© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.10.2005
Hoàng Văn Hoan
Giọt nước trong biển cả
(Hồi ký cách mạng) 16 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
IV. Mất mối liên lạc với Xiêm ủy, ở lại Trung Quốc

Vào khoảng cuối tháng chín năm 1936, anh Phùng Chí Kiên, người phụ trách việc liên lạc của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng, gửi tiền và viết thư cho tôi gọi đi Hương Cảng.

Đến đó, anh chuẩn bị cho một chỗ ở chung với một gia đình công nhân, phải góp tiền nhà mỗi tháng bốn đồng. Dẫn đến giới thiệu với chủ nhà xong, anh dắt tôi đi ăn cơm và nói chuyện:

Mới rồi, Xiêm ủy thông tri cho biết ở đó đang bị khủng bố nặng, phần nhiều cơ sở Việt kiều ở Đông Bắc bị phá vỡ, cán bộ chủ chốt bị bắt hầu hết, đề nghị chúng tôi xếp cho anh về Xiêm ngay. Bây giờ chỉ chờ giao thông ở Xiêm đến là anh có thể đi. Chỗ anh ở hiện nay là nhà một người công nhân tốt, nhưng anh phải ra vẻ là một người thất nghiệp đang chờ xin việc làm, vì chúng tôi đã nói với họ như thế.

Để ra vẻ là người đi xin việc, cứ mỗi ngày sáng dậy là tôi phải đi, trưa mới về, nghỉ độ vài ba giờ, rồi chiều lại đi, có bữa đến chín mười giờ tối mới về. Thỉnh thoảng gặp anh Phùng Chí Kiên một lần, đều nói chưa có tin tức. Cứ chờ như thế độ khoảng hơn một tháng, vẫn không có tin tức gì cả, anh Phùng Chí Kiên nói ở đây chờ lâu quá không nên, anh hãy về Nam Kinh đã. Tôi nói nếu còn chờ đợi tin tức bên Xiêm, thì tốt hơn là cho tôi về Quảng Châu để hễ có tin tức của Xiêm ủy là thu xếp việc đi Xiêm được nhanh chóng. Anh Phùng nói mới rồi chúng tôi đã gọi đám anh Cáp ở Nam Kinh về Quảng Châu mấy người chưa biết sắp xếp công việc đã ổn chưa, nếu anh về nữa chắc sẽ thêm khó khăn. Hiện nay ở Nam Kinh còn anh Văn, anh nên về Nam Kinh giúp đỡ anh ấy.

Thế là tôi lại về Nam Kinh.

*


Đến Nam Kinh, vừa khéo gặp dịp Giao thông binh đoàn đang có kỳ thi để tuyển thêm học binh, tôi liền nhờ anh Lê Thiết Hùng giới thiệu cho vào Giao thông binh đoàn để học nghề lái xe. Vào Giao thông binh đoàn rồi phải theo đơn vị đi tập kết và huấn luyện ở Vu Hồ, tỉnh An Huy. Được độ hai tháng, thì nhận được điện của ông Hồ Học Lãm gọi về Nam Kinh, bụng bảo dạ rằng có lẽ có tin tức gì từ Hương Cảng. Nhưng khi về Nam Kinh gặp ông, thì ra ông đã xin cho được việc làm “tư thư” ở Bộ Tham Mưu nơi mà ông đang làm tham mưu ở đó. Tư thư là một chức vụ chuyên làm việc sao chép; lúc mới vào, đóng cấp chuẩn úy, sau vài tháng được lên cấp thiếu úy, lương mỗi tháng hơn ba mươi đồng. Thế là về mặt sinh hoạt đã có thể tự túc.

Ở Trung Quốc từ năm 1931, Nhật chiếm Đông Bắc lập ra Mãn Châu quốc, phong trào chống Nhật ngày càng lên cao. Nhất là từ cuối năm 1935, Hồng quân hoàn thành thắng lợi cuộc Vạn lý trường chinh. Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra khẩu hiệu “Đình chỉ nội chiến, đoàn kết chống Nhật” lại càng được nhân dân ủng hộ mạnh. Ở Thượng Hải, các ông Thẩm Quân Nho, Trâu Thao Phấn, Sa Thiên Lý, Vương Tạo Thời, Chương Nại Khí, Lý Công Phác và bà Sử Lương công khai tuyên truyền liên Cộng chống Nhật, bọn Tưởng bắt giam, buộc tội là thân Cộng, về đưa ra xử án tại Tô Châu. Vụ án này, nhân dân gọi là vụ án “bảy quân tử”. Trong phiên tòa xứ án, một người quân tử đã nói: Người cộng sản ăn cơm, chúng ta cũng ăn cơm, sao người cộng sản biết chống Nhật, mà chúng ta lại không biết chống Nhật. Trong hàng ngũ của Tưởng Giới Thạch cũng có sự phân hóa sâu sắc. Tháng 12 năm 1936, Trương Học Lương bắt Tưởng Giới Thạch ở Tây An, đòi phải cam kết chống Nhật, và Tưởng cũng đã cam kết rồi mới được tha.

Tuy vậy, Nam Kinh vẫn là một chỗ rất đen tối, sách báo tiến bộ hầu như không lọt vào được, ngay ở đó có cuộc biểu tình của hàng vạn học sinh và sinh viên, mắt mình trông thấy rõ ràng, nhưng các báo Nam Kinh không đăng lấy một chữ! Chỉ thỉnh thoảng được đọc tờ Thế giới tri thức và một vài tờ báo tiến bộ xuất bản ở Thượng Hải thì mới biết rõ tình hình thế giới và sự phát triển về văn hóa và tư tưởng tiến bộ ở Trung Quốc trong lúc đó.

Tháng 7-1937, quân Nhật bịa chuyện một người lính Nhật mất tích, kéo quân đến Lư Câu Kiều, uy hiếp thành phố Bắc Kinh. Dưới sức ép của nhân dân, Tưởng Giới Thạch phải tuyên bố kháng chiến. Nhưng tháng 8 năm 1937, quân Nhật chiếm Thượng Hải, rồi phá vỡ pháo đài Giang Âm, Tưởng Giới Thạch liền quyết định bỏ Nam Kinh. Chính phủ và các cơ quan khác đều dời đi Trùng Khánh, riêng Bộ Tham mưu bấy giờ đổi tên là Bộ Quân lệnh, thì dời đi Vũ Hán. Tôi là tư thư trong Bộ Quân lệnh, tự nhiên là phải đi theo cơ quan đến Vũ Hán.


*


Ở Vũ Hán, công việc sao chép tăng lên rất nhiều, viết giấy bản bằng bút lông, viết giấy than bằng bút chì, viết giấy sáp bằng bút sắt, văn kiện hàng đống, có khi viết không kịp. Phải làm việc cả ban đêm, rất mệt nhọc. Nhưng có một điều thú vị là sau khi Thượng Hải mất, Vũ Hán đã trở thành nơi trung tâm văn hóa của Trung Quốc. Nhiều nhân sĩ và người làm công tác văn hóa tiến bộ đều tập trung ở đây. Dưới hình thức “Quốc - Cộng liên hợp”, bọn Quốc dân đảng không thể không cho các báo và các hiệu sách của Đảng cộng sản và của những người có xu hướng chính trị tiến bộ ra mắt quần chúng. Vi vậy, mỗi ngày, ăn cơm trưa xong, tôi đều đến tiệm nước chè, mua một tờ Tân hoa nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa uống nước vừa đọc báo, đọc cho kỳ hết; ăn cơm tối xong lại đến Tân Hoa thư điếm hoặc Sinh Hoạt thư điếm tìm sách xem, xem xong thấy quyển nào cần đọc kỹ lại thì mua một quyển. Thời kỳ này, tôi đọc được khá nhiều sách, nên đối với tình hình thế giới, đối với tiền đồ của cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc đã hiểu được rõ hơn, đối với chính trị kinh tế học, triết học và các thường thức về khoa học xã hội, đối với chủ nghĩa Mác –Lê-nin đều có những thu hoạch nhất định.

