© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
6.10.2005
Hoàng Mai Thi
Trông người mà ngẫm đến ta
 
Bài “Nhặt lại những mảnh vỡ” của ông T. Vấn gây cho tôi một số cảm giác bứt rứt không yên nên xin góp đôi lời, có gì không phải cũng xin được ông và độc giả thể tất.

Trước hết là những lời của ông T. Vấn dành cho cộng đồng Mỹ gốc Phi châu, xin trích:

Thí dụ như cộng đồng Người Mỹ gốc Châu Phi (African-American). Định cư ở New Orleans từ thế kỷ 17 theo làn sóng người nô lệ từ Châu Phi hoặc những người nô lệ đã được giải phóng từ nước Cộng hòa Dominican, họ chiếm tỷ lệ đáng kể (62% - 67%) của dân số New Orleans. Gần 300 năm sống trên một trong những mảnh đất dân chủ nhất thế giới, họ đã bị sự dễ dãi của cuộc sống bào mòn ý chí tự lập. Trận bão Katrina vừa qua đồng thời bộc lộ khuyết điểm của chính phủ Mỹ, xã hội Mỹ và cả khuyết điểm tệ hại nhất này của cộng đồng người Mỹ gốc Châu Phi. Với tỷ lệ sống nhờ vào trợ cấp xã hội (welfare) cao nhất – so với các cộng đồng khác – họ phát triển một kiểu mẫu gia đình đông người (làm mẹ sớm, đông con, một số không nhỏ vắng bóng người đàn ông – cha, chồng). Do đó, chưa kể đến những biến cố do thiên tai gây ra, cuộc sống bình thường hàng ngày của họ vốn đã dựa vào chính quyền và các cơ quan từ thiện. Một khi những nhu cầu của họ không được thỏa mãn, tất nhiên sẽ nẩy sinh những bất mãn, oán trách, trả thù. Đó là nguồn gốc của những bạo động, cướp bóc, hôi của song song với sự tàn phá của bão Katrina những ngày vừa qua ở New Orleans.”

Không phải là ông T. Vấn nói sai về tình trạng của người Mỹ da đen ở nhiều nơi trên nước Mỹ, đặc biệt là ở các bang miền Nam, nhưng việc ông lý giải tình trạng đó khiến tôi cảm thấy bất nhẫn. Nguyên nhân của tình trạng này chắc là phức tạp hơn cái gốc gác nô lệ của người da đen và chế độ phúc lợi của nhà nước Mỹ. Nói như ông T. Vấn, khác nào bảo rằng: Lỗi tại họ cả thôi. Đã không có được cái lịch sử oanh liệt (như người Việt chẳng hạn), lại còn đâm ra lười biếng (không như người Việt vốn chăm chỉ), ỷ lại vào chính phủ (không như người Việt năng động, không cần dựa dẫm vào chính phủ), sinh con đẻ cái đầy đàn (không như người Việt hiện đại mỗi gia đình chỉ có 2 con, mặc dù trong quá khứ người Việt cũng ưa chuộng mẫu gia đình đông người, con cái trong nhà phải gọi theo số Hai, Ba, Tư, Năm…, không hiếm khi lên đến Mười, Mười Một, Mười Hai). Sự so sánh với cộng đồng Mỹ gốc Việt Nam không phải là ý của tôi, nó tiềm ẩn trong những lời của tác giả bài viết “Nhặt lại những mảnh vụn”, xin trích:

Nhưng những cộng đồng khác trong khu vực bị thiên tai không hẳn đã học được bài học mà người Việt Nam đã học được trong lịch sử một ngàn năm Tàu thuộc (ngoại trừ vua Lê Chiêu Thống), một trăm năm Tây thuộc (ngoại trừ chúa Nguyễn Ánh), hơn 50 năm Cộng sản thuộc (ngoại trừ cả hai bên tham chiến trong cuộc chiến tranh Quốc – Cộng) của mình.”

