© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.12.2002
Nguyễn Thị Minh Thái
Cõi người rung chuông tận thế - Một cách viết tiểu thuyết dồn nén
 
Ðây là một cuốn tiểu thuyết rất ngắn, chỉ hơn 250 trang. Nếu đã từng có truyện ngắn rất ngắn, từ 100 đến 1000 âm tiết trên hai tạp chí Kiến thức Ngày Nay và Thế Giới Mới, thì có thể nói đây là một cuốn tiểu thuyết rất ngắn, rất làm vừa lòng những ai vẫn muốn đọc tiểu thuyết, trong cái thời buổi đầy gấp gáp và đầy những món ăn nhanh này.

Cõi người rung chuông tận thế được nhà văn Hồ Anh Thái viết xong từ cuối thế kỷ XX, chính xác là cách đây 6 năm. Cũng ngần ấy năm, cuốn tiểu thuyết này lang thang phiêu bạt qua hành chục nhà xuất bản, từ Bắc chí Nam y như thân phận "ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh" của bánh trôi nước trong thơ nữ sĩ cùng họ Hồ với nhà văn: Hồ Xuân Hương
Cuối cùng, cuộc phiêu lưu của bản thảo tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế chấm dứt ở NXB Ðà Nẵng. Ngay sau khi ra đời vào tháng 9-2002, mặc lòng, chẳng dày dặn gì, Cõi người rung chuông tận thế lập tức rung chuông cõi-người-đọc tiểu thuyết, nó gây hấn người đọc thực sự.
Ðêm 23-11, trước giờ mở màn vở diễn kết thúc Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc Tế lần thứ nhất tại Hà Nội, nhà văn Hồ Anh Thái và tôi tranh thủ rẽ ngang chợ sách ở chỗ gặp nhau giữa hai phố Ðinh Lễ-Nguyễn Xí. Tình cờ thấy nhà báo Kim Hạnh, từ Thành phố Hồ Chí Minh đi công tác Tây Bắc, rẽ qua Hà Nội. Hạnh đang lúi húi kiếm sách. Hóa ra chị đang kiếm Cõi người rung chuông tận thế. Hết. Gặp nhà văn, chị bảo bị mắc cỡ, vì "kiếm không nổi sách của anh". Còn nhà văn thì xấu hổ vì không sẵn mang theo sách để tặng người đang tìm đọc chính cuốn tiểu thuyết đang gây xôn xao dư luận của mình.
Khi vào Nhà hát Lớn xem kịch, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, họa sĩ Doãn Châu, quay xuống bắt tay nhà văn Hồ Anh Thái, bảo: Viết dữ dội quá. Xem thích lắm... Tôi biết, còn nhiều người đọc trong và ngoài làng văn nghệ cũng có ý kiến khen ngợi như thế. Cõi người rung chuông tận thế đáng mặt là một cuốn tiểu thuyết gây hấn ở hai vấn đề nổi bật: một cách viết tiểu thuyết mới lạ và do đó, có một cách xây dựng nhân vật tiểu thuyết mới lạ. Tất nhiên, ở đây xuất hiện một logic tất yếu: cách viết tiểu thuyết mới lạ thường ứng với việc dựng nhân vật tiểu thuyết mới lạ. Trong một cuốn tiểu thuyết hay, hai điều này thường được tiêu hóa trong toàn bộ cách dẫn dắt một câu chuyện mang tính tiểu thuyết, qua một giọng kể đặc biệt thích hợp, cùng với việc xây dựng một hệ thống dày đặc các chi tiết để đắp nổi hoặc điêu khắc các nhân vật tiểu thuyết.

