© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.10.2005
Hoàng Văn Hoan
Giọt nước trong biển cả
(Hồi ký cách mạng) 16 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
2. Về việc ép Trung ương ra nghị quyết chống Trung Quốc

Như ở phần trên đã nói, tư tưởng chống Trung Quốc của Lê Duẩn vốn có từ lâu, nhưng cách biểu hiện thì mỗi thời kỳ một khác. Thời kỳ chưa thật sự choán được quyền lãnh đạo Đảng (1957-1960) thì dùng thủ đoạn hai mặt, thỉnh thoảng nói tốt Trung Quốc một vài câu, có khi còn tỏ thái độ cho rằng những người đánh giá thấp công lao của các đồng chí cố vấn Trung Quốc là vong ơn bội nghĩa.

Thời kỳ đã chính thức được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng từ cuối năm 1960 về sau thì tư tưởng chống Trung Quốc vẫn giấu giếm khôn khéo, nhưng đã lộ đầu mối ra ít nhiều.

Thời kỳ Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam và sức khoẻ Hồ Chủ tịch sa sút nghiêm trọng, tức là từ năm 1965 về sau, thì luận điệu chống Trung Quốc theo kiểu Khơ-rút-sốp đã được phổ biến khá rộng rãi trong đám cán bộ cùng bè cánh.

Thời kỳ ở Trung Quốc đang tiến hành cuộc cách mạng văn hóa, tuy với những chủ trương quá tả, lũ bốn người đã mang lại cho Trung Quốc những thiệt hại rất lớn, nhưng đối với việc viện trợ Việt Nam chống Mỹ, Trung Quốc vẫn tích cực trước sau như một. Thủ tướng Chu Ân Lai đã cấm hồng vệ binh ở Bắc Kinh không được đấu tố các đồng chí Phương Nghị và Lý Cường là những người đang phụ trách việc viện trợ Việt Nam; Thủ tướng cũng cấm hồng vệ binh ở Vũ Hán không được ngăn cản các chuyến tàu hỏa chở vũ khí và vật tư cho Việt Nam. Tình hình đó Lê Duẩn biết rất rõ nhưng vẫn tuyên truyền cách mạng văn hóa Trung Quốc có hại cho kháng chiến Việt Nam và cố tình làm một số việc có tính chất khiêu khích đối với Trung Quốc. Lê Duẩn đã ép buộc Hội Liên hợp Hoa kiều ở Hà Nội phải cải tổ bằng cách đưa một tên phản động người Hoa đã từng chống đối cách mạng Trung Quốc lên nắm quyền lãnh đạo thay cho những người phẩm chất tốt và đã có công lao với cách mạng Việt Nam; tên phản động này mỗi lần tham gia hội nghị do Mặt trận Tổ quốc tổ chức, đều lên diễn đàn nói xấu Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lê Duẩn còn ép buộc tờ báo Tân Việt Hoa, một tờ báo chữ Hán do Hội Liên hợp Hoa kiều xuất bản, phải đóng cửa. Đối với những việc khiêu khích đó Trung Quốc đều cho là việc nội chính của Việt Nam, không tỏ thái độ, thì Lê Duẩn lại cho đó là sự mềm yếu của Trung Quốc, càng tỏ vẻ hí hửng, đắc ý.

Thời kỳ Mỹ rút hết quân đội ra khỏi miền Nam, rồi không lâu miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thì chủ trương của Lê Duẩn chống Trung Quốc được đẩy mạnh một cách hết sức trắng trợn.

Một việc nổi bật, là Trung Quốc đề nghị lập lãnh sự quán ở Sài Gòn, Lê Duẩn trở mặt nói rằng ở Việt Nam không có vấn đề Hoa kiều, mà chỉ có vấn đề người Việt gốc Hoa, không đồng ý cho Trung Quốc đặt lãnh sự quán, trong khi ở Trung Quốc, Việt Nam có ba Tổng lãnh sự quán ở Côn Minh, Nam Ninh và Quảng Châu.

Một việc nữa là việc "đánh tư sản mại bản” người Hoa. Nói là đánh tư sản mại bản, nhưng kỳ thực thì đánh tràn lan cả vào những người Hoa làm ăn lương thiện, thậm chí cả vào những người đã có công lao với cách mạng Việt Nam. Đi đôi với việc đánh tư sản mại bản còn có việc ép buộc một số người Hoa đi khu kinh tế mới. Những người đi khu kinh tế mới đều phải bỏ lại những gì là bất động sản, chỉ được mang theo một số đồ đạc nhẹ. Khi đến khu kinh tế mới là những nơi hoang vu trơ trọi, lại không được một sự giúp đỡ nào. Kết quả là có người phải quay về nơi làm ăn cũ, thì nhà cửa đồ đạc đã mất hết, không được nhập lại hộ khẩu và không có phiếu lương thực, phải chui rúc đầu cầu xó chợ, và thường bị xua đuổi chửi mắng; có người không có cách nào khác, đành phải ở lại khu kinh tế mới, thì cũng chết dần chết mòn vì đau khổ, vì đói rét, vì bệnh tật.

Một việc nổi bật nữa là cho đến nay đã có hơn hai mươi bảy vạn người Hoa bị đuổi về Trung Quốc và khoảng mười vạn người Hoa bị đuổi ra biển khơi rồi muốn đi đâu thì đi. Hai loại người này tuy cách đuổi khác nhau, nhưng có một điều giống nhau là tài sản và của cải bị cướp hết với lý do là khi đến Việt Nam hai bàn tay không, thì khi rời Việt Nam cũng hai bàn tay không!


*


Nhưng thế chưa đủ, để đẩy mạnh việc chống Trung Quốc hơn nữa, Lê Duẩn còn đặt việc chống Trung Quốc thành chính sách cơ bản của Nhà nước và đường lối chung của Đảng. Về mặt Nhà nước, Lê Duẩn đã thông qua Trường Chinh ép Ủy ban dự thảo Hiến pháp ghi rõ trong Hiến pháp rằng nhân dân Việt Nam "phải đương đầu với bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia”.

Về mặt Đảng thì vào khoảng giữa năm 1978, Lê Duẩn đã ép Trung ương ra nghị quyết chống Trung Quốc. Nghị quyết nói Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp, kẻ thù nguy hiểm của nhân dân Việt Nam; phải đánh đổ nhóm cầm quyền phản động thân Mao ở Bắc Kinh; phải giúp cho lực lượng tiến bộ ở Trung Quốc lên nắm quyền; phải phê phán tư tưởng Mao Trạch Đông trên tất cả các lĩnh vực; phải phái người đi các nước Đông Nam Á vận động các nước này chống Trung Quốc.

Sau khi có nghị quyết chống Trung Quốc thì những luận điệu chống Trung Quốc của Khơ-rút-sốp mà trước kia đã lén lút truyền nhau, bây giờ được phổ biến rộng rãi trong toàn Đảng; tác phẩm phản cách mạng của Vương Minh trước kia chỉ mới in một ít để chuyền tay nhau xem trong đám cán bộ thân cận của Lê Duẩn, thì bây giờ đã in hàng chục vạn quyển, bắt cán bộ từ cấp tỉnh trở lên phải học tập. Vậy Vương Minh là người như thế nào mà tác phẩm lại được Lê Duẩn quý trọng như vậy? Vương Minh là một người đối lập với tư tưởng Mao Trạch Đông, có lúc tả khuynh, như chủ trương phát động quần chúng cướp chính quyền ở thành thị, chủ trương trận địa chiến, không bỏ một tấc đất trong lúc quân Tưởng điều động hàng chục vạn quân hòng tiêu diệt khu Xô-viết Giang Tây; có lúc hữu khuynh, như chủ trương "hết thảy phải phục tùng mặt trận” khi Quốc - Cộng hợp tác chống Nhật. Những chủ trương tả khuynh và hữu khuynh đó đã làm cho hơn chín mươi phần trăm cơ sở Đảng ở thành thị bị tan rã, đã làm cho Hồng quân ở Giang Tây bị lâm vào cảnh nguy ngập, phải rời bỏ khu Xô-viết, tiến hành cuộc trường chinh gian khổ hơn một năm mới đến được miền bắc Thiểm Tây với những thiệt hại rất nặng.