Mùa hè năm 1938, vào khoảng tháng sáu, anh Phùng Chí Kiên đến Vũ Hán, cho biết sự liên lạc với Đảng Xiêm đã hoàn toàn dứt hẳn. Anh bàn với tôi sẽ đi gặp đồng chí Diệp Kiếm Anh để thông báo về việc Trần Báo và giới thiệu anh Văn và tôi đi học ở Diên An.

Trần Báo khi ở Xiêm tên gọi là Choắt, chuyên làm việc phiên dịch cho các đồng chí ta ở trong Xiêm ủy. Năm 1934, được phái đi gặp các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng để báo cáo công tác, nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ mà lại còn tham ô tiền Đảng. Năm 1937, các đồng chí cán bộ ta ở Xiêm đều bị bắt, hắn ở Băng-cốc càng lăng nhăng, Xiêm ủy phái hắn đưa bốn chục thanh niên Hoa kiều về nước tham gia Tân tứ quân. Nhưng hắn đã bỏ anh em ở Hương Cảng rồi đi lung tung, anh em chờ mãi, hết tiền ăn, phải kéo nhau về Quảng Châu, có người bất đắc dĩ phải xin gia nhập quân đội Dư Hán Mưu, đã không được kháng chiến mà còn bị đối xử theo kiểu phát xít. Năm 1938, hắn đến Hán Khẩu gặp đồng chí Diệp Kiếm Anh, khoe là Hoa kiều ở Xiêm về nước kháng chiến, được đồng chí Diệp Kiếm Anh tiếp đãi tử tế, và có đưa cho hắn một cái danh thiếp, nên sau đó hễ gặp các đồng chí là hắn đưa danh thiếp của đồng chí Diệp Kiếm Anh ra khoe khoang.

Anh Phùng Chí Kiên kể tất cả lai lịch và hành động của Trần Báo cho đồng chí Diệp Kiếm Anh nghe, và đề nghị chú ý hắn. Tiếp đó, nói đến chuyện giới thiệu anh Văn và tôi đi học ở Diên An. Đồng chí Diệp Kiếm Anh tỏ lời hoan nghênh và nói sẽ giao cho đồng chí Trần Gia Khang gặp chúng tôi để bàn cụ thể.

Sau mấy lần bàn bạc với đồng Trần Gia Khang, tôi xin thôi việc tư thư ở Bộ Quân lệnh và đưa anh Văn đến cùng nằm chờ ở Biện sự xử Bát lộ quân, đóng ở Đại Thạch Dương Hàng. Nằm chờ độ hơn hai tuần, các đồng chí Bát lộ quân cho biết hiện nay đường đi có trắc trở, không thể đi được. Thế là chúng tôi phải tìm cách ra khỏi Biện sự xứ, anh Văn lại về Giao thông binh đoàn với anh Lê Thiết Hùng, tôi đi Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, ở với ông Hồ Học Lãm.


*


Nguyên khi Bộ tham mưu của Tưởng bỏ Thủ đô Nam Kinh thì chúng cũng bỏ cả ông Hồ Học Lãm bằng cách phong cho ông cái chức gọi là “Lưu thủ chủ nhiệm”. Lưu thủ chủ nhiệm nghĩa là ông chủ nhiệm phải ở lại để giữ cơ quan! Ông Hồ thấy rõ cách đối xử hèn mạt của chúng, nên trước khi Nam Kinh bị Nhật chiếm, ông đã đưa cả gia đình với anh Văn đi Vu Hồ, thuộc tỉnh An Huy, gửi lại ở chỗ anh Lê Thiết Hùng, còn ông thì đi Trường Sa, xin làm tham mưu ở Quân quản khu do Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Nam Trương Trị Trung kiêm làm tư lệnh.

Trường Sa lúc này bình yên và náo nhiệt. Một số người tiến bộ tập hợp lại ở đó, thường mở các buổi diễn giảng về thời sự và các vấn đề có liên quan đến kháng chiến. Nếu diễn giảng đúng vào buổi tối thì tôi cũng đi nghe, vì ban ngày phải ở nhà đi chợ và nấu cơm cho ông Hồ Học Lãm.

Đùng một cái, được tin Quảng Châu mất, rồi Cửu Giang, Vũ Hán cũng mất nốt. Tình hình Trường Sa trở nên căng thẳng, dân chúng nháo nhác ngoài đường phố, hàng quán phần nhiều đóng cửa, các cơ quan lại dọn chạy.

Sáng sớm ngày 12-11-1938, hai chiếc thuyền lớn do Quân quản khu trưng dụng để chở nhân viên đi tản cư, trong đó có ông Hồ Học Lãm, Trần Báo và tôi, bắt đầu rời bến, thì Trường Sa bốc cháy, khói lửa nghi ngút, máy bay Nhật bay liệng trên bầu trời.

Thuyền đến Tương Đàm, dân chúng cũng nhớn nhác chạy loạn như ở Trường Sa, trên bến không có người khuân vác. Tôi ngồi ở bến trông nom ông Hồ Học Lãm đương ốm. Trần Báo đi vào phố tìm mãi mới thuê được một chiếc kiệu để khiêng ông Hồ với một số đồ đạc cần thiết và rất nhẹ, còn bao nhiêu thì không quản nữa, vứt bỏ cả ở bãi bến.

Đi bộ độ mười ngày đến huyện Tân Hóa ở dọc đường, đọc báo mới biết Trường Sa không phải đã bị Nhật chiếm, mà vì tụi Hán gian phao tin Nhạc Dương [1] mất, nên “Ủy ban bảo vệ Trường Sa”, trong đó có vị tư lệnh Vệ Tuất và vị cảnh sát trưởng đã hạ lệnh “tiêu thổ” để chạy trốn. Lần cháy này làm chết năm vạn dân, và thiêu trụi không biết bao nhiêu là tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Mấy tên Hán gian hạ lệnh “tiêu thổ” đã bị xử tử.

Lại đi bộ hơn mười ngày nữa mới đến huyện Nguyên Lăng, phía tây tỉnh Hồ Nam, trên đường ô-tô đi Quí Dương. Ở đây chúng tôi gặp đơn vị Giao thông binh đoàn mà anh Lê Thiết Hùng là tiểu đoàn phó, trong đó có nhiều người trước đã biết ông Hồ Học Lãm. Vì vậy mà chúng tôi có thể đi nhờ xe của họ từng chặng, từng chặng một để di chuyển dần về hậu phương xa hơn.


