© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
25.10.2005
Hoàng Văn Hoan
Giọt nước trong biển cả
(Hồi ký cách mạng) 16 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
Phần thứ năm

Nhiệm vụ mới - chỉnh đốn một số công tác ở hải ngoại (1948-1949)


Tháng 3-1948, anh Phạm Ngọc Thạch từ Thái-lan về nước báo cáo công tác và chuyển lên Trung ương Đảng lời đề nghị của các đồng chí ở Thái-lan, xin Trung ương cử tôi sang Thái phụ trách công tác.

Vừa khéo trong dịp này tôi cũng đang có mặt ở Việt Bắc để xin ý kiến Bác và Trung ương Đảng về việc chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn Đảng bộ Liên khu IV.

Tối hôm ấy, bên bếp lửa ở nơi làm việc của Bác trong rừng Việt Bắc, có cả Bác, anh Trường Chinh, anh Thạch và tôi.

Qua lời báo cáo của anh Thạch thì công tác trên địa bàn Thái-lan hồi này đang triển khai nhiều mặt. Nhưng anh em cán bộ phụ trách trong kiều bào thì có tình trạng “cá mè một lứa”, không ai chịu ai. Ở Băng-cốc tuy đã có cơ quan phái viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng anh em phụ trách Việt kiều ở Đông Bắc Thái-lan liên hệ không mật thiết và không hỗ trợ tích cực cho công tác của Phái đoàn, đồng thời anh em ở Phái đoàn cũng hầu như không quan tâm đến việc vận động kiều bào của anh em ở Đông Bắc. Anh Thạch nói: Các đồng chí công tác lâu năm ở Thái-lan đều biết anh Hoan là một cán bộ phụ trách của ta ở bên ấy từ trước. Anh em đề nghị Bác và Trung ương cử anh Hoan sang Thái chỉ đạo công tác thì chắc rằng sẽ đoàn kết được cán bộ, và các mặt hoạt động ở đấy cũng sẽ phát triển một cách thuận lợi hơn.

Bác và anh Trường Chinh hỏi tôi: Thế nào là đồng chí Hoan đi được chứ?

Tôi trả lời: Nếu Bác và Trung ương ủy thác thì tôi xin sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Thế là tôi thu xếp trở vào khu IV, tiến hành xong cuộc Đại hội đại biểu toàn Đảng bộ Liên khu, và bàn giao công tác Bí thư Liên khu ủy cho anh Nguyễn Chí Thanh rồi lại trở ra Việt Bắc để chuẩn bị các thủ tục đi Thái-lan.

Về mặt Đảng, tôi được giới thiệu là Đại diện Trung ương Đảng, có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác vận động Việt kiều ở Thái-lan, ở Ấn Độ, Miến Điện, ở Tiệp Khắc và ở Pháp. Về mặt chính quyền, Hồ Chủ tịch ký giấy ủy nhiệm tôi là Đặc phái viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở hải ngoại.

Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6-1948, tôi trở lại Khu IV, về thăm nhà độ hai hôm rồi lên đường sang Thái-lan.

Lần này ở Thái-lan không lâu (1948-1949), nhưng qua những năm trước và sau cách mạng Tháng Tám, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác, đối phó với tụi phản động, giải quyết những vấn đề trong tình thế nguy nan, tôi đã nắm được một số nhận thức cơ bản về chiến lược và sách lược, nên trong hoàn cảnh sóng gió, tuy là sóng nhỏ gió nhẹ, nhưng phải đứng mũi chịu sào và phải độc lập suy nghĩ, đã giải quyết được một số vấn đề trong tình hình khó khăn phức tạp như:



I. Chỉnh đốn công tác vận động Việt kiều ở Thái-lan

Trước khi đi vào vấn đề chính, tôi thấy cần nhắc lại quá trình hoạt động cách mạng của Việt kiều ở Thái-lan. Năm 1930 sau khi Đảng Cộng sản Xiêm thành lập, Việt kiều hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đảng Cộng sản Xiêm. Năm 1938 Xiêm ủy quyết định cách mạng Xiêm phải do nhân dân Xiên làm là chính, ngoại kiều chỉ hoạt động trong tổ chức yêu nước của mình. Năm 1941, sau khi Nhật chiếm Việt Nam một năm, Việt Minh ra đời, kêu gọi toàn dân đoàn kết chống Nhật, Pháp. Việt kiều ở Thái-lan [1] hưởng ứng lời kêu gọi đó, chuyển hướng hoạt động cách mạng về Đông Dương. Trong nhiệm vụ chống Nhật, Pháp cứu nước, kiều bào đã đóng góp phần xứng đáng của mình. Nhưng trong việc lãnh, thì Ban lãnh đạo lúc này gọi là Đặc ủy vẫn còn vướng vít một ít tư tưởng của những năm trước kia. Do đó, việc chỉnh đốn công tác vận động Việt kiều đã trở thành một đòi hỏi gấp rút.

Sang Thái-lan, thoạt đầu tôi đến Bưng-càn độ hai hôm, thì anh em đưa tôi vào U-thên, rồi đi Na-khon. Ở đây được tin anh Nguyễn Đức Quì, phái viên Chính phủ đã từ Băng-cốc ra U-bôn dự lễ khánh thành nông trường của Việt kiều mới xây dựng xong. Tôi quyết định đi U-bôn để gặp anh Quì ngay.

Các đồng chí ở U-bôn biết tôi là Ủy viên Trung ương Đảng và là Đặc phái viên của Chính phủ ở hải ngoại, thì muốn xếp đặt cho tôi ăn ở thật đàng hoàng để tỏ sự trọng thị. Nhưng tôi đề nghị cứ xếp cho tôi ở nhà một quần chúng, và giữ bí mật, tôi sẽ tham dự lễ khánh thành nông trường như một người cán bộ thường.

Anh Quì gặp tôi báo cáo tình hình công tác ở Thái. Lúc này Phi-bun Xổng-khram đã nắm chính quyền, những điều kiện thuận lợi cho hoạt động yêu nước của Việt kiều không còn nữa.

Với sự ủy nhiệm của Hồ Chủ tịch, và theo như dự kiến ban đầu khi Bác gặp tôi trước ngày sang Thái-lan, thì Bác có ý định tôi sẽ thay anh Quì làm Đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Thái, để anh Quì về nước nhận công tác khác. Nhưng sau khi nghe báo cáo tình hình, tôi cân nhắc lại vấn đề và thấy rằng cần giữ nguyên vị trí của anh Quì là Đại điện Chính phủ thì có lợi hơn. Trong lúc này nếu thay anh Quì, thì nhà đương cục Thái-lan có thể nhân lúc mình thay đổi đại điện mà phủ nhận luôn cả vai trò Đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với lý do là nước Thái-lan chưa hề chính thức công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh.

Tôi bàn với anh Quì cứ tiếp tục giữ nhiệm vụ phái viên Chính phủ. Tôi sẽ đứng phía sau, chịu trách nhiệm về mặt đường lối chủ trương và phụ trách công tác Đảng, để giúp đỡ anh hoàn thành nhiệm vụ đại diện cho Nhà nước và kiều bào ta trước chính quyền Thái-lan.

Lễ khánh thành nông trường U-bôn được tổ chức khá long trọng. Vì khi Việt kiều ở Lào mới tản cư sang Thái-lan, Chính phủ Pri-đi đã giúp đỡ rất nhiều, trong đó có việc cho đất để lập “nông trường”. Trong mấy năm thuận lợi, cán bộ Tổng hội Việt kiều cứu quốc đã tổ chức cho kiều bào tản cư đến U-bôn dựng nhà trên một khu đất rộng rãi, chia nhau mỗi gia đình một khoảnh đất bằng nhau để sản xuất. Tuy làm ăn vẫn là cá thể, nhưng cách sắp xếp nhà cửa thì đồng loạt, ngay hàng, thẳng lối, trông như một nông trường tập thể. Cán bộ và kiều bào tự hào về cách tổ chức của mình, gọi đó là “nông trường”. Nhân dân Thái-lan cũng gọi đó là “ni-khôn Duôn” [2] .

Tôi thấy sự cố gắng của anh em chăm lo đời sống kiều bào là rất đáng khuyến khích, nhưng gọi đây là “nông trường” thì vừa không đúng với nội dung vừa có hại về chính trị. Chính phủ Phi-bun có thể vì hai tiếng “nông trường” mà e ngại Việt kiều gây ảnh hưởng cách mạng trong nhân dân Thái-lan, sẽ tìm cách làm khó dễ cho ta sau này. Tôi bàn với anh Quì nên bỏ cái tên gọi là “nông trường”, và cần làm cho người Thái hiểu rõ đây chỉ là một xóm làm vườn của Việt kiều lánh nạn chiến tranh từ Lào sang.

