© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
24.7.2002
Đoàn Xuân Kiên
Thảo luận cùng anh Vũ Dũng
 
1. Mới đây anh Vũ Dũng có viết bài gọi là để trả lời tôi về vấn đề chính tả chữ iy. Anh cho rằng bàn về ngôn ngữ thì cần chính xác và khoa học. Trên tinh thần mà anh muốn đề nghị, tôi cũng xin bàn thêm về bài "nói thêm" đã phổ biến trong mục Chính tả hôm 1/7/2002.

Trước tiên, tưởng cũng nên nói lại cho rõ là trước nay khi bàn về chuyện chính tả "i dài i ngắn", tôi không nghĩ là có ai lại muốn tạo cơn bão trong tách trà. Sự thực là nó có vấn đề, và từ trăm năm nay đã xảy ra nhiều đợt thảo luận rồi. Cho nên hôm nay chúng ta có kế thừa vấn đề này thì cứ bàn luận thêm để phát triển những tìm tòi mới. Không nên vừa bàn về nó lại vừa cho rằng vấn đề này không đáng bàn. E thiếu tinh thần khoa học. Sau nữa, anh cho rằng tôi xem xét vấn đề nghiêng theo hướng ngữ âm học. Đây là sự hiểu lầm, vì bài của tôi bàn về một vấn đề chính tả. Tuy bàn về vấn đề chính tả (nghĩa là viết đúng theo một chuẩn mực nào đó), tôi xem xét vấn đề có phần khác những vị khác ở chỗ là tôi nhìn vấn đề dưới ba khía cạnh:
(a) trước hết là đặt nó vào trong chiều lịch sử để cố nhận ra sự lộn xộn trong lối viết chữ i và y qua thời gian kể từ thời các nhà sáng chế chữ quốc ngữ;
(b) kế đó là tôi cần xem lại vấn đề chính tả trong mối quan hệ với ngữ âm để nhận diện những sai chệch giữa ngữ âm và chữ viết;
(c) và cuối cùng tôi xem xét vấn đề dưới lăng kính của vấn đề chuẩn hoá ngôn ngữ để nhận ra ý nghĩa xã hội và vai trò của xã hội đối với vấn đề chính tả i và y.

Bàn về các vấn đề liên quan đến chữ quốc ngữ - một hệ thống chữ viết theo lối ghi âm - thì nhất thiết phải xét đến mối quan hệ ngữ âm và chữ viết; tuy nhiên nếu chỉ bàn về nó trên cơ sở thuần ngữ âm thì sẽ không lí giải được những sai chệch giữa âm và chữ vì lí do là hệ thống chữ quốc ngữ ra đời trong điều kiện là những nhà sáng chế là những nhà truyền giáo nước ngoài từ nhiều cộng đồng ngôn ngữ khác nhau (Latin, Bồ Đào Nha,Tây Ban Nha, Pháp) đã dựa theo ngôn ngữ của họ mà đặt ra những lối viết nay đã trở thành quen thuộc mặc dù ngày nay ta thấy chúng không thật theo sát quy tắc ngữ âm.

2. Bài trả lời của anh Dũng đưa ra bốn thực nghiệm ngữ âm. Về việc lựa chọn các thực nghiệm, tôi có ý kiến hơi khác với anh. Nếu muốn soát xét lại vấn đề i và y trên cơ sở ngữ âm thì tôi sẽ phác ra một vài tiêu chuẩn và phương hướng tìm tòi trước khi đi vào thực nghiệm. Ở đây cần nhận rõ là chữ i và y là hai đồ vị (grapheme) để ghi lại hai âm (phoneme) / i / khác hẳn nhau: một âm / i / là nguyên âm đóng vai trò âm chính trong âm tiết tiếng Việt, âm / j / kia là một âm cuối luôn luôn đặt sau âm chính để khép âm tiết lại.

Phân định hai âm / i / và / j / như thế thì có thể nhận ra ngay rằng ba trong số bốn thực nghiệm ngữ âm của anh Vũ Dũng chỉ liên quan đến âm / j / là âm cuối (Hình 1 và hình 2: AIAY2, hình 3: AYAY1). Những thực nghiệm này chỉ có ý nghĩa xác nhận lại chức năng âm cuối của âm / j / mà lâu nay vẫn được viết bằng chữ yi. Nhưng vấn đề không phải là bản chất của các âm / j / đó, mà là chính tả của những âm ấy ra sao. Trước nay không thấy có tranh luận gì về các đồ vị yi trong trường hợp này. Hai chữ cái này dùng để ghi hai âm cuối / j / khi kết hợp với hai nguyên âm / a / dài và ngắn, không có sự lẫn lộn nào. Và vì thế cũng chưa thấy ai đặt vấn đề thay thế chúng. Trong bài trước tôi cũng ghi nhận hai "quy tắc" (3) và (5):
(a) "quy tắc 3: khi âm chính của âm tiết là một nguyên âm ngắn thì chữ quốc ngữ hiện nay đều chọn viết bằng y: rày, rảy, thay, nấy, đứt dey (dây), ley, léy (trong từ điển De Rhodes);
(b) "quy tắc" 5: khi âm chính là một nguyên âm dài thì chữ quốc ngữ đều nhất loạt viết i. Ví dụ: bói, xôi, ngôi, nuôi, ủi, uoi (voi) (trong từ điển De Rhodes).