Phải nhận rằng, nhà văn Hồ Anh Thái rất cố tình viết tiểu thuyết ngắn. Trong khi đó, anh lại rất cố tình viết truyện-ngắn-dài. Nhiều truyện ngắn gần đây của anh trong các tập: Tiếng thở dài qua rừng kim tước (NXB Thanh Niên, 2001), Tự sự 265 ngày (NXB Hội Nhà Văn 2001) đều là những truyện-ngắn-dài, chẳng có phẩm chất gì chung với tiêu chí truyện rất ngắn đang là thời thượng, như tôi đã nói ở trên. Thế nhưng vì nhiều lẽ, vẫn rất nhiều người thích đọc truyện-ngắn-dài của anh.
Ðọc xong Cõi người rung chuông tận thế, phải nhận rằng, tiểu thuyết này được viết một cách thật dồn nén, và quả thực, nó đã được nén rất chặt (và điều này lại càng chẳng có gì mâu thuẫn với cách viết truyện-ngắn-dài của chính Hồ Anh Thái). Và có thể suy rộng hơn nữa, nhà văn Hồ Anh Thái đã thực sự nén chặt lại một cuốn tiểu thuyết với dung lượng còn nhỏ hơn một cái truyện vừa - vốn chưa bao giờ được coi là tiểu thuyết cả.

Thực ra thì cốt truyện của Cõi người rung chuông tận thế khá giản dị. Một câu chuyện báo thù của ngày hôm nay. Ngoài nhân vật Tôi trong chuyện, có ba chàng trai đều bị chết (kiểu đột tử) chỉ vì dính dáng yêu đương với một cô gái mang tên Mai Trừng. Nhân vật Tôi cảm thấy rằng mình đã chứng kiến ba cái chết kia, và mình cũng có biết Mai Trừng, nên có thể mình sẽ là người cuối cùng phải chết. Cuộc tìm kiếm Mai Trừng khiến nhân vật Tôi vỡ lẽ sự thật, hiểu rõ Mai Trừng và nguyên nhân cái chết của ba nhân vật thanh niên. Nhân vật Tôi đã cùng Mai Trừng lội ngược dòng về quá khứ chiến tranh của bố mẹ Mai Trừng, xin "giải thiêng" lời nguyền mà bố mẹ cô đã ám vào số phận của cô: đó là những người đàn ông cứ yêu cô thì phải nhận lấy cái chết.

