© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
11.12.2002
Ngân Xuyên
"Tôi là ai?"
Ðọc hai tiểu thuyết nước ngoài: Sputnik Sweetheart của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami và Shanghai Baby của nhà văn nữ Trung Quốc Wei Hui
 
Cuốn thứ nhất là Sputnik Sweetheart của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Ông sinh năm 1949 tại Kyoto. Tác phẩm của ông toàn là tiểu thuyết: Dance Dance Dance, The Elephant Vanishes, Hard-boiled Wonderland and the End of the World, A Wild Sheep Chase, Norwegian Wood, The Wind-Up Bird Chronicle và South of the Border, West of the Sun. Sau vụ tấn công hơi độc vào một tuyến xe điện ngầm ở thủ đô Tokyo, ông viết tác phẩm phi hư cấu đầu tiên Underground gây tiếng vang lớn. Ngoài sáng tác, Murakami còn là một dịch giả, đã dịch sang tiếng Nhật các tác phẩm của F. Scott Fitzgerald, Truman Capote, John Irving và Raymond Carver. Báo Guardian nhận định: "Murakami chắc chắn thuộc hàng các nhà tiểu thuyết lớn nhất thế giới hiện còn sống".

Nhân vật chính của Sputnik Sweetheart là cô gái Sumire (theo tiếng Nhật nghĩa là "Violet"), nhưng truyện được kể ở ngôi thứ nhất của một nhân vật tên K. làm nghề giáo viên, bạn của Sumire, yêu cô, nhưng cô chỉ coi anh là một người bạn thân. Cuốn tiểu thuyết mở đầu: "Vào mùa xuân tuổi hai mươi hai, Sumire lần đầu tiên yêu trong đời. Một mối tình mạnh mẽ giống như một cơn lốc xoáy tràn qua các bình nguyên, cuốn phăng mọi vật trên đường đi, bốc chúng tung lên trời, xé tan chúng ra từng mảnh, vò nát chúng thành từng miếng. Cơn lốc không hề giảm cường độ khi nó băng qua đại dương, biến Angkor Wat thành đống hoang tàn, thiêu cháy rừng già Ấn Ðộ với hổ báo và muôn loài, rồi biến thành một cơn bão cát sa mạc vùng vịnh Ba Tư, chôn vùi cả một thành phố pháo đài cổ xưa dưới một biển cát. Tóm lại, đó là một tình yêu mang kích thước lớn lao. Người mà Sumire đem lòng si mê đó lớn hơn cô 17 tuổi. Và đã có gia đình. Và, tôi phải nói thêm, đó là một phụ nữ. Ðấy là nơi bắt đầu mọi sự và là nơi kết thúc mọi sự. Gần như thế" (tr.3).

Người phụ nữ Sumire yêu tên là Miu, một người Nhật gốc Triều Tiên, một thương gia kinh doanh rượu vang, quyến rũ và thành đạt. Còn Sumire đang tập viết văn, trang phục thì tuềnh toàng với chiếc áo khoác hàng cũ quá khổ và đôi ủng nặng chịch. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Sumire và Miu trò chuyện về văn học, Miu cố nhớ tên một trường phái là "Beatnik" nhưng lại nhầm ra "Sputnik", sau được Sumire nhắc cho. Từ đó Miu gọi Sumire là Sputnik Sweetheart. "Chị thích âm thanh của hai tiếng đó. Nó khiến chị nhớ tới con chó Laika.Con tàu vệ tinh nhân tạo đang lao vút không tiếng động lên khoảng tối đen của không gian bên ngoài. Cặp mắt đen lung linh của con chó dán vào ô cửa sổ nhỏ. Trong khoảng không bao la đơn độc, Laika có thể thấy được gì?" (tr.8). Từng cá nhân con người trên thế gian này cũng vậy, đơn độc, phải tìm sự kết nối giữa người và người. Miu mời Sumire đến làm việc tại công ty của chị, và dần trở thành như một thư ký riêng. Càng tiếp xúc với Miu, Sumire càng đem lòng yêu. Nhưng đồng thời cô cũng thấy lo lắng khi nghĩ mình có thể là một lesbian (đồng tính nữ), vì thế cô liên tục khuấy đảo K. bằng những cú điện thoại gọi tới vào lúc ba giờ sáng để dốc bầu tâm sự quanh những vấn đề hệ trọng nhất của cuộc đời: ham muốn tình dục là gì và cô có nên bày tỏ với Miu những tình cảm của mình không.

