© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.10.2005
Hoàng Văn Hoan
Giọt nước trong biển cả
(Hồi ký cách mạng) 16 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
III. Những sự việc xảy ra sau khi Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam chống Mỹ

Những sự việc xảy ra sau khi Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam, có thể nói tóm tắt là Lê Duẩn đã ngả hẳn theo đường lối của Liên Xô là chống Trung Quốc và tìm cách đàm phán hòa bình với Mỹ để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam. Hai việc này liên quan chặt chẽ với nhau, vì sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng Lao động Việt Nam trao đổi ý kiến với Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà của Việt Nam, thì Liên Xô đề nghị “hai miền Nam, Bắc Việt Nam chung sống hòa bình, thi đua kinh tế, miền Bắc hơn hẳn về mặt kinh tế thì miền Nam sẽ thống nhất vào miền Bắc”. Còn Trung Quốc thì giới thiệu kinh nghiệm công tác trong vùng địch chiếm là “trường kỳ mai phục, liên hệ quần chúng, tích trữ lương thực, chờ đón thời cơ”. Trung ương Đảng Lao động Việt Nam không tán thành ý kiến của Liên Xô, mà tán thành áp dụng kinh nghiệm của công tác của Trung Quốc trong vùng địch chiếm. Nhưng năm 1956, Ngô Đình Diệm cự tuyệt việc Tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà, năm 1959 lại ra đạo luật 10-59 chém giết bừa bãi nhân dân miền Nam, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam mới chủ trương miền Nam phải đấu tranh vũ trang để tự vệ, Trung Quốc nhận định chủ trương đó là hợp lý, và hứa sẵn sàng giúp về mặt quân sự. Biểu hiện cụ thể là năm 1962 Trung Quốc đã giúp riêng cho nhân dân miền Nam chín vạn khẩu súng trường và súng máy để phát triển chiến tranh du kích, về sau cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam càng phát triển thì số lượng viện trợ của Trung Quốc lại càng ngày càng nhiều hơn. Lúc đó Lê Duẩn là một người tích cực đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam, nhưng sau một thời gian bị Khơ-rút-sốp thuyết phục thì dần dần ngả theo chiều hướng chống Trung Quốc và muốn nhờ Liên Xô dàn xếp việc đám phán với Mỹ để giải quyết vấn đề miền Nam.

Về chủ trương của Lê Duẩn chống Trung Quốc và đàm phán với Mỹ sẽ được trình bày cụ thể như sau:


Về chủ trương chống Trung Quốc

Chúng ta còn nhớ, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20-7-1954), nhiệm vụ cách mạng Việt Nam là một mặt xây dựng miền Bắc, một mặt đấu tranh giải phóng miền Nam. Về mặt xây dựng miền Bắc thì Trung Quốc và Liên Xô đều viện trợ, còn về mặt đấu tranh giải phóng miền Nam thì khi miền Nam đấu tranh vũ trang chỉ có Trung Quốc viện trợ quân sự cho Việt Nam, còn Liên Xô thì Khơ-rút-sốp vẫn chủ trương hai miền Nam, Bắc chung sống hòa bình nên không viện trợ cho miền Nam về mặt quân sự. Chẳng những không viện trợ quân sự, mà còn nhồi nhét tư tưởng chung sống hòa bình với đế quốc và tư tưởng chống Trung Quốc cho đám học sinh Việt Nam qua học ở Liên Xô.

Tháng 10 năm 1964, Khơ-rút-sốp bị đánh đổ. Bờ-rê-giơ-nép lên nắm chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 11-1964, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Trung Quốc cử Thủ tướng Chu Ân Lai và Nguyên soái Hạ Long qua Liên Xô dự lễ kỷ niệm để tỏ lòng muốn cải thiện quan hệ với Liên Xô. Nhưng trong bữa tiệc chiêu đãi, Xu-xlốp, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã nói thẳng với Thủ tướng Chu Ân Lai rằng, chủ trương của Liên Xô đối với Trung Quốc là chủ trương chung của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, không phải chủ trương riêng của Khơ-rút-sốp. Ma-li-nốp-xki, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô trắng trợn hơn, đã nói một cách khiêu khích với Nguyên soái Hạ Long rằng, Liên Xô đã đánh đổ Khơ-rút-sốp, Trung Quốc cũng nên đánh đổ Mao Trạch Đông. Như vậy là ở Liên Xô tuy Khơ-rút-sốp đã bị đánh đổ nhưng chủ trương chống Trung Quốc vẫn được tiếp tục đẩy mạnh một cách không giấu giếm. Biểu hiện cụ thể là quân đội Liên Xô đóng dọc vùng biên giới Xô-Trung trong thời kỳ Khơ-rút-sốp chỉ có hơn sáu mươi vạn, mà trong thời kỳ Bờ-rê-giơ-nép tăng lên hơn một triệu. Một biểu hiện cụ thể khác là trong quan hệ giữa các nước anh em Bờ-rê-giơ-nép nêu ra nguyên tắc “chủ quyền có hạn chế”.

Vì vậy, việc Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam chống Mỹ tuy cũng có lợi cho Việt Nam, nhưng tựu trung đã bao hàm một nhân tố nguy hiểm là thông qua sự phối hợp của Lê Duẩn, để lái Việt Nam đi chệch khỏi đường lối kháng chiến đúng đắn của Hồ Chủ tịch, nhằm xây dựng một căn cứ chống Trung Quốc từ phía nam, đồng thời tạo điều kiện để sau này khống chế Việt Nam và khống chế luôn cả các nước Đông Dương, uy hiếp nền an ninh ở vùng Đông Nam Á.

Nguyên từ đầu năm 1957, Lê Duẩn mới được Trung ương điều ra miền Bắc tạm quyền chức Tổng bí thư Trung ương thay cho Trường Chinh, người vì mắc sai lầm trong cải cách ruộng đất phải từ chức vụ đó, thì Lê Duẩn đã ngấm ngầm tìm người vây cánh, trước hết là những người ngả nghiêng không có lập trường vững, gió chiều nào theo chiều ấy, những người nghe theo luận điệu chống Trung Quốc của y cụ thể là những người trong ngành quân sự như Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Vịnh, những người trong ngành tuyên huấn như Tố Hữu, Trần Quỳnh, Hoàng Tùng, những người trong ngành ngoại giao như Nguyễn Cơ Thạch, những người ở ngành công an như Trần Quốc Hoàn, ở Viện kiểm sát như Hoàng Quốc Việt, và người mà y cho là đáng tin cậy nhất là Lê Đức Thọ, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng. Có thể nói đó là thời kỳ Lê Duẩn âm mưu chuẩn bị vây cánh, từng bước choán quyền lãnh đạo, để thực hiện những âm mưu đen tối.

Tiếp theo việc ký thông cáo chung với Liên Xô (năm 1964), việc chống nghị quyết Trung ương về vấn đề chủ nghĩa xét lại, nay được dịp Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam, thì Lê Duẩn phối hợp chặt chẽ với người lãnh đạo Liên Xô, đẩy mạnh hơn việc chống Trung Quốc.

Việt Nam đang chống Mỹ rất ác liệt, nhưng Liên Xô không giúp vũ khí tốt cho Việt Nam, lấy cớ rằng giúp cho Việt Nam thì Việt Nam sẽ giúp cho Trung Quốc lấy được bí mật về kỹ thuật. Thí dụ như máy bay Mic 23 [1] , Liên Xô đã giúp cho Ấn Độ và Ai Cập mà không giúp cho Việt Nam.

Liên Xô vốn có thể chở một phần vũ khí hoặc các thứ hàng viện trợ khác cho Việt Nam bằng đường biển để giảm bớt gành nặng về việc vận chuyển cho Trung Quốc, nhưng Liên Xô chỉ chở bằng xe hỏa, khi qua đất Trung Quốc tức là phải nhờ đường sắt và toa xe của Trung Quốc. Do đó những thứ hàng viện trợ của Liên Xô, của các nước Đông Âu và cả của Trung Quốc nữa ứ đọng lại rất nhiều ở ga Bằng Tường bên phía biên giới Trung Quốc, vì Việt Nam không có điều kiện bốc dỡ chuyên chở nhanh chóng. Lê Duẩn vẫn biết rõ tình hình này, nhưng lại phối hợp với Liên Xô ngấm ngầm tuyên truyền trong nội bộ rằng Trung Quốc không chịu chở hàng viện trợ của Liên Xô và các nước Đông Âu cho Việt Nam. Về tình hình này, một số ký giả phương Tây được Liên Xô mớm ý, đã đưa tin tuyên truyền rùm beng.