*


Trên các chặng đường, Hoàng Bình thuộc tỉnh Quí Châu là chỗ mà chúng tôi dừng khá lâu, vì ở đây yên tĩnh, ông Hồ có thể nghỉ để bồi dưỡng sức khỏe sau trận ốm. Thời gian ở đây, chúng tôi vẫn liên hệ thân mật với một số cán bộ trong tiểu đoàn của anh Lê Thiết Hùng, trong đó có hai anh trung đội trưởng tiến bộ, thường mang theo một số sách chính trị để đọc, nhưng có những quyển có một số chữ mà các anh không hiểu nghĩa, phải cầu cứu đến chúng tôi. Đó là những quyển sách nói về chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Số là sau khi Tưởng Giới Thạch tuyên bố chống Nhật, việc Quốc –Cộng hợp tác đã thành hình, những nhà xuất bản cánh tả đã tìm một số chữ mới, thay thế những chữ có thể chọc mắt Quốc dân đảng, để thuận lợi cho việc phát hành. Thí dụ như lấy chữ Y-lý-kỳ (đọc âm là Y-li-xi) hoặc lấy chữ Ô-lý-ngang-nặc-phu (đọc âm là U-li-ang-nốp) thay cho chữ Lê-nin. Lấy chữ Kha-nhĩ (đọc âm là Kha-rơ) thay cho chữ Mã-khắc-tư. Lấy chữ Bố-nhĩ-kiều-á (đọc âm na ná là Buốc-gioa) thay cho chữ tư sản giai cấp. Lấy chữ Phố-la-liệt-đáp-lợi-á (đọc âm na ná là Prô-lê-ta-ri-a) thay cho chữ vô sản giai cấp, v.v…Với trình độ tốt nghiệp trung học vùng Tưởng chiếm, họ không thể hiểu được những chữ đó.

Lại có một anh trung đội trưởng khác, trình độ thấp hơn, vì yêu một cô giáo tiến bộ ở nông thôn, mỗi lần gặp nhau, cô ta đều dặn mua cho mấy quyển sách chính trị. Nếu anh mua sách cho người yêu, mà mình không hiểu gì cả, nhỡ nó hỏi thì sao? Anh ta phải cố gắng học trước, chỗ nào không hiểu phải hỏi cặn kẽ để nắm chắc. Đó cũng là một cơ hội để chúng tôi giúp đỡ anh ta về mặt lý luận và nhận thức cách mạng.

Chỉ trong thời gian vài tháng, chúng tôi đã lôi kéo được các anh ấy thành những người có cảm tình với Đảng cộng sản, trong đó có anh Xì Khuân tỏ rõ ý muốn đi Diên An. Vì vậy, trong dịp gặp Bác Hồ, chúng tôi đã báo cáo với Bác, và Bác đã giới thiệu anh ấy với Biện sự xứ Bát lộ quân ở Quí Dương. Sau ngày Trung Quốc giải phóng, anh Xì Khuân có dịp liên hệ được với chúng tôi, mới biết rằng chúng tôi là người cộng sản Việt Nam.

Sau khi sức khỏe ông Hồ Học Lãm đã được bình phục, lại nhân có chuyến xe đi nhờ được, tôi đưa ông Hồ đi Quí Dương, thủ phủ tỉnh Quí Châu. Theo sự giới thiệu của mấy anh em Vân Nam, khi đến Quí Châu chúng tôi ở nhà Vũ Hồng Khanh, một người đã từng lấy danh nghĩa Việt Nam Quốc dân đảng hoạt động ở Vân Nam, sau vì việc giết người và tống tiền, bị đương cục Vân Nam trục xuất, đã đưa gia đình và một số thanh niên Việt kiều đến định cư ở đó.

Vũ Hồng Khanh vốn đã được nghe tiếng ông Hồ từ lâu, nay được gặp, thấy là một người hiền lành, đạo mạo và khiêm tốn, y rất phục. Tôi đi theo ông Hồ, tự nhận là cháu, nên y cũng tin là một người cách mạng quốc gia. Chuyện trò khá mặn mà, hứa hẹn sau này về Côn Minh sẽ cùng nhau bàn bạc công tác vận động Việt kiều ở Vân Nam. Ở nhà Vũ Hồng Khanh không đầy một tháng, nhưng đã gây được ấn tượng tốt với mọi người trong nhà và mấy anh thanh niên Việt kiều theo Vũ Hồng Khanh từ Côn Minh đến.

Đầu năm 1939, nhân dịp có xe đi Côn Minh (Vân Nam), tôi bàn với ông Hồ Học Lãm để tôi đi về trước. Ông đồng ý. Thế là tôi đi Côn Minh, cùng với các đồng chí ta ở đó tiếp tục hoạt động cách mạng.


Giai đoạn thứ hai

Từ Côn Minh đến Pác Bó (1939-1942)


Giai đoạn này kể từ khi đến Côn Minh đầu năm 1939 cho đến khi rời Trung Quốc về Pác Bó cuối năm 1942. Những hoạt động trong thời gian này sẽ được trình bày qua các mục nhỏ sau đây:


Bốn mục trên trước đã phát biểu ở cuốn Đầu nguồn do Nhà xuất bản Văn học Hà Nội phát hành năm 1975, nay vẫn giữ nguyên, nhưng mỗi mục có thêm một đề mục nhỏ để thống nhất cách trình bày trong toàn phần.


I. Tình hình và công tác ở Côn Minh

Đầu năm 1939, sau Tết âm lịch độ một tháng, chia tay với ông Hồ Học Lãm, tôi đi từ Quí Dương đến Côn Minh. Đến nơi các đồng chí đã xếp cho ở nhà anh Tống Minh Phương, một gia đình được giác ngộ cách mạng và theo Đảng từ năm 1936. Tập làm thợ may ở đó một thời gian, rồi đi may ở một hiệu may nhỏ để vận động đám thanh niên thợ may Việt kiều. Sau xin vào làm thợ ở Xưởng chữa ô-tô Stai để vận động công nhân, nhưng chỉ được vài tháng thì xưởng biết là cách mạng, bị đuổi ra khỏi xưởng. Từ đó, khi thì ở chỗ anh Tống Minh Phương, khi thì ở chỗ anh Đỗ Đăng Trình; sau anh Phùng Chí Kiên đến tổ chức Ban hải ngoại và xếp được chỗ ở làm cơ quan bí mật để in tài liệu tuyên truyền, thì tôi thường ở chỗ anh Phùng Chí Kiên.

Cần phác qua một vài nét chính về tình hình và công tác ở Côn Minh của các đồng chí chúng ta trong lúc đó:

Côn Minh là thủ phủ tỉnh Vân Nam, thuộc khu Tây Nam Trung Quốc. Theo điều ước bất bình đẳng Mãn Thanh ký với đế quốc Pháp năm 1885, công ty xe lửa Pháp đã xây dựng con đường xe lửa chạy suốt từ Hà Nội qua Lào Cai, Hà Khẩu, đến Côn Minh. Tất cả người Việt Nam làm việc trên xe lửa cũng như ở các ga đều là công nhân viên chức do công ty trả lương và điều khiển, đương cục Trung Quốc không được đụng chạm đến.

Ở Côn Minh, người Pháp có lãnh sự quán, có đài vô tuyến điện, có bệnh viện riêng và một xưởng sửa chữa xe ô-tô là Stai. Số người Việt Nam qua Vân Nam ở trên các thị trấn đọc đường xe lửa có độ hơn hai nghìn, làm các nghề tự do như cắt tóc, thợ may và một số nghề lặt vặt khác, đều là bà con của các công nhân viên chức của công ty xe lửa, đều thuộc quyền trị ngoại của lãnh sự Pháp.

