© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
12.7.2002
DÅ©ng VÅ©
Trả lời anh Ðoàn Xuân Kiên về “y” và “i”
 1   2 
 
Trước nhất xin thành thực cảm ơn anh về bài viết thú vị và những ý đóng góp. Ðể đáp lại, trong bài này, tôi xin được phép trả lời anh và đồng thời làm rõ thêm một vài điểm xoay quanh “y” “i”.

Như đã bày tỏ quan điểm của mình, tôi không xem việc thế “y” bằng ”i” là một vấn đề, thế nhưng nếu muốn, ta vẫn có giải pháp, và tôi đã dùng phương pháp điện toán để phân tích từ vựng. Kết quả cho ra 3 quy tắc rất là dễ nhớ (dành cho những ai muốn thế).

Các quy tắc tìm thấy chủ yếu dựa trên mặt chữ và ngữ nghĩa. Tuy không thể bỏ qua một số ít trường hợp có liên quan đến ngữ âm, song nếu đặt nặng phần ngữ âm (như bài viết của anh), e sẽ gặp vấn đề.

Vấn đề gì? Xin giải thích.

Nhìn vào đoạn báo cáo của Alexandre de Rhodes trong bài viết của anh:

  Trong mục viết về chữ i, tác giả viết: “I, chúng tôi chỉ sử dụng i nguyên âm, bởi vì tất cả công dụng của i phụ âm được thực hiện tốt hơn bằng chữ g , vả lại i nguyên âm sử dụng như chúng ta; tuy nhiên, để tránh sự lẫn lộn, chúng tôi chỉ dùng i nguyên âm ở giữa và cuối tiếng: ở giữa tiếng, thí dụ biết, scire (hiểu biết), và ở cuối tiếng, thí dụ bí, cucurbita Indica (quả bí); nhưng cần ghi nhận rằng chúng tôi sẽ dùng y ở cuối tư khi nào nó làm thành nhị trùng âm mà vẫn tách biệt, thí dụ éy, ille (cái ấy), còn khi chúng tôi viết với i nguyên âm thì đó là dấu hiệu vẫn không tách biệt, thí dụ ai, quis (ai); chúng tôi không dùng hai chấm ở trên các nguyên âm để tránh sự gia tăng quá nhiều dấu hiệu; cần lưu ý một lần cho xong là i ở cuối từ sau một nguyên âm khác thì không làm thành một vần khác tách biệt, còn khi viết với y Hi lạp thì bấy giờ vẫn bị tách biệt, thí dụ cai, superior (cao hơn, bề trên), cây, arbor (cây cối). Cũng ở đầu tiếng, nhất là trước một nguyên âm khác, thì chúng tôi dùng y Hi lạp, nhưng đừng ai cho đó là phụ âm, thí dụ yêó, debilis (yếu đuối), yả, cacare (ỉa, phóng uế).” 

theo tôi, một trong những điểm đáng chú ý của phát biểu trên là: “dùng y ở cuối từ khi nào nó làm thành nhị trùng âm và vẫn tách biệt, ..., còn khi [...] viết với i nguyên âm thì đó là dấu hiệu vẫn không tách biệt ...”.

Từ “tách biệt”, Alexandre de Rhodes dùng có lẽ không được rõ, song có thể hiểu là âm /i/ được kéo dài (tăng tần số).

Quả thực, Alexandre de Rhodes có lý. Khảo sát lại sự giải thích trên bằng hệ phân tích âm, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Trước hết, thử xem sự khác biệt giữa cách phát âm “ai” “ay”:





Khi phát âm chữ “ai”, thực chất là phát âm /a/ và /ay/. Ðọc chữ “ai”, chúng ta cảm thấy nó dài hơn đọc chữ “ay” là vì thế. Âm /a/ và /ay/ đi sát nhau làm tăng thời gian phát âm /a/. Do đó có thể ký hiệu: /a:i/ (“:” trong ngữ âm học thường được dùng để biểu thị âm dài). Alexandre de Rhodes cũng suy nghĩ thế: “Chúng tôi không dùng hai chấm ở trên để tránh sự gia tăng quá nhiều dấu hiệu”.