Quả là một câu chuyện huyền hoặc, nhưng tuyệt nhiên không phải là kết quả vay mượn kiểu viết tiểu thuyết "huyền ảo Mỹ Latinh" như có người nhận xét, mà là một câu chuyện phảng phất màu sắc huyền thoại của tâm linh Phương Ðông, mà trong đó, tác giả đã tinh tế phát hiện theo cách riêng một thông điệp: ác giả thì ác báo.
Vì thế, nửa đầu cuốn tiểu thuyết, nhà văn Hồ Anh Thái tuân thủ một kiểu tả thực Phương Tây trong cách kể chuyện. Nếu tạm gọi kiểu này là kiểu "gọi sự vật bằng tên của nó", thì chúng ta có được chân dung của ba chàng thanh niên thời đại khá điển hình. Ðể nhấn mạnh sự điển hình này, nhà văn Hồ Anh Thái đã chọn một điểm nhìn tiểu thuyết độc đáo: tất cả những cái chết đã diễn ra trước mắt cái Tôi và được suy nghĩ từ cái Tôi. Và đây là một cái Tôi phân thân: nó vừa tham gia vào câu chuyện, vừa là một trong bốn người đàn ông có quan hệ với Mai Trừng, nhưng chỉ theo kiểu tinh thần, kiểu "platonic", lại vừa là cái tôi tiểu thuyết, suy ngẫm triền miên, can thiệp bằng thái độ riêng của mình về tất cả những gì đang xảy ra trong Cõi người rung chuông tận thế. Vì thế, thông điệp của tác giả về cái ác trở nên dày dặn ý nghĩa. Không chỉ là câu chuyện ác giả ác báo của Phương Ðông đầy chất nhân quả nữa, mà cái ác được đẩy lên thành một biểu tượng chính, luôn có mặt trong cõi người. Cái ác không chỉ nảy sinh trong chiến tranh, mang bộ mặt dễ nhận thấy của chiến tranh, mà nó còn sinh sôi nảy nở bạo tợn sau hòa bình, thậm chí mang bộ mặt trẻ trung của tình yêu lứa đôi, hay là của những dục vọng trẻ trai.
Ba nhân vật thanh niên trong cõi tiểu thuyết của Hồ Anh Thái là ba sắc diện khác nhau của một cái ác tinh vi: chúng chỉ chăm chăm chiếm đoạt thể xác của Mai Trừng, với dục vọng của những con đực. Song, về mặt nhân vật, chúng đều là những đứa trẻ cưng của nhân vật Tôi, như thể chúng là con của nhân vật Tôi. Nhân vật Tôi gọi chúng thân thiết: ba gã trai của tôi, lừng lững ba chàng đẹp trai cao trên dưới thước tám, đầy tràn dục vọng, đầy tràn sức sống.
Lãnh sứ mệnh trừng phạt cái ác từ khi lọt lòng, bởi ra đời từ hai cái chết của hai người lính cha và mẹ ngay ở chiến trường, việc trả thù của Mai Trừng thật kinh khủng với chính cô, bởi chính cô cũng không thể ý thức được, rằng, hễ cứ ai dính vào cô, thì bị coi là tội ác, và phải chết. Người cô yêu cũng thế.
Song, Hồ Anh Thái đã rất cao tay trong cấu trúc nén rất chặt tiểu thuyết, để rồi bung ra trong cái kết thúc. Nhân vật Tôi phải sám hối, với hành trình đi tìm Mai Trừng và cùng cô xin bố mẹ giải thiêng lời nguyền. Thế là câu chuyện về cái ác rốt cuộc dẫn đến một kết thúc hướng Thiện và có hậu, theo đúng tinh thần Phương Ðông, mà thoạt đầu, có vẻ như cuốn tiểu thuyết được viết với một tinh thần duy lý, phảng phất "dòng ý thức" của tư duy tiểu thuyết Phương Tây.
Càng đọc, càng thấy chất Phương Tây duy lý đi dần, dịch chuyển tinh tế về phía của Phương Ðông đẫm đầy tình cảm. Những trang viết về các cô gái thanh niên xung phong, tình chị em, tình yêu của lính chan chứa tình thương của tác giả. Có lẽ và như thế tác giả đã giải quyết được tất cả cái vấn đề kỳ lạ mình đặt ra: Vấn đề cái ác theo cách phát hiện rất riêng của mình.

Có ai đó, hình như nhà nghiên cứu phê bình Hoàng Ngọc Hiến thì phải, ông bảo rằng phần lớn các nhà văn Việt Nam chưa biết cách kể chuyện trong truyện ngắn, và nhất là cách kể chuyện dài trong tiểu thuyết. Tôi nghĩ là nhà văn Hồ Anh Thái, với Cõi người rung chuông tận thế đã biết kể một câu chuyện về cái ác với một giọng kể đa thanh. Ða thanh đến mức anh cũng chẳng buồn phân thân nữa, bằng nhân vật xưng Tôi, anh thoải mái tham gia bàn luận bằng một giọng hài hước riêng, mà phía cuối của giọng hài hước ấy, có tiếng rơi thầm của những giọt nước mắt lặng lẽ không kèm theo tiếng khóc.
Phải rồi, như thế nhà văn Hồ Anh Thái đã rung được một hồi chuông cảnh báo, để con người hãy tránh xa cái ác như tránh xa ngày tận thế. Tránh xa cái ác, có thể chỉ bằng cách đến với cái Ðẹp, như ai đó đã nói: Cái Ðẹp sẽ cứu chuộc thế giới. Vì vậy, mặc dù viết về cái ác, thanh điệu chủ đạo nhất trong thuyết vẫn là thanh điệu tình cảm, hay gọi là giọng điệu tình cảm. Cho nên, gấp cuốn sách lại ta thấy lòng bằng an.

© Talawas 2002