Năm 1929, Nguyễn Thế Nghiệp tranh địa vị lãnh tụ Quốc dân đảng với Nguyễn Thái Học không được, mật thám đã bố trí cho chạy qua Vân Nam. Ở đây hắn đã câu kết với một tên Việt kiều mật thám của Quốc dân đảng Trung Quốc là Nguyễn Kim Ngữ và một tên xếp-tanh tay chân của Pháp, “bí mật hoạt động” trong giới công chức Việt kiều. Năm 1930, sau khi cuộc Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Vũ Hồng Khanh lại từ trong nước chạy ra, nhập bọn với Nguyễn Thế Nghiệp. Được sự cho phép ngầm của đế quốc Pháp, và sự “giúp đỡ” của đương cục Trung Quốc, chúng đã tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng, đưa vào một số lưu manh làm cốt cán để uy hiếp và lừa dối quần chúng. Trụ sở Việt Nam Quốc đảng được lập ở nhiều nơi trong tỉnh Vân Nam. Tại Côn Minh, chúng còn có một cái hội quán, nói cho đúng là một cái ổ để cho cốt cán của chúng qua lại, còn các tên “lãnh tụ” như Nguyễn Thế Nghiệp, Vũ Hồng Khanh thì đều dựa vào sự quyên góp của kiều bào và sự tống tiền để tiêu xài một cách trụy lạc ở khách sạn. Một người quần chúng biết chuyện đem nói lại với bà con, chúng liền gọi đến hội quán phạt đứng nghiêm, tát vào mặt mấy cái rồi giao hẹn từ nay về sau không được nói chuyện “lãnh tụ”.

Thời gian chúng được hoạt động công khai cũng là thời gian chúng tranh giành nhau kịch liệt về hưởng thụ và địa vị, mâu thuẫn nội bộ lên đến cao độ. Nguyễn Thế Nghiệp, Vũ Hồng Khanh, bị Nguyễn Kim Ngữ đả kích ra mặt và đưa nhiều việc ra bêu xấu, chúng liền cho cho người giết Nguyễn Kim Ngữ. Việc bị lộ, chúng đều bị bắt giam ở Côn Minh. Nguyễn Thế Nghiệp liền viết thư xin lãnh sự Pháp ở Côn Minh can thiệp, đến năm 1933 thì đương cục Vân Nam trục xuất chúng qua Quảng Tây.

Qua những sự việc kể trên, uy tín của chúng đã tụt xuống như xuống dốc, tất cả cơ sở của chúng ở các nơi đều bị tan rã. Một số người còn có ý thức cách mạng đều lìa bỏ chúng để tìm đường lối khác. Các anh Trần Quốc Tuấn, Đỗ Đăng Trình, Lê Quốc Trụ, Từ Chí Kiên, bỏ chúng đi Nam Kinh, đã gặp các đồng chí ta và được sự giúp đỡ chuyển biến dần theo đường lối của Đảng.

Cuối năm 1935, các anh Vũ Anh, Đông A, Đỗ Đăng Trình được phái từ Nam Kinh về xây dựng cơ sở Đảng và tổ chức Chi bộ lấy tên là Chi bộ Vân - Quí.

Năm 1936, Vũ Hồng Khanh lại “bí mật” về Côn Minh hoạt động, nhưng quần chúng đã hết sức chán ghét. Những phần tử phản động vẫn ngấm ngầm chống cách mạng mà bây giờ Vũ Hồng Khanh còn dùng làm cốt cán, tính ra chỉ còn độ hơn mười người. Với sách lược đúng đắn, các đồng chí Chi bộ Vân - Quí vẫn hoạt động với danh nghĩa Quốc dân đảng, đồng thời tìm cách đưa đồng chí Vũ Anh cũng vào Đảng, hình thành một nhóm cánh tả trong đó để đấu tranh trực diện với Vũ Hồng Khanh. Qua một thời gian tuyên truyền vận động, nhóm cánh tả đã chiếm ưu thế tuyệt đối. Hội lao công thân ái cho công nhân và Hội thiếu niên dục tài cho thanh, thiếu niêu được thành lập, nay đã do đồng chí Đông A nắm hoàn toàn. Khi đồng chí Đông A đề nghị đổi tên tờ Thiết huyết ra tờ Đại chúng, Vũ Hồng Khanh không chịu, hắn tự viết lấy tờ Thiết huyết và tự in lấy gửi cho quần chúng nhưng đều bị quần chúng xé toạc hoặc phê chữ vào rồi gửi trả lại. Tờ Thiết huyết chết, đồng chí chúng ta ra tờ Đại chúng để tuyên truyền chủ chương của Đảng. Vũ Hồng Khanh hoạt động ở Côn Minh không lâu, thì bị quần chúng tố cáo với đương cục Trung Quốc, lại bị trục xuất một lần nữa qua Quí Dương. Tuy vậy Vũ Hồng Khanh vẫn không ngừng hoạt động, và ở Côn Minh vẫn còn một số tay sai công khai hoặc bí mật liên hệ với hắn để tiếp tục chống cách mạng.


*


Năm 1939, sau khi tôi đến Côn Minh không bao lâu, thì Vũ Hồng Khanh lại về Côn Minh, lần này hắn được Nghiêm Kế Tổ, một tên đặc vụ của Trùng Khánh về che chở, nên đương cục coi là người được hoạt động hợp pháp. Nhưng trước kia cũng như bây giờ, những lần chúng triệu tập hội nghị, chúng ta đều phái đồng chí và đông đảo quần chúng đến tham dự để vạch mặt, nên chúng rất sợ các cuộc họp công khai. Để trấn áp tinh thần quần chúng, một tên cốt cán đắc lực của chúng đã ỷ thế là sĩ quan của Quốc dân đảng Trung Quốc, trắng trợn rút khẩu súng ngắn đeo bên hông đặt lên bàn giữa nhà anh Tống Minh Phương, nói rằng: Hễ còn nghe mấy thằng cộng sản thì coi chừng đây! Một lần, chúng triệu tập một cuộc họp rất kín có mời đại biểu Quốc dân đảng Trung Quốc đến dự, chúng ta vẫn biết và xếp đặt một số quần chúng của ta đến. Hội nghị vừa khai mạc thì người gác cổng của chúng la to lên rằng “bọn Trịnh Đông Hải đã đến”. Thế là quần chúng nháo nhác, lộn xộn không thành trật tự nữa. Chúng phải tuyên bố hội nghị giải tán! Anh Tùng Sơn được bố trí trước, ngồi bên cạnh người Quốc dân đảng Trung Quốc, đã nói lại đầu đuôi cho họ nghe. Uy tín của chúng lại bị đập mạnh một lần nữa ngay cả trước mặt bọn Quốc dân đảng Trung Quốc.

Tuy vậy, chỉ sau đó một thời gian, chúng lại thông qua báo chí và Thông tấn xã Trung ương của Quốc dân đảng Trung Quốc, ra một bản “tuyên ngôn đối với thời cuộc”, tuyên bố chủ trương hợp tác với Pháp. Tự nhiên đó là do Quốc dân đảng Trung Quốc bảo chúng làm, nhưng đó cũng là sự phát triển hợp lô-gích với đường lối đầu hàng, phản cách mạng của chúng từ trước đến nay. Chúng ta liền lấy danh nghĩa “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội”, một tổ chức được thành lập từ năm 1937, ra tuyên bố vạch mặt. Bản tuyên bố viết bằng chữ Trung Quốc, được gửi đi cho tất cả thông tấn xã các nước, cho Chính phủ Tưởng Giới Thạch, cho các báo, các đoàn thể nhân dân Trung Quốc và cho kiều bào ta ở Vân Nam. Bộ mặt phản cách mạng của chúng càng được quần chúng thấy rõ.

