© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.12.2002
Lê Minh Khuê
Cõi người rung chuông tận thế và Hồ Anh Thái
 
Trong những câu chuyện hàng ngày tôi thường nghe thấy tiếng thở hắt ra rồi tiếng ta thán: chán quá. Chán sống như chán mọi thứ! Thì thực ra là chán. Nhưng khi nghe cậu nói với cái giọng rất thật ấy, khi chỉ có hai chị em hoặc là có vài người bạn thân, tôi lại át đi: xem nào! Trời cho được một tí ti thời gian đâu có nhiều nhặn gì mà lúc nào cũng la oai oái. Chán cái gì!

Hồ Anh Thái cười xòa. Rồi bận rộn lôi trong cái cặp to đùng ra những bài báo của ai đó đã được phô tô nhiều bản, vì theo Thái là rất hay. Ðọc, phô tô, thấy hay là đi phân phát cho tất cả ai mà cậu yêu quý. Trong túi còn đĩa phim VCD, đĩa DVD, toàn phim hay lại bỏ tiền mua có khi hàng chục bản để phát không cho bạn bè vì: thấy nó hay quá, mọi người không xem thì uổng! Sách cũng vậy. Nếu là hay thì chết tiền. Mua có lúc hàng chục cuốn mà cho. May có nghề làm báo để có tiền mà xa xỉ đến thế! Nhưng nếu nghĩ sâu xa thì đấy là con người quyết theo đuổi đến cùng những say mê mà vì nó có thể bỏ tất cả những cám dỗ lợi lộc. Say mê và truyền nó cho những ai hiểu mình. Trong cái nhóm bạn bè chọn lọc có thể bỏ qua cho nhau nhiều khiếm khuyết để chỉ nhìn thấy cái tốt đẹp của nhau, chừng như ai cũng vừa quý Thái vừa buồn cười trước cái lòng tốt đôi khi như ngây thơ, như đứa trẻ. Không phải ai cũng hiểu được lòng tốt ấy trừ những người thân. Nhưng đời sống mà. Ta hãy sống cái phần hay ho của nó, thời gian đâu bận lòng vì những thứ không đem lại niềm vui.

Trở lại cái câu: chán quá! Chán chỉ muốn chết... có lẽ nó là sự tức tối, là nỗi tuyệt vọng trước những điều mình muốn tốt đẹp mà không thể được. Thực ra đã nhiều lần và trong nhiều tác phẩm người ta đọc được sự ấm áp của con người tha thiết sống. Cõi người rung chuông tận thế có đoạn: "Nhưng đau khổ nhiều, chứng kiến chết chóc nhiều để rồi được sống mà quan sát mà nhìn thấy tất cả những điều đang diễn ra dưới những mái nhà kia, những đường phố kia thì không vui nhưng cũng có ích...
... Phải chứng kiến tận mắt, phải ôm người chết trong tay, phải khâm liệm cho một tử thi... người đó mới xem như thực hiểu đời, hiểu người hiểu sự sống.
Khi đã hiểu cái chết. Khi ấy anh thấy mình cần phải sống.
Tôi cần phải sống".
Lời của một nhân vật. Lời của tác giả sau bao nhiêu thăng trầm. Tình yêu cuộc sống, bực bội vì cái xấu xí độc ác có lẽ là cảm hứng chính cho cuốn sách nhiều lận đận Cõi người rung chuông tận thế. Tác giả nói rất nhiều về cái ác bản năng như loài thú, sự mưu mô xảo quyệt của con người như loài thú. Rồi xuyên qua cái đám bùng nhùng hỗn độn ấy là một nhân vật giả tưởng chuyên đi trừng trị sự độc ác ở cõi nhân gian chung quanh nhân vật chính. Ðó là ý tưởng, là sợi chỉ xuyên suốt gây ấn tượng đặc biệt.

Yêu cuộc sống mà như không chịu thừa nhận tình yêu ấy vì nó không được như mình muốn. Nhưng yêu và muốn bảo vệ nó nên tìm ra được cái ý như là có siêu nhân, có con người ảo đi cùng tác giả để bảo vệ chân lý cuộc sống. Người ta gấp sách lại và nghĩ như vậy về Cõi người rung chuông tận thế.

