© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.10.2005
Hoàng Văn Hoan
Giọt nước trong biển cả
(Hồi ký cách mạng) 16 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
Phần thứ hai

Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Xiêm [1] (1928-1935)

Khoảng cuối tháng 5-1928, tôi cùng anh Võ Mai sang tới đất Xiêm, được các đồng chí xếp tạm ở một trạm liên lạc tại Bản Mày thuộc phủ Na-khon.

Anh Ngô Tuân, tức Ba Đốc thay mặt đoàn thể ở Xiêm gặp chúng tôi. Anh tưởng chúng tôi là người trong nước cử ra để học tập như các đợt trước, nên đã bảo chúng tôi: Các ông trở về nước thôi. Ngày nay ở Xiêm không nhận học sinh trong nước ra nữa.

Không lạ gì hồi ấy thủ tục giới thiệu liên lạc không thể làm được đàng hoàng. Tôi phải trình bày rõ lý do Kỳ ủy Trung kỳ điều động tôi ra Xiêm không phải để học tập mà là để hoạt động cách mạng. Còn anh Võ Mai là người của Kỳ ủy phái ra đặt mối liên hệ công tác giữa cơ sở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm với trong nước.

Để anh Ba Đốc hiểu thêm, tôi nói rõ việc có quen biết anh Tú Chính, tức Lê Mạnh Trinh, và anh Chu tức là Trấn Văn Chấn v.v…là những người đã cùng tham gia lớp huấn luyện với tôi ở Quảng Châu năm 1926 mà nay đang hoạt động ở Xiêm.

Ngay sau đó, chúng tôi được đưa sang nhà ông Lê Khoan [2] , là cơ sở chính của trạm liên lạc.

Ở cạnh nhà ông Khoan có một lớp học của thiếu niên, giáo viên lớp này là anh Hoàng Trác, một người em họ và cùng quê với tôi xuất dương sang Xiêm từ trước. Chúng tôi đều biết nhau, nhưng không ai nhận họ, nhận quê gì cả, vì phải giữ nguyên tắc bí mật.

Ở độ dăm bẩy hôm, tôi bắt đầu đi lại với anh em trong Tổ Hợp tác, một hình thức tổ chức quần chúng của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở đây. Trong khi thăm hỏi, làm quen với anh em, tôi thường đọc một số thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Yên Đổ, Tú Xương, Tản Đà v.v. . . dần dà anh em hiểu tôi là người có trình độ văn hóa; và hình như cấp trên đã cho biết tôi là cán bộ của đoàn thể, nên anh em đối đãi tốt, thân mến, và coi trọng hơn trước.

Ít lâu sau, anh Lê Mạnh Trinh đến gặp tôi và đưa tôi vào U–đon. Còn anh Võ Mai, sau khi bàn bạc xong việc liên lạc thì trở về trong nước.

Thời gian tôi hoạt động ở Xiêm gồm hai giai đoạn, một giai đoạn trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm, một giai đoạn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Xiêm.


I. Giai đoạn hoạt động trong Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm

Tôi đến U-đon vừa đúng dịp kỷ niệm Phạm Hồng Thái (19-6-1928). Các đồng chí phân công tôi trang trí hội trường và viết câu đối chữ Hán. Câu đối như sau:

Đại trượng phu vô sở vị nhi vi, tứ niên lai kỷ niệm hình hương, tiên chí khởi kỳ thân hậu hưởng.
Tinh thần giới yên tri tử bất tử, cửu tuyền hạ mộng hồn thi chúc, thành công lưu phó ngã đồng kiên.

Tạm dịch:

Kẻ trượng phu, làm không phải vì mình, đã bốn năm kỷ niệm vang lừng, tiên chí chẳng màng vinh dự ấy.

Cõi tinh thần, chết đâu phải là hết, dưới chín suối mộng hồn thao thức, thành công còn đợi chúng ta đây.

Thấy câu đối hay, cứ tưởng là do anh em ở đây làm, sau này xem sách văn học mới biết câu đối này vốn là của Đặng Nguyên Cẩn làm để điếu một liệt sĩ cách mạng, mà anh em dùng lại, vì nó cũng thích hợp với lễ kỷ niệm Phạm Hồng Thái.

Trong lễ kỷ niệm đó, tôi còn được phân công đọc bài văn truy điệu Phạm Hồng Thái. Bài văn này do cụ Đặng Thúc Hứa - anh em thường gọi thân mật là Cố Đi - làm.

Kỷ niệm xong, các đồng chí phái tôi vào Noỏng-ổn, một vùng cơ sở của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, cách U-đon khoảng mười cây số, cùng làm việc với Cố Đi, phụ trách trường huấn luyện thiếu niên.

Trường có mười tám học sinh, phần lớn là con em Việt kiều, và một số thiếu niên từ Nghệ-Tĩnh gửi ra để học tập cách mạng. Các anh Mai Văn Quang, Dương Trí Trung, Đỗ Văn Hương v.v… hồi ấy mới 15, 17 tuổi đều là học sinh của trường này.

Đây là một nhà trường cách mạng vừa học vừa làm. Trò cũng như thầy, ngoài giờ học tập đều tham gia lao động.

Phần học tập chủ yếu là học văn hóa, có nội dung chính trị yêu nước. Cố Đi dạy chữ Hán, tôi dạy chữ quốc ngữ. Chúng tôi dạy cho các em biết lịch sử, địa lý của nước Việt Nam, biết tính toán, thuộc các bài văn, thơ yêu nước. Mục đích chủ yếu là bồi dưỡng cho các em có lòng căm thù đối với giặc Pháp, có ý chí cách mạng, để sau này trở thành những người hoạt động cứu nước. Ngoài Cố Đi và tôi ra, thỉnh thoảng anh Lê Mạnh Trinh cũng đều giảng dạy cho các em một đôi buổi.

Điều kiện ăn ở của thầy trò trong nhà trường rất giản dị. Trường có hai ngôi nhà tranh. Nhà chính có ba gian là nơi học tập. Chính giữa nhà có một cái phản dài và khá rộng, đó là bàn học, hai bên hai dãy ghế. Ban đêm, bàn học biến thành giường ngủ của học sinh. Ngôi nhà phụ nhỏ hơn, vừa là nhà bếp, vừa là phòng ăn và nơi để các dụng cụ lao động.
Nếp sống của mọi người trong nhà trường khá quy củ, ngăn nắp. Mỗi buổi sáng, tôi và học trò đều ra sân tập thể thao (Cố Đi đã 58 tuổi, người yếu được miễn), sau đó đi lao động, lao động xong rồi mới vào học. Việc lao động của thầy trò trong trường chủ yếu là trồng khoai, trồng rau, trồng cây lưu niên, chăn nuôi lợn gà, nấu cơm, rửa bát, gánh nước v.v… Có khi thầy trò gánh khoai của mình trồng được đem vào làng đổi lấy thóc lúa của nhân dân địa phương.

