© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
4.11.2005
Trịnh Cung
Gặp người bị “bóng đè”
 
Trong dịp ra chơi những ngày thu Hà Nội vừa rồi, tình cờ trong cuộc trình diễn nghệ thuật đa phương tiện của nhà thơ Dương Tường và 4 nghệ sĩ đương đại hàng đầu Hà Nội hiện nay tại L’Espace, 24 Tràng Tiền - Hà Nội, tôi lần đầu gặp nữ nhà văn trẻ đang là “target” của mọi sự quan tâm từ những nhà phê bình văn học và công chúng yêu văn chương qua tập truyện ngắn thuộc hạng best seller: Bóng đè.

Vui vẻ, cởi mở và duyên dáng là ấn tượng ban đầu tôi nhận thấy ở Diệu sau vài lần gặp gỡ. Và bất ngờ lại gặp nhà văn trẻ đáng quí này trong một chiều đẹp trời, vẫn cách tiếp chuyện không chút e dè, vui tươi và tự tin, Ðỗ Hoàng Diệu dành cho tôi một cuộc nói chuyện hào hứng và rất chân thành.

Trịnh Cung (TC): Trước khi trao đổi chung quanh truyện ngắn “Bóng đè” và dư luận hiện nay đối với tác phẩm này, Ðỗ Hoàng Diệu có điều gì muốn nói với những người đọc sách mình?

Ðỗ Hoàng Diệu (ĐHD): Tôi chỉ biết gửi lời hết lòng cám ơn đến quí độc giả đã đọc và dành cho tập truyện Bóng đè một sự quan tâm đặc biệt dù có cùng hay khác nhau quan niệm sống và thị hiếu văn chương.

TC: “Bóng đè” của chị đột ngột xuất hiện và gây sửng sốt người đọc Việt Nam. Sự táo bạo của một nhà văn nữ chưa đến tuổi 30 khi đề cập đến vấn đề tính dục khiến nhiều người shock nặng. Chị có chọn tính dục vì mục đích đó?

ÐHD: Như tôi đã trả lời rất nhiều phỏng vấn hỏi tôi rằng văn chương tôi có viết về tính dục hay không. Tôi đã và sẽ luôn khẳng định rằng tôi chưa bao giờ viết về tính dục cả. Tôi chỉ mượn tính dục làm cái vỏ để chuyển tải những thông điệp khác của mình. Tuy nhiên, đã có một số độc giả chỉ thấy văn chương của tôi đầy nhục cảm. Nếu có tính dục trong văn chương của tôi thì nó không hề là thứ tính dục đi quá đà kiểu dâm thư. Có phải vì mỗi truyện ngắn nó là cái bẫy độc giả và cũng là cái bẫy cho chính tác giả. Mỗi độc giả có thoát ra khỏi cái bẫy ấy hay không là do sự nhạy cảm của chính họ. Tôi thì tôi vẫn chưa thoát ra khỏi được cái bẫy của tôi.

TC: Như vậy, giữa văn chương và người đọc có một cuộc chơi thú vị như chị vừa nói, đó là cái bẫy. Vậy để độc giả sập bẫy hay thoát ra khỏi cái bẫy, đâu là mong muốn của chị? Và với riêng chị, cách nào để nhà văn thoát ra cái bẫy của chính mình?

ÐHD: Ðối với độc giả thì tôi không thể biết được họ có bị sập bẫy hay không. Tốt nhất là cứ để họ bị lọt vào bẫy rồi cũng chính họ tự tìm cách thoát ra.Tôi không cố tình giăng bẫy họ, nhưng viết được những truyện ngắn mà có những cái bẫy để độc giả mắc vào thế là thành công rồi. Thế còn khi viết, nhà văn không có trong đầu việc chủ trương giăng bẫy, nếu có chỉ là vô tình đánh bẫy độc giả và vô tình đánh bẫy cả chính mình. Còn bây giờ tôi có thoát ra khỏi cái bẫy của chính mình chưa? Một lần nữa xin khẳng định là chưa. Có lẽ độc giả nên chờ điều này ở những tác phẩm khác trong tương lai của tôi, vì tôi chưa định hình được phong cách văn chương của mình lúc này.