*

Hồ Anh Thái viết khi còn là sinh viên. Ngày ấy thấy một cậu trắng trẻo rụt rè đưa đến tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng, ý thức của người ta lúc ấy còn ngập ngừng giữa những ngây ngô của thời cũ và sự tò mò với thời mới, giữa mất tự do mà không có ý thức và sự vươn xa làm chủ bản thân. Văn chương khi ấy còn đầy những sáo mòn, đầy khuôn phép. Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái làm tôi ngạc nhiên. Tác giả đã tìm ra trong đời sống có những bóng ma, có quỷ dữ. Và những nhân vật ma quỷ khống chế đời sống theo quan niệm cũ, trở thành những nhân vật của tương lai. Quả nhiên chỉ vài năm sau đời sống mất dần sự bình yên. Tâm hồn con người bị nhiễm độc. Ðọc xong tiểu thuyết ấy tôi nghĩ tác giả sẽ là người tỉnh táo để có thể sáng tạo những cuốn sách mang vác các vấn đề quan trọng của văn học. Trước đó Thái đã có nhiều truyện ngắn. Có cái hay, cái trung bình, nhưng vì còn quá ít tuổi, ai có thể dửng dưng lạnh lùng và thờ ơ để làm chủ ngòi bút như người lành nghề bây giờ. Phong cách tiểu thuyết của Thái hầu như mở đầu và chững chạc trong Người và xe chạy dưới ánh trăng từ những năm đầu thập kỷ 1980.

Thái học đại học. Ði làm cán bộ ngoại giao. Rồi làm lính binh nhì thời "giấc mơ chiến sĩ" đã tan trong tâm trí nhiều người vì sau chiến tranh chống Mỹ đến các thứ chiến tranh biên giới tâm trạng người ta xáo trộn bất ổn nên cả trong cả ngoài quân đội đang xao xác. Thái làm binh nhì. Luyện tập. Quan đánh lính. Lính đánh quan. Ðốn nứa làm doanh trại đến nỗi bị thương thành sẹo. Kể chuyện đơn vị. Lính muốn ăn thịt lợn, mà lợn trong chuồng chưa lớn lắm. Lính nghĩ ra mẹo cho đỗ xanh khô vào tai lợn. Ðỗ xanh ngấm nước nở ra trong tai làm lợn phát điên. Quan cho làm thịt lợn. Mỗi thằng vài miếng mà sung sướng. Thái đã sống những ngày như vậy nên mỗi khi nhìn thấy một người nghiêm chỉnh kiểu quan chức ngoại giao, bạn bè không khỏi ngạc nhiên. Cũng như mọi người, Thái đã trải qua tất cả những tối tăm bức bối của xứ sở, có cả hạnh phúc cả đắng cay nhưng là người kín đáo, ít bộc lộ, mọi người cứ nhầm tưởng ra đời là gặp may.

Trong Cõi người rung chuông tận thế viết xong từ năm 1996, tác giả đã vững tay tạo nên một cốt truyện hấp dẫn ngay từ dòng đầu... Lại là người từng trải nên chi tiết đắt. Cái khung cảnh để nhân vật sống trong tác phẩm là khung cảnh sang trọng, con cái của những nhà nhiều tiền lắm của sống nhơn nhơn trên đống tiền và chả nghĩ đến ai. Những cái tên như Bóp - Phũ - Cốc... là tên của những đứa trẻ dư thừa tiền bạc nhưng không có gốc rễ của đời sống chủ nghĩa. Tác giả miêu tả họ thông thạo như là người từng sống ở đó để thấy hết sự độc ác của một lớp người mà cái ác chính là sự vô sỉ.

Hồ Anh Thái ghét cay đắng lối quay phim chụp ảnh trong tác phẩm văn học. Ghét vì sống đã như thế rồi ngày ngày chen chúc ngột ngạt đến khi đọc lại thấy nó lù lù trên trang giấy, xem lại thấy bê nguyên cả quán ăn cả vỉa hè đường phố ngã năm ngã tư lên màn ảnh. Vậy nên đời sống trong tiểu thuyết thực đấy mà không phải là thực. Cõi người rung chuông tận thế có những trang miêu tả nhưng lại là của trí tưởng tượng không phải sự bê nguyên si ở đâu. Với khách sạn, nhà hàng, phòng ngủ, biển, đường... như trong một xứ sở thực đấy mà khó thấy. Ðó cũng là một thành công của Cõi người rung chuông tận thế. Thoạt đọc người ta e ngại. Ðằng sau chữ nghĩa như lạnh lùng như chính xác người ta vẫn sợ có một cái gì. Vì thế tác phẩm làm cuộc hành trình qua các nhà xuất bản suốt sáu năm trời. Khi đọc một cách thấu đáo mới nhận biết ý tưởng sâu sắc của tác phẩm là có thực, sự đa nghĩa là có thực, tri thức của tác giả phong phú nhưng viết kiệm lời là đúng, nhưng vượt lên trên hết vẫn là một tâm hồn trong sáng hướng thiện mong muốn cho cái đẹp chiến thắng. Hầu như ít nhà văn nào thành công nếu mổ xẻ cuộc sống tanh bành ra đấy mà không xót thương và không tìm được cách thu dọn sự bừa bộn.

