© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.11.2005
Trần Vàng Sao
Tôi bị bắt
(Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù) 10 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
4.

Mỹ đánh thị xã Sơn Tây. Lần đầu tiên thị xã Sơn Tây bị ném bom. Hai quả bom rớt ngay trung tâm thị xã, có một quả trúng nhà hát nhân dân, sân khấu lộ thiên bị sạt mất một góc. Không có ai chết hay bị thương. Tình hình trở nên căng thẳng. Thị xã thỉnh thoảng đã có tiếng kẻng báo động có máy bay Mỹ. Bất cứ một đoàn bệnh nhân nào mới đến K65 đều được ban lãnh đạo cho biết tình hình và đặc điểm của thị xã Sơn Tây. Thị xã Sơn Tây là nơi tập trung nhiều thành phần phản động. Do đó việc quan hệ với người ở ngoài thị xã phải hết sức đề cao cảnh giác, nhất là sau vụ Mỹ tập kích nhà giam tù binh Mỹ. Ở đây có một nhà thờ Thiên chúa giáo. Một đêm Noel trước đây cán bộ miền Nam được lệnh là không ra đường và đến nhà thờ để đảm bảo an ninh. Hơn nữa, bọn phản động có thể lợi dụng việc có nhiều người đến nhà thờ và qua lại đông trên đường trong đêm Noel để củng cố thế lực và tuyên truyền xuyên tạc chế độ ta.

Khoảng 1 hay 2 tuần sau, các khối bệnh nhân họp khẩn cấp và bất thường. Tất nhiên là tôi không được dự. Sau bữa cơm chiều, mọi người trong phòng vội vàng sắp xếp đồ đạc gọn gàng. 8 giờ tối, ông tổ trưởng báo cho tôi sắp xếp đồ đạc chuẩn bị sáng mai 6 giờ sơ tán.

Nơi sơ tán là thôn Cam Đà, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây. Tôi cùng với hai người khác được sắp xếp ở nhà chị Hoàng Thị Thuận. Một ông tên Lai, người Bình Định, tổ trưởng tổ Đảng, có nhiệm vụ canh giữ và theo dõi tôi. Và một anh chàng người Vĩnh Linh tên Kiêm. Anh này cũng là Đảng viên, người ốm cao, trắng trẻo, khoảng gần 30 tuổi. Trông anh ta bao giờ cũng ngớ ngẩn, nói năng lộn ngược, lộn xuôi khó hiểu. Người ta bảo anh ta bị thần kinh, hậu quả của một cơn sốt ác tính. Tôi thì cho là anh ta giả đò đau thần kinh để khỏi trở lại chiến trường. Anh ta có ý định xin đi học bổ túc văn hóa ở Từ Hồ. Anh Sinh, một người trong làng dắt tôi đến nhà chị Thuận. Tôi để đồ đạc giữa sân. Một đứa bé gái khoảng sáu tuổi đang đứng dưới mái hiên bước xuống sân chào tôi.

‘‘Cháu chào chú ạ.’’

‘‘Chào cháu.’’

Anh Sinh bước lên nhà nói to:

‘‘Chị Thuận ơi, cho mấy bác ở nhờ một tí nha!’’

Một người đàn bà răng đen, dáng người khỏe mạnh lớn hơn tôi độ 3 tuổi dưới bếp đi lên.

‘‘Chào các bác. Mời các bác vào nhà xơi nước.’’

Dân ở đây coi chuyện cán bộ nhân viên đến ở nhờ trong những ngày sơ tán là chuyện bình thường, và họ còn mừng nữa, vì như thế là vùng của họ an toàn, máy bay Mỹ không ném bom. Có điều lần này họ thấy lạ là những người đến sơ tán đa số là người miền Nam.

Lâu mới uống chè, ngon quá. Chỉ tiếc là không có gừng. Anh Sinh chào tôi về và nói, nhà của anh ở sau lưng nhà chị Thuận, mời tôi khi nào rảnh sang uống nước chè. Một lát sau ông Lai và anh chàng Kiệm đến. Vừa thấy tôi thằng Kiệm la lên bài bãi:

‘‘Không, không, tôi không phải ở đây tề. Mà… mà… ở bên tê tề… thôi, thôi…’’ Nói rồi hắn xách va li đi ngay. Mọi người đều nghĩ là hắn nhầm chỗ. Chỉ có tôi biết là hắn sợ ở với tôi có thể bị liên lụy những điều không tốt.