Sau đó Miu đưa Sumire cùng đi một chuyến châu Âu. Và tại một hòn đảo ở Hy Lạp Miu báo về cho K. biết là Sumire đã mất tích, yêu cầu anh đến giúp. K. bay sang Hy Lạp cùng Miu tìm kiếm Sumire nhưng không kết quả. Sumire đã biến mất một cách bí hiểm, lạ lùng. Trong khi xem lại đồ đạc của Sumire, K. tìm thấy hai chiếc đĩa mềm của cô, từ đó khám phá ra điều gì đã xảy đến với cô bạn của mình. Sumire cho biết trong chuyến đi cô và Miu đã có dịp gần gũi nhau nhưng Miu tỏ ra lãnh đạm. Nguyên nhân, theo câu chuyện kể của Miu với Sumire, là hồi 25 tuổi một lần chị bị mắc kẹt trên một chiếc đu quay suốt cả đêm ở một công viên giải trí tại Thụy Sĩ. Ngồi lơ lửng trên đu quay chị nhìn về căn phòng mình ở và chợt phát hiện thấy trong đó một người đàn ông đang làm tình với một phụ nữ ngay trên giường của mình, và người phụ nữ đó chính là mình. Qua cái đêm hãi hùng đó tóc chị bạc trắng. Và từ đó chị cảm giác mình bị tách ra hai nửa. Một nửa ở thế giới bên này, một nửa ở thế giới bên kia. Nửa nào mới là thật mình? Nghe chuyện của Miu, Sumire cũng đâm băn khoăn, thắc mắc về bản thân, thấy mình cũng bị tách thành hai nửa. Ðọc những dòng ghi chép đó, K. hiểu Sumire mất tích nghĩa là cô đang đi tìm cái nửa kia của Miu, của chính mình. Ði tìm câu trả lời cho câu hỏi: Who am I?

Miu nói: "Tôi vẫn ở phía này, ở đây. Nhưng một cái tôi khác, có thể là một nửa của tôi, đã đi sang phía khác. Mang theo cả máùi tóc đen của tôi, ham muốn tình dục của tôi, chu kỳ kinh nguyệt của tôi, buồng trứng của tôi, thậm chí có lẽ cả lòng muốn sống nữa. Và nửa còn lại là cái người em đang thấy ở đây. Kể từ hôm đó, vì một lý do tôi không thể giải thích được, tôi đã vĩnh viễn bị tách thành hai nửa. Ðiều này giống như một kiểu giao dịch vậy. Ðây không phải là một cái gì tôi bị mất cắp, bởi vì nó vẫn tồn tại đấy, ở phía khác. Giống như một tấm gương đơn ngăn cách chúng ta với phía khác. Nhưng tôi không bao giờ có thể xuyên qua ranh giới tấm kính đơn đó được. Không bao giờ. Tôi nghĩ không bao giờ là một từ quá mạnh. Có thể một ngày nào đó, ở đâu đó, chúng tôi sẽ gặp lại nhau và ráp lại thành một. Tuy nhiên vẫn còn một câu hỏi rất quan trọng chưa có lời đáp. Cái tôi nào, ở phía nào của gương, là tôi thật? Tôi không biết" (tr.172).

"Tôi đã sống trước đây, và tôi đang sống bây giờ, đang ngồi đây nói chuyện với em. Nhưng cái em thấy ở đây không phải là tôi thực sự. Ðó chỉ là cái bóng của người tôi đã là. Em mới là người sống thực sự. Còn tôi thì không. Ngay cả những lời tôi đang nói đây cũng là những âm thanh trống rỗng, nghe như tiếng vang" (tr.175).

