© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
23.9.2003
Cổ Ngư
Tháng Chín, muà hội sách tại Pháp
 
Sau những ngày hè ngộp thở vì nóng, cùng với muà tưụ trường cuả học sinh, sinh viên, tháng chín cũng là muà hội sách hàng năm tại Pháp.

Gần như cùng một lúc, là sự xuất hiện đồng loạt cuả 1300 đầu sách, với 700 tiểu thuyết và 600 sách biên khảo, tiểu luận, hồi ký… Ðể chuẩn bị cho muà hội sách tháng chín, với sự ra đời ồ ạt cuả từng ấy tưạ sách, các hiệu sách đã phải sẵn sàng từ cuối tháng bảy. Chủ hiệu sách gặp nhau, trao đổi thông tin, quan điểm và nhận định cuả mình về những sách vưà đọc xong, và mỗi người nghĩ đến cách trang trí, trình bày hiệu sách cuả mình sao cho bắt mắt mà vẫn thanh nhã để thu hút sự chú ý cuả người tiêu thụ. Nhìn chung, người Pháp hiện nay vẫn còn được xem là một dân tộc chuộng đọc sách, khi mà tên tác giả và tác phẩm đoạt giải văn học Goncourt vẫn luôn được nhắc đến trước tiên trong buổi phát tin lúc tám giờ tối cuả các đài truyền hình và được in đậm trên trang nhất cuả nhiều nhật báo ngày hôm sau, khi mà những con mọt sách vẫn chiụ khó theo dõi các chương trình điểm sách trên mọi hệ thống truyền thông, chăm chỉ mua các tạp chí văn học và đọc đứng đọc ngồi trong những toa métro chật như nêm, như nén.

Trong rừng sách hơn 1000 tưạ cuả muà hội sách năm nay, người ta đếm được khoảng 80 tác phẩm đầu tay. Những tác phẩm đầu tay này thường được các hiệu sách ưu ái bày ở những góc riêng, trân trọng, và tạo được sự chú ý cuả người mua bằng những "phiếu đọc" đính vào bià sách, ghi lại cảm tưởng cuả chủ hiệu sách về các tác phẩm này. Nhiều hiệu sách mời bạn đọc đến dự những buổi đọc trích đoạn một số tiểu thuyết đầu tay. Những nhà sách khác lại tổ chức các buổi gặp gỡ tác giả - độc giả với phần ký sách lưu niệm sau đó. Nhưng thông thường, các tác phẩm đầu tay bán chạy được, phần lớn là do các bạn đọc rỉ tai nhau, đôi khi gây bất ngờ, ngược hẳn lại với dự đoán cuả hệ thống phát hành sách, bao gồm các nhà xuất bản lớn và các tiệm sách, sẵn sàng bỏ nhiều triệu euros cho việc quảng cáo một tưạ sách. Có thể kể tên một số tác phẩm đầu tay đã gây được sự chú ý trong muà hội sách năm nay: "Les beaux jours - Những ngày tươi đẹp", Jean-Christophe Millois, "Radeau - Chiếc bè", Antoine Choplin, "Le dernier vol de Lancaster - Chuyến bay cuối cuả Lancaster", Sylvain Estibal… Kim Doan, sinh tại Saigon năm 1965 và định cư tại Paris từ năm 1976, cũng giới thiệu tác phẩm đầu tay viết bằng Pháp ngữ cuả mình trong muà hội sách năm nay: "Sur place - Tại chỗ", kể lại chuyến quay về Việt Nam cuả một thiếu nữ tên Loan, sau hai mươi năm ly hương.