Để thực hiện nghị quyết chống Trung Quốc, Phạm Văn Đồng đã đi thăm các nước Đông Nam Á để nói xấu Trung Quốc và cam đoan rằng sẽ không giúp đỡ Đảng Cộng sản của các nước này. Nói không giúp đỡ nhưng sự thực là phá hoại. Chúng đã đuổi những người đại diện Trung ương các Đảng này đang ở Hà Nội phụ trách công tác liên lạc với Trung ương Đảng Việt Nam. Đặc biệt tồi tệ là đối với Đảng Cộng sản Thái-lan, chúng đã đánh lừa, gọi các đồng chí Thái-lan ở Hà Nội đi qua Viêng Chăn để bàn việc, rồi giữ các đồng chí ở lại đó không cho về Hà Nội, cuối cùng vì không đủ điều kiện sống, các đồng chí phải rời khỏi Lào chạy về Thái-lan, trong khi đang bị đương cục Thái-lan lùng bắt. Chúng còn xúi giục một số người Thái-lan phản dân tộc như Nai Bun-dên lập ra một cái đảng gọi là "Đảng mới”, sau đổi tên là "Đảng Đông Bắc”, nhằm âm mưu chia cắt mười sáu phủ ở Đông Bắc Thái-lan thành một nước độc lập. Bọn Bun-dên thường phải người về các phủ Đông Bắc Thái-lan hoạt động, nhưng khi bị bắt thì khai ra tất cả những âm mưu thủ đoạn và nhiệm vụ mà bọn Lê Duẩn đã giao phó. Rõ ràng cách đối xử của Lê Duẩn với Đảng Thái-lan như đã nói trên, không phải là xuất phát từ nguyên tắc "không xuất cảng cách mạng” theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cũng không phải là xuất phát từ nguyên tắc "không can thiệp vào nội chính của nước khác” như chủ trương chung sống hòa bình đã được thế giới công nhận, mà là một sự phản bội đối với các đảng anh em, một âm mưu lật đổ đối với nước láng giềng.

Để thực hiện nghị quyết chống Trung Quốc, Lê Duẩn tiếp tục bức hại, xua đuổi và cướp bóc tài sản của người Hoa, đưa ra khỏi cơ quan Đảng, Nhà nước và quân đội bất kể người Hoa nào, mặc dù là anh hùng diệt Mỹ, là lao động tiên tiến, là người có công lao trong kháng chiến cũng như trong việc xây dựng đất nước Việt Nam. Một việc rất độc ác là đối với người Việt có vợ hoặc có chồng là người Hoa thì mặc dù đã có con cái, cũng bắt buộc hoặc phải ly hôn với người Hoa, hoặc phải chịu một số phận như người Hoa là đi khu kinh tế mới hoặc cùng phải lìa bỏ Việt Nam đi nước ngoài. Ở dọc đường biên giới Việt – Trung, chúng cấm hẳn không cho nhân dân cả hai bên đi lại trao đổi hàng hóa hoặc thăm hỏi lẫn nhau như trước kia hai Đảng đã thỏa thuận. Chúng còn đào hầm hố, cắm chông gài mìn và khiêu khích bằng quân sự, giết hại những người dân thường đang làm lụng ở đồng ruộng, hoặc đang đi trên đường bên phía Trung Quốc.

Đi đôi với những việc làm trên, là việc thanh lọc nội bộ mà đối tượng là những người có ý kiến muốn hòa mục với các nước láng giềng, những người thường nói đến công ơn của Trung Quốc trong thời gian chống Pháp và chống Mỹ.


3. Về việc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt–Xô rồi đánh chiếm Cam-pu-chia

Việc Lê Duẩn ép Trung Quốc rồi làm một số việc như đã kể trên, mục đích là cốt làm cho Liên Xô thấy rằng Lê Duẩn đã quyết tâm chống Trung Quốc và phá hoại tất cả những đảng anh em nào không đồng ý với chủ trương của Liên Xô chống Trung Quốc, tự nhiên những việc làm như vậy chẳng những được người lãnh đạo Liên Xô vừa lòng, mà còn được khuyến khích nữa là khác.

Ngày 3 tháng 11 năm 1978, Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng đích thân đến Liên Xô ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt – Xô, mà thực chất là một hiệp ước Liên minh quân sự. Hiệp ước có khoản viết: "Trong trường hợp một trong hai bên bị tiến công, hoặc bị đe dọa tiến công thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó, và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước”. Rõ ràng điều khoản đó không phải để Lê Duẩn bảo đảm an ninh cho Liên Xô, mà là để Liên Xô bảo đảm an ninh cho Lê Duẩn chống Trung Quốc và những hành động phiêu lưu khác của Lê Duẩn mà Trung Quốc có thể phản ứng bằng quân sự.

Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt – Xô ký xong, thì ngày 25-12-1978, Lê Duẩn đưa hai mươi vạn quân đánh thẳng vào Cam-pu-chia, ngày 7-1-1979 chiếm Phnôm Pênh, và ngày 10-1-1979 đưa tên bù nhìn Hêng Xom-rin ra tuyên bố thành lập cái gọi là "nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia” để hợp pháp sự xâm chiếm của bọn Lê Duẩn.

Kế hoạch của bọn Lê Duẩn là với một lực lượng lớn và cách đánh chớp nhoáng như vậy, thì chỉ trong mấy tuần là tiêu diệt hết lực lượng kháng chiến và thôn tính xong Cam-pu-chia. Nhưng từ tháng giêng năm 1979 đến nay đã hơn bảy năm mà còn bị lún chân ở vũng lầy Cam-pu-chia, con em Việt Nam còn phải đi làm bia đỡ đạn, nông nghiệp Việt Nam ngày càng sa sút, công nghiệp bị đình trệ, nhân dân bị đói khổ, bệnh tật, chết chóc và mất hết tự do dân chủ. Trên trường quốc tế, Việt Nam đã hết sức bị cô lập. Liên hợp quốc đã liên tiếp bảy lần ra nghị quyết đòi Việt Nam phải rút hết quân đội khỏi Cam-pu-chia, nhưng Lê Duẩn chẳng những không chịu rút quân khỏi Cam-pu-chia, mà còn dùng quân đội quấy rối và uy hiếp nền an ninh của Thái-lan nữa.

Lê Duẩn thường tuyên truyền là người lãnh đạo Cam-pu-chia dùng chính sách diệt chủng. Nhưng thực ra thì Lê Duẩn đã dùng chính sách diệt chủng ở Cam-pu-chia bằng cách đốt phá và giết chóc nhân dân Cam-pu-chia bằng cách đưa người Việt di cư đến Cam-pu-chia [1] , đồng thời bắt ép bọn bù nhìn Hêng Xom-rin phải nhường đất đai nhà cửa cho người Việt di dân, để họ cùng với quân đội Việt Nam khống chế Cam-pu-chia cả về mặt quân sự, chính trị và kinh tế. Chúng còn ép con gái Cam-pu-chia phải lấy người Việt, bắt các trường học Cam-pu-chia phải dạy chữ và tiếng Việt, để từng bước đồng hóa người Cam-pu-chia thành người Việt, hòng thực hiện cái mộng "Liên bang Đông Dương” mà Việt Nam làm bá chủ.

Bộ mặt lừa thầy phản bạn của Lê Duẩn đã hoàn toàn lộ rõ. Cái gọi là "chủ nghĩa quốc tế”, gọi là "liên minh đặc biệt” với Lào và Cam-pu-chia, hoàn toàn chỉ là một sự lừa bịp.