Để bác lại lời tuyên truyền vu khống này, ngày 28-2-1967, Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị cho Thông tấn xã Việt Nam phải công khai tuyên bố trên đài và trên báo chí rằng Trung Quốc vẫn chuyên chở hàng của Liên Xô cho Việt Nam đúng kế hoạch, đồng thời phê phán Thông tấn xã phương Tây tung tin nhảm là nhằm một ý đồ xấu. Ngoài việc vu khống như trên, Liên Xô còn thông qua bọn Lê Duẩn dùng nhiều thủ đoạn thâm độc lý gián mối quan hệ Việt–Trung.


*


Vào khoảng giữa năm 1965, trong dịp thăm Mạc Tư Khoa, Lê Duẩn đã triệu tập nhân viên Sứ quán Việt Nam và đại biểu học sinh Việt Nam học ở Liên Xô về Sứ quán nói chuyện ca ngợi Liên Xô, và phê phán một số chính sách của Trung Quốc. Đại biểu học sinh cho là Lê Duẩn nói không đúng chủ trương của Đảng, đã viết thư về báo cáo Trung ương và đặt hơn bốn mươi câu hỏi về bài nói chuyện của Lê Duẩn. Nhưng bức thư về đến Văn phòng Trung ương thì bị Lê Duẩn hủy bỏ, các đồng chí Bộ Chính trị không được trực tiếp xem bức thư này, mà chỉ được nghe người trong ban văn thư nói riêng cho biết mà thôi. Lúc Lê Duẩn từ Mạc Tư Khoa về qua Bắc Kinh, lại triệu tập nhân viên Sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh phê bình Trung Quốc trên nhiều vấn đề. Nhân viên Sứ quán phải ngồi nghe hơn ba tiếng đồng hồ, không một người nào phát biểu ý kiến, nhưng Lê Duẩn khi về đến Hà Nội, lại nói rằng Trần Tử Bình [2] đã đồng ý với luận điểm của y. Sau đó tôi có dịp gặp anh Trần Tử Bình và một số nhân viên Sứ quán thì mới biết, lời nói đó hoàn toàn là một chuyện bịa đặt.

Cũng năm 1965, khi Lê Duẩn còn ở Mạc Tư Khoa, Tố Hữu đã mở một cuộc hội nghị cán bộ tuyên huấn toàn miền Bắc, cho phép Trần Quỳnh đứng ra phê phán một số chính sách của Trung Quốc với những luận điệu y hệt như luận điệu của Lê Duẩn đã nói chuyện ở Sứ quán Việt Nam tại Mạc Tư Khoa và ở Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh.

Luận điệu phê phán Trung Quốc của Lê Duẩn là: Trong thời kỳ chống Tưởng và chống Nhật, Trung Quốc chủ trương lấy nông thôn bao vây thành thị, trong thời kỳ xây dựng, Trung Quốc chủ trương lấy nông nghiệp làm cơ sở, công nghiệp làm chủ đạo, những chủ trương như thế đều là tư tưởng nông dân, chứ không phải là tư tưởng vô sản. Đến như chính sách nông thôn mà Trung Quốc chủ trương dựa vào bần cố nông và trung nông lớp dưới thì chỉ là một sự mâu thuẫn giả tạo, vì sau khi cải cách ruộng đất rồi, thì nông dân ai cũng như ai. Việc công khai phê phán chủ trương của Trung Quốc như trên, đứng về nguyên tắc tổ chức mà nói, là một việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vì muốn phê phán chính sách của một đảng anh em, là phải qua sự thảo luận của Trung ương, ít nhất là của Bộ Chính trị, khi được phép phát biểu thì mới có thể công khai phát biểu.

Ngày 13-3-1967, Lê Duẩn cho đăng trên báo Nhân Dân bài thơ Tâm sự của Tố Hữu có nội dung chống Trung Quốc. Sau khi bị Hồ Chủ tịch phê bình, Ban tuyên huấn phải tuyên bố thu hồi số báo này, nhưng báo đã gửi đi khắp trong nước và ngoài nước, thu hồi làm sao được.

Năm 1967, ở Liên Xô đã xảy ra mấy sự kiện đáng đau xót. Một sự kiện là Đoàn học sinh Trung Quốc khi đến thăm Lăng Lê-nin, công an Liên Xô đã đánh họ ngay tại Hồng Trường, quần chúng Liên Xô trông thấy đều lên tiếng la thét đòi không được đánh học sinh Trung Quốc, nhưng công an vẫn đánh.

Một sự kiện đau xót khác cũng xảy ra ở Mạc Tư Khoa, là học sinh Việt Nam kéo nhau đến trước Sứ quán Mỹ đòi Mỹ phải chấm dứt việc xâm lược Việt Nam. Đó là một việc bình thường và rất hợp lý, thế mà công an Liên Xô lại đánh học sinh Việt Nam, đánh ác đến nỗi có người bị thương phải chữa mấy tháng mới khỏi. Sau đó không lâu, Lê Duẩn có dịp quan Liên Xô, trong cuộc gặp gỡ người lãnh đạo Liên Xô, Lê Duẩn đã ngỏ lời xin lỗi đến hai lần. Hồ Chủ tịch và các đồng chí Bộ Chính trị khi xem biên bản về cuộc gặp gỡ đó đều cho rằng việc xin lỗi như thế là hoàn toàn không đúng.

Một sự kiện nữa là trong những năm Việt Nam chống Mỹ rất ác liệt, có một số học sinh và cán bộ Việt Nam sang học ở Liên Xô không muốn về nước chống Mỹ, mà xin tị nạn chính trị ở Liên Xô. Liên Xô đã giữ lại những người tị nạn chính trị này, không chịu cho họ về nước mặc dù Việt Nam đã kháng nghị và chính thức yêu cầu họ về nước. Số người này lên tới bốn mươi tám người, trong đó có Lê Vinh Quốc, một cán bộ cấp sư đoàn trong quân đội, có Văn Doãn, một cây bút của báo Quân đội nhân dân, có Nguyễn Minh Cần và Trần Minh Việt là ủy viên Thành ủy Hà Nội. Thử hỏi trong lúc Việt Nam đang chống Mỹ, cứu nước, mà Liên Xô cho học sinh và cán bộ Việt Nam tị nạn chính trị như vậy là có ý đồ gì? Không thể hiểu thế nào khác, là Ban lãnh đạo Liên Xô muốn nuôi dưỡng một số người để sau này lúc cần thì làm chuyện lật đổ.


*


Đối với một số sự kiện như trên, thông thường thì mọi người Việt Nam đang chống Mỹ tự nhiên là phải tỏ thái độ bực tức, nhưng Lê Duẩn thì vẫn dửng dưng như không có chuyện gì, vẫn tán tụng Liên Xô và phổ biến sâu rộng những luận điệu chống Trung Quốc.

Vì sao Lê Duẩn là một người tham gia cách mạng đã lâu năm, mà đối với một người bạn đã từng cùng hoạn nạn, cùng chiến đấu với nhân dân Việt Nam suốt hơn hai mươi năm như Trung Quốc mà lại có một thái độ vong ơn bội nghĩa như vậy? Vì trong đầu óc Lê Duẩn đã sẵn có một thứ tư tưởng chống Trung Quốc do thực dân Pháp nhồi nhét từ trước và sau lại được chủ nghĩa xét lại Khơ-rút-sốp nhồi nhét thêm.

Chúng ta đều biết thực dân Pháp muốn củng cố nền thống trị ở Việt Nam, chúng đã tìm mọi cách phá hoại mối quan hệ sẵn có từ mấy nghìn năm giữa nhân dân hai nước Việt – Trung về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, sự quan hệ đó thể hiện rõ rệt trong tiếng nói Việt Nam có đến mấy chục phần trăm là chịu ảnh hưởng của tiếng nói Trung Quốc. Bọn thực dân Pháp đã lấy tội ác của các triều đại phong kiến Trung Quốc miêu tả thành tội ác nói chung của Trung Quốc đối với Việt Nam. Theo chúng thì dân tộc Trung Quốc là một dân tộc chuyên môn xâm lược các dân tộc khác. Chúng dùng hai tiếng “tai họa vàng”, ý nói tai họa do người da vàng gây ra, để hình dung sự xâm lược của Trung Quốc.

Chúng ta cũng đều biết, ở Liên Xô, khi đã lật đổ Ma-len-cốp, choán được quyền lãnh đạo Đảng, Khơ-rút-sốp đã dùng mọi thủ đoạn ép các nước anh em trong “gia đình xã hội chủ nghĩa” và các Đảng trong phong trào Cộng sản quốc tế phải múa nhảy theo càng chỉ huy của mình, đã gây ra một sự bất mãn và chống đối lớn trong phạm vi thế giới, đặc biệt là về vấn đề muốn khai trừ Trung Quốc ra khỏi phe xã hội chủ nghĩa. Khi Khơ-rút-sốp còn hoành hành, người ta gọi đó là “chủ nghĩa Khơ-rút-sốp”. Khi Khơ-rút-sốp đã bị lật đổ nhưng chủ trương Khơ-rút-sốp vẫn được tiếp tục đẩy mạnh, người ta gọi đó là “chủ nghĩa Khơ-rút-sốp không có Khơ-rút-sốp”.