Sumire an ủi Miu, nhưng đến lượt cô bất an. "Tôi yêu Miu. Yêu Miu ở phía bên này, điều đó khỏi nói. Nhưng tôi cũng yêu Miu ở phía khác y như vậy. Khi ý nghĩ này nảy đến tôi như nghe thấy chính mình - với tiếng "rắc" rất rõ - tách ra làm đôi. Dường như sự tách đôi biến thành ra đứt khúc của Miu đã lan sang tôi. Cảm giác đó áp đảo và tôi biết mình chẳng thể làm được gì để chống lại nó. Nhưng vẫn còn một câu hỏi. Nếu phía này, nơi Miu hiện sống, không phải là thế giới thực - nếu phía này thực sự là phía khác - thì tôi sẽ thế nào, người cùng chia sẻ một mặt phẳng thời gian và không gian với chị ấy?

Tôi là ai trong thế giới?" (tr.176).

Sau khi từ Hy Lạp trở về, Miu không còn liên lạc gì với K., còn nhân vật này thì vẫn tìm cách đoán hiểu sự biến mất của Sumire và hy vọng sẽ lại có những cú điện thoại dựng dậy lúc ba giờ sáng của cô bạn. Và rồi điện thoại trong phòng K. một đêm đã đổ chuông. Sumire vẫn như thường lệ từ một cột điện thoại ngoài phố gọi tới. "Tớ thực sự muốn gặp cậu", K. nói. "Tớ cũng thực sự muốn gặp cậu lắm", Sumire nói. "Khi không thấy cậu nữa, tớ mới ý thức được điều đó. Tớ thực sự cần cậu. Cậu là một phần của tớ; tớ là một phần của cậu" (tr.228). Cú điện thoại này có thực không, hay chỉ là tưởng tượng của K.? Chỉ biết nghe xong, K. nhảy ra khỏi giường: "Tôi kéo tấm màn che đã cũ kỹ phai màu sang một bên và mở cửa sổ. Tôi thò đầu ra ngoài nhìn lên bầu trời. Ðủ rồi, một mảnh trăng cong sáng nhạt treo lơ lửng giữa trời. Tốt. Cả hai chúng tôi đang cùng nhìn mảnh trăng này, đang cùng trong thế giới này. Chúng tôi nối với hiện thực bằng cùng một tuyến đường. Mọi việc tôi phải làm là lặng lẽ kéo nó về phía tôi"(tr.229). Cuốn tiểu thuyết kết thúc khi K. ngửa lòng bàn tay mình ra nhìn .

Truyện của Murakami giống như công án Thiền, chỉ đưa ra các câu hỏi, không có giải đáp, người đọc phải trầm tư để tìm ra ý nghĩa. Các nhà phê bình đánh giá Sputnik Sweetheart : "Làm sao Murakami lại biết cách tạo ra chất thơ trong khi viết về đời sống hiện đại và các cảm xúc? Tôi không thể cưỡng được lòng khâm phục" (Independent on Sunday). "Một cuốn tiểu thuyết hay, nhẹ như sợi lông, nhưng buồn da diết... một cuốn sách quyến rũ của một trong những tác giả hấp dẫn nhất thế giới" (Sunday Herald).


II.

Cuốn thứ hai là Shanghai Baby của nhà văn nữ Trung Quốc Wei Hui. Chị năm nay 30 tuổi, từng bị ông bố là một sĩ quan quân đội nghiêm khắc bắt đi ở chùa ba năm cho thuần tính thuần nết, sau đó vào một trường quân đội rèn tập một năm, trước khi vào học khoa văn tại đại học Phudan danh tiếng ở Thượng Hải. Viết văn với Wei Hui là cách duy nhất để có sức mạnh vượt qua nỗi sợ và nỗi buồn mà gia đình và xã hội đã mang lại cho chị. Wei Hui đã có các tập truyện ngắn: Shriek of the Butterfly, Virgin in the Water, Crazy Like Wei Hui, và Desire Pistol. Shanghai Baby là cuốn tiểu thuyết dài đầu tay của chị, được đề tặng cho cha mẹ, người yêu và trường đại học Fudan. Hiện nay Wei Hui sống ở Thượng Hải.