Hậu quả của sự phản bội của Lê Duẩn

Hậu quả của sự phản bội Lê Duẩn đã phá hoại tất cả những gì tốt đẹp của một Đảng mác-xit-lê-nin-nít, phá hoại tất cả những gì là thành quả của cách mạng, phá hoại tất cả những gì là tương lai tươi sáng của Tổ quốc, phá hoại tất cả những gì là sự cống hiến của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Cụ thể thể hiện ở các mặt như sau:

a) Về mặt Đảng. Trước kia Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chủ tịch sáng lập và rèn luyện, là một đảng gồm những người làm đầy tớ trung thành của nhân dân, thì ngày nay dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, thực tế đã trở thành một tổ chức mà phần lớn là do những người cùng bè cánh của Lê Duẩn hoàn toàn khống chế, chúng bao che đùm bọc lẫn nhau, đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Trong Đảng không có một chút tự do dân chủ, không ai dám nói lên ý kiến thật của mình về những vấn đề lớn của đất nước, của xã hội, hễ ai dám mạnh dạn phê bình những sai trái của chúng là bị trù úm, bị hãm hại, ở cấp nào cũng vậy. Dựa vào Đảng, Lê Duẩn đã bất chấp cả hiến pháp, pháp luật, bất chấp cả ý kiến của Quốc hội, của Mặt trận, của các đoàn thể nhân dân mà chính cách mạng đã xây dựng nên. Thực ra chỉ là một hình thức "đảng trị” theo kiểu phát-xít, trái hẳn với nguyên tắc một chính đáng mác-xit-lê-nin-nít. Việc Lê Duẩn tự khoe khoang là trung thành với đường lối của Hồ Chủ tịch, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, khoe khoang là xây dựng chủ nghĩa xã hội, khoe khoang là thi hành chủ nghĩa quốc tế vô sản đối với Lào và Cam-pu-chia, hoàn toàn chỉ là một chuyện nói láo trên đài và trên báo, không lừa bịp được ai.

b) Về mặt đối nội. Do chính sách xâm lược và hiếu chiến, tất cả sức người sức của đều dồn cả vào việc chiến tranh và chuẩn bị chiến tranh, con em chúng ta còn phải đi làm bia đỡ đạn trên chiến trường. Vì vậy mà công, nông, thương nghiệp đã bị đình trệ, đời sống nhân dân đã tụt xuống đến mức bị xếp vào hạng thấp nhất trên thế giới. Tệ nạn xã hội như tham ô, móc ngoặc, buôn gian bán lậu, trộm cắp, cờ bạc, đĩ điếm, ăn mày, mê tín dị đoan ngày một lan tràn. Một xã hội được khoe khoang là xã hội chủ nghĩa mà ở nông thôn đã xuất hiện tầng lớp cường hào mới, ở nhà máy, xí nghiệp đã xuất hiện tầng lớp cai xếp mới, ở cơ quan Nhà nước đã xuất hiện tầng lớp quan lại mới, ở bộ đội đã xuất hiện tầng lớp quân phiệt mới.

Việc xóa bỏ chế độ tự trị của các dân tộc thiểu số đã gây nên sự chống đối của các dân tộc và tạo cơ hội cho một số phần tử phản động có điều kiện hoạt động phá hoại nền thống nhất của đất nước.

Việc xây dựng khu kinh tế mới là một chủ trương tốt, nhưng bọn Lê Duẩn đã biến nó thành một hình thức trừng phạt để đối phó với những người không được chúng ưa thích, kể cả người Việt lẫn người Hoa, đã gây nên một sự mất mát lớn về sức lao động và của cải của nhân dân, một sự bất mãn lớn trong hầu hết những người bị bắt buộc phải đi khu kinh tế mới.

Chính sách đối với miền Nam cũng là một vấn đề rất lớn về mặt đối nội. Chúng ta còn nhớ trong những năm 1964-1968, khi được tin bọn Lê Duẩn đang có âm mưu muốn thỏa hiệp với Mỹ, cán bộ miền Nam tuyên bố "thà chết chứ không chịu tập kết ra Bắc một lần nữa”. Lời tuyên bố đó đại biểu cho ý chí kiên cường bất khuất trong cuộc đấu tranh chống Mỹ-ngụy để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Nhưng khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng thì bọn Lê Duẩn đã vơ lấy toàn bộ thành quả của cuộc chiến đấu làm công lao của mình. Thậm chí còn ép buộc miền Nam phải rập khuôn theo kiểu làm ăn không thích hợp đã thi hành ở miền Bắc, và để cho cán bộ miền Bắc nắm mọi chức quyền trọng yếu trong các ngành, gạt bỏ một phần lớn cán bộ và nhân sĩ yêu nước miền Nam trước đã tham gia kháng chiến, kể cả những người có chân trong Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đó là những việc làm sai trái đã gây nên sự phản ứng mãnh liệt trong cán bộ và nhân dân miền Nam.

c) Về mặt đối ngoại. Việc động viên toàn bộ lực lượng bóp méo lịch sử, xuyên tạc sự thật, ghi vào Hiến pháp và ra Nghị quyết Trung ương gây thành một phong trào chống Trung Quốc rộng khắp trong toàn Đảng, toàn quốc, chẳng những là một việc vong ân bội nghĩa mà còn là một việc ngu xuẩn đưa nhân dân Việt Nam vào một cuộc chống đối liên miên đời này qua đời khác không biết bao giờ mới có thể chấm dứt. Gần đây bọn Lê Duẩn thường rêu rao là muốn hòa giải với Trung Quốc, nhưng thử hỏi, nếu không tuyên bố xóa bỏ những điều đã ghi trong Hiến pháp và Nghị quyết Trung ương chống Trung Quốc, không rút quân khỏi Cam-pu-chia thì làm sao Trung Quốc có thể hòa giải với Việt Nam.

Việc đưa hàng chục vạn quân đội qua đốt phá, bắn giết nhân dân Cam-pu-chia hòng vĩnh viễn thôn tính nước này cũng là một việc vong ơn bội nghĩa, một việc phản cách mạng. Nhân dân Cam-pu-chia sẽ không bao giờ khuất phục. Đó cũng là một mối tai họa lâu dài cho Việt Nam.

Việc dựa vào Liên Xô để thực hiện chính sách hiếu chiến hòng làm bá chủ Đông Dương và khu vực Đông Nam Á, dẫn đến việc phải phụ thuộc vào Liên Xô về mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao, phải bán rẻ quyền lợi của Tổ quốc, phải biến Việt Nam thành căn cứ quân sự của Liên Xô. Đó là một hành động phản quốc, phản dân tộc.

Việc khoe khoang Việt Nam là một nước mạnh thứ ba trên thế giới về mặt quân sự, hung hăng xâm phạm lãnh thổ Thái-lan là một việc mà những người có đầu óc chính trị đúng đắn không bao giờ có thể làm.

Những việc làm ngu xuẩn như trên đã đặt Việt Nam vào địa vị thù địch với tất cả các nước láng giềng, vào địa vị phải gầm ghè với tất cả các nước trong khu vực, Việt Nam đã mất hết lòng tin cậy và sự khâm phục của nhân dân thế giới, đã mất hết sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của hầu hết các nước, đã bị cô lập rõ rệt trên trường quốc tế.


*


Sự phản bội của Lê Duẩn đối với cách mạng Việt Nam đã mang lại những hậu quả rất to lớn, rộng khắp và sâu xa. Nếu Lê Duẩn còn có lương tâm muốn quay đầu lại với nhân dân Việt Nam, thì sự hàn gắn lại những vết thương về tâm lý về xã hội của nhân dân, và sự bù đắp lại sự mất mát của Tổ quốc cũng phải hàng mấy chục năm mới xong. Nhưng cho đến nay, chúng ta chưa thấy một chút triệu chứng nào của Lê Duẩn muốn quay đầu lại với nhân dân. Vậy con đường mà nhân dân Việt Nam ngày nay phải lựa chọn, chỉ là đoàn kết đấu tranh, đánh đổ ách thống trị tàn bạo và thối nát của bọn Lê Duẩn. Đó là con đường duy nhất, không có con đường nào khác để lựa chọn.



V. Quyết tâm rời Tổ quốc để tiếp tục làm cách mạng


Làm cách mạng gần suốt một đời, mà đến lúc cách mạng thành công lại phải mang cái thân già rời khỏi Tổ quốc, đó quả là một việc hiếm có. Nhưng đối với tôi, lại là một việc không thể nào khác, vì Lê Duẩn phản bội cách mạng, đã kéo bè kéo cánh tổ chức thành một nền thống trị độc tài phát-xít, dựa trên cơ sở mạng lưới công an mật vụ dầy đặc cả trong Đảng cũng như ở ngoài xã hội, khiến cho những người quan tâm đến lợi ích của Tổ quốc không nói lên được ý kiến của mình, những người cách mạng không thể phát huy được tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy cách mạng tiến tới.