Lê Duẩn trước kia đã bị tư tưởng chống Trung Quốc do chủ nghĩa thực dân nhồi nhét, thì ngày nay lại được cái tư tưởng chống Trung Quốc do chủ nghĩa Khơ-rút-sốp bồi bổ thêm, nên đã lún sâu trong vũng lầy chống Trung Quốc. Nhưng tư tưởng chống Trung Quốc lúc này của Lê Duẩn không phải vì lẽ sợ Trung Quốc xâm lược, mà là vì ngấm ngầm chống đối đường lối kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của Hồ Chủ tịch và ngấm ngầm từng bước lái theo chủ trương Khơ-rút-sốp là hai miền Nam, Bắc chung sống hòa bình, mà cụ thể là nhờ Liên Xô dàn xếp đàm phán hòa bình với Mỹ để giải quyết vấn đề miền Nam.


Về chủ trương đàm phán hòa bình với Mỹ

Chúng ta còn nhớ rằng, về đường lối chống Mỹ, cũng như đường lối kháng chiến chống Pháp từ trước, Hồ Chủ tịch nhận định là phải “trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng”. Nhưng từ tháng 8-1964, Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc hòng buộc nhân dân Việt Nam phải ngừng chiến đấu thì Lê Duẩn đã có ý muốn nhờ Liên Xô đàm phán hòa bình với Mỹ để giải quyết vấn đề miền Nam, và đã phổ biến trong cán bộ một luận điểm trái với nhận định của Hồ Chủ tịch, luận điểm đó là “trường kỳ gian khổ, nhưng phải tranh thủ một thắng lợi có tính chất quyết định trong thời gian ngắn để giải quyết vấn đề”. Vậy cái gọi là “thắng lợi có tính chất quyết định” là thắng lợi như thế nào? Gọi là “để giải quyết vấn đề” là vấn đề gì? Thì Lê Duẩn ấp úng không trả lời, vì Lê Duẩn vẫn vướng vít trong lòng chủ trương muốn đàm phán, mong có một cơ hội nào đó thì nắm lấy để thực hiện việc đàm phán với Mỹ. Đàm phán với Mỹ trong khi trên chiến trường còn ở thế giằng co, bên ta chưa tuyệt đối hơn hẳn đối phương, đối phương cũng chưa ở trong một thế bí, thì giải quyết vấn đề là chia cắt, mặc dù sự chia cắt đó ta được phần lợi nhiều, chẳng hạn như được thêm Trị Thiên, thậm chí được cả toàn bộ Khu 5, Mỹ chỉ nắm Nam kỳ mà thôi, thì vẫn là chia cắt, mà chia cắt như vậy là thừa nhận quyên thống trị của Mỹ ở Nam kỳ. Lê Duẩn ấp úng không trả lời được chính là ở chỗ đó.

Ngày 30-1-1968, chiến dịch Mậu Thân bùng nổ. Quân giải phóng miền Nam đồng loạt đánh vào hơn 40 thành phố, thị xã, thị trấn, trong đó có thành phố Sài Gòn và Huế. ở Sài Gòn, Quân giải phóng đã tiến công vào Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ chỉ huy quân ngụy, và đánh đến gác ba Sứ quán Mỹ. Ở Huế thì chiếm hẳn cả thành phố, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam tung bay trên Hoàng cung, trên các cơ quan và trên đường phố gần một tháng. Nhưng so sánh lực lượng giữa ta với địch trong lúc đó, thì địch đâu đã chịu chấp nhận tình trạng đó. Mỹ-ngụy bất chấp đến tính mệnh và tài sản nhân dân, đã dùng máy bay, đại bác và mọi thứ hoả lực là quân ta phải rút lui với một sự thiệt hại rất nặng về người, về binh lực và vũ khí.

Còn về phía địch, thì qua một trận mất vía đã hoàn hồn lại, Mỹ biết chắc là Quân giải phóng không thể chiếm được miền Nam, nên một mặt tiếp tục càn quét, một mặt tung tin muốn đàm phán hòa bình hòng làm cho Quân giải phóng miền Nam mong mỏi được hòa bình, bớt lòng hăng hái chiến đấu.

Ngày 31-3-1968 là ngày cách chiến dịch Mậu Thân vừa đúng hai tháng, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn một mặt tuyên bố cuộc ném bom bắn phá miền Bắc chỉ hạn chế từ vĩ tuyến 20 (Nghệ An) trở vào, một mặt chính thức đưa ra kiến nghị muốn đàm phán với Hà Nội, thì ngày 3 tháng 4 năm 1968, Lê Duẩn tự ý tuyên bố sẽ cử Đại biểu đàm phán với Mỹ. Lúc này Hồ Chủ tịch đang dưỡng bệnh ở Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai được biết tin này, liền đến hỏi Hồ Chủ Tịch, Hồ Chủ tịch cũng ngẩn cả người ra và nói là không biết gì về việc này.

Đàm phán với Mỹ để giải quyết vấn đề Việt Nam là một việc cực kỳ quan trọng, đáng lẽ Lê Duẩn phải đích thân đến Bắc Kinh báo cáo với Hồ Chủ tịch để cùng trao đổi ý kiến với Trung Quốc, nhưng Lê Duẩn không làm như thế, mà lại tự tiện trả lời Giôn-xơn một cách vội vàng như vậy là vì sao? Nguyên do là từ năm 1964, khi Mỹ ném bom miền Bắc, thì Lê Duẩn và một số người đã có ý định muốn đàm phán với Mỹ, nhưng lại sợ Hồ Chủ tịch không tán thành nên phải nói quanh rằng, việc muốn đàm phán với Mỹ là làm theo kinh nghiệm “vừa đánh vừa đàm” của Trung Quốc. Hồ Chủ tịch nói, nếu như vậy thì còn có thể nghe được, khi chưa giải quyết được vấn đề trên chiến trường thì làm sao giải quyết được vấn đề trên bàn hội nghị. Phải lấy đánh làm chính, đồng thời cũng có thể tỏ ý sẵn sàng đàm phán. Nhưng vấn đề này cần phải được bàn kỹ với các đồng chí Trung Quốc. Ý kiến của Hồ Chủ tịch như vậy là rất rõ ràng, vừa nắm vững nguyên tắc chiến lược, vừa có sự mềm dẻo về sách lược, đồng thời rất coi trọng sự bàn bạc, trao đổi ý kiến với Trung Quốc. Nhưng Lê Duẩn cố lập lờ để vượt quyền Hồ Chủ tịch và tránh không trao đổi ý kiến với Trung Quốc, cứ tuyên bố thẳng với Giôn-xơn, làm thành một việc đã rồi, thì Hồ Chủ tịch dù không đồng ý cũng không nói thế nào được nữa.

Có người nghĩ rằng một việc quan trọng như thế, nếu không được sự đồng ý của Hồ Chủ tịch thì Lê Duẩn đâu dám vượt quyền để quyết định?.

Để hiểu rõ việc Lê Duẩn cố ý vượt quyền Hồ Chủ tịch trong việc trả lời Giôn-xơn, chúng ta hãy xem lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đăng trên báo Nhân Dân ngày 17-7-1966 có đoạn:

“Giôn-xơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, một triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!”.

Chúng ta cũng xem bứt thư của Hồ Chủ tịch trả lời Giôn-xơn ngày 15-02-1967 về việc Giôn-xơn đề nghị “tìm kiếm một giải pháp hòa bình” bằng cách “thu xếp một cuộc nói chuyện trực tiếp giữa những người đại biểu tin cậy”. Bức thư trả lời của Hồ Chủ tịch có đoạn viết:

“Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện và bàn các vấn đề có liên quan đến hai bên. Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe doạ của bom đạn.

Lời kêu gọi và bức thư trả lời của Hồ Chủ tịch với một thái độ cương quyết và dứt khoát như vậy cốt là để phá tan cái ảo tưởng của Lê Duẩn muốn đàm phán hòa bình với Mỹ để giải quyết vấn đề miền Nam. Nhưng Lê Duẩn vẫn ảo tưởng, nên khi Giôn-xơn tuyên bố muốn đàm phán với Việt Nam thì Lê Duẩn cả gan dám vượt quyền Hồ Chủ tịch, cứ trả lời thoả thuận, làm thành một việc đã rồi, để gấp rút mở cuộc đàm phán Pa-ri với Mỹ. Chúng ta hãy xem một cuộc hội đàm Pa-ri đã kéo dài bao nhiêu năm và đã diễn ra như thế nào.