Ðó là sóng âm “ai”. Còn sóng âm “ay” như sau:





Trong đồ thị, hàm sinus thứ nhất (bên trái) mô tả âm /i/, kế tiếp là hai hàm sinus mô tả âm hai chữ giống nhau: “ay” “ay”.

Âm của “ay” bao gồm âm /ay/ cực ngắn cộng với âm /i/. Ðể ý kỹ, ta sẽ thấy thời gian phát âm /ay/ ngắn hơn /i/, nhưng tần số của âm /i/ cộng chung lại vẫn cao hơn tần số của âm /a/. Vì vậy, khi đọc “ay”, chúng ta mới có cảm giác, âm /i/ “tách biệt” khỏi âm /a/ (nói theo kiểu Alexandre de Rhodes).

Trên thực tế, khi dùng ký tự “i” hoặc “y” để diễn tả một âm /i/ đóng, sự khác biệt nằm ở tần số chứ không tách biệt. Hàm sinus chỉ thay đổi biên độ và tần số. Tần số lớn là trường hợp của “y”, nhỏ là “i”. Ðơn giản là vậy. Song so với âm /a/, âm /i/ không phải là trọng âm.

Nói tóm lại, trong trường hợp “y” hoặc “i” nằm sau cụm nguyên âm, ví dụ “ai”, “ay”, “ấy”:

  1. Âm /a/ và /i/ không tách biệt.
  2. Mẫu tự “a” vẫn là mẫu tự chứa trọng âm chứ không phải “i”, “y”.
  3. Sau “a”, nếu so sánh cách phát âm của “y”, “i”, thì tần số /i/ đọc từ “y” vẫn cao hơn đọc từ “i”. Từ đó, có thể kết luận rằng, “y” mô tả âm /i/ rõ hơn “i”, và do đó đáng được dùng để mô tả /i/ như một trong âm hơn là dùng “i”.
  4. Nếu dùng thanh sắc, như “ấy”, ta có âm /i’/ nằm đằng sau nhưng /a^/ vẫn là phần trọng âm (xem hình dưới đây).



Trường hợp dùng “y” “i” sau một cụm nguyên âm đã rõ, nay thử xét đến trường hợp trong một chữ/từ chỉ có một nguyên âm duy nhất là “y” hoặc “i”.

Trong trường hợp này, “y”, “i” đều diễn tả âm /i/. Nhưng như đã thấy, mục đích dùng “y” là để diễn tả rõ âm /i/ (nhờ tần số cao), thành thử muốn mô tả /i/ là trọng âm trong trường hợp một chữ chỉ có một nguyên âm duy nhất là “y” hoặc “i”, thì phải chọn “y” mới đúng. Suy ra, phải viết “sy” thay vì “si”, “ly” thay vì “li”, “ký” thay vì “kí”, “synh” thay vì “sinh”, “lýnh” thay vì “lính”, “kýnh” thay vì “kính” v.v… Chỉ bằng cách đó mới có thể lập luận rằng,<>“y” có một chức năng thống nhất là nhằm mô tả một trọng âm /i/ thứ thật.

Giờ xét qua trường hợp “y”, “i” đứng đầu cụm nguyên âm. Ðơn cử 2 ví dụ: “yên” “iên” (xuất hiện trong “tiên”, “liên”, “niên”, “viên”, ...).

Kiểu phát âm “yên” “iên” không khác nhau. Cách mô tả ngữ âm của “y” và “i” trong trường hợp này giống nhau. Nếu ngữ nghĩa không bị tổn thương, viết với “y” hoặc “i” gì cũng được. Thành ra không có lý do gì mà phải đặt cho lối viết một quy tắc nhất định. Còn không, nếu xem âm /i/ là trọng âm cần nhấn mạnh như trường hợp “ay”, “uy”, ...thì phải dùng “y” mới hợp lý.