Là một người có trách nhiệm với cách mạng, tôi không thể nhìn cái cảnh cách mạng bị phản bội, nhân dân bị đau thương, Tổ quốc bị nguy ngập, sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa, trong phong trào Cộng sản quốc tế đang bị bọn Lê Duẩn phá hoại nghiêm trọng. Tôi phải tỏ thái độ đồng tình với nỗi đau khổ của nhân dân, ủng hộ những ý kiến của cán bộ phê bình Lê Duẩn, phải nói rõ cái nguồn gốc của tệ nạn xã hội cho mọi người biết, phải tìm cách giải nguy cho một số người vô tội bị vu khống trong một số vụ án, tuy không giải quyết được tận gốc là trừng phạt những người lợi dụng chức quyền hãm hại nhân dân vì những người này được bọn Lê Duẩn bao che.

Vì vậy, mà bọn Lê Duẩn đã xem tôi như một cái gai trước mắt. Trước hết là chúng cách bao vây, cô lập tôi, chúng cho bọn tay chân và bọn mật vụ trắng trợn phao tin trong cán bộ rằng tôi là người đang bị công an theo dõi, làm cho cán bộ nghi ngờ và không dám gần gũi tôi. Mặt khác, chúng tìm cách hạ thấp uy tín của tôi, như trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng, chúng không để tôi ở trong Đoàn Chủ tịch của lễ kỷ niệm; trong một số dịp, tôi với danh nghĩa là Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì việc tiếp kiến đại sứ nước ngoài, chúng không cho báo chí đưa tin; trong một số trường hợp long trọng tôi có mặt trên Đài Chủ tịch, hoặc trong buổi tiếp kiến khách quốc tế, chúng bảo người chụp ảnh chụp trong lúc tôi bị che lấp. Người chụp ảnh ấy là ai, tôi không muốn nói tên, nhưng là một người được Ban Tuyên huấn của Lê Duẩn cho tiền phụ cấp riêng và giao nhiệm vụ cho làm như vậy.

Ngoài ra chúng còn đặt mật vụ trước nhà ở của tôi và nhà ở của vợ con tôi để thăm dò những ai ra vào. Ngay cả những người bảo vệ, những người công tác y tế cũng được giao nhiệm vụ theo dõi tôi. Chúng cũng đặt cả máy nghe trộm ở chỗ làm việc, trong phòng tiếp khách và trong phòng dưỡng bệnh của tôi ở bệnh viện. Những tình hình này tôi đều biết rất rõ, đồng thời cũng có người có cảm tình đã bí mật nói cho tôi biết để đề phòng. Đối với những việc bố trí của chúng như vậy, tôi không sợ, vì tôi chỉ làm cách mạng, nói cách mạng, dù chúng có dò xét được hoặc nghe trộm được thì cũng chỉ biết tôi là người cách mạng. Tuy vậy, trong phạm vi có thể, tôi vẫn hết sức tranh thủ làm một số việc có ích cho cách mạng, cho nhân dân.

Nhưng đến lúc Lê Duẩn ép Trung ương ra nghị quyết chống Trung Quốc và trắng trợn xâm chiếm Cam-pu-chia, thì tôi thấy rõ là nếu còn ở trong nước cũng không thể làm được gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng. Vì vậy, trong dịp đi Đông Đức chữa bệnh, tôi đã tìm cách thoát ly khỏi sự kìm kẹp và hãm hại của bọn Lê Duẩn, đến Trung Quốc để tiếp tục làm cách mạng.


*


Trước khi đi Đông Đức, tôi đã nằm bệnh viện 108 Hà Nội hơn hai tháng. Suốt thời gian đó, nhiệt độ của tôi ngày nào cũng trên 37 độ. Tôi nghi ngờ là mình có bệnh ung thư, nhưng thầy thuốc hội chẩn chỉ nói là tôi có vết đen ở phổi, nghi là lao phổi, đề nghị Trung ương để tôi đi Đông Đức để kiểm tra chắc chắn và điều trị được tốt hơn trong nước. Thế là trên đường đi Đông Đức chữa bệnh, tôi quyết định tìm cách chuyển hướng đi Trung Quốc.

Sau khi đến Trung Quốc được mấy hôm, tôi được đưa vào bệnh viện kiểm tra, thì quả là bị ung thư. Cái mà bệnh viện Hà Nội nói nghi là lao phổi, chính là khối ung thư lớn như quả bàng dài 6 xăng-ti-mét, rộng 5 xăng-ti-mét, sau thời gian hơn một tháng chữa bằng phóng xạ kết hợp với thuốc Trung y có thành phần mật gấu, xạ hương và tê giác là những thứ thuốc rất hiếm và quý, thì khối ung thư bị rút nhỏ lại còn dài 5 xăng-ti-mét, rộng 4 xăng-ti-mét. Hết giai đoạn chữa bằng phóng xạ, tôi được ra khỏi bệnh viện, chữa ngoại trú, để thầy thuốc tổng kết và nghiên cứu phương án chữa tiếp theo.

Khi đã biết rõ bị ung thư phổi nghiêm trọng như thế, thì tôi quyết tâm là phải làm phẫu thuật, nhưng thầy thuốc còn tìm hiểu về mặt sức khỏe của tôi xem có thể chịu đựng nổi một lần phẫu lớn như vậy không? Để có quyết đoán chắc chắn, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mời một đoàn chuyên gia Nhật Bản, gồm Viện trưởng Viện ung thư Nhật Bản, một bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật phổi, đến Bắc Kinh để cùng với các thầy thuốc Trung Quốc nghiên cứu phương án điều trị. Sau khi nghiên cứu, các bác sĩ Trung Quốc và bác sĩ Nhật Bản đều nhất trí phải mổ cắt lá phối có khối ung thư. Tôi rất phấn khởi về cuộc hội chẩn và hết sức tin tưởng là một cuộc phẫu thuật thành công. Đoàn y tế Nhật Bản về nước, cuộc phẫu thuật do đồng chí Viện trưởng Viện ung thư Trung Quốc chủ trì, một số chuyên gia về các bộ môn có liên quan cũng có mặt để phối hợp trong khi tiến hành phẫu thuật.

Ngày 5 tháng 9 năm 1979, tôi nằm thiếp đi trên giường mổ bệnh viện suốt bốn giờ đồng hồ. Khi tỉnh dậy, các bác sĩ cho biết là kết quả phẫu thuật rất tốt. Tôi ở bệnh viện điều trị độ hai tuần thì vết thương đã lành, chỉ khâu các vết mổ ở trước ngực và sau lưng đã cắt rút sạch sẽ. Tôi không phải ở bệnh viện nữa, được xếp về chỗ ở riêng để tiếp tục điều trị, luôn luôn bên cạnh có hai bác sĩ và bốn y tá luân lưu nhau trực nhật và săn sóc hết sức chu đáo. Sau một thời gian mấy tháng, bệnh viện kiểm tra lại toàn bộ, kết luận là bệnh ung thư của tôi đã khỏi hẳn. Mừng quá, tôi làm một bài thơ bằng chữ Hán tặng các bạn y tế Trung Quốc như sau:

Bệnh nhập cao hoang nhất tải da,
Thần Châu hữu hạnh ngộ Hoa Đà.
Như kim bệnh dĩ liên căn trị,
Nguyện bả tàn niên phổ chiến ca.

Tạm dịch

Hơn một năm trời bệnh diết da
Thần Châu may được gặp Hoa Đà.
Bây giờ bệnh đã trừ tận gốc,
Ngày cuối đời dành viết chiến ca.


Cần nói rõ một điều là khi tôi đến Trung Quốc tuy cốt để tiếp tục làm cách mạng, nhưng tôi vẫn muốn đấu tranh qua con đường tổ chức, nghĩa là tôi sẽ viết thư nói rõ những sai lầm hiện hành về các mặt của Lê Duẩn, đồng thời đề ra những phương pháp sửa chữa, rồi nhờ Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc chuyển về. Nhưng tiếc thay ý nghĩ của tôi đã không thể thực hiện. Vì tôi mới đến Trung Quốc được mấy hôm, thì Đài Hà Nội đã loan tin tôi là "phản quốc”, cách chức Đại biểu Quốc hội và Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, cách chức thành viên Đoàn Chủ tịch của Mặt trận Tổ quốc, đồng thời quyết định Tòa án sẽ xử vắng mặt tôi về cái tội gọi là "phản quốc”.