Sản xuất như vậy cũng có ý nghĩa học tập, bồi dưỡng tinh thần cách mạng; nhưng chủ yếu là để bảo đảm đời sống cho cả thầy lẫn trò. Quỹ đoàn thể chỉ phụ cấp phần nào mà lớp học không thể tự túc được.
Hồi còn ở nhà, tôi chỉ là một anh học trò, không biết gì là lao động, khi giác ngộ cách mạng, mới bắt đầu có ý thức tham gia lao động ít nhiều, như gánh nước, đắp đường v.v… ở trong làng. Đến nay ở Noỏng-ổn, lao động chân tay đến với tôi đã trở thành công việc hàng ngày. Điều kiện sinh hoạt mới giúp tôi gần gũi quần chúng lao động nhiều hơn trước, và nhận thức sâu thêm về vai trò của công, nông trong cách mạng, điều mà Hồ Chủ tịch đã giảng dạy nhiều cho chúng tôi trong lớp huấn luyện ở Quảng Châu.


*


Ngoài việc dạy học ở Noỏng-ổn, tôi còn tham gia việc lãnh đạo chung của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm được thành lập từ năm 1925 tại Bản Đông, một làng Việt kiều ở huyện Phi-chịt, thuộc tỉnh Phít-xa-nu-lốc miền trung nước Xiêm; năm 1927, 1928 phát triển đến các địa phương có Việt kiều tập trung ở các phủ U-đon Tha-xi, Xa-côn Na-khon, Na-khon Pha-nôm thuộc tỉnh U-đon, khu Đông Bắc Xiêm. Vì quần chúng Việt kiều ở Đông Bắc nhiều và rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau, nên trung tâm lãnh đạo của Thanh niên cách mạng đồng chí hội chuyển từ Phi-chịt ra U-đon.

Tháng 8 năm 1928, Hồ Chủ tịch đến Xiêm, sau một thời gian nghiên cứu, Bác đề nghị lập Tỉnh ủy U-đon để thống nhất việc lãnh đạo. Tỉnh ủy gồm năm đồng chí: Đặng Thái Thuyến tức Canh Tân, Võ Văn Kiều tức Đình, Trần Văn Chấn tức Tăng, Nguyễn Văn Dụ tức Hải, và tôi lấy tên là Nghĩa. Các đồng chí Võ Tòng tức Sáu, Lê Mạnh Trinh tức Tiến, đều ở Phi-chịt đã duy trì cơ sở cũ, Đặng Thúc Hứa đã đi Xiêng-mày, Lăm-pang để xây dựng cơ sở mới, nên không tham gia ban Tỉnh ủy.

Thanh niên cách mạng đồng chí hội lãnh đạo quần chúng dưới hai hình thức là Hội Hợp tác với Hội Việt kiều Thân ái.

Hội Hợp tác là một tổ chức quần chúng trung kiên, nơi đào tạo những thành viên dự bị cho Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Hội Hợp tác kết nạp những phần tử thanh niên yêu nước, chủ yếu là những thanh niên có chí hướng cách mạng ở trong nước mới ra, họ sống chung với nhau và làm ăn tập thể theo sự tổ chức của Hội. Có nhóm chuyên làm ruộng, có nhóm chuyên làm các nghề thủ công như thợ cưa, thợ mộc, thợ nề v.v... Số tiền thu nhập của mỗi tổ được dành ra một phần cho sinh hoạt tối cần thiết của các tổ viên, phần còn lại dùng làm công quỹ của Hội để chi tiêu vào việc chung, như phái người ra nước ngoài hoặc về trong nước, xây dựng nhà trường, nuôi các em ăn học, chi tiêu về các công tác tuyên truyền, báo chí v.v…

Về sau Hội Hợp tác cũng kết nạp cả một số kiều bào ở Xiêm từ lâu. Nhưng những hội viên này làm ăn riêng, theo chế độ kinh tế độc lập. Ngoài việc đóng hội phí thường xuyên, họ còn nhận nuôi một vài em thiếu niên hoặc một vài cán bộ cách mạng chuyên nghiệp.

Tính đến cuối năm 1929, Hội Hợp tác Việt kiều có khoảng hơn một trăm hội viên.

Hội Việt kiều Thân ái là một tổ chức rộng rãi, có tính chất “mặt trận” của kiều bào. Ở hầu hết các địa phương có Việt kiều sinh sống đều có Hội Thân ái. Hội viên có hai hạng: Hội viên chính thức định kỳ hội họp và đóng hội phí hàng tháng, thường là người ở những vùng Việt kiều tập trung đông đảo. Hội viên cảm tình thường là những Việt kiều ở rải rác các địa phương xa, không tiện liên lạc hội họp, là những bà con “Việt kiều cũ” sống trên đất Xiêm lâu đời, đã vào quốc tịch Xiêm, nhưng còn giữ tinh thần dân tộc, ủng hộ cách mạng Việt Nam. Các hội viên cảm tình tùy theo khả năng và lòng hăng hái mà góp phần tinh thần hoặc vật chất giúp cho các hoạt động của Hội.

Ở những nơi đông đảo Việt kiều còn có Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội Thiếu niên. Đó là những bộ phận của Hội Việt kiều Thân ái.


*


Trong công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm đã làm những việc như: Xuất bản báo, mở lớp học cho thanh thiếu niên, tổ chức các buổi diễn giảng cho anh em tập trình bày và thảo luận các vấn đề chính trị, tổ chức các ngày lễ kỷ niệm có ý nghĩa yêu nước như: kỷ niệm Phạm Hồng Thái, kỷ niệm ngày quốc sỉ [3] , kỷ niệm Nguyễn Sĩ Sách v.v… Trong những buổi lễ này thường tổ chức diễn kịch.