Nhà chị Thuận rộng, cao ráo, kiểu nhà rường, lợp tranh, ba căn hai chái. Căn giữa để bàn thờ và tiếp khách. Bàn thờ sơ sài, một bát nhan, một bình sứ để cắm hoa, không có đèn cơi trầu; phía sau là một cái bàn soạn đã tróc hết sơn. Tôi và ông Lai ở căn dưới. Bốn mẹ con chị Thuận ở căn trên và chái trên. Cũng như hầu hết nhà ở đây, chung quanh nhà chị Thuận cũng có tường xây bằng gạch sống và một cái cổng nhưng không bao giờ đóng. Nhà có một cái sân rộng lát gạch, một giếng nước rất trong. Trước mặt nhà là một cái ao rộng như một cái hồ, mùa mưa thả bèo nuôi lợn, mùa nắng trồng nếp. Chung quanh ao là những hàng tre bao bọc.

Chị Thuận có chồng đi bộ đội vào chiến trường từ năm 1968. Mấy năm nay gia đình chị không nhận được tin tức gì của anh hết. Suốt ngày chị ở ngoài đồng. Cơm nước do mấy đứa con ở nhà lo. Chị có 3 đứa con, tất cả đều là gái. Đứa đầu tên Xuân học lớp 7, đứa thứ hai tên Thu học lớp 4, đứa út tên Lan học lớp 1. Hết buổi học, đĩ Xuân ra đồng giúp mẹ để lấy thêm công điểm. Đĩ Thu đi học về là quảy triêng gióng đi hốt phân trâu nộp cho hợp tác xã. Xuân, Thu đứa nào cũng đen nắng, chỉ có đĩ Lan là trắng và mập tròn. Về nhà chúng nó làm việc không hở tay, đứa nấu cơm, đứa vớt bèo cho lợn, giặt giũ, múc nước vào chum… Cũng như hầu hết các gia đình quanh đây, nhà chị Thuận ăn no, nhưng không sướng. Bữa nào cũng chỉ có rau muống hái ở ruộng phần trăm chấm với nước tương. Cá, thì chỉ có cá vụn cũng kho với tương, nhưng chỉ thỉnh thoảng. Lâu lâu tôi thấy chị Thuận chặt một hai cây tre đem ra chợ Mía những ngày phiên bán được bảy tám đồng. Những ngày đó cả nhà được ăn cá. Ở đây, nhà nào cũng có một hoặc hai ba cái chum tương để trước sân. Cứ nhìn chum to chum nhỏ, một chum hay hai ba chum thì cũng biết nhà đông hay ít người. Tương làm bằng nếp và ngô. Tương bao giờ cũng được dự tính ăn cho đến giáp vụ, ngoài tương, muối và ớt ra, tôi không thấy nhà chị Thuận có thêm một thứ gì khác nữa, không có mì chính, không có đường, nước mắm… Mỡ thì phải đợi đến Tết. Còn đường thì cũng phải đợi đến tết, lễ Quốc khánh 2-9, hợp tác xã mới phân phối cho một nhà một ít mật mía để nấu chè. Trẻ con, trừ một vài nhà có cán bộ làm việc ở thị xã hoặc ở Hà Nội, hầu hết ít khi được ăn kẹo. Chúng để dồn lông vịt hoặc những thứ lặt vặt sắt đồng gì đó, thỉnh thoảng đổi cho mấy bà đồng nát lấy một hai que quệt mật mía ăn dẻo như kẹo. Bánh mì, ngay ở thị xã Sơn Tây dân cũng không có huống hồ là ở đây. Sáng nào tôi cũng để phân nửa cái bánh mì cho mấy đứa nhỏ. Ông Lai thấy thế cũng làm theo. Chị Thuận nói, chú không để mà ăn, cháu nó đã có cơm, khoai sắn rồi. Tôi cười, tôi uống nước trà quen rồi chị ạ. Chị thấy không, sáng sớm mà tôi cũng một bát chè xanh đậm cũng được. Chị Thuận nói, tôi thấy ít người trẻ mà uống nước chè đặc như chú. Cũng quen thôi chị ạ.

