© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
8.1.2003
Phạm Thị Hoài
Ðọc
 
Sau mười năm làm nghề văn, tình yêu của tôi với văn chương đã thôi cháy bỏng như thuở ban đầu. Phần nhiên liệu như thể bây giờ thừa ra đem đốt nóng được nhiều thứ hơn. Những thứ tôi tưởng vĩnh viễn là nguội ngắt với lòng mình, những thứ tôi từng chê là âm ấm và lắm thứ linh tinh khác, bây giờ tôi có thể đọc, với một nhiệt tình nhất định. Cái lô gích này dẫn đến một sự thể kỳ cục, là gu đọc của tôi thành cởi mở mà lãnh đạm hơn. Từ nhiều năm rồi tôi không thật nồng nàn với riêng một tác phẩm nào. Hẳn không vì văn chương nhân loại đã sa sút ghê gớm như chúng ta thích phỏng đoán. Văn học có lẽ chỉ tận thế trước nhân loại tận thế một hai giây đồng hồ, còn khải thị mới nhất với tôi hiện tại, là không biết mình thích đọc thứ gì.

Nếu tấm khăn rất đỏ của tình yêu không bịt chặt mắt tôi một thuở, có lẽ cuộc đời đọc của tôi đã tuần tự đính theo cuộc đời thường mà trôi: cuốn sách gối đầu giường của tuổi mười lăm trở nên ngớ ngẩn khi tuổi hai mươi tìm ra thần tượng, rồi đến lượt thần tượng lại cuốn gói cho những mẫu hình của tuổi tam thập vào chiếm chỗ, rồi một vài cuốn sách nào đó bị át đi trong tiếng máy nổ của tuổi lập thân ấy, mười năm sau bỗng hiện ra nguyên vẹn, rồi một lúc nào đó đọc kinh bằng tiếng Phạn phiên âm, không phiên nghĩa, có khi lại thấm thía nhất... Lẽ ra như vậy, chẳng có gì để gọi là sửng sốt. Không có cuốn sách nào ôm trọn một cuộc đời, và chẳng ai cần ngạc nhiên hay xấu hổ vì đã từng tôn sùng một tác giả mà sau này mới ngớ ra là rởm. Song tôi đã mở đầu cuộc đời đọc của mình cách khác.

Lúc mười một tuổi tôi quyết định thâu tóm tất cả những gì mang tên Balzac trong một thư viện huyện có chừng năm trăm đầu sách. Tôi phân tích sự vĩ đại của Nguyễn Du lúc mười hai tuổi. Mười ba tuổi, Victor Hugo đã ở sau lưng tôi. Mười bốn tuổi tôi cho rằng đã đọc hết Lỗ Tấn. Mười lăm tuổi đương nhiên là đã muộn để thanh toán Shakespeare. Mười sáu tuổi thì Lev Tolstoi. Mười bảy tuổi, là lúc vừa có trong tay một nhúm ngoại ngữ, tôi chẳng ngần ngại gì mà không quyết tâm tỏ tình với Dostojevski, bằng tiếng Ðức. Sau đó thế nào không tiện kể hết. Hàng loạt cuộc phải lòng nối tiếp nhau rung chuyển nhân gian. Nhân gian ấy cân lên chẳng đầy bốn chục ki lô, chỉ là tôi với nặng một nỗi văn chương nhẹ tênh như vậy. Mối tình của tôi với Kafka ngọt lịm vị trái cấm, ngọt đến nỗi mười mấy năm sau tôi mới sực nhận ra rằng, chẳng hạn đã bám đuôi du khách vào Strafkolonie mà không biết đấy là những trang đắng và xuất sắc nhất của văn chương cổ kim. Tôi đã vào trong trắng và ngốc ngếch thế nào thì ra vẫn nguyên như vậy, chỉ thêm được một đam mê chồng lên những đam mê có thể tráo chỗ nhau mà thôi. Sau này, có người nhất định vạch ra Kafka trong tác phẩm của tôi, thật là một vinh dự tôi không đáng được hưởng. Bốn năm trước tôi có dịp đọc lại Anh Em Nhà