Vấn đề “nông trường” U-bôn chỉ là một biểu hiện trong tình trạng chung. Tôi để ý điều tra nghiên cứu và thấy rằng cần phải có một sự uốn nắn chung.


*


Ở U-bôn mấy hôm, trao đổi ý kiến với anh Quì xong, tôi đi ra U-đon gặp các đồng chí Đặc ủy Việt kiều và Tổng hội Việt kiều cứu quốc.

Kết hợp những điều tai nghe mắt thấy trên đường đi từ Bưng-càn qua Na-khon, U-bôn đến U-đon, và nghe thêm báo cáo của các đồng chí phụ trách, tôi thấy rằng trong những năm từ ngày kháng chiến đến nay, cán bộ và kiều bào ta đã làm được nhiều việc, nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu nước, và đã làm cho nhân dân Thái-lan nể phục. Nhưng trong mấy năm tình hình chính trị Thái-lan có phần thuận lợi, anh em đã áp dụng một số hình thức không thích hợp với hoàn cảnh của người lánh nạn. Đến khi tình thế chuyển sang khó khăn, sau cuộc đảo chính của Phi-bun anh em vẫn chưa nhận thức đầy đủ sự cần thiết phải chuyển hướng triệt để, nên tuy đã hạn chế bớt một số hoạt động phô trương, lộ liễu nhưng vẫn còn lại khá nhiều những biểu hiện chủ quan, hình thức, nếu không thay đổi thì có thể nguy hiểm đến cuộc vận động yêu nước của Việt kiều.

Điều đáng chú ý là anh em hoạt động trên đất Thái-lan mà ít chú ý đọc báo chí Thái-lan để theo dõi thái độ chính trị của nhà đương cục như thế nào. Ở U-đon, tôi xem mấy tờ báo Thái- lan thấy họ tung tin vu khống Việt kiều vi phạm trật tự trị an, đốt nhà và cướp của ở nơi này nơi khác. Tuy nhiên đó là những tin tức bịa đặt vu khống hoàn toàn trái ngược với sự thật. Nhưng rõ ràng họ đang chuẩn bị dư luận cho một cuộc đàn áp Việt kiều.

Tôi bàn với Đặc ủy triệu tập một cuộc hội nghị mở rộng, gồm tất cả cán bộ phụ trách các Chi bộ Đảng, các Chi hội Việt kiều cứu quốc địa phương để giải quyết một số vấn đề về nhận thức tình hình và phương hướng công tác lâu dài của Việt kiều.

Hội nghị được tiến hành trong ba ngày 15, 16, 17 tháng 8 năm 1948.

Qua báo cáo của Đặc ủy và các đại biểu địa phương đến dự hội nghị, có thể khái quát tình hình hoạt động yêu nước của Việt kiều như sau:

Tháng 3-1946, Việt kiều ở Lào tản cư sang Thái-lan, nâng tổng số Việt kiều từ 4-5 vạn lên tới 9-10 vạn người. Bà con tản cư được kiều bào cùng với nhân dân và Chính phủ tiến bộ Thái-lan tận tình giúp đỡ, nên sớm ổn định được đời sống. Trong năm 1946, Đặc ủy và kiều bào đã tổ chức được chi đội Trần Phú, đưa về Nam bộ tham gia kháng chiến. Năm 1947 tổ chức hai đoàn Cửu Long I và Cửu Long II mang vũ khí về nước. Sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hàng ngàn thanh niên Việt kiều xung phong tòng quân, sang mặt trận Lào và Cam-pu-chia giúp nhân dân hai dân tộc bạn đánh Pháp xâm lược. Địa bàn Thái-lan trở thành hậu phương của “Mặt trận miền Tây”. Ở nhiều tỉnh giáp biên giới Lào và Cam-pu-chia có cơ sở huấn luyện quân đội, sản xuất và sửa chữa vũ khí cho mặt trận. Nhiều khi cơ quan chỉ huy của các đặc khu đóng trên đất Thái-lan, anh em chiến sĩ sang Lào hoặc Cam-pu-chia đánh giặc rồi trở về Thái- lan an dưỡng và huấn luyện. Trong hai năm 1946-1947, Chính phủ Pri-đi rất nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến của ta, đã giúp đỡ Việt kiều tản cư có công ăn việc làm, còn giúp cả một số vũ khí cho ta đưa về nước, và mặc nhiên để cho Việt kiều hoạt động yêu nước trên đất Thái-lan với một thiện cảm rõ rệt.

Trong điều kiện thuận lợi như thế, cán bộ cũng như kiều bào không tránh khỏi chủ quan, có một số việc làm vi phạm chủ quyền của nước sở tại mà không tự biết, như treo cờ đỏ sao vàng ở nhiều nơi, cán bộ và chiến sĩ mang vũ khí đi lại tự nhiên trên đất Thái-lan. Khi anh Trần Văn Giầu ở Băng-cốc ra thăm Việt kiều ở Đông Bắc, thì bố trí đón tiếp nghi vệ, có cả bộ đội Việt kiều bồng súng chào v.v… Một số cán bộ công khai biểu thị mình là người cộng sản. Tài liệu, sách báo cộng sản được để ngay ở trụ sở Hội Việt kiều cứu quốc và ở hiệu sách “Thay-mày”. Ngay cái tên đặt cho hiệu sách: Thay-mày có nghĩa là nước Thái mới, hoặc người Thái mới, cũng tỏ rõ một ý thức chính trị không chặt chẽ.

Cán bộ cũng như kiều bào, đầy nhiệt tình yêu nước, rất tự hào về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, về lãnh tụ vĩ đại của mình. Nhưng anh em chưa có một nhận thức toàn diện về địa bàn hoạt động của mình và về địa vị chính trị của mình trên đất Thái-lan.


*


Trong hội nghị Đặc ủy mở rộng, tôi đã nêu lên một số vấn đề để anh em thảo luận, và phát biểu một số ý kiến, tập trung vào mấy điểm chính:

Trước hết tôi nói về vị trí chiến lược của địa bàn Thái-lan:

Từ ngày Đảng ta thành lập, Đảng bộ Việt kiều Thái-lan đã có những đóng góp quan trọng, nhất là thời kỳ hoạt động của Đông Dương viện trợ bộ sau khi cao trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh thất bại; tiếp đến thời kỳ tổ chức Việt kiều Thái-Lào tham gia cuộc cách mạng 1945 ở Lào. Ngày nay cuộc kháng chiến của nhân dân ta đang ở trong giai đoạn khó khăn, bị bao vây bốn phía, Đảng bộ Việt kiều ở Thái-lan đóng một vai trò rất quan trọng. Nhờ có cơ sở kiều bào đông đảo với truyền thống cách mạng sâu sắc, lại được mấy năm trước đây Chính phủ tiến bộ Thái-lan tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều hoạt động yêu nước, nên địa bàn Thái-lan đã trở thành cửa ngõ duy nhất cho cuộc kháng chiến Việt Nam và Đông Dương thông ra quốc tế. Muốn liên lạc được với các Đảng anh em, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, thì nhất thiết phải giữ cho được cửa ngõ này. Muốn tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới bên ngoài, làm cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa của cuộc kháng chiến Việt Nam, phản đối sự xâm lược tội ác của đế quốc Pháp, cũng phải ra sức giữ vững cửa ngõ quốc tế này. Muốn tiếp tế về nước những khí tài, vật liệu cần thiết cho kháng chiến, càng phải giữ vững cửa ngõ Thái-lan. Do đó địa bàn Thái-lan có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với cách mạng Việt Nam và Đông Dương trong giai đoạn hiện tại. Cũng do đó trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi kiều bào đều phải giữ vững cái chỗ đứng của mình ở trên đất Thái-lan.

Tiếp đó tôi nói về địa vị chính trị của Việt kiều và đường lối ngoại giao nhân dân Việt-Thái thân thiện.

Muốn gánh vác được nhiệm vụ nặng nề trên địa bàn chiến lược quan trọng này, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận rõ mình và quần chúng Việt kiều chỉ là những kiều dân ăn nhờ, ở độ trên đất nước người. Đã là kiều dân, thì dù có được điều kiện hoạt động thuận lợi đến đâu cũng phải tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán của nước người ta. Mấy năm qua, do được Chính phủ tiến bộ Thái-lan và nhân dân Thái-lan giúp đỡ nên kiều bào đã làm được nhiều việc quan trọng. Nhưng anh em cán bộ cũng như kiều bào thường coi nhẹ vấn đề này. Một số hình thức hoạt động mà anh em đã làm từ năm 1940-1947, như treo cờ đỏ sao vàng tràn lan là không đúng đâu. Theo luật quốc tế thì bất cứ nước nào, cờ ngoại quốc chỉ được treo ở cơ quan đại diện quốc gia của mình mà thôi. Các việc đóng quân, luyện quân, lập binh công xưởng trên đất Thái-lan chỉ có thể làm được khi mà Chính phủ tiến bộ Thái-lan hoàn toàn đồng tình, ủng hộ cuộc cách mạng của nước ta. Tuy nhiên cũng phải làm một cách kín đáo. Những hình thức phô trương như cán bộ ở Mặt trận miền Tây về cứ mang vũ khi đi ngênh ngang, cho bộ đội bồng súng chào v.v… là vi phạm nguyên tắc trong quan hệ quốc gia mà các đồng chí không biết.