Tôi thường ngồi nói chuyện với chị Thuận. Ngoài những lúc làm việc mệt nhọc, khi có hơi thư thả, tôi thấy chị buồn buồn.

‘‘Mỗi lần thấy mấy chú là tôi lại nhớ đến nhà tôi. Nhà tôi đi bộ đội, năm 1968 vào Nam, ở chiến trường Tây Ninh. Một hai năm đầu nhà còn nhận được thư. Mấy năm nay thì không có tin tức gì hết. Tôi biết ở chiến trường ác liệt lắm. Anh ấy chắc không còn nữa. Chú biết không, mỗi lần nghe trên xã có giấy báo tử gửi về, những người có chồng đi B như tôi, cô Thìn, người cứ như mất hồn, không muốn làm, muốn ăn gì nữa. Mấy chị em chỉ còn ôm nhau mà khóc thôi.’’

Một hôm ăn cơm tối xong, chị Thuận vội vã qua nhà chị Thìn. Một giờ sau chị về, chị nói với tôi: “Có giấy báo tử gửi về trên xã. Không biết đến phiên ai đây chú ơi. Đêm nay nhà nào cũng có người khóc.”

Những ngày đó không khí trên Cam Đà nặng nề. Chị Thìn qua nhà chị Thuận, chị Thuận đến nhà chị Thìn, qua những nhà khác có người đi Nam ngồi với nhau thút thít, mắt đỏ hoe.

Năm 1976, cháu Xuân gửi thư từ Cam Đà vào Huế báo cho tôi biết là bố cháu đã hy sinh năm 1968 tại chiến trường Tây Ninh mà đến năm 1976 gia đình mới nhận được giấy báo tử.

Những ngày sơ tán ở Cam Đà tôi được sống dễ chịu hơn. Từ cái không khí như tù ngục, luôn luôn bị một đám đông ba bốn trăm con người canh giữ, rình mò, thù ghét, khinh bỉ, tôi bỗng có được một không gian rất rộng và những con người chung quanh hiền từ, vui vẻ. Họ cười nói với tôi bình thường. Họ xem tôi cũng là người như họ. Tôi được họ gọi bằng anh, bằng chú, bằng em. Hàng ngày tôi chỉ chạm mặt với cái đám đông coi tôi là thù địch ở nhà ăn. Ở đó, tôi vẫn ngồi ăn một mình, hoặc chung bàn với các ông bí thư Đảng ủy, bí thư chi bộ… ngay cả ông Lai ở cùng nhà với tôi cũng tránh không ngồi ăn với tôi.

Bây giờ ăn cơm xong tôi cứ thủng thỉnh đi về nơi ở. Có khi dọc đường nhiều nhà dân còn gọi tôi vào uống nước nói chuyện. Ông Lai có nhiệm vụ canh chừng tôi. Trừ đi ăn cơm, đi mua hàng, còn đi hớt tóc, đến phòng đọc sách, ra đồng chơi, tôi đều phải xin phép ông Lai. Ông Lai, người thấp, to bề ngang, hai cằm bạnh ra, vai rộng và gù lên, da mặt có màu chì. Cặp mắt ông ta bao giờ cũng lừ đừ nhìn tôi. Ít khi ông ta gọi tôi bằng anh, nói với tôi bao giờ ông cũng nói trổng và từng tiếng một rất to như ra lệnh. Ông ta thường tránh ngồi chung nói chuyện với tôi. Bất đắc dĩ lắm khi có bà con hàng xóm của chị Thuận đến chơi, buộc lòng ông phải ngồi với tôi. Nhưng lúc đó ông ta cũng tránh nói với tôi, vì nói với tôi ông phải gọi tôi bằng anh.