Sau khi cho một loạt nhân vật chết một cách thê thảm, tác giả đã hướng người đọc tới lòng tin: không bao giờ sự độc ác có thể tự do tung hoành trong cõi nhân gian...

*

Hồ Anh Thái đi bộ đội, làm ngoại giao rồi sang Ấn Ðộ vừa đi học vừa làm ở sứ quán Việt Nam bên Ấn Ðộ. Viết thư về cho bạn bè nói rằng chữ Hinđi loằng ngoằng thế thôi chứ cũng có chữ cái. Em viết tên của chị cho mà xem. Và viết tên người Việt bằng tiếng Hinđi. Thông thạo thứ tiếng này để đi hầu khắp xứ sở Ấn Ðộ vào chùa chiền nghiên văn hóa và tôn giáo. Viết một loạt truyện về Ấn Ðộ như một nhà du lịch thông thái. Ðọc những truyện ngắn của Thái người ta như được đi thăm thú xứ sở bí ẩn này với những quan hệ sâu kín trong xã hội ấn, với những truyền thuyết, những triết lý cuộc sống mà đọc ở những thể văn khác rất khó ghi nhận. Văn học đến với ta giản dị và sâu sắc, dễ gần gũi nếu tác giả có tri thức về vùng đất mà mình sáng tạo.

Ở Ấn Ðộ sáu năm với mùa hè nóng trên 40 độ C, thức ăn không quen, những công việc ngoại giao lúc nào cũng bắt mình phải trịnh trọng thường trực nụ cười, con người nghệ sĩ như bị gò bó. Nhớ đất nước. Tiếc vì thời gian đi mà mình không làm được gì cho niềm đam mê văn chương. Thái về nước nhận làm một việc có tính công chức của Bộ, từ chối đề bạt, giấu mình đi. Bạn bè không khỏi tiếc. Văn chương thì làm ở đâu chẳng được? Làm lúc nào chả được? Thăng tiến trong nghề chính cũng cần lắm chứ. Hỏi thì lắc đầu có vẻ không tiếc gì. Học hành nghiêm chỉnh thế. Tiếng Anh thông thạo thế. Ði nhiều miền đất thế mà hy sinh cho văn chương ư? Ai cũng muốn Thái phải là một VIP của ngoại giao. Ðến bây giờ vẫn nghĩ thế. Nhưng người trong cuộc đã quyết thì bạn bè biết nói sao?

Những năm gần đây văn chương như thăng hoa. Sau Cõi người rung chuông tận thế là một loạt những truyện ngắn đặc sắc. Tập truyện Tự sự 265 ngày là một phong cách như trình bày sự hóm hỉnh, có duyên, cười vào thói hư tật xấu thời hiện đại của người Việt, và những trang viết là sự nhào nặn tiếng Việt, trân trọng tiếng Việt. Ðối với tác giả, một dấu phẩy cũng đáng để nhà văn phải trăn trở. Tác giả ghét lối viết ào ào in lấy được. Sách xếp cả chồng mà chẳng ai nhớ nổi. Viết rồi vô trách nhiệm với tác phẩm của mình đến nỗi để ai làm gì nó cũng được. Vì cái sự coi trọng nghề mà nhiều lần suýt mất cả những mỗi quan hệ tốt đẹp. Nhiều lần tức tối: mình đã góp ý rồi. Vì bạn bè nên nhúng tay vào sửa cho nó rồi. Vậy mà nó vứt đâu cái bản đã sửa để in bản cũ. Biết rõ nó không phải coi thường mình. Nó vô trách nhiệm với chính nó thế thì viết văn làm gì!

Giận thật sự người nào đó nhưng rồi cũng nguôi ngoai vì: có ai như mình đâu. Mình làm quá người ta lại không hiểu cho là mình rách việc!

Cũng trong cung cách kết bạn. Ðùng đùng yêu mến như sẻ lòng với ai đó. Ðùng đùng bắt bạn bè phải được thấy gã này, phải chuyện trò với gã này - vì nó cực hay. Nhưng rồi lại: thôi, không gặp nữa. Chán lắm!

