ngầy ngà, mắng mỏ nhau (theo H. T. Paulus Của: Sđd)

[6]phạm nọng: chưa rõ nghĩa; “nọng” trỏ khúc thịt cổ (lợn, bò, trâu); phải chăng “phạm nọng” cũng tương tự “chặn họng”, “chọc họng”?
Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004.