Phải chăng ông T. Vấn muốn nói rằng người Việt là dân nô lệ cả ngàn năm (dài hơn kiếp nô lệ của dân da đen mới được vài trăm năm và đã kết thúc) nên biết cách vượt qua khó khăn hơn dân da đen? Hay ông muốn nói rằng tuy nô lệ nhưng người Việt luôn vùng lên cởi ách nô lệ, nên biết cách chế ngự hoàn cảnh hơn? Thế cái ách nô lệ cộng sản hiện nay đã cởi ra chưa? Thế người da đen không vùng lên thì ai vùng lên giúp họ? Ông T. Vấn có quên Martin Luther King mà trên diễn đàn talawas này cũng có một loạt bài không? Bài học “tự lo cho mình” của người Việt được áp dụng thành công ở vùng Katrina và Rita hoành hành, sao không thấy áp dụng thành công ở chính mẫu quốc của người Việt là nước Việt Nam? Nếu nước Việt Nam ngày nay không nhận một đồng xu viện trợ nước ngoài nào, không dựa dẫm vào nước ngoài, chỉ “tự mình lo cho mình” thôi thì sẽ ra sao? Sao người Việt đã rút ra được nhiều bài học, đầy những đức tính mà các cộng đồng khác không có được như tự lực, chăm chỉ, không ỷ lại, năng động…, lại cứ mãi mãi thuộc số các dân tộc nghèo nhất thế giới như vậy?

Thực ra những nhận định về ưu thế của người Việt so với cộng đồng da đen thể hiện qua cơn thiên tai ở Mỹ vừa qua kéo theo nhiều câu hỏi khó trả lời. Chẳng hạn như: Ưu thế trong cảnh gian nan có còn là ưu thế trong hoàn cảnh bình thường? Sao người Việt không lấy những thành quả to lớn mà người da đen góp vào làm nên những thành tựu nổi tiếng của nước Mỹ để mà so? Trong hai lĩnh vực nổi bật là âm nhạc và thể thao, những gương mặt da đen chẳng những đứng ở hàng đầu mà còn có thể nói rằng họ chứ không phải ai khác đã đóng góp phần quan trọng nhất khiến nước Mỹ trở thành cường quốc ở hai lĩnh vực này. (Gia đình Michael Jackson cũng là mẫu gia đình đông người đấy thôi. Làm sao ông T. Vấn biết rằng trong những gia đình da đen ngửa tay nhận trợ cấp xã hội ở New Orleans kia không có một chú bé thần đồng âm nhạc mà ông nhanh chóng buông ra một lời rằng phần đóng góp của họ cho xã hội là “hết sức nhỏ nhoi” như thế? Bà tác giả của Harry Potter trước khi trở thành triệu phú cũng ngày này qua tháng khác sống nhờ trợ cấp xã hội đấy thôi.) Hay người Việt chỉ giỏi vượt qua khó khăn, lúc khó khăn qua rồi thì an phận thủ thường, chẳng khao khát đạt tới những đỉnh cao? Mỗi cộng đồng, dân tộc có những sở đoản sở trường của mình. Tôi nghĩ, trông thấy cái sở đoản của cộng đồng khác thì cũng nên nhớ cái sở trường của họ để mà biết rằng mình có những sở đoản so với họ. Như thế thì tự giác bớt đi phần nào cái tinh thần kỳ thị trong vô thức mà người Việt rất thường có đối với các sắc dân mà da còn sẫm hơn da vàng. Không phải tôi nói khống lên, mà xưa nay người Việt đã sẵn lòng không trọng thị người da đen. Trong các thứ Tây đến Việt Nam, Tây da đen là bị khinh hơn cả. Người phụ nữ Việt Nam nào cặp với Tây da đen là người phụ nữ vô phước. Trẻ em lai sinh ra ở Việt Nam mà mang một chút dòng máu châu Phi thì khổ suốt đời. Không phải là tôi có ý muốn nói ông T. Vấn kỳ thị chủng tộc, nhưng những điều ông nói về người Mỹ da đen trong bài của ông khiến tôi bất giác cứ liên tưởng tới cái thói xấu nhưng ít khi được đề cập đến của người Việt là hay khinh thường những sắc dân mà mình tưởng rằng mình hơn họ. Người da trắng làm khổ mình nhiều thế thì trọng, người da đen chưa bao giờ làm gì mình cả thì lại khinh. Chẳng nói đâu xa, dân Lào, Cămpuchia sẫm mầu hơn mình một chút, mình cũng có trọng gì. Đã mang kiếp nô lệ, nhược tiểu, đi sau thế giới, mà lại ít có lòng cảm thông với những kẻ cũng cùng thân phận với mình. Bây giờ cứ lấy lòng chân thật ra mà nói, con cái những gia đình Việt Nam ở Mỹ có mấy khi chọn da đen làm vợ làm chồng không?

