© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
11.11.2005
LÆ°Æ¡ng ThÆ° Trung
Sài Gòn, tháng mười
 
Sài Gòn vào những ngày tháng mười, dù có những cơn mưa lớn nhưng trời vẫn nóng vô cùng. Sài Gòn, đối với tôi, một người sống ở đó mấy mươi năm trước, vẫn không có gì lạ. Nếu có cảm giác lạ chăng đối với tôi hôm nay là ở Sài Gòn, người ta ra đường đông hơn, xe cộ nhiều hơn và người lái xe lái ẩu hơn cách nay ba mươi năm. Khi dân số lên tới mức 6 triệu 500 ngàn người có tên chính thức trong tờ khai gia đình, trong một diện tích không nở lớn ra thêm bao nhiêu, trong khi chưa kể số người cư trú ngoài “hộ khẩu”, thì cái đông đúc, cái chật chội của Sài Gòn là một điều hiển nhiên.

Ngày nay ở Sài Gòn dường như không ai có thể phân biệt được khu nào là khu nhà ở, khu nào là khu thương mại, buôn bán. Ðường phố nào, căn nhà nào cũng trở thành một cửa hàng, một tiệm buôn, một khu phố thương mại. Sài Gòn không có khu dân cư thuần túy, ngay cả trong các chung cư, các con hẻm. Ở đó người ta cũng tìm cách buôn bán một món hàng gì đó để kiếm thêm lợi tức như một sạp báo, một quầy thuốc lá, một gánh cơm tấm bì, một quầy bán giấy số lẻ... Sài Gòn tháng mười, người ta lo kiếm sống bằng đủ mọi thứ nghề.

Sài Gòn tháng mười, dường như người ta cũng không quan tâm đến các “Nhà văn vỉa hè Sài Gòn” của Nguyễn Viện [1] , những “Ngọc của Sài Gòn” của Nguyễn Thị Minh Ngọc [2] . Và Sài Gòn tháng mười người ta cũng không quan tâm đến tập truyện Bóng đè của Ðỗ Hoàng Diệu như Trịnh Cung đã nhận xét trên talawas là “đột ngột xuất hiện và gây sửng sốt người đọc Việt Nam”. Tôi bắt gặp Bóng đè là nhờ có đọc trước trên tạp chí Hợp Lưu ở California, nó đang nằm khiêm nhường trên một kệ sách nơi nhà sách Minh Khai, trên đường Hồng Thập Tự cũ trong nỗi lặng lẽ của nhiều số phận.

Nhân nhắc Sài Gòn tháng mười với “nhà văn vỉa hè” và sách vở, không thể không lướt qua các nhà sách ở Sài Gòn. Các tiệm sách Sài Gòn nhiều, nhưng nhiều nhất có lẽ ở đường Hồng Thập Tự cũ, nơi tập trung các tiệm bán cả sách cũ và sách mới. Tuy vậy, người tìm mua sách không thể không ghé qua nhà sách Sài Gòn (tức nhà sách Khai Trí cũ) trên đường Lê Lợi, nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do, một vài nhà sách khác trên đường Trần Hưng Ðạo, và cả các nhà sách thuộc công ty phát hành sách trong các siêu thị rải rác khắp Sài Gòn-Gia Ðịnh.

Vòng quanh các nhà sách, tôi thấy có loại sách được bày bán nhiều nhất là các cuốn từ điển đủ loại. Từ văn học đến chuyên môn, từ tiếng Việt đến tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Ðức, tiếng Pháp,tiếng Hán, từ thành ngữ, tục ngữ, điển tích xưa cho chí đến bách khoa ngày nay. Dĩ nhiên các loại từ điển phần lớn là của nhiều tác giả mới và lạ biên soạn, nên làm cho người tìm mua khó khăn vô cùng trong việc chọn lựa. Ðương nhiên, nếu ai có đọc bài nhận xét của tác giả Lê Mạnh Chiến với tựa “Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt”, đăng trên talawas liên tục kể từ ngày 18-3-2005 đến ngày 29-3-2005, sẽ không dám mua hai cuốn từ điển của Nguyễn Lân. Thường các bộ từ điển của Ðào Duy Anh, Nguyễn Văn Khôn, Thanh Nghị, Thiều Chửu được nhiều người tìm mua hơn các tác giả mới.

Sau từ điển, phải kể đến các bộ toàn tập, hiện đang như một hiện tượng. Tác giả nào cũng có toàn tập. Sách in dày, vì toàn tập, nên giá bán cũng cao, như bộ Phan Bội Châu toàn tập gồm 10 cuốn giá đến 1.550.000 đồng Việt Nam, nên nhìn lên bìa sách dù đã bao lại bằng nilon nhưng dường như sách có hơi ngả màu vàng nhạt. Tuy nhiên, phải thành thực thừa nhận rằng giá sách ở Việt Nam còn rất rẻ so với giá sách bán ở Hoa Kỳ, kể cả sách in ở trong nước được các nhà sách mua về bán lại. Chẳng hạn bộ Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, trọn bộ 2 cuốn, có lời giới thiệu của Mai Quốc Liên, in trên giấy tốt, bìa cứng, do nhà xuất bản Văn Học (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học) tái bản, năm 2003, giá chỉ có 250.000 đồng; nếu tính giá bớt 20%, sách chỉ còn 200.000 đồng; nhưng cũng cùng bộ sách ấy, nếu mua ở Cali, giá có lẽ sẽ tăng gấp ba, gấp bốn lần giá trên bìa sách. Hoặc như bộ Kho tàng cổ tích Việt Nam của Nguyễn Ðổng Chi gồm hai cuốn, bìa cứng, ở Cali giá bán trọn bộ 59 đô la, trong khi giá trên bìa sách chưa đầy 200.000 đồng. Thêm một ví dụ khác về giá sách ở Sài Gòn rẻ hơn ở Hoa Kỳ: cuốn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu trên bìa sách ghi 80.000 đồng, bớt 5%, chỉ còn 76.000 đồng; trong khi đó cũng cùng cuốn tự điển này ở Boston giá bán 25 đô la.

Về sách dịch, có lẽ sách về triết học, văn học và lịch sử Trung Quốc được dịch nhiều. Tôi thấy cuốn Harry Potter của JK Rowling được dịch và bày bán trong các hiệu sách. Ðược biết cuốn Harry Potter tập 6 trong vòng 24 tiếng đồng hồ của ngày phát hành đầu tiên tại Mỹ đã bán được 6 triệu 9 trăm ngàn cuốn và sau hai ngày, số tiền bán được hơn 100 triệu đô la. Trong lịch sử sách bán nhiều nhất, có lẽ cuốn Harry Potter tập 6 đứng hạng nhất so với Harry Potter tập 5, Order of the Phoenix, bán được 5 triệu cuốn sau một ngày phát hành vào năm 2003 [3] .

Từ đó nhìn lại các loại sách in ở Việt Nam quả còn quá khiêm nhường, nếu không muốn nói là còn quá ít về số lượng in ra. Thường mỗi đầu sách, số lượng in trung bình là 1.000 cuốn. Họa hoằn lắm mới có con số 2.000 như cuốn Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa của Cao Xuân Hạo do nhà xuất bản Giáo Dục in năm 2003. Cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào do nhà Văn Hóa xuất bản năm 2000, chỉ in có 500 cuốn.

Nói gì các sách của các tác giả lạ, ngay như Sơn Nam, nhà văn của đất Hậu Giang được nhà xuất bản Trẻ cho trình làng một loạt các bộ sách của ông như Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang, Hương rừng Cà Mau, Bốn truyện vừa, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Phong trào Duy Tân và miền Nam đầu thế kỷ XX, Thiên Ðịa hội & Cuộc Minh Tân, Ðình miếu và lễ hội miền Nam, Biển cỏ miền Tây, Bà chúa Hòn, Ðất Gia Ðịnh – Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn, Ðồng bằng sông Cửu Long, Nét sinh hoạt xưa, Văn minh miệt vườn, Theo chân người tình, và Một mảnh tình riêng, mỗi tựa sách chỉ in có 1.500 cuốn.

Nhân nhắc đến Sơn Nam, đặc biệt là các sách biên khảo, như cuốn Tìm hiểu đất Hậu Giang & lịch sử đất An Giang, người đọc không thấy tác giả kê cứu các sách vở tham khảo như thông lệ của nhiều tác giả khác. Ðiều này gây cho người đọc có mối hoài nghi về độ chính xác của các sự kiện và các con số thống kê mà tác giả đã ghi lại trong sách. Ðây không biết có phải là nét riêng của Sơn Nam chăng?

Sài Gòn tháng mười, lạc vào các nhà sách giống như tôi đang lạc vào chỗ vắng người và trốn cái nóng ngoài phố. Sách bán thì nhiều nhưng người mua sách văn học không nhiều lắm. Quan sát, tôi thấy các sách dạy tiếng Anh, sách nấu ăn, sách phong thủy được khách hàng xem nhiều hơn các khu vực khác. Chính vì vậy, ở nhà sách Sài Gòn, đường Lê Lợi, người tính tiền thấy tôi mua mấy bộ sách dày như Cây cỏ Việt Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, bộ Văn chương Tự Lực Văn Ðoàn, bộ Phan Bội Châu toàn tập và nhiều bộ sách khác, cùng các cuốn từ điển Hán Việt, họ tưởng tôi mua sách về bán lại nên mới hỏi tôi: “Chú có cần hóa đơn màu đỏ để về thanh toán tiền không?” Thấy tôi không cần, cô bán sách lấy làm lạ lắm!

Dường như không chỉ ở Sài Gòn người ta ít mua sách. Ở Long Xuyên, Châu Ðốc, tới đâu tôi hay la cà các nhà sách và thăm hỏi các thày cô giáo, các học sinh, sinh viên ở đây thường đọc sách gì? Các thày cô giáo trả lời vì bận soạn bài và lo dạy học nên không có thì giờ đọc sách. Còn các học sinh, sinh viên thì bận lo học thi, nhất là thi vô đại học, nên cũng không có thì giờ đọc sách. Nếu chẳng may bị rớt, thì sách vở ích gì cho buổi về vườn làm ruộng, nuôi heo nuôi vịt, giăng lưới cắm câu!

Do vậy, mà các nhà văn nếu có viết sách và đọc, họ chỉ đọc qua đọc lại với nhau nhiều hơn là độc giả đọc các tác phẩm của họ. Thành ra, Nguyễn Ngọc Tư được Nguyên Ngọc nhắc đến trên liên mạng, cũng như có nhà văn hải ngoại nói với tôi Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau viết hay lắm, nhưng khi tôi hỏi các thày cô giáo mà tôi quen, họ nói “tôi đâu biết Nguyễn Ngọc Tư viết về gì đâu!” Các tác giả Lý Ðợi, Bùi Chát, Vương Văn Quang hay cả Trần Thị NgH, Nguyễn Viện và nhiều tác giả nữa được hải ngoại biết đến như những tên tuổi, những trào lưu mới, nhưng họ dường như bị bỏ quên ngay từ nơi họ cho chào đời những đứa con tinh thần của mình!

Sài Gòn tháng mười, đi đâu tôi cũng thấy khách sạn. Từ trong Chợ Lớn ra đến Sài Gòn, đường nào cũng đầy dãy khách sạn. Từ trên sân thượng nhà hàng Cỏ Nội của khách sạn Bông Sen 2, nhìn quanh khu vực đường Bạch Ðằng và các đường lân cận, dường như khách sạn nhiều hơn nhà ở, làm tôi chợt nhớ con đưòng từ Châu Ðốc vô Núi Sam, quanh khu di tích lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, tháng 9 tôi có đi dọc qua, hai bên đường nhà nào cũng có tấm bảng ghi là nhà trọ, một loại phòng cho thuê để cho khách phương xa tá túc qua đêm. Rồi trên những con lộ vắng như đường Long Xuyên đi Tri Tôn qua ngã Mặc Cần Dưng, Cần Ðăng hay đường từ Tân Châu qua Long Sơn, Vàm Nao, Phú Tân, Hòa Hảo, Chợ Mới, Chợ Thủ, Mỹ Luông, nhà trọ nằm rải rác dọc đường giữa những cánh đồng nước ngập, như một cái “mốt” ngủ chơi khơi khơi, kể cả khi không phải lỡ đường lỡ sá gì...

Sài Gòn tháng mười, hôm tôi rời phi trường từ lúc sáng sớm, 6 giờ 05 phút, mà sao trời vẫn nóng bức. Trong lòng phi cơ, dù máy bay đã bay ở cao độ trên dưới mười ngàn mét (khoảng 33.000feet) nhưng sao tôi vẫn thấy Sài Gòn đang có mưa, xe đang rượt nhau đầy trên các con lộ, và trời vẫn nóng kỳ lạ. Không biết có phải đó là tâm trạng của một người bị “bóng đè” không?!

Sài Gòn, ngày 12 tháng 10 năm 2005

© 2005 talawas


[1]Bài “Nhà văn vỉa hè Sài Gòn” của Nguyễn Viện trên Văn số 103&104 tháng 7&8 năm 2005, trang 17, Cali, Hoa Kỳ.
[2]Bài “Ngọc Của Sài gòn” của Nguyễn Thị Minh Ngọc, trên Văn số 105&106 tháng 9&10 năm 2005, trang 109, Cali, Hoa Kỳ.
[3]Tin tức trên trang BBC ngày 18-7-2005.