*


Ngày 13-5-1968 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Pa-ri, phiên họp đầu tiên của cuộc hội đàm giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu. Phía Việt Nam đòi Mỹ chấm dứt việc ném bom bắn phá miền Nam thì phía Mỹ đòi hai bên cùng xuống thang, nghĩa là đòi quân và dân miền Nam phải ngừng chiến đấu. Việc cùng đòi xuống thang như thế cứ cù nhầy hơn năm tháng, mãi đến ngày 01-11-1968 Giôn-xơn mới tuyên bố ngừng ném bom bắn phá toàn miền Bắc, để hai bên có thể bàn đến việc tham gia của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam và của Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thành cuộc hội đàm bốn bên. Nhưng cuộc bàn cãi cũng chỉ loanh quanh trên những chuyện lặt vặt, hình thoi hay hình tròn v.v…Cuộc bàn cãi kéo dài gần ba tháng mới đi tới thoả thuận.

Ngày 18-01-1969, đại biểu bốn bên ngồi lại chung quanh một cái bàn tròn, và thoả thuận mỗi tuần họp một lần. Nhưng khi họp khi thôi, Mỹ-ngụy vẫn muốn kéo dài cuộc hội đàm để tìm kiếm một thắng lợi có tính chất quyết định về mặt quân sự. Vì vậy, đến phiên họp thứ 29 ngày 19-11-1970, tính ra là gần hai năm cuộc hội đàm vẫn giẫm chân tại chỗ.

Ngày 21-11-1970, Mỹ lại dùng máy bay ném bom Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tây, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Như vậy, đáng lẽ có thể ngừng hội đàm để đẩy mạnh cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam. Nhưng Lê Duẩn chủ trương cứ họp, cho đến phiên họp thứ 148 mà vẫn không giải quyết được vấn đề gì.

Ngày 30-3-1972, quân và dân miền Nam nổi dậy tiến công mãnh liệt ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Tây Nguyên, Khu 5 và Nam Bộ.

Ngày 6-4-1972, Mỹ lại dùng không quân và hải quân đánh phá toàn miền Bắc.

Không còn ảo tưởng gì về cuộc hội đàm nữa, ngày 11-4-1972, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam ra lệnh đánh mạnh, giải phóng quê hương. Tháng 10-1972, quân và dân miền Nam đồng loạt nổi dậy tiến công mãnh liệt bắt hơn ba vạn tên địch, tiêu diệt bốn cứ điểm lớn của lực lượng đặc biệt ngụy, bắn phá dữ dội sáu sân bay, phá tan hàng trăm đồn bốt [3] .

Cuối tháng 12-1972, Mỹ lại mở cuộc tập kích lớn bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Bắc, Thái Bình, Nghệ An v.v… Nhưng cuộc tập kích chiến lược này đã bị hoàn toàn thất bại. Hơn tám mươi máy bay Mỹ trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F.111 bị bắn tan xác. Vì vậy ngày 23-1-1973, trong phiên họp thứ 175 là phiên họp cuối cùng của cuộc hội đàm Pa-ri, Kít-xinh-gơ mới chịu cùng Lê Đức Thọ ký tắt vào bản “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, và ngày 27-1-1973 thì bản Hiệp định đó mới được ngoại trưởng bốn bên ký chính thức.

Cần phải thấy rằng trong khi cuộc hội đàm Pa-ri kéo dài gần năm năm (13-5-1968 đến 27-1-1973), bốn lần ném bom ác liệt của Mỹ đã không doạ dẫm nổi quân và dân Việt Nam anh hùng, đồng thời cuộc đấu tranh đòi hòa bình của nhân dân và quân đội Mỹ cũng như của nhân dân thế giới liên tục nổ ra. Cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam và tiếng thét đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam làm cho Nhà trắng phải nghĩ đến chuyện “rút lui trong danh dự”.

Rõ ràng, Hiệp định Pa-ri được ký kết là vì:

  1. Quân và dân Việt Nam, đặc biệt là quân và dân miền Nam, với sự tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Hồ Chủ tịch thà chết không chịu làm nô lệ, đã bất chấp mọi hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến cùng.

  2. Quân Mỹ đã bị đánh mạnh và bị thiệt hại nặng trên chiến trường. Theo tài liệu được biết thì số lính Mỹ bị chết trên chiến trường là năm vạn tám nghìn, số bị thương là ba mươi vạn. Đây chỉ là một con số rút nhỏ lại, nhưng dù nhỏ đến mấy thì vẫn là cái chết uổng vì lợi ích của bọn lái buôn vũ khí của Mỹ.

  3. Vì phong trào đấu tranh của nhân dân và quân đội Mỹ nổi lên khắp nước Mỹ, đi đôi với phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

  4. Vì mắc kẹt ở chiến tranh Việt Nam, việc Mỹ tranh quyền bá chủ với Liên Xô đã bị đẩy lùi. Về mặt khoa học kỹ thuật Liên Xô đã có phần đuổi kịp Mỹ, và có những lĩnh vực thì Liên Xô hơn Mỹ.

Việc Lê Duẩn hấp tấp thoả thuận đưa một bộ máy lớn đến Pa-ri hội đàm với Mỹ như thế, là một việc tính toán sai lầm và nôn nóng không cần thiết. Nếu để sức người sức của phải tiêu hao ở Pa-ri trong gần năm năm tăng cường cho cuộc chiến đấu ở miền Nam và chống bắn phá ở miền Bắc, thì cuối cùng Mỹ vẫn phải hội đàm, phải chịu ký kết “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” bằng cách Mỹ phải rút hết quân đội ra khỏi Việt Nam. Đồng thời cuộc hội đàm có thể rút ngắn, thí dụ như cuộc hội đàm Giơ-ne-vơ năm 1954, chỉ độ hai tháng là kết thúc.

Nói tóm lại, thắng lợi của cuộc hội đàm Pa-ri là do thắng lợi ở chiến trường quyết định như Hồ Chủ tịch đã nói, chứ không phải do chủ trương thoả hiệp mà Lê Duẩn tự khoe khoang là mưu lược tài tình, càng không phải là do ba tấc lưỡi của Lê Đức Thọ ở Pa-ri quyết định.

Tuy vậy, đứng về mặt công tác mà nói, thì Lê Đức Thọ cũng như các người khác công tác ở cuộc hội đàm Pa-ri, đều có sự đóng góp của mình. Sự đóng góp đó là qua các hoạt động trong cuộc hội đàm đã nói lên được sự anh dũng của nhân dân Việt Nam trên chiến trường, đồng thời cũng nói lên được sự tích cực công tác và sự khôn ngoan của những người cán bộ Việt Nam trên bàn hội nghị.



III. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với vai trò của Lê Duẩn

Sau khi Hồ Chủ tịch qua đời tháng 9-1969, Lê Duẩn lên nắm quyền lãnh đạo, và ngày 30-4-1975 miền Nam được giải phóng. Như vậy, người ta có thể hiểu lầm rằng cuộc kháng chiên chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta cuối cùng giành được thắng lợi là nhờ sự chỉ đạo tài tình của Lê Duẩn. Chính trong đám tay chân của Lê Duẩn cũng thường rêu rao như vậy. Hãy xem tạp chí Cộng sản số tháng 12-1984, trong bài Trang sử đen của nền nghệ thuật quân đội Mỹ có đoạn nói: “Trong cuộc đọ sức gay go, quyết liệt, kéo dài với đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ đạo chiến tranh, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, quân và dân Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang nhất trong cuốn lịch sử 2.000 năm nghệ thuật quân sự Việt Nam”. Chỉ nịnh hót và tâng bốc cá nhân Lê Duẩn, mà không nói rõ chủ trương đường lối của Hồ Chủ tịch, không nói rõ tinh thần đấu tranh anh dũng của quân đội và nhân dân, không nêu rõ trí tuệ tập thể đã kịp thời sửa chữa những sai lầm của Lê Duẩn, thì đó chỉ là một sự thiếu hiểu biết của kẻ bồi bút. Để nói rõ sự hiểu biết đó, tôi thấy cần nêu ra mấy điểm như sau:



1. Những chủ trương sai lầm của Lê Duẩn sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, Lê Duẩn đã có một số chủ trương không đúng, như việc đánh giá sai lực lượng ta và lực lượng địch trong chiến dịch Mậu Thân, việc hấp tấp đàm phán với Mỹ ở Pa-ri, là những việc mà tôi đã phê phán ở phần trên. Giờ đây nói về vấn đề giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và vai trò của Lê Duẩn.