Ngoài việc tập hợp, giáo dục Việt kiều, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm đã đưa được nhiều sách báo, tài liệu về nước, đưa được một số cán bộ trong nước ra Xiêm và đi Trung Quốc để hoạt động cách mạng, hoặc để đào tạo thành cán bộ cách mạng. Năm 1927, đã cử người sang Lào, thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Viêng Chăn, và đặt được một số cơ sở giao thông liên lạc ở các thị trấn Lào đối diện với Xiêm, như Xa-vằn-na-khệt đối diện với Mục-đa-hán ở Xiêm, Thà-khẹc đối diện với Na-khon ở Xiêm, và Viêng Chăn đối diện với Noỏng-khai ở Xiêm. Nhất là từ khi đồng chí Võ Mai sang Xiêm đặt mối liên lạc, thì quan hệ giữa cơ sở cách mạng ở Xiêm với cơ sở trong nước càng được mật thiết.

Sự hoạt động của Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm đã có tiếng vang về trong nước. Tháng 6 năm 1928, Việt Nam Quốc dân đảng đã cử một đoàn đại biểu gồm ba người là Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Nguyễn Văn Tiềm, sang Xiêm đề nghị Tổng chi hội ở Xiêm giúp súng đạn để về nước chuẩn bị bạo động. Đoàn thể ở Xiêm đã tiếp xúc, thảo luận với họ một cách thân mật, mời họ tham gia lễ kỷ niệm Phạm Hồng Thái và tham quan một số địa phương Việt kiều có tổ chức hoạt động yêu nước. Mặt khác giải thích với họ rằng lúc này chưa phải thời cơ bạo động và từ chối việc giúp họ súng đạn, với lý do còn phải xin ý kiến của Tổng bộ ở Trung Quốc. Mấy người đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng này khi về tới Việt Nam bị bắt, đã khai báo tất cả.

Tham gia công tác lãnh đạo Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm, ngoài việc họp bàn các chủ trương công tác, tôi thường góp phần viết báo Thân ái; tổ chức các buổi diễn giảng, các lễ kỷ niệm, các đêm diễn kịch.

Năm 1929, trong dịp Tết xuân, tôi đã soạn vở kịch nói Người xuất dương và cùng diễn với anh em ở U-đon. Lâu ngày quên hết cả cốt chuyện, chỉ nhớ trong vở kịch có một câu chuyện giữa thầy giáo và học trò trong một lớp học như sau:

Thầy giáo nói: Người Tây ở Việt Nam sung sướng lắm, ngay con chó của họ cũng được phụ cấp tiền ăn một tháng ba bốn mươi đồng.

Học trò hỏi: Thế lương thầy mỗi tháng bao nhiêu?

Thầy giáo đỏ mặt lên chốc lát, nhưng rồi bình tĩnh nói: Lương của thầy một tháng chỉ mười hai đồng, đến như lương ông đốc học ở một trường Pháp – Việt huyện cũng chỉ có ba mươi đồng.

Thanh niên cách mạng đồng chí hội cũng như các hội Hợp tácThân ái, trong những năm 1928 - 1929 đang ở trên đà phát triến tốt. Đó là nhờ sự đóng góp của nhiều người, kể từ những bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, cho đến những thanh niên mới từ trong nước ra và những em nhỏ đang học ở các lớp thiếu niên. Nhưng người có công lao to lớn nhất về việc xây dựng cơ sở Việt kiều lâu dài ở Xiêm thì phải nói là Đặng Thúc Hứa, mà kiều bào đã quen gọi với một cái tên rất tôn kính và trìu mến là “Cố Đi” hay “Thầy Đi”.


*


Để nói rõ công lao của Đặng Thúc Hứa, tôi trích dẫn một đoạn trong chương II của cuốn Hoạt động cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan, nguyên văn như sau:

“Trong lớp người yêu nước trước khi có Đảng, có thể nói Đặng Thúc Hứa là một người kiên trì cách mạng đến cùng, và đã tiến lên theo kịp các bước phát triển trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

“Đặng Thúc Hứa đã từ chỗ tham gia phong trào Cần Vương chuyển qua đồng tình với việc phò Cường Đế theo chế độ quân chủ lập hiến, rồi tán thành việc giải tán Duy tân hội, lập ra Việt Nam Quang phục hội theo đường lối dân chủ tư sản, và cuối cùng chuyển qua cuộc vận động cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo theo chủ nghĩa cộng sản.

“Sự chuyển biến của Đặng Thúc Hứa không phải là bị động, mà là một quá trình có suy nghĩ, nhận thức rõ ràng về sự tất yếu của cách mạng.
“Đặng Thúc Hứa xuất dương từ năm 1908, đến đất Xiêm năm 1909, là một trong những người đầu tiên xây dựng nên trại cày ở Bản Thầm từ năm 1910, khi cụ Phan Bội Châu hoạt động ở Xiêm, và là người duy trì cơ sở Bản Thầm cho đến cùng.

“Bên cạnh trại cày Bản Thầm, Đặng Thúc Hứa đã bắt đầu xây dựng từ năm 1911-1912 một cơ sở gọi là “Trại các em” để nuôi dạy con em những gia đình có căm thù với đế quốc Pháp từ trong nước gửi ra, hoặc con em các gia đình Việt kiều yêu nước ở Lào và ở Xiêm gửi tới. Mục đích của cụ là dạy cho các em bằng tiếng Việt, biết chữ nghĩa, biết lao động làm ăn, và nhất là biết yêu nước để sau này lớn lên trở thành người cách mạng cứu nước.

“Không bao lâu, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Chính phủ Xiêm đứng về phe Đồng minh của Pháp, các hoạt động yêu nước của Việt kiều gặp khó khăn lớn. Do sự can thiệp của Pháp, “Trại các em” của Đặng Thúc Hứa phải dời về Bản Đông, thuộc huyện Phi-chịt. Năm 1916 bị Pháp thúc ép, Chính phủ Xiêm ra lệnh nội trong năm ngày tất cả người Việt Nam ở Bản Đông phải dời đi chỗ khác, nếu không thì khi quân Pháp đến bắt và tịch thu tài sản Việt kiều, họ sẽ không chịu trách nhiệm; vì lúc đó, theo điều ước bất bình đẳng Pháp–Xiêm thì người Pháp được hưởng quyền lãnh sự tài phán, có thể xử phạt Việt kiều trên đất Xiêm mà chúng coi là người chịu sự bảo hộ của chúng. Trước tình hình đó, Đặng Thúc Hứa lại phải đưa các cháu qua Trung Quốc để tiếp tục học tập, rồi ở Trung Quốc hoạt động cho đến năm 1919.

“Thời gian này, Chính quyền cách mạng Trung Quốc ở một số tỉnh đã lọt vào tay bọn quân phiệt. Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, bọn quân phiệt Quảng Tây lùng bắt cách mạng Việt Nam, bắt cả cụ Phan Bội Châu. Những cố gắng về quân sự của Việt Nam Quang phục hội ở trong nước cũng như ở Trung Quốc, ở Xiêm đều bị thất bại.

