© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
16.11.2005
Chu Văn Sơn
Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử
9 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Thẩm bình tác phẩm


Xa cách [1]

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng thương em.

Cái hơn người ở Nguyễn Bính là hồn quê. Điều này từ lâu đã trở thành hiển nhiên. Nhưng cứ giả định: chỉ viết riêng bằng hồn quê đó thôi, liệu Nguyễn Bính có như là Nguyễn Bính mà ta vẫn thấy nữa không? có khác một nhà ca dao không? Nguyễn Bính trước hết vẫn là một nhà Thơ mới. Tôi cho rằng: chính một sự hoà hợp nào đó giữa hồn Thơ mới và hồn quê mới làm nên tác giả "Lỡ bước sang ngang" (1940), "Tâm hồn tôi" (1940), "Hương cố nhân" (1941), "Mây Tần" (1942), "Mười hai bến nước" (1942), v.v... Cố nhiên, nói hoà hợp là đối với cả một hồn thơ, là thuộc cấu trúc bề sâu của một điệu tâm hồn. Còn ở từng bài, có thể bài này phong vị ca dao trội hơn, bài kia chất Thơ Mới lại đậm hơn là hoàn toàn thông thường. Trách Nguyễn Bính không "quê mùa hẳn", cũng như coi yếu tố Thơ Mới chen vào làm mất tính cách thuần khiết ca dao là chỗ hỏng, chỗ đáng chê của Nguyễn Bính, e rằng oan cho cái tạng thơ ấy.

Trong một thi phẩm như "Xa cách", cũng có thể thấy ít nhiều nét dáng của mối hoà hợp đó.

Thực ra, bài thơ này không có một tựa đề riêng. Theo Tuyển tập Nguyễn Bính (Nxb Văn học, 1986), thì nó là bài thứ tư trong chùm thơ "Vài nét rừng" gồm bốn bài tứ tuyệt viết năm 1938 tại Phú Thọ:

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em.

Tự dưng, bài thơ xui người đọc liên tưởng đến một bài ca dao quen thuộc:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội
Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua

và một dị bản của nó:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua

Nói riêng về những bài này, người ta có thể tán rằng: việc lặp lại ba lần từ "mấy" đã tỏ rõ quyết tâm vượt qua mọi cách ngăn, ngáng trở. Nhưng phần riêng, tôi thấy, việc thu vén các số từ xác định mang mầu sắc kể lể (tam, tứ, thất, bát, tứ cửu, tam thập lục...) vào trong một số từ không xác định là "mấy" (bao nhiêu) đã làm giảm lòng yêu của tôi đối với bài ca dao thứ hai đi nhiều lắm. Bởi cái mãnh liệt bồng bột mà mộc mạc đã theo lối thu vén kia mà "xuống cấp" rồi. Nếu nằm yên định ở câu ca dao sau là một cái tâm "đạm" (ít ra cũng bằng lòng với khuôn khổ 6-8 thông thường của câu lục bát), thì ở bài trước lại là một cái tâm bội phần "nồng" hơn. Vẻ xốc nổi, bất chấp mọi ngáng trở, đầy thanh niên tính của nó cứ bốc dần lên theo "cấp số nhân" của những số từ đã hết sức xác định lại còn pha lối Hán Việt, đến nỗi đã phá vỡ luôn cả cái khuôn khổ mực thước của đôi câu lục bát... Đấy hẳn phải là chàng trai đặc sệt ca dao! Và Nguyễn Bính cũng đã từng đặc sệt ca dao khi viết: "Cách mấy mươi con sông sâu / Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh" - một kiểu dùng số từ theo lề lối quê, bằng những lời quê.

Nghĩ thế, tôi đã yên trí: yếu tố Thơ mới của "Xa cách" là cách nói ngược. Cũng nói chuyện cách trở sơn khê, ca dao thì nghiêng về lối nói thuận theo chiều tăng tiến, còn ở đây, Nguyễn Bính lại ngả về lối nói nghịch theo đà lui giảm chăng? Tôi đã nhầm. Nguyễn Bính vẫn rất ca dao ở lối nói nghịch như vậy. Một người chị xa xưa của cô gái kia chẳng từng nói nghịch như thế để giấu lòng mình và nhân đó mà ướm lòng người đấy sao?

Nhà em có bụi mía mưng
Có con chó dữ, anh đừng lại qua.

Hoá ra là một cách giả đò - nét tâm lí dường như đã thuộc hẳn về thiên tính nữ. Ca dao Nam Bộ cũng đã rất tinh trước kiểu "giả đò" đó:

Thò tay mà bứt ngọn ngò [2]
Thương anh đứt ruột giả đò ngó ngơ

Vẻ "thật như đếm" của chàng trai phăng phăng lặn lội kia, cũng như điệu bộ giả đò của hai cô gái này, đằng thì nói thuận đằng thì nói nghịch, cả hai đều hoàn toàn chân quê, nghĩa là vẫn mộc mạc giản đơn.

Khác xa với những chị em ruột trong ca dao, cô gái trong "Xa cách" của Nguyễn Bính "phức tạp" và "rắc rối" hơn nhiều.

