© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
1.11.2005
Nguyễn Tiến Văn
Khoan cắt bê tông- khoan đâu cũng sập
 
[1]

Bìa 1 của tuyển tập Khoan cắt bê tông
Khoan cắt bê tông là tuyển tập tự do xuất bản vào tháng 9-2005 tại Sài Gòn, khổ 9.5x28cm, số lượng in theo lối sao chụp gồm 100 bản [+ 50 bản in thêm theo đặt hàng vào tháng 10-2005], 59 trang. Theo thông tin ở bìa 4, bản thảo do Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi và Phan Bá Thọ phụ trách; chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Chát. Đây là ấn phẩm thứ 08 của Nxb Giấy Vụn, kể từ tháng 1 năm 2002. Tên lần lượt của các ấn phẩm này là:

  1. (2002) Vòng tròn sáu mặt, in chung 6 tác giả
  2. (2002) Mở miệng, in chung 4 tác giả
  3. (2003) Xáo chộn chong ngày, tác phẩm Bùi Chát
  4. (2004) Bảy biến tấu con nhện, tác phẩm Lý Đợi
  5. (2004) Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn], tác phẩm Bùi Chát
  6. (2005) Hừm bà lần, tác phẩm Khúc Duy
  7. (2005) Trường chay thịt chó, tác phẩm Lý Đợi
  8. (2005) Khoan cắt bê tông, in chung 23 tác giả [2]
Ngoài ra, cũng xuất bản theo tinh thần này trong năm 2005, nhưng không đề Nxb Giấy Vụn, là 3 tác phẩm của: Phan Bá Thọ [Đống rác vô tận], Nguyễn Quốc Chánh [Ê, tao đây], và Vương Văn Quang [Lĩnh Nam tạp lục].

Tất cả đều là những tác phẩm xuất hiện trong những năm khởi đầu thế kỉ 21, viết ra và tập hợp chủ yếu tại Sài Gòn, của những thanh niên nam và nữ [đáng tiếc cho tới nay vẫn có sự bất quân bình quyền nam/nữ] đa phần trong lứa tuổi trong khoảng trên/dưới 30 một chút, tức là trưởng thành sau khi chiến tranh chấm dứt, 1975. Riêng tập Khoan cắt bê tông thì có vẻ cân bằng hơn, già-trẻ, Sài Gòn, Hà Nội và hải ngoại, đều có; nhưng cũng chỉ có 3 nữ là Lynh Bacardi, Miên Đáng, và Na Thị Chua.

Những nhà thơ trong Khoan cắt bê tông phần nhiều sinh ra và lớn lên tại miền Nam Việt Nam [cũng gần đúng tỉ lệ 9 gốc miền Nam/1 gốc miền Bắc] cho nên có thể nói rằng họ đại diện cho một khuynh hướng ngoài luồng chính thống và nằm ngoài cơ chế tập quyền. Những nhà xã hội học chắc hẳn sẽ phải đặt câu hỏi cho đến nơi, tại sao một khuynh hướng như thế khó nảy nở hoặc phát triển được ở miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, nơi luồng khí chính thống tuyệt đối ngự trị.

Qua đây, chúng ta thấy cố gắng chính của những nhà thơ này là tranh thủ một sự tự do căn bản cho những quyền cơ bản của con người: làm chủ tiếng nói, tự do ngôn luận, phát biểu, in ấn, xuất bản và phát hành không qua cơ chế biên tập, kiểm duyệt và kiểm soát của nhà nước quan phương, còn quá nhiều độc quyền.

Hiện tượng này có thể so sánh với sự hiện diện tự phát của văn học vỉa hè, ngoài lề, còn được gọi là văn hoá-văn học mạch ngầm (underground) và việc in ấn lậu, phát hành chui (samizdat) trong những nước xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu, cũng như ở Liên bang Sô Viết nở rộ từ khi Stalin mất (1953) đến khi bức tường Berlin sụp đổ (1989) và Liên Sô tan rã (1991).

Ngay cái tên Mở Miệng mà một số anh em trong tuyển tập này chọn làm tuyên ngôn cho phong trào của mình cũng đã nói lên tầm quan trọng hàng đầu của tự do ngôn luận và tự do xuất bản. Nhưng qua những bài thơ, và hình ảnh kèm theo, chúng ta có thể thấy Miệng ở đây không chỉ giới hạn vào lời nói, tư tưởng mà nới rộng đến toàn bộ các cửa ngõ của thân thể, các động tác, tức là chỗ giao tiếp của mỗi cá nhân với đồng loại, xã hội, tự nhiên, và tâm linh.