Vì vậy, tôi không có cách nào khác là phải họp báo chí ở Bắc Kinh, tuyên bố Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam của tôi để báo cáo với đồng bào lý do vì sao tôi phải rời khỏi Tổ quốc [2] .

Sau đó chỉ độ 20 ngày, bọn Lê Duẩn lại ra quyết định khai trừ tôi ra khỏi Đảng. Tôi lại ra một bản thanh minh, nói rõ việc Lê Duẩn có dã tâm choán quyền Đảng và phản bội quyền lợi của nhân dân như thế nào. [3]

Tiếp theo đó độ khoảng mười tháng, ngày 26 tháng 6 năm 1980, bọn Lê Duẩn lại tổ chức tòa án xử vắng mặt, tuyên bố tôi bị tội tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản! Tử hình gì? Tôi vẫn còn sống để hoạt động chống lại chúng. Đến như tài sản của tôi thì chỉ có một số quần áo rét mà mùa hè tôi không cần mang theo, một số sách báo cách mạng, một số tặng phẩm và những tập ảnh mà các nước hữu hảo tặng tôi trong các dịp tôi dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội đến thăm các nước đó.

Về việc này, phóng viên tờ Nhân dân nhật báo Bắc Kinh đã phỏng vấn tôi, và tôi đã trả lời phóng viên đó. Nguyên văn đăng ở tờ Nhân dân nhật báo Bắc Kinh ngày 10-7-1980. [4]

Tôi đến Trung Quốc không phải chỉ để tránh sự hãm hại của Lê Duẩn mà cốt để tiếp tục làm cách mạng bằng cách vạch rõ sự phản bội của Lê Duẩn để nhân dân thấy sự cần thiết phải đoàn kết đấu tranh để lật đổ ách thống trị tàn bạo và thối nát của nó, khiến cho nước Việt Nam trở thành một nước: Hòa bình và hữu nghị với các nước láng giềng; dân chủ và đoàn kết dân tộc; nhân dân no ấm và xã hội lành mạnh; độc lập tự chủ và trung lập không liên kết – thực chất vẫn là chủ trương của Hồ Chủ tịch cụ thể hóa thành bốn điều và hai mươi và hai mươi biện pháp – như đã nói trong bức thư của tôi gửi toàn thể đồng báo đầu xuân năm Quý Hợi.

Để thực hiện mục đích trên, từ khi rời Việt Nam cho đến nay, tôi đã cùng một số người yêu nước Việt Nam ra tờ tạp chí Tin Việt Nam và viết một số tài liệu phát hành rộng rãi ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Những tài liệu tôi tự viết lấy và đã công bố là:


Tất cả những hoạt động của tôi từ khi rời Tổ quốc đến nay đều nhằm mục đích xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Hồ Chủ tịch đã vạch ra. Tôi rất mong muốn Lê Duẩn là người đã phản bội chủ trương đó sẽ mạnh dạn sửa chữa những sai lầm của mình để giải thoát mọi tai ách cho Tổ quốc, cho dân tộc. Nếu Lê Duẩn cứ đâm lao theo lao, thì nhân dân kiên quyết đấu tranh, không chóng thì chày, những sai lầm của Lê Duẩn sẽ bị thanh toán, chủ trương đường lối của Hồ Chủ tịch sẽ được khôi phục, mối tình thắm thiết Việt–Hoa sẽ được lập lại và phát triển không ngừng.

Đứng về phạm vi quốc tế mà nói thì tôi mong muốn những chủ trương không thực tế của những người lãnh đạo Liên Xô sẽ được uốn nắn lại phù hợp với lợi ích của nhân dân Liên Xô và yêu cầu của cách mạng thế giới. Tôi mong muốn sự rạn nứt giữa các nước xã hội chủ nghĩa và trong phong trào Cộng sản quốc tế sẽ được khắc phục trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tinh thần hai bản tuyên bố chung của hai cuộc hội nghị họp ở Mạc Tư Khoa năm 1957 [17] và năm 1960 [18] như đã trích dẫn ở đoạn đầu mục I trong phần này.

Về tương lai của thế giới, tôi tin tưởng chắc chắn rằng chế độ xã hội chủ nghĩa đầy sức sống nhất định sẽ thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa đã già cỗi. Sự thay thế đó là xu thế tất nhiên của lịch sử, cũng như trước kia chế độ phong kiến đã thay đổi chế độ nô lệ, chế độ tư bản đã thay thế chế độ phong kiến.

Đến như việc các nước xã hội chủ nghĩa, trong sự quan hệ với nhau có lúc không nhịp nhàng, chủ trương này hoặc chủ trương khác trong việc xây dựng có lúc không sát thực tế, đó cũng là điều rất dễ hiểu, vì bất cứ một chế độ nào mới ra đời cũng phải trải qua một thời kỳ non trẻ, đã là non trẻ thì bước đi còn chập chững, có lúc vấp ngã. Nhưng vẫp ngã ở chỗ nào thì đứng dậy ở chỗ đó, rồi lại tiếp tục tiến lên.

Những ai thấy cách mạng đang trong lúc thoái trào mà bi quan thất vọng thì hãy tỉnh táo chờ đón cao trào cách mạng sẽ đến. Những ai thù địch với cách mạng, hý hửng trước sự vấp váp của cách mạng, huênh hoang sẽ tiêu diệt chế độ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản, đều là những kẻ mù quáng mơ ước hão huyền. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ thực hiện trên phạm vi toàn thế giới. Đó là niềm tin sắt đá của tôi.


VI. Những văn kiện kèm theo

Kèm theo đây có ba văn kiện:



1. Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam (ngày 9-8-1979)

Thưa toàn thể đồng bào thân mến,

Trong những ngày gần đây, bọn Lê Duẩn cho người làm rùm beng về việc tôi ra nước ngoài, làm cho dư luận sôi nổi khắp cả thế giới. Khi biết việc này, chắc chắn đồng bào ai cũng rất quan tâm, vậy tôi xin có mấy lời báo cáo với đồng bào như sau:

Sau hơn ba mươi năm chiến đấu gian khổ, năm 1975 nhân dân ta đã giành được thắng lợi triệt để trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Nhân dân ta đã khao khát được sống yên ổn, xây dựng Tổ quốc, để mở ra con đường tiến tới tương lai tốt đẹp. Nhưng, mọi thành quả cách mạng và tình hình đầy triển vọng đó đã bị bọn Lê Duẩn phá hoại hoàn toàn, nguyện vọng của nhân dân ta đã bị tan đi như mây khói. Chúng lại đưa nhân dân ta trở lại kiếp nô lệ, chịu đựng một cuộc đời thiếu thốn cực khổ chưa từng có, một cuộc đời mất hết tự do, dân chủ, nhục nhã, ngột ngạt chưa từng có. Chúng tự phong cho mình là xã hội chủ nghĩa, nhưng sự thực thì chẳng có một chút gì là xã hội chủ nghĩa cả.

Chúng đổi trắng thay đen, coi bạn là thù, gây chuyện ở biên giới tây nam để đánh chiếm Cam-pu-chia; gay chuyện ở biên giới phía bắc để động viên hàng chục triệu người chuẩn bị chiến tranh chống Trung Quốc; đưa hàng vạn bộ đội qua đàn áp nhân dân Lào và khống chế nước Lào. Chúng ta đều biết: Cam-pu-chia, Trung Quốc và Lào là những nước láng giếng đã từng kề vai sát cánh, và góp phần xương máu với nhân dân ta trong các cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Nước Việt Nam ngày nay dưới sự khống chế của bọn Lê Duẩn, thực tế đã không còn là một nước độc lập tự chủ nữa, mà là một nước phụ thuộc vào nước ngoài cả về mặt kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao. Tình hình này nếu cứ tiếp tục phát triển nữa, thì một ngày kia không xa lắm, nước Việt Nam sẽ biến thành một chỗ cung cấp nguyên liệu và chế biến hàng hóa, đồng thời là một căn cứ quân sự của nước ngoài mà thôi!