Trước đây Chính phủ tiến bộ và nhân dân Thái-lan thông cảm sâu sắc với ta nên mặc nhiên để cho ta làm, nhưng các hoạt động phô trương, hình thức như trên vẫn làm cho một số người không đồng tình, và có thể là mục tiêu cho những phần tử khiêu khích phá hoại mối tình Việt – Thái thân thiện.

Từ sau cuộc đảo chính 11-1947, phái phản động Thái-lan lên cầm quyền, các đồng chí đã hạn chế một phần các hoạt động phô trương nói trên; nhưng nội dung và hình thức hoạt động hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện chủ quan, lộ liễu, có thể gây hậu quả xấu. Ngày nay cần phải thanh toán triệt để những hình thức hoạt động xã hội không thỏa đáng nói trên.

Tránh lộ liễu, tránh khiêu khích chỉ mới là một mặt. Muốn đối phó với sức ép của thế lực phản động Thái-lan, chúng ta cần tranh thủ cho được cảm tình sâu sắc của nhân dân Thái-lan. Đây mới là biện pháp căn bản và lâu dài. Trước đây Hồ Chủ tịch đã giáo dục cán bộ và kiều bào ta gần gũi, thân thiện với nhân dân Thái-lan. Cố Đi đã thực hiện tốt và vận động kiều bào làm việc này. Ngày nay cách mạng Việt Nam thắng lợi, nhân ta đã có chính quyền, chúng ta càng phải đề cao khẩu hiệu Việt – Thái thân thiện. Một mặt chúng ta luôn tỏ rõ tinh thần yêu mến nhân dân Thái-lan, tôn trọng phong tục tập quán và pháp luật của nước Thái. Mặt khác chúng ta làm cho nhân dân bạn hiểu rõ chính nghĩa của cuộc kháng chiến Việt Nam, đồng tình và bảo vệ Việt kiều hoạt động yêu nước, phản đối sự khủng bố, đàn áp của Chính phủ Thái-lan. Chẳng những tranh thủ cảm tình của nhân dân lao động, mà còn tranh thủ cảm tình của các nhân sĩ và các quan chức. Ngày nay đương cục Thái-lan tuy đã nắm được Chính phủ Trung ương, nhưng chưa với tay đến hết các địa phương, nếu các quan chức địa phương đồng tình với hoạt động yêu nước của Việt kiều thì chúng ta vẫn giữ được một điều kiện thuận lợi rất lớn.


*


Sau khi xác định mấy phương châm lớn, tôi nêu lên cho anh em thảo luận một số biện pháp cụ thể. Có người cho rằng Phi-bun tuy bản chất chống Cộng, nhưng bấy lâu nay còn bận đối phó với tình hình nội bộ, thanh toán lực lượng chống đối trong nhân dân Thái-lan, chưa thể rảnh tay để đàn áp Việt kiều. Cách suy nghĩ hoàn toàn không chính xác, nó dẫn tới hành động chủ quan, mất cảnh giác. Qua báo chí hàng ngày, chúng ta đã thấy rõ Chính phủ Thái-lan đang chuẩn bị dư luận để đàn áp Việt kiều, chúng ta phải tích cực chuẩn bị để đối phó, và phải có ngay những biện pháp cụ thể.

Phải dẹp lại ngay các hành động phô trương, lộ liễu trước đây, nhưng vẫn phải giữ vững và phát huy tinh thần yêu nước của quần chúng Việt kiều. Cờ đỏ sao vàng và ảnh Hồ Chủ tịch là biểu tượng thiêng liêng đối với kiều bào, ta không thể bỏ hẳn đi. Nhưng để tránh khiêu khích, ta sẽ vận động kiều bào đưa cờ ảnh vào nhà, trang trí thành ra bàn thờ Tổ quốc. Nếu họ còn can thiệp, thì ta sẽ nói đó là tín ngưỡng của nhân dân, kiều bào có thể dùng lý lẽ đấu tranh để bảo vệ quyền yêu nước của mình.

Việc đi lại của cán bộ và kiều bào cần phải hết sức tranh thủ được mọi sự thuận lợi. Trước đây Đặc uỷ có chủ trương không nên để kiều bào lấy giấy “tàng đạo”, là giấy chứng nhận kiều dân, để được tự do đi lại trên đất Thái-lan, vì các đồng chí sợ rằng một khi đã lấy giấy “tàng đạo” thì sẽ mất danh nghĩa là những người dân lánh nạn chiến tranh. Chủ trương này không đúng, tự mình gây ra trở ngại cho mình và cho kiều bào trong sự đi lại, làm ăn hàng ngày. Việc lấy giấy “tàng đạo” tuy có tốn kém, mỗi giấy phải nộp mấy trăm bạc, nhưng chúng ta phải tạo điều kiện cho cán bộ và kiều bào sớm được tư thế hợp pháp để làm ăn đi lại hoạt động yêu nước.

Hình thức hợp pháp là điều rất cần thiết, cần phải làm ngay. Nhưng đó chưa phải là điều căn bản nhất. Điều căn bản nhất là phải ra sức củng cố lực lượng đoàn kết, đấu tranh của kiều bào. Về mặt tổ chức, phải vững chắc, nhưng gọn nhẹ, kín đáo. Hội Việt kiều cứu quốc ngày nay còn được hoạt động, nhưng phải dự kiến một ngày kia sẽ bị cấm, ta phải sẵn sàng chuyển sang hình thức “Việt kiều cứu tế” để tránh màu sắc chính trị. Như vậy một khi Chính phủ Thái-lan cấm Việt kiều không được hoạt động chính trị thì ta sẽ không bị động. Hiện nay một số cán bộ thoát ly phải hạn chế lại thật ít. Cán bộ đảng cũng như cán bộ Hội Việt kiều cứu quốc cần bám sát quần chúng và dựa hẳn vào quần chúng, sống và làm ăn như mọi kiều bào, không để cho người Thái nhận biết mình là người hoạt động chính trị.

Dựa vào kiều bào để giữ gìn bí mật, đồng thời mỗi cán bộ đều phải hết sức tuân theo những nguyên tắc hoạt động bí mật trong cách sống và làm việc hàng ngày. Hội nghị đã thảo luận mấy biện pháp cụ thể sau đây: Cơ quan làm việc và trong nhà cán bộ phải dọn dẹp hết các thứ vũ khí, quân trang, cũng như sách báo tài liệu “đỏ”. Chiến sĩ từ Mặt trận miền Tây trở về trong kiều bào không được mặc quần áo nhà binh, mang vũ khí như trước. Cán bộ không được mang theo trong mình các tài liệu chính trị, phòng khi bị bắt thì cảnh sát cũng không có chứng cớ để buộc tội mình. Trong vòng năm ngày, mọi cơ quan, cán bộ đều phải chấp hành triệt để các biện pháp trên. Ai không thực hiện nghiêm chỉnh, để xảy ra bắt bớ, tổn thất cho cách mạng là có tội với nhân dân, với Tổ quốc.


*


Trong khi thảo luận các chủ trương, biện pháp, các đồng chí đã liên hệ với các hoạt động cụ thể ở địa phương mình. Có đồng chí phụ trách Chi hội Việt kiều cứu quốc Na-khon nói, ngay lúc này kiều bào Na-khon đang chuẩn bị rước đuốc thật rầm rộ để kỷ niệm ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8. Anh em quyết định để đồng chí về ngay địa phương mình lập tức đình chỉ cuộc rước đuốc.

Sau khi cuộc hội nghị mở rộng đã giải quyết xong các vấn đề chung, tôi họp riêng với một số cán bộ, đảng viên trung kiên, nói rõ thêm về trách nhiệm lãnh đạo của Đảng để bảo đảm cho các nghị quyết được thực hiện. Anh em đánh giá kết quả cuộc hội nghị mở rộng vừa qua là đã mở mang nhận thức cho cán bộ, đảng viên nắm được nhiệm vụ, phương châm hoạt động một cách có hệ thống.