Nếu nghe vào những trở ngại mà nàng nêu ra cùng với cái giọng than van, tuồng như không thể thống thiết hơn đó, dễ tin rằng: mong anh đừng yêu em là hoàn toàn thực lòng. Một niềm tin như thế thật... ngây thơ, thật dễ... bị lừa. Tình thật của người nói được giấu kín trong cái trình tự giảm dần của các số từ: "bốn" xuống "ba", rồi xuống "hai" (đôi), cuối cùng lại biến thành "quá chừng". Thì ra đây không phải "tổng số" những cách trở, mà là "cấp số lùi" của những ngáng trở. Anh không hiểu em ư? Tuy 4 quả đồi nhưng chỉ có 3 ngọn suối, rồi chỉ có 2 (đôi) cánh rừng thôi! Chữ "đôi" là biến thể của 2 này không chỉ bởi nhu cầu gieo vần. Tinh vi hơn, trong đó còn chứa đựng cái ý giảm thiểu hơn nữa so với 2. Bởi "đôi" trong trường hợp này gần với "vài", với "đôi chút" nghĩa là ít ỏi chả đáng kể gì... Có cái gì đó như oái oăm, lại như điệu đà, nhưng ẩn chứa một điều ngang trái, trớ trêu có thật nào đấy trong mối duyên này. Đó phải là cái rắc rối của một cô gái vốn chân quê giờ đã hít thở bầu không khí của Thơ mới. ẩn náu trong lồng ngực cô giờ đây không còn là trái tim đơn giản thuần phác nữa. Trong nhịp đập của nó đã chứa đầy những rạo rực, băn khoăn không yên định, đầy trăn trở của Thơ mới. Nó làm nên một cõi lòng đa đoan: băn khoăn mà thắm thiết, ái ngại mà đầy khích lệ, chối từ mà không nguôi gắn bó, tuyệt vọng mà khắc khoải hi vọng... Tóm lại là một nỗi khổ sở, bất an rất Thơ mới. Thì nó chính là Nguyễn Bính, chừng mực hơn, cái tôi của cô gái kia chính là sự phân thân của Nguyễn Bính, sự phân thân của cái khối tình lỡ, với đầy rẫy những lỡ làng, lỡ bước, lỡ dở, lỡ duyên, Vâng từ ân ái lỡ làng, Để cả mùa xuân cũng lỡ làng... mà tác giả "Lỡ bước sang ngang" đã đem phổ vào hầu khắp các trang thơ của mình. Ở đây, Nguyễn Bính đã mượn cái "giả đò" truyền thống kia, rồi đẩy nó lên đến cực điểm để diễn tả một cái tôi phức tạp, éo le, nghịch tình, nghịch cảnh ấy.

Như thế, tôi muốn nói rằng: hồn thơ Nguyễn Bính là sự đồng thể theo một kiểu nào đó của hồn quê (yếu tố dân gian) với khối tình lỡ đầy uẩn khúc (yếu tố Thơ mới) đó. Sự hoà quyện này đã làm cho nỗi tủi hờn phổ biến trong các câu ca than thân thuở trước nhập vào nỗi tủi sầu hiện đại, nó cứ nghẹn ngào da diết suốt mọi tiếng thơ của nhà Thơ mới chân quê này.

Dầu sao, tôi không nghĩ đây là một điển hình cho sự hoà hợp giữa hai "nguyên tố" đó ở Nguyễn Bính. Vì "Xa cách" chưa phải bài thơ hay nhất của thi sĩ.


Núi Bò, Xuân 1991

Tương tư

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Hoàng Mai, 1939
(Rút từ tập Lỡ bước sang ngang - 1940)

Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa. Nhưng trong cuộc đời, tương tư lại thường là nỗi nhớ đơn phương. Người này nhớ, mà đôi khi cứ ngỡ người kia vô tình lắm, chẳng hề biết, chẳng muốn biết rằng mình đang khổ sở vì tương tư. Thực tình, nhớ là hiện thân của yêu: một tâm hồn đang nhớ là một trái tim đang yêu; một tâm hồn ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn của một trái tim đã ngừng yêu. Cho nên có kẻ nào yêu mà chẳng từng tương tư. Nguyễn Bính cũng thế! Chàng trai chân quê này tương tư và đã trải đến tận cùng những cung bậc tương tư, nói khác đi, là đã bị mọi cung bậc của tương tư dày vò đến khổ sở.

Yêu nhau, mà xa nhau, tất sẽ nảy sinh nhung nhớ. Nhớ nhung, thực chất, là khát khao được có nhau, gần nhau. Xa cách về không gian và thời gian chính là duyên cớ để tương tư. Vì thế mà trong bản chất tình cảm, tương tư là một khao khát, một nỗ lực vượt không gian và chiến thắng thời gian [3] . Không gian, thời gian vô cớ trở thành kẻ thù của những tình nhân bị xa cách. Và đây là những kẻ thù nghìn lần đáng ghét. Bởi trong nỗi tương tư, khoảng cách dù là ngắn cũng trở thành diệu vợi, nghìn trùng; một khoảnh khắc cũng thành đằng đẵng, thăm thẳm. Đôi khi chỉ tấc gang cũng thành vực thẳm. Thậm chí, với một tình nhân giàu dự cảm thì dầu chưa xảy ra xa cách, đã khắc khoải tương tư rồi:

- Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc
- Nên cả lúc gần anh
Mà lòng em vẫn nhớ
(Xuân Quỳnh)

*


Trong bài thơ của mình, Nguyễn Bính đã nói lên nỗi tương tư nghìn đời của những lứa đôi. Ngay những lời mở đầu đã vẽ ra một nỗi tương tư chan chứa cả cảnh sắc thôn làng:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.

