© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
5.11.2005
Mai Kim Ngọc
Harold Pinter, giải văn học Nobel 2005, và kịch bản The Lover
 
Tôi rất thú vị cách đây mấy hôm khi thấy trên mạng MSN là Harold Pinter đã được giải Nobel văn học năm nay. Tôi đọc ông từ những năm 70, vẫn mong được coi kịch của ông, nên mỗi lần có việc đi New York, có ý tìm xem có kịch nào của ông đang diễn. Tôi thích nhất The Lover (Người tình) [1] , dù đây là một kịch bản tương đối ít được nhắc đến, so với Homecoming, The Birthday Party, The Caretaker, The Betrayal, vân vân… Hơn hai mươi năm trước, mặc dầu công việc bận rộn hàng ngày của một nhà giáo, tôi thích đến mức bỏ mấy ngày cuối tuần dịch The Lover ra tiếng Việt…

Harold Pinter là một nhà soạn kịch danh tiếng thế giới. Ông cũng là một thi sĩ tài ba, và có thành tích trong nhiều sinh hoạt văn nghệ khác. Ông gốc Do Thái, sinh ngày 10 tháng 10, năm 1930 tại khu đông của Luân Đôn, nơi cha ông làm nghề thợ may.

Ông sáng tác vở kịch đầu tiên năm 1957. Đến năm 1967, ông đạt được những thành tích quốc tế lẫy lừng, và vở kịch Homecoming được hoan nghênh nhiệt liệt ở Broadway, kinh đô kịch nghệ của Mỹ và có lẽ cũng là của thế giới. Ông viết nhiều truyện phim trong đó có The Servant, The French Lieutenant’s Woman, vân vân. Ông được rất nhiều phần thưởng về kịch và thơ của Anh và của các nước khác, và đã được cấp bằng tiền sĩ tưởng lệ của 14 đại học trên thế giới. Và năm nay, 2005, ông được cái vinh dự tột đỉnh của nghề văn, là giải Nobel văn học. Tin vui đến với ông ít ngày sau khi ăn mừng sinh nhật thứ 75.

Ông nối tiếp một danh sách dài các nhà văn đã được giải Nobel, không những tài hoa, mà còn có lập trường chính trị rõ ràng, phần lớn là tả khuynh. Nghệ thuật không được vị nghệ thuật. Nghệ thuật không những phải vị nhân sinh chung chung, mà còn phải vị chính trị, và nhà văn phải trực diện những vấn đề thực tiễn của thời đại mình. Ông có một thành tích dài chống đối sự lạm dụng quyền lực, dù với cá nhân con người hay với cộng đồng thế giới. Ông phê phán việc đồng minh bỏ bom Serbia. Ông bất đồng với vụ xử án Slobodan Milosevic tại The Hague, không phải vì ông không thấy vị lãnh tụ này có tội, nhưng vì thủ tục pháp lý theo ông đã không được tôn trọng nghiêm túc. Nhái lời tổng thống George Bush (cha), ông đặt tên Trật tự thế giới mới cho một kịch bản ông viết gần đây để phê bình chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Chỉ trích tổng thống George Bush (con), ông ra mắt một tập thơ phản chiến về chiến tranh Iraq hiện tại. Ông gia nhập một nhóm nhân sĩ đòi chế tài thủ tướng Blair của đất nước ông, vì tội đã gửi quân sang Iraq. Tháng 3 năm nay, ông định ngưng viết kịch để chuyên chú vào việc đấu tranh cho những chính kiến của mình. Ông tiếp tục làm thơ, nhưng tuyên bố dù sao vẫn không sao nhãng việc dấn thân vào những vấn đề cấu trúc cho một thế giới tốt đẹp.

Tin ông được chọn cho giải văn học năm nay đã tạo dư luận sôi nổi trong văn giới thế giới. Có người thấy đây là ngón tay thô bạo của Hội đồng Nobel để chọc vào con mắt Mỹ quốc. Có người lại cho rằng không có quyền phạt một thiên tài văn học vì không ưa chính kiến của ông ta. Nhưng dù phản ứng tiêu cực hay tích cực với quyết định của Hội đồng Nobel, dư luận phần đông đều công nhận tài năng của ông xuất chúng.