Do vậy, những thực nghiệm ngữ âm về hai âm cuối do anh Dũng đưa ra thật ra không cung cấp thêm thông tin mới nào để xem xét lại vấn đề chữ y và i trong trường hợp này cả về mặt ngữ âm cũng như về mặt chính tả.

Cũng xin bàn thêm cùng anh Vũ Dũng về mấy điểm dưới đây trong đoạn phân tích về tần số âm học của "y" và "i" khi đi sau nguyên âm / a / : trước hết, anh Vũ Dũng đã chỉ nhìn về chính các âm / j / đó mà không quan tâm đến sự kết hợp giữa chúng và hai âm / a / khác nhau nên đã dẫn đến sự khác nhau giữa hai âm / j / này. Sau đó, anh kết luận như sau: "y" mô tả âm /i/ rõ hơn "i" (vì tần số cao hơn), và do đó đáng được dùng để mô tả / i / như một trong âm hơn là dùng "i". Có hai điều xin được góp ý với anh: một là tần số của âm / j / đi sau âm a ngắn có phần trội hơn âm / j / đi sau âm / a / thường; nhưng chúng đều là những âm cuối mà thôi, cho nên độ vang của nó kém xa âm / i / là âm chính; hai là âm / i / là âm chính thì dù là có âm phụ đầu và âm phụ cuối đi kèm hay không đều có tần số cao xấp xỉ ngang nhau và khác xa hai âm cuối / j /.

Cũng từ điều trên đây, tôi thấy khó có thể dùng cứ liệu thực nghiệm về hai âm cuối / j / để nói về âm chính / i / như khi anh phát biểu:"muốn mô tả / i / là trọng âm trong một chữ chỉ có một nguyên âm duy nhất là "y" hoặc "i" thì phải chọn "y" mới đúng". Nếu quan sát kĩ các âm phổ của những âm tiết có chứa những âm / i / này thì không thấy có gì khác nhau cả. Tất cả những khác biệt về lối viết hiện nay chỉ là do kết quả của việc dùng hai đồ vị để ghi cùng một âm / i / mà thôi. Mà đó là những gì chúng ta kế thừa từ những nhà sáng chế chữ quốc ngữ từ thế kỉ XVII.

Cuối cùng, tôi ngờ rằng anh đã thiết kế mấy thí nghiệm dựa trên một cách giải thích hơi xa cách hiểu của những người sáng chế chữ quốc ngữ về cái gọi là "sự cách biệt". Trong đoạn văn De Rhodes nói về chữ i, có lẽ ông chỉ muốn nói về sự khách biệt giữa chữ y/i này trong tiếng Việt và một âm tương tự trong tiếng Latin hay tiếng Bồ. Vả lại, chính ông có nói thêm là ông "không muốn dùng thêm hai chấm ở chữ i để tránh sự gia tăng các dấu hiệu" thì tôi hiểu là ông chỉ muốn tránh dùng chữ ï trong bảng chữ cái các ngôn ngữ phương tây vì có thể gây hiểu lầm rằng chữ ï đó cũng phát âm dài như hai âm / i / đi liền nhau nhưng "tách biệt" thành hai âm tiết. Hoàn toàn không hề có ý nói gì về âm dài / a: / như anh Dũng diễn giải.