Karamazov. Chúng ta biết rằng không có dòng nào trong tác phẩm cả ngàn trang này gây cười, kể cả khi Grushenka bốp chát và Dimitri chửi cha. Tôi lại không khỏi nín cười vì gặp hoài tuổi mười bảy của mình bồn chồn chầu chực bên lề trang, chắc là chỉ rối ruột xem kẻ nào rút cục giết cha, và ai yêu ai trong cái gia đình bê bối ấy. Còn Nguyễn Du, vốn liếng Việt ngữ của tôi thuở thiếu thời hẳn là vừa đủ rộng để chứa sự vĩ đại của mai cốt cách, tuyết tinh thần cùng là hoa cười ngọc thốt hoa ghen liễu hờn, dẫu sao tôi cũng đã được luyện kỹ trong lối văn mô tả đầy những hình tượng nhân cách hoá rất trang nhã như thế. Sau này tôi cứ chùi mãi cái ngọt nhạt dính mép của sự trang nhã, song đấy lại là một câu chuyện khác. Ông thày dạy văn của tôi khi ấy, trước đó đã chăm chút thi sĩ thần đồng Traàn Ðăng Khoa và đầy tham vọng gây dựng nơi tôi một văn sĩ thần đồng, quả nhiên đã nhấc tôi ra khỏi sách giáo khoa bằng cách cho phép tôi vứt bỏ nhiều đoạn trích trong sách và thay những sáng tác tí hon của mình vào đó. Nhưng cả ông, người thày đầu tiên và độc giả đầu tiên của tôi, cũng không hề báo động trước, để hai chục năm sau tôi đọc những dòng khác của Nguyễn Du đỡ sững sờ hơn.

Song những biến cố diễn ra trong đời đọc khó ai lường trước cho ai được, ở đó may rủi của mỗi người cùng lắm có thể đem áp dụng như những kinh nghiệm kín đáo mà mẹ thường truyền cho con gái khi đi lấy chồng. Muốn thế nào thì đấy vẫn là đêm tân hôn của cô con gái chứ không phải của bà mẹ. Cũng là chiếc ghim băng phòng xa nổi tiếng mà các cô dâu giắt trong người cho đêm đầu tiên làm vợ, nó thậm chí được đâm không sai lời mẹ dặn, nhưng một tấc và một ly nông sâu xa gần không lường trước có thể lái cuộc hôn nhân theo một lối chẳng ngờ. Cho nên, sự ngang bướng tất yếu của thế hệ sau với thế hệ trước một phần đáng kể bắt nguồn từ lý trí bản năng khôn ngoan, nhận biết rằng những biến cố đã qua không khác những viên sỏi ném xuống ao, chúng đã nằm yên dưới đáy, còn trên mặt nước là những vòng rộng dần, yếu dần và một lúc nào đó tan hẳn, mà ta gọi là kinh nghiệm. Kinh nghiệm của những viên sỏi mới lại ném xuống mảnh ao cũ bao giờ cũng khác, mặc dù sỏi lại nằm dưới đáy như mọi sỏi và những vòng sóng lại toả và tan trên bề mặt như mọi vòng sóng. Như thể chúng không học được gì ở những viên sỏi đi trước, chúng chống đối bồng bột và mù quáng, chúng nên lắng nghe hơn nữa những lời khuyên. Nhưng ai trong chúng ta sẽ có cái may mắn biết rằng, mình được ném viên sỏi cuối cùng để làm tràn mảnh ao đã đầy ứ kinh nghiệm của sỏi tiền bối, rằng vòng sóng cuối cùng và vượt khỏi bờ ao của mình là kết quả của tất cả những vòng sóng đã tan từ lâu? Không ai cả! Không có một mảnh ao nào tràn trề kinh nghiệm đọc đang sốt ruột chờ bạn đến để chỉ cần khoả tay và rửa lông mày, chẳng tốn công gì mà hưởng thụ toàn bộ cuộc đọc lâu dài và gian nan của nhân loại về ngon lành tập kết.