Tôi ở lại U-đon thêm một thời gian để theo dõi tình hình. Khoảng cuối tháng 8, các đồng chí báo cáo cho biết ở một số địa phương xảy ra việc khám xét nhà cán bộ và cơ quan Hội Việt kiều cứu quốc, cảnh sát Thái-lan đón các ngả đường ra vào U-đon để kiểm soát Việt kiều, nhưng họ không bắt được tài liệu, vũ khí gì cả. Điều đó chứng tỏ anh em cán bộ địa phương đã chấp hành nghị quyết của hội nghị một cách nghiêm chỉnh.

Cuộc hội nghị tháng 8-1948 ở U-đon vừa là cơ sở cho việc duy trì, phát triển hoạt động yêu nước của Việt kiều, vừa là cơ sở để giải quyết vấn đề đoàn kết nội bộ. Thật ra những điều lủng củng trước đây trong một số cán bộ chủ chốt chẳng qua là do phong cách làm việc không hợp nhau. Nhưng trong khi mà đường lối hoạt động chưa được rõ ràng thì những sự khác nhau lặt vặt thường dẫn tới mâu thuẫn, mất đoàn kết. Một khi đường lối hoạt động đã được vạch rõ thì những điều lặt vặt không ăn ý nhau sẽ được dẹp đi.

Trong khi gần gũi các đồng chí cán bộ chủ chốt, tôi phê bình thái độ sai lầm của một số anh em không tích cực ủng hộ các hoạt động của Phái đoàn Chính phủ ở Băng-cốc. Có thể là một số đồng chí ở Băng-cốc cũng có khi có sự phóng túng trong sinh hoạt và hành động, nhưng đó không phải là vấn đề chính trị cơ bản. Tôi phải thuyết phục các đồng chí phụ trách kiều bào ở Đông Bắc khá nhiều về điểm này: Trước kia, cách mạng chưa nắm chính quyền, tất cả anh em cán bộ đều ăn ở kham khổ như nhau. Ngày nay, chún ta đã giành được chính quyền Nhà nước, những người đóng vai đại diện Nhà nước phải có cái bề thế trang trọng. Chúng ta ủng hộ các đồng chí đại diện Nhà nước không phải là vì cá nhân các đồng chí đó, mà là vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích cách mạng. Một vài cá nhân nào đó có thể phạm sai lầm trong sinh hoạt, ta cần nghiêm khắc phê bình, xây dựng. Nhưng không nên lẫn lộn việc phê bình cá nhân với việc ủng hộ hoạt động của một cơ quan đại diện Nhà nước. Nhất là trước mặt Chính phủ và nhân Thái-lan, biểu hiện sự ủng hộ của quần chúng Việt kiều đối với người đại diện Nhà nước là một điều rất quan trọng.

Khi đã nhận rõ ý thức chính trị anh em trong cơ quan, mấy đồng chí trước kia thành kiến với anh em trong cơ quan Phái đoàn Chính phủ ở Băng-cốc đã thay đổi thái độ. Mối quan hệ được cải thiện tốt đẹp hơn.


II. Chỉnh đốn công tác phái đoàn ở Băng-cốc và ở Răng-gun

Từ U-đon, tôi đi một vài địa phương để xem xét việc thực hiện nghị quyết hội nghị vừa qua và thăm mấy gia đình cơ sở cách mạng rồi vào Băng-cốc.

Ở Băng-cốc hồi này có cơ quan của Phái đoàn Chính phủ ta, cơ quan Thông tấn xã Việt Nam và một cơ sở bí mật tiếp tế về nước trực thuộc Ủy ban kháng chiến Nam bộ.

Trong thời gian từ 1946 đến 1948, các đồng chí ở đây đã làm được một số việc góp phần vào công cuộc kháng chiến ở trong nước và tuyên truyền ảnh hưởng của Việt Nam ra ngoài nước. Nhưng nhìn chung thì công tác còn thiếu toàn diện, nơi ăn chỗ ở thì luộm thuộm chưa có bề thế một cơ quan Đại diện Chính phủ ở một nước nào đó là phải quản tất cả các hoạt động của nước mình trên đất nước sở tại, để nắm rõ tình hình và thống nhất chỉ đạo. Thế nhưng cơ quan Phái đoàn của chính phủ ta ở đây lại chỉ nắm một số hoạt động có tính chất đối ngoại, còn công việc của các ngành khác thì hầu như không quan tâm và cũng không đủ sức với tới.

Như vậy, muốn chỉnh đốn công tác của Phái đoàn, trước hết là phải có một hình thức tổ chức nào đó để đảm bảo sự liên hệ giữa Phái đoàn với các ngành khác, như bộ phận vận động Việt kiều, bộ phận quân sự miền Tây, bộ phận tiếp tế v.v… được sát sao hơn, thì công tác mới tiến hành được thuận lợi.

Tôi đưa ra ý kiến này bàn với anh Quì và một vài anh trong Đặc ủy thì mọi người đều thấy là hợp lý. Tiếp đó, tôi báo cáo Trung ương xin cho lập một ban cán sự lấy tên là Ban cán sự Trung ương ở hải ngoại để lãnh đạo toàn diện các mặt công tác phải tiến hành trên địa bàn Thái-lan. Những công tác ấy là:


Ban cán sự Trung ương do tôi là Bí thư, anh Quì là Phó Bí thư và một số đồng chí phụ trách các ngành là ủy viên, như anh Hồng, anh Song Tùng trong Đặc ủy Việt kiều; anh Khanh, anh Bỉnh trong Ban chỉ đạo Mặt trận miền Tây; anh Cao Hồng Lĩnh và anh Dung Văn Phúc đang phụ trách một bộ phận tiếp tế.


*


Được sự đồng ý của Trung ương, Ban cán sự Trung ương vừa thành lập xong, đang chuẩn bị họp bàn việc chỉnh đốn cơ quan Phái đoàn ở Băng-cốc, thì phát hiện việc Lê Hy tùy tiện bỏ cương vị đi đâu không ai biết, Lê Hy trước kia hoạt động ở Nam bộ, khi Nam bộ bắt đầu kháng chiến thì chuyển sang Thái-lan, phụ trách Thông tấn xã Việt Nam, bên cạnh Phái đoàn Chính phủ.

Trong công tác, Lê Hy thường đi lại giao thiệp với Sứ quán Liên Xô ở Băng-cốc. Do sự thông cảm giữa các đồng chí Liên Xô với ta, trong hoàn cảnh hoạt động ở một nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, mà nhiều khi các đồng chí Liên Xô không đòi hỏi thủ tục giấy tờ phiền phức, chỉ cần nói miệng là được các đồng chí giúp đỡ tận tình.

Khoảng tháng 9-1948, Lê Hy nhân lúc anh Quì đi Đông Bắc, đã lợi dụng địa vị công tác của mình tự ý đi đến Sứ quán Liên Xô nói dối là Đảng định phái anh ta đi Mạc Tư Khoa để phát hành bản thông tin Việt Nam. Thế là Sứ quán Liên Xô giúp đỡ tận tình và làm thủ tục cho anh ta đi Liên Xô.

Lê Hy đi một thời gian rồi mà anh em ở cơ quan Phái đoàn Chính phủ và ở Thông tấn xã Việt Nam vẫn không hay biết gì cả. Khi anh Quì ở Đông Bắc về, cảnh sát Thái-lan hỏi Lê Hy đi đâu, anh Quì trả lời là chưa biết.

Khi tôi đến Băng-cốc, nghe anh Quì báo cáo, tôi phán đoán có hai khả năng: Hoặc là Lê Hy đã bị cảnh sát Thái-lan bắt, nhưng họ giả vờ hỏi; hoặc là Lê Hy thấy tình thế khó khăn, đã bỏ nhiệm vụ đi ẩn náu ở một nơi nào trên đất Thái-lan.

Sau khoảng hơn một tháng, Sứ quán Liên Xô thông báo cho biết Lê Hy đã tới Mạc Tư Khoa an toàn thì anh em mới yên tâm. Có điều là anh em chỉ thấy yên tâm về việc Lê Hy không bị bắt, mà không biết đặt thành vấn đề cảnh giác trước một hành động vô kỷ luật nghiêm trọng như thế. Nhất là khi ra đi, Lê Hy còn đem theo cả một anh người Úc, nói là đảng viên cộng sản, do anh Phạm Ngọc Thạch đưa từ Xin-ga-po về, giúp ta trong việc phiên dịch Anh văn ở cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Băng-cốc.