3. Vấn đề chính tả chữ i và y trong chính tả tiếng Việt hiện nay thật ra chỉ lộn xộn khi chuyển tải âm / i / là âm chính của âm tiết mà thôi. Mà trong trường hợp nó là một âm chính thì về mặt ngữ âm có ba trường hợp cần xem xét: (a) âm / i / là thành phần hạt nhân của một âm tiết; (b) âm / i / đứng một mình và làm thành một âm tiết hoàn chỉnh; (c) âm / i / kết hợp với một âm chính khác (trường hợp các nguyên âm kép). Hình 4 (IAIYEN) trong bài anh Dũng là một thực nghiệm về trường hợp thứ ba: âm / i / trượt sang một nguyên âm khác. Hãy bàn về hình 4 này. Theo tôi nét đặc trưng làm nên sự khác biệt giữa hai âm tiết nằm ở chỗ một đằng âm tiết đầu là một vần mở (ia), đằng kia là một vần khép (iêng). Về mặt ngữ âm khó nói được là âm / i / nào khác về tân số hoặc trọng âm, vì thật ra chúng chỉ là một âm / i / trượt đi sang một âm rộng hơn. Vấn đề ở đây chỉ là chính tả, khi có âm phụ đầu thì thói quen chấp nhận chữ i, khi nó đứng đầu âm tiết thì dùng y.

Thế còn hai trường hợp chỉ một âm / i / làm hạt nhân của âm tiết thì sao ? Như đã trình bày, về mặt ngữ âm không có gì khác nhau giữa các âm / i / trong các âm tiết [ầm] ĩ, [lại] cả. Nói khác đi, trong trường hợp âm / i / là một âm chính thì chính tả có vấn đề. Tiếc thay bài góp ý của anh Dũng lại không soi sáng hơn về trường hợp này. Mà đây mới là mấu chốt của vấn đề chúng ta đang bàn.

4. Tôi thử làm một thống kê dựa trên một trang đầu của hai văn bản là bài của tôi (tài liệu 1) và bài của anh Dũng (tài liệu 2). Dưới đây là thống kê tỉ lệ các chữ có i và y mà tôi nhặt ra theo tiêu chuẩn bảy nhóm phân loại mà tôi trình ra trong bài trước:

  tài liệu 1 tài liệu 2
  (246 chữ) (164 chữụ)
1. nhóm si/sy - li/ly - kí/ký 25 (10%) 30 (18%)
2. nhóm sinh - lính - kính -xỉu 24 (9%) 12 ( 7%)
3. nhóm hia - bìa - đĩa - hiền - biết - giếng 59 (23%) 36 (21%)
4. nhóm yêu - yến - yểng 1 (0.4%) 4 (2%)
5. nhóm im - ỉu - ý - y - ỷ/ỉ 38 (15%) 21 (12%)
6. nhóm quí/quýt - huyện - thuý - nguy 16 (6%) 8 (4%)
7. nhóm mai - cúi - mây - cay - cai 83 (33%) 53 (32%)


Tỉ lệ trên có thể xê xích trong các bản văn dài ngắn khác nhau, nhưng tỉ lệ giữa chúng với nhau thường khá ổn định. Trong tình hình chính tả hiện nay, nhóm 2, 3, 4 và 7 thường không gây ra nhiều rắc rối; trong khi hai nhóm 1 và 6 thường có vấn đề chính tả, ngoài ra nhóm 5 cũng ít nhiều có sự dùng i/y thông lẫn nhau. Tổng cộng ba nhóm thường lẫn lộn thì thấy khoảng 31% (tài liệu 1) hay 34% (tài liệu 2) chữ viết có i và y đặt ra cho chúng ta vấn đề chuẩn mực chính tả cho chúng. Một tỉ lệ như thế là khá cao. Cho nên tôi nghĩ rằng chuyện chữ iy là một vấn đề có thật chứ không nên nói là chúng không đáng đặt thành vấn đề. Thử hỏi cứ ba chữ thì có một chữ khiến phải đắn đo về cách việt thì đâu có phải là ta muốn vẽ việc ? Nếu đã là một vấn đề của chính tả tiếng Việt thì người Việt chúng ta phải suy nghĩ mà chỉnh đốn thôi.

5. Khi tôi dựa trên những cứ liệu chính tả ghi trong sách báo để lên bảng phân loại 7 nhóm các chữ viết có i/y, tôi chỉ có ý khái quát hoá các "quy tắc" chính tả mà hiện nay người Việt chúng ta đều thừa nhận chứ chẳng phải là tôi sáng tạo ra đâu. Anh Dũng thì cho rằng năm quy tắc trong bài của tôi cũng không khác gì ba "quy tắc" anh đưa ra cho những ai muốn thay đổi lối viết i/y. Tôi e rằng lại có ngộ nhận. Thực sự thì chúng rất khác nhau. Mà nói cho cùng thì khác biệt trong nghiên cứu chẳng có gì đáng bàn. Chỉ đáng nói hay không là hiệu quả thực tế của các giải pháp.