TC: Chị rất được đánh giá cao về văn phong cũng như ý tưởng dữ dội về việc nhìn lại quá khứ nhằm tháo bỏ những giá trị ảo, những ám ảnh trói buộc đeo đẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến những người trẻ không thể thoát ra và đi về tương lai. Có những người nhận ra thông điệp của chị về số phận con người thông qua nhân vật cô dâu trẻ trong “Bóng đè” đằng sau lớp vỏ bọc tính dục, nhưng cũng có một số dư luận đáng kể hiện nay nghiêng về phía không tán dương, có khi còn lên án nặng nề hết mức, coi nó là chuyện xấu xa, loạn luân, phỉ báng quá khứ, phá vỡ truyền thống đạo đức,... (Phúc Linh, báo CATP ngày 27-10-05). Chị nghĩ sao về vấn đề này?

ÐHD: Ðộc giả có nhiều tầng lớp khác nhau, tất nhiên phải có nhiều cách đọc văn khác nhau. Nhà văn cũng vậy, họ có các trình độ khác nhau và các xu hướng khác nhau. Chỉ có các tác phẩm viết theo trường phái hiện thực phê phán mới nhận được sự đồng tình của số đông. Khi nhà văn viết A là A, viết B là B thì đương nhiên người đọc không thể nghĩ khác nhau được. Văn chương của tôi không phải là hiện thực phê phán và không bao giờ tôi viết như thế. Sự phê phán quá tay của dư luận đối với những điều mà tôi không chủ trương viết cũng rất hữu ích cho tôi. Nó sẽ giúp tôi mạnh hơn để viết cho thật hay những tác phẩm sau này. Ở đây, tôi xin nói rõ hơn suy nghĩ của mình về quá khứ. Tôi tôn trọng quá khứ dù tốt hay xấu. Người có quá khứ tốt đẹp thường quay về để tự hào, lấy thêm niềm tin để đi về tương lai. Ngược lại, với quá khứ không mấy tốt đẹp cũng rất cần quay về để trăn trở và rút ra bài học và tiếp tục đi tới chứ? Có người cho rằng cách nói về quá khứ trong “Bóng đè” là mặc cảm nhược tiểu, bi quan, không có cái nhìn tích cực. Thực ra không phải như vậy. Tôi nói về quá khứ như thế không có nghĩa là tôi đang bị chìm chết trong ấy mà là đồng nghĩa với việc tôi đang dọn đường để đi về tương lai.

TC: Ngay cả khi sức ép của dư luận quá mạnh?

ÐHD: Văn chương không thể bắt ép. Tôi là người thích viết ẩn dụ. Giả dụ nếu mẹ tôi bảo tôi không được ăn tôm nữa, cái mà tôi rất thích, tôi sẽ ngưng để mẹ tôi vui, nhưng chỉ 1 ngày thôi vì cái nỗi thích ấy vẫn luôn ở trong đầu tôi. Văn chương đối với tôi cũng thế. Tôi có thể chuyển đề tài khác để không giống “Bóng đè” nhưng vẫn có ẩn dụ qua tính dục.

TC: Như vậy có thể gọi đó là phong cách văn ÐHD?

ÐHD: Không dám nhận như thế nhưng tôi rất thật, không thích viết thì thôi, tôi không vẽ trước cho mình một con đường có bước 1 rồi bước 2, ...

TC: Cuối cùng chị có thể tiết lộ một vài bí mật về mình hiện nay với độc giả “Bóng đè” ?

ÐHD: Sẽ thực hiện trong một tương lai gần: lấy chồng hoặc cho ra một tác phẩm. Sẽ kết hôn vào cuối năm và đang hoàn thành một tiểu thuyết.

TC: Rất cám ơn ÐHD về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc chị hạnh phúc và gặt hái thêm thành công lớn nữa với tác phẩm sắp tới.

Tp Hồ Chí Minh 27/10/05

© 2005 talawas