Như chúng ta đều biết, sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết, Mỹ-ngụy không hề tôn trọng Hiệp định, vẫn tăng cường càn quét lấn chiếm, hòng thủ tiêu Quân giải phóng và những người cách mạng miền Nam. Thế mà lúc bấy giờ chủ trương của Lê Duẩn là không được đấu tranh vũ trang, chỉ dùng hình thức đấu tranh chính trị và binh vận, để hòa giải dân tộc. Đây là một chủ trương xuất phát từ nguyện vọng chủ quan, không đúng với tình hình thực tế.

Về chủ trương này, ngay cả Trần Văn Trà, một người theo đuôi Lê Duẩn trong việc nói xấu Trung Quốc, cũng đã phải nói lên sự thật trong quyển Hồi ký của mình rằng: “Một số cán bộ, một ít địa phương với tinh thần chấp hành chỉ thị của trên là đấu tranh thi hành triệt để Hiệp định Pa-ri, sợ đánh trả địch thì vi phạm Hiệp định, chấp hành chủ trương công tác binh địch vận vô hiệu hoá quân ngụy một cách hữu khuynh, nguy hiểm, cụ thể hoá ra thành năm cấm: Cấm tấn công địch, cấm đánh quân địch càn quét lấn chiếm, cấm bao vây đồn, cấm pháo kích đồn ngụy và cấm xây dựng xã chiến đấu. Tưởng như vậy để ổn định tình hình, tránh gây căng thẳng để đi vào hòa hợp dân tộc. Một số nơi rút các đơn vị ở tuyến trước về sau để chấn chỉnh, củng cố. Cho rằng rút về sau thì đơn vị sẽ bị tiêu diệt. Thực tế là khi rút đơn vị vũ trang ta về, thì địch lại lấn lướt, phá cơ sở quần chúng, diệt cơ sở Đảng ta, xoá trạng thái da beo ở đấy” [4] .

Hồi ký của Trần Văn Trà còn nói: “Hiệp định Pa-ri không phải chấm dứt đấu tranh giữa cách mạng và phản cách mạng và cũng không chấm dứt được đấu tranh vũ trang mà nó quy định, vì địch vi phạm lấn chiếm như nói trên kia với ý đồ là chỉ còn một chính quyền ngụy, một quân đội ngụy. Thế mà chủ trương ta nên phân định dứt khoát thành hai vùng thôi, vùng địch và vùng ta, để có phương châm đấu tranh thích hợp cho mỗi vùng để ổn định ngay tình hình, để ta có thể củng cố xây dựng lại lực lượng vũ trang của ta đã yếu rồi, xây dựng vùng kinh tế của ta, xây dựng chính quyền của ta, thì thật không phù hợp chút nào”. [5]

Sau khi Hiệp định Pa-ri ký kết không lâu, địch đã lợi dụng chủ trương sai lầm này của Lê Duẩn, xua quân lấn chiếm một số vùng quan trọng của ta, như Cửa Việt thuộc Quảng Trị, vùng Bảy Núi thuộc Long Xuyên, đường số 4 ở Mỹ Tho, Đường số 2 ở Bà Rịa và Sa Huỳnh thuộc Quảng Ngãi. Đặc biệt, ở Nam Bộ, địch đã đánh chiếm các vùng kiểm soát của ta trên tất cả các tỉnh trong quân khu. Ở Sài Gòn, chúng còn dùng xe ủi đất để san bằng nhà ở, vườn tược của nhân dân, lập thêm ấp chiến lược, đóng thêm nhiều đồn bốt và tung bọt gián điệp về bắt bớ, bắn giết những cán bộ hạ tầng của ta. Đồng thời chúng còn ào ạt càn quét vào những vùng mà từ trước tới nay vẫn là vùng tranh chấp, để biến thành vùng do chúng kiểm soát, và đóng thêm đồn bốt mới. Chỉ riêng ở Mỹ Tho, Gò Công, Kiến Tường và Bến Tre chúng đóng thêm gần ba trăm đồn bốt. Đi đối với những hành động đó, địch còn tăng cường củng cố hệ thống ngụy quyền từ trên xuống dưới, lập thêm nhiều chi khu mới ở các xã, kìm kẹp nhân dân một cách khắt khe, tăng cường bao vây lùng bắt những người cách mạng ở miền Nam.


2. Phản ánh của Trung ương cục và cán bộ miền Nam

Thấy rõ nguy cơ đang đến với quân và dân miền Nam, “các đồng chí Trung ương cục miền Nam và Quân uỷ miền đã không đồng ý rút lực lượng phía trước về phía sau, mà ra lệnh phải củng cố, chấn chỉnh tại chỗ, giữ vững thể xen kẽ ba vùng và đã tích cực báo ý kiến này về Trung ương”. [6]

Vẫn theo Hồi ký của Trần Văn Trà, thì vì đã bất mãn với chủ trương đó của Lê Duẩn, cán bộ và chiến sĩ miền Nam đã tuyên bố là “chúng tôi có muốn đánh nữa cho thoả chí cá nhân đâu, chúng tôi muốn đất nước hòa bình, nhân dân hết chết chóc, nhưng địch hành quân càn quét lấn chiếm, chĩa súng bắn chúng tôi, âm mưu xoá sạch thành tựu cách mạng vừa qua, thì chúng tôi phải làm gì? Có phải chúng tôi đứng thẳng người giơ nắm tay lên trời hô khẩu hiệu “Hòa bình muôn năm”? Không! Thật tình chúng tôi không muốn cái trò ngây thơ đau xót hồi những năm 1954-1959 diễn lại. Trong tim mình còn nhức nhói cái tang của không ít đồng chí đã ngã xuống lúc ấy trong tay còn cầm súng mà không dám bắn, cái tang của nhiều phong trào địa phương bị dìm trong máu. Vì sợ bị phê bình làm sai chủ trương [7] , ở Mỹ Tho du kích phải tổ chức đánh lén [8] đồn bốt dịch đóng trái phép vào căn cứ mình. Ở Mỏ Cày, Bến Tre, đánh trả, phải lùi mãi, anh em than thở: “Chỉ còn nước chui xuống sàn mà ở”. Cuối cùng phải tự động đánh trả mới khôi phục lại được vùng căn cứ của huyện”. [9]

Ngược với chủ trương của Lê Duẩn, quân và dân miền Nam đã quyết tâm giáng trả địch lấn chiếm trái phép. Trung ương cục miền Nam đã cùng với hàng triệu nhân dân, hàng vạn chiến sĩ quân giải phóng, bộ đội địa phương, dân quân du kích ngày đêm vật lộn với kẻ thù, giành nhau từng tấc đất, từng thôn ấp, từng người dân. Kết quả là ta đã thu được nhiều thắng lợi, bẻ gãy nhiều đợt hành quân càn quét của địch, phá huỷ nhiều đồn bốt mà chúng đóng trái phép vào đất của ta, giành lại quyền kiểm soát trên hầu hết các vùng mà trước đây chúng lấn chiếm trái phép, buộc chúng phải co về vị trí đã hình thành trước ngày 28-1-1973, tức là ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực.

Kết quả hành động dũng cảm của quân và dân miền Nam không những làm chùn bước ý đồ của Mỹ-ngụy muốn tiêu diệt những người cách mạng miền Nam, mà còn giúp cho Bộ Chính trị sửa lại cách đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch. Vì vậy, ngày 18-12-1974, trong cuộc họp Bộ Chính trị có sự tham gia của đại diện các chiến trường miền Nam để bàn về phương hướng nhiệm vụ chiến lược hai năm 1975-1976, Lê Đức Thọ đã nói: Từ hiệp định Pa-ri tới nay, nói chung là ta đánh giá địch cao ta thấp... Bây giờ qua thực tiễn rõ ràng là ta mạnh hơn địch.

Tuy vậy, về kế hoạch cụ thể, Bộ Tổng tham mưu vẫn quy định năm 1975 các chiến trường không được đánh lớn, chỉ được đánh nhỏ phá kế hoạch bình định của địch, phải để dành lực lượng cho năm 1976 đánh lớn đạt thắng lợi quyết định. Chỉ sau khi Quân giải phóng đánh chiếm được Phước Long, thì Bộ Chính trị mới quyết tâm mở chiến dịch Ban Mê Thuột, và quyết định cử Văn Tiến Dũng vào Nam truyền đạt chỉ thị của Bộ Chính trị cho chiến trường Tây Nguyên và tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa Quân giải phóng miền Nam, bao gồm quân chủ lực Tây Nguyên, Quân khu 5, Bộ đội địa phương với sư đoàn 316 và một số trung đoàn tăng cường của Bộ Tổng tư lệnh.