Ngoài Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ ra, còn có một nhóm Tờ-rốt-kit độ ba bốn tên, cầm đầu là một anh có trình độ văn hóa, biết vẽ, biết nặn tượng, chịu ảnh hưởng của Tạ Thu Thâu khá sâu, hay nói lý luận có vẻ cách mạng, có thể đánh lừa một số quần chúng. Hắn tuyên truyền vận động kiều bào xuống đường biểu tình chống Pháp và đòi đương cục Trung Quốc giảm thuế. Hắn đi vận động đến đâu cũng bị chúng ta đả thẳng cánh, âm mưu không thực hiện được và hoàn toàn bị cô lập.

Cuối năm 1939, đồng chí Phùng Chí Kiên từ Sơn Đầu về Côn Minh [2] , tổ chức Ban hải ngoại của Đảng, để lãnh đạo mọi mặt công tác tại Trung Quốc, gồm ba người: Đồng chí Phùng Chí Kiên, đồng chí Vũ Anh và tôi lúc này lấy tên là Lý Quang Hoa. Ban hải ngoại ra một tờ báo nhỏ lấy tên là Truyền tin, sau đổi tên thành Đồng thanh, tuyên truyền chủ trương đoàn kết chống Pháp, ủng hộ Trung Quốc chống Nhật, đồng thời vạch mặt những luận điệu tuyên truyền lừa bịp của bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và bọn Tờ-rốt-kít.

*


Đầu năm 1940, Bác về Côn Minh lấy tên là Hồ Quang, đóng vai một giáo quan cấp thiếu tá của Bát lộ quân, ở chỗ Tân Hoa thư điếm, nhưng thường lui tới chỗ đồng chí Phùng Chí Kiên để chỉ đạo công tác của Ban hải ngoại.

Về chính trị, Bác đánh giá việc Chi bộ Vân - Quí lôi kéo được quần chúng đánh tan ảnh hưởng của bọn Nguyễn Thế Nghiệp và Vũ Hồng Khanh là một thành tích. Đồng thời cũng phê phán một số khuyết điểm, và đề ý kiến để Ban hải ngoại sửa chữa lại. Thí dụ, Bác nhận định cuộc bãi công của công nhân xe lửa trước đây do Chi bộ lãnh đạo, mục đích chỉ đơn thuần nhằm vào việc chống Pháp không chuyên chở vũ khí cho Trung Quốc, chứ chưa biết nhân đó mà tuyên truyền ý thức chống Nhật, ý thức cách mạng rộng rãi trong quần chúng. Vì vậy Bác đề nghị lấy danh nghĩa “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội” phát truyền đơn suốt dọc đường xe lửa Hà Khẩu - Côn Minh, kêu gọi kiều bào chống Pháp và giúp Trung Quốc chống Nhật.

Về việc tuyên truyền, Bác đề nghị đổi tên tờ Đồng Thanh ra tờ Đ.T.. Theo Bác giải thích, thì Đ.T. có thể hiểu là “Đồng Thanh”, cũng có thể hiểu là “Đồng Tâm”, cũng có thể hiểu là “Đấu tranh”, và cũng có thể hiểu là “Đánh Tây”. Các bài viết trong báo này thường được Bác duyệt và sửa chữa, nên chất lượng nâng cao và cách viết giản dị dễ hiểu hơn, quần chúng rất thích.

Về việc liên lạc với các đồng chí cộng sản Vân Nam đã có từ trước, như liên lạc với đồng chí Trần Phương, đồng chí Mã Tử Khanh, nay dược sự xúc tiến của Bác lại càng thêm củng cố và phát triển.

Để hiểu biết tình hình Việt kiều ta ở Vân Nam, bác đã cùng đồng chí Phùng Chí Kiên đi đến mấy chỗ dọc đường xe lửa có kiều bào ở đông như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn và Chỉ Thôn để liên hệ với quần chúng đang làm chay cho những người bị bom Nhật giết chết ở Bua Chai, Bác và anh Phùng đã tham gia lễ làm chay, anh Phùng lấy bài Khóc đồng bào bị nạn ở Bua Chai trong báo Đ.T. ra đọc, quần chúng rất xúc động.

Theo chỉ thị của Bác, để phát triển cơ sở ở vùng giáp giới, Ban hải ngoại đã phái đồng chí Lộc đến làm việc ở Hà Khẩu để liên lạc với quần chúng ở đó và đã bí mật liên lạc với trong nước.

Đầu tháng 5 năm 1940, anh Bùi Đức Minh [3] đưa anh Phạm Văn Đồng và anh Võ Nguyên Giáp với thư giới thiệu của Trung ương nói vì trong nước đang có khủng bố nên gửi ra để ở ngoài tìm cách cho đi học. Ban hải ngoại đã bố trí cho hai anh bí mật gặp Bác. Bác quyết định sẽ giới thiệu cho hai anh đi học Trường đại học Quân chính Diên An. Trong thời gian chờ đợi, theo chỉ thị của Bác, chúng tôi đã tổ chức việc học lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Cách học là chia nhau mỗi người đọc một phần rồi báo cáo để mọi người phát biểu ý kiến. Lớp học này chỉ có anh Đồng, anh Giáp, anh Phùng Chí Kiên và tôi thường xuyên tham gia, các anh khác như anh Đặng Văn Cáp, anh Vũ Anh chỉ tham gia một đôi buổi.


*


Ngày 20-6-1940, Pháp mất Pa-ri. Bác gọi các đồng chí Ban hải ngoại đến bàn bạc tình hình, và quyết định chuyển hướng hoạt động công tác về biên giới, rồi về trong nước.

Có thể nói đây là một bước ngoặt lịch sử rất quan trọng.

Quyết định xong, Bác đi Trùng Khánh gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trao đổi ý kiến về thời cục. Chuyến này Bác đi hơn một tháng mới về, vì lúc đi thì mua vé máy bay, nhưng lúc về phải đi xe công cộng và chờ đợi ở dọc đường khá lâu.

Một vấn đề đặt ra phải suy nghĩ là về biên giới thì ở vùng nào? Ở đây, ngay từ khi Bác đến đã chú ý xếp đặt người ở biên giới, nhưng chính trị Vân Nam không tốt, dù có người ở biên giới cũng khó lòng hoạt động; hơn nữa, các tỉnh giáp giới Vân Nam như Hà Giang, Lào Cai thì cơ sở quần chúng của chúng ta chưa có. Như vậy, cái hướng tính toán là phải nhằm về phía biên giới Quảng Đông hoặc Quảng Tây. Vừa khéo lúc Bác còn ở Trùng Khánh thì chúng tôi nhận được thư của ông Hồ Học Lãm nói cơ hội hoạt động cách mạng đã đến? Trương Bội Công được Quốc dân đảng Trung Quốc giúp đỡ, hiện đang liên lạc các nơi để tìm người cách mạng Việt Nam, đồng thời muốn mời ông Hồ Học Lãm ra hợp tác với ông ta trong việc này. Ông Hồ Học Lãm vốn biết Trương Bội Công không phải là người cách mạng, nên viết thư về Côn Minh đề nghị chúng tôi đi Quảng Tây gấp để nắm lấy ông ta kẻo ông ta làm bậy. Khi Bác về đến Côn Minh, chúng tôi đưa việc đó ra báo cáo, Bác liền quyết định các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh và tôi đi Quí Dương gặp ông Hồ Học Lãm, đồng thời điện cho các anh Đồng, Giáp đang ở Biện sự xứ Bát lộ quân Quí Dương chờ ngày đi học Diên An, và anh Cao Hồng Lĩnh, người đưa anh Đồng và anh Giáp đi từ Côn Minh đến cùng ở lại Quí Dương chờ chúng tôi đến để cùng đi Quảng Tây.