Tác phẩm này in lần đầu năm 1999 tại Nhà xuất bản Nghệ Thuật Gió Xuân (Liêu Ninh) với số lượng 80000 bản, sau khi phát hành một thời gian đã bị chính quyền ra lệnh cấm, số chưa bán hết bị tiêu hủy và bị đem ra đốt trước công chúng. Nhà xuất bản Gió Xuân bị đóng cửa và phải kiểm điểm về mặt chính trị. Tác giả bị cấm xuất bản một năm rưỡi, bị phê phán trên báo chí, không được nhắc đến tên trong các bài viết về văn học. Nhưng hành động cấm đoán của chính quyền đã làm cho tác giả và tác phẩm trở nên nổi tiếng ở cả trong nước và nước ngoài. Lập tức nó được dịch ra tiếng Anh và mấy thứ tiếng khác, được độc giả các nước tìm đọc, và trở thành The International Bestseller.

Nhân vật chính của truyện đứng kể ở ngôi thứ nhất đã tự giới thiệu mình ngay mở đầu sách: "Tôi tên là Nikki, nhưng bạn bè đều gọi tôi là Coco theo tên bà Coco Chanel, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Pháp sống đến chín mươi tuổi. Bà là thần tượng của tôi, sau Henry Miller. Mỗi sáng khi mở mắt tôi tự hỏi có thể làm gì để mình thành nổi tiếng. Khát vọng của tôi, gần như lý do tồn tại của tôi, đó là làm cho thành phố nổ tung lên như một trận pháo hoa. Ðiều này gắn nhiều với việc tôi sống ở Thượng Hải. Một màn sương huyền bí bao phủ lên thành phố, trộn lẫn những tin đồn liên tục và một vẻ cao ngạo sót lại từ thời shili yangchang (tô giới). Dấu hiệu thiển cận và tự mãn này tác động đến tôi: tôi vừa yêu nó vừa ghét nó. Dẫu sao, tôi cũng chỉ mới hai lăm tuổi, và một năm trước tôi đã cho ra đời một tập truyện ngắn không mang lại nhiều tiền bạc nhưng gây được chú ý (nhiều độc giả nam giới đã gửi thư cho tôi kèm theo những bức ảnh gợi tình). Cách đây ba tháng tôi đã bỏù việc phóng viên tại một tạp chí và bây giờ tôi đi chân trần, mặc váy ngắn phục vụ tại một quán góc phố có tên gọi Green Shalk Café" (tr.1-2).

Coco thỏa mãn khát vọng nhà văn bằng cách lao vào viết một cuốn tiểu thuyết và thỏa mãn ham muốn tình dục bằng cách quan hệ với hai người đàn ông. Một là Tian Tian, họa sĩ, nhưng bất lực. Một là Mark, doanh nhân người Ðức làm ăn tại Thượng Hải, đã có gia đình, nhưng đầy sinh lực nam. Vây quanh Coco còn cả đámbạn bè thuộc giới gay, lesbian, hacker. Coco kể lại rất thẳng thắn, trần trụi cuộc sống tình dục của mình và đám bạn. Cũng có nghĩa là tác giả, Wei Hui, thẳng thắn thể hiện khát vọng được giải phóng về phương diện này của lớp thanh niên thành thị, nhất là của phụ nữ, ở Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung, hiện nay. Chính đây là lý do tác phẩm bị cấm, tác giả bị phê phán là mô tả "những cuộc đời trụy lạc". Quả thực, những cảnh làm tình của Coco và Mark thường được mô tả chi tiết, tỉ mỉ theo cảm xúc của nhân vật. Chẳng hạn trong một lần gặp nhau như thế: "Anh [Mark] xô mạnh tôi xuống, rồi giống như người ở hang thời cổ anh rúc đầu vào giữa hai chân tôi và bắt đầu hôn cái của tôi bằng đầu lưỡi lạnh, ướt. "Cái của em xinh lắm (lovely pussy). Không có cái nào khác được như thế, kể cả Berlin và Thượng Hải gộp lại". Mắt mở to nhìn mông lung lên trần nhà, tôi cảm thấy niềm khoái lạc đã khiến tôi đầu óc tê liệt, thần trí đê mê. Mấy tiếng cái của em xinh lắm nghe thật tuyệt vời, đối với phụ nữ thậm chí chúng gây xúc động hơn nghe nói cuốn tiểu thuyết hay nhất trong năm" (tr.212). Hoặc ngay cả khi ngồi viết tiểu thuyết cái cách của Coco cũng rất gợi dục. "Tôi bị thôi miên bởi cuốn tiểu thuyết của mình. Ðể viết được một cảnh gợi tình thật chính xác, ưng ý, tôi đã khỏa thân ngồi viết. Nhiều người tin là có mối liên hệ giữa cơ thể và đầu óc. (Nhà thơ Mỹ Thedore Roethke nghe nói đã liên tục mặc và cởi quần áo trước gương để có cảm giác như đang múa khỏa thân). Tôi thì tin là có mối liên hệ thầm kín giữa viết văn và cơ thể. Khi hình dáng cơ thể tương đối đẫy đà câu nào tôi viết cũng đều ngắn gọn, sâu sắc, còn khi cơ thể gầy đi văn của tôi toàn những câu dài thượt như túm rong biển" (tr.167-168). "Tay phải cầm bút, tay trái tôi thò xuống âm hộ lúc này đã ẩm ướt, âm vật của tôi giống như một con sứa phồng lên dấp dính. Tôi cho một ngón tay vào vọc, rồi tiếp ngón nữa. Nếu như ngón tay tôi có mắt hay thiết bị quang học, chúng sẽ thấy một khối thịt hồng hồng, đẹp đẽ, một cái bình máu căng phồng nằm sát bên những vách trong phập phồng, mềm mại của âm đạo. Bao đời nay, những khu vườn lạ của phụ nữ phải chờ đợi sự thâm nhập của bộ phận sinh dục khác giới như thế này đây, chờ đợi niềm sung sướng nguyên thủy, một trận đánh đưa tinh dịch vào trong, sau đó bên trong cung điện màu mỡ, hồng hồng này một sự sống mới nhỏ bé sẽ được tượng hình. Thế chẳng phải hoàn hảo sao?" (tr.169).