Chỉ có điều là những ai cho rằng giải Nobel có chức năng ghi nhận và tuởng thưởng những gì bất tử, thì thấy rằng những tác phẩm mang màu sắc chính trị dù đúng hay sai vẫn lệ thuộc vào thời gian và có thể mau già. Một số tác phẩm trúng giải gần đây xem ra đã già hơi quá nhanh. Vả lại những vấn đề chính trị đã có diễn đàn chính trị. Còn gói trong một tác phẩm nghệ thuật, với những nhân vật được dựng lên có dụng ý, thì sợ rằng tác giả nhờ tài năng mà tạo được thiện cảm quá mức nơi người đọc với chủ thuyết của mình. Tóm lại, câu chuyện vẫn là đề tài cũ của nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh; chính xác hơn: nghệ thuật có phải dự phần vào đấu tranh không.

Nói chuyện người lại nghĩ đến chuyện mình. Tôi bỗng xót xa nhớ đến Trần Dần với mấy câu thơ của ông:

Tôi muốn bỏ Thơ
làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị

(“Nhất định thắng”, 1955)

Pinter đã làm văn làm kịch làm thơ chính trị, và xử lý một cách lỗ mãng các lãnh tụ phương Tây như hai tổng thống Mỹ là Bush cha và con, và cả thủ tướng Anh là Tony Blair của chính nước ông. Ông không ngần ngại gọi thủ tướng Blair là ngu xuẩn, và không che giấu sự nghi ngờ đối với trí thông minh của đương kim tổng thống Mỹ. Vậy mà Pinter vẫn có một cuộc sống tốt lành thoải mái, thậm chí còn được những vinh quang lớn nhất của nghề văn, trong khi Trần Dần và các bạn Nhân văn Giai phẩm của ông, chỉ vì phê phán chính quyền một cách rất chừng mực lễ độ, cũng như gián tiếp trong các dạng thức ẩn dụ xa xôi, đã phải trả giá bằng những thập niên cay đắng khổ sở… Bao giờ nhà văn Việt Nam mới có cái tự do sáng tác như Pinter và các văn nghệ sĩ phương Tây nói chung? Cái ao ước này quá thực tiễn quá cần thiết, làm cho cái ao uớc lý thuyết rằng văn học Nobel phải 100% phi chính trị nghe như xa xỉ phẩm của một tinh cầu khác.

Trở lại Pinter, ông thuộc về Trường phái Kịch nghệ Phi lý (Theater of the Absurd), nơi quy tụ những tinh tú như Samuel Beckett, Ionesco, Artaud, v.v... Ông không phải là người đầu tiên của truờng phái được giải Nobel. Beckett có vinh dự ấy trước ông, từ 1969. Nhưng khác với Beckett thích ẩn danh, thường trốn tránh báo chí, ông đón nhận vinh dự của giải Nobel một cách rất hồn nhiên. Ông tuyên bố tức thì là tin vui làm ông vui quá, không nói được nên lời, và hi vọng ngôn ngữ trở về với ông ít tháng nữa khi sang Bắc Âu lãnh thưởng. Ông còn có từ lâu trang mạng liệt kê những tác phẩm của mình để chia sẻ với những ai muốn tìm hiểu Harold Pinter.

Trường phái Kịch nghệ Phi lý thịnh hành vào những thập niên 50 và 60... Nó đồng vọng với những văn nghệ sĩ hay triết gia sau Thế chiến thứ hai như Camus hay Sartre, khi con người hoang mang vì cái vô lý của giết chóc tàn bạo... Không hoang mang sao được, khi bên Châu Âu, một dân tộc văn minh không những về kỹ nghệ, mà còn về âm nhạc, văn học, triết học như Đức lại có thể sa đọa vào đường lối Quốc Xã, để đề xướng ra những chính sách cực kỳ dã man như mưu đồ diệt chủng bằng những hỏa lò thiêu người, những trại tập trung dân chúng gốc Do Thái... Và bên kia Thái Bình Dương, khi hai quả bom nguyên tử được ném xuống Nhật, giết hại tức thì hàng vạn nhân mạng, bất kể thường dân hay binh lính, đã làm nguy cơ diệt vong của trái đất trở thành một đe dọa rất gần... Rồi sự tích trữ võ khí hạt nhân đến mức khủng khiếp trong những năm chiến tranh lạnh lại càng làm gia tăng nỗi lo âu ấy...

Đề tài cũng như kỹ thuật của những nhà viết kịch trong môn phái này khác nhau, tùy theo hoàn cảnh mỗi người, sinh trưởng ở nam hay bắc biển Manche, đông hay tây Đại Tây Dương. Nhưng triết lý của họ giống nhau, có thể gói ghém trong cái nhận định chung là nỗi niềm hậu chiến bơ vơ quá. Thế giới quen thuộc cũ vừa sụp đổ, mà tương lai lại mù mịt, nhìn chân trời đằng trước chỉ thấy trống trải, chẳng có tăm hơi của một miền đất hứa nào. Trường phái Phi lý hồ nghi, nếu không muốn nói đả phá, tất cả quy ước của xã hội cũ, của văn minh cũ. Họ thấy cuộc sống như một chuỗi sự việc vừa thảm khốc vừa vô lý, tóm lại vô cùng bi quan cho thân phận con người.

Thế rồi hơn nửa thế kỷ trôi qua từ ngày Thế chiến thứ hai chấm dứt. Ai thuở ấy bơ vơ với thế sự, nếu thật sự không cuờng điệu, bây giờ tất cũng đã nguôi ngoai. Trường phái Phi lý hình như không còn thu nạp được môn sinh mới. Lý do có thể không phải vì chủ đề tư duy của họ bị lung lay, và tất nhiên những câu hỏi siêu hình của Beckett (tại sao ta phải sinh ra góp mặt với đời, ai hỏi ý kiến ta trong việc trọng đại này, ta ở đâu tới, ta đi về đâu, v.v...) vẫn không có lời giải. Nhưng lập đi lập lại mãi những thắc mắc triết học hay tôn giáo, dù cao siêu đến đâu, cũng không tránh được nhàm chán.

Tuy nhiên, sự trăn trở thao thức của con người hậu Thế chiến thứ hai đã tạo ra những bông hoa tuyệt mỹ. Riêng với Trường phái Phi lý nói chung và Pinter nói riêng, những vở kịch của họ để lại đã vượt không gian, vượt thời gian. Chúng vẫn được giảng dậy tại trung học hay đại học đã đành, nhưng tự chúng có khả năng làm cho quần chúng dù phi hàn lâm vẫn thú vị vì giá trị nghệ thuật cao. Hình như đã là thiên tài thì dù sáng tác trong trường phái nào, dưới một nhân sinh quan hay vũ trụ quan nào, tác phẩm vẫn trở nên bất tử.

Riêng về Pinter, kịch của ông có rất nhiều cá tính. Tên ông trở thành một tĩnh từ Anh ngữ, và “Pinteresque” có nghĩa là có tính cách của nghệ thuật dựng kịch viết kịch của riêng ông, thám hiểm những vùng thăm thẳm của nội tâm, nơi những sợ hãi ngầm vô thức âm vang lại những xu hướng bản năng, kể cả bản năng dục tình vô kỷ luật. Qua kịch bản của ông, ta nghe lao xao tiếng sắt tiếng vàng của cuộc chiến muôn đời giữa cái xấu bẩm sinh và cung cách “văn minh” bên ngoài, tương tự như cuộc chiến giữa cái Id và cái Superego mà Freud đã tả. Ông dùng ngôn ngữ một cách dè sẻn cô đọng mà siêu việt. Những từ rất thông thuờng đặt vào văn cảnh của kịch bản Pinter trở nên có trọng lượng đặc biệt. Ở đây yên lặng cũng nói lên rất nhiều. Những đoạn không lời nhiều khi còn gây ấn tượng nơi khán giả mạnh hơn những phát ngôn tràng giang đại hải. Những gì nói ra (hay viết ra) không quan trọng bằng những gì không nói không viết. Ngôn ngữ như tấm màn khói để che giấu cái phần phi ngôn ngữ của con người, che giấu nhưng vẫn gợi lên. Nên chi nơi nhân vật của Pinter, lời nói thường không đi đôi với việc làm mà cũng không đi đôi với thực tại nội tâm… vậy mà vẫn bộc lộ tất cả những gì muốn bộc lộ.