Một câu hỏi khác: Cái đức tính “bầu ơi thương lấy bí cùng” thường được đề cao của người Việt rất có thể là đúng trong vụ Katrina và Rita vừa rồi, tôi không dám phản đối gì cả, nhưng có gì mà dám chắc nó là thứ chỉ có ở người Việt Nam chúng ta thế? Nhìn ra một số quốc gia dân tộc khác, chẳng biết họ có cần đề cao lắm cái “giàn bầu bí” đó không, nhưng họ tổ chức được một xã hội mà chưa cần phải có thiên tai địch hoạ gì thì những người yếu đuối, già nua, bệnh tật, bơ vơ, ngu ngơ, tóm lại là những người không đủ sức tự lo cho mình đã được xã hội giúp cho một phần rất lớn. Người Việt chúng ta đã tổ chức được một xã hội như vậy chưa? Tưởng câu trả lời đã rõ ràng rồi.

Sau rốt tôi muốn nói về sự “cảm thông” mà ông T. Vấn dành cho chính phủ Mỹ của tổng thống Bush hiện nay trong vụ chạy bão, khi ông cho rằng những người phê bình và buộc tội chính phủ Mỹ là “những tay hoạt đầu chính trị, những con người cơ hội chủ nghĩa”. Xin trích thêm:

Đồng loạt với những chính trị gia hoạt đầu, cơ hội của chính trường Mỹ, các cơ quan truyền thông lớn nhất Hoa Kỳ (và thế giới) đã không bỏ lỡ cơ hội đưa những hình ảnh giận dữ, trách móc của những người dân Mỹ vốn đã bị chính quyền nước mình và các cơ quan từ thiện làm hư hỏng lên trên mặt truyền hình, trên trang nhất những tờ báo lớn phát hành toàn thế giới.”

Thực sự tôi không biết nói gì về sự “cảm thông” này, nhưng khi thấy ông nói ra cái ý so sánh giữa những việc chính phủ Mỹ đã làm mà vẫn bị những công dân Mỹ hư hỏng vì quen được chiều chuộng chỉ trích với những việc mà một chính phủ như chính phủ Việt Nam không chịu làm nhưng người Việt vẫn cam chịu, tôi bỗng thấy xót xa. Đặt trường hợp một sắc dân miền núi ở Việt Nam gặp cảnh khốn đốn, có người chỉ trích chính phủ Việt Nam không chịu đầu tư cải tạo điều kiện sống ở miền núi đó, dẫn đến cảnh khi gặp hoạ thì hết nước chạy; rồi lại có người đứng ra bảo: Cũng tại mấy người miền núi đó lạc hậu lắm, không chịu đồng hoá để theo kịp người Kinh, không chịu phát huy sáng kiến năng động, không có đóng góp gì với xã hội, nên chính phủ làm được cho họ như vậy là quý hoá lắm rồi. Cứ nhìn sang Lào thì thấy bên đó chính phủ còn kém bên ta nhiều, thế mà dân Lào có oán thán gì chính phủ đâu. Thế thì người chỉ trích chính phủ chắc chỉ còn cách im đi thôi.

Thật may là nhờ “những tay hoạt đầu chính trị, những kẻ cơ hội chủ nghĩa” và những cơ quan truyền thông to mồm, chính phủ của ông Bush đã bắt buộc phải hành động khi Rita đến. Ở Việt Nam cũng nhiều bão lụt không kém gì nước Mỹ, nhưng chẳng có cơ quan truyền thông to mồm nào đứng ra chỉ trích chính phủ, chẳng có “những tay hoạt đầu chính trị, những kẻ cơ hội chủ nghĩa” nào làm ầm ĩ về sự thờ ơ hay bất lực hay kém hiệu quả của chính phủ, đã vậy người Việt lại chẳng có thói quen oán thán chính phủ, cứ lẳng lặng mà giúp nhau vượt qua gian khó. Như thế thì chính phủ Việt Nam đúng là không cần làm gì. Giả sử vẫn có ai đó trách móc, chính phủ có thể thản nhiên đáp lại rằng: được thế là phúc rồi đấy, cứ nhìn sang châu Phi xem!

Khác với ông T. Vấn, tôi lại mong dân ta đã học được nhiều bài học riêng quý giá lắm trong lịch sử, nay học thêm được cái thói oán thán chỉ trích chính phủ như những người Mỹ da đen ở New Orleans vừa rồi.

© 2005 talawas