Nhưng đọc kỹ Shanghai Baby thấy tác phẩm không hẳn nói chuyện khiêu dâm, mặc dù khi phản ứng lại hành động cấm đoán và đốt sách của nhà cầm quyền, Wei Hui đã tuyên bố quyết liệt: "Tôi là nữ tiểu thuyết gia khiêu dâm đầu tiên bị cấm ở Trung Quốc" ("I'am first banned pornographic female novelist"). Thông qua cuộc sống của Coco và đám bạn, tác giả muốn đề cập đến những vấn đề lớn như tình yêu, tự do, cái sống, cái chết. Mỗi người đàn ông dính vào Coco đều góp một cách trả lời vào các vấn đề có tính triết học đó. Sự giằng xé của Coco giữa Tian Tian và Mark là giữa tình yêu và tình dục, giữa tinh thần và thể xác, của con người hiện đại muốn một sự đồng điệu tuyệt đối. "Một cảm giác trống rỗng tôi không thể nào xua tan được, đồng thời trái tim tôi tràn ngập tình yêu đủ loại không biết thoát ra bằng cách nào. Người đàn ông tôi yêu không làm tôi thỏa mãn tình dục. Trong khi, một người đàn ông khác đã có vợ đáp ứng được nhu cầu thể xác nhưng lại không tác động được đến tình cảm của tôi. Chúng tôi dùng cơ thể mình tương tác với nhau và dựa vào chúng để cảm thấy sự tồn tại của nhau, nhưng chúng cũng là lớp bảo vệ giữa chúng tôi, ngăn chúng tôi tiếp xúc về tinh thần" (tr.104) - Coco thổ lộ với một người bạn là bác sĩ tâm thần. Từ đầu Coco đã chấp nhận Tian Tian khi được ngỏ lời, chuyển về sống ở căn phòng của anh, yêu anh thật lòng, chăm lo cho anh, thông cảm với chứng bệnh bất lực của anh, giúp anh xua đuổi ám ảnh cái chết, khơi lại cho anh cảm hứng sáng tạo. Khi Tian Tian trong một chuyến đi nghỉ ở phía Nam bị lôi kéo vào việc chích moocphin, Coco đã xuống tận nơi bắt anh vào trại cai nghiện, sau đó khi anh trở lại Thượng Hải cô đã để mắt ngăn ngừa anh hút lại. Và, trước khi Mark phải về nước, Coco đã định thú thật mọi việc với Tian Tian: "Tôi không thể lừa dối một người có đôi mắt của trẻ thơ, trí óc của thiên tài và tình yêu của kẻ mộng du. Tôi không thể xúc phạm đến một tấm lòng và trí tuệ như vậy được" (tr.242). Nhưng rồi Tian Tian đã chết sau khi hút lại quá liều. Mark cũng hết hạn làm việc ở Thượng Hải, phải quay về Berlin. Coco rơi vào cô đơn, bi kịch. Rời căn phòng của Tian Tian về lại nhà bố mẹ, Coco mang theo ba kỷ vật của người yêu: bức chân dung tự họa của anh, tập thơ Dylan Thomas anh thích đọc và chiếc áo trắng anh thường mặc. Khi đến chỗ mẹ Tian Tian trao lại chìa khóa phòng trở ra, Coco gặp bà nội anh đến mắng chửi cô con dâu đã tìm cách hãm hại con trai và cháu bà. Coco muốn đưa bà về nhà. "Bà nhìn tôi ngờ vực, sau đó nhìn lên bầu trời đầy mây phản chiếu ánh đèn thành phố đỏ sẫm. "Cô là ai?", bà hạ giọng hỏi. Tim tôi run lên. Một cảm giác dịu dàng và cay đắng dâng trào trong tôi, phút chốc tôi không biết phải trả lời sao cho bà cụ yếu ớt và mệt mỏi này. Tôi là ai, thực vậy? Tôi là ai?" (tr.263). Cuốn tiểu thuyết kết thúc ở câu tự vấn này của Coco.