Đứng trước tình thế đó, là một người cách mạng, tôi không thể ngậm miệng ngồi im. Tôi phải làm cách mạng, phải tìm mọi cách thoát khỏi sự kìm kẹp của chúng để tiếp tục cách mạng.

Từ những năm 20, tôi đã theo Bác Hồ chiến đấu cho nền độc lập dân tộc. Tôi mến yêu Tổ quốc và nhân dân. Nhưng do bọn Lê Duẩn chuyên quyền độc đoán, đàn áp những người cách mạng, khiến tôi không cách nào ở trong nước mà có thể làm việc cho nhân dân được nữa. Tôi đành phải rời khỏi Tổ quốc với tấm lòng hết sức phẫn uất và vô cùng lưu luyến. Mặc dù tôi đã tuổi già sức yếu, nhưng còn chút hơi thở cuối cùng, tôi vẫn phải cố gắng đóng góp phần của mình cho sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Tôi biết rằng, sau khi tôi ra đi, bọn Lê Duẩn sẽ buộc cho tôi tội này tội nọ, thậm chí là tội phản quốc với án tử hình. Nhưng, là một người cách mạng, tôi không sợ gì hết, miễn là việc làm của tôi có lợi cho Tổ quốc và nhân dân.

Tôi còn nhiều lời muốn nói với đồng bào, nhưng vì điều kiện sức khỏe, hôm nay xin tạm ngừng ở đây.

Nhân dịp này, tôi xin gửi tới đồng bào trong nước cũng như đồng bào ở ngoài nước lời thăm hỏi ân cần và lời chào thân ái nhất!

Hoàng Văn Hoan
Ngày 9 tháng 8 năm 1979


2. Thanh minh về việc Lê Duẩn khai trừ tôi ra khỏi Đảng (ngày 1-9-1979)

Gần đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Lê Duẩn khống chế, đã quyết định khai trừ tôi ra khỏi Đảng. Nhân việc này, tôi có mấy lời thanh minh như sau:

Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chủ tịch sáng lập và rèn luyện, là một Đảng vĩ đại. Mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đấu tranh bền bỉ và anh dũng đã hoàn toàn giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, khiến cho Việt Nam trở thành một nước độc lập dân chủ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân toàn thế giới. Đó là một điều mà những người Cộng sản Việt Nam có thể tự hào.

Nhưng từ năm 1965, sức khỏe của Hồ Chủ tịch càng ngày càng kém, Lê Duẩn đã âm mưu từng bước, từng bước choán quyền lãnh đạo của Đảng; đặc biệt là sau khi Hồ Chủ tịch mất, thì Lê Duẩn và đồng bọn đã hoàn toàn khống chế Đảng. Chúng tìm đủ mọi cách đưa người thân thuộc và người cùng bè cánh vào nắm các chức vụ trọng yếu, đồng thời quy định Đảng ủy các cấp đều phải có đại biểu của ngành công an là ủy viên, để có thể giám sát Đảng, có thể dò la bịa đặt chứng cớ, hãm hại những người không cùng bè cánh với chúng. Nguyên tắc dân chủ trong Đảng bị xóa bỏ hoàn toàn, đảng viên đối với việc Đảng, việc nước không dám nói sự thật; thậm chí cả Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị cũng hầu như không còn tác dụng là những cơ quan lãnh đạo tập thể nữa. Tình trạng chuyên quyền độc đoán, tình trạng xu nịnh, luồn cúi, và tình trạng tham ô hủ hóa, ức hiếp bóc lột nhân dân, tràn lan khắp nơi, kể từ cấp Trung ương cho đến các ngành, các cấp tỉnh, huyện, xã, đâu đâu cũng có.

Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, trong bản báo cáo chính trị, Lê Duẩn đã lấy sự hy sinh không bờ bến của nhân dân và thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta để khoe khoang mình là người mác-xít tài tình nhất, và để nhồi nhét cái tư tưởng nước lớn trong cán bộ và nhân dân.


Cũng tại Đại hội này, bọn Lê Duẩn đã gạt một phần ba số ủy viên Trung ương cũ ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương mới, đưa xen vào một số người ăn cách với chung, thậm chí một số có vấn đề chính trị, mà trong Đại hội III, Hồ Chủ tịch đã không đồng ý đưa vào.

Sau đại hội V, Lê Duẩn đã thành thái thượng hoàng trong Đảng, cùng với động bọn ngồi trên đầu Đảng, trên đầu nhân dân, làm những việc hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng của nhân dân, trái ngược với nguyên tắc của Đảng ta mác-xít-lê-nin-nít chân chính, trong đó có những việc xấu xa không thể tưởng tượng nổi. Tuy vậy, tôi vẫn kiên trì lập trường của một người cộng sản, cố gắng vừa đấu tranh, vừa làm một số việc có ích cho cách mạng và cho nhân dân.

Nhưng đến năm 1978 thì một loạt sự việc có nguy hại đến vận mệnh của dân tộc liên tiếp xảy ra. Vào khoảng tháng 7, Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ tư đã thông qua nghị quyết vu khống Trung Quốc muốn "thôn tính” Việt Nam; nhận định Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp của Việt Nam; chủ trương đánh đổ "phái phản động theo Mao ở Bắc Kinh” để giúp đỡ cho lực lượng "tiến bộ[19] lên nắm quyền; giao trách nhiệm cho ngành tuyên huấn phải triệt để phê phán "tư tưởng Mao” trên tất cả mọi lĩnh vực; cử người đi hoạt động để lôi kéo các nước Đông Nam Á chống Trung Quốc. Rõ ràng là ý đồ đen tối và ngông cuồng muốn lật đổ, muốn thay đổi cả bộ máy lãnh đạo ở Trung Quốc, như chúng đã thường rêu rao. Để thực hiện được cái ý đồ đen tối, ngông cuồng nhưng to lớn quá sức có thể làm được, chúng phải dựa vào sức mạnh của nước ngoài: Chúng đã ký điều ước đồng minh quân sự - thực chất là như vậy - với một nước lớn, để có thể làm những việc mạo hiểm, uy hiếp các nước láng giềng. Hiệp ước ký vừa ráo mực, thì chúng đưa quân đội đi đánh chiếm Cam-pu-chia.

Qua những sự việc nói trên, tôi khẳng định rằng Lê Duẩn là một người có dã tâm, đã đưa Đảng đi trệch khỏi đường lối cách mạng, đã phản bội lại quyền lợi của nhân dân, và đưa vận mệnh của dân tộc đến chỗ nguy hiểm. Do đó, tôi đã quyết liệt chống lại.

Việc Lê Duẩn khai trừ tôi ra khỏi Đảng là một việc tôi đã biết trước. Việc đó không phù hợp với ý chí của những người cộng sản chân chính, không mảy may lay chuyển được quyết tâm của tôi tiếp tục làm cách mạng. Trong bức Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam ngày 9 tháng 8 tôi đã nói:

"Mặc dù tôi đã tuổi già sức yếu, nhưng còn chút hơi thở cuối cùng, tôi vẫn phải cố gắng đóng góp phần của mình cho sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới”.

Hôm nay, lời thanh minh của tôi đưa ra vừa gặp dịp mười năm ngày Hồ Chủ tịch mất, và ba mươi tư năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi không thể không tưởng nhớ đến công ơn xây dựng của Đảng và lãnh đạo cách mạng của Hồ Chủ tịch, không thể không tưởng nhớ đến khí thế cách mạng sôi sục của quần chúng sau Cách mạng Tháng Tám. So sánh ngày nay với ngày trước, tôi càng lo lắng đến tiền đồ của Tổ quốc; và tôi tin rằng tất cả những người cộng sản chân chính Việt Nam cũng đều một lòng như tôi.

Để cứu vãn tình hình nguy ngập của cách mạng và của đất nước, những người cộng sản chân chính Việt Nam hãy đoàn kết lại, cùng với nhân dân kiên quyết đấu tranh, nhằm phá tan ách thống trị phát xít của bọn Lê Duẩn.