Sinh hoạt hàng ngày của tôi không còn bị bó hẹp quanh quẩn một mình tôi nữa. Tôi cảm thấy mình được nhẹ nhàng hơn. Tôi đi ra, tôi đi vào không có những con mắt trừng trợn, những bãi nước miếng đánh bạch dưới đất. Tôi cười, tôi nói được tiếng to. Đám trẻ con thường đến sân nhà chị Thuận đánh thẻ, nhảy dây. Tôi ngồi xem chúng chơi đùa, cười nói. Tôi lấy giấy báo xếp tàu bay, tàu thủy cho chúng chơi, tôi vỗ tay hát hò với chúng. Tôi thường sang nhà anh Đại, anh Sinh, nhất là nhà anh Cận, uống nước nói chuyện. Anh Đại, trước đi bộ đội bị thương, phục viên về nhà làm ruộng. Anh Sinh thì đã lớn tuổi, xã viên. Anh Cận trẻ hơn tôi một hai tuổi, đi bộ đội, kém sức khỏe được giải ngũ, bây giờ là cán bộ của một cơ quan nào đó ở thị xã. Anh Cận có vợ và hai con, vợ anh là xã viên, người xinh đẹp. Nhà của họ ở xây lưng nhau, có cửa sau đi băng hoặc đối diện với nhà chị Thuận. Tôi chuyện trò với họ vui vẻ và khuây khỏa. Mỗi lần uống nước tại nhà anh Cận, thế nào rảnh tay, ông cụ thân sinh của anh Cận cũng đến ngồi góp chuyện. Hai cô em gái, một cô là giáo viên cấp I, một cô tên Thể đang học lớp 10, bỏ dở về làm nông giúp gia đình, thỉnh thoảng ghé lại ngồi nghe. Cô chị có khi nói, nhưng cô em thì không, chỉ ngồi im và cười. Chuyện nói thường là chuyện đời, chuyện vui, chuyện phong tục tập quán xoay quanh điếu thuốc, chén trà. Họ hay hỏi tôi ở Huế, về đời sống của người dân ở Huế. Tôi kể hết với họ những gì tôi đã sống và thấy ở Huế, không giấu, không thêm bớt.

Sống với họ, nói chuyện thành thật với họ, mới hiểu được tấm lòng của họ. Không phải họ không thích nói chuyện chính trị, nhưng như ông cụ thân sinh anh Cận nói: các bác đó (chỉ những cán bộ miền Nam ở sơ tán) hễ nói chuyện bao giờ cũng tỏ vẻ động viên chúng tôi, lên lớp chúng tôi. Chúng tôi không thích thế. Ngồi với nhau nói chuyện nên hòa đồng mới vui, có thế uống chén nước hút điếu thuốc mới ngon.

Ông Lai không bằng lòng ra mặt khi thấy những người chung quanh thân mật với tôi. Nhưng ông ta cũng chịu. Tôi vẫn sống bình thường, không bao giờ tỏ ra là mình cố gắng phấn đấu để lấy lòng những người như ông ta. Tôi không sợ gì cả. Tôi có tư cách của tôi và tôi phải giữ tư cách đó.

Dần dần, rồi cũng có những cán bộ bệnh nhân K65 đến chơi với tôi. Trong số những người này, bác Nhã là người gần gũi với tôi nhất. Lúc sơ tán về đây, bác ở nhà anh Cận nên tôi hay gặp bác, thành ra thân quen. Bác Nhã là người Nam Định, khoảng gần 60 tuổi. Năm 17, 18 tuổi vì gia đình quá cực, bác đi phu mộ. Trên tàu từ Hải Phòng vào Nam bác làm quen với một cô gái cùng quê và kết làm vợ chồng ngay. Bác kể, lễ cưới là mấy chai li-mô-nát, vài cây kẹo, quây quần vài thằng bạn cùng quê. Vào Nam, hai vợ chồng làm phu cạo mủ cao su cho đồn điền của một thằng Tây. Một năm sau, vợ bác ốm nặng và chết. Kháng chiến chống Pháp, bác đã tham gia làm cơ sở cách mạng, sau đó vì hay thay đổi chỗ làm việc nên bác mất liên lạc. Đến kháng chiến chống Mỹ bác hoạt động lại, rồi bị lộ, cơ sở vỡ, bác thoát ly ra chiến khu. Vì bị bệnh vết thương cũ hồi chín năm tái phát, lại tuổi già, bác được ra miền Bắc chữa bệnh. Đến nay bác vẫn chưa vợ chưa con. Sau một thời gian chữa bệnh, bác xin đi phép về thăm quê. Bác kể, đã mấy mươi năm rồi, trở về quê tôi vẫn nhớ đường và vào đúng nhà của mình. Chị tôi mừng đến tái mặt, không ngờ tôi còn sống. Nhưng sau đó, chị tôi bắt đầu nghi ngờ về tôi. Chị tôi hỏi xa hỏi gần tôi về bà con, cô bác xem có phải tôi thật là thằng Hoàng Văn Nhã không. Khi biết tôi thật là thằng Nhã rồi, chị tôi và bà con lại nghi tôi là Mỹ ngụy cài ra hoạt động gián điệp. Tôi đoán biết điều đó và đưa giấy đi phép và các thứ giấy tờ khác làm chứng. Bà cũng không tin. Chị tôi lúc đó là bí thư chi bộ xã. Thế là bà nói Ủy ban hành chính xã điện ra K65 hỏi. Khi nhận được điện trả lời của K65 bà mới tin.