Hình ảnh thành phố Thượng Hải trong tác phẩm cũng gây "sốc". Nói như một nhà phê bình phương Tây, cái thành phố văn hóa và đa dạng đó không chỉ là cái nền của cuốn tiểu thuyết, mà còn là một nhân vật. Nó được Wei Hui mô tả qua nhịp sống tất bật và những cảnh sống nhục cảm tự nhiên, đưa lại cho tác phẩm giọng điệu hậu hiện đại. Chị nói: "Ðộc giả phương Tây kinh ngạc thấy Thượng Hải lại có thể hiện đại và mang tính thế giới đến thế. Cuốn sách của tôi thể hiện bộ mặt tươi mới, mạnh mẽ nhất của thành phố quê hương tôi".

Cuốn tiểu thuyết có nhiều phần tự thuật của tác giả, nhất là trong việc viết văn của Coco. Wei Hui lấy tập truyện Shriek of the Butterfly của mình cho Coco làm tác phẩm đầu tay. Cũng như nhiều người viết trẻ háo hức thành công, Coco cũng muốn nhanh chóng được nổi tiếng, như Ali Baba nhờ câu thần chú "Vừng ơi, mở cửa" là thấy được kho báu, như Bill Gates trở thành tỷ phú chỉ qua một đêm, như Củng Lợi hớp hồn hàng trăm đàn ông da trắng nhờ sắc đẹp, dù không biết một từ tiếng Anh nào. Ông bố đã có lần nhắc nhở Coco: "Một điều kiện cần thiết để trở thành một tác giả lớn thực sự là phải biết quên đi sự hão huyền và học cách biết độc lập trong một nghề nghiệp tạm thời. Ðừng lấy làm tự mãn về địa vị tác giả của con, đấy là thứ nhất, thứ hai là con phải thành một con người và một phụ nữ, và chỉ thứ ba mới là thành một tác giả" (tr.232). Nhưng tác giả đã để cho Coco phải vật lộn rất nhiều với cuốn tiểu thuyết đang viết. Lấy kinh nghiệm cá nhân ra viết, Coco muốn đề cập đến những chủ đề rộng lớn hơn, có tính phổ quát hơn. Cô thấy đấy là một việc quá sức nhưng vẫn cố làm ("This may seem like a slogan from God, but that's what I tried to do"). Cuốn truyện của Coco kể về một cặp tình nhân đang ở bên nhau trong phòng thì khu nhà bị phát hỏa. Ngọn lửa đã bít hết các lối thoát, vàhọï đã làm tình với nhau lần cuối và ôm nhau cùng chết cháy. Ðây là một chuyện có thật Coco đã được một bạn trai kể cho nghe. "Tôi đặt bút xuống, tự hỏi: Tôi và người yêu sẽ làm gì nếu ở trong căn phòng ấy? Chắc chắn, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy thôi, vì không có sự lựa chọn nào khác. Chỉ thông qua sự ràng chặt với nhau như thế, chúng tôi mới có thể đối mặt được với nỗi khủng khiếp tột độ của cái chết tức thời. Trong học thuyết của Freud điều duy nhất tôi thấy thuyết phục là mối liên hệ bí ẩn giữa bản năng sống và bản năng chết" (tr. 168). Cuối cùng chật vật lắm, Coco cũng viết xong được cuốn tiểu thuyết, nhưng không thỏa mãn vì thấy nó không độc đáo gì, không khiến cả Thượng Hải phải nổ bùng lên như một trận pháo hoa. Wei Hui ám chỉ cuốn tiểu thuyết này của mình? Nếu vậy thì ngược lại với nhân vật, tác giả đã đạt được mục đích. Chị nói: "Cuốn sách của tôi và tôi chỉ đóng vai trò là một hòn đá ném xuống ao, vô tình làm nổi sóng khuấy bùn lên" (My book and I are only playing the role of a stone thrown into a pond, unwittingly causing waves that stir up mud").