“Đứng trước diễn biến của tình hình trong nhiều năm qua, Đặng Thúc Hứa nhận thức được rằng cách mạng Việt Nam không thể ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, mà cũng không nên chỉ chú trọng vào những mưu toan bạo động như Việt Nam Quang phục hội đã làm bấy lâu nay. Ông bàn với Phan Bội Châu trở lại đất Xiêm tiếp tục gây dựng cơ sở với tư tưởng trường kỳ gian khổ, dựa vào nhân dân để làm cách mạng.

“Năm 1919, về đến Phi-chịt, Đặng Thúc Hứa trao đổi ý kiến với Đặng Tử Kính về phương châm hoạt động cứu nước. Nhưng quan điểm hai người quá xa nhau. Đặng Tử Kính vẫn khư khư ôm chủ trương cũ, tôn thờ “minh chủ” Kỳ ngoại hầu Cường Đế, định lập ra một cái “Chính phủ lâm thời” để có cớ cho Cường Đế xin ngoại viện của Nhật Hoàng. Bàn đến việc vận động kiều bào thì Đặng Tử Kính cho họ là hạng người tha phương cầu thực, không có tri thức gì để bàn việc nước. Đặng Thúc Hứa phản đối hết mọi ý kiến của Đặng Tử Kính, ông cho rằng lúc này mà còn ôm lấy “Kỳ ngoại hầu”, dựa vào Nhật Hoàng là lỗi thời. Ông chủ trương phải nương tựa vào kiều bào, giáo dục kiều bào đoàn tụ lại làm cơ sở lâu dài cho cách mạng.

“Đặng Thúc Hứa thường hay lấy câu “Thập niên sinh tụ, thập niên giáo hối” nghĩa là “Mười năm tập hợp lực lượng, mười năm giáo dục nhân dân” [4] , để hình dung cái chí hướng và việc làm cụ thể của mình và đã thực hiện một cách kiên cường không biết mệt mỏi.

“Những lúc họp mặt với các đồng chí trong Việt Nam Quang phục hội, Đặng Thúc Hứa thường nêu lên quan điểm của mình. Cụ phê phán sự “giúp đỡ” của Chính phủ Nhật Bản đối với cách mạng Việt Nam chẳng qua chỉ là nêu ra cái chiêu bài “đồng văn, đồng chủng” để che giấu dã tâm “muốn làm một nước đàn anh ở châu Á” mà thôi. Khi Chính phủ Nhật giúp cụ Phan Bội Châu đào tạo một số thanh niên yêu nước Việt Nam thì họ chỉ dạy cho biết chữ Nhật, khoe khoang nước Nhật là tài giỏi; nhưng trong thâm tâm họ đang âm mưu đẩy Pháp ra để nhảy vào Việt Nam, và dùng những người đang học ở Nhật làm tay sai cho họ sau này. Thực tế đã cho thấy rằng đế quốc Nhật cai trị Triều Tiên cũng tàn bạo, chẳng khác gì đế quốc Pháp cai trị Việt Nam. Cụ thường nhắc anh em nhớ lại những chuyện đắng cay khi Chính phủ Nhật thỏa hiệp với Pháp, ra lệnh đuổi các học sinh yêu nước Việt Nam trong vòng 24 giờ phải rời khỏi nước đất Nhật, đến nỗi cụ Phan và anh em phải đấu tranh đòi kéo dài thời hạn trục xuất ra một tuần lễ.

“Đối với sự nghiệp cứu nước của người Việt Nam lưu vong ở Xiêm hồi ấy, Đặng Thúc Hứa thường ví như con thuyền đi giữa biển, chưa tìm ra luồng lạch. Cụ nói: “Chúng ta không sợ bị đắm thuyền mà chỉ sợ đi lạc hướng, ngược dòng”.

“Trong khi chưa tìm ra một đường lối cụ thể, Đặng Thúc Hứa rất chú trọng việc xây dựng cơ sở lâu dài trong Việt kiều ở Xiêm. Cụ thường bạn bạc với những anh em đồng tâm đồng chí rằng muốn gây cơ sở trong kiều bào thì “ở đâu có kiều báo, ở đó phải có mặt chúng ta. Chúng ta phải làm đầy tớ cho thiên hạ, chứ đừng làm ông thánh thế gian”. Cụ chủ trương nên tập hợp bà con Việt kiều lại thành làng, thành xóm trên đất Xiêm đề bà con nương tựa vào nhau mà làm ăn, cùng nhau giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, nhất là để con em Việt kiều không quên tiếng mẹ đẻ, không quên nguồn gốc Tố quốc Việt Nam. Từ chỗ đó sẽ tiến lên vận động kiều bào tham gia các công việc cứu nước.

Để thực hiện chủ trương trên, Đặng Thúc Hứa đã len lỏi đi khắp nơi có Việt kiều trên đất Xiêm để gần gũi và hướng dẫn quần chúng. Cụ đã đi rất nhiều nên kiều bào ở Xiêm thường gọi cụ là “Cố Đi”, “Thầy Đi”. Cụ thường đi bộ, và hầu như chỉ có đi bộ, để tiện dừng chân trên những xóm Việt kiều hẻo lánh ở rải rác khắp vùng Đông Bắc nước Xiêm. Đi tới đâu, Cụ Đi đều khuyên nhủ kiều bào đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lấy nhau, và nhớ lấy cái nhục mất nước.

“Cố Đi đã bố trí một số người đồng tâm đồng chí của mình đi gây dựng cơ sở ở các nơi trên đất Xiêm như sau:

“Sau đó, Cố Đi bàn với anh em tiếp tục phát triển thêm các cơ sở dọc đường từ U-đon đi Xa-côn như Bản Hằn, Noỏng-hán, từ Xa-côn đi Na-khon như Thà-hẹ, Cu-xu-man, v.v… và phát triển thêm cơ sở dọc theo sông Mê Công như U-thên, Na-ke, Thạt-pha-nôm, Mục-đa-hán, Noỏng-khai, v.v…

“Nhờ sự hoạt động kiên trì trong nhiều năm của Đặng Thúc Hứa và những người đồng tâm đồng chí của cụ như trên, Việt kiều rải rác trên đất Xiêm ngày càng quy tụ lại với nhau và có một mối liên hệ mật thiết.