Chỉ vì có một chàng trai thôn Đoài đang gửi lòng say cô gái thôn Đông mà cuối cùng đã thành thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cách nói bóng gió tạo hiệu quả không ngờ là hai miền không gian đang nhớ nhau. Điều này đâu phải vô cớ. Khi người ta tương tư, cảnh vật xung quanh cũng bị cuốn vào nỗi tương tư, không gian bao quanh cũng ngập tràn nhung nhớ. Người ta có nhìn bằng con mắt khách quan nữa đâu! Cảnh vật nhuốm màu tương tư cả rồi. Câu thứ hai đặc Nguyễn Bính! ấy là giọng kể lể. Một câu thơ được viết toàn bằng số từ! Không gian tương tư thật rõ. Câu bát có xu hướng kéo dài, nó càng dài hơn bởi giọng kể lể và chất đầy những số từ thậm xưng theo lối thành ngữ. Mỗi người đứng ở một đầu câu thơ, thăm thẳm, vời vợi. Giữa họ là một khoảng không diệu vợi. Nỗi tương tư giăng mắc một nhịp cầu "chín nhớ, mười mong", khởi lên từ đầu này và chấp chới, và mơ mòng tới đầu kia. Kế đó là một sự lí giải:

Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

So sánh mình với giời, ngông là thế mà thấy cũng chấp nhận được. Bởi cả hai có cùng một căn bệnh. TôiGiời hoá ra là hai kẻ đồng bệnh. Thế mà chưa hết đâu, cái tôi này còn toan tính hạ thấp cả giời trong so sánh đó nữa. "Gió mưa là bệnh của giời", thì bệnh đó là một thứ tật, một thói hư, giời giở chứng ra - một thứ bệnh nội sinh có sẵn! Còn "Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng" thì là căn bệnh mắc phải do "ngoại nhập". Từ ngày yêu nàng, tôi mới mắc bệnh này. Coi tương tư là một thứ "bệnh", mới kể lể được những khổ sở của cái Tôi mang bệnh. Mà bệnh này đã mắc thì... phi em vô phương cứu chữa. Trong câu thơ, thấy có cái giọng chấp nhận một thực tế, một qui luật tất yếu không cưỡng lại nổi. Cái Tôi hiện ra vừa như một tình nhân đắm đuối vừa như một nạn nhân tự nguyện rước bệnh, rước khổ sở vào thân. Có phải khi yêu, lời chân thành nào cũng hoá khôn ngoan thế chăng? Có phải thế là sự khôn ngoan... dễ thương?


*


Hình như tương tư thường bắt đầu bằng kể lể, giãi bày, và rồi chẳng mấy ai chịu dừng lại ở đó. Sẽ còn là trách móc, hờn giận, sẽ còn là dằn dỗi đơn phương, khát khao đòi hỏi... cũng đơn phương. Nghĩa là bệnh tương tư sẽ mỗi ngày một thêm trầm trọng. Mà "kì" nhất là, cũng một không gian ấy thôi, nhưng khi đã kể lể nỗi khổ của mình - cho mình, thì nó bỗng dài ra vô tận, trái lại, đến khi trách móc, "kể tội đối phương" thì nó lại thu hẹp đến kiệt cùng:

Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Mở ra, "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông", tưởng chừng nghìn trùng cách trở. Đến đây, té ra sự cách trở đã hoàn toàn triệt tiêu: tuy hai thôn nhưng thực ra chỉ có một làng. Quái lạ thay là tâm lí tương tư! Khoảng cách có vậy mà khéo co giãn, biến hoá làm sao!

Nhưng xem chừng, hay nhất vẫn là sự kể lể về thời gian:

Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Ngày trước, tả mối tương tư Kim - Kiều, Nguyễn Du cũng thấy cái nghịch lí trữ tình của thời gian :

Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê

Một ngày thôi mà ngỡ đã ba thu. Thế cũng đã quá ư... trầm trọng! Dầu sao, đó vẫn là nỗi tương tư được nói bằng giọng người trần thuật, ngoài cuộc. Còn lời thơ Nguyễn Bính vẫn nguyên sự sốt ruột, khắc khoải của người trong cuộc, y như lời lẽ của người đang ngồi bóc lịch đếm từng ngày rề rà chậm chạp trôi qua một cách vô tình, thậm chí như cố tình trêu ngươi vậy! "Ngày qua ngày lại qua ngày", câu thơ đi nhịp 3/3, chia thành hai vế, vế này là sự lặp lại của vế kia theo lối trùng điệp. Chữ "lại" chứa đựng một ngán ngẩm. Vừa hi vọng, vừa như thất vọng. Mỗi ngày mới đến nhen lên một hi vọng, để đến cuối ngày, hi vọng tàn đi thành vô vọng. Tất cả gợi được nhịp vận hành lặp đi lặp lại rời rã của những ngày đợi chờ, mong mỏi mà vô vọng vẫn hoàn vô vọng. Câu thứ hai vẽ ra một người nóng lòng chờ đợi cùng cái cây (Nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính thường bộc bạch tâm trạng cùng với một cái cây nào đó. Đây thì chẳng rõ là cây gì. Chỉ biết nó cũng nặng trĩu tương tư! Hay đó là cây tương tư?!). Thời gian với kẻ tương tư chẳng vô hình. Nó có màu: ấy là màu vàng héo. Mỗi ngày qua để lại một dấu vết nhỡn tiền trên vòm lá. Cái cây là một nhân chứng, một cuốn lịch thiên nhiên, một tri kỉ câm lặng, một kẻ đồng nạn - nạn nhân của sự hững hờ của ai kia. Anh đợi em khi cây hãy còn xanh, đến nay cây đã vàng hết cả rồi, vậy mà... Đợi chờ làm cây héo úa, làm người héo hon! Cái cây kia là hình ảnh khác của anh! Cái cây kia chính là anh. Tả cảnh ngụ tình là thế! Phải nói chữ "nhuộm" thật đắt. Cũng viết về sự thay đổi sắc màu trên cây cỏ, khi Thuý Kiều tiễn biệt Thúc Sinh, Nguyễn Du viết:

Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Chữ "nhuốm" rất động. Nói được sự biến đổi đang diễn ra, chưa hoàn tất. Nó cũng trực tiếp! Dường như sắc màu này vốn từ cuộc chia li ở câu trên đã hắt sang câu dưới, đã phổ vào cảnh vật nên mới "nhuốm". Nó là sự lây lan từ tinh thần con người xâm nhập vào cây cỏ. Còn chữ "nhuộm" của Nguyễn Bính gợi được thời gian. Bởi xem chừng nó tĩnh hơn. Quá trình diễn biến đã hoàn tất: lá xanh đã biến thành lá vàng rồi! Sắc thái kể lể đậm hơn. Thời gian đợi chờ của anh đằng đẵng, dằng dặc đến nỗi đủ để nhuộm một cây xanh thành hẳn thành cây lá vàng cả rồi! Lời thơ vì thế mà khổ sở, khắc khoải bội phần.