Shanghai Baby gồm 32 chương, mỗi chương có đầu đề và có một hay nhiều đề từ trích của các nhà văn phương Tây từ cổ điển đến hiện đại. Ví dụ chương 32 cuối cùng, nhan đề "Who am I?", đề từ trích ba câu: "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại "(Descartes); "Tôi là chính tôi, một phụ nữ, không phải một "giới tính thứ hai" nào đó" (Lucy Stone); "Mọi điều, mọi điều bắt đầu như thế này. Tất cả bắt đầu trên khuôn mặt đẹp quyến rũ, sững sờ, tuy mệt mỏi và ẻo lả này. Ðó là một sự thử nghiệm" (Marguerite Duras). Hoặc như chương 25 "Tình yêu hay dục vọng?" có hai câu trích rất tiêu biểu: "Hạnh phúc của đàn ông: tôi muốn. Hạnh phúc của đàn bà: anh ấy muốn" (Nietzsche); "Làm tình với phụ nữ và ngủ với phụ nữ là hai việc tách biệt, không chỉ khác nhau mà còn đối lập. Tình yêu không tự bộc lộ trong ham muốn giao hợp (một ham muốn đối với vô số phụ nữ) mà trong ham muốn cùng nhau ngủ (một ham muốn chỉ dành cho một phụ nữ)" (Milan Kundera). Ðược hỏi vì sao không trích dẫn các tác giả Trung Quốc, Wei Hui trả lời: "Tôi rất quý trọng văn học cổ điển Trung Quốc. Sau hết, tôi đã được học chúng rất nhiều hồi ở đại học. Nhưng khi viết Shanghai Baby tôi cần thể hiện sự nổi loạn, dục vọng, cơn giận dữ và tốc độ mau lẹ nên trích dẫn văn học phương Tây thích hợp hơn".

Giới phê bình đánh giá Shanghai Baby : "Cuốn sách là một trong những cuốn đầu tiên dựng lên chân dung giới phụ nữ thành thị thế hệ Wei Hui, sinh vào thập niên 1970, khi họ đi tìm kiếm nền tảng đạo đức trong một đất nước chao đảo các giá trị" (The New York Times). "Một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc ướt át viết theo phong cách phương Tây kể về cuộc sống của nước Trung Hoa hiện đại" (The Times, London).


III.