Về phần tôi, tôi rất ngại phải sáng tạo thêm một giải pháp cho chữ i/y như anh Dũng đã làm đối với quy tắc (1) của anh: có thể thay y bằng i khi nào nó không thay đổi nghĩa. Nếu thì thì tiếng Việt sẽ tạo thêm rất nhiều từ không có trong từ điển hiện tại, kiểu như *"bâi giờ", *"ngâi thơ"… vì chúng không làm thay đổi ý nghĩa của các từ đó. Giải pháp này sẽ còn làm rối loạn tiếng Việt thêm do hậu quả của việc sản sinh thêm hàng nghìn chữ viết mới. Ý nghĩa chỉ là vấn đề quy ước về cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Đối với người bản ngữ đã có số vốn từ vựng lớn lao lưu trữ trong óc thì không cần thiết phải quy chiếu vào ngữ nghĩa; nhưng với người ngoại quốc và trẻ em thì chúng ta làm sao giúp học viên giải quyết chuyện này ? Có lẽ chúng ta lại phải quay trở lại với giải pháp chính tả (nghĩa là dựa vào mặt chữ viết). Đến đây thì cần phải cùng suy nghĩ để đạt đến một giải pháp triệt để. Năm quy tắc mà tôi trình bày vẫn hãy còn rớt lại một số điểm cần phải bàn thêm, nhưng ít ra nó cũng đã được thử nghiệm trong giáo dục trẻ song ngữ, và có lợi điểm là rút xuống mức thấp nhất những cái gọi là ngoại lệ mà hiện nay chúng ta thấy nhan nhản.

Trong bài góp ý, nhiều lần anh Dũng cũng thấy là cách mô tả âm của bảng đồ vị chữ quốc ngữ không phải bao giờ cũng chính xác, rằng có nhiều điều bất ổn trong bảng mẫu tự Latinh. Mục đích bài viết của tôi cũng chỉ là nêu lên một vài chứng cứ nhỏ cho luận điểm trên mà thôi. Đồng ý là nó chưa hoàn chỉnh rồi thì chúng ta tính sao đây? Quan điểm của tôi là chúng ta có thể chỉnh đốn những lộn xộn trong việc định chuẩn mực cho chính tả chữ quốc ngữ. Tôi nói ra những gì có trong bài của mình là do sự tìm tòi suy nghĩ mà có chứ hoàn toàn không dính dáng gì đến những cái gọi là "niềm tin" mà anh Dũng ưu ái tặng cho.

Nếu có thể gọi là một "niềm tin" như anh Dũng nói, thì tôi tin là ngôn ngữ có mặt tập quán tự nhiên, nhưng không phải là không có thể hoạch định được một chính sách ngôn ngữ cho một cộng đồng. Tôi đề nghị trong bài viết của mình là cần giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng tập quán ngôn ngữ lâu đời, nhưng khi có những tập quán đối nghịch nhau vì ảnh hưởng từ những thói quen khác nhau (ở đây là từ ảnh hưởng của các từ điển do người tây phương biên soạn trong các thời xa xưa), thì cần đến bài toán của cả xã hội. Trên thế giới không phải đâu đâu người ta cũng theo chủ trương của các nhà ngữ học miêu tả Mĩ, là chấp nhận những tập quán ngôn ngữ của xã hội, và nhà nghiên cứu chỉ là miêu tả chứ không được phép đề ra bất cứ biện pháp nào để thay đổi tập quán ngôn ngữ. Tôi nhớ đã đọc từ lâu một quyển sách bàn về kinh nghiệm hoạch định chính sách ngôn ngữ tại một số nước (Rubin & Jernudd (eds) (1971) Can Language Be Planned? Honolulu: An East-West Center Book). Những kinh nghiệm như thế đáng cho ta suy ngẫm.

6. Để kết thúc, lại xin trở lại tính khoa học trong nghiên cứu. Một nghiên cứu khoa học thì không phải chỉ dừng lại ở việc sử dụng công cụ máy móc khoa học mà thôi, mà còn cần phải có tinh thần tư duy khoa học (trong sự chính xác, dựa trên sự kiện chứ không suy diễn). Hai lần được đọc bài anh Dũng tôi thấy anh dùng rất nhiều công cụ khoa học cho bài viết. Như thế là một điều đáng quý trong tình hình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Tuy vậy, công cụ khoa học vẫn không thể thay thế được tư duy khoa học của con người. Lại thêm một điểm tôi đồng ý với anh. Mà đã nói đền tư duy khoa học trong nghiên cứu thì tôi nghĩ không có vấn đề nào là vặt vãnh cả. Một luận án khoa học khởi đầu từ một đề tài rất nhỏ hẹp mà có thể giúp người nghiên cứu đi sâu vào các ngõ ngách của vấn đề thì ý nghĩa của công trình nghiên cứu như thế cũng đáng trân trọng. Không cứ là phải bàn về những đề tài to tát.