Tôi sẵn sàng mách rằng, quả thật có những tác phẩm, những trang, những dòng người ta không nên đọc trước một lứa tuổi nhất định. Như thế là hợp lẽ. Nhưng viết văn chẳng phải là một hành vi rất không hợp lẽ, lẽ thông thường, đó sao? Khi một tiểu thuyết gia đồng thời sống cuộc đời của vài chục, thậm chí vài trăm nhân vật cùng một lượt, thì đời hắn ít nhiều là đời hư cấu, kiếp hắn là kiếp nhân tạo, giới tính của hắn bất định, tuổi hắn thì vô lường và cuộc đời đọc của hắn lộn tùng phèo lại là phải lẽ. Nếu là thiên tài thì thậm chí hắn có thể xâu cả vàng lẫn cám của kho tàng văn chương nhân loại thành một chuỗi tràng hạt mà lần trong nháy mắt chẳng sai hạt nào. Tuổi tác và trật tự thời gian trong đời đọc, nhất là đời đọc của một người viết, trong trường hợp tôi có lẽ đã đóng vai một quyển lịch xé không đúng cách, song hẳn là có những nhiễu loạn khác.

Liên hệ gần nhất với quyển lịch là một chiếc la bàn. Cách đây không lâu, tôi có dịp đọc lại toàn bộ Một Ngàn Một Ðêm Lẻ. Trước tiên phải nói tới khía cạnh thực tế vẫn thường chi phối như thế nào đó một cuộc đọc. Chẳng hạn nếu ngồi tại Việt Nam, tôi không thể hy vọng được đọc một bản dịch tiếng Việt được thừa nhận là bản dịch trung thành, nguyên vẹn và từ bản gốc Ả Rập của tác phẩm này, mà phải bằng lòng với một bản rút gọn và phóng tác từ những nguồn mơ hồ nào đó, nói đúng hơn là những mẩu chuyện dựa theo Một Ngàn Một Ðêm Lẻ, trong đó văn minh Viễn Ðông của chúng ta đè lên mọi dấu tích của văn minh Cận Ðông. Ðiều đó ít nhiều vẫn thường diễn ra ở mọi nơi, một thí dụ đơn giản khác là cảnh và người Việt Nam trong phim Hollywood, hoặc cách khác, Trung Hoa trong tiểu thuyết của Pearl S.Buck. Một nền văn minh hay cộng đồng này quả thật có cách gì dịch một nền văn minh hay cộng đồng khác ngoài cách dùng chính những phương tiện của mình mà thôi? Song trên cùng một nguyên tắc như vậy, kết quả đạt được lại khác nhau đến mức sự khác nhau đó có thể xứng đáng làm thước đo phẩm chất và tiềm năng của mỗi nền văn minh hay cộng đồng. Chúng ta đã biết Trung Hoa cổ đại dịch một phần Ấn Ðộ cổ đại với tất cả những lầm lẫn, khúc mắc, thỏa hiệp, nhưng cuối cùng có thể nói là bất ngờ và xuất sắc như thế nào, trong khi Ấn Ðộ đến lượt mình không xúc tiến được công trình ngược lại. Như vậy, tấm hộ chiếu tinh thần của một người không ra khỏi Trung Hoa cổ đại có thể mang dấu quá cảnh xác thực của một phần Ấn Ðộ. Dân Việt cũng có thể tự hào với truyền thống ở yên sau lũy tre làng mình mà du hành trong nhiều không gian tinh thần xa tít. Nhưng chí ít trong mấy chục năm của thế kỷ này, chúng ta đã đổi giấy thông hành tinh thần lấy sổ gạo, huân chương kháng chiến cho mình và phiếu bé ngoan cho con cái. Dấu quá cảnh, nếu có, thường xuyên là dấu rởm. Sợ bị lừa, sợ nhầm đồ giả, không đầy một thập kỷ mới đây mà thành tâm lý phổ quát nhất của chuùng ta, khiến ta soi mói lẩy ra từng viên bi rất có thể là nội địa trong cả chiếc xe Nhật xịn, khiến mẹ ta mỗi lần đi chợ phải giương kính pháp y ngắm kỹ, xem khúc cá có vẻ tươi rói kia đỏ máu chính nó, hay là máu mượn của tảng thịt bò bên cạnh, thậm chí có thể là phẩm điều. Và ông bà ta đang dọn mình cho cõi khác, không quên nhắc con cháu cẩn thận kẻo thuê nhầm sư giả cầu kinh. Nhưng một nửa thế kỷ lại không đủ, để ta mắc bệnh cảnh giác khác, là trước hết hãy gí mũi vào gáy một cuốn sách mà đánh hơi độ xác thực của nó, là hoài nghi ngay từ đầu cái bìa sách loè bịp, như ta lập tức hoài nghi nếu dạo qua Hàng Ðào thấy mác Armani trên những áo xống nào đó. Là hãy hết sức cẩn thận với các tác phẩm dịch, bởi thao tác ở đó có thể vô trách nhiệm hơn cả việc tiêm nước trà pha rượu quốc lủi vào chai Johnnie Walker. Ngoài Kafka như đã nói ở trên, tôi thường được một vài nhà phê bình cho đội mũ Freud và khoác áo J.Joyce. Ðây hẳn phải là Freud Sài Gòn, Joyce Tàu, cũng như ở Hàng Ðào kia là Armani Thái. Nhân nói về Armani: vấn đề không phải là thứ ấy quá xa xỉ với người Hà Nội hiện đại. Vấn đề là : nó xa xỉ một cách quá tế nhị.