*


Có phải tương tư là một gánh nặng đơn phương, càng nặng nề bao nhiêu, càng nghĩ "đối phương" vô tình bấy nhiêu. Vì thế mà cung bậc tương tư cứ chuyển biến rất tự nhiên từ kể lể, thở than sang trách móc? Mà lời trách móc thì, ôi chao, đầy một lối "qui kết" khó mà "chạy tội" được:

Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

Vẫn cái "luận điệu" dễ ghét ấy. Kể lể nông nỗi mình thì cũng một sự xa cách kia mà hoá muôn trùng, thăm thẳm. Còn ở đây thì "phủ định sạch trơn": không hề có xa cách - không có cách trở đò giang, không phải không có đường, mà thậm chí còn gần lắm, chỉ có một đầu đình thôi. Tất cả chỉ do em hờ hững chứ chả có lí do khách quan gì! Người đâu có người mỗi lời lại một vận vào người ta thế có "khiếp" không! Nhưng không có luận điệu ấy thì làm sao có thể "qui chụp" người ta vô tình được! Sao những trái tim yêu lại có thể "ranh mãnh" một cách hồn nhiên đến thế! Vậy đấy, trong nỗi tương tư, trái tim thường cất lên những lời buộc tội thật dễ thương. Và khi "người ta" đã nhân danh nỗi khổ vì tương tư, thì nghe những lời buộc tội "khó chịu" đến đâu cũng đành mà "chịu khó" thôi, nghĩa là cũng thật dễ chịu thôi, chẳng phải thế sao?

Trách chưa hết đã lại hờn:

Tương tư thức mấy đêm rồI
Biết cho ai hỏi ai người biết cho?

Hờn mát đến điều rồi thì lại khát khao đến độ:

Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau

Và cuối cùng thì khẳng định đinh ninh:

Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Tất cả đã sẵn sàng và đang nóng lòng chờ đợi. Chỉ còn em nữa thôi! Thôn Đoài đã hẳn là nhớ thôn Đông, điều ấy không còn nghi ngờ bàn cãi nữa rồi. Vậy thì, cau thôn Đoài còn biết nhớ giầu không thôn nào nữa đây. Câu thơ chứa trong nó một lôgic thật ... nguy hiểm!


*


Vậy là, trong thẳm sâu tâm lí, tương tư chính là khao khát hạnh phúc lứa đôi, khao khát thành đôi thành lứa. Khao khát ấy tràn ra trong giọng điệu khi kể lể phân trần, khi giận hờn trách móc. Khao khát ấy còn kí thác vào những cặp đôi giấu mình suốt dọc bài thơ. Ban đầu những đôi ấy còn xa xôi, càng về sau càng xích lại gần. Lần đầu, 1990, khi viết cho sach Để dạy tốt Văn 11 dành cho giáo viên, tôi mới chỉ nhận ra một nửa số cặp ấy. Giờ thống kê kĩ hơn, mới thấy nhiều cặp đôi hơn ẩn náu khắp bài thơ:

Thôn Đoài - Thôn Đông
Một người - Một người
Tôi - Nàng
Bên ấy - Bên này
Bến - Đò
Hoa Khuê Các - Bướm giang hồ
Nhà anh - Nhà em

Và cuối cùng là:

Trầu - Cau

Kết như thế thật khéo!

Vòng vo, xa gần, cuối cùng vẫn cứ tụ lại ở điều cần nhất, khắc khoải nhất: ấy là trầu - cau! Mà trầu cau là chuyện nhân duyên. Điểm truyền thống rất nổi bật ở Nguyễn Bính là quan niệm luyến ái. Là một nhà Thơ Mới, nhưng Nguyễn Bính không có cái chủ trương yêu hiện đại với cái tình gần gũi cái tình xa xôi, cái tình trong giây lát, cái tình ngoài thiên thu như điệu sống thời thượng bấy giờ. Các nhà thơ hiện đại chỉ quan tâm đến tình, ít quan tâm đến duyên. Nguyễn Bính quả là chân quê khi coi trọng nhân duyên. Yêu đương với chàng thi sĩ này dứt khoát phải gắn liền với chuyện trăm năm, với hôn nhân. Nghĩa là với Cau - Trầu. Thực ra, những cặp hình ảnh kia vẫn chưa thành đôi hẳn, mà mới chỉ ở dạng tiềm năng, vẫn còn để ngỏ và chờ đợi. Vâng, đợi chờ một vị "cứu tinh" duy nhất là Em. Em đến, trầu cau sẽ thắm lại và tất cả các cặp còn hờ kia sẽ kết thành đôi. Bệnh tương tư sẽ được cứu chữa! Nỗi khổ sở sẽ hết dày vò! vân vân và vân vân...

Nhưng em biết không, khi tất cả những điều kia đã thành, thì cũng là lúc nỗi tương tư bắt đầu... bị hoá giải.

Núi Bò, 1991 - Văn chỉ, 1998


Mưa Xuân

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng tay lại giữa thoi xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

Em xin phép mẹ vội vàng đi
Mẹ bảo: Xem về kể mẹ nghe.
Mưa bụi nên em không ướt áo [4]
Thôn Đoài cách có một thôi đê

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng. [5]

Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê!
áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya [6]

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Hội chèo làng Đặng về qua ngõ,
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?