II. Chuyển hướng hoạt động về phía Quảng Tây

Trương Bội Công vốn là người Việt Nam làm sĩ quan cấp thiếu tướng trong bộ đội Quốc dân đảng Trung Quốc. Trước đó vì sợ cách mạng liên lụy đến, nên ông ta tránh không gặp một người Việt Nam nào. Lần này, được Quốc dân dảng Trung Quốc giao trách nhiệm tổ chức việc tình báo và chuẩn bị sau này làm tiền đạo cho Hoa quân nhập Việt, ông ta mới cần đến người Việt Nam, và mới cần ông Hồ Học Lãm ra cùng hoạt động.

Theo sự giới thiệu của ông Hồ Học Lãm, chúng tôi đi gặp Trương Bội Công ở Đại Kiều [4] là chỗ ông ta đặt cơ quan làm việc ở đó. Trương gặp chúng tôi thấy đều là những thanh niên tuấn tú có văn hóa, có chính trị và đặc biệt là am hiểu tình hình trong nước, khác với số người Việt Nam và Hoa kiều mà ông ta đã tập hợp được.

Tự nhiên chúng tôi gặp ông ta là bàn bạc về thời cuộc, về tình thế cách mạng, và tình hình hoạt động của nhân dân trong nước và của kiều bào ở ngoài, đồng thời cũng làm một số việc cụ thể như viết một số tài liệu về tình hình trong nước, xuất bản tập thơ ca cách mạng, thuyết phục một số người Việt Nam và Hoa kiều chung quanh ông ta. Nhưng qua sự bàn bạc với ông ta và qua một vài sự việc, như việc bảo chúng tôi làm dự toán và sổ chi tiêu về sinh hoạt, việc vận động chúng tôi tập quân sự và đứng nghiêm lúc thấy ông ta đến v.v… là những việc rất ngu xuẩn, mà chúng tôi đều cự tuyệt, thì thấy rõ ông ta chỉ là một anh quân phiệt, tay sai Quốc dân đảng Trung Quốc, chỉ muốn lợi dụng chúng tôi làm tình báo, và đem khả năng của chúng tôi ra khoe khoang với Quốc dân đảng để lấy tín nhiệm mà thôi.

Nhưng cái việc ngu xuẩn nhất là việc ông ta viết tất cả tên chúng tôi nộp cho Trương Phát Khuê và báo cáo rằng chúng tôi là nhân viên của cơ quan ông ta. Chúng tôi cực lực phản đối, bắt ông ta phải rút tên chúng tôi ra khỏi danh sách, và phải báo cho Trương Phát Khuê biết chúng tôi là những người cách mạng, không phải là nhân viên của ông. Tự nhiên làm như vậy thì ông ta không còn có chỗ đứng, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết đấu tranh đòi phải làm [5] .

Một hôm, Bác từ Côn Minh đến, chúng tôi bí mật gặp để báo cáo. Bác phân tích tình hình, rồi chủ trương phải bỏ Trương Bội Công và đưa ông Hồ Học Lãm lên Quế Lâm để làm một cơ sở hoạt động. Sau đó ít lâu, chúng tôi thu xếp bỏ Trương Bội Công đi Quế Lâm.


*


Vào khoảng tháng 10 năm 1940, khi chúng tôi đến Quế Lâm thì Bác đã ở đó. Ông Hồ Học Lãm cũng đã được xếp đặt đến chữa ở bệnh viện Quế Lâm rồi. Chúng tôi thường bí mật gặp Bác ở Biện sự xứ Bát lộ quân để báo cáo và xin chỉ thị về cách hoạt động.

Vấn đề đầu tiên là vấn đề lấy danh nghĩa gì để hoạt động? Bác chủ trương lấy danh nghĩa Việt Nam độc lập đồng minh hội, và mời ông Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì để chúng ta dựa vào nó mà hoạt động. Chủ trương đó xuất phát từ chỗ Việt Minh là một tổ chức mà trước kia đã cùng với ông Hồ Học Lãm không phải là cộng sản mà lại thật lòng ủng hộ chúng ta, nếu ông đứng ra sẽ được nhiều điều thuận lợi.

Rất đồng tình với ý kiến này, ông Hồ Học Lãm nhận đứng tên là Chủ nhiệm Việt Minh, giới thiệu chúng tôi đi gặp Lâm Uất bạn học của ông, hiện đang làm Hiệu trưởng Phân hiệu quân sự trung ương tại Quế Lâm, đồng thời là Phó chủ nhiệm hành dinh khu Tây Nam của Tưởng Giới Thạch, mà Lý Tề Thâm là Chủ nhiệm. Qua sự giới thiệu của Lâm Uất, chúng tôi đi gặp Lý Tề Thâm.

Hôm gặp Lý Tề Thâm, chúng tôi đi cả sáu người: Lâm Bá Kiệt [6] , Dương Hoài Nam [7] , Trịnh Đông Hải, Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lĩnh và tôi lấy tên là Lý Quang Hoa. Theo kế hoạch của Bác, chúng tôi chuẩn bị sẵn một bản lý lịch tóm tắt của Việt Minh viết bằng chữ Trung Quốc đưa cho ông, và giới thiệu rằng ở Trung Quốc chúng tôi đã có “Biện sứ xứ Việt Minh ở hải ngoại” do ông Hồ Học Lãm là Chủ nhiệm, Lâm Bá Kiệt là Phó Chủ nhiệm. Lúc đưa giấy, chúng tôi nói thêm mấy điểm đại ý như sau:

Ở Việt Nam hiện nay có hai tổ chức chính trị lớn là Đảng cộng sản và Việt Minh. Lực lượng của Đảng cộng sản chủ yếu là công nhân và có sự giúp đỡ quốc tế là Đệ tam Quốc tế. Còn lực lượng Việt Minh thì chủ yếu là trong các tầng lớp trên và ở nông thôn. Chúng tôi vẫn liên hợp với Đảng cộng sản vì họ là một lực lượng chống Nhật khá mạnh. Nhưng chúng tôi cũng rất cần có sự viện trợ quốc tế, rất mong Chủ nhiệm hết sức giúp đỡ chúng tôi.

Lý Tề Thâm trả lời khá ôn tồn, đại ý như sau: Theo di chúc Tôn Tổng lý, chúng tôi phải giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, nhưng trong phạm vi tôi có thể làm được thì rất nhỏ, nếu muốn có sự giúp đỡ lớn thì phải do Trung ương Đảng chúng tôi. Cuối cùng, ông ta không quên nhắc chúng tôi: Các anh hợp tác với Đảng cộng sản, cần chú ý đừng để cho họ nắm quyền lãnh đạo!