3. Chiến dịch Tây Nguyên mở ra một triển vọng mới

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, sáng ngày 10-3-1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công Ban Mê Thuột. Trước đòn tiến công sét đánh của ta, ngày 11-3-1975 phần lớn quân ngụy đã tháo chạy vào rừng, thế là Ban Mê Thuột được giải phóng.

Hoảng sợ trước chiến thắng Ban Mê Thuột, ngày 14-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho toàn bộ quân ngụy phải rút khỏi Tây Nguyên.

Đồng thời với chiến dịch Ban Mê Thuột, ở Trị Thiên, lực lượng vũ trang quân khu cũng bắt đầu mở các cuộc tiến công bao vây địch, diệt và bức rút nhiều đồn bốt, phá hoại một số kho tàng và cắt đứt các tuyến giao thông quan trọng của địch.

Ngày 19-3, tiến công và giải phóng Quảng Trị.

Ngày 21-3, tiến công Huế và ngày 25-3 thì ta hoàn toàn làm chủ Huế.

Ngày 24-3 và 25-3, quân ta tiến công giải phóng Tam Kỳ và Tuần Dưỡng. Lực lượng địch ở địa phương tỉnh Quảng Ngãi cũng nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Do ta liên tiếp giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường, trong phiên họp ngày 25-3, Bộ Chính trị đã nhận định: Việc mở màn chiến dịch Tây Nguyên đánh vào Ban Mê Thuột đã làm cho cục diện chiến trường thay đổi theo chiều hướng rất có lợi cho ta. Thời cơ mới đã xuất hiện. Hơn lúc nào hết ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam. Trong cuộc họp này, Bộ Chính trị cũng quyết tâm điều Văn Tiến Dũng từ Tây Nguyên xuống Nam bộ để phối hợp với Phạm Hùng và Trần Văn Trà chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Ngày 25-3, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công Đà Nẵng. Cũng giống như ở Huế, tại đây phần đông lính ngụy đã mất tinh thần chiến đấu, bỏ đơn vị tháo chạy, nhiều tên chỉ huy của chúng cũng bỏ vị trí chiến đấu để tìm cách đưa gia quyến chạy trốn vào phía Nam. Một số đơn vị của địch, mặc dù chưa hề bị quân ta tiến đánh đã tự tan rã.

Đứng trước tình hình bi đát đó, ngày 28-3, Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân đoàn một và vùng một chiến thuật ngụy đã hạ lệnh rút bỏ Đà Nẵng theo chỉ thị của Thiệu.

Ngày 29-3, ta hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng.

Sau những thất bại dồn dập ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, và nhất là sau khi bị mất tuyến phòng thủ Phan Rang - Xuân Lộc, chế độ ngụy đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nhanh chóng cả về quân sự và chính trị. Nắm vững thời cơ chiến lược đó, đầu tháng 4, Bộ Chính trị đã nhắc nhở Quân ủy chỉ thị cho các binh đoàn, các quân khu phải hết sức khẩn trương để có thể bắt đầu cuộc tổng công kích vào Sài Gòn càng sớm càng tốt.

Ngày 14-4, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, quân và dân Nam Bộ đã chuẩn bị đầy đủ về các mặt để phục vụ cho chiến dịch. Quân chủ lực miền liên tục tiến công quân địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, tạo ra một vành đai giải phóng liên hoàn, bao vây ép sát Sài Gòn. Vì vậy mà khi quân chủ lực của Bộ hành quân từ ngoài vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định đã đến địa điểm tập kết một cách thuận lợi và bí mật.

Đúng nửa đêm ngày 28-4-1975, các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng tổng công kích vào các mục tiêu chính ở nội đô Sài Gòn.

Phối hợp với các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn, các Đảng bộ địa phương, các cơ sở cách mạng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy đấu tranh vũ trang, vận động lính ngụy bỏ súng đầu hàng và cướp chính quyền từ trong tay ngụy, giữ gìn nguyên vẹn các công trình, nhà máy để bàn giao cho chính quyền cách mạng, duy trì trật tự trị an tại chỗ. Lực lượng học sinh sinh viên Sài Gòn, ngoài việc ngăn chặn có hiệu quả các hành động phá hoại của địch, còn tích cực dẫn đường cho bộ đội ta tiến vào các mục tiêu, các công sở trong thành phố.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, quân ta đã cắm cờ lên Dinh Độc Lập, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 30-4-1975, khắp các đường phố Sài Gòn đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trước gió. Đông đảo nhân dân thành phố đã vui mừng đón chào Quân giải phóng. Trật tự thành phố và mọi sinh hoạt đều được giữ nguyên, nhiều nhà máy, công xưởng vẫn hoạt động, nhu cầu điện nước của các gia đình vẫn được cung cấp đầy đủ.

Không riêng gì ở Sài Gòn, ngày 30-4-1975, tất cả các nẻo đường, các miền quê của đất nước, đâu đâu cũng vui vẻ, rộn ràng, đâu đâu cũng vang lời ca:

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với vai trò của Lê Duẩn

Trong niềm vui hân hoan mừng thắng lợi, chúng ta không quên nhìn lại chặng đường đấu tranh gian khổ với bao hy sinh anh dũng của dân tộc ta trong suốt mấy chục năm qua. Chặng đường mà chúng ta đã đi là chặng đường đầy chông gai bão tố, đầy máu và nước mắt, nhưng hết sức quang vinh. Vì độc lập tự do của đất nước, không biết bao nhiêu đồng bào, đồng chí của ta đã ngã xuống. Máu đào của họ đã tô thắm non sông đất nước Việt Nam. Họ là những người làm nên chiến thắng.

Trong khi đánh giá nguyên nhân cơ bản của chiến thắng 30-4 và nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, chúng ta phải đứng trên lập trường cách mạng, phải đánh giá một cách khách quan, đầy đủ và chân thật. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Phải thấy được chủ trương của Hồ Chủ tịch, trí tuệ của tập thể Bộ Chính trị, của toàn Đảng và công sức của toàn quân, toàn dân ta. Đồng thời phải thấy được sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em, đặc biệt là những người cùng chiến đấu trong một chiến hào với chúng ta như các bạn Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Tuyệt đối không thể lấy công lao của tập thể và sự hy sinh của cả dân tộc, của bạn bè đánh tráo thành ra công lao của cá nhân Lê Duẩn.

Nếu như sau khi có Hiệp định Pa-ri, quân và dân miền Nam cũng triệt để chấp hành chủ trương sai lầm của Lê Duẩn mà không có sự uốn nắn kịp thời của tập thể, của quân và dân trong cương vị chiến đấu thực tế, thì chúng ta khó có thể lường trước được cái nguy cơ sẽ xảy ra đối với miền Nam, và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta sẽ đi đến kết quả như thế nào.

Thực tế đã cho thấy, chỉ có kiên trì thực hiện tư tưởng, chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, và chỉ có tinh thần chiến đấu anh dũng bền bỉ không sợ hy sinh của toàn thể quân và dân cả nước, thì chúng ta mới có ngày thắng lợi huy hoàng 30-4-1975, đất nước Việt Nam mới có ngày hoàn toàn giải phóng và thống nhất.

Vinh quang này mãi mãi thuộc về Hồ Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam, thuộc về quân và dân Việt Nam, đặc biệt là quân và dân miền Nam anh hùng.

Trong khi nói đến đường lối đúng đắn của Hồ Chủ tịch, nói đến sự lãnh đạo tập thể của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, nói đến công lao của toàn thể nhân dân, đặc biệt là công lao của quân và dân miền Nam, chúng ta không quên phần đóng góp cá nhân. Vì vậy, đối với Lê Duẩn, chúng ta cũng cần đánh giá đúng đắn. Lê Duẩn là một người đã tham gia cách mạng lâu năm, và đã có sự đóng góp nhất định cho cách mạng, mặc dù trong quá trình cách mạng có phạm sai lầm này, sai lầm khác cũng là một việc không thể tránh khỏi. Vì cách mạng luôn luôn là những sự việc mới, không phải ai cũng có thể một lúc nhận thức được hết. Phải vừa làm vừa học, phải kết hợp sát với thực tế từng địa phương từng giai đoạn, phải luôn luôn tổng kết kinh nghiệm, phải thành thực phê bình và tự phê bình, và phải luôn luôn trau dồi phẩm chất để không bị tha hóa, mà việc đó thì không phải ai cũng thực hành được một trăm phần trăm.

Những sai lầm của Lê Duẩn trước ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chúng ta chỉ coi là sai lầm của người cách mạng, sai lầm trong nội bộ nhân dân.