(1936)
(Rút từ tập Lỡ bước sang ngang, 1940)

Không biết Nguyễn Bính đã chọn Mưa Xuân hay Mưa Xuân đã chọn Nguyễn Bính mà cho tận sau này, ông vẫn bị làn mưa mơ hồ đến huyền hoặc ấy hút hồn. Nó vẫn chấm xuống hồn thơ nhạy cảm của ông những chấm lạnh để mỗi thoáng rung mình của điệu hồn kia đều ngân lên những ánh thơ mưa: "Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa / Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa... Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ / Chiều xuân lưu luyến không đành hết / Lơ lửng mù sương phảng phất mưa." Có còn mảnh hồn thi nhân nào cảm nghe được cái điệu hồn mong manh của mưa xuân trong lơ lửng mù sương phảng phất mưa huyền hồ đến thế nữa không? Duyên mưa kia cơ hồ chỉ trao cho mình Nguyễn Bính - một hồn thơ thuần Việt thuần Quê.

Nhưng đấy là nhìn mãi về sau. Còn bây giờ hãy về lại với cô gái trong khung cửi. Còn gì oái oăm hơn thế không, cái duyên mưa nhập vào thi sĩ lại bắt mối từ chính nỗi tủi duyên của người con gái đó? Những hạt mưa đầu xuân, những cảm xúc luyến ái đầu lòng, những mơ mộng chớm hé về cuộc hò hẹn đầu đời đã gặp sự phụ phàng đầu tiên... lại chính là những ngọn nguồn sầu tủi của một trong những bài thơ đầu tay. Cái đầu tay ban sơ ấy đã làm nên Nguyễn Bính rồi. Nếu chọn bài Nguyễn Bính nhất, hẳn tôi sẽ chọn Mưa Xuân. Tương tư cũng hay nhưng phần khéo không ít. Lỡ bước sang ngang réo rắt nhưng đã nghiêng nhiều về phần dễ dãi của ngòi bút này, bi kịch lỡ làng trong đó đã ngả màu cải lương. Còn Mưa xuân không thế. Nghệ thuật không thể không cần đến sự khéo léo. Thì cái khéo léo cần thiết của một ngòi bút trong Mưa xuân chưa đến mức quá đà. Nghệ thuật không thể thiếu ngọn nguồn cảm xúc sâu nặng chân thành. Thì Mưa xuân vẫn vẹn nguyên một bầu chân cảm. Cho đến nay, những giọt mưa xuân sầu tủi từng làm ướt lạnh nỗi lòng kẻ đọc thơ hồi đầu thế kỉ, vẫn cứ làm động lòng những ai đã từng bị lỗi hẹn trong tình đầu, làm xao xuyến những ai được hưởng cái thần tiên ban sơ của cuộc hẹn đầu đời, và vẫn luôn đánh động tâm can mọi tình nhân đang ấp ủ khát khao luyến ái. Theo cách của Thánh Thán, thì ở đây cái khéo không át mất thiên chân, còn thiên chân đã được sự khéo léo nâng lên thành hàm súc. Chẳng phải Nguyễn Bính đã chín ngay từ tiếng thơ đầu lòng đó sao?


*


Nghiên cứu Nguyễn Bính tôi thấy thơ ông nổi lên hai giọng điệu trữ tình: than thởđùa ghẹo. Cả hai đều có ngọn nguồn từ ca dao dân ca: nếu than thở có gốc từ tiếng hát than thân, thì đùa ghẹo có cội rễ từ hát giao duyên. Ta vẫn thấy điều hơn người ở Nguyễn Bính là Hồn quê. Thì giọng điệu này chính là hiện thân cụ thể nhất mà cũng huyền diệu nhất của hồn quê đó. Nói một cách khác, giọng điệu này chính là Cái hồn kia được điệu thức hoá. Trong thơ của chàng "thi sĩ của thương yêu" này, than thở là bao trùm, đùa ghẹo chỉ cườm vào mạch thở than như một sắc điệu điểm xuyết. ĐÃ thở than thì không thể thiếu được nguồn cơn - ấy là một sự kiện rủi ro nào đó. ở chàng thi sĩ "giời đày làm thơ" này, thường chỉ là những sự trái ngang của duyênphận. Đã thở than thì không thể không kể lể cái sự ấy cho người nghe cảm thông, không thể không than vãn những khúc nhôi nặng đè cho người nghe chia sẻ. Bởi thế Cái Tôi trữ tình của Nguyễn Bính là Cái tôi lỡ dở, và nó thường hiện ra để mà kể lể than vãn. Cũng bởi thế hạt nhân của mỗi bài thơ Nguyễn Bính bao giờ cũng là một cái sự nào đó, được diễn ra thành một cái cốt truyện ở một mức nào đó. Điều này làm nên chất tự sự thấm đẫm trong thơ ông. Và bởi tất cả những điều ấy mà nền âm hưởng của mọi tiếng thơ Nguyễn Bính đều là những vang vọng của một lời kể lể sự tình. Nét phong cách này dường như đã chín ngay từ Mưa xuân.