Hoàng Văn Hoan
Ngày 1 tháng 9 năm 1979


3. Trả lời phóng viên Nhân dân nhật báo Bắc Kinh về việc Lê Duẩn tổ chức tòa án xử vắng mặt và tuyên bố tôi bị tội tử hình (Ngày 10-7-1980)

Hỏi: Gần đây có tin ngày 26 tháng 6, bọn Lê Duẩn đem việc đồng chí sang Trung Quốc ra tòa xử tội. Đồng chí nhận xét như thế nào?

Trả lời: Việc bọn Lê Duẩn làm án tôi, là chuyện tôi đã dự đoán trước. Tháng 8 năm ngoái, trong bức Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam, tôi có nói: "Tôi biết rằng, sau khi tôi ra đi, bọn Lê Duẩn sẽ buộc cho tôi tội này tội nọ, thậm chí là tội phản quốc với án tử hình. Nhưng là một người cách mạng, tôi không sợ gì hết, miễn là việc làm của tôi có lợi cho Tổ quốc và nhân dân”.

Tòa án của bọn Lê Duẩn buộc tội tôi sang Trung Quốc là đứng vào hàng ngũ của địch. Đó là một sự xuyên tạc bỉ ổi. Trung Quốc là người bạn rất tốt của nhân dân Việt Nam. Trong ba mươi năm ròng rã, trong cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam đã được Trung Quốc viện trợ cho mấy chục tỷ đô–la. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc đã cử hàng mấy chục vạn người sang giúp Việt Nam xây dựng hậu phương, và có hàng nghìn người đã hy sinh dưới bom đạn của Mỹ. Do đó, chỉ có những người vong ân bội nghĩa mới gọi Trung Quốc là kẻ thù.

Sự thực là từ ngày Hồ Chủ tịch từ trần, bọn Lê Duẩn đã choán quyền lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và thi hành một loạt chính sách đối nội và đối ngoại rất phản động; đặc biệt là việc năm 1978, chúng ép Trung ương Đảng ra nghị quyết chống Trung Quốc, đã bộc lộ triệt để bộ mặt của chúng bán rẻ Tổ quốc và làm tay sai cho nước ngoài, mang lại tai họa rất lớn cho nước nhà. Chúng ngang nhiên đàn áp những người có ý kiến bất đồng, chính là nhằm thực hiện chính sách phản động nói trên.

Là một người cách mạng hoàn toàn đối lập với chúng, ở lại trong nước đã không thể phát huy tác dụng tích cực được nữa, tôi đành phải rời khỏi Việt Nam để tiếp tục làm cách mạng. Theo tôi biết, những ý kiến tôi phát biểu trong thời gian gần một năm nay đã có ảnh hưởng khá sâu rộng trong nhân dân và quân đội Việt Nam. Chính vì đó mà bọn Lê Duẩn rất hoảng sợ, và phải ép buộc tòa án nặn ra vụ án này. Việc làm của chúng đối với tôi không có nghĩa lý gì cả. Mục đích đen tối của chúng là nhằm tự gây cho mình một thanh thế để dọa dẫm và đàn áp những người chống đối lại chúng, mà những người đó đâu đâu cũng có, ở trong cũng như ở ngoài nước. Ngày nay, bọn Lê Duẩn đang giãy giụa trên núi lửa chờ ngày nhân dân tuyên án chúng.

Đứng về cá nhân tôi mà nói, tôi hết sức khinh miệt chúng, phỉ nhổ chúng. Tất cả những điều chúng bịa đặt và vu khống tôi đều không có giá trị gì hết. Tôi vẫn quyết tâm tiếp tục làm cách mạng để góp phần của mình trong việc xây dựng một nước Việt Nam thực sự hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Hồ Chủ tịch mong muốn. Tôi quyết tâm đem sức mình để đấu tranh nhằm khôi phục mối tình hữu nghị Việt – Trung "vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Hồ Chủ tịch xây đắp nên mà bọn Lê Duẩn đang rắp tâm phá hoại.

Đây là những ý kiến của tôi đối với vụ án ngày 26 tháng 6 do bọn Lê Duẩn nặn ra.

Hoàng Văn Hoan
Ngày 10 tháng 7 năm 1980



Phần phụ lục

Lý lịch tóm tắt và một số hoạt động cụ thể


I. Lý lịch tóm tắt


1905 Xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

1923 Tốt nghiệp lớp sơ học Pháp- Việt ở huyện nhà.

1924 Bắt đầu giác ngộ cách mạng và tích cực hoạt động tìm cách mạng.

1926 Được tổ chức cách mạng đưa đi Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Hồ Chủ tịch chủ trì. Xong lớp huấn luyện được tổ chức vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, gọi tắt là Thanh Niên, và được phái về nước hoạt động.

1928 Bị Pháp lùng bắt, được Kỳ ủy Thanh Niên Trung kỳ giới thiệu qua Xiêm hoạt động cách mạng.

1929 Tỉnh ủy Thanh Niên ở Xiêm được thành lập, tôi là một thành viên trong Tỉnh ủy.

1930 Gia nhập Đảng Cộng sản Xiêm và là Tỉnh ủy viên Đảng Cộng sản Xiêm.

1934 Được cử làm Ủy viên Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Xiêm (gọi tắt là Xiêm ủy).

1935 Qua Trung Quốc chữa bệnh. Sau vì mất liên lạc với Xiêm ủy, được Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương đồng ý ở lại Trung Quốc hoạt động cách mạng.

1936 Cùng một số anh em Việt Nam ở Nam Kinh lập "Việt Nam độc lập đồng minh hội” (gọi tắt là Việt Minh) ở Nam Kinh.

1937 Nam Kinh bị Nhật uy hiếp. Rời Nam Kinh đi Vũ Hán.

1938 Khi Vũ Hán sắp mất thì rời Vũ Hán đi Trường Sa (Hồ Nam), Quý Dương (Quý Châu), rồi đi Côn Minh (Vân Nam) cùng các đồng chí Việt Nam ở đó hoạt động.

1939 Đồng chí Phùng Chí Kiên đến Côn Minh lập Ban hải ngoại để lãnh đạo mọi mặt công tác ở Trung Quốc, tôi là một ủy viên trong Ban.

1940 Hồ Chủ tịch từ Diên An về Côn Minh. Tháng 6-1940 phát-xít Đức chiếm Pa-ri, Hồ Chủ tịch chủ trương chuyển hướng công tác về phía Quảng Tây, để liên lạc với cách mạng trong nước. Bước đầu là đến Quế Lâm để giao thiệp với Lý Tề Thâm, Chủ nhiệm Hành dinh khu Tây Nam đóng ở đó. Theo sự chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch, "Biện sự xứ hải ngoại của Việt Minh” và "Trung – Việt văn hóa công tác đồng chí hội” được thành lập. Qua một thời gian hoạt động, được sự giúp đỡ của Lý Tề Thâm, Hồ Chủ tịch và tất cả chúng tôi đều đi Tịnh Tây, một huyện của Trung Quốc, giáp giới với tỉnh Cao Bằng Việt Nam.

1941Hồ Chủ tịch về Pác Bó. Tôi được phái đi Long Châu lập Biện sự xứ Việt Minh ở Long Châu, rồi lại về Tịnh Tây, cùng các anh Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lĩnh và một số người trong nước ra công khai hoạt động với danh nghĩa Việt Minh.

Tháng 5-1941 về Pác Bó tham gia Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám. Hội nghị quyết định lấy Mặt trận Việt Minh thay Mặt trận Phản Đế. Tôi được chỉ định làm Ủy viên Tổng bộ Việt Minh.

Cuối năm 1941, do sự tố giác của tên phản Đảng là Trần Báo, hoạt động Việt Minh ở Trung Quốc gặp khó khăn. Phần lớn các đồng chí đều về nước, tôi được Trung ương chỉ định ở lại Tịnh Tây để duy trì cơ sở, nhưng không lâu bị bắt ở Bình Mãnh, lần lượt bị giải đi Trấn Biên, Tịnh Tây, rồi Liễu Châu để giám thị.

1942 Ở Liễu Châu lãnh đạo nhóm Việt Minh, liên hệ với những người tiến bộ trong nhóm Phục Quốc, đấu tranh với chủ trương của Quốc dân đảng Trung Quốc và bọn tay sai muốn lập Chính phủ bù nhìn Việt Nam để phục vụ cho việc "Hoa quân nhập Việt”.