Nhưng từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Lê Duẩn đã xa rời hẳn chủ trương đường lối của Hồ Chủ tịch, đã xa rời hẳn những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, phá hoại thành quả cách mạng do cuộc đấu tranh gian khổ và hy sinh không bờ bến của nhân dân trong hơn một thế kỷ đã mang lại, biến nước Việt Nam anh hùng thành một nước bị mang tên là xâm lược, gây tình hình căng thẳng và chống đối với các nước láng giềng đời này qua đời khác, biến Việt Nam thành một căn cứ quân sự của nước ngoài, làm tổn hại đến nền hòa bình của đất nước, của Đông Nam Á và thế giới.

Tất cả những sai lầm của Lê Duẩn sau khi đất nước giải phóng, không còn là sai lầm của một người cách mạng nữa, mà là một sự biến chất, một sự phản bội đối với cách mạng, đối với dân tộc, với Tổ quốc.


IV. Cách mạng Việt Nam với sự phản bội của Lê Duẩn

Mục tiêu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Hồ Chủ tịch đã đề ra. Nhưng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi thì Lê Duẩn làm ngược lại tất cả, xuất phát từ một mục đích chiến lược phản cách mạng là âm mưu biến Việt Nam thành một nước bá chủ ở Đông Dương và ở Đông Nam Á.

Lê Duẩn biết rất rõ là Trung Quốc đối với âm mưu đó nhất định sẽ phản ứng mạnh. Vì vậy, để ngăn chặn sự phản ứng của Trung Quốc, để thực hiện cho bằng được cái mục đích chiến lược phản cách mạng như trên, Lê Duẩn đã nặn óc dùng thủ đoạn dối trá làm một số việc với những hậu quả hết sức nguy hại của nó như sau:




1. Về việc họp Đại hội lần thứ tư của Đảng vào cuối năm 1976

Theo đúng điều lệ Đảng bốn năm họp một lần, thì Đại hội lần thứ tư có thể họp vào cuối năm 1964 hoặc đầu năm 1965, nhưng vì Liên Xô vẫn chủ trương hai miền Nam, Bắc chung sống hòa bình, không chịu viện trợ quân sự cho Việt Nam, như vậy là về tình hình quốc tế còn có chỗ không thuận lợi. Sau khi Liên Xô đã đồng ý viện trợ quân sự cho Việt Nam chống Mỹ (2-1965) là điều kiện quốc tế cũng như điều kiện trong nước đều rất thuận lợi cho việc chuẩn bị họp Đại hội. Nhưng vì Lê Duẩn đang tính toán việc đàm phán với Mỹ, nên chưa dứt khoát về đường lối. Đã không dứt khoát về đường lối thì không có cơ sở viết báo cáo chính trị để trình Đại hội. Còn Hồ Chủ tịch thì suốt mấy năm liền phải chống chọi với bệnh tật, tuy cũng có giục Lê Duẩn chuẩn bị họp Đại hội, nhưng Lê Duẩn cứ nói là chuẩn bị không kịp, thì cũng không làm thế nào được. Sau khi Hồ Chủ tịch mất, quyền đảng đã hoàn toàn nắm trong tay, thì Lê Duẩn có thể tự do đẩy lùi cuộc họp Đại hội cho đến sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng thì việc thỏa hiệp với Mỹ không phải lo tính nữa, ý đồ xâm chiếm Cam-pu-chia và khống chế Lào đã có thể thực hiện được một cách chắc chắn; việc nhờ vào Trung Quốc viện trợ để kháng chiến nay có thể không cần thiết nữa; việc kéo bè, kéo cánh để gạt bỏ những người chống đối chủ yếu đã có thể thực hiện mà không ngại đến lòng hăng hái chống Mỹ của nhân dân. Cái thắng lợi mà toàn thể nhân dân đã hy sinh tất cả để mang lại, Lê Duẩn đã có thể tự vơ lấy để khoe khoang mình, do đó Lê Duẩn mới quyết định họp Đại hội vào cuối năm 1976.

Tháng 11 năm 1976, trong khi chuẩn bị họp Đại hội, Lê Duẩn đề nghị Bộ Chính trị cử tôi dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội Đảng An-ba-ni. Tôi biết rất rõ ý đồ của Lê Duẩn là muốn điều tôi đi xa để ở nhà chúng có thể tự do bố trí việc lôi kéo bè cánh, gạt bỏ những người không ăn ý, thành lập một ban lãnh đạo mới phù hợp với chủ trương, đường lối phản động của tập đoàn Lê Duẩn. Tôi biết, nhưng tôi rất vui lòng đi An-ba-ni, vì như vậy tôi khỏi phải tham gia vào việc bàn bạc về nhân sự, mà bọn Lê Duẩn thế nào cũng tìm cách gạt tôi ra khỏi cơ quan lãnh đạo Đảng, ít nhất là ra khỏi Bộ Chính trị.

Ngày 1 tháng 12 năm 1976, Đại hội lần thứ tư chuẩn bị họp trù bị, thì cũng là lúc Quốc hội Cu-ba họp khóa họp đầu tiên, có mời Quốc hội Việt Nam cử Đoàn đại biểu tham gia. Lê Duẩn vẫn muốn cử tôi dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội ta đi Cu-ba, nhưng sợ như vậy lộ liễu quá, nên một mặt quyết định cử chị Nguyễn Thị Thập, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Trưởng đoàn, một mặt lại bảo Xuân Thủy tâm sự với tôi rằng, đi dự Quốc hội Cu-ba mà chị Nguyễn Thị Thập là Trưởng đoàn có thể Cu-ba không vui lắm, nhưng ta đang chuẩn bị họp Đại hội, thì không có cách nào khác. Tôi hiểu ý Xuân Thủy tức là ý Lê Duẩn, nên tôi nói, nếu Đảng thấy cần tôi dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đi dự Quốc hội Cu-ba, thì tôi vui lòng nhận nhiệm vụ, mặc dù tôi sẽ phải vắng mặt trong cuộc họp trù bị Đại hội. Theo thói quen các đảng, thì cuộc họp trù bị là một cuộc họp để thảo luận trước về tư tưởng, về nhân sự xong xuôi đã rồi mới đưa ra Đại hội chính thức. Tôi nhận lời đi Cu-ba như vậy, cũng là cốt để tránh việc phải bàn bạc về vấn đề nhân sự. Quả vậy, sau khi Quốc hội Cu-ba họp xong, ngày 7-12-1976 tôi dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam từ Cu-ba về đến Hà Nội, thì cũng là ngày mà cuộc họp trù bị vừa kết thúc. Lê Đức Thọ gặp tôi để giải thích về việc cuộc họp trù bị không đề cử tôi vào Ban Chấp hành Trung ương. Việc này đối với tôi không phải là một việc đột ngột, càng không phải là một việc làm cho tôi phải buồn bực, vì tôi biết dưới sự khống chế của Lê Duẩn, thì tôi cũng như các người khác, dù có chân trong Ban Chấp hành Trung ương cũng không thể thật sự phát huy được tác dụng của một uỷ viên Trung ương, vì đã nhiều năm rồi, từ khi sức khoẻ Bác Hồ bị kém sút, thì ngay cả hội nghị Trung ương cũng hầu như không còn tác dụng là một tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng.