Nếu lịch sử chỉ trẹo khỏi đường ray của nó một khoảnh khắc, nếu thuyền chiến Chà Và thắng thuyền chiến Chămpa dăm trăm năm trước, tôi có lẽ đã đọc Một Ngàn Một Ðêm Lẻ cách khác từ lâu. Những cơ hội đã lỡ trong thời gian chỉ còn cách đuổi theo trong không gian, để đến lượt nó, xê dịch trong không gian cứ thường xuyên lộ ra là một xê dịch trong thời gian. Một địa phận đọc khác có thể chỉ là chính địa phận của chúng ta bỏ vào quá khứ hoặc chuyển sang tương lai mà thôi. Tôi đã phải đi ra, rồi đi vào, rồi lại ra khỏi địa phận văn hóa gốc của mình để có thể, tuy muộn, đặt chân lên những nẻo đường chưa khai phá trong lịch sử. Một cuộc đọc muộn ít nhiều giống một chuyến đi muộn, người đọc cũng nhảy cóc qua những trang đã biết như du khách băng qua những thắng cảnh đã quen. Quả nhiên tôi đến thăm Một Ngàn Một Ðêm Lẻ lần này không phải để chụp ảnh Sindbad, cây đèn thần của Alaeddin và Ali Baba với bốn mươi tên cướp. Thành phố khổng lồ này hiện ra, nhảm nhí và đặc sắc, hai thứ ấy thi nhau bập bênh quanh cái trục rùng rợn là tử thần. Chính là cái chết ngồi chồm hổm trên mỗi trang của bộ sách đồ sộ này, để phán xét một cách thản nhiên và dí dỏm xem chúng ta có lý do gì để được nghe tiếp một câu chuyện, nghĩa là sống tiếp một khoảnh khắc, nghĩa là thoát khỏi tầm với của nó, cái chết. Schehersad là hòn đá đầu tiên lăn khỏi đỉnh cao của tử thần, mỗi đêm một vòng lăn nhỏ. Nhưng nếu chỉ có vậy thì sự rùng rợn thành đơn điệu, và ta sẽ đọc những chuyện nàng kể độc lập với xuất phát điểm ban đầu, không khác gì việc ta thường quên phắt lời mào đầu đầy hứa hẹn của nhân vật xưng tôi trong truyện của Turgenev chẳng hạn, hay việc ta bỏ qua những lời bình chen ngang của Eugène Sue trong Bí Mật Thành Paris. Song mỗi hòn đá lăn trong Một Ngàn Một Ðêm Lẻ lại đẩy một hòn khác lăn tiếp, chúng quyện vào nhau khiến ta thường xuyên phải lật lại nhiều chục trang trước để định hướng, và một lúc nào đó ta biết chắc mình đã lạc, nhưng là lạc với một tấm bản đồ rành mạch, rằng cứ xa cái chết này để gần cái chết kia, tử thần hiện ra ở mọi nẻo, và cách duy nhất để đào thoát, để lăn tiếp, là kể một câu chuyện. Hay thì sống, dở thì chết. Sau trăm trang là người đọc đã có thể đồng vai đao phủ.