Sự tự do hoàn toàn trong phong cách phát biểu và thể hiện, từ việc chấp nhận toàn bộ ngôn ngữ đời thường đến các tiếng lóng, tiếng mới, tiếng pha tạp, ngôn ngữ thử nghiệm và sáng tạo, kể cả những từ bị kết án là thô kệch, tục tĩu… đến cách nghĩ, lối làm việc, cách thể hiện quan điểm… phải được hiểu trong đường hướng tìm tới tự do, dân chủ và làm khác. Nó cũng như những tác phẩm của de Sade thời Cách mạng Pháp 1789, hay ngôn ngữ xã hội đen của Céline và Genêt trong thế kỉ 20 ở Pháp; và của cả nhiều phong trào thơ tại Trung Quốc sau Cánh mạng Văn hoá, cũng như sau Sự kiện Thiên An Môn.

Không có tham vọng "làm cao-làm khó" văn học hay mĩ học, những nhà thơ này biết rõ công việc của họ chỉ là những cố gắng để thiết lập một khu vực chung cho mọi người, từ bình dân tới trí thức; nó như là một hành trình hi vọng trên con đường mở ra một xã hội công dân cần thiết cho mọi người. Với tuyên ngôn gần như được tự hiểu là: Chúng ta cần được làm người trước khi được hưởng thụ những xa xỉ của văn chương tầm trên, của nghệ thuật cao.

Sự liên kết 23 nhà thơ của cả miền Nam, miền Bắc và người Việt hải ngoại trong tuyển tập Khoan cắt bê tông nhân lúc Sài Gòn vừa đủ 30 năm khi bước qua cơ chế mới, cũng là đánh dấu sự trưởng thành của một vận động lớn, một ý nghĩa lịch sử và nhân bản của xã hội Việt Nam. Nó không bao giờ và không thể là sự bó hẹp trong riêng mỗi quan điểm hiện thực xã hội chủ nghĩa; trong phạm trù chữ nghĩa trang trí, thẩm mĩ tô hồng của những bài tập làm văn, tập làm dáng trong cả ngàn tập thơ khác xuất hiện chính quy trong nước, hàng năm. Con số 23 nhà thơ trong tổng số trên dưới 5000 nhà thơ-nhà văn của cả nước thật hết sức khiêm tốn. Tuy nhiên, đó là sự khiêm tốn đáng suy nghĩ, đáng trân trọng, bởi nó khởi đầu những bước chân bằng tác phẩm và bằng cung cách yêu chuộng hoà bình. Có thể ví họ như những cánh chim câu bỏ quảng trường bay đi, nay trở lại, và hiển nhiên rối, nó một lần nữa lại báo hiệu cho những sự thay đổi lớn lao sẽ tới trong một hai thập kỉ đầu của thế kỉ 21. Kể từ Phong trào Thơ Mới (1930-1945), bây giờ mới có một cuộc vận động thực sự không bị chính trị và chiến tranh lũng đoạn như đã từng xảy ra suốt trong giai đoạn 1945-1986, là sự bi đát của mấy thế hệ thanh niên Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là sự chìm vong của các phong trào như Nhân văn-Giai phẩm (1956-1957).

Sau gần nửa năm ở Việt Nam và nhờ một duyên may tình cờ tôi có cơ hội gần gũi với khoảng một nửa, và tiếp xúc với dăm ba người còn lại trong số những nhà thơ có mặt trong tuyển tập này. Một phần trong số họ là những người tốt nghiệp đại học thuộc những ngành nhân văn và tha thiết tiếp cận với những sinh hoạt, tư tưởng văn học nghệ thuật đương đại để cùng nhịp với những người đồng trang lứa trên toàn cầu. Tuy sống cuộc mưu sinh vất vả vì phải làm nghề tay trái hoặc lao động tay chân để tồn tại trong một xã hội đang biến chuyển dồn dập của kinh tế thị trường, muốn toàn cầu hoá; nhưng phần lớn họ khá lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào chính bản thân, vào con người, vào sức mạnh tiềm tàng của xã hội và năng lực vô hình của quê hương. Họ không có, hoặc đã dẹp bỏ được ảo tưởng vĩ cuồng về sự đóng góp của mình. Nói chung họ gần gũi với môi trường sinh thái, vỉa hè xã hội hơn là những cơ chế và chủ nghĩa chính trị, hoặc với những nguyên tắc giáo điều kiểu đại tự sự truyền thống của cả phương Đông và phương Tây, kể từ thế kỉ 19 trở về trước và đã tan tành điêu linh trong thế kỉ 20, tức trước khi phần nhiều trong số họ bước vào độ tuổi trưởng thành. Nói như vậy không phải bảo là họ xa lìa với những cảm thụ và nền nếp tâm linh. Có điều tâm linh đối với họ là sự liên đới trực tiếp với thân thể, với tính dục, với cửa mình, làm tình và phỉ nhổ vào một số u nhọt cứng nhắc của đời sống đương thời.