Hai cuốn tiểu thuyết tình cờ tôi đọc giữa mùa thu-đông ở Tokyo. Một của nhà văn Nhật Bản tuổi ngoại năm mươi, hơn mười năm nay đang rất nổi tiếng trên văn đàn, thậm chí đang được coi là ứng cử viên giải Nobel văn học thứ ba của nước mình. Một của nhà văn Trung Quốc tuổi chớm ba mươi, nhà văn nữ, đang bị coi là gây cú "scandal" nặng nề cho văn học nước mình. Tôi đọc tình cờ nhưng lý do khiến tôi viết bài giới thiệu hai cuốn tiểu thuyết này là vì chúng ngẫu nhiên có sự gặp nhau kỳ lạ về nội dung. Cả hai nhân vật, Sumire và Coco, đều là nữ, đều trẻ tuổi, đều ham mê khám phá tình dục và đều khát vọng viết văn. (Ðể cho nhân vật làm người viết văn hình như là một cách khá lợi hại giúp tác giả đào sâu được sự phân tích, thể hiện của mình. Tôi nghĩ đến nhân vật Kiên của "Nỗi buồn chiến tranh": nếu Kiên không viết văn thì tâm trạng của người lính thời hậu chiến có giằng xé dữ dội được vậy không?). Họ đều bị phân thân giằng xé trong quá trình tự phân tích tìm hiểu bản thân, rốt cuộc đều phải đối mặt với câu hỏi nan giải "Tôi là ai?" ("Who am I?"). Tôi nghĩ, đây là một chủ đề lớn của văn học hiện đại thế giới, nhất là của văn học các nước đang phát triển. Lớp trẻ nói riêng, nhân loại mới nói chung, đang muốn bung phá hết mình để thấu hiểu và xác định. Sumire tìm cách ráp nối hai nửa bị tách rời của "cái tôi", phía này và phía khác, K. yêu cô nhưng cô đi theo Miu. Coco tìm cách thống nhất tình yêu và tình dục, cô yêu Tian Tian nhưng bị Mark hấp dẫn. Tôi là ai, câu hỏi hai nhân vật nữ trẻ hỏi mình và hỏi người, mời gọi chúng ta nhập cuộc truy tìm. Cách viết của hai tác giả cũng không hẹn mà gặp, ngay vào đầu đã cho nhân vật bộc lộ thẳng tính cách và ham muốn. Có ngẫu nhiên không? Có, ngẫu nhiên từ phía người đọc là tôi, đọc hai cuốn sách cùng lúc. Nhưng không ngẫu nhiên từ phía mỗi tác giả. Họ đang khám phá một thế giới bất an và khó lường. Trong thế giới đó con người bị bất an và khó lường, nhất là những người trẻ, nhất những người trẻ lại là nữ.
Ở trên tôi nói tình cờ là về tác phẩm, còn về tác giả thì có một người tôi không tình cờ. Ðó là Haruki Murakami. Cách đây gần mười năm, Viện Văn Học được Toyota Foundation tài trợ dịch tiểu thuyết Norwegian Wood của nhà văn này sang Việt ngữ. Tôi có tham gia việc dịch đó. Cuốn sách ở quê gốc gây nên cả một cơn sốt đọc, trở thành một hiện tượng, nhưng khi sang quê người thì bị nhốt vào kho, lý do duy nhất là "dâm tục", tuy những người dịch và biên tập đã phải giảm "dose" đi nhiều trong tiếng Việt. Rồi nó cũng được ra mắt, nhưng gần như chẳng ai thấy nó bán ở đâu. Còn tôi, bởi đó, tôi biết cái tên Haruki Murakami, và sang Nhật Bản lần này tôi tìm xem ông có cuốn gì mới. Sputnik Sweetheart là tiểu thuyết mới nhất của ông, và là cuốn sách thứ bảy của ông được dịch sang tiếng Anh. Cũng từ kinh nghiệm dịch cuốn của Murakami, nên tôi giới thiệu kỹ cuốn của Wei Hui, vì dầu có muốn dịch Shanghai Baby cho người mình đọc, nhất là các nhà văn trẻ, nhưng chưa dịch đã biết chắc là không nhà xuất bản nào trong nước cho ra. Vậy tôi giới thiệu hai cuốn tiểu thuyết này để những ai có điều kiện tìm đọc bản ngoại ngữ. Tôi dựa trên bản tiếng Anh: Sputnik Sweetheart (Translated from the Japanese by Philip Gabrriel, Published by Vintage 2002); Shanghai Baby (Translated from the Chinese by Bruce Humes, Washington Square Press, 2002).

Tokyo 30/11 - 2/12/02.

© Talawas 2002