Nếu không là một du khách, liệu tôi có đi trong Một Ngàn Một Ðêm Lẻ với cảm gíac lành lạnh sau gáy ấy không? Là một du khách Viễn Ðông, tôi lập tức nhận ra rằng thần và ma Ả Rập tính khí như con nít, rằng đàn bà xứ này mê ai thì hỏi thẳng người đó làm chồng, còn đàn ông thường mất vợ vào tay một gã nô lệ da đen, rằng ở đây bói không ra một nhà nông giữa đám thương gia, và người ta ngâm lên vài câu thơ đơn giản như nghỉ tay xơi nước vậy. Là một du khách Viễn Ðông sống ở Tây phương, tôi đặt Việt Nam vào Viễn Ðông và Ả Rập vào Cận Ðông, tôi luẩn quẩn nghĩ ngợi không biết khái niệm Việt trong trường hợp này hay trường hợp kia liệu có tương đương với khái niệm Ả Rập thông qua trung gian là thuật ngữ Tây phương. Tôi cũng để tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa cạnh Một Ngàn Một Ðêm Lẻ, cạnh truyện feuilleton, cạnh phim soap-opera, và kết luận rằng, tuy xuất phát từ cùng một nguyên tắc là giữ công chúng và giữ cớ mà kể tiếp, nhưng những sáng kiến của hai thể loại cuối cộng lại may ra mới gần bằng lời hứa hẹn "...như thế nào xem hồi sau sẽ rõ" của truyện Tàu, và cả ba thứ cộng lại không địch nổi trò đặt cược của Ả Rập vào cái chết. Tuy nhiên, tôi dù lang thang vẫn không ra ngoài trái đất. E rằng du khách đến bằng đĩa bay chỉ thấy đấy là một cách kể chuyện nực cười.

Một người Việt sống ở nước ngoài đọc văn trong nước không giống người trong nước, và ngược lại. Khoan hãy nói đến văn bản. Mùi của giấy hải ngoại đã đi trước, mở sẵn một cánh cửa nhất định trong lòng người đọc quốc nội. Về phần mình, những cuốn sách quăn quăn, âm ẩm nấm nhiệt đới và nhạt nhoà màu mực đến từ trong nước thuở cơ hàn cũng bất giác đánh động người đọc bên ngoài. Ðấy chỉ là tác động khiêm tốn nhất, nhưng cũng đủ để phủ một lớp cách ly lên văn bản. Những tác động mạnh hơn có thể lập hẳn phòng giam, và mạnh hơn nữa thì đóng cứng quan tài cho văn bản, để người đọc hoàn toàn đứng ngoài mà bày tỏ thái độ quan liêu rất chân thành của mình. Tôi thường được ăn kẹo quan liêu như vậy, thứ kẹo không đắng với bất kỳ ai. Cái vị trí không thuộc về địa phận văn chương nào của tôi không cho tôi được miễn, mà phải chịu thêm những khoản thuế phi văn bản đánh vào văn bản. Tác phẩm của tôi, trước khi vào cuộc đọc, thường phải trả, đầu tiên là lệ phí cho mùi thơm giấy ngoại với chỗ này và mùi nhiệt đới buồn với chỗ kia, sau đó là những phí tổn phát sinh khác. Văn học Việt Nam đương đại, ở cả trong lẫn ngoài nước, cấu thành một phần đáng kể từ những tác phẩm không trả nổi thuế phi văn bản và các phí tổn phát sinh trong cuộc đọc quan liêu, những tác phẩm nặng nợ và chỉ nặng nợ theo nghĩa đó. Chúng sụp đổ khi vừa trả hết nợ. Những huyền thoại nho nhỏ và cả một vài huyền thoại lớn kết tinh từ sự quan liêu ấy. Huyền thoại về một nền văn học phản kháng ở trong nước đối với người bên ngoài. Huyền thoại về một nền văn học hải ngoại xanh xao sang trọng đối với người bên trong. Huyền thoại về sự hội nhập giữa ta với ta. Huyền thoại về sự hội nhập giữa ta và thế giới. Vi trùng huyền thoại có thể phá hủy một đời đọc, mà người lâm chung vẫn hài lòng, rằng nếu được làm lại từ đầu, xin lại làm như vậy. Ai trong chúng ta dám khẳng định mình không một lần nhiễm vi trùng ấy? Song chẳng có gì bảo đảm rằng, cứ khoẻ mạnh là tự nhiên có sức đọc bền, cứ dành dụm mình không suy xuyển là còn nguyên cho nghệ thuật lớn. Lại càng không có gì bảo đảm rằng, bạn đã tinh luyện trong đời đọc như người bán dầu rót dầu qua lỗ đồng tiền, không mảy may dao động. Tôi e rằng ngược lại mới phải. Người ta không dao động ở trang sách đầu tiên, mà sau ước chừng nửa triệu trang của ba mươi năm đọc.