“Hằng năm, Đặng Thúc Hứa thường đi một vòng qua những nơi có Việt kiều từ Pạc-nám-phô đến các tỉnh vùng Đông Bắc để thăm hỏi kiều bào, nhắc nhở bà con giữ vững lòng yêu nước, dạy dỗ con em, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tôn trọng phong tục tập quán và phát luật của người Xiêm. Đến đâu, cụ cũng lao động và sinh sống như một người dân thường. Vì vậy, cụ rất được kiều bào quý mến, mà ngay cả nhân dân Xiêm cũng thương yêu, thường gọi là “Thầu Đăm” [6] .

“Có lần Đặng Thúc Hứa bị thực dân Pháp theo dõi để bắt. Đương cục và nhân dân Xiêm ở địa phương đã báo trước để cụ tránh đi chỗ khác. Một lần nữa, Pháp giao thiệp với Chính phủ Xiêm vây bắt Cố Đi. Nhà đương cục địa phương không dám từ chối, nhưng đặt điều kiện với bọn Pháp là phải nhận diện cho đúng. Họ để Cố Đi ngồi lẫn với các ông già địa phương. Vì nước da ngăm đen và cái vẻ bề ngoài của Cố Đi rất giống người Xiêm, nên bọn Pháp không thể nhận ra. Cố Đi lại thoát nạn.

“Song song với việc gây dựng cơ sở lâu dài trong Việt kiều từ năm 1919, Đặng Thúc Hứa đã bố trí người làm giao thông liên lạc đi về nước để đưa một số thanh niên xuất dương sang Xiêm rồi giúp họ sang Trung Quốc hoạt động cách mạng.

“Từ năm 1920, nhiều thanh niên yêu nước đã xuất dương sang Xiêm. Họ được các cơ sở Việt kiều đón tiếp từ Na-khon, U-đon rồi đưa vào Phi-chịt sinh hoạt một thời gian trong “Trại cày” của Cố Đi, sau đó được cấp tiền lộ phí và người đưa đường đi sang Trung Quốc. Có người như Đặng Thái Thuyền, ở lại Xiêm hoạt động.

“Năm 1923, một số thanh niên xuất dương từ Xiêm qua Trung Quốc như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Tản Anh, Hồ Tùng Mậu v.v... đã thành lập ra Tâm tâm xã, tách khỏi ảnh hưởng của đường lối Phan Bội Châu. Năm 1924, Phạm Hồng Thái ném tạc đạn ở Sa Diện, mưu giết toàn quyền Méc-lanh, gây tiếng vang lớn thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước. Tiếp đó Hồ Chủ tịch về Trung Quốc, tập hợp, dìu dắt nhóm Tâm tâm xã, thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

“Số người xuất dương sang Xiêm từ năm 1920 đến năm 1924, 1925, lớp này tiếp đến lớp khác tổng cộng lại có hàng mấy chục người, số đông sang Trung Quốc, một số ở lại Xiêm, tham gia công việc vận động Việt kiều ở Xiêm.

“Hai chủ trương lớn của Cố Đi như trên – xây dựng cơ sở Việt kiều và vận động thanh niên xuất dương – là những đóng góp quan trọng cho việc phát triển Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu và ở Xiêm sau này. “Tất nhiên không phải một mình Cố Đi làm hết mọi việc. Những người đồng tâm đồng chí của Cố Đi như ông Kim, ông Sáu (tức đồng chí Võ Tòng), bà Nho, ông Thuyên, ông Vinh, cố Khoan, cố Ngoét Đài, v.v… đều là những cán bộ đắc lực, những quần chúng trung kiên đã góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương đúng đắn của Cố Đi. “Năm 1925, khi Hồ Chủ Tịch phái người về Xiêm thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thì Đặng Thúc Hứa là một trong những người lãnh đạo có uy tín lớn của Chi hội Thanh niên cách mạng đồng chí hội và trong Việt kiều ở Xiêm. “Năm 1928-1929, Hồ Chủ tịch về Xiêm hoạt động cách mạng, Bác đã đánh giá cao phẩm chất đạo đức và những cố gắng của cụ Đặng Thúc Hứa trong việc xây dựng cơ sở quần chúng Việt kiều. Lúc này các tổ chức yêu nước của kiều bào đã phát triển và được củng cố. Nhưng Cố Đi vẫn giữ vững chủ trương xây dựng cơ sở lâu dài. Cố đã xung phong xin Hồ Chủ tịch và Ban lãnh đạo cho đi xây dựng thêm cơ sở ở Xiêng-mày, Xiêng-rai và Lăm-pang là những vùng ở phía bắc Xiêm gần biên giới Miến Điện và Lào, để làm những địa điểm dự trữ sau này có thể là chỗ dựa để hoạt động. Cố nói: “Hiện nay quần chúng kiều bào đã được tổ chức và phát triển tốt, cơ sở đã vững chắc. Nhưng tôi nghĩ cách mạng vẫn có thể có lúc còn gặp khó khăn, nên chúng ta cần phải xây dựng thêm những cơ sở mới. Người xưa có câu “giảo thỏ tam quật” nghĩa là giống thỏ khôn thường làm hang có ba ngách, như vậy chúng ta cũng phải có những cơ sở dự bị để chuần bị cho những bước sau này”. Hồ Chủ tịch và anh em đã đồng ý để Cố Đi đi Xiêng-mày. “Năm 1930, khi Đảng cộng sản thành lập, tuy vắng mặt, Cố Đi vẫn được vinh dự giới thiệu là một trong những người đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Xiêm. Năm 1931, Cố mang bệnh từ Xiêng-mày về U-đon, rồi mất ở đấy, thọ 61 tuổi. Cuộc đời hy sinh tận tụy của Cố đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong kiều bào và cán bộ ở Xiêm, và những công lao đáng ghi nhớ trong lịch sử cách mạng Việt Nam.”


II. Hồ Chủ tịch ở Xiêm

Hồ Chủ tịch đến Xiêm hai lần. Lần thứ nhất từ tháng 8- 1928 đến tháng 9-1929. Lần thứ hai từ tháng 3 đến tháng 4-1930.

Hồi trước, học lớp huấn luyện ở Quảng Châu, tôi đã được Bác truyền thụ cho những hiểu biết đầu tiên về lý luận cách mạng. Năm 1928 ở Xiêm, tôi lại may mắn thường ở gần Bác, nhiều khi trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Bác trong công tác hàng ngày.