Ðó là một chứng minh cho thấy phương cách mô tả âm của ký tự Latinh không phải bao giờ cũng hoàn chỉnh cả. Một đằng, Alexandre de Rhodes muốn dùng “y” để mô tả âm /i/ với tần số cao hơn là dùng “i”, nghĩa là bật rõ âm /i/; đằng khác, về sau này, có những chỗ cần nhấn mạnh, chúng ta lại không dùng “y” mà là “i”. Thử xem đồ thị sau:





Trong cách phát âm “yên” (bên phải), /i/ là trọng âm (có mặt trong /i/ và /ie/), được viết bằng “y” để mô tả trọng âm. Trong khi đó (bên trái), khi phát âm “ia” (bên trái), âm /i/ cũng là trọng âm (có mặt trong /i/ và /ia/) nhưng lại được viết là “ia” thay vì “ya”. Rõ ràng là không thống nhất.

Nói tóm lại, kết quả của việc phân tích âm cho thấy một điều duy nhất: “y” được dùng để mô tả âm /i/ với tần số cao, “i” được dùng để mô tả âm /i/ với tần số thấp hơn.

Khi đưa ra những kết quả về tính chất ngữ âm của “y” và “i” bên trên không phải là tôi muốn làm suy yếu niềm tin của anh Ðoàn Xuân Kiên xưa nay về khả năng mô tả trọng âm /i/ của “i” mà chỉ muốn chỉ ra những điểm bất ổn trong cách thành lập từ bằng mẫu tự Latinh.

Có thể những kết quả khảo sát của tôi không được đúng. Nếu có thêm kết quả phân tích của anh, chúng ta có thể đối chiếu lại thì quá tốt. Quan trọng là cần chính xác. Nhưng tôi tin sẽ không có sự khác biệt.

Về phần quy tắc, thực ra, nếu anh Ðoàn Xuân Kiên xem lại mọi quy tắc thế “y” bằng “i” của anh, anh sẽ thấy chúng đều giống như những quy tắc tôi đã đưa ra (xin nhấn mạnh là từ “y” sang “i”, chứ không ngược lại). Riêng đối với nhận định của anh: “Anh Dũng đã tìm cách giải quyết vấn đề bằng lối dùng kĩ thuật vi tính để thay thế y bằng i trong một số cấu trúc vần. Cần nói ngay là biện pháp máy móc này không xác đáng, vì anh đã sử dụng một số cấu trúc rất hình thức, chẳng hạn: iay, iai...” , tôi xin được trả lời như thế này:

  1. Ngôn ngữ là một phương tiện diễn đạt nội dung. Ðể làm được việc đó, nó cần một tập hợp hình thức. Trên thực tế, có hình thức hợp lý, có hình thức không hợp lý, có hình thức bị dùng sai.
  2. Hình thức là hình thức. Mỗi hình thức đều nhất định. Công dụng lý thuyết của hình thức thế nào, được sử dụng ra sao, sai hay đúng, đó là chuyện khác; ví dụ “iay, iai” là những hình thức lý thuyết, nhưng trên thực tế, muốn sử dụng đúng, thì phải thỏa điều kiện gì, có tổng quát không, logic không, dễ nhớ không... Ðó mới là vấn đề (tôi có nói về điểm này ở bài sau).
  3. Chúng ta đừng nghĩ dùng kỹ thuật vi tính là một biện pháp máy móc. Làm việc với ngôn ngữ giống như thể đi vào rừng rậm tìm kiếm từng loại thực vật. Rất mất thì giờ và đòi hỏi sự chính xác. Trong hoàn cảnh này, phương tiện kỹ thuật có thể giúp chúng ta phân tích ngôn ngữ tốt hơn. Nó không giúp chúng ta trí tuệ mà chỉ giúp đôi mắt cận thị của chúng ta nhìn rõ hơn, đỡ bỏ sót những điều cần nắm. Chính chúng ta mới là người dùng trí tuệ để sản sinh ra kỹ thuật. Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn là phải biết sử dụng kỹ thuật cho đúng chỗ thay vì lạm dụng.