Chiều nào cơm nước xong, bác Nhã cũng rủ tôi ra đồng chơi. Bác nói: “Tôi thì sợ đéo gì, thằng cha Nai (Lai) nàm (làm) như anh là tù không bằng. Anh cứ đi chơi với tôi, không sợ gì hết”. Từ khi quen bác Nhã, bữa ăn nào bác cũng gọi tôi cùng đi.

Về sau có 3 người mới chuyển đến thường hay đến gặp tôi nói chuyện. Đó là các anh Linh, Kim và Hiến. Cả ba người đều là người Quảng Nam và là Đảng viên. Loáng thoáng tôi đã gặp họ ở nhà ăn. Họ tự động đến ngồi ăn cùng mâm với tôi cười nói vui vẻ. Trong câu chuyện qua lại, họ cho tôi biết tên những người bạn của tôi trước học ở Huế sau vào Đà Nẵng hoạt động cách mạng. Tôi có những người bạn mà họ cũng quen, họ có những người bạn mà tôi cũng quen, người Quảng có, người Huế có. Chúng tôi quen biết nhau là như thế. Rồi họ thỉnh thoảng đến chỗ tôi ở nói chuyện, mượn sách báo. Linh có nói: tụi tôi đến chơi với anh, vì thích anh. Anh đừng nghi là tụi tôi được phân công theo dõi và tìm hiểu anh để báo cáo.

Năm 1976, tôi hay gặp Hiến ở Huế, lúc đó Hiến học đại học sư phạm sử. Tốt nghiệp xong Hiến đi dạy đâu ở Quảng Nam. Từ đó tôi không được tin gì về Hiến. Một người bạn rất thân của Hiến tên Phong có cho tôi biết hình như Hiến mất tích ở Campuchia. Kim thì học đại học mỹ thuật Hà Nội. Sau ngày giải phóng, Kim làm việc ở Đà Nẵng. Trong khi bước giật lùi để ngắm bức tranh đang vẽ ở trên sân thượng của một tòa nhà cao tầng. Kim đã hụt chân rơi xuống đất chết. Còn Linh, sau thời gian ở K65, tôi không có dịp gặp lại.

Những ngày này còn có một người thường lui tới với tôi là ông Đặng Kiếm Ba. Ông tên thật là Đặng Ưa, người Phú Yên, trên bốn mươi tuổi. Vì mê nhân vật Đặng Kiếm Ba trong truyện Rừng thẳm tuyết dày của Trung Quốc nên ông lấy bí danh đó. Tôi đã quen ông ta lúc ở bệnh viện E1 (Thạch Thất, Hà Tây). Hồi đó ông là phó bí thư Đảng ủy khối bệnh nhân. Lúc K65 chưa sơ tán còn ở thị xã Sơn Tây, ông ta cũng tránh mặt tôi. Về đây, ông lại hay đến gặp tôi, nhờ tôi vẽ cho ông học tiếng Anh. Ông cho tôi cuốn “English Grammar” for Pedagogical Institutes của Liên Xô mà ông ta mua ngày 23.5.1959 ở Hải Phòng. Cuốn sách này bây giờ tôi vẫn còn giữ.

Ông Ba hay đi Hà Nội, tôi nhờ ông mua giúp mấy tờ báo Liên Xô, Trung Quốc bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi nói với ông Ba: “Tôi muốn xem những tờ báo này để biết thêm tin tức. Nhưng tôi rất ngại. Tôi sợ họ nói tôi đọc báo địch. Nếu có ai hỏi anh cứ nói là anh họ tôi mượn”. Một hôm tôi đi chơi đến 6, 7 giờ tối mới về thằng cha Lai nghiêm mặt, gù lưng đứng trên thềm nhà trợn mắt, hai cái môi thâm tím rung lên, mất bình tĩnh, hỏi to, lắp bắp từng tiếng:

‘‘Anh… anh… đi đâu… nãy giờ… mới về? Há… há…’’

‘‘Anh Ba rủ tôi đi chơi.’’