Bác đến U-đon, nơi tôi hoạt động, vào khoảng tháng 8 năm 1928, sau một chuyến đi bộ mười lăm ngày từ Phi-chịt ra. Bác đi bộ như vậy là vừa để tìm hiểu tình hình kiều bào trên đường đi vừa để bảo đảm bí mật.
Đến U-đon, Bác lấy tên là Chín. Năm ấy Bác mới 38 tuổi, nhưng phần đông anh em cán bộ đều còn rất trẻ mà Bác thì rất lão luyện, mực thước, nên mọi người đều tôn trọng mà gọi Bác là “Thầu Chín” [7] . Chỉ một số ít anh em đã từng học lớp huấn luyện ở Quảng Châu biết Bác là Nguyễn Ái Quốc mà thôi.

Tại U-đon, Bác thường làm việc Noỏng-bua, địa điểm chính của các Tổ Hợp tác.

Trong các buổi gặp mặt với cán bộ và quần chúng ở U-đon, Bác thường nói chuyện về tình hình trong nước và thế giới. Với cán bộ phụ trách, Bác thường trao đổi ý kiến về công tác cách mạng.

Cơ sở cách mạng ở U-đon hồi này đã phát triển khá rộng, các Tổ Hợp tác có tới dăm chục người. Hội Việt kiều Thân ái có hàng mấy trăm hội viên. Báo Đồng thanh của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội phổ biến khá rộng rãi trong quần chúng. Tuy nhiên hồi này một số thanh niên trong Tổ Hợp tác vẫn nghĩ rằng đất Xiêm chỉ là nơi hoạt động tạm thời; rồi đây chắc sẽ đi Trung Quốc học tập cách mạng, hoặc sẽ về nước công tác. Vì vậy tuy ở Xiêm đã lâu mà không mấy ai nghĩ đến việc học tiếng Xiêm, chữ Xiêm, chưa quan tâm đến việc tiếp xúc với nhân dân Xiêm. Cũng có một số ít anh em suy nghĩ lệch lạc: Nói sang Xiêm để làm cách mạng, nhưng rốt cuộc chỉ thấy lao động vất vả, cuốc đất, trồng cây, xẻ gỗ như người làm ăn bình thường. Trong khi đó cách mạng lại gặp khó khăn, như Khởi nghĩa Quảng Châu ở Trung Quốc bị thất bại, Tưởng Giới Thạch tàn sát những người cộng sản Trung Quốc và bắt bớ cả cán bộ Việt Nam ở bên đó. Đã có một vài người dao động phân vân, tìm cách trốn về nước.

Trong những dịp tiếp xúc với cán bộ và quần chúng, Hồ Chủ tịch thường nhấn mạnh về tinh thần cách mạng lâu dài, Bác phân tích tiền đồ của cách mạng nhất định sẽ đi đến thắng lợi nhưng trong khi chưa có thời cơ thì người cách mạng phải biết kiên trì, chịu đựng gian khổ, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng và không ngừng rèn luyện ý chí phấn đấu cho bản thân mình. Bác đề ra chủ trương đối nội thì Thanh niên cách mạng đồng chí hội phải mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng. Các Tổ Hợp tác trước kia chỉ lấy những thanh niên xuất dương từ trong nước ra nay cần kết nạp cả những kiều bào có lòng hăng hái cách mạng. Bác đề nghị đổi tên tờ Đồng thanh ra tờ Thân ái hướng dẫn anh em cán bộ viết bài thật dễ hiểu để phổ biến rộng rãi hơn nữa trong kiều bào, đưa tới cả những vùng đồng bào ở thưa thớt. Về mặt đối ngoại, Bác chủ trương phải làm cho người Xiêm có cảm tình hơn nữa với Việt Nam và cách mạng Việt Nam. Bác giáo dục cho kiều bào chú ý tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân bạn, và khuyên chúng tôi cố gắng tạo ra khả năng hoạt động hợp pháp hoặc nửa hợp pháp hơn nữa. Bác khuyên anh em nên học chữ Xiêm, tiếng Xiêm, và tự Bác làm gương trước. Chỉ trong một thời gian ngắn Bác đã nghe hiểu và nói được ít nhiều tiếng Xiêm.

Khi các Tổ Hợp tác, Bác tham gia lao động với anh em thanh niên để có dịp giúp đỡ anh em về nhận thức, tư tưởng và tác phong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi có bà con Việt kiều đến thăm Tổ Hợp tác, Bác tranh thủ gặp gỡ, hỏi han bà con về đời sống, cách thức làm ăn. Nhiều khi bà con đem những chuyện khó xử trong gia đình để tâm sự với Bác, xin Bác góp ý kiến.

Khi ở Noỏng-ổn, Bác cũng tham gia lao động với thầy và trò trong nhà trường. Nhiều hôm Bác tham gia buổi học, nêu các vấn đề cho anh em thảo luận.

Ở đây, trong chương trình giảng dạy có một môn gọi là “hùng biện”, cốt để học cho học trò quen cách biện luận và mạnh dạn nói chuyện trước đông đảo quần chúng. Một hôm Bác nêu vấn đề “Có nên giải phóng phụ nữ không?” Anh em rất hăng hái biện luận. Phần đông anh em chủ trương cần giải phóng phụ nữ Việt Nam. Cũng có nhiều người nói nên giải phóng phụ nữ từng bước, vì trình độ chị em hãy còn thấp kém. Nghe mọi người nói xong, Bác nói: “Bây giờ mời thầy Nghĩa phát biểu.” Tôi bảo vệ ý kiến phải đấu tranh cho phụ nữ được giải phóng. Cuối cùng Bác cười vui vẻ và nói: Số đông anh em phát biểu đúng, làm cách mạng, chúng ta chống mọi sự áp bức, bóc lột, trong đó có việc chống áp bức phụ nữ. Nhưng không phải là chúng ta giải phóng cho phụ nữ, mà chính là phải làm cho chị em phụ nữ giác ngộ cách mạng, đấu tranh để tự giải phóng mình. Chẳng những phụ nữ phải giành được quyền bình đẳng trong mọi sự đối xử hàng ngày, mà còn phải giành lấy bình đẳng trong kinh tế, trong hoạt động chính trị xã hội nữa.

Mỗi lần có Bác tham gia nêu vấn đề thảo luận như thế, chúng tôi học tập thêm được nhiều điều mới mẻ, nâng cao được trình độ nhận thức cách mạng của mình.

Khoảng cuối năm 1928, Bác bàn với anh em nên xin phép Chính phủ Xiêm lập nhà trường ở Noỏng-bua.