SựMưa xuân là cái lần bị lỗi hẹn ngay trong cuộc hò hẹn đầu đời của một cô gái chân quê. Nó là một sự phụ phàng. Một lỡ làng. Một tổn thương. Người trong cuộc cũng như ngoài cuộc có thể kể khá rành: Chuyện xảy ra ở một làng Đặng nào đó nơi xứ Bắc. Cô gái Thôn Đông lần đầu hẹn hò tìm nhau với chàng trai thôn Đoài trong đêm hát chèo của làng. Cô đã xốn xang đợi chờ, đã bươn bả đến nơi hẹn, đã bồn chồn hồi hộp ngóng tìm... Nhưng cuối cùng, chàng trai kia đã quên mất lời hẹn. Đến tận lúc hội chèo rã đám, vẫn không thấy bóng đâu. Cô gái một mình trở về dưới mưa đêm trong nỗi sầu tủi cực lòng... Có thể nói, đó là cái cốt truyện. Nó làm nên cấu trúc tự sự cho thi phẩm. Cái khéo của Nguyễn Bính là đã nhập vai vào cô gái để câu chuyện kia thành một thứ tự truyện. Và cũng vì thế mà lời tự kể, tự sự kia có cơ hội để thấm đẫm màu sắc tự tình, tư vãn một cách tự nhiên. Vừa tái hiện sự, vừa phổ vào mỗi một tình tiết của sự một sắc điệu tâm tình, nên mạch thơ triển khai vừa là vận động của sự vừa là biến động của tình. Tình phổ vào Sự có thể làm cho Sự thăng hoa, nghĩa là câu chuyện được nâng cao hơn ở tính truyền cảm. Tuy nhiên, mạch sự - tình sóng sánh kia giỏi lắm cũng chỉ làm cho câu chuyện thành một truyện thơ lâm li thôi. Nghĩa là khó có thể thành một bài thơ trữ tình. Mưa xuân đã trở thành chính nó là bởi một lí do khác.

Bởi... mưa xuân vậy!


*


Chẳng nhẽ lại khẳng định đây phải là mưa xuân chứ không thể là một thứ mưa nào khác. Nhưng không ý thức như vậy thì không thể thâm nhập được vào chiều sâu của thi tứ. Nó là đầu mùa, là đầu năm, là tơ vương đầu tiên, mối tình đầu tiên, cuộc hò hẹn đầu tiên... Bởi thế chỉ có thể là mưa xuân. Làm nên một bài thơ trữ tình không thể không nói đến vai trò của cấu tứ. Mưa xuân hiện diện ở đây chính là để đảm đương vai trò này. Mọi sự tình bắt đầu từ đó. Bài thơ có sự phân định rành mạch và cũng tự nhiên của hai không gian: khung cửicuộc đời. Kẻ chia rẽ hai không gian này chính là... mưa xuân. Đây là quãng đời khi mưa xuân chưa đến:

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa

Nó mới êm đềm và dễ thương làm sao! Không phải chốn khuê phòng gìn giữ các tiểu thư bằng lễ giáo. Khung cửi kia là cả một thế giới riêng. Mấy chữ "trong khung cửi" đâu chỉ vẽ ra một không gian, mấy chữ "dệt lụa quanh năm" cũng đâu chỉ xác định vòng thời gian hợp nên cái thế giới lao động. Mà còn là thế giới bình yên. Và đáng nói hơn, đó là thế giới con gái. Cùng với chữ "con gái" tự nhiên mà kiêu hãnh, là chữ "trong" đầy ý nhị, như giấu trong đó cả một lời phô kín đáo về cái chất "con gái" nhà lành thuần khiết của mình. Người mẹ thôn dân đã gìn giữ con gái yêu bằng lao động chân quê và tình mẫu tử thuần phác. Từ trong khung cửi ấy em thầm lớn lên. Bằng chính cách liên tưởng của người canh cửi, những lời quê, lời thiếu nữ tự thuật ở đây giản phác thôi mà không thiếu tự hào: Lòng trẻ còn như cây lụa trắng, Mẹ già chưa bán chợ làng xa. Trong thế giới con gái đó, em vẹn nguyên một lòng trẻ trinh bạch tinh khôi, một hồn thơm phong nhụy.

Thế rồi, mưa xuân đến.

Mưa xuân không chỉ giăng tơ cho trời đất. Mưa xuân còn giăng tơ vào cả hồn người. Mưa xuân đã gieo vào lòng em những luyến ái đầu tiên hay hạt mầm vốn phong kín trong lớp vỏ êm đềm thời thơ trẻ, gặp mưa xuân bỗng xốn xang tách vỏ? Và điều kì diệu đã diễn ra: những hạt mưa xuân đầu tiên đã thầm biến cô bé thành cô gái. Từ trong khung cửi em đã bước ra ngoài trời xuân của cuộc đời theo tiếng gọi của mưa xuân. Tất cả bắt đầu từ Bữa ấy. Nó là cái mốc của một đời người. Cái mốc chỉ một mình em biết. Hứa hẹn và trớ trêu. Vừa mới từ giã khung cửi bình yên của tuổi nhỏ, chớm bước ra giữa đời, em đã gặp ngay sợi dây oan trái của tình duyên. Dường như bên ngoài khung cửi kia là bể khổ mà em nào hay biết. Chưa kịp nếm Ngọt ngào, đã liền ngấm Đắng cay. Hạnh phúc vừa nhen lên, Khổ đau đã giáng xuống. Tình chửa Sánh đôi đã vội Lỡ làng... Tất cả đều trong một Bữa ấy. Điều này quyết định đến kiểu cấu tứ đối xứng gập đôi của thi phẩm.


*


Đúng là Nguyễn Bính đã lập tức trở thành thi sĩ của mưa xuân ngay từ những nét bút đầu tiên:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Chỉ với hai câu mà đã thâu gồm được cả đất trời xuân nơi thôn dã. Ấy là buổi trời đất dậy thì xuân. Cả trời mưa bụi và lớp lớp hoa xoan đều phơi phới dậy thì. Dự cảm luyến ái làm nức xuân tâm bao nhiêu thì dường như cũng hồi hộp phấp phỏng bấy nhiêu. Có lẽ chỉ một mình em biết rằng đất trời kia đang mang trong nó niềm xốn xang thiếu nữ!