Ông ta thuận chân bước xuống thềm, không nói gì nữa. Ông Ba lúc đó là ủy viên thường vụ Đảng ủy phụ trách thanh niên khối bệnh nhân.

Tôi bước vào nhà, chị Thuận đang ngồi bên phản đứng dậy ra bàn giữa rót nước, nói:

‘‘Chú Đính uống nước chè xanh. Cháu nó mới nấu.’’

Tôi dạ.

Việc người ta đối xử với tôi không giống như người khác, những người dân thường gần gũi với tôi dẫn dần đã nhận thấy.

Sau khi về đây khoảng hơn hai tuần, một buổi sáng thứ sáu, cô Mùi và cô Chanh, y tá của K, đem thuốc đến phát cho bệnh nhân. Như thường lệ, tôi đến nhận thuốc, cô Mùi bảo:

‘‘Hôm nay anh không có thuốc.’’

Tôi cứ nghĩ hôm qua cô y sĩ khám bệnh đã quên ghi phần thuốc của tôi. Đến trưa, chiều cũng không thấy ai đến phát thuốc. Sáng thứ 7, cô Mùi, cô Chanh đến phát thuốc. Cô Chanh đưa thuốc cho ông Lai, cô Mùi gấp cuốn sổ phát thuốc lại. Tôi hỏi:

‘‘Còn thuốc tôi?’’

Cô Mùi lật sổ ra, rà ngón tay trên danh sách bệnh nhân.

‘‘Thuốc của anh cắt rồi. Anh không có thuốc.’’

Tôi biết sau một thời gian điều trị, y bác sĩ cắt hẳn hoặc giảm bớt lượng thuốc cho bệnh nhân để theo dõi tác dụng của thuốc, và sau đó tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà thay đổi cách điều trị. Thuốc cắt hoặc giảm là thuốc chữa bệnh, còn các loại thuốc bổ thì vẫn giữ. Tôi bây giờ thì thuốc chữa dạ dày và thuốc bổ đều cắt hết. Sáng thứ 5 tuần tới, cô Xiêm y sĩ đến khám bệnh. Khám cho ông Lai xong cô cắp sổ đi. Cô Xiêm xem như tôi biết là kể từ nay tôi không được khám bệnh và phát thuốc nữa.


Máy bay Mỹ đã ném bom một số vùng chung quanh xã Cam Thượng. Thỉnh thoảng thôn Cam Đài có kẻng báo động. Tôi và ông Lai giúp chị Thuận đào một cái hầm ếch đủ cho 5 ngưới núp dưới bụi tre trên bờ ao. Đất mềm dễ đào, nhưng cũng phải hai ngày mới xong. Chị Thuận nói với tôi:

‘‘Mới đầu tôi cứ tưởng là chú không làm được việc nặng.’’ Tôi ngả hai bàn tay chỉ cho chị Thuận thấy những dấu chai, nói:

‘‘Chi chớ đào hầm thì tôi cũng quen rồi, chị ạ.’’

Cứ theo tiếng kẻng báo động mà biết máy bay Mỹ ở gần hay ở xa và đã xuống hầm hay chưa. Ít khi tôi xuống hầm. Tôi cứ ngồi ngoài miệng hoặc ra sân xem tên lửa rượt máy bay Mỹ hay các trận không chiến. Ông Lai cứ rình cơ hội và nặng lời với tôi:

‘‘Sao không chịu xuống hầm. Xuống hầm đi, ngồi trên đó để làm gì? Không sợ dân họ phê bình à?’’

Tôi không xuống.

‘‘Nó đánh có điểm rồi.’’

Bây giờ chiều chiều đi làm về, cơm nước xong, chị Thuận và đĩ Xuân ngồi đánh mũ rơm và con cúi. Lúc này trẻ con trong thôn đi học đều đội mũ rơm và mang một vành rơm ở sau lưng. Các lớp học đều có thành đất cao một mét vây quanh và giao thông hào dẫn ra ngoài. Tôi vừa nói chuyện với mẹ con chị Thuận, vừa tập đánh mũ rơm cho vui. Chị Thuận nói:

‘‘Chiến tranh chưa hết, chúng tôi còn khổ. Chắc mấy chú, mấy bác ở chiến trường đã quen với bom đạn rồi. Ở đây, hễ nghe tiếng máy bay là chúng tôi quá hãi. Ôi, nó mà ném bom xuống đây chắc chết hết thôi.’’