Chúng tôi thực hiện chủ trương của Bác. Khi được giấy phép rồi, tất cả cán bộ và kiều bào bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà trường, Bác cũng tham gia việc đào đất đắp nền, gánh gạch xây tường như mọi người.

Ở Noỏng-bua, Bác để khá nhiều thời gian dịch sách lý luận cách mạng cho cán bộ và kiều bào đọc. Bác đã dịch cuốn Duy vật sử quan mà Bác lấy nhan đề là Lịch sử tiến hóa của loài người và quyển Cộng sản ABC. Bác thường bảo tôi ngồi cùng dịch, nhưng thực thì Bác trông vào sách chữ Trung Quốc rồi đọc cho tôi viết. Khi dịch, Bác không câu nệ theo từng chữ trong nguyên bản, mà chỉ lấy ý chính chuyển thành những câu thật ngắn gọn, mộc mạc, để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ. Có những đoạn dịch xong, Bác bảo đọc cho anh em quần chúng nghe. Nếu quần chúng thấy còn khó hiểu thì Bác dịch lại.

Ở U-đon ít lâu, Bác ra Xa-côn, kiều bào Xa-côn đông hơn ở U-đon. Cơ sở cách mạng cũng được xây dựng từ lâu, có Hội Hợp tác, Hội Thân ái, có trường học cho thiếu niên v.v. . .

Sinh hoạt của Bác ở Xa-côn cũng như ở U-đon, vẫn hết sức giản dị, gần gũi quần chúng và có nề nếp, kế hoạch chặt chẽ, Bác đi lại tiếp xúc với kiều bào nhiều hơn trước. Có một số gia đình Việt kiều thờ Đức thánh Trần, thường cầu cúng, lên đồng; khi ốm đau thì xin tàn hương, nước thải làm thuốc chữa bệnh. Thấy vậy, Bác đã soạn ra bài ca Trần Hưng Đạo kể rõ sự tích đánh giặc cứu nước của vị anh hùng dân tộc đời nhà Trần. Bài ca có đoạn như:

Diên Hồng thề trước thánh Minh,
Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành,

Nếu ai muốn đến giành đất Việt,
Đưa dân ta ra giết sạch trơn,
Một người Việt hãy đương còn,
Thì non sông Việt vẫn non sông nhà …


Với phương pháp tuyên truyền vận động của Bác, bài ca Trần Hưng Đạo được truyền bá mau chóng trong kiều bào. Đức thánh Trần “trừ ma sát quỷ” đã trở lại là một vi anh hùng cứu nước. Nhiều “đệ tử” của ngài đã giác ngộ, trở thành hội viên Hội Việt kiều Thân ái.

Ở Xa-côn ít lâu rồi Bác đi Na-khon. Ở đây, Bác cũng cộng tác với anh em Hợp tác và quần chúng như ở U-đon và ở Xa-côn, nhưng Bác chú ý nhiều đền việc đặt trạm liên hệ với trong nước.Có lúc Bác cùng đi thuyền với anh Nguyễn Tài dọc sông Mê Công, sát bên phía Lào để quan sát tình hình Việt kiều ở đó. Lúc còn ở U-đon, Bác cũng đã cùng đi với tôi đến Noỏng-khai, gọi các anh Chử và Mãn từ Viêng Chăn đến gặp để tìm hiểu tình hình công tác ở Lào và khả năng đặt mối liên lạc với bên Xiêm để đẩy mạnh cuộc vận động cách mạng ở Việt Nam.

Tháng 5-1929, Đại hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do đồng chí Hồ Tùng Mậu triệu tập ở Hương Cảng, đã xảy ra phân liệt. Nhóm Quốc Anh [8] và Kim Tôn bỏ Đại hội ra về để tổ chức Đảng cộng sản. Số đại biểu còn lại trong Đại hội quyết định khai trừ nhóm này. Hai đại biểu Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm là Võ Tòng và Đặng Thái Thuyến đề nghị nên chờ ý kiến của đồng chí Vương [9] rồi sẽ quyết định, nhưng Đại hội cứ quyết định. Khi hai đại biểu ở Xiêm báo cáo với Bác tình hình phân liệt và nghị quyết của Đại hội Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hương Cảng, thì Bác đề nghị Chi hội ở Xiêm hãy hoãn việc phổ biến nghị quyết Đại hội để tìm cách thống nhất các nhóm.

Thế rồi, vào khoảng đầu tháng 9-1929, Bác rời khỏi Xiêm đi gặp Đông phương cục Quốc tế Cộng sản để xin ý kiến, được Đông phương cục giao nhiệm vụ thống nhất các nhóm cộng sản Việt Nam. Nhiệm vụ đó được thực hiện bằng một cuộc gặp mặt giữa các nhóm do Bác chủ tọa tại một địa điểm ở Hương Cảng.


*


Vào khoảng cuối tháng 3-1930, Bác đến Băng-cốc gặp các đồng chí cộng sản người Hoa để trao đổi ý kiến, rồi đi U-đon gặp Tỉnh ủy Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở U-đon để thông báo tình hình về việc thống nhất các nhóm cộng sản Việt Nam và truyền đạt tinh thần của Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản Xiêm.

Tỉnh ủy U-đon của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội lúc này là trung tâm của toàn bộ cuộc vận động cách mạng trong Việt kiều ở Xiêm, gồm có các anh Đình, Tăng, Hải và tôi lấy tên là Dương, anh Đặng Thái Thuyết là Bí thư, nhưng đã bị bắt ở Băng–cốc trước đó một thời gian ngắn.

Gặp Tỉnh ủy, Bác cho biết việc chia rẽ giữa các nhóm Đông Dương Cộng sản đảngAn Nam Cộng sản đảng đã được giải quyết tốt đẹp. Đại biểu của hai nhóm đã họp ở Hương Cảng, thỏa thuận hợp nhất, cùng nhau thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6 tháng Giêng năm nay. Đảng đã thông qua chính cương, chương trình và điều lệ vắn tắt của Đảng, và đã nhất trí chấp nhận nhóm Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tham gia vào Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù Liên đoàn này được triệu tập đến hội nghị hợp nhất, nhưng vì trắc trở, đại biểu không đến kịp để tham dự.