Được báo cáo về vấn đề này, tôi bàn với anh Quì rằng, việc Lê Hy bỏ cương vị công tác là một hành động vô nguyên tắc, có khi không phải chỉ vì sợ sệt, mà có thể còn có nguyên nhân chính trị gì chăng? Vậy trước mắt phải tìm cách hạn chế ngay những hậu quả xấu có thể xảy ra. Đối với đương cục Thái-lan nếu họ hỏi lại lần nữa, anh Quì sẽ trả lời là anh ta đi thăm bà con Việt kiều ở các địa phương hoặc đi công việc riêng trong khi tôi không có mặt ở Băng-cốc nên không rõ, một thời gian nữa chắc sẽ có tin. Đối với Sứ quán Liên Xô thì phải thông báo ngay cho các cho các đồng chí biết việc Lê Hy đi là một hành động tự do vô kỷ luật mà cơ quan Đại diện Chính phủ Việt Nam ở Băng-cốc hoàn toàn không biết trước, và đề nghị các đồng chí báo cáo ngay việc này về nước cho Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô biết, để khỏi hiểu lầm đối với Đảng và Chính phủ ta, và ngăn chặn những việc làm vô nguyên tắc của Lê Hy ở Mạc Tư Khoa.

Về sau tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết Lê Hy hành động vô kỷ luật như vậy là do y đã chịu ảnh hưởng tư tưởng sai lầm của Trần Ngọc Danh, Đại diện Chính phủ ta ở Pháp.

Danh và Hy là cán bộ của Đảng, xa rời thực tế cách mạng trong nước. Họ đọc nhiều sách vở lý luận, nhưng không tiêu hóa tốt, nên đã phạm sai lầm. Họ không hiểu vì sao Đảng ta đã nắm chính quyền mà chỉ nêu cao khẩu hiệu độc lập, thống nhất dân tộc, chứ chưa nói ngay đến việc làm cách mạng ruộng đất, chưa có chủ trương hạn chế chủ nghĩa tư bản ở trong nước, và chưa lên tiếng đả kích đế quốc Mỹ như các Đảng Liên Xô, Trung Quốc và các Đảng Đông Âu đã làm và đang làm. Họ không hiểu rằng từ năm 1945-1946, trong hoàn cảnh chính quyền cách mạng Việc Nam còn trứng nước, phải đối phó với nhiều loại thù trong giặc ngoài, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đã vận dụng sách lược mềm dẻo, khôn khéo, thêm bạn bớt thù, cố tránh những mũi nhọn đả kích có thể tránh được để tập trung lực lượng vào kẻ thù cụ thể số một trước mắt là đế quốc Pháp xâm lược.

Hiểu sai lầm về đường lối của Đảng đã là nguy hiểm, họ còn đi xa hơn nữa: Một người ở Pháp, một người ở Thái-lan, bí mật trao đổi với nhau những tư tưởng hoài nghi, chống Đảng, hẹn nhau tìm cách sang Liên Xô và Đông Âu để làm một việc bậy bạ là nói xấu Đảng ta. Trong khi Lê Hy ở Băng-cốc chuẩn bị đi thì Trần Ngọc Danh ở Pa-ri đã tự ý tuyên bố giải tán cơ quan Đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Pháp và đòi sang Tiệp.

Còn Lê Hy thì vẫn tưởng rằng đã lừa được Đại sứ Liên Xô ở Băng-cốc rồi, thì mọi chuyện đều xong xuôi, không ngờ Chính phủ Liên Xô đã biết được hành động vô nguyên tắc của y nên đã không cho ở Mạc Tư Khoa và bắt buộc phải dời sang Tiệp. Ở đây, Danh và Hy lại tìm cách lung lạc mấy đồng chí đại diện Thanh niên, Công đoàn Việt Nam ở Pra-ha, nhưng anh em không nghe theo.

Việc này cuối năm 1949 tôi đi qua Tiệp thì mới có dịp gặp Trần Ngọc Danh và Lê Hy để phê bình họ.


*


Việc Lê Hy tự ý sang Liên Xô là một biểu hiện đột xuất rất nghiêm trọng, có tính cách cá biệt, nhưng phần nào cũng có liên quan đến lề lối làm việc thiếu chặt chẽ hồi này ở Băng-cốc. Một vài anh em phụ trách công tác đối ngoại ở đây cũng có phần phóng túng trong sinh hoạt. Thấy Pri-đi là người có tư tưởng xã hội, có nhiệt tình ủng hộ Việt Nam kháng chiến, có đồng chí đã tự xưng mình là cộng sản, đi đâu cũng nói chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội, phong cách này dẫn đến một kết quả trái ngược là những người cộng sản ở một số nước như Thái-lan, Mã-lai, Miến Điện, thì hoài nghi đồng chí này có phải là cộng sản chân chính không? Nhưng nhiều người trí thức tiểu tư sản lại hiểu lầm đồng chí đó là lãnh tụ quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương trong khi Chính phủ phản động Thái-lan rất chú ý theo dõi và chuẩn bị tóm bắt.

Trung ương Đảng được báo cáo về tình hình này, đã quyết định điều động ngay đồng chí đó về nước. Tôi phải thuyết phục khá nhiều mới bố trí đưa được đồng chí về nước để tránh khỏi sự rắc rối trong tình hình chính trị Thái-lan đang chuyển biến ngày càng xấu.

Trong công tác đối ngoại và tuyên truyền quốc tế hồi này, các đồng chí ở Băng-cốc đã làm được nhiều việc: Đặt cơ quan Phái viên Chính phủ ở Miến Điện, do anh Trần Văn Luân phụ trách; mở rộng quan hệ ngoại giao giữa Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Sứ quán các nước ở Băng-cốc như Liên Xô, Ấn Độ, Miến Điện, Pa-ki-xtan và In-đô-nê-xi-a; đặt liên hệ với các đoàn thể Thanh niên, Công đoàn thế giới, có bộ phận thường trực ở Tiệp Khắc; Thông tấn xã Việt Nam ở Băng-cốc ra được bản tin tiếng Anh Vietnam News gửi đi nhiều nước và gửi đến kiều bào ở các nơi trên thế giới.

Tuy nhiên trong khi làm được nhiều việc, cũng thấy có chỗ hình thức phô trương không cần thiết.

Các đồng chí đã lập ra một cơ quan gọi là “Ban liên lạc quốc tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, có trụ sở công khai ở Băng-cốc, liên hệ rộng rãi, hoạt động sôi nổi. Báo chí phương Tây đã tung tin rằng đây là một thứ bàn giấy của “Cô-min-phooc” [3] ở Đông Nam Á. Tôi đề nghị giải tán “Ban liên lạc quốc tế” này để lấy cán bộ tăng cường cho công tác đối ngoại và thông tin ở Băng-cốc và Răng-gun, đẩy mạnh hoạt động về thực chất, để tránh khỏi sự chú ý của Chính phủ phản động Thái-lan.

Nhìn vào cách ăn ở của cơ quan Phái đoàn Chính phủ ở Băng-cốc thấy rất luộm thuộm, chưa có thể thống của một cơ quan đại diện quốc gia. Nhân viên công tác thì đi đứng, ăn mặc rất tùy tiện. Tôi bàn với anh em thuê hẳn một biệt thự tương đối đàng hoàng để tách rời Phái đoàn Chính phủ ra khỏi chỗ làm việc của cơ quan thông tin, và xây dựng một nếp sống trong cơ quan vừa bình đẳng thân ái vừa nghiêm túc, mọi người phục vụ công tác với tinh thần cách mạng cao, trong tư thế của một cơ quan nhà nước có kỷ luật chặt chẽ. Anh em đã tìm được một ngôi nhà khá tốt ở phố Xả-thon, đủ nơi làm việc và ăn ở cho vài chục cán bộ, có sân, vườn rộng rãi và kín đáo, có bộ mặt là một cơ quan của phái đoàn Chính phủ. Nề nếp sinh hoạt và công tác cũng được chỉnh đốn hơn trước.

Ở Răng-gun, cơ quan Phái viên quán của anh Trần Văn Luân còn lùi xùi hơn ở Băng-cốc. Có khi người ta mời Đại diện Chính phủ Việt Nam đi dự tiệc mà vợ chồng anh Luân phải thuê xe xích lô để đi. Muốn giữ thể diện, không để người ngoài thấy cảnh thiếu thốn của mình, các đồng chí phải xuống xe cách nơi dự tiệc khoảng nửa cây số rồi đi bộ tới.

Thật ra hồi này công quỹ của ta ở ngoài nước rất nghèo. Tiền bạc Việt kiều ủng hộ chỉ có hạn, tuy rằng kiều bào rất hăng hái đóng góp. Sự cung cấp của Chính phủ từ trong nước lại càng khó khăn. Nhưng chúng ta không thể giữ nguyên tình trạng lùi xùi như thế trong công tác ngoại giao. Tôi đề nghị Ban cán sự chuẩn y cho cơ quan Đại điện Chính phủ ta ở Răng-gun mua một chiếc ô tô nhỏ làm phương tiện đi lại trong khi hoạt động đối ngoại.