Tháng 6-1942, với ý đồ "điệu hổ ly sơn”, Trương Phát Khuê ủy nhiệm tôi làm Dịch thuật quan của "Trung- Việt biên khu chính trị công tác đội” ở Tịnh Tây. Đến Tịnh Tây không lâu thì bỏ Tịnh Tây về nước hoạt động ở Cao Bằng, Lạng Sơn, góp phần xây dựng Khu giải phóng Việt Bắc.

1945 Dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, được bầu làm Ủy viên Trung ương chính thức của Đảng và Bí thư Khu giải phóng Việt Bắc.

Cuối tháng 9-1945 được Trung ương điều về Hà Nội, giữ chức Phó Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Chính trị viên Vệ quốc quân toàn quốc (lúc này Giải phóng quân đội tên là Vệ quốc quân).

1946Hà Nội bị quân Pháp uy hiếp, Trung ương rời khỏi Hà Nội, tôi được cử làm Bí thư Khu ủy, Đại biểu Chính phủ Trung ương và Chủ nhiệm Việt Minh tại Liên khu 4.

1948Được ủy nhiệm làm Đặc phái viên Chính phủ ở hải ngoại, và Đại biểu Trung ương Đảng chỉ đạo việc chỉnh đốn một số công tác ở hải ngoại.

1949Được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị Công đoàn Á – Úc họp ở Bắc Kinh.

1950Sau khi Trung Quốc tuyên bố thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch quyết định tôi ở lại Bắc Kinh với danh nghĩa Đại biểu Đảng và Chính phủ (sau chuyển thành Đại sứ) Việt Nam tại Trung Quốc. Đồng thời kiêm làm Đại sứ ở Triều Tiên và ở Mông Cổ, mãi cho đến năm 1957 Trung ương điều về Hà Nội công tác.

1951Tại Đại hội lần thứ hai của Đảng lại được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng.

1956Tại Hội nghị Trung ương Đảng bàn về vấn đề sửa sai cải cách ruộng đất, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

1958Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa I được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban dự thảo Pháp luật Quốc hội.

Tại kỳ họp Quốc hội này cũng bầu ra Ủy ban sửa đổi Hiến pháp do Hồ Chủ tịch làm Trưởng ban, tôi là một thành viên trong Ủy ban.

1960Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II lại được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTV Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban dự thảo Pháp luật của Quốc hội.

Tháng 9-1960 tại Đại hội lần thứ ba của Đảng lại được bầu làm Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

1961Tại Đại hội Đảng thành phố Hà Nội được bầu làm bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau một thời gian thôi chức Bí thư Thành ủy Hà Nội để giữ chức Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng, Trưởng Ban pháp chế Trung ương Đảng, đồng thời phụ trách chỉ đạo Ban CP 38 về công tác Lào, Miên.

1964Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III lại được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTV Quốc hội.

1971Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IV lại được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban dự thảo Pháp luật của Quốc hội.

1976Tại Đại hội lần thứ tư của Đảng bị bọn Lê Duẩn gạt ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhưng tại kỳ họp thứ nhất Quốc Hội khóa V (Quốc hội chung cả nước) vẫn được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội.

1979Sau khi Lê Duẩn trắng trợn phản bội cách mạng, thấy rõ dù ở trong nước cũng không thể phát huy được tác dụng của một người cách mạng, tôi đành phải rời Tổ quốc ra nước ngoài để tiếp tục hoạt động.

1986Không ngừng đấu tranh chống chủ trương phản nước hại dân của Lê Duẩn.



II. Một số hoạt động cụ thể

A. Hoạt động với danh nghĩa Đảng và Chính phủ

1954 Đại biểu Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương.

1955Cùng Hồ Chủ tịch đi thăm chính thức các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô.

1957Cùng Hồ Chủ tịch đi thăm chính thức các nước Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hung-ga-ri, An-ba-ni, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Nam Tư.

1961Cố vấn đặc biệt Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Lào.

1964Dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đi dự lễ Quốc khánh Cu-ba.

1965Đại biểu Đảng và Chính phủ dự lễ tang đồng chí Gioóc-giu-đây, Bí thư thứ nhất Đảng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ru-ma-ni.

1972Thành viên Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ dự lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi Cách mạng Tháng mười Nga.

1973Đại biểu Đảng và Chính phủ dự lễ tang đồng chí Un-bơ-rích, nguyên Bí thư thứ nhất Đảng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức.



B. Hoạt động với danh nghĩa Đảng

1958Dẫn đầu đại biểu Đảng dự Đại hội lần thứ 5 Đảng Xã hội Thống nhất Đức.

Dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng dự Đại hội lần thứ 13 Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ.

Cùng Hồ Chủ tịch dự Đại hội lần thứ 21 Đảng Cộng sản Liên Xô.

1963 Dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng dự Đại hội lần thứ 12 Đảng Cộng sản Bun-ga-ri, Đại hội lần thứ 8 Đảng Công nhân Hung-ga-ri, Đại hội lần thứ 12 Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Đại hội lần thứ 6 Đảng Xã hội Thống nhất Đức.

1966Dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng dự Đại hội lần thứ 5 Đảng Lao động An-ba-ni.

1975Dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng dự Đại hội lần thứ 11 Đảng Công nhân Hung-ga-ri.

1976Dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng dự Đại hội lần thứ 7 Đảng Lao động An-ba-ni



C. Hoạt động với danh nghĩa Quốc hội

1965Dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội thăm các nước Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc.

1970Dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội thăm các nước Bun-ga-ri, Cộng hòa Dân chủ Đức, An-ba-ni, Hung-ga-ri.

1971Dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội thăm các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Liên Xô.

1976Dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội dự lễ khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Cu-ba.



D. Hoạt động sau khi rời Tổ quốc

1979Đến Bắc Kinh được các đồng chí Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đón tiếp thân mật. Mấy hôm sau gửi thư báo cáo đồng bào lý do vì sao phải rời khỏi Tổ quốc.

1980Nói chuyện với kiều bào về vấn đề Cách mạng Việt Nam phải làm lại.

1981Nói chuyện với kiều bào về vấn đề khôi phục và phát triển mối tình hữu nghị Việt – Trung là nhiệm vụ lịch sử của nhân dân Việt Nam hiện nay.

Tháng 3-1981 cùng các người yêu nước Việt Nam ra tờ tạp chí Tin Việt Nam.

1982Mở hai lớp học tập cho cán bộ Việt kiều tại Trung Quốc.

1983Nhân dịp đầu xuân năm Quý Hợi kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh, đánh đổ ách thống trị tàn bạo và thối nát của Lê Duẩn.

1985Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám, mở tiệc chiêu đãi cán bộ trong các đoàn cố vấn, đoàn chuyên gia Trung Quốc trước đây tại Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi còn có nhiều đại biểu Việt kiều và một số nạn dân Việt Nam tham gia.

1994 Hoàng Văn Hoan mất tại Bắc Kinh, chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi yên nghỉ của các chức sắc cao cấp CHND Trung Hoa.




[1]theo tin Cam-pu-chia thì hiện nay đã có hơn sáu chục vạn
[2]toàn văn kèm theo sau
[3]toàn văn kèm theo sau
[4]toàn văn kèm theo sau
[5]ngày 9-8-1979
[6]ngày 1-9-1979
[7]tháng 11-1979
[8]ngày 28-1-1980
[9]Tin Việt Nam số 1 tháng 3-1981
[10]một bài hoàn chỉnh, chia ra ba lần đăng ở Tin Việt Nam trong các số tháng 5, tháng 6, tháng 7 năm 1981
[11]Tin Việt Nam số 7 tháng 9 -1981
[12]Tin Việt Nam số đặc biệt ngày 19-5-1982
[13]Tin Việt Nam số 21 tháng 11- 1982
[14]Tin Việt Nam số 24 tháng 2-1983
[15]Tin Việt Nam số 34 tháng 12-1984
[16]Tin Việt Nam số 41 tháng 7-1984
[17]Hội nghị đảng các nước xã hội chủ nghĩa
[18]Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân
[19]tức lực lượng chống "Mao”

Nguồn: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, tháng 7.1986. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.