Về vấn đề là ngày tháng thành lập Đảng, ở đây cần chú thích rõ một điểm là: Khi Bác nói thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6 tháng Giêng năm nay, đã không nói rõ là ngày tháng âm lịch, mọi người nghe đều hiểu là ngày tháng dương lịch, nên từ đó về sau hàng năm cứ lấy ngày 6 tháng giêng dương lịch làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Mãi đến năm 1960, Liên Xô cung cấp tài liệu cho biết ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là ngày 3 tháng 2 năm 1930, chứ không phải là ngày 6 tháng Giêng như trước đã hiểu lầm. Vì vậy, Đại hội lần thứ ba của Đảng họp cuối năm 1960 mới ra nghị quyết lấy ngày 3 tháng 2 năm 1930 làm ngày thành lập Đảng.

Đối với bộ phận Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm, Bác nói: Theo tinh thần nghị quyết của Quốc tế Cộng sản thì người cộng sản cư trú ở nước nào sẽ tham gia hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản ở nước đó. Vì vậy người cộng sản Việt Nam ở trên đất Xiêm cũng có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân bị áp bức, bóc lột Xiêm làm cách mạng. Đó là tinh thần quốc tế vô sản. Người cộng sản không thể chỉ lo toan sự nghiệp cách mạng của riêng nước mình, mà phải góp phần vào công cuộc cách mạng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới [10] .

Bác đề nghị Tỉnh ủy lựa chọn một số người rất tốt trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội chuyển thành người cộng sản để tham gia vào Đảng Cộng sản Xiêm.

Sau khi nghe Bác giải thích và giới thiệu, các đồng chí trong Tỉnh ủy U-đon đều hết sức phấn khởi, vì được biết trong nước đã có Đảng cộng sản để lãnh đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng, đồng thời được biết bản thân mình cũng được chuyển thành đảng viên cộng sản. Có điều lần này chúng tôi không chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, mà là đảng viên của Đảng Cộng sản Xiêm. Việc chuyển Thanh niên cách mạng đồng chí hội thành Đảng cộng sản, đối với chúng tôi là một việc rất tự nhiên, vì từ lâu trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội vẫn truyền bá tư tưởng cách mạng xã hội, hướng theo gương mẫu của Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo sự dìu dắt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, một nhà cách mạng lão thành của Quốc tế Cộng sản.

Mấy hôm sau Tỉnh ủy triệu tập một số đồng chí cốt cán trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội để nghe Bác nói chuyện.

Bác cũng giải thích lại những điều đã giải thích với chúng tôi mấy hôm trước. Bác nói người cách mạng Việt Nam ngày nay ở trên đất Xiêm phải vì lợi ích của cách mạng Xiêm mà hoạt động. Về tình hình xã hội nước Xiêm, Bác phân tích: Lúc này nước Xiêm là một nước phong kiến và nửa thuộc địa, chưa thể tiến hành ngay cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới do giai cấp vô sản lãnh đạo. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ mới, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng cách mạng thế giới, cách mạng Xiêm cũng có thể chuyển lên chủ nghĩa xã hội, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Nghe xong, anh em nêu ra nhiều câu hôi. Một số đồng chí ngần ngại rằng chuyển sang Đảng Cộng sản Xiêm thì không góp phần được vào cách mạng Việt Nam, sợ kiều bào không đồng tình. Bác lần lượt giải đáp các câu hỏi, anh em đều thỏa mãn.

Gặp xong anh em trong cuộc hội nghị rộng rãi, Bác lại gặp riêng Tỉnh ủy để bàn việc tổ chức cụ thể.

Bác đề nghị Tỉnh ủy Thanh niên cách mạng đồng chí hội chuyển thành Tỉnh ủy cộng sản. Trước đây Tỉnh ủy do đồng chí Đặng Thái Thuyến làm Bí thư, nay đồng chí đã bị bắt, chúng tôi cử đồng chí Đinh làm Bí thư Tỉnh ủy.

Bác dặn dò chúng tôi lựa chọn những người có nhiệt tình cách mạng cao, phẩm chất đạo đức tốt, tự nguyện, tự giác trọn đời hiến thân cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa để kết nạp làm những đảng viên cộng sản đầu tiên. Sau đó Bác đề nghị Tỉnh ủy cử đồng chí Tăng thay mặt nhóm cộng sản người Việt cùng Bác đi tiếp xúc với nhóm cộng sản người Hoa, bàn việc thành lập Đảng Cộng sản Xiêm.

Đầu tháng 4-1930, Bác cùng anh Tăng đi vào Băng-cốc. Trước khi ra đi, Bác còn dặn dò Tỉnh ủy U-đon cần liên hệ, giúp đỡ các đồng chí Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Lào chuyển sang thành Chi bộ cộng sản Lào.

Ngày 20-4-1930, một cuộc hội nghị do Bác là đại biểu Quốc tế Cộng sản chủ trì đã họp ở Băng-cốc. Hội nghị tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Xiêm và cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, gọi tắt là Xiêm ủy, trong đó có anh Tăng là ủy viên Tỉnh ủy U-đon và anh Ngô Chính Quốc, một người Việt Nam sinh ở Xiêm.

Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Xiêm, bác liền đi Mã-lai để giúp các đồng chí ở đó thành lập Đảng Cộng sản Mã-lai. Từ tháng 4-1930 về sau, Bác không trở lại đất Xiêm một lần nào nữa.


*


Qua hai lần hoạt động trên đất Xiêm, Bác đã để lại những việc làm có ý nghĩa lịch sử to lớn. Ngoài việc giúp những người cách mạng ở Xiêm thành lập Đảng Cộng sản Xiêm là một sự kiện quan trọng, Bác đã bồi dưỡng cả một lớp cán bộ cách mạng trong Việt kiều, giáo dục cho các đồng chí tư tưởng cách mạng trường kỳ gian khổ, xây dựng tình cảm thân thiện giữa cách mạng Việt Nam với nhân dân Xiêm, xây dựng tinh thần quốc tế vô sản cho những người cách mạng Việt Nam ở Xiêm, góp phần gây mầm mống cách mạng trong nhân dân Xiêm.



[1]Siam - tên cũ của nước Thái Lan-BT
[2]thân sinh đồng chí Lý Tự Trọng
[3]ngày điều ước Pa–tơ-nốt
[4]Phương châm phục quốc của Câu Tiễn đời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc
[5]tức Đặng Quỳnh Anh
[6]ông già đen
[7]tức là ông già Chín
[8]tức Trần Văn Cung
[9]tức Hồ Chủ tịch
[10]Đó là nghị quyết của Quốc tế Cộng sản từ trước. Năm 1943, Quốc tế cộng sản giải tán thì nghị quyết đó cũng không còn là yêu cầu chung đối với các người cộng sản trên thế giới nữa
Nguồn: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, tháng 7.1986. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.