Nguyễn Bính đã xe quyện cả tơ trời với tơ lòng trong cùng một tiếng "giăng tơ" rất tự nhiên của người dệt lụa. Bằng cách ấy, mưa xuân cũng giăng mắc vào khung-cửi-lòng những sợi tơ đầu tiên cho một tấm tình:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Đúng là hai chữ "hình như" và "có lẽ" đầy bóng gió ý nhị rất hợp với giọng ngập ngừng khi giãi bày cảm xúc luyến ái theo lối chân quê. Nghĩa là Nguyễn Bính đã dùng lời quê để biểu hiện duyên quê [7] . Cái dáng vẻ e ấp của một thiếu nữ khi tình chớm đến đã theo đó mà in bóng vào lời thơ. Nó cũng là một sắc thái trêu chòng khá phổ biến làm nên sắc điệu đùa ghẹo rất quen thuộc của giọng thơ Nguyễn Bính. Và, có qui luật nào đây, mà sắc trắng lại có thể hoá thành sắc đỏ? Có. Qui luật ấy có tên là... yêu. Tác nhân ấy có tên là... anh. Cùng với mưa xuân, hình bóng anh đã bước vào lòng em, và thế là sắc trắng bỗng dậy lên thành sắc đỏ. Từ "Lòng trẻ còn như cây lụa trắng" đến "Hình như hai má em bừng đỏ", hành trình ấy có xa đâu, mà cô bé thơ ngây đã hoá thành cô gái e lệ. Làm sao còn có thể yên định trong khung cửi được nữa! Em bèn ngừng tay thoi dệt tấm lụa thơ trẻ cuối cùng trong khung cửi để bước ra mùa xuân tự mình làm một con thoi mà dệt tấm tình đầu.

Ngòi bút tả tình ái vốn không thể thiếu những ý nhị tình tứ. Tả dạng luyến ái ban sơ lại càng cần hơn bao giờ. Mà điều này ngòi bút Nguyễn Bính mới dồi dào làm sao. Có những câu ý nhị đến kì diệu:

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem!

Thi sĩ đã hoá thân vào cô gái để làm sống dậy cái hân hoan khi đèn lên đêm xuống, cả cái cách xem mưa bằng ngửa lòng tay thật chân quê. Nhất là những chấm mưa chấm xuống làn da đầy mẫn cảm. Những chấm lạnh ấy đâu chỉ là tín hiệu của mưa nhẹ hạt. Nó còn như lời thì thầm mời mọc của mưa xuân. Những chấm lạnh lan truyền theo một cách bí ẩn nào đó qua làn da thiếu nữ mà nó hoá thành một khát khao thầm kín, hơn là một đoan chắc đến cả tin: Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh / Thế nào anh ấy chẳng sang xem! Bởi vì cũng là cái lạnh cả thôi, nhưng cảm giác lạnh chốc nữa ("Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh") thì nhắc đến nỗi lẻ loi của con thoi thiếu hơi ấm ngón tay em ("Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em"), còn giờ đây từng chấm lạnh ấy lại xui em nhớ mong anh. Có một vầng ấm đâu đây ở bên kia từng chấm lạnh này. Và thế là em vội vàng đi. Khác nào một con thoi dưới muôn nghìn sợi tơ mưa mong dệt nên tấm tình ấy.


*


Cũng bắt đầu từ đây lộ dần ra cái kiểu cấu tứ đối xứng gập đôi. Về căn bản cả bài thơ tự nó đã hình thành hai phần cân xứng. Trục đối xứng ở đây dường như đặt trong cái tiếng than trách hờn tủi: Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! - cái tiếng than tức tưởi cất lên như rạch đôi, gập đôi cả bài thơ. Phần trước diễn tả tâm trạng "xăm xăm băng nẻo","đánh đường tìm hoa" [8] của cô gái. Phần sau là tâm trạng tủi phận tủi duyên. Nếu nửa trên có thể ví như dương bản - đầy ánh sáng và hơi ấm, thì nửa sau chính là âm bản - đầy lạnh lùng và tối tăm. Cùng một cảnh trí ấy, cùng những sự vật ấy, diện mạo trước sau đã hoàn toàn tương phản. Trước: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay - Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy" sao mà xốn xang; sau: "Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay - Hoa xoan đã nát dưới chân giày" sao mà ê chề (Ngại bay không phải là tạnh mưa mà đã chuyển thành "mưa nặng hạt", thế là mưa bay đã hoá mưa rơi, trên chặng đường về canh khuya ấy, mưa xuân dường như đã hoá thành mưa ngâu rồi - mưa hò hẹn sum vầy đã thành mưa lỗi hẹn cách chia). Trước:"Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ", mẹ như vô tình mách bảo một cơ hội; sau: "Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ", mẹ có vô tình không mà như than tiếc một cơ duyên - "Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày". Trước: vội vàng đi; sau: lầm lụi về. Trước: "Mưa bụi nên em không ướt áo"; sau: "áo mỏng che đầu mưa nặng hạt". Trước: "Thôn Đoài cách có một thôi đê"; sau: "Có ngắn gì đâu một dải đê" v.v... Kẻ nỡ biến cả thế giới mưa xuân từ dương bản thành âm bản chính là sự lỗi hẹn phụ phàng. Lỗi hẹn với em, lỗi hẹn với mùa xuân - "Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng".

Mưa xuân đến như xe duyên với bao hảo ý, thế rồi mưa xuân cũng bị phụ phàng, cũng thành một nạn nhân. Chỉ một lần lỗi hẹn mà uổng cả một mùa xuân - Mùa xuân đã cạn ngày chứ đâu chỉ ngày xuân đã cạn rồi! Không chỉ là cuộc hẹn của một ngày xuân, mà của cả một thì xuân, thậm chí, cuộc hẹn của một đời người. Khoảng cách giữa em và anh, bây giờ không còn đo đếm được bằng một thôi đê giữa thôn Đoài với thôn Đông nữa rồi. Giờ đây giữa anh và em là vời vợi xuân qua. Một cuộc hẹn không thành, một cơ duyên như vĩnh viễn trôi đi. Mưa xuân đến cho tình đâm chồi, nhưng chồi mầm vừa mới nhú lên sự phụ phàng cơ hồ đã làm thui chột. Phơi phới xốn xang lập tức thành ê chề chán nản! Tấm tình em định dệt, than ôi, đã thành lụa ướt, lụa tướp, lụa lỡ làng! Con thoi xăm xăm băng trên khung cửi mùa xuân ấy đã chẳng được đáp đền.