Qua cuộc nói chuyện với Lý Tề Thâm như vậy, cái danh nghĩa Việt Minh thực tế đã được thừa nhận, và cái danh nghĩa Biện sự xứ Việt Minh cũng mặc nhiên thành ra hợp pháp.

Sau đó ít hôm, Bác gợi ý: Chúng ta hoạt động cách mạng, cũng phải tỏ ra mình đã có cái gì trong tay, không đến nỗi nghèo túng lắm. Chúng ta nên thết anh bí thư của Lý Tề Thâm một bữa tiệc, để y kính nể mình và sẽ giúp mình nhiều hơn. Sau khi được Bác xuất cho một số tiền 500 đồng, chúng tôi đã làm một bữa tiệc chiêu đãi tại một hiệu ăn lớn là Quán Sinh Viên. Kết quả đúng như Bác dự kiến.

Cũng trong thời gian này, Bác đã giới thiệu qua nội bộ để anh Đồng gặp một số nhà văn tiến bộ Trung Quốc, vận động thành lập Hội văn hóa Việt-Trung. Ngày 8-12-1940, Hội được thành lập ở Câu lạc bộ Lạc Quần, lây tên chính thức là “Trung-Việt văn hóa công tác đồng chí hội”. Ông Hồ Học Lãm và anh Đồng được giới thiệu vào Ban lý sự [8] với tư cách là Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Biện sự xứ Việt Minh ở hải ngoại. Việc thành lập này, các báo ở Quế Lâm hồi đó có đăng tin. Như vậy là địa vị hợp pháp của Việt Minh lại được đề cao lên một mức.

Lý Tề Thâm trước đây vốn là một người chống Cộng. Nhưng bây giờ với cái chức Chủ nhiệm hành dinh, ông ta chỉ có tiếng mà không có miếng, quyền hành thực sự đều nằm trong tay thiếu tướng Dương Kế Vinh, một tên trùm đặc vụ thân tín của Tưởng Giới Thạch được xếp đặt ở đó để bao vây và giám thị ông ta. Ông ta thấy rõ điều này, nên đối với Việt Minh mà Trung ương đã đăng ký rồi, tỏ vẻ nhã nhặn và giúp đỡ chút ít thì vẫn không thiệt gì, mà về thể diện thì đối với ông ta lại là một việc có lợi. Còn Dương Kế Vinh thì rất láo xược, mỗi lần gặp chúng tôi, hắn đều tỏ vẻ xoi mói và thường nói chuyện theo kiểu “huấn thị”, thậm chí có lần hắn cứ nằm trên cái ghế xếp mà nói chuyện. Hắn đã biết chúng tôi đối với Trương Bội Công như thế nào rồi, nên không dám trắng trợn quá, nhưng hắn luôn luôn mượn chuyện đả kích cộng sản để thăm dò thái độ chúng tôi.

Một hôm, Dương Kế Vinh đến thăm ông Hồ Học Lãm ở bệnh viện, hắn nói trắng ra rằng chúng tôi là cộng sản. Ông Hồ Học Lãm đã đập lại một vố khá mạnh. Ông nói: Đối với cách mạng Việt Nam, các ông chưa giúp được gì, nhưng về phần riêng như cá nhân ông chẳng hạn, thì đã nhờ cách mạng Việt Nam mà phát tài hàng triệu. Ông muốn đám thanh niên chúng tôi làm tình báo cho ông thì không được đâu, họ là những người cách mạng. Vì ông lôi kéo không được nên ông đã vu cho họ là cộng sản chứ gì? Nếu ông nói họ là cộng sản thì ông hãy tìm cho được chứng cớ, tôi sẽ lấy cái đầu của tôi đảm bảo cho họ. Sau đó, Dương Kế Vinh không gặp ông Hồ Học Lãm nữa, và nói ông ấy cậy nhiều tuổi, nói át cả mình đi, mình nói lại không tiện.

Luôn nói đây sơ qua một chút về việc Nguyễn Hải Thần lúc mới đến Quế Lâm đã muốn chia rẽ ông Hồ Học Lãm với chúng ta, ông Hồ Học Lãm cũng đã cho một bài học đích đáng. Ông nói: Anh [9] với tôi qua Trung Quốc đã hơn bốn mươi năm mà chưa làm được một việc gì cho dân tộc. Nay chúng ta đã già rồi, phải để cho anh em thanh niên họ làm, chính họ mới là những người có năng lực làm nên sự nghiệp. Hiện nay Trung Quốc muốn đưa chúng ta ra chẳng qua là để cho họ lợi dụng là thôi, chứ thực ra thì chúng ta cũng không thể làm được gì nếu không có lực lượng của anh em trong nước.

Tôi khuyên anh cứ ra làm việc tử tế, đừng nên kèn cựa với anh em. Nguyễn Hải Thần nghe nói, không thích thú lắm, nhưng suy tính lợi hại, thì có chân ở Việt Minh lợi hơn, nên khi ở Quế Lâm, cũng như sau này về Tịnh Tây, về danh nghĩa, ông ta vẫn tự nhận là người Việt Minh [10] .

Trong thời gian hoạt động ở Quế Lâm, nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp của Bác, có tiếng nói và thái độ đúng đắn của ông Hồ Học Lãm, có sự ủng hộ tích cực của những người tiến bộ Trung Quốc, chúng ta đã giành được sự giúp đỡ nhất định của Lý Tề Thâm và đã có một địa vị hợp pháp rõ rệt.


*


Sau khi chúng tôi bỏ Liễu Châu đi Quế Lâm thì Trương Bội Công đưa cả đội ngũ về Tịnh Tây, một huyện của Trung Quốc gần biên giới Cao Bằng. Trương Trung Phụng, người trong đội của Trương Bội Công nhưng có cảm tình với cách mạng, gửi thư đến Quế Lâm cho chúng tôi, nói cán bộ trong nước chạy ra rất nhiều, các anh nên về gấp. Được tin ấy, Bác liền chỉ định các anh Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh và Cao Hồng Lĩnh đi về Tịnh Tây trước để bắt liên lạc với đám cán bộ đó, đồng thời vận động Trương Bội Công đánh điện lên Quế Lâm mời Biện sự xứ Việt Minh phái người về Tịnh Tây để bàn tính công việc.

Được điện mời của Trương Bội Công, Bác và chúng tôi xếp đặt về Tịnh Tây ngay. Lần này ra đi có vẻ đường hoàng vì Lý Tề Thâm đã tặng tám trăm bạc làm lộ phí và cấp giấy chứng minh thư đi đường với danh nghĩa “Hoa Nam công tác đoàn”, đóng dấu có hai chữ “Trung chính” [11] đỏ lòe và to tướng. Bác và tất cả chúng tôi kéo về Liễu Châu gặp các đồng chí Cáp, Lộc, Trình, Hiền,…từ Côn Minh đến đương chờ ở đó, rồi cùng nhau đường hoàng đi xe công cộng về Nam Ninh. Đến Nam Ninh ở độ hai ngày, rồi thuê thuyền đi Điền Đông. Trong khi đi thuyền, vì còn bí mật với một số đồng chí, nên Bác đóng vai một ký giả Trung Quốc, thường nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Trung Quốc, khi nói về thời sự phức tạp thì nói bằng tiếng Pháp do anh Phạm Văn Đồng dịch. Đi thuyền độ bảy ngày thì đi Điền Đông, các anh Đồng, Lộc Trình và Hiền đi xe công cộng về Tịnh Tây trước, còn Bác, anh Phùng Chí Kiên, anh Cáp và tôi thì ở lại Thiên Bảo để chờ tin tức từ phía biên giới đến. Sau một hôm, anh Vũ Anh cưỡi xe đạp đến Thiên Bảo gặp Bác, báo cáo mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi. Ngày thứ ba, Bác và chúng tôi đi bộ, ăn cơm trưa ở Túc Vinh [12] rồi tiếp tục đi, độ tám giờ tối đến Tân Khư, một phố nhỏ ở dọc đường, cách Tịnh Tây khoảng mười cây số, thì đã thấy các anh Vũ Anh và Hoàng Sâm chờ sẵn ở đấy. Bác và chúng tôi được xếp đặt ở trong một nhà quần chúng ngay trong phố Tân Khư.


*


Bác sở dĩ đến Tân Khư là cốt để chờ sự liên lạc của các đồng chí ở Tịnh Tây và trong nước.

Thời gian này, Bác và chúng tôi thường hẹn anh Đồng, anh Giáp đến gặp ở một chỗ khoảng giữa đường Tân Khư- Tịnh Tây để nghe phản ánh tình hình: Các anh em ở Liễu Châu về đã xếp đặt ổn. Số anh em bốn mươi ba người [13] từ Cao Bằng chạy ra, Trương Bội Công đã tập hợp lại tổ chức thành một đơn vị huấn luyện do Trương Trung Phụng phụ trách, nhưng thấy cách đối xử và huấn luyện quân sự theo kiểu phát-xít, nên anh em đã có ý định bỏ Trương Bội Công, chỉ còn nấn ná chờ cơ hội.

Một buổi chiều, Bác, anh Phùng Chí Kiên, anh Cáp và tôi ăn cơm chiều xong, đang đi bách bộ ở ngoài đường, thì gặp hội anh Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm đi từ Tịnh Tây đến, nói tình hình nghiêm trọng, không thể ở chỗ Trương Bội Công nữa, đã thu xếp cho anh em ngày mai chạy về biên giới, còn chúng tôi thì đến Pà Mông sẽ đi đường vòng hội hợp với anh em ở Cột Mà. Bác chỉ hỏi qua loa mấy câu, rồi để cho hai anh cứ đi. Còn Bác và chúng tôi thì vừa đi bách bộ vừa trao đổi ý kiến, thấy như vậy là không ổn, Bác bảo tôi và anh Cáp đi ngay Pà Mông gọi các anh Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm về hỏi lại cặn kẽ để xếp đặt cho kịp thời và thỏa đáng. Chúng tôi lập tức đi ngay, khoảng mười giờ tối đến Pà Mông, nửa đêm mới trở về đến Tân Khư. Bác giải thích cho anh Lê Quảng Ba biết rằng trong lúc này Quốc dân đảng Trung Quốc và Trương Bội Công đang hết sức cần đến người Việt Nam, nên họ không bắt và làm hại anh em đâu. Cứ về Tịnh Tây tổ chức cho anh em đi đường hoàng, nói là về nước vận động quần chúng, sau khi đi trót lọt rồi sẽ viết thư cho Trương Phát Khuê phê phán Trương Bội Công và nói rõ lý do về nước của anh em. Như vậy, họ không thể cho mình là chạy trốn, và sau này Trương Bội Công cũng mất điều kiện để lợi dụng cách mạng.

Nguyên vùng Tịnh Tây, Bình Mãnh trong những năm Trung Quốc chống Nhật đã trở thành một bộ phận quan trọng của khu du kích Quảng Tây. Một số đồng chí chúng ta như Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm một mặt tham gia du kích với quần chúng Trung Quốc, một mặt phát triển lực lượng cách mạng ở các vùng gần biên giới trong tỉnh Cao Bằng. Đến khi trong nước bị Pháp khủng bố, các đồng chí phải đưa một số cán bộ chạy ra ngoài tạm thời nương náu ở chỗ Trương Bội Công. Bỗng được tin đương cục Trung Quốc có lệnh cho lùng bắt, anh em sợ ở đó không đảm bảo nên mới đột ngột bỏ chạy. Đó là một cách xử lý thiếu sự trông thấy toàn diện mà Bác đã vạch ra và uốn nắn lại.

Sau khi được ý kiến của Bác, anh Hoàng Sâm ở lại Tân Khư với chúng tôi, còn anh Lê Quảng Ba thì trở lại Tịnh Tây xếp đặt đưa anh em đi một cách công khai về Cột Mà, rồi phân tán rải rác xung quanh đó. Lúc ra đi, Trương Trung Phụng còn tỏ vẻ quyến luyến hẹn anh em sau này lại gặp nhau.

Việc 43 anh em rời Tịnh Tây đã tiến hành được trót lọt, Bác bảo tôi thảo một bức thư bằng chữ Trung Quốc để anh em gửi cho Trương Phát Khuê. Thảo xong đưa Bác xem, Bác sửa lại mấy chỗ, tôi thấy sửa như thế ý vẫn đúng nhưng văn pháp không đúng, nên có ý thắc mắc hỏi lại. Bác trả lời: Chú chỉ biết viết thư là viết thư, chứ chưa biết chính trị. Người Việt Nam ở vùng dân tộc viết chữ Trung Quốc thế nào mà đúng văn pháp được. Viết sai như vậy họ mới tin là anh em viết. Có thể nói cái thư này hay ở chỗ viết dốt, nếu như viết đúng văn pháp lại là không hay. Việc tuy nhỏ nhưng đối với tôi là một bài học sâu sắc về công tác quần chúng và công tác thực tế.

Từ đó, tôi và anh Hoàng Sâm cứ thường đi lại vùng Pà Mông để củng cố và phát triển công tác quần chúng, vì quần chúng ở đây là những người có cảm tình với du kích, với đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc và có cảm tình với cách mạng Việt Nam. Chính ở đây, cuối năm 1942, khi Bác còn ở trong nước ra đã lấy một người quần chúng đi dẫn đường, rồi người đó cùng bị bắt một lúc với Bác và bị giam chết ở nhà giam Liễu Châu.

Cuối năm 1940, đầu năm 1941, anh Bùi Đức Minh đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước đến Tân Khư gặp Bác để báo cáo tình hình trong nước và tình hình chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ tám.

Sau đó ít lâu, cơ sở biên giới đã được chuẩn bị xong, Bác và các anh Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Hoàng Sâm chuẩn bị về nước; còn tôi, theo chỉ thị của Bác, đi Long Châu để liên lạc và xây dựng cơ sở ở đấy.



[1]cách Trường Sa độ một trăm cây số
[2]đồng chí bị bắt ở Hương Cảng năm 1938, bị trục xuất qua Sơn Đầu, ở đó huấn luyện dân quân du kích một thời gian rồi về Côn Minh
[3]một đồng chí trong Chi bộ Vân – Quí đã về nước công tác từ trước
[4]cách trung tâm Liễu Châu mấy cây số
[5]Về tình hình Trương Bội Công sau này còn có chỗ nói rõ thêm
[6]Phạm Văn Đồng
[7]Võ Nguyên Giáp
[8]Lý sự ủy viên hội
[9]chỉ Nguyễn Hải Thần
[10]việc này sẽ còn nói thêm ở các phần sau
[11]dấu hành chính của Tưởng Giới Thạch
[12]chỗ sau này Bác bị bắt
[13]trong đó có anh Lê Quảng Ba

Nguồn: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, tháng 7.1986. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.