Suy cho cùng cái thói yêu chữ nghĩa đấy mà. Thấy gã nào đó viết một cái gì hay quá là quý mến ngay. Nhưng quý rồi, đọc cái thứ hai thấy sự cẩu thả đã chán. Ðọc cái nữa càng chán. Chuyện trò thấy chán ngắt. Thấy nó chả yêu nghề. Chọn nghề mà không hết lòng vì nghề chả đáng cho mình hết lòng với nó. Cho nên loanh quanh lại vẫn chơi với những người bạn không cùng tông màu cho lắm, nhưng trân trọng nghề nghiệp. Và có những người bạn tốt. Lê Dung chẳng hạn. Khi Lê Dung mất đi Thái gọi điện giọng buồn như khóc: Đấy! Vừa cười nói vừa rủ nhau đi chơi đã không còn nữa. Cứ như thế này mình làm sao sống được! Buồn bã rất lâu như là có cái gì rất quan trọng giữa hai người. Nhưng đối với chị Ðoàn Lê, em Thu Huệ, với anh Vũ Bão, cũng như với anh Ma Văn Kháng, anh Xuân Thiều... Thái cũng hết sức trân trọng, chung thủy. Ai bình luận khen chê mặc kệ. Thái quý họ như Thái đã từng biết không hề chao đảo vì ai đó yêu ghét không giống mình. Hiếm khi thấy một nhà văn chung thủy với những gì mình chọn lựa như Thái...

Văn của Thái không có độ du dương của tiếng Việt. Tác giả không thích không chú trọng điều này. Trừ cuốn Tự sự 265 ngày là những khám phá và lối viết như "chơi" tiếng Việt, còn các tác phẩm khác rất được người đọc tiếng Anh thú vị. Văn học dịch ra ngôn ngữ khác mạnh ở ý tưởng và cách kể chuyện. Cuốn Trong sương hồng hiện ra và các truyện khác được bạn bè ở Mỹ đánh giá cao, được báo chí Mỹ bình luận là một tác phẩm đặc sắc là thành công của Thái. Qua những bản dịch tác giả được người đọc ở Mỹ chú ý. Ðược mời thỉnh giảng ở Ðại học Tổng hợp Washington. Ðược mời đi dự hội thảo văn học ở Úc, ở Thụy Ðiển... Quen biết nhiều. Giao tiếp nhiều. Cuốn Người đàn bà trên đảo in ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh, Ấn Ðộ, Thái Lan và sắp tới in ở vài thứ ngữ khác.

Người như thế nhưng sưu tầm nhiều băng hát chèo, hát ca trù, mê hát xẩm, chịu khó đi xem các vở ca kịch mới dựng, xem phim trong nước. Vẫn là nghệ sĩ sống chết với đất này, với ngôn ngữ của xứ sở này dù ngày nào cũng bực bội. Lúc nào cũng có cớ để kêu: chán thế. Chán muốn chết! Và chân thật nên chỉ có thể ở cạnh người thân mới dễ nói ra mọi chuyện. Làm ngoại giao nhưng trong đời sống ghét thói xã giao giả dối. Vì thế mới ham văn chương. Nhờ văn chương nói hộ mình.

Cõi người rung chuông tận thế như được kết cấu từ ý tưởng hôm nay. Mạch truyện liền tù tì những cái chết, sự trả thù, nhưng xen vào đó là ngôn ngữ người Việt hôm nay. Không lôi thôi lòng thòng. Chi tiết cô đặc và đắt. Nó ám ảnh ở dòng mở đầu như phũ phàng và tiếng thở dài nhẹ nhàng khi cô gái Mai Trừng được giải khỏi lời nguyền oan nghiệt, trở lại là người bình thường được sống như người chung quanh cô khi kết sách. Vẫn là cách nghĩ của người Việt. Qua lửa qua máu qua nước... là cõi bình yên. Nhân vật của cuốn sách này có hình ảnh đường nét. Người ta tưởng tượng được vóc dáng của ba thằng thanh niên. Cũng tưởng tượng được hình hài đứa con gái tên Mai Trừng. Nhân vật đi lại có động có tĩnh không nhạt nhòa trộn lẫn. Cuốn tiểu thuyết viết như là thiên về kỹ thuật nhưng để nhớ và hình dung ra nhân vật lại phải xuất phát từ trí tưởng tượng và cảm hứng sáng tạo.

Ðây là người còn đi dài với văn chương.


© Talawas 2002