Mặc dù được nhiều hiệu sách khẳng định rằng: sách văn học Pháp vẫn chiếm 75% số lượng sách bán ra, hay, cứ bán được 3 quyển best-sellers ngoại quốc thì lại bán được 10 quyển sách Pháp, nhưng theo các thống kê hàng năm, càng ngày, tiểu thuyết cuả các nước nói/viết tiếng Anh lại càng có khuynh hướng lấn lướt tiểu thuyết Pháp. Bằng chứng là Stephen King và Daniele Steel được người Pháp biết đến nhiều hơn các tác giả đương đại cuả họ, như Amélie Nothomb hay Jean d'Ormesson. Năm nay, 2003, số lượng tiểu thuyết ngoại quốc có mặt trong muà hội sách tại Pháp đã tăng 6% so với cùng thời điểm này, năm ngoái. Ngoài những tiểu thuyết cuả khối các quốc gia nói/viết tiếng Anh, nhất là truyện trinh thám Mỹ được ưa chuộng đặc biệt, độc giả Pháp tìm đọc nhiều tiểu thuyết có nguyên tác viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Họ vẫn còn e dè với mảng tiểu thuyết Á-Phi, Bắc và Ðông Âu. Có lẽ những tư tưởng chủ đạo cuả các tác phẩm này còn khá xa lạ với nếp sống và cách suy nghĩ cuả họ chăng? Thật ra thì, đó là vấn đề sở thích và thói quen, chứ không phải là vấn đề quốc tịch hay chủng tộc! Trên các kệ sách năm nay, người ta có thể thấy sự cạnh tranh ráo riết cuả những tiểu thuyết Pháp, như "Le coeur de l'ogre - Trái tim gã chằn tinh" cuả Isabelle Sorente, "Colonie - Thuộc điạ" cuả Frédérique Clémençon, "Trois rêves au mont Mérou - Ba giấc mơ nơi núi Mérou" cuả François Devenne…đua chen với các best-sellers quốc tế như "La nostalgie de l'Ange - Hoài niệm cuả Thiên sứ" (Alice Sebold, Hoa Kỳ), "La porte - Cánh cưả" (Magda Szabo, Hung Gia Lợi), "Le mal de Montano - Nỗi đau cuả Montano" (Enrique Vila-Matas, Tây Ban Nha), hay "Middlesex - Trung tính" cuả nhà văn Hoa Kỳ gốc Hy Lạp Jeffrey Eugenides…

Tiểu thuyết lịch sử, dù không còn giữ ngôi cao chức cả như thời kỳ vàng son cuả thế kỷ 19, vẫn đập vào mắt người đọc với bề dày cuả từng quyển. Max Gallo tiếp tục giới thiệu bộ trường thiên "Mort pour la France - Chết cho nước Pháp" với những mảnh đời xoay quanh cuộc Thế chiến thứ nhất. Christian Jacq đưa người đọc lùi về cuộc sống thời Ai Cập cổ đại qua quyển "Les mystères d'Osiris - Bí mật cuả Osiris". Shan Sa, nữ văn sĩ gốc Hoa viết tiếng Pháp đang được giới phê bình chú ý lại mời người đọc nhập thân vào nhân vật Tôi - Võ Tắc Thiên trong quyển sách dày, bià đen, chữ trắng, triện đỏ nổi: "Impératrice - Vương Hậu". Gần gũi hơn, ngày 11.09 cũng đã trở thành chủ đề chính cho ít nhất 5 quyển tiểu thuyết, tiêu biểu là "11.09, mon amour - 11.09, tình tôi" cuả Luc Lay và "Windows on the World" cuả Frédéric Beigbeder, với cốt truyện giới hạn trong thời gian khoảng hơn hai tiếng đồng hồ và trong không gian nhà hàng Windows on the World, toạ lạc tại tầng lầu 107 tháp Bắc cuả World Trade Center, đúng vào buổi sáng định mệnh 11.09.2001…Các tiểu thuyết cho thiếu nhi ("Harry Potter" chẳng hạn), truyện khoa học giả tưởng, kinh dị hay trinh thám đều được xếp vào từng quầy riêng. Ðiều thích thú ở quầy truyện trinh thám, là bên cạnh hàng loạt tác phẩm polar với bià màu tối, đa số cuả Hoa Kỳ, quyển sách thứ tư trong bộ truyện thuộc loại "Bao Công xử án" cuả hai chị em Kim và Thanh Vân TRAN NHUT, với bià vàng trang nhã và một "phiếu đọc" xinh xắn thấy được tại hiệu sách Virgin khu La Défense cuả Paris đã đập ngay vào mắt người mê sách. Cùng trong giới khoa học, là kỹ sư và vật lý gia, nhưng để tỏ lòng ngưỡng mộ một cụ cố bên ngoại, hai chị em Kim và Thanh Vân đã dựng nên các nhân vật Tân, vị quan thanh liêm và Ðinh, nhà nho đa mưu túc trí và mời người đọc bước vào một saga với những vụ án ly kỳ, rùng rợn, lấy bối cảnh đồng quê miền Nam Việt Nam vào thế kỷ 17, lần lượt qua 4 tác phẩm: "L'ombre du prince - Bóng ông hoàng", "Le temple de la grue écarlate - Ðền hạc tiá", "La poudre noire de maître Hou - Bột đen cuả thày Hou" và "L'aile d'airain - Chiếc cánh đồng thoà"… Nhìn vào quầy sách Á Châu, người ta còn thấy có bày bán quyển tiểu thuyết đã được dựng thành phim cuả Dai Sijie: "Balzac et la petite taileuse chinoise - Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa", "Le musée du silence - Viện bảo tàng cuả lặng yên" (Yôko Ogawa, Nhật Bản). Tác phẩm "Bến không chồng" cuả nhà văn Việt Nam Dương Hướng cũng góp mặt trong hội sách qua phần chuyển dịch sang Pháp ngữ cuả vợ chồng Poisson - Ðoàn Cầm Thi.