Đĩ Xuân hỏi tôi:

‘‘Ở chiến trường Mỹ nó ném bom dữ lắm phải không, chú Đính?’’

‘‘Trong đó, không khi nào là không nghe tiếng bom đạn, không khi nào vắng tiếng máy bay. Phút im lặng, lúc không có tiếng bom, không có tiếng máy bay là lúc căng thẳng nhất, là lúc cái chết có thể đến với mình chưa biết khi nào.’’

‘‘Sao thế hở chú?’’

‘‘Lúc đó sẽ có B52.’’

‘‘Hãi quá chú nhỉ! Thế chú có sợ không?’’

‘‘Sợ chứ! Nhưng rồi cũng quen đi như mình quen với cái chết bên cạnh mình hàng ngày.’’

‘‘Chú nói cái gì thế?’’

‘‘Lúc mới lên rừng, thấy có người chết, nhất là những người vừa mới ngồi nói chuyện với mình, mới đi mới đứng đó, hay vừa mới gặp mình hôm qua. Chú sợ và ớn. Nhưng rồi, chiến tranh ngày càng ác liệt, ngày nào cũng có người chết, và lâu thành ra quen đi.’’

‘‘Chắc chú thù thằng Mỹ lắm, chú Đính nhỉ?’’

Chị Thuận cười:

‘‘Cái con này, không thù sao chú lại tham gia cách mạng.’’

Đĩ Xuân:

‘‘Chúng cháu ghét thằng Mỹ vì chúng nó ném bom giết nhiều người quá.’’

Rồi chị Thuận lại liên tưởng, chị nói:

‘‘Bố chúng nó đi B từ năm 1968. Mấy năm nay không có tin tức gì cả. Chắc không còn đâu, chú Đính nhỉ?’’

‘‘Nói thế chứ… Có lẽ anh ở chiến trường Nam bộ, đường sá xa xôi, thư từ khó khăn, mà thường lại hay bị thất lạc dọc đường.’’

Chị Thuận nhìn tôi:

‘‘Có mấy người đi bộ đội cũng một lần với anh ấy, người thì đã chết, người về được thì thương binh cụt chân, cụt tay… Tôi chỉ mong nhà tôi… miễn còn sống là được…’’

Chị Thuận bỏ cái nùi rơm đang đánh xuống, đứng dậy đi vào nhà. Tôi nghe có tiếng rót nước vào cốc. Những lúc đó không bao giờ có ông Lai.

Thỉnh thoảng những cơn dạ dày lại hành tôi. Nhiều lần tôi phải chọc cổ mữa để cơn đau dịu bớt. Liên tiếp mấy ngày tôi ăn cơm không được. Một buổi sáng tôi ra ngoài nhà ăn báo cháo. Phòng trực của y bác sĩ cũng ở trong nhà ăn. Thấy tôi báo cháo, bà Quy, bác sĩ trưởng khoa hỏi:

‘‘Anh đau à?’’

Bà ta hỏi nhưng không cần tôi trả lời. Bà quay sang cô Chanh, y tá, bảo:

‘‘Tôi đã bảo mấy cô khi nào anh này đau thì cho anh ít giọt cồn Ben la đon.’’

Buổi chiều đi ra đồng chơi với bác Nhã, bác nói:

‘‘Anh đau lắm hay sao mà ăn cháo. Tôi trông anh lúc này hơi xanh đấy.’’

Tôi nói là mấy tuần nay tôi không được phát thuốc và khám bệnh nữa.

‘‘Nàm gì tồi thế!’’

Hôm sau trên đường ra chợ Mía tôi gặp cô Xiêm, cô y sĩ phụ trách khu vực tôi. Cô Xiêm đi lại gần tôi làm như tình cờ đi cùng đường. Không có ai đi cạnh tôi. Cô nói nhỏ và rất nhanh:

‘‘Bà Quy ra lệnh cho em không khám bệnh và phát thuốc cho anh đấy. Em đang vội, cho em đi trước.’’