Như đã nói, The Lover không nổi tiếng bằng những kịch bản khác của Pinter, nhưng tôi nghĩ nó phi chính trị nhất, và phản ánh rất trung thực nghệ thuật của ông. Thưởng lãm nó dễ hơn, vì không phải tìm văn cảnh và xuất xứ chính trị của ông, ưa gì ghét gì trong chính trường thế giới.

Có thể gọi The Lover là hài kịch, nhưng phải nói thêm đó là hài kịch đen. Như trong mọi hài kịch, những hoàn cảnh vô lý hay éo le trong tác phẩm của Pinter làm ta tức cười... Nhưng ông đẩy sự vô lý éo le xa quá chỗ tức cười, để đến chỗ rất nghiêm chỉnh, có khi xót xa...

Tôi cũng thú vị là nơi The Lover, chủ đề của Trường phái Phi lý không khai thác trên bình diện siêu hình với dụng ý triết học không ngụy trang, kiểu En Attendant Godot của Beckett chẳng hạn, mà được thể hiện kín đáo bằng cách giễu cợt cái phi lý của những quy ước xã hội thông thường. Thực vậy, hôn nhân là một quy ước “trong” luân lý trang trọng nhất của chúng ta. Và hai nhân vật chính đã ngoại tình, tóm lại đã bất cần cái quy ước đó... Nhưng tức cười hơn, The Lover còn tiến thêm một bước. Là quy ước “ngoài” luân lý của ngoại tình cũng bị gạt sang một bên. Ngoại tình thông thường đòi hỏi sự hiện hữu của người thứ ba hay người thứ tư. Cặp vợ chồng của Pinter không chịu ngoại tình theo phương cách thông thường ấy. Người này lại là nhân tình của người kia trong mối liên hệ ngoài luân lý của họ. Thay vì 4, cả hôn nhân và ngoại tình trong kịch bản vỏn vẹn chỉ có 2 mạng. Họ ngoại tình với chồng hay vợ của chính mình.

Có lẽ những lý do trên làm nhiều người không cần kiến thức kịch nghệ truờng quy vẫn ghiền kịch của Pinter. Tôi nghĩ họ thấm thía được những lời bình luận đã được phát biểu rằng khi màn kéo lên trên một kịch bản của Pinter, ta có cảm tưởng sân khấu là một tấm gương khổng lồ, không những phơi bày mọi nỗi niềm ái ố hỷ nộ của nhân vật và rộng hơn của nhân sinh, mà còn phản chiếu (tất nhiên với ít nhiều phóng đại) những nét tâm hồn “phi lý’”của người khán giả bình thường đang ngồi phía dưới.

Sau cùng, The Lover hợp với định kiến riêng của tôi là cuộc sống không buồn hay vô lý hay xấu xí đến mức tuyệt vọng. Và ngay trong một hài kịch đen như The Lover, ta cũng tìm được nét tích cực. Hai nhân vật chính trong kịch bản mới xem tưởng như một cặp trai gái chai sạn, mỏi mệt với sự sống, mỏi mệt với cả tình yêu, phóng đãng khi đối đầu với những quy ước xã hội, dù trong hay ngoài luân lý... Nhưng nhìn theo một bình diện khác, thì nhận định của ta có thể khác hoàn toàn. Là nếu bỏ qua chi tiết, không dùng văn hóa Á đông mà nghiêm khắc phê phán cái lối đú đởn hay tinh nghịch vợ chồng của một nền văn hóa khác, thì vở kịch có thể xem như tích cực. Nó chứng minh là có tình yêu. Và có những cặp nam nữ, cùng một lúc có thể yêu nhau tha thiết, dù trong hay ngoài luân lý, như là tình nhân mà cũng như là vợ chồng...

© 2005 talawas



[1]Xem bản dịch của Mai Kim Ngọc, trong Tủ sách talawas