Có những cuốn sách luôn tiết lộ người đọc chúng hơn là chính bản thân chúng. Chẳng hạn, một cuốn sách bói, bói người đọc: Kinh Dịch. Khổng Tử đáng mến nhất, sau khi đọc đứt bìa da ba lần, thú rằng nếu được sống thêm vài năm nữa thì sẽ khá sáng tỏ về sách ấy. Tôi đọc tác phẩm bắt buộc của Ngô Tất Tố, Tắt Ðèn, mà không hình dung được ông là người thế nào. Nhưng đọc bản dịch Kinh Dịch của ông lại thấy khá sáng tỏ về Ngô Tất Tố. Sách ấy đứng đầu về khả năng sản sinh những mẫu người đọc nó. Giữa họ may ra có chút tương đồng như giữa mẩu giấy giấu trong chiếc bánh may mắn ở tiệm Tàu và chiếc lá bối biên kinh Phật. Chúng ta thấy có người đọc sách ấy như du khách lia máy ảnh. Thỉnh thoảng, vào những lúc bất tiện nhất, lại có ai đó khoe ra một hai tấm hình. Có người tận tụy đọc sách ấy như học ngoại ngữ, mỗi ngày thuộc lòng một ít. Nếu trúng vào đoạn tủ có thể làm người nghe kinh hoàng. Có người sợ sách ấy như sợ vợ, nó bảo gì cứ nghe đã, có gì tính sau. Có người sờ sách ấy như sờ voi, chưa đọc đã tin phần thất bại. Có người kết tình với sách ấy như bị cha mẹ sắp đặt, đôi bên không tỏ mặt nhau. Có người tiến vào sách ấy như đánh cờ thế, càng hóc búa càng sôi máu anh tài. Có người đọc sách ấy, để kết luận rằng Kinh Dịch phải được hiểu như thế này chứ không như thế kia. Có người mỗi Tết lại thầm nhủ năm nay nhất định phải đọc sách ấy. Tết nào cũng là Tết năm ngoái, hay Tết Công Gô. Ở những cuốn sách như vậy, tôi không bao giờ dám chắc rằng mình đang đọc chúng, hay đang đọc những cuộc đọc của người khác và của chính mình. Giữa những hàng chữ là hồ sơ đọc của một tập thể. Hồ sơ ấy có khi còn thú vị hơn bản thân cuốn sách, và thật khó biết rằng mình thích sách ấy, hay thích xem người ta đọc sách ấy hơn. Nếu lại gặp một cuốn sách công khai đính luôn hồ sơ về việc đọc nó, không phải ở giữa mà ngay trong các hàng chữ, thì sự thể trở nên phức tạp hơn. Người ta ít nhiều còn phân biệt được, chẳng hạn, mình quan tâm đến người nằm trong quan tài kia là chính, hay quan tâm đến những người đưa đám. Nhưng nếu người trong quan tài cứ thường xuyên nhảy ra chụp ảnh người đưa đám, và người đưa đám luôn mồm tranh luận với người trong quan tài về cách tổ chức đám tang, thì phải thay đổi cách đặt vấn đề về đối tượng quan tâm. Ðấy lại là quang cảnh điển hình của văn chương hiện đại. Tôi vẫn ưa văn chương hiện đại hơn văn chương cổ điển, nhưng cái thú thưởng ngoạn những đám tang kiểu mới kia phai nhạt ngay sau khi ta đã biết thóp và có thể đếm rất chính xác : một...hai... đến ba thì quan tài bật nắp ra. Các nhà văn trước thế kỷ hai mươi không sợ lặp lại chính mình, như những đám tang không bao giờ sợ lặp đi lặp lại cùng một nghi lễ mà mọi người đều biết rõ. Tôi không biết câu đầu tiên Hồ Xuân Hương viết ra là câu gì và câu cuối cùng là câu gì, đơn giản vì mọi câu của bà đều giống nhau, và nguyện vọng của người đọc là mó vào chỗ nào trong tác phẩm của bà cũng ra cùng một thứ ấy. Văn chương hiện đại không còn được hồn nhiên như vậy. Nó tự hành hạ bằng những nguyện vọng có lẽ còn chưa xuất hiện của người đọc. Nó phát triển bằng cách tha hoá. Luôn luôn lạ. Luôn luôn khác. Luôn luôn không giống một cái gì đã biết. Các nhà văn hiện đại sợ lặp lại mình như sợ kể mãi cùng một chuyện tiếu lâm cho cùng một cái tai nghe, mà một người đọc chuyên nghiệp, tốc độ mỗi tuần chừng 200 trang, thì sau một thập kỷ đã có thể có cảm giác nghe không sót một chuyện tiếu lâm nào trong thiên hạ. Như vậy thật khó biết mình còn muốn cười ở chuyện nào.

Giữa hai hành vi, đọc và viết, có lẽ người Việt cho đến gần đây vẫn chú trọng đúc kết kinh nghiệm xung quanh việc viết hơn, tuy những lời chỉ giáo cho việc viết chỉ dừng ở bình diện một lý thuyết chung và lại vĩnh cửu nữa, nói cách khác là người ta có thể thuộc lòng chúng mà vẫn không viết nổi. Như thể viết ra một cái gì, dù tầm thường, vẫn đáng quan tâm hơn việc đọc ra một cái gì khác thường. Như thể làm một nhà văn xoàng đáng hãnh diện hơn làm một độc giả lớn, chưa kể đến thái độ khinh sách của rất nhiều người viết. Ðương nhiên là khinh sách người khác chứ không phải sách mình. Ở thời đại trước quốc ngữ, người đọc được dắt đến cái ngưỡng của khả năng đọc thủng mặt chữ và thông mạch văn. Cửa ải ấy có vẻ hiểm trở tới mức một mình nó đủ đánh dấu sự khác nhau giữa biết đọc và không biết đọc. Vượt qua đó là điều kiện cần cho một cuộc đọc nghiễm nhiên kiêm luôn điều kiện đủ. Vậy là vương quốc quý tộc của những người biết đọc là một vương quốc thoáng nhất, vấn đề ở đó thường là, ai mới chỉ đọc một bồ sách, ai đã qua trăm kinh vạn quyển, và ai đã đọc hết chữ của thiên hạ. Sự phân loại dựa hẳn vào một bề, bề rộng. Ở thời của chúng ta, mặt chữ dễ đọc thủng hơn và mạch văn phần lớn đã thông sẵn, ranh giới xưa giữa biết đọc và không biết đọc đương nhiên đã biến mất, vương quốc quý tộc xưa đã thành một nền dân chủ. Một cơ sở phân loại mới chưa kịp ra đời thì cách phân loại cũ đã mất hiệu lực. Chữ trong bất cứ một tờ quảng cáo nào cũng nhiều hơn hẳn chữ của một bài haiku. Vả lại, phần lớn chúng ta đọc sách như dùng bật lửa, xong thì bỏ, và những cuốn sách chồng trên giá không khác lắm những chiếc bật đã hết ga, bút bi đã rỗng ruột, lọ xịt đã cạn nước ... dồn lại trong ngăn kéo. Trừ từ điển, danh bạ điện thoại, bản đồ, và kinh kệ, còn lại nếu không bắt buộc thì mấy ai ngày nay sờ một cuốn sách hai lần? Chúng ta tiếc rẻ mà cố dùng hết một chai rượu vang còn non nửa, mấy thìa nước sốt còn dư, chiếc vé tàu còn ngỏ... hơn một cuốn sách mới lướt vài trang. Nếu lần lượt ra pháp trường, ta sẽ xin phép được nói nốt một lời với ai đó, rít nốt một hơi thuốc, đánh nốt một ván cờ, cạo nốt râu, ngắm nốt mặt trời, hôn nốt, cầu nguyện nốt, khai nốt, nhưng có lẽ không đọc nốt một cuốn sách. Ðọc dở có lẽ là một trong những hành vi bỏ dở đồ sộ nhất của nhân loại ngày nay. Tôi không được dạy đọc, lại càng không được dạy đọc nốt, lẽ ra phải bối rối không biết mình thích đọc thứ gì từ lâu rồi. Và cũng phải bối rối, không biết mình nên viết như thế nào từ lâu.

Berlin, 1.1998
Nguồn: Đăng lần đầu trên Tạp chí ThÆ¡ 1998