Bên cạnh khối lượng đồ sộ cuả tiểu thuyết mới xuất bản, các quyển hồi ký cuả nhóm nhạc The Rollings Stones, tiểu sử ngôi sao ballet Nga Rudolf Noureïev ("Danseur - Diễn viên muá", Colum McCann), sách biên khảo về chiến tranh Iraq, nhà độc tài Pinochet, tướng Castro, công nương Diana, đương kim bộ trưởng bộ nội vụ Pháp Nicolas Sarkozy…hay những loạt truyện tranh dành cho thiếu nhi và người lớn cũng được quảng cáo rầm rộ dưới nhiều hình thức thính thị khác nhau.

Cũng nên biết thêm, theo thông lệ hàng năm, bưu điện Pháp ấn hành một bộ tem giới thiệu những nhân vật lỗi lạc trong các lãnh vực khác nhau như khoa học, kịch nghệ, nhiếp ảnh, âm nhạc, thể thao…Ðặc biệt năm nay, phát hành đúng vào ngày 01 tháng chín, bộ tem 6 con, giá 50 xu/tem đem đến cho giới sưu tập bưu hoa nhiều thích thú, vì bộ tem này lại giới thiệu sáu nhân vật tiểu thuyết được nhiều thế hệ độc giả Pháp và thế giới biết đến: Claudine (được xem là hoá thân cuả nhà văn nữ Colette, với bộ truyện ba tập: "Claudine đến trường", "Claudine ở Paris" và "Claudine lập gia đình", 1900-1902), Bá tước Monte Cristo (tiểu thuyết cùng tên, Alexandre Dumas cha, 1845-1846), cô gái du mục Esméralda ("Nhà thờ Ðức Bà Paris", Victor Hugo, 1831), chú bé Gavroche ("Những người cùng khổ", Victor Hugo, 1862), nàng Nana (tiểu thuyết cùng tên, Emile Zola, 1880) và trùm cảnh sát Vidocq (được Honoré de Balzac xây dựng thành nhân vật Vautrin trong bộ tiểu thuyết vĩ đại còn dang dở "La Comédie humaine - Tấn trò đời", 1829-1850). Không biết đây có phải là một cách góp mặt vào hội sách tháng chín cuả ngành bưu điện Pháp hay không? Và chắc chúng ta cũng nên mơ mộng một chút, rằng trong tương lai gần, bên cạnh một muà hội sách Việt Nam sung mãn cả về số lượng lẫn chất lượng, ngành bưu điện Việt Nam cũng sẽ cho phát hành những con tem đẹp, với Thuý Kiều và Kim Trọng, Kiều Nguyệt Nga bên Lục Vân Tiên, Loan với Dũng, hay Thị Nở sánh vai cùng Chí Phèo?

Paris 15.09.2003

© 2003 talawas