*


Khoảng cuối năm 1948 đầu năm 1949, Ban cán sự Trung ương triệu tập hội nghị cán bộ làm công tác đối ngoại ở các nơi về Băng-cốc để thảo luận một số vấn đề hoạt động ngoại giao và tuyên truyền. Anh Trần Văn Luân, Đại diện Chỉnh phủ ở Răng-gun cũng về dự.

Trong hội nghị này anh em nêu ra nhiều vấn đề, và tôi cũng có dịp trình bày một số ý kiến về nguyên tắc hoạt động đối ngoại:

Vấn đề quan trọng hàng đầu trong hoạt động đối ngoại là phải giữ vững và thể hiện được đường lối và chính sách của Chính phủ ta. Trong sự quan hệ và tiếp xúc hàng ngày, người cán bộ công tác đối ngoại phải luôn luôn giữ nguyên tắc, chống mọi biểu hiện tự do cá nhân, thoát ly đường lối, chính sách của Chính phủ. Trong công tác đối ngoại mỗi hành động sai nguyên tắc đều có thể gây thiệt hại đến việc lớn của quốc gia [4] .

Một số đồng chí thường băn khoăn về cách ăn mặc, nói năng, tiếp đãi phải như thế nào. Những điều đó đều phải chú ý, nhưng vấn đề căn bản là phải giữ được thể diện của quốc gia, không thể để cho người ta coi thường hoặc hiểu lầm về quốc gia mình. Vì vậy, có khi bề trong chúng ta hết sức tiết kiệm, dè sẻn, nhưng bề ngoài ta phải có cái bề thế của một cơ quan đại diện quốc gia, nhất là những người làm ngoại giao phải hết sức nghiêm túc và đứng đắn.

Cũng trong dịp này, tôi nói thêm về đường lối ngoại giao nhân dân. Bất cứ ở nước nào, công tác ngoại giao cũng cần tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân nước đó đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc của dân tộc ta. Không chỉ cán bộ ngoại giao làm công tác ngoại giao, mà chính là phải vận động quần chúng Việt kiều tham gia công tác ngoại giao nhân dân. Đường lối ngoại giao nhân dân càng có ý nghĩa quyết định khi mà trên thế giới chưa có một nước nào chính thức công nhận chính phủ kháng chiến của ta. Cho đến năm 1948-1949 ngay cả Liên Xô và các nước Đông Âu cũng chưa thừa nhận chính phủ ta, còn Trung Quốc thì chưa giành được thắng lợi trong phạm vi cả nước.

Để phát triển công tác ngoại giao nhân dân, việc thông tin tuyên truyền ở Băng-cốc cũng được cải tiến một bước. Cuối năm 1948 ra thêm bản tin bằng tiếng Thái lấy tên là Khào Việt Nam, nghĩa là Tin Việt Nam, có nội dung tuyên truyền đúng mức, được các nhà chùa, các nhân sĩ Thái-lan mua nhiều. Năm 1949, các đồng chí dịch cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch ra tiếng Thái, vận động người Thái viết lời tựa và xuất bản, để giới thiệu lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta với nhân dân Thái-lan.

Nhìn chung mấy công việc đã giải quyết ở Băng-cốc đều có tính chất chỉnh đốn lề lối làm việc. Một mặt giữ vững cái thế hợp pháp và thế thống của cơ quan đối ngoại, mặt khác xây dựng một phong cách làm việc thận trọng chu đáo trong hoàn cảnh phải luôn luôn cảnh giác, đối phó với thế lực phản động có thể khiêu khích hoặc phá hoại mình.


III. Chỉnh đốn công tác giúp đỡ cách mạng Lào, Miên

Việc giúp đỡ cách mạng Lào và Cam-pu-chia là một nhiệm vụ quan trọng của Ban cán sự Trung ương. Công tác này đã được Đặc ủy ở Đông Bắc và các đồng chí phụ trách ở Băng-cốc tiến hành từ trước. Ngay khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trung ương Đảng chỉ thị cho Đảng bộ Việt kiều ở Thái-lan tích cực chi viện mặt trận Lào và Cam-pu-chia từ phía tây. Các đồng chí đã thành lập ra “Ủy ban quân sự Mặt trận miền Tây” có anh Vũ Hữu Bỉnh phụ trách về mặt quân sự, các anh Trần Văn Giầu, và Lê Hữu Quán phụ Trách về mặt chính trị, các anh Xô, Khanh, Cung v.v… làm ủy viên.

Từ năm 1946 đến năm 1948, các đồng chí đã phân bố Mặt trận miền Tây từ Thượng Lào xuống Tây Bắc Cam-pu-chia thành 5 đặc khu. Phần lớn cán bộ Việt kiều đổ dồn sang Mặt trận miền Tây. Tiền của kiều báo đóng góp hàng triệu bạc cũng chi dùng phần lớn cho Mặt trận miền Tây.

Đối với các vị thành viên trong Chính phủ Lào Ít-xa-la lưu vong sang Thái-lan, các đồng chí ta ở Băng-cốc thường đi lại giúp đỡ cả về sinh hoạt lẫn chính trị. Nhưng khả năng giúp đỡ của ta rất có hạn, mà bọn gián điệp Pháp, Mỹ thì tung tiền ra lung lạc và lôi kéo một cách ráo riết làm cho những thành viên trong Chính phủ Lào dần dần bị phân hóa. Một số người không chịu nổi gian khổ, không nhìn thấy phương hướng kháng chiến lâu dài, đã lần lượt bỏ về Lào, như Cà-tày, Khăm-mão, Xu-va-na Phu-ma v.v… trong đó Cà-tày đã trở thành tay sai đắc lực cho Pháp chống lại kháng chiến. Chỉ còn Hoàng thân Xu-pha-nu-vông kiên trì đại nghĩa, nắm lực lượng cán bộ và quần chúng Lào ở Thái-lan, liên hệ mật thiết với anh em Việt Nam, có lúc có thắc mắc, nhưng rồi bỏ qua và tiếp tục sự nghiệp kháng chiến đến cùng. Trong khi đó ở các vùng Thượng, Trung và Hạ Lào đều có một số người tích cực chống Pháp, như Xi-thôn Cô-ma-dam, Xinh-ca-pô, Phu-mi Vông-vi-chít v.v… họ đều có sự liên hệ mật thiết với ta.

Về phía Cam-pu-chia, các đồng chí ta ở Băng-cốc đã liên hệ với một số người Khơ-me chống Pháp, bàn với họ lập ra ủy ban dân tộc giải phóng Cao Miên. Ủy ban này có lúc đã xây dựng được lực lượng đưa về đất Miên hoạt động ở vùng Biển Hồ, Bát-tăm-băng và vùng Tây Bắc Cam-pu-chia. Nhưng về sau trong nội bộ của họ mâu thuẫn nhau, mỗi người nắm một ít lực lượng, đánh lại nhau, một số trở thành người cướp bóc nhân dân.

Việt kiều ở Thái-lan cũng có một số đơn vị sang hoạt động trên đất Cam-pu-chia, anh em có khu căn cứ ở vùng núi Đăng-rếch, trên biên giới Cam-pu-chia –Thái-lan; đã tuyên truyền, vận động ở một số vùng có Việt kiều trên đất Cam-pu-chia, rồi đặt liên hệ với Ban cán sự Miên trực thuộc Ủy ban kháng chiến Nam bộ.

Khi tôi đến Băng-cốc thành lập Ban cán sự Trung ương thì các hoạt động của ta giúp đỡ kháng chiến Lào và Cam-pu-chia đang được xúc tiến. Có thể nói rằng sự cố gắng của cán bộ và kiều bào trong công tác này là rất lớn. Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Việt kiều trên Mặt trận miền Tây rất gian khổ và đầy tinh thần cách mạng. Tuy nhiên vấn đề tồn tại cũng còn khá nhiều.

Một hôm anh Quì cho tôi biết Hoàng thân Xu-pha-nu-vông muốn rời Băng-cốc đi nơi khác. Đây là một việc có ý nghĩa chính trị đột xuất. Hoàng thân Xu-pha-nu-vông vốn là người kiên quyết kháng chiến, liên hệ mật thiết với ta. Vì sao nay Hoàng thân lại muốn rời khỏi Băng-cốc mà đi?

Sau khi điều tra nghiên cứu, chúng tôi hiểu rằng việc này có liên quan đến một số hành động vô chính trị của anh em ta ở bên đất Lào. Việc đáng chú ý nhất là một đơn vị bộ đội ta ở Hạ Lào định tìm cách lấy súng của đơn vị bộ đội người Lào, vì anh em suy nghĩ một cách giản đơn rằng súng ấy vào tay mình sẽ được sử dụng có hiệu quả hơn. Việc này đã gây ra lủng củng to. Nguyễn Đình Hin cho biết Hoàng thân Xu-pha-nu-vông bất bình trước những hành động như thế và giảm sút lòng tin đối với sự giúp đỡ của ta.