Thế là, một cái gì đã vĩnh viễn mất đi cùng với làn mưa xuân bữa ấy. Sự vô tình không thể là vô tội. Tổn thương đầu đời này hẳn sẽ còn lưu mãi qua những xuân sau. ấy thế mà nhân hậu thay, hay là dại dột thay, cô gái dường như đã tha thứ cả. Và vẫn khát khao mong đợi đến xuân sau: Anh ạ mùa xuân đã cạn ngày - Bao giờ em mới gặp anh đây - Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ - Để mẹ em rằng: hát tối nay? Thật dễ thương mà cũng thật đáng thương có phải không bạn? Từ cuộc đời về lại khung cửi, mọi chuyện chẳng thể còn như cũ. Thế giới con gái vẫn còn, nhưng thế giới bình yên đã mất. Lòng trinh khi đã biết xốn xang thì còn có thể về lại thơ ngây được không? Có thể năm sau xuân đến, mưa xuân có về, thì chồi xuân nay làm sao còn có lại cái háo hức tinh khôi thần tiên ấy nữa.

Bài thơ khép lại một lỡ làng. Nhưng bi kịch lỡ làng vẫn sẵn chờ thi sĩ trên cả mười hai bến nước của một đời thơ.

Và tôi chắc rằng, mãi về sau nữa, mỗi lần đọc, Mưa xuân sẽ vẫn cứ rơi xuống lòng ta những chấm lạnh như ngày nào.

Văn chỉ, dưới mưa xuân Tân Tỵ



[1]Bài này viết chung với Nguyễn Đăng Điệp. Đã in trên Văn nghệ Hà Nam Ninh, số 2-1991. Tên bài lúc đó tôi đặt là "Từ một bài thơ của Nguyễn Bính", trình bày những suy nghĩ bước đầu về Nguyễn Bính từ bi kịch lỡ dở (lúc ấy tôi gọi là "lỡ làng") đến phong cách thơ, nhất là sự kết hợp giữa yếu tố Thơ mới và yếu tố Dân gian, qua một thi phẩm cụ thể. Do cộng tác nghiên cứu, tôi có đồng ý cho Nguyễn Đăng Điệp được sử dụng một sỗ ý tưởng ở đây để triển khai trong bài "Khối tình lỡ của người chân quê", Tạp chí Văn học số 5-1994.
[2]Ngọn ngò người miền Bắc gọi là rau ngổ.
[3]Xem thêm bài Nguyễn Hưng Quốc viết về Tương tư trong Thơ, v.v... và vv..., Văn nghệ xuất bản, Caliphornia, 1996.
[4]Câu này có bản in là "Mưa nhỏ nên em không ướt áo". ở đây chép theo Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học, Hà nội, 1986. Có lẽ chữ "bụi" thì tinh tế hơn, biểu tả và biểu cảm đều hơn hẳn.
[5]Chữ này có bản chép là "bẽ bàng" hoặc "lỡ làng". Thực ra, ba chữ ấy không hoàn toàn tương đương nhau. Bẽ bàng là thái độ (hổ thẹn), Lỡ làng là cảnh ngộ (bất đạt, bất thành một cách ngang trái, hẩm hiu). Về từ nguyên, có thể lỡ làng và nhỡ nhàng cùng gốc nghĩa. Nhưng sắc thái khác nhau gần đây có phần rõ ra: về biểu thái - lỡ làng "nặng", còn nhỡ nhàng "nhẹ" hơn, về biểu niệm - chữ trước như là "thể hoàn thành", nghiêng về nghĩa hoàn kết, chữ sau như là "thể chưa hoàn thành", nghiêng về nghĩa sơ chớm. Trong tình cảnh của cô gái mới lỡ một cuộc hẹn này, chữ nhỡ nhàng nghe phải hơn chăng? Nhỡ nhàng đây sẽ là khởi đầu cho những lỡ làng về sau.
[6]Đến đây trong bản in lần đầu trong tập Lỡ bước sang ngang, Nxb Lê Cường, 1940, còn có một khổ:
Em giận hờn anh cho đến sáng
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
"- Thưa u họ hát..." Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra em ngoảnh đi
Trong những lần in sau, nó đã được lược bỏ cho hàm súc hơn. Sự hoàn thiện ấy là sáng suốt.
[7]Làm nên hồn quê, không thể không có vai trò của lời quê. Nguyễn Bính đã gọi dậy cả hồn quê chính trong mỗi một lời quê đó. Cái cách tả buổi tối theo lối quê: "Bốn bên hàng xóm đã lên đèn", cái cách đo khoảng cách đường xá: "Thôn Đoài cách có một thôi đê", cách dùng thành ngữ để hờn trách: "Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn", cách diễn tả nỗi đơn lẻ của mình (thương mình) vòng qua nỗi đơn chiếc của con thoi (thương đối tượng khác): "Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh / Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em", cách tả mưa: "Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay", cách ước đếm thời gian:"Anh ạ mùa xuân đã cạn ngày"... tất cả đều đượm vẻ quê. Nghĩa là cách nói cụ tượng bằng chính những sự vật bình dị, mộc mạc gắn bó với thôn ổ từ bao đời nay, hoặc lối nói gián tiếp bóng gió. Thế giới tâm tình của một cô gái quê được gọi dậy bằng những lời quê ấy. Bởi chính những lời quê kia đã kết lắng trong nó tâm tình của dân quê. Và đến lượt nó, chính lời quê cũng góp phần nuôi dưỡng bảo lưu hồn quê trong mỗi một người quê.
[8]Chữ của Nguyễn Du.

Nguồn: Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Ná»™i, 2003. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả