© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.10.2005
Hoàng Văn Hoan
Giọt nước trong biển cả
(Hồi ký cách mạng) 16 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
II. Hoàn cảnh công tác mới

Lúc đó ở Nam Kinh, có độ vài chục người Việt Nam, gồm mấy loại: Có người cách mạng như anh Lê Thiết Hùng, con rể chưa cưới của ông Hồ Học Lãm, anh Cao Hồng Lĩnh trong nước mới ra, ở nhà một người Hoa kiều; có người đồng tình ủng hộ Đảng như gia đình ông Hồ Học Lãm và bốn anh em Việt Quốc chống tụi Nguyễn Thế Nghiệp và Vũ Hồng Khanh, từ Vân Nam đến là Đông A, Đỗ Đăng Trình, Lê Quốc Trụ [1] và Từ Chí Kiên [2] ; có người lừng khừng như ông Trần Trọng Khắc mới ở nước Đức phát-xít về; cũng có người đã làm mật thám cho Pháp từ Xiêm trốn sang như Đặng Nguyên Hùng. Ngoài ra còn có một Biện sự xứ của Việt Quốc, đứng đầu là Vi Đăng Tường cũng gọi là Vi Chính Nam và một chàng thanh niên là Nghiêm Kế Tổ đang chuẩn bị đi học trường đặc vụ của Tưởng Giới Thạch. Đặng Nguyên Hùng và Trần Trọng Khắc cùng ở chung nhà với ông Hồ Học Lãm, còn Lê Thiết Hùng thì làm trung đội trưởng ở Giao thông binh đoàn, một vài tuần mới về nhà một hôm.

Tháng 4 năm 1935 lại đến thêm hai người nữa là anh Hải và anh Văn. Hải là người đã cùng tham gia lớp huấn luyện với tôi ở Quảng Châu từ năm 1926, sau được giới thiệu đi học ở Liên Xô. Văn là một đồng chí người Xiêm, đã chịu ảnh hưởng của Đảng và tham gia phát truyền đơn chống chính quyền độc tài ở Xiêm, mà tôi đã gặp mấy lần ở Băng-cốc nay lại gặp lại.

Sau một thời gian, trao đổi ý kiến với anh Hải, chúng tôi quyết định tổ chức một lớp huấn luyện tại nhà ông Hồ Ngọc Lãm. Tôi, anh Cao Hồng Lĩnh và mấy anh em Việt Quốc có cảm t-ình với Đảng tham gia, Hải phụ trách huấn luyện.

Lớp huấn luyện chỉ độ hơn một tháng nhưng đối với tôi là một thu hoạch lớn. Đã mười năm làm cách mạng, sau lớp Quảng Châu, được nghe lý luận cách mạng tương đối có hệ thống, như tính chất cách mạng, lực lượng chủ yếu của cách mạng, đồng minh của cách mạng, chính sách mặt trận, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của Liên Xô, vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê-nin, duy vật biện chứng, v.v… Mỗi lần nghe xong, tôi lại tóm tắt tinh thần dùng tiếng Xiêm giảng lại cho anh Văn.

Tháng 8 năm 1935, các anh Cáp, Truật, Đại, Kỳ [3] , Trinh, Đức, Lộc, Luận bị Chính phủ Xiêm trục xuất từ Băng-cốc đến. Ông Hồ Học Lãm trước kia đã phải nuôi mấy người chúng tôi, nay lại thêm tám người nữa, phần lớn đều do ông phụ trách. Thật là một gánh quá nặng, nhưng ông vẫn vui lòng và thường khuyên anh em đừng ngại.


*


Vào khoảng tháng 9 năm 1935, anh Nhỏ [4] đến Nam Kinh, đó là đại biểu của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng, người tôi muốn gặp đã từ lâu, nay mới được gặp.

Nguyên khi tôi xin phép Xiêm ủy đi Trung Quốc chữa bệnh, mục đích là cốt để nhờ ông Hồ Học Lãm giúp đỡ chữa cái bệnh đau đầu đã hơn mười năm. Nhưng ngoài ra còn có một mục đích trọng yếu hơn là muốn có dịp được gặp các đồng chí trong Ban chỉ huy, để xin ý kiến về công tác cách mạng Xiêm.

Sự thực, năm 1930 sau khi thành lập xong Đảng Cộng sản Xiêm thì đại biểu Quốc tế Cộng sản đã vội vàng đi Mã-lai, chưa kịp có những chỉ thị ường tận về các mặt công tác. Riêng bộ phận Đảng Việt kiều ở Xiêm, về mặt công tác viện trợ cách mạng Đông Dương thì làm rất tốt. Nhưng về mặt công tác cách mạng Xiêm, bộ phận Việt Nam nên làm thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh của kiều bào là một vấn đề còn mơ hồ. Năm 1931, sau khi anh Đình mất, tôi thay anh Đình làm Bí chư Tỉnh ủy U-đon, năm 1933 đến Băng-cốc công tác lại được bổ sung vào Xiêm ủy [5] và phụ trách bộ phận tuyên truyền. Nhưng thực ra, tôi cũng như Tăng bạc đầu, người Việt Nam đầu tiên được chỉ định vào Xiêm ủy ngay từ lúc thành lập, đều rất lúng túng, chưa mò ra đường lối nên làm thế nào?

Năm 1934, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng thành lập ở Hương Cảng, tôi bàn với Tăng bạc đầu phái một cán bộ đi gặp Ban chỉ huy báo cáo và xin ý kiến. Lúc anh này ở Hương Cảng về, hỏi công tác thì nói lờ mờ, chẳng ra đầu đuôi, mà Ban chỉ huy gởi cho chúng tôi năm trăm bạc thì hắn không báo cáo, đút túi làm của riêng để phung phí trong sinh hoạt vật chất của hắn. Sau Tăng bạc đầu lại đi gặp Ban chỉ huy, khi về Băng-cốc, tôi hỏi đến vấn đề công tác cách mạng Xiêm của bộ phận Việt kiều, anh ta chỉ nói: “Vẫn như tinh thần báo Bôn-sê-vích của Đảng, là còn một người, còn đấu tranh”.

Năm 1934, cũng chính là năm Việt kiều ta ở Xiêm đang bị khủng bố, ở các địa phương như Na-khon, U-thên, Pha-nôm, Mường-mục, v.v… cảnh sát Xiêm đã nhét truyền đơn vào nhà Việt kiều rồi bắt. Sự quan hệ giữa Xiêm với Ban chỉ huy ở ngoài, cứ như Tăng bạc đầu nói thì Ban chỉ huy được Quốc tế Cộng sản giao nhiệm vụ giúp chỉ đạo cả Đảng Mã-lai và Đảng Xiêm. Nay ý kiến của Ban chỉ huy được Tăng truyền đạt là như vậy, thì phương hướng hoạt động của kiều bào vẫn không thay đồi. Tôi nghe nói, có ý nghi ngờ là khi Tăng báo cáo công tác Đảng Xiêm với Ban chỉ huy đã thổi phồng thành tích mà không trình bày hết hoàn cảnh khó khăn chăng? Với sự suy nghĩ như thế, tôi quyết định xin phép Xiêm ủy đi Trung Quốc chữa bệnh, đồng thời để tìm dịp liên hệ với Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Vì vậy khi được gặp anh Nhỏ, tôi hết sức mừng rõ, coi đây là một dịp may mắn để trực tiếp báo cáo tình hình cách mạng Xiêm với cấp trên.


*


Lúc gặp anh Nhỏ, tôi tự giới thiệu và nói việc được phép Xiêm ủy cho qua Trung Quốc chữa bệnh.

Anh Nhỏ nói: Về lý lịch và yêu cầu của anh, chúng tôi đã biết.

Tôi nói: Về lý lịch của tôi chắc các anh biết rõ; nhưng về yêu cầu của tôi chưa chắc các anh biết hết. Anh hãy cho tôi trình bày:

Tôi lần này xin phép Xiêm ủy đến Trung Quốc là có ý muốn nhờ ông Hồ Học Lãm giúp cho điều kiện chữa bệnh. Nhưng qua một thời gian xem xét, tôi thấy khả năng đó không có. Một là vì ông Hồ Học Lãm lương bổng không có mấy mà phải giúp anh em đồng chí chúng ta rất nhiều, ở đây hiện nay có hơn mười anh em không có nghề nghiệp đều do ông giúp đỡ. Hai là điều kiện chữa bệnh ở Nam Kinh rất kém: Ở Băng-cốc tôi vào bệnh viện chữa bệnh mấy lần, đều được xếp vào loại “làm phúc”, nhưng ăn uống và chữa bệnh hầu như ngang với loại mất tiền hạng thường. Còn ở đây không có chế độ “làm phúc” như vậy mà các bệnh viện có thiết bị tốt như bệnh viện Trung Ương, bệnh viện Cổ Lâu thì mỗi ngày phải mất ít nhất năm, bảy đồng bạc, lấy đâu ra số tiền lớn như vậy mà chữa. Vì thế bây giờ tôi không nghĩ đến việc chữa bệnh nữa.

Anh Nhỏ nói: Việc chữa bệnh của anh, chúng tôi cũng đã nghĩ đến, định sẽ xếp cho anh cùng đi Liên Xô với anh Văn, anh Hải, vừa được chữa bệnh, vừa được học tập, đồng thời có thể giúp cho việc học tập của anh Văn, mà Hải cũng cho tôi biết là anh có khả năng đó. Nhưng hiện nay đường đi Liên Xô khó khăn quá, chắc chắn còn phải chờ một thời gian.

Tôi nói: Anh nói thế tôi rất phấn khởi, nhưng tôi còn một yêu cầu khác nữa, anh cho tôi nói thêm, đó là yêu cầu về đường lối và chủ trương cho công tác cách mạng ở Xiêm.

Đảng Cộng sản Xiêm được thành lập năm 1930 chủ yếu là hai bộ phận Đảng Hoa kiều và Đảng Việt kiều gộp lại. Về phía Hoa kiều, các đồng chí không có cơ sở và ảnh hưởng nhiều trong quần chúng Xiêm. Về phía Việt kiều thì ảnh hưởng trong quần chúng Xiêm khá tốt. Có nhiều địa phương, quần chúng Xiêm muốn đấu tranh chống thuế, chống phu dịch, đều tìm cán bộ ta yêu cầu lãnh đạo; trong giáo giới có một số giáo viên tiến bộ rất khâm phục ta và cũng muốn được ta giúp đỡ trong việc hoạt động; một số vợ con Việt kiều là người Xiêm đều theo ta; nhưng đồng chí thực sự là người Xiêm thì không có mấy. Toàn bộ Việt kiều ta ở Xiêm có chừng trên dưới ba vạn, nhưng số người ta tổ chức được thì chỉ độ mấy nghìn, mà phần nhiều là tập trung vào các địa phương mà đương cục đã hoàn toàn biết rõ, như U-đon, Xa-côn, Na-khon Pha-nôm v.v… Nếu cách hoạt động của chúng ta như trước, cứ đến những ngày kỷ niệm quốc tế như Ngày Cách mạng Tháng Mười, Ngày 1 tháng 5, hoặc Ngày Khởi nghĩa Quảng Châu, Ngày Xô-viết Nghệ An, v.v… là phát truyền đơn; có vài chục người bán hàng ở chợ cũng bãi thị, có vài trăm người ở địa phương cũng biểu tình, và nếu Chính phủ Xiêm sẽ dùng biện pháp như nhét truyền đơn vào nhà để bắt người, hay quá hơn nữa dùng biện pháp khủng bố bắt hết cả mọi người như ở Phi-chịt thuộc tỉnh Phi-xa-nu-lốc ở miền Trung nước Xiêm hồi tháng 9 năm 1930, thì cơ sở cách mạng của chúng ta chắc chắn là không thể bảo toàn, sự cống hiến đối với cách mạng Xiêm sẽ giảm đi, mà công tác viện trợ cách mạng Đông Dương cũng sẽ bị ảnh hưởng không thể lường hết được.

Về tình hình nói trên, tôi đã trao đổi ý kiến với Tăng bạc đầu cần phải báo cáo rõ với Ban chỉ huy và xin ý kiến. Không biết Tăng bạc đầu có báo cáo với các anh như thế không?

Anh Nhỏ nói: Tăng bạc đầu có báo cáo với chúng tôi về công tác cách mạng của Đảng Xiêm, nhưng không nêu vấn đề như anh vừa nói: Hôm nay, nghe anh báo cáo rõ, tôi thấy có nhiều chỗ đáng phải suy nghĩ. Nhưng trước mắt, tôi chưa thể trả lời được, rồi đây chúng tôi sẽ thảo luận, có ý kiến gì sẽ nói với anh sau.


*


Nói xong vấn đề công tác Đảng Xiêm, anh Nhỏ hỏi ý kiến tôi về việc ông Hồ Học Lãm muốn thành lập ở Nam Kinh một tổ chức cách mạng.

Tôi nói việc này ông Hồ đã trao đổi ý kiến với Hải và tôi. Mục đích ông muốn như vậy là cốt để cho địa vị chính trị của anh em ta ở đây được hợp pháp hóa, đồng thời cũng có ý muốn xin được sự giúp đỡ của Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện nay nếu làm được như vậy thì rất tốt, nhưng tôi vẫn còn suy nghĩ, không hiểu trong việc này Hải có ý định gì không? Vì thấy Hải rất hứng thú và rất tích cực hoạt động, mà đối với Hải thì tôi có chỗ nghi ngại.

Anh Nhỏ ngắt lời tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi: Ngài ngại thế nào?

Tôi nói về việc Hải, tôi phải báo cáo dài một chút. Hải là một người đã cùng tham gia lớp huấn luyện với tôi ở Quảng Châu từ năm 1926, bí đanh là P.V… Hồi ấy tôi đã nhận thấy anh ta là người thích ăn chơi. Xa cách nhau nhiều năm, tôi chắc anh ta đã tiến bộ nhiều. Nhưng lần này qua mấy tháng gần gũi, tôi thấy ở anh ta có nhiều chỗ không ăn khớp với tư cách một người cách mạng.

Xin kể một số việc làm thí đụ:

- Thiếu nghiêm chỉnh trong quan hệ nam nữ: Anh ta thường hay nói chuyện về sinh lý có tính chất khiêu dâm trước mặt phụ nữ. Có lần, buổi tối đi chơi công viên, thấy một cô gái ngồi trên ghế đá, anh ta chạy thẳng đến ngồi bên cạnh, anh Văn và tôi phải phát ngượng. Có lần dạo phố thấy một cô nữ sinh đi từ phía trước đến, anh ta rảo bước, đu đưa tay ngoặc vào tay cô nữ sinh. Thậm chí anh ta còn nói rõ, cả chuyện người mọc sừng mà chính anh ta là tác giả của việc mọc sừng ấy. Anh ta nói như vậy cốt để khoe cái tài chim gái của mình, nhưng có khi quá mồm, anh ta cũng khoe cả cái tài của người vợ anh ta ở trong nước trước kia đã chim thằng cẩm như thế nào để thoát khỏi việc tra xét của bọn lính cẩm khi đi tàu từ Hà Nội về đến Nam Định.

- Thiếu nguyên tắc trong việc đấu tranh: Trước hết tôi muốn nói đến việc đấu tranh với ông Trần Trọng Khắc. Ông ta là một người xuất dương từ hồi Đông Du, khi bị Nhật đuổi về Trung Quốc được cụ Phan Bội Châu xếp cho qua Đức học trường thuốc đỗ bác sĩ. Lần này về Trung Quốc được Trần Nghi, Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, nguyên là bạn học của ông ta, giúp cho mấy nghìn bạc, đang chuẩn bị mở một phòng khám bệnh ở Nam Kinh để lấy tiền. Ông ta vẫn biết anh em cách mạng ở Xiêm bị trục xuất đến đang gặp khó khăn, do một mình ông Hồ Học Lãm giúp đỡ, nhưng phớt lờ hình như không có chuyện gì. Anh Văn bị sốt cao nằm ngay trước phòng ông ta mà ông ta cũng không hỏi một câu, vì cái lý luận của ông ta mà người bệnh cần thầy thuốc, chứ thầy thuốc không cần người bệnh. Người như vậy là rất xấu, thật đáng chê trách. Một hôm, Hải bàn tính dùng bạo lực bắt ông ta phải xuất tiền cho anh em. Ý kiến này tôi không tán thành, nhưng lại được mấy anh em Vân Nam đồng ý. Hải bèn lợi dụng lúc tôi đi vắng, được sự ủng hộ của bà Hồ Học Lãm, kéo mấy anh em Vân Nam đến uy hiếp Trần Trọng Khắc. Tôi đi phố về, nghe trên gác có tiếng chân đạp mạnh, chạy lên thì thấy Hải và mấy anh em mỗi người cầm một thứ hung khí thô sơ lăm lăm nhìn vào Trần Trọng Khắc. Trần hoảng quá, xin nộp hai chục bạc. Tôi thấy đây là một hành động vô chính trị, nếu không nói thì sẽ mất uy tín của Đảng, tôi liền bước ngay vào phòng, nói thẳng:

“Cụ Trần, anh em chúng tôi ở đây gặp khó khăn, rất cần được sự giúp đỡ, nhưng Đảng chúng tôi không bao giờ chủ trương dùng biện pháp uy hiếp để được sự giúp đỡ. Cụ hãy giữ lại số tiền, sau này nếu cụ cứ tự nguyện giúp thì sẽ đưa. Còn các đồng chí làm như thế này là không đúng chủ trương của Đảng, xin mời xuống nhà, có gì chúng ta sẽ bàn với nhau”. Nghe tôi nói xong, các anh em Vân Nam đều rút. Hải cũng rút luôn.

Lại một cuộc đấu tranh khác là đấu tranh với Đặng Nguyên Hùng. Một hôm, Đặng Nguyên Hùng mời mấy anh em Vân Nam ăn cơm để ly gián Đảng với mấy anh em đó. Mấy anh em đem vấn đề báo cáo với chúng tôi và xin ý kiến. Chúng tôi chủ trương dùng lời nói thẳng, cự tuyệt không nhận. Hải lại chủ trương cứ nhận, rồi lúc đến sẽ chọn những món ăn và rượu rất đắt tiền để đánh nó một mẻ về mặt kinh tế. Mấy anh em Vân Nam là những người mới giác ngộ theo Đảng, chưa có kinh nghiệm hoạt động chính trị, cho rằng Hải là người giỏi, người lãnh đạo, nên tiếp thu ý kiến của Hải ngay. Trước hôm đi ăn, họ đến hiệu ăn điều tra tên các món ăn và rượu quý, để hôm sau lúc đến ăn sẽ gọi những món đó. Nhưng Đặng Nguyên Hùng là một tay láu cá, khi các anh em gọi thức ăn, trước mặt hắn không nói gì, nhưng hắn chạy thẳng vào bếp bảo nhà bếp làm món ăn khác rẻ tiền hơn. Còn rượu thì lúc người phục vụ đưa ra hai chai, vừa mở xong một chai, thì hắn giật lấy chai kia xem nhãn hiệu, rồi không cho mở nữa. Thế là kế hoạch đả kích nó về mặt kinh tế không thực hiện được. Mấy anh em liền đứng dậy mắng nó một hồi, rồi bỏ đi. Hành động này đối với Đặng Nguyên Hùng cố nhiên là một đòn nặng, nhưng đứng về mặt phong độ mà xét thì hành động như vậy, người chính trị đứng đắn không bao giờ làm.

- Có hành động đáng ngờ trong hoạt động chính trị: Một hôm Hải nói với tôi: Vì sao chúng nó [6] bảo sẽ đến, bây giờ đã mấy tháng rồi mà chẳng thằng nào đến. Có lẽ ở Hương Cảng có chuyện gì rồi. Chúng ta cần đưa mấy anh em Vân Nam đi Thượng Hải hoạt động, đồng thời để tìm hiểu tình hình Hương Cảng ra sao. Tôi nói việc đi này phải có chủ trương của tổ chức mới làm được, nhưng Hải không nghe, cứ bảo mấy anh em Vân Nam chuẩn bị in rô-nê-ô và hành lý lên đường.

Tôi liền đem vấn đề này bàn với anh Lê Thiết Hùng, nhất trí nhận định rằng cần phải ngăn chặn, nếu cứ để vậy mà xảy ra vấn đề gì thì chúng ta phải chịu trách nhiệm với cách mạng, với Đảng.

Bàn xong, chúng tôi mời cả Hải và mấy anh em Vân Nam đến nói chuyện: Việc các anh đi Thượng Hải lần này là một việc rất mạo hiểm, chúng tôi không tán thành vì Đảng không có chủ trương như vậy, chúng tôi khuyên các anh đừng đi; nếu các anh cứ tự tiện đi thì đó là hành động cá nhân của các anh, xảy ra chuyện gì Đảng không chịu trách nhiệm. Mấy anh em Vân Nam nghe nói như vậy đều chối, Hải cũng đành phải thôi.

Qua các sự việc nói trên, tôi nghĩ rằng Hải có thể đã là một người biến chất. Không hiểu trong thời gian công tác với các anh, các anh có thấy gì không?

Nghe xong, anh Nhỏ vỗ vai tôi và nói rằng: Đúng! Anh là một người có con mắt chính trị. Đáng lẽ về tình hình anh ta, chúng tôi không định nói với anh, nhưng bây giờ anh đã thấy rồi, thì tôi cũng nói để anh rõ:

Năm 1926, sau khi huấn luyện ở Quảng Châu một thời gian, hắn được giới thiệu đi Liên Xô học tập chính trị, rồi học tập kỹ thuật vô tuyến điện, tất cả là bảy năm. Trong thời gian học, hắn yêu một người con gái Nga con tư sản, bạn học và đồng chí khuyên hắn đừng lấy, hắn cứ lấy. Khi học được kỹ thuật vô tuyến điện rồi, hắn dùng vô tuyến điện đánh cho Đảng Pháp bức điện, phê bình Đảng Pháp không hết sức giúp cách mạng Đông Dương. Đảng Pháp không hiểu đầu đuôi ra sao, nhờ Liên Xô điều tra mãi mới biết là hắn đã làm bậy như thế. Khi hắn từ Liên Xô về nước, đi đến Hải-xâm-uy, chiếc tàu chuẩn bị cho hắn đi còn phải chờ một thời gian rồi mới lên đường, hắn tự tiện trở lại Mạc Tư Khoa để gặp vợ, rồi mua vé lại đi Hải-xâm-uy. Vì thấy hắn lung tung như vậy, nên chúng tôi không để hắn tham gia Đại hội Đảng. Hắn bất mãn, bí mật liên lạc với lãnh sự Pháp ở Hương Cảng để hòng bắt cả Đại hội. Lãnh sự Pháp mặc cả với hắn nếu bắt được thì sẽ thưởng năm vạn bạc và sẽ cho đi du lịch một vòng qua các nước châu Âu. Hắn không ngờ chúng tôi không họp Đại hội ở Hương Cảng, mà lại họp ở Ma-cao, nên hắn đã vồ hụt, không bắt được gì cả. Đã vậy, hắn còn định tiếp tục lộn sòng trong hàng ngũ cách mạng. Nhưng chúng tôi có manh mối đã theo dõi hắn và biết khá rõ việc làm của hắn. Đại hội họp xong, chúng tôi truy hắn, hắn phải thú thật và nói: Tao thấy Đảng túng tiền quá, nên định lừa thằng Pháp lấy một ít tiền cho Đảng dùng! Chúng tôi hỏi: Thế bây giờ anh định thế nào? Hắn nói: Tao sẽ viết bức thư chửi thằng Pasquier [7] một mẻ để cắt đứt quan hệ với Pháp, rồi chúng mày cho tao đi Liên Xô ở với vợ tao. Đảng bảo làm gì, tao cũng làm. Chúng tôi nghĩ ý kiến này có thể tiếp nhận được, vì đưa hắn đi nhờ Liên Xô quản thúc tốt hơn là để hắn ở với mình. Hôm sau, hắn đưa cho chúng tôi một bức thư gửi Pasquier đã viết sẵn, đại ý: Tao suốt đời trung thành với chủ nghĩa cộng sản, chỉ vì thiếu tiền, tao định lừa chúng mày lấy một số tiền, không ngờ chúng mày lại ngu ngốc đến nỗi cho đó là một cơ hội có thể phá được cách mạng. Cuối thư hắn vẽ một anh đứng trật b…ra, và đề bên cạnh một câu “Thằng Pasquier mút b... tao”. Chúng tôi lấy bức thư gởi thằng cho Pasquier, rồi cho hắn đưa anh Văn đến đây đợi ngày đi Liên Xô. Nhưng việc đi Liên Xô bây giờ rất khó khăn, chưa biết bao giờ mới có thể đi được.


*


Nói xong việc P.V., anh Nhỏ nói tiếp: Lần này tôi đến đây cốt để ổn định tư tưởng hắn; ngoài ra còn có một nhiệm vụ nữa là xem xét tình hình mấy anh em bị trục xuất đến đây như thế nào? Về việc này, anh có ý kiến gì không?

Tôi nói: Anh em ở Xiêm bị trục xuất đến có tám người, trừ anh Luân và anh Đức là hai người ở trong nước bị khủng bố chạy sang Xiêm từ năm 1931, tôi chỉ gặp một vài lần, nên không biết rõ. Còn các anh khác là những đồng chí và quần chúng rất tốt. Hiện nay ở đây về mặt chính trị đã có ông Hồ Học Lãm bảo đảm, không ngại gì, nhưng về mặt kinh tế, nếu cứ để ông Hồ phụ đảm mãi chắc không ổn. Theo ý tôi, nếu có thể thì đưa anh em đi Hoa Nam sắp xếp công tác cho họ, được cả càng tốt, nếu không được thì cũng giải quyết cho một số người đồng thời nếu có thể, anh nên đưa ông Hồ một số tiền đỡ gánh nặng cho ông ấy.

Anh Nhỏ nói: Tôi đã suy tính, ở Hoa Nam trước mắt cũng có nhiều khó khăn, có thể đưa đi một số, còn nữa vẫn phải để ở đây và vẫn phải nhờ ông Hồ. Anh ở đây cần nhờ ông Hồ giúp anh em kiếm việc làm, mà nhất là giúp đỡ anh em về mặt sinh hoạt chính trị. Đồng thời phải tìm cách ổn định tư tưởng và chú ý theo dõi hành động của Hải. Việc ông Hồ muốn thành lập một tổ chức cách mạng để đăng ký với đương cục ở đây là một sáng kiến hay, anh có thể cứ bàn với Hải cùng giúp ông Hồ làm, nhưng phải đảm bảo là một tổ chức quần chúng có tính chất phản đế dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi cũng đã nói với Hải như vậy, anh không ngại.

Mấy ngày sau, anh Nhỏ rời Nam Kinh mang theo các anh Truật, Đại, Kỳ, Trinh, Đông A và Đỗ Đăng Trình. Thế là số người ông Hồ phải phụ đảm đã giảm đi một nửa. Tôi và mấy anh em khác còn ở lại Nam Kinh.


III. Sinh hoạt và đấu tranh ở Nam Kinh

Mùa đông đã đến, vấn đề trước tiên đặt ra cho chúng tôi là vấn đề nhà ở của anh em. Nguyên khi anh em ở Xiêm đến phải tạm xếp ở nhờ nhà một người bần nông ở thôn Tân Dân, đối diện với ấp Giang Môn gần ga Hạ Quan, cách nhà ông Hồ độ sáu, bảy cây số. Là một cái nhà có thể nói là dưới không phên, trên không tranh, mùa hè còn ở được, mùa đông thì không tài nào chống nổi rét. Tôi và anh Cáp mất hơn một tháng chạy khắp Nam Kinh để tìm nhà, cuối cùng tìm được một gian rẻ tiền ở trung tâm thành phố, cách nhà ông Hồ không xa lắm. Mỗi tháng vừa tiền nhà, tiền điện nước phải trả sáu đồng rưỡi.

Vấn đề nhà xong, lại đến vấn đề áo rét. Anh em ở xứ nóng đến, chẳng ai có áo rét cả. Tôi nghĩ nếu ở nhà ông Hồ thì thật là bất tiện, đành phải nói với Đặng Nguyên Hùng vay nó một ít tiền. Nó trả lời rằng: Mình làm gì có tiền mà cho vay. Nhưng hôm sau nó đưa cho bà Hồ Học Lãm ba chục bạc và nói có vẻ nhắn cho chúng tôi biết: Chúng nó là cộng sản, chúng nó đã hiểu câu “không lao động thì không được ăn”. Bây giờ tôi giúp chúng nó hai tháng, mỗi tháng 15 đồng, sau hai tháng nếu chúng nó không kiếm được việc làm thì mặc kệ, tôi không giúp nữa. Bà Hồ nhận tiền và kể lại câu nói đó với chúng tôi. Chúng tôi nói: Chúng tôi hết sức cảm ơn ông bà đã tận tình giúp đỡ chúng tôi. Cường Để không phải là cách mạng, được tin anh em bị trục xuất đến đây cũng còn gửi một trăm bạc để giúp đỡ. Còn thằng Đặng Nguyên Hùng ăn cơm cách mạng, rồi lại chửi cách mạng, chúng tôi không cảm ơn nó đâu.

Được tiền rồi, tôi và anh Cáp lại đi khắp Nam Kinh để mua áo. Mùa đông, áo rét tự nhiên là đắt, tiền không đủ; gần cuối mùa đông, áo rét hạ giá, mới mua được mấy chiếc áo cho anh em. Việt Nam có câu “đông the, hè đụp” nói lên sự trái ngược trong cuộc sống của những người cùng khổ. Lần này qua việc mua áo rét cho anh em mới thấy hết ý nghĩa của câu nói ấy.


*


Một hôm sau khi ăn cơm trưa, ông Hồ Học Lãm gọi Hải và tôi đến nói chuyện: Anh em chúng mình ở đây, nhiều người chưa có việc làm, sinh hoạt khó khăn, mà chính trị lại không có danh nghĩa. Danh không chính thì ngôn không thuận. Trước tôi đã bàn với các anh nên lập một tổ chức cách mạng đăng ký với Trung ương Quốc dân Đảng Trung Quốc ở đây, như vậy về danh nghĩa sẽ được hợp pháp, đồng thời chúng ta yêu cầu họ giúp đỡ, nếu họ giúp cho được như giúp bọn Vi Đăng Tường thành lập một biện sự xứ ở đây thì càng tốt. Vậy các anh đã bàn tính thế nào chưa?

Tôi và Hải trả lời: Việc này chúng tôi đã bàn với các anh em, thấy nếu làm được như vậy thì rất tốt. Chúng tôi dự định thảo một bản điều lệ đưa cụ xem, nếu cụ thấy được thì chúng ta có thể bắt tay vào hoạt động. Ông Hồ tươi hẳn nét mặt lên bảo: Thế thì các anh thảo ngay đi, thảo xong đưa mình xem, rồi chúng ta cùng làm.

Mấy ngày sau, Hải thảo xong bản điều lệ bằng tiếng Việt, tôi dịch ra tiếng Trung Quốc, nội dung gần giống như điều lệ của Phản đế đồng minh, nhưng lấy tên hội là Việt Nam độc lập đồng minh hội.

Ông Hồ xem xong khen tốt, nhưng quen theo kinh nghiệm Trung Quốc thì những tổ chức có tên dài thường hay ghi rõ cả cái tên gọi tắt, nên ông đề nghị sau chữ Việt Nam độc lập đồng minh hội nên viết thêm mấy chữ “gọi tắt là Việt Minh”.

Chúng tôi đồng ý và đưa ra ngay một kế hoạch hoạt động cụ thể mà chúng tôi đã trao đổi trước:

- Ông Hồ sẽ viết thư mời Nguyễn Hải Thần và một vài người ở Quảng Châu lên đại biểu cho Việt kiều ở Quảng Đông. Còn ở Nam Kinh thì:

- Hồ Học Lãm, Lê Thiết Hùng: Đại biểu Việt kiều ở Nam Kinh. Đặng Nguyên Hùng nếu tham gia thì vào nhóm Nam Kinh, không tham gia thì thôi;

- Lê Quốc Trụ, Từ Chí Kiên: Đại biểu Việt kiều ở Vân Nam;

- Đặng Văn Cáp và tôi: Đại biểu Việt kiều ở Xiêm;

- Hải: Đại biểu Việt kiều ở Pháp;

- Cao Hồng Lĩnh: Đại biểu đoàn thể trong nước.

Không bao lâu, điều lệ được sửa chữa hẳn hoi cả chữ Việt cũng như chữ Trung Quốc.

Nguyễn Hải Thần cũng đã mang một người Việt kiều họ Vi từ Quảng Châu lên. Chúng tôi đưa điều lệ cho Nguyễn Hải Thần xem và nói rõ mục đích yêu cầu như chúng tôi đã bàn. Nguyễn Hải Thần tán thành ngay và rất vui mừng, buột mồm nói một câu: Chúng ta làm thế này nhất định Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc sẽ phải giúp. Lập được Biện sự xứ, tôi sẽ ở đây hoạt động, không trở về Quảng Châu làm cái nghề xem số như trước nữa.


*


Đầu năm 1936, ông Hồ Học Lãm viết thư xin Trung ương Quốc dân đảng tiếp kiến. Ông Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Hải, Lê Quốc Trụ và tôi cùng đi. Đến trụ sở Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc, một đại biểu của Trần Lập Phu, Bộ trưởng Bộ tuyên truyền của Quốc dân đảng Trung Quốc lúc đó ra tiếp. Nghe trình bày xong, ông ta nhận văn kiện, hứa sẽ đăng ký và báo cáo với Bộ trưởng. Thế là việc thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội đã gặp thuận lợi bước đầu.

Cuộc hội nghị để tuyên bố thành lập Việt Minh được chuẩn bị gấp.

Qua việc giao thiệp, hội nghị được tổ chức tại phòng họp của Đảng bộ khu phố của Quốc dân đảng Trung Quốc. Tham dự cuộc họp về phía ta có ông Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần và những anh em khác độ 20 người. Về phía Trung Quốc có hai người đại biểu của Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc. Vi Đăng Tường đại biểu Biện sự xứ Việt Nam Quốc dân đảng ở Nam Kinh cũng được mời đến dự. Đặng Nguyên Hùng từ chối không tham gia.

Hội nghị bắt đầu bằng lời chào mừng của ông Hồ Học Lãm, rồi giới thiệu quá trình hoạt động của việc lập hội, việc Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc đã đăng ký điều lệ, rồi đọc điều lệ và tuyên ngôn thành lập. Đại biểu Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc [8] phát biểu ý kiến, đại ý tỏ vẻ hoan nghênh và có nhắc đến di chúc Tôn Trung Sơn là giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, nhưng trong cách trình bày vẫn lộ ra cái ý muốn nói Việt Nam trước kia là thuộc Trung Quốc. Vi Đăng Tường cũng phát biểu ý kiến. Hội nghị giới thiệu mấy người phụ trách [9] , đứng đầu là ông Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần và mấy người trong anh em chúng tôi. Cách tổ chức giản đơn như vậy, mục đích là cốt hợp pháp hóa thêm một bước về mặt chính trị của Việt Minh, mà thực chất là để hợp pháp hóa địa vị chính trị của anh em ta ở Nam Kinh trong lúc đó.

Để biểu thị sự hoạt động tích cực của Việt Minh, ông Hồ Học Lãm tự xuất tiền, ra một tờ tạp chí nhỏ bằng chữ Trung Quốc lấy tên là Việt Thanh, số lượng phát hành chỉ độ một trăm cuốn, cốt để gửi cho các cơ quan Quốc dân đảng Trung Quốc ở Nam Kinh, cũng có gửi cho Việt kiều ở Quảng Châu và Côn Minh độ vài chục cuốn.


*


Việc ông Hồ Học Lãm đứng ra lập Việt Minh là một việc có tác dụng rất quan trọng. Trên kia tôi đã nói về lai lịch của ông, nay nói thêm một vài điểm để thấy rõ cái tác dụng đó:

Sau khi phong trào Đông Du thất bại, ông Hồ Học Lãm ở Nhật về Trung Quốc, lặn lội nhiều nơi nhưng phần nhiều là ở gần cụ Phan Bội Châu cho đến lúc cụ bị bắt. Năm 1927, Tưởng Giới Thạch ra mặt phản cách mạng, các đồng chí chúng ta ở Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này ông ở Nam Kinh, sau xin được làm tham mưu ở Bộ Thanh mưu Tưởng Giới Thạch với cấp trung tá. Ông không tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội, mà cũng không tham gia Đảng cộng sản, nhưng các đồng chí ta mỗi khi gặp khó khăn nguy hiểm chạy đến tìm ông, ông biết là cộng sản nhưng vẫn che chở và giúp đỡ một cách tích cực.

Thí dụ năm 1930, đồng chí Tản Anh [10] lấy tên là Lê Bạt Quần đến Vân Nam hoạt động, bị bọn Vũ Hồng Khanh báo cho đương cục Vân Nam bắt. Ông biết tin, liền xin gặp Tổng tham mưu trưởng là Chu Bối Đức xin đánh điện cho Long Vân bảo tha. Chu Bối Đức nói: Thanh niên Việt Nam ở Trung Quốc hiện nay đều là cộng sản cả. Ông trả lời một cách thẳng thắn: Người Việt Nam chúng tôi đến Trung Quốc cốt là nhờ Trung Quốc giúp đánh Tây. Quốc dân đảng giúp thì họ theo Quốc dân đảng, Cộng sản đảng giúp thì họ theo Cộng sản đảng. Tôi không biết Lê Bạt Quần có phải là cộng sản không, nhưng tôi biết rõ anh ta là ở Nhật về, được ông Cường Để, một ông vua Việt Nam lưu vong ở Nhật giao phó nhiệm vụ, như vậy chắc chắn anh ta là một người yêu nước. Tôi xin Tổng tham mưu trưởng đánh điện cho Chủ tịch Long Vân yêu cầu tha cho anh ta. Chu Bối Đức ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: Ông nói cũng có lý. Vậy ông thảo bức điện, tôi sẽ cho gửi đi cho Long Vân. Ông Hồ thảo ngay bức điện, được Chu Bối Đức phê chuẩn rồi gửi đi. Đồng chí Tản Anh khỏi bị cầm tù và được trục xuất qua Miến Điện theo sự yêu cầu của đồng chí, sau một thời gian đồng chí đã tìm cách về Xiêm tiếp tục hoạt động cách mạng.

Lại thí dụ như năm 1933, đồng chí Đông A bị hiến binh bắt ở Nam Kinh, đồng chí khai là đến đây để tìm ông Hồ Học Lãm. Bọn hiến binh hỏi ông, ông nói: Người Việt Nam ở Trung Quốc biết tôi rất nhiều, nhưng tôi không biết họ, vậy phải cho tôi gặp mặt đã tôi mới trả lời được. Khi gặp đồng chí Đông A, ông không quen nhưng biết thật là người Việt Nam từ Vân Nam đến, ông cứ đảm bảo cho được tha và sau còn giúp cho vào học trường kỵ binh của Quốc dân đảng Trung Quốc.

Ông làm tham mưu cho Quốc dân đảng ở Nam Kinh đã tám năm, nhưng không được thăng chức, cứ vẫn là cấp trung tá. Có người bảo ông nên nhờ bạn đồng học đã làm quan to giới thiệu để được đề bạt. Ông trả lời: Tôi làm việc ở đây chẳng qua chỉ cốt kiếm cơm ăn để sống mà thôi. Có cơm ăn là được, “kẻ sĩ chẳng thà chịu chỗ ở nơi ngòi rãnh” [11] , chứ tôi không muốn nhờ ai đề bạt.

Lại như năm 1940, ông bị bệnh nặng nằm chữa ở bệnh viện Quế Lâm (Quảng Tây), bạn học của ông là Bạch Sùng Hy đến thăm, gọi Viện trưởng bệnh viện ra bảo phải hết sức cứu chữa cho ông, dù phải dùng thứ thuốc quý mấy cũng cứ dùng, hết bao nhiêu tiền do tôi (Bạch Sùng Hy) phụ trách. Ông cảm ơn Bạch và nói: Cách mạng Việt Nam lúc này đang cần được giúp đỡ, ông là một nhân vật lớn, tôi mong ông giúp cách mạng Việt Nam, còn cá nhân tôi thì những đồng học khác giúp cũng đủ.

Ông không phải là cộng sản. Ông là một người nho học, nhưng đã thực hành đúng mặt tích cực của một số giáo điều của đạo Nho như “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”, “lễ, nghĩa, liêm, sỉ, nhân, ái” v.v … và ông đã giúp Đảng ta và các đồng chí chúng ta rất nhiều.

Ông không phải là cộng sản, điều này Quốc dân đảng Trung Quốc biết rõ trăm phần trăm. Ông đứng ra lập Việt Minh trong lúc này đối với chúng ta mà nói là một sự che chở rất có hiệu lực.

Nhưng thời gian chúng tôi vận động thành lập Việt Minh, cũng là thời gian Tưởng Giới Thạch đang chống Cộng một cách ác liệt; mặc dầu phong trào đòi chống Nhật đang lan tràn khắp Trung Quốc, nhưng khẩu hiệu phản dộng của chúng là “Tiên yên nội, hậu nhương ngoại”, hành động của chúng là thà giết oan một trăm người còn hơn bỏ sót một tên cộng sản. Riêng ở Nam Kinh, thì Vũ Hoa Đài, nơi thường xử bắn những người cộng sản, luôn luôn có tiếng súng nổ. Đã vậy, mà trong đám Việt Nam với nhau, những người tố cáo chúng tôi là cộng sản không phải là không có. Vi Đăng Tường căm thù chúng ta đã lôi kéo mấy người “đồng chí” của hắn; Đặng Nguyên Hùng đã mưu toan chia rẽ chúng ta mấy lần đều thất bại nên cũng hết sức căm thù. Bọn này chính là bọn cung cấp tình báo cho Quốc dân đảng Trung Quốc để phá hoại Việt Minh. Vì vậy, tờ Việt thanh chỉ ra được ba bốn số, ông Hồ Học Lãm hết tiền phải đình bản; Nguyễn Hải Thần tuy tích cực chạy vạy hết chỗ này đến chỗ khác đều không có kết quả, cuối cùng phải đưa người Việt kiều họ Vi cùng về Quảng Đông. Thế là mọi hoạt động đình chỉ. Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh hội chỉ nằm trong sổ đăng ký của Văn phòng Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc mà thôi.

Nhưng sau đó bốn năm, cuối năm 1940, tình hình cách mạng đã thay đổi, được sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Biện sự xứ hải ngoại của Việt Minh được thành lập ở Quế Lâm, ông Hồ Học Lãm là Chủ nhiệm, anh Phạm Văn Đồng là Phó chủ nhiệm. Hội Trung–Việt văn hóa cách mạng đồng chí được thành lập, ông Hồ Học Lãm và anh Đồng đều tham gia Ban lý sự với tư cách là chánh, phó Chủ nhiệm Việt Minh, thì cái tên Việt Minh mới nổi bật lên và cái tác dụng tích cực của nó mới được phát huy một cách thích đáng.

Việc Quốc dân đảng Trung Quốc không giúp đỡ cách mạng Việt Nam là việc mà chúng tôi đã lường trước. Vì vậy trong khi hoạt động, chúng tôi vẫn luôn luôn nghĩ đến việc tìm kiếm việc làm cho anh em.

Một hôm, chúng tôi bảo anh Đức nói chuyện riêng với Đặng Nguyên Hùng, yêu cầu hắn giúp tìm việc làm. Thấy anh Đức khù khờ, tưởng có thể lôi kéo được, hắn nhận sẽ giúp, nhưng đề ra mấy điều kiện rất đểu cáng. Anh Đức báo cáo lại với chúng tôi, mọi người nghe đều căm tức, nhất trí quyết định phải vạch mặt hắn cho mọi người thấy rõ.

Một buổi tối sau Tết âm lịch, ở tầng dưới nhà ông Hồ Học Lãm anh em đã đến đông đủ. Nguyễn Hải Thần lúc đó chưa về Quảng Đông cũng có mặt. Kế hoạch đã định. Chúng tôi phái một người lên tầng trên mời ông Hồ và nhờ ông gọi Đặng Nguyên Hùng cùng xuống, anh em có việc muốn nói. Ông Hồ xuống thấy anh em đông đủ tỏ vẻ vui mừng, Đặng Nguyên Hùng thấy anh em đông đủ có vẻ lấm lét, nhưng làm ra vẻ bình tĩnh, hắn cũng ngồi xuống.

Anh Đức phát ngôn trước:

Thưa cụ Hồ, cụ Nguyễn và tất cả mọi người! Anh em chúng tôi ở đây đã lâu, không kiếm được việc làm, cứ phải nhờ vào cụ Hồ mãi, chúng tôi rất lấy làm khó coi. Mới rồi, tôi có nhờ ông Đặng Nguyên Hùng giúp tìm việc làm. Ông ấy nhận sẽ giúp, nhưng đề ra mấy điều kiện như sau:

  1. Nếu bằng lòng thì ở với ông ấy, phụ trách làm cơm nước, giặt quần áo và quét dọn nhà cửa. Sẽ ăn cơm của ông ấy, nhưng phải ăn riêng.

  2. Mỗi tháng ông ấy sẽ trả hai đồng bạc công, nhưng không lấy ngay từng tháng, mà cứ để ông ấy giữ, lúc nào đi đâu, ông ấy sẽ tính đưa cả cho một lúc.

  3. Ở với ông ấy thì không được xem sách báo và đi lại với anh em.

  4. Ông ấy còn nói rằng, trước mặt chưa đến ở với ông ấy ngay, mà phải chờ đến khi nào anh em rời Nam Kinh thì tôi sẽ lấy cớ gì đó xin ở lại, sau mới đến ở với ông ấy, để cho ông ấy khỏi mang tiếng chia rẽ. Thật là những điều kiện sỉ nhục. Không ở với ông ấy thì cứ phải nhờ vả cụ Hồ mãi, mà ở với ông ấy thì phải bỏ anh em, bỏ cách mạng. Xin hai cụ và anh em cho ý kiến nên xử trí như thế nào?

Đặng Nguyên Hùng đứng phắt dậy nói ngay: Mày đã mửa hết chưa? Những điều tao nói với mày, tao có thể nói với cả thiên hạ.

Nói xong, hắn định chuồn, nhưng anh Cáp, anh Lộc, anh Văn đã đứng ngáng trước cánh cửa đã khép và nhìn chằm chằm vào mặt hắn. Hắn ngồi im không dám động.

Theo sự phân phối trước của anh em, một người đứng dậy nói:

Anh Đặng Nguyên Hùng! Những điều anh nói với cách mạng anh dám nói với cả thiên hạ, còn những điều anh nói với mật thám, với đế quốc, không biết anh có dám nói với thiên hạ không? Chắc anh phải giấu kín. Hôm nay nhân có hai cụ và anh em đông đủ ở đây, tôi phải nói rõ để mọi người khỏi nhầm.

Anh cùng xuất dương qua Xiêm với nhiều người [12] , người ta đều làm cách mạng, còn anh thì trốn tránh, luồn lọt để được đi học với lý do học được nhiều kiến thức sẽ giúp dân giúp nước được nhiều hơn. Nhưng anh đã đi học ở một trường đạo Cơ đốc của Mỹ, rồi về tuyên truyền đạo Cơ đốc, và anh đã viết thư cho toàn quyền Đông Dương xin về đầu hàng. Toàn quyền Đông Dương trả lời bắt anh phải lập công chuộc tội, thế là anh nhận làm mật thám cho thằng Đỗ Hùng, lãnh sự của Pháp ở Băng-cốc, mỗi tháng lĩnh năm mươi đồng bạc Xiêm. Khi anh tốt nghiệp trường lục quân của Xiêm được làm chuẩn úy đóng ở Khôn-quảng thuộc tỉnh U-đon, anh đã bí mật đưa tin về tình hình cách mạng Việt Nam cho Pháp. Việc bại lộ, anh thấy ở Xiêm không làm ăn được nữa, phải chạy qua Trung Quốc, lại lừa cụ Hồ xin việc cho anh.

Việc làm của anh, chúng tôi thấy rõ như nhìn vào bàn tay của mình, nhưng chúng tôi tưởng anh đã xa rời địch và yên phận làm ăn thì thôi, không nói làm gì nữa. Ai ngờ anh cứ tiếp tục hoạt động chống cách mạng: Lúc anh em ở Xiêm mới bị trục xuất đến, anh chắc rằng họ sẽ oán trách cách mạng, nên đã nói xấu cách mạng và bị anh em phản kích lại. Lúc anh gặp mấy anh em Vân Nam, anh chắc rằng họ không ủng hộ cách mạng, nên đã tìm cách lôi kéo và bị các anh ấy vạch mặt. Anh giúp cụ Hồ ba chục bạc để mua áo rét cho anh em, anh đã nói những câu rất lếu láo, mà chúng tôi không thèm trả lời lại. Đến lần này, anh Đức nhờ anh kiếm việc, anh lại đưa ra mấy điều kiện rất đểu cáng. Anh tưởng như vậy có thể làm nhục được người cách mạng chăng? Không đâu! Như vậy anh chỉ tự làm nhục anh mà thôi. Tôi khuyên anh từ nay cứ yên phận làm ăn, đừng giở những trò dơ bẩn ấy ra nữa.

Người nói vừa dứt lời, Đặng Nguyên Hùng thấy cánh cửa đã mở, có thể thoát thân được, liền nói gượng một câu: “Tôi không thèm nghe chuyện các anh”, rồi lách cánh cửa, cút thẳng lên gác.

Nguyễn Hải Thần cúi mặt không nói một câu.

Ông Hồ Học Lãm lắc đầu, nhìn hút theo cái bóng đen của hắn tỏ vẻ khinh bỉ.

Kế hoạch xin việc làm không có kết quả, anh em vẫn phải dựa vào sự giúp đỡ của ông Hồ Học Lãm trong điều kiện rất túng bấn, vậy cần phải sắp xếp thế nào cho thật hợp lý để giảm nhẹ phần phụ đảm cho ông Hồ được chừng nào hay chừng ấy. Chúng tôi đi tìm một gian nhà nhỏ cho ông Hồ ở Nhị Lang Miếu, đồng thời xếp anh Văn đến nấu cơm ở đó. Như vậy, ông Hồ sẽ bớt được một số tiền thuê nhà và người phục vụ. Hai anh em Vân Nam còn ở lại đã đi làm thợ giặt ở một hiệu giặt quần áo của người Hoa kiều từ trước rồi. Còn sáu người nữa là Hải, Cáp, Đức, Lộc, Luận và tôi thì tập trung ở gian nhà nhỏ mới thuê được trong mùa rét vừa qua. Thế là gánh nặng của ông Hồ bớt đi được thêm một phần và cách ăn ở của anh em được xếp đặt hợp lý hơn trước. Về việc này, đối với chúng tôi thì nghĩ như thế, nhưng đối với Hải thì lại khác. Số tiền được ông Hồ và Lê Thiết Hùng giúp lúc này mỗi tháng là hai mươi đồng, nhưng đã phải trả mất sáu đồng rưỡi tiền nhà và tiền điện nước, còn mười ba đồng rưỡi là tiền ăn của sáu người, thì mức sống nhất định là thấp. Hải là người thích ăn chơi, lại ở trong hoàn cảnh như thế, anh ta cũng phải tự kiềm chế một phần nào, nhưng vẫn thường thường tránh anh em đi ăn riêng ở ngoài, và thường thường tỏ vẻ bất mãn.

Vào khoảng tháng tám là tháng nóng nhất ở Nam Kinh, vừa nóng nực, vừa kham khổ, Hải không thể chịu được nữa, phải nói thật với chúng tôi là hắn muốn đi Thượng Hải và xin được giúp đỡ. Chúng tôi đồng ý và nói riêng với ông Hồ giúp cho hắn 15 đồng để đi.

Sau này được biết, hắn đến Thượng Hải dạy nhảy cho các cô gái nhảy ở hộp đêm. Năm 1937, xem báo trong nước thấy hắn bị bắt và bị kết án mười năm khổ sai, mười năm cầm cố. Tội nặng như thế, chắc là vì bức thư viết cho Pasquier ở Hương Cảng từ hồi năm 1935.




[1]tức Trụ đen
[2]tức Long Cong
[3]Hoàng Sâm
[4]tức Hà Huy Tập
[5]Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xiêm lúc đó gọi tắt là Xiêm ủy
[6]ý muốn chỉ các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng
[7]quan toàn quyền Đông Dương lúc đó
[8]thực sự là người phụ trách của Đảng bộ khu phố
[9]giới thiệu chứ không bầu cử, xem như việc đã rồi
[10]quê ở huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, tên thật là Lê Hồng Sơn
[11]dịch nghĩa câu chữ Hán trong sách Mạnh Tử: “Sĩ ninh tử ư câu hác”
[12]hắn xuất dương cùng một thời gian với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu

Nguồn: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, tháng 7.1986. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.