Chúng tôi xác định rằng sự bất bình có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông là có thể hiểu được, và bản chất của Hoàng thân không giống với những người đã bỏ cuộc trở về đất Lào trước đây. Điều đáng ngại là có một lực lượng nào đó đang lôi kéo ông, hoặc ông đang đi tìm một lực lượng nào giúp đỡ dân tộc Lào thay cho sự giúp đỡ của Việt Nam. Lực lượng này có thể là nhóm người Thái tự do vốn có quyền lợi liên quan đến vùng dân tộc Lào trên đất Thái-lan. Có thể xấu hơn nữa là bọn Mỹ đang muốn nắm những con bài để nhúng tay vào Đông Dương. Vô luận thế nào, việc tranh thủ lại lòng tin của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông là rất cần thiết.

Tôi bàn với anh Quì phải gặp Hoàng thân ngay, tổ chức một bữa cơm thân mật như là để tiễn đưa, những phải nói rõ được hai vấn đề: Trước hết anh Quì thay mặt anh em Việt Nam ở đây chân thành thừa nhận với Hoàng thân rằng việc làm của đơn vị bộ đội tình nguyện ở Hạ Lào vừa rồi là sai lầm rất đáng tiếc, chúng tôi đã nghiêm khắc phê phán những người làm sai và đặt thành vấn đề phải trả lại số vũ khí đó.

Khi đã nói rõ được thái độ chân thành tự phê bình của ta rồi, còn làm cho Hoàng thân hiểu rằng chúng ta sẵn sàng giúp đỡ ông trong chuyến đi này, đồng thời phân tích rõ những người đang mời Hoàng thân đi với họ không phải là có thiện chí với nhân dân Lào và cuộc kháng chiến giành độc lập của Lào đâu. Ngày nay hai dân tộc Việt-Lào cùng chung một kẻ thù xâm lược là đế quốc Pháp cho nên có sự hợp tác chiến đấu Lào-Việt là đáng tin cậy hơn hết. Trong quá trình hợp tác chiến đấu, cán bộ cấp dưới có lúc phạm sai lầm, nhưng đường lối chính sách của Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam chúng tôi là hết sức chân thành, có thủy, có chung. Trong lúc này Hoàng thân tạm ra đi, chúng tôi thu xếp mua vé máy bay và phái một cán bộ cùng đi với Hoàng thân; sau này nếu gặp khó khăn xin Hoàng thân cứ trở lại để cùng nhau lo toan sự nghiệp lớn của hai dân tộc Lào- Việt.

Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đi Mường-lơi một thời gian liên hệ và tìm hiểu thì thấy rõ những người mời Hoàng thân không phải là người thật lòng vì cách mạng Lào, nên lại quay về Băng-cốc tiếp tục liên hệ với ta, tổ chức lực lượng kháng chiến Lào. Ít lâu sau, ông trở về Lào, hợp tác chặt chẽ với cán bộ Việt Nam và các đồng chí Lào xây dựng quân đội Pa-thét Lào đẩy mạnh cuộc kháng chiến Lào đến thắng lợi.

Từ một số vấn đề trước mắt, như việc Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ra đi, tôi tìm hiểu sâu thêm toàn bộ công tác giúp đỡ cách mạng Lào, Miên. Tôi gặp nhiều đồng chí cán bộ phụ trách các đặc khu, nghe anh em báo cáo tình hình, nêu ra những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Cuối năm 1948, Ban cán sự Trung ương họp hội nghị cán bộ Mặt trận miền Tây, xác định những ưu khuyết điểm trong công tác giúp đỡ cách mạng Lào, Miên.

Hội nghị đánh giá cao những cố gắng lớn lao của cán bộ, chiến sĩ Việt kiều trên các đặc khu đã chịu đựng gian khổ, hy sinh phấn đấu vì lợi ích của cách mạng Lào, Miên cũng như vì lợi ích của cách mạng Việt Nam. Mặt khác hội nghị đã tổng kết ra một số vấn đề tồn tại như:


Sau khi báo cáo về Trung ương những nhận xét tổng quát nói trên, tôi bắt tay vào nghiên cứu một đường lối chung cho công tác giúp đỡ cách mạng Lào, Miên. Đầu năm 1949, tôi tập trung thời gian để viết bản “Đề cương công tác Lào, Miên”, với tinh thần là không những chỉ phổ biến trong cán bộ Việt Nam công tác ở Lào, Miên xem, mà còn phải để cho cán bộ chủ chốt của Lào, Miên cùng xem để phối hợp làm việc với nhau cho thật tốt.

Tháng hai năm 1949, Bản đề cương được đem ra hội nghị Ban cán sự Trung ưong mở rộng để thảo luận, bổ sung thêm ý kiến. Hội nghị này có nhiều cán bộ chủ chốt của Mặt trận miền Tây tham dự. Anh em đều nhất trí tán thành bản “Đề cương công tác Lào, Miên”, và coi đó là một tài liệu về đường lối, dùng để phê bình cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đặc khu ở Tây Lào và Tây Bắc Cam-pu-chia. Đề cương có mấy phần chủ yếu như sau:

Phần thứ nhất, kiểm điểm “Ba năm công tác Lào, Miên” (1946, 1947, 1948), đã đánh giá tổng quát:

“Chúng ta tuy giúp được Lào, Miên gây chính quyền, gây phong trào cách mạng và tổ chức kháng chiến, nhưng Lào, Miên vẫn chưa có một cơ sở nhân dân to rộng; cơ quan hành chính kháng chiến Lào, Miên còn yếu; lực lượng vũ trang nhân dân Lào, Miên chưa có; bộ đội chủ lực Lào, Miên vẫn chưa thành. Nói tóm lại là cơ sở kháng chiến Lào, Miên chưa vững.

“Chúng ta tuy đã mở mặt trận Lào, Miên làm cho Pháp bối rối, nhưng chúng ta vẫn chưa cản hẳn được chúng. Chúng vẫn còn dùng được các phương tiện ở Lào, Miên để đánh ta, vẫn còn dùng một số tài nguyên và hàng hóa của ta cung cấp cho bộ máy thống trị của chúng ở Lào, Miên để phá hoại cuộc vận động giải phóng Lào, Miên.

“Chúng ta tuy đã gây được thiện cảm giữa Lào-Miên-Việt, nhưng trong một đôi hành động vụng về, chúng ta đã làm cho nội bộ Lào, Miên lủng củng, làm cho những phần tử có ý phá hoại bám lấy để hòng chia rẽ Việt Nam với Lào, Miên.

“Những khuyết điểm ấy bởi đâu sinh ra?

“Có thể nói là vì chúng ta chưa nhận rõ tính chất và đặc điểm cách mạng Lào, Miên, chưa có thái độ đúng trong việc giúp đỡ Lào, Miên, chưa nắm được công tác chính của Lào, Miên.

Phần thứ hai, nói về tính chất và đặc điểm cách mạng Lào, Miên có đoạn phân tích như sau:

“Nhìn bao quát ta thấy rằng Lào, Miên đang ở một mức tiến hóa thấp hơn Việt Nam…

“Bởi vậy, cách mạng Lào, Miên không thể là cách mạng xã hội hay cách mạng tân dân chủ, mà chỉ là cách mạng dân tộc giải phóng.

“Cách mạng Việt Nam cũng là cách mạng dân tộc giải phóng, nhưng vì tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam đã cao hơn, nên khẩu hiệu cách mạng Việt Nam là độc lập và dân chủ đi đôi. Còn khẩu hiệu Lào, Miên thì chỉ độc lập và dân chủ. Để thực hiện mục đích độc lập, Lào miên, phải đoàn kết toàn dân, phải không phân biệt phong kiến hay tư bản, không phân biệt giàu, nghèo, không phân biệt người có tư tưởng cấp tiến hay chưa có tư tưởng cấp tiến, miễn là thật lòng đánh Pháp giành độc lập là phải gắn bó nhau lại thành một khối thống nhất, cùng nhau kháng chiến.