Chắc là bác Nhã đã nói với cô Xiêm về chuyện tôi đau. Những ngày này tôi đi nằm sớm. Cái bụng cứ đau lâm râm, đến hai ba giờ sáng lại đau thật dữ dội. Tôi nằm co người lại, ép cái chăn bông vào bụng. Một buổi tối, cô Xiêm đi vào, cô để cái đèn bão bên góc nhà. Không có ông Lai. Cô bước lại giường tôi:

‘‘Anh Đính sao mà đi ngủ sớm thế?’’

Cô cúi xuống bên mùng:

‘‘Anh đau lắm à?’’

Cô vén mùng lên, ấn vào tay tôi mấy viên thuốc.

‘‘Ka-vét đấy. Anh uống cho đỡ đau. Thôi, em về.’’

Cách một hai hôm sau, buổi chiều, tôi đang ngồi đọc báo trên cái ghế dài giữa sân, cô Xiêm đến. Cô nhìn vào trong nhà:

‘‘Bác Lai có nhà không anh? ’’

‘‘Ông ta đi đâu đó.’’

Cô ngồi xuống ghế lật tờ báo để bên cạnh bỏ vào một gói giấy nhỏ rồi gấp tờ báo lại.

‘‘Em xin của mấy ông bệnh nhân đó. Khi nào có Bismuth em sẽ mang lại cho. Anh đừng cho ai biết hết. Chết em đó. Thôi em qua bên bác Nhã cái đã.’’

Trước kia mỗi lần khám bệnh, tôi hay nói năm điều ba chuyện với cô Xiêm cho vui. Nay thì cô ngại. Cô Xiêm có một khuôn mặt tròn, hai má đầy và một chiếc răng còi. Cô sinh ở Thái Lan nên có tên là Xiêm. Bây giờ mỗi lần gặp tôi như thế, cô lại dúi cho tôi vài viên Ka-vét, vài gói Bismuth, có khi cô nhờ bác Nhã đưa cho tôi.

Mùa hè ở đây quá nóng. Nhà nào cũng có tường gạch sống bao quanh nên kín gió. Buổi trưa không nằm nổi trong nhà, tôi hay ra ngồi trên bờ tre ngoài ao để đọc sách. Lúc này tôi đang đọc dỡ cuốn Các học thuyết về giá trị thặng dư (phần thứ hai) của Karl Marx. Từ ngày về đây nhờ ở phân tán, ít ai nhòm ngó, tôi thỉnh thoảng lại đọc sách và ghi chép, nhưng chỉ ghi chép hoặc tóm tắt những điều trong sách mà không ghi những suy nghĩ của mình về những điều đang đọc. Sách vở của tôi, tôi để ngay ở đầu giường hoặc trên bàn của chị Thuận ở giữa nhà. Thỉnh thoảng tôi lên chỗ cô Minh, người giữ tủ sách của K, mượn sách báo. Cô bảo tôi, cần sách gì mà tủ sách ở đây không có, cô sẽ về thư viện thị xã mượn giúp cho.

Ông Lai, người canh giữ tôi, hết sức khó chịu khi thấy tôi đọc sách, ngay cả lúc tôi cầm tờ Nhân dân trên tay. Mặt ông ta hầm hầm, nhưng không nói gì cả. Những lúc đó cái lưng của ông ta gù xuống.

Máy bay Mỹ đánh những vùng chung quanh ngày mỗi căng và dày hơn. 7 giờ sáng báo động xa, 9 giờ báo động gần, 3 giờ chiều báo động, nửa đêm báo động. Nghe tiếng kẻng thì nghe tiếng người lao xao, chộn rộn, tiếng gọi nhau… rồi im lặng… Không khí như khô đi… rồi vỡ tan trong tiếng máy bay gầm rú và tiếng súng lớn súng nhỏ lụp bụp trên trời dưới đất… rồi báo yên, sinh hoạt lại như thường. Học trò đội mũ rơm, mang con cúi sau lưng đi học, xã viên ra đồng, chợ Mía vẫn đông. Nguyễn Hữu Ngô đến thăm tôi trong những ngày này, buổi trưa nắng nóng [1] .

Tôi đang ngồi ăn cơm một mình. Nhà ăn đã vắng bớt