*


Tôi còn nhớ vụ án chính trị phát hiện trong năm 1967 do một số học sinh và cán bộ học ở Liên Xô về câu kết với nhau thành một nhóm chống Đảng. Khi lộ tẩy rồi bị bắt, nhóm này đã khai ra nhiều người trong đó có Nguyễn Văn Vịnh, trung tướng Quân đội nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất của Quốc hội, là một tên tội phạm quan trọng đã bí mật cung cấp tài liệu quân sự và tình báo chính trị cho nước ngoài. Một vụ án đặc biệt như vậy, thông thường là phải báo cáo đầy đủ với Bộ Chính trị để báo cáo với Trung ương quyết định việc xử lý. Nhưng khi Hồ Chủ tịch đang còn thì Lê Đức Thọ lấy cớ là vụ án đang ở trong giai đoạn điều tra, thỉnh thoảng mới báo cáo với Bộ Chính trị về sự phát triển của vụ án để biết. Sau khi Hồ Chủ tịch mất không lâu, Lê Đức Thọ đề nghị Bộ Chính trị cho lập một ban điều tra gồm ba người là Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Lương Bằng là uỷ viên, Lê Đức Thọ là Trưởng ban, nhưng thực tế thì Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn nắm, còn Nguyễn Lương Bằng thì chỉ nghe thế nào thì biết thế ấy. Từ đó Lê Đức Thọ không báo cáo với Bộ Chính trị nữa, mà chỉ ở hội nghị Trung ương khi có người hỏi thì mới báo cáo ở hội nghị Trung ương để biết. Mãi đến năm 1976, trong một cuộc hội nghị Trung ương, Lê Đức Thọ mới đề nghị xin Trung ương quyết định kỷ luật Nguyễn Văn Vịnh là hạ chức trung tướng Quân đội nhân dân xuống cấp thiếu tướng, hạ chức Chủ nhiệm Ủy Ban thống nhất của Quốc hội [10] xuống cấp Thứ trưởng. Cả hội nghị Trung ương đều phản đối, nhất trí quyết định phải khai trừ Đảng tịch, tước hết quân hàm, cách chức Chủ nhiệm Ủy Ban thống nhất của Quốc hội, và giao cho Lê Đức Thọ, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng làm thủ tục thi hành. Trước hội nghị Trung ương, Lê Đức Thọ không thể không thừa nhận nhiệm vụ thi hành, nhưng lại nói riêng với Nguyễn Văn Vịnh rằng, tuy tuyên bố kỷ luật như vậy, nhưng anh vẫn được tự do, cứ yên tâm chờ đợi một thời gian thì sẽ có cách xóa án. Thế rồi sau Đại hội lần thứ tư của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương được bầu lại, Lê Duẩn đã nắm chắc về tổ chức, thì trong một cuộc họp Trung ương năm 1977, Lê Đức Thọ mới đề nghị xin Trung ương xét lại vụ án Nguyễn Văn Vịnh và quyết định cho thôi chức Chủ nhiệm Ủy Ban thống nhất của Quốc hội, và chỉ hạ một cấp quân hàm từ trung tướng xuống thiếu tướng. Phải chờ đến khi có Ban Chấp hành Trung ương mới mới giải quyết được vấn đề, là vì theo nguyên tắc tổ chức thì chỉ có Trung ương mới phủ quyết được một nghị quyết đã có hiệu lực của Trung ương. Vì sao vụ án phát hiện từ năm 1967 mà để mãi đến mười năm sau là năm 1977 mới giải quyết? Là vì trong vụ anh Nguyễn Chí Thanh bị ám hại, Nguyễn Văn Vịnh là người được biết tất cả mọi chi tiết, nếu xử lý Nguyễn Văn Vịnh đúng theo kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước thì Nguyễn Văn Vịnh sẽ bươi ra hết cả, như vậy bộ mặt của bọn Lê Duẩn sẽ bị bóc trần, tội ác của bọn Lê Duẩn sẽ phơi bày trước Đảng và trước dư luận nhân dân.


*


Tôi cũng còn nhớ trong một cuộc họp hội nghị Trung ương năm 1968 [11] , bàn về vấn đề kháng chiến chống Mỹ, anh Nguyễn Thọ Chân, Ủy viên Trung ương dự khuyết, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô phát biểu ý kiến rằng cuộc kháng chiến hiện nay chủ yếu là phải dựa vào sự viện trợ của Trung Quốc, còn Liên Xô tuy có viện trợ ta, nhưng rất sợ Mỹ. Thế là Phạm Văn Đồng đang ngồi trên ghế Chủ tịch hội nghị liền cắt ngang lời, nói một hồi rằng chính Trung Quốc mới là kẻ sợ Mỹ. Anh Nguyễn Thọ Chân nói tiếp được mấy câu lại bị ngắt lời, phải đứng trên diễn đàn để nghe tiếp lời giáo huấn của Phạm Văn Đồng, vì Phạm Văn Đồng là Ủy viên Bộ Chính trị lại là Thủ tướng. Anh Nguyễn Thọ Chân nghe xong vẫn tiếp tục đưa chứng cớ nói Liên Xô là sợ Mỹ. Lại bị ngắt lời một lần nữa. Thế là anh phải bỏ dở lời phát biểu, rời diễn đàn quay về chỗ ngồi.

Lại trong một cuộc hộp nghị Trung ương năm 1970 cũng bàn về vấn đề kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Phạm Văn Xô, Ủy viên Trung ương phát biểu ý kiến rằng, cần thấm nhuần tư tưởng trường kỳ gian khổ như Hồ Chủ tịch đã dạy. Anh Xô cũng bị ngắt lời ba lần, và cũng đành phải bỏ dở lời phát biểu như anh Nguyễn Thọ Chân lần trước.

Lại trong một cuộc hội nghị Trung ương khác vào năm 1973 sau khi quân Mỹ đã rút hết khỏi miền Nam, mấy đồng chí quân sự có tham gia chiến dịch Mậu Thân đều phát biểu rằng, chiến dịch Mậu Thân kéo dài đã mang lại những tổn thất rất lớn là cơ sở nông thôn cũng như ở thành thị đã bị phá hoại nghiêm trọng. Nhiều cơ sở đến nay vẫn còn chưa khôi phục lại được. Có đồng chí sợ nói miệng có thể lại bị xuyên tạc, nên đã viết lời phát biểu thành văn bản, trịnh trọng đọc ở diễn đàn rồi giao văn bản cho Đoàn Chủ tịch. Một vấn đề quan trọng như vậy được các đồng chí có trách nhiệm về quân sự trực tiếp nêu thẳng ra trong hội nghị Trung ương, thế mà Đoàn Chủ tịch gồm các uỷ viên Bộ Chính trị, lại không nêu ra thảo luận và cũng không có một sự giải thích nào. Các đồng chí Trung ương trong hội nghị chỉ nhìn nhau, nói sang vấn đề khác theo sự điều khiển của Chủ tịch điều khiển hội nghị.


*


Vì những sự thực như trên, nên khi nghe Lê Đức Thọ nói lại ý kiến của cuộc họp trù bị không đề cử tôi vào danh sách ứng cử Trung ương, tôi không phản ứng gì cả, mà chỉ đề nghị trong Đại hội chính thức tôi sẽ xin phát biểu để đóng góp ý kiến của mình đối với Đại hội. Lê Đức Thọ liền trắng trợn nói thẳng rằng, chương trình phát biểu ở Đại hội đã xếp đặt đầy đủ, nếu anh phát biểu, người khác cũng xin phát biểu thì khó xử quá. Thế là trong Đại hội, chẳng những tôi không được đề cử vào Trung ương, mà cũng không có quyền phát biểu ý kiến.

Kết quả Đại hội lần này là một phần ba uỷ viên Trung ương bị gạt ra noài Ban Chấp hành Trung ương mới, Trung ương khóa ba chỉ có 71 người, thì lần này tăng lên 133 người gồm 101 uỷ viên chính thức, 32 uỷ viên dự khuyết, địa bộ phận là những người theo chủ trương của Lê Duẩn chống Trung Quốc, một số người khác tuy không đồng tình chủ trương chống Trung Quốc nhưng không găng lắm, hoặc kín miệng không dám phát biểu thẳng thắn.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc, thì đến Đại hội tỉnh, rồi đến Đại hội huyện, đại hội cấp nào cũng có đại biểu của Ban Tổ chức Trung ương (do Lê Đức Thọ nắm) đến tham dự. Theo lời tuyên bố của Ban Tổ chức [12] là Trung ương quy định người nào ngoài năm mươi lăm tuổi không được vào Tỉnh uỷ, ngoài năm mươi tuổi không được vào Huyện uỷ, trừ trường hợp đặc biệt do Trung ương quyết định [13] .

Thế là hàng loạt người không đồng ý với Lê Duẩn từ Trung ương đến địa phương, đều bị gạt ra khỏi ban lãnh đạo của Đảng. Việc chuẩn bị về tổ chức để tiến tới những hành động phiêu lưu của bọn Lê Duẩn đã cơ bản được thực hiện.

Đại hội Đảng họp vào cuối năm 1976, nhưng những sự việc có thể xảy ra trong Đại họi và sau Đại hội như thế nào, là tôi đã dự đoán được. Nên trong dịp đầu xuân năm 1976, tôi đã làm một bài thơ nói rõ cách nhìn và quyết tâm của mình như sau:

Bảy mươi mốt tuổi vẫn chưa già,
Vẫn cứ hăng say việc nước nhà.
Mắt tỏ nhìn ra người xấu tốt,
Tai tinh nghe biết chuyện gần xa.
Vạch đường cách mạng nhờ ơn Bác,
Vẽ bức dư đồ góp sức ta.
Mấy chục năm trời quen cặm cụi,
Non sông còn phải điểm thêm hoa.




[1]Mig 23. BT
[2]Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc
[3]báo Nhân dân ngày 01-12-1972
[4]Hồi ký Trần Văn Trà trang 54
[5]Hồi ký Trần Văn Trà trang 70
[6]Hồi ký Trần Văn Trà trang 68
[7]binh vận
[8]lén đối với cấp trên
[9]Hồi ký Trần Văn Trà trang 83
[10]ngang chức Bộ trưởng
[11]Hồ Chủ tịch mệt không đến dự được
[12]chỉ tuyên bố miệng chứ không có văn bản
[13]mà thực sự là do Ban Tổ chức quyết định

Nguồn: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, tháng 7.1986. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.