Nguồn mạch sâu xa của những nhà thơ này có thể kể tới những hội hè đình đám, lễ hội dân gian xưa mà dấu vết còn lưu lại ở sinh hoạt nông thôn, tín ngưỡng phồn thực, trong ca dao tục ngữ, tranh tượng khắc gỗ ở đình làng, những tháp và tượng Chămpa cũng như Chân Lạp, Óc Eo xưa… còn đặt để dấu ấn khắp Bắc, Trung, Nam. Một trong những thú vui của họ là ngao du khắp mọi miền đất nước; là gặp gỡ chung vui trong ăn uống, đùa chơi với bạn bè và những người dân bình thường không quan cách, tại các khu chợ, vỉa hè và cả ngoài đồng ruộng. Khuôn mẫu tự do đẹp nhất và được tôn vinh nhất là Hồ Xuân Hương qua những phá huỷ cấm kị về ngôn ngữ và dục tính. Những ảnh hưởng gần hơn có thể kể là sự phóng khoáng tự tại của thơ và cuộc đời Bùi Giáng; sự phá cách của nhà thơ Bút Tre; sự chuyển động tuần tự nhưng hầu như bất khả kháng của Nguyễn Quốc Chánh; sự tự do và bụi đời của những con người lang bạt như Đỗ Kh., Đinh Linh; sự nghiêm túc và khăng khăng đeo đuổi cách mạng Tân hình thức như Khế Iêm… Tất cả đều được pha trộn và nhào nặn tài tình trong tuyển tập Khoan cắt bê tông.

Cho nên, theo tôi sự xuất hiện của Khoan cắt bê tông là một tín hiệu lành mạnh, nó chống lại những sự trì trệ và đồi truỵ trong văn học, nhìn trên bề mặt và theo diện rộng; đồng thời, cũng làm đổ vỡ một số định kiến và thẩm mĩ cũ, quen thuộc trong lòng nhiều người đọc; và hơn nữa, nếu nhìn dưới con mắt của người đọc có nhận thức, thì có thể gây tranh cãi.

Dấu ấn của đương đại trong sự giao lưu văn hoá toàn cầu và của cuộc cách mạng thông tin nghe nhìn của thế hệ trẻ. Cũng như sự tìm nối liên ngành hậu hiện đại đậm sắc trong những tác giả của Khoan cắt bê tông.

Cũng như giai đoạn Thơ Mới, chỉ trong 15 năm văn học Việt Nam phải chạy nước rút để song hành với 150 năm trong văn học quốc tế qua sự tiếp xúc với văn minh Pháp, ngày nay sau cuộc nội chiến/chiến tranh uỷ nhiệm/chiến tranh lạnh, những nhà thơ Việt Nam phải làm cuộc giải trừ những ảnh hưởng tiêu cực của thực dân và đế quốc đã bám rễ ở một nước bán thuộc địa, bán tiền đồn – không chỉ trong những bóng ma nước ngoài quá khứ mà chính trong não tuỷ và sinh hoạt của người Việt.

Sự hiện hiện của Nxb Giấy Vụn, của Khoan cắt bê tông, hay của cả Mở Miệng từ đầu thế kỉ 21 đến nay cũng là một dấu hiệu lớn lao của sự đổi thay bắt buộc, sau 30 năm kết thúc cuộc chiến. Và gián tiếp cho thấy sự cởi mở về mặt hình thức trong sinh hoạt văn hoá, chính trị và xã hội Việt Nam ngày nay. Ngày nào các hiện tượng như Nxb Giấy Vụn, Khoan cắt bê tông, Mở Miệng… còn có mặt và phát huy được khả năng của mình, ngày đó chúng ta còn có quyền tin vào tương lai của sự hình thành những cơ sở cho một xã hội công dân, trong đó các quyền căn bản của con người được tôn trọng.

Cuối cùng, là một người xa rời Việt Nam và chỉ mới quay về thăm lại quê hương lần đầu, đây là dấu hiệu lạc quan và tin yêu nhất mà tôi nhận được từ xứ sở, và từ những con người cụ thể. Vậy xin có vài lời giới thiệu như một bày tỏ của niềm tri ân.

Gò Vấp, 20-10-2005

© 2005 talawas



[1]Tại Việt Nam, sơn Nippon của Nhật được quảng cáo với khẩu hiệu như sau: "Sơn Nippon, sơn đâu cũng đẹp".
[2]Khoan cắt bê tông, Nhà xuất bản Giấy Vụn. Email: nxbgiayvun@yahoo.com. Chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Chát. Bản thảo: Bùi Chát – Khúc Duy – Lý Đợi – Phan Bá Thọ. Bìa & Trình bày: Mở Miệng. In 100 bản photocopy, tại bất cứ nơi nào rẻ & nhanh nhất. Khổ 9.5 x 28cm. In xong & nộp bản lưu cho các tác giả 9 – 2005. ( 2005: Nxb Giấy Vụn & các tác giả.