“Nhưng nói thế không phải là cách mạng Lào, Miên sẽ mang lại kết quả “độc tài”. Chúng ta phải biết rằng, mặc dù cách mạng Lào, Miên còn thấp kém, còn non, nhưng đã là cách mạng thì dù muốn hay không muốn, thực sự cũng là đứng về mặt trận dân chủ thế giới. Hơn nữa là trong quá trình cách mạng mọi việc đều phải nhờ vào dân, cái ý thức dân chủ sẽ nảy ra trong đầu óc nhân dân cũng như trong đầu óc người lãnh đạo. Nội dung dân chủ đã có đầy đủ, thì hình thức dân chủ sẽ ứng thời mà ra. Chế độ quân chủ lập hiến, hình thức Ủy ban dân tộc giải phóng là những cái bao hàm tính chất dân chủ một phần nào, mà còn tiến bộ dần, tiến bộ nữa. Trong giai đoạn hiện thời, miễn cưỡng đưa khẩu hiệu dân chủ ra là có hại cho sự đoàn kết dân tộc của Lào, Miên, có lợi cho địch…”

Nói về đặc điểm cách mạng Lào, Miên, bản đề cương nêu lên ba điều mâu thuẫn trong quá trình phát triển vượt bực của cuộc kháng chiến của hai dân tộc bạn:

  1. Chưa có cơ sở nhân dân mà đã có chính quyền…
  2. Chưa có bộ đội cách mạng mà đã phải đấu tranh quân sự…
  3. Bộ máy lãnh đạo yếu…

“Như vậy, cách mạng Lào, Miên ngày nay tuy là ở giai đoạn cao nhưng phải chú trọng lắm những công tác của giai đoạn thấp là gây dựng cơ sở quần chúng, gây dựng căn cứ địa.”

Phần thứ ba, nói về phương châm giúp đỡ cách mạng Lào, Miên gồm bốn điểm chính:

“a. Không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào, Miên… Chúng ta là một dân tộc bị xâm lăng, là một dân tộc cách mạng, trong việc giúp Lào, Miên, chúng ta phải hoàn toàn đứng trên lập trường lợi ích của Lào, Miên… Việc bộ đội đánh Xiêm-riệp rồi kéo cả về Nam, việc Quảng Trị mượn súng Lào mà trả chậm trễ, việc lấy bộ đội của ông Xi-thôn đưa về Khu V, đều là những việc cẩu thả trái với lập trường “không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm việc Lào, Miên”.

“b. Nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết... dân tộc tự quyết là một nguyên tắc căn bản để giải quyết vấn đề giữa hai dân tộc cũ quan hệ với nhan. Một chủ trương gì có quan hệ đến vận mệnh dân tộc Lào, Miên thì phải do Lào, Miên tự quyết định lấy. Thí dụ Lào, Miên sau này sẽ cùng với Việt Nam thành lập một liên bang Đông Dương hay tự mình lập riêng một nước độc lập… là những vấn đề chúng ta tuyệt đối không thể đặt ra một cách miễn cưỡng. Nhưng một người chân chính cách mạng Lào, Miên tuyệt đối không phải là người chỉ đánh Pháp mà lại cừu thị với Việt Nam…

“c. Không đem chủ trương Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy… Để tránh khỏi bệnh lắp máy, chúng ta phải điều tra nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Lào, Miên thật kỹ càng. Với cán bộ Lào, Miên gần gũi ta, chúng ta phải hiểu biết thật rõ… Bấy giờ hỏi chính sách dịch ở Lào, Miên thế nào? Sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân Lào, Miên thế nào? Tự hỏi rồi tự trả lời thì thấy rằng chúng ta đối với Lào, Miên còn xa lạ lắm. Đã xa lạ như vậy, thì chủ trương đưa ra làm sao mà thích hợp, làm sao mà tránh khỏi được cái bệnh lắp máy.

“d. Giúp đỡ tiến tới cách mạng Lào, Miên tự làm lấy được.

“Cách mạng không phải là một món hàng nhập cảnh, mà là cái kết quả của sự giác ngộ và sức đấu tranh của quảng đại nhân dân. Cách mạng Lào, Miên là việc của nhân dân Lào, Miên. Nếu nhân dân Lào, Miên không giác ngộ, cán bộ Lào, Miên không biết làm việc thì dù Việt Nam có đem đại bộ phận lực lượng đến cũng không thể giải quyết được. Để tiến tới Lào, Miên có thể tự làm lấy được, chúng ta cần tuyệt đối tránh bệnh bao biện là cái bệnh sinh ra từ chỗ không biết dùng người đến chỗ không dám tin người… Bất kể một công việc gì chúng ta cũng phải tìm cách gần gũi cán bộ Lào, Miên và lôi kéo cán bộ Lào, Miên gần gũi chúng ta, chịu khó bày vẽ, dìu dắt họ, đưa họ từ chỗ dễ đến chỗ khó, từ việc nhỏ đến việc to, từ chỗ thực tế tỉ mỉ đến chỗ lý luận cao xa. Như vậy là họ sẽ làm được việc, họ sẽ thành nhân tài, như vậy thì việc giúp đỡ Lào, Miên mới thật là có thể đạt đến mục đích”.

Phần thứ tư, nói về “Nhiệm vụ cần kíp của Lào, Miên ngày nay: Xây dựng và củng cố căn cứ địa”.
“Tuy tốn biết bao nhiêu công của, nhưng lực lượng kháng chiến Lào, Miên hiện này còn yếu. Về chính trị và kinh tế thì nói chung là đương bị địch kiểm soát. Về nhân dân thì tản mạn, chưa có tổ chức. Về quân sự thì chỉ có vài ba đơn vị đi phiêu lưu chiến đấu, cơm gạo phải mang từ nơi xa đến ăn, cán bộ và bộ đội lúc bị thương thì phải đi nước ngoài. Cơ quan chỉ đạo kháng chiến như Chính phủ Lào còn phải lưu vong. Ủy ban dân tộc giải phóng Miên thì lủng củng, không có tác dụng thật sự.

“Trước tình trạng này cố nhiên chúng ta phải chú trọng tổ chức nhân dân, nhưng không phải tổ chức nhân dân như trong hồi bí mật, cũng không phải chỉ lo lập chính quyền, mà lại càng không phải chỉ có tác chiến. Chúng ta phải chú ý cả ba mặt tổ chức (tổ chức nhân dân, xây dựng chính quyền, xây dựng bộ đội đánh giặc). Ba mặt công tác ấy cộng lại là thành căn cứ địa.

“Không có căn cứ địa, đội quân phiêu lưu cứ phiêu lưu, sẽ hao mòn, sẽ rời rã.

“Không có căn cứ địa, chính quyền cách mạng không thể tồn tại.

“Không có căn cứ địa thì không thể kháng chiến…”

Trong phần này có một tiểu mục nói về việc xây dựng chính đảng ở Lào, Miên:

“... bộ máy chính quyền phải làm việc chính quyền, quân đội phải chuyên tâm về quân sự; chỉ có chính đảng mới đi sâu vào nhân dân được, thật sự giác ngộ và động viên được nhân dân...Chính đảng là một đoàn thể gồm những phần tử giác ngộ hơn hết, kiên quyết hy sinh hơn hết. Nếu tổ chức quần chúng là một cái quả thì chính đảng là cái hột, nếu tổ chức quần chúng là một đội quân thì chính đảng là bộ tham mưa không thể thiếu được.

“…Tính chất cách mạng Lào, Miên là độc lập, thì chính đảng mà Lào, Miên cần có cũng là một đảng độc lập, chứ không phải là đảng dân chủ như một số cán bộ Lào đã chủ trương, cũng không phải là đảng xã hội như một số cán bộ Miên đã chủ trương.

Đề cương công tác Lào, Miên được Hội nghị cán bộ công tác Lào, Miên thông qua. Và sau đó được gửi về báo cáo Trung ương và được phổ biến rộng rãi trong cán bộ và chiến sĩ Việt kiều trên chiến trường Lào, Miên. Nhờ đó mà công tác giúp đỡ Lào, Miên được chuyển biển và phát triển mạnh hơn trước. Còn các đồng chí Lào, Miên khi được đọc Bản đề cương thì rất phấn khởi vì thấy rõ Việt Nam giúp Lào, Miên là vì lợi ích của Lào, Miên, chứ không phải vì lợi ích của Việt Nam.

Tháng 10-1949, Trung ương điện ra Băng-cốc chỉ định tôi phụ trách đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị Công đoàn Á-Úc họp ở Bắc Kinh vào khoảng cuối năm 1949. Tôi chuẩn bị lên đường đi Bắc Kinh ngay. Cùng đi với tôi có anh Bùi Các là một người giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp và rất thạo về việc giao thiệp trong lúc đi đường. Có thể nói, chuyến đi này nếu không có anh thì không thể đi đến nơi, đến chốn.



[1]lúc này nước Xiêm đã đổi tên là nước Thái
[2]nông trường Việt Nam
[3]Cục thông tin Cộng sản quốc tế
[4]hồi này Đảng ta chưa ra hoạt động công khai, nên khi trình bày các vấn đề trong hội nghị rộng rãi có cán bộ ngoại Đảng, tôi không nói gì về Đảng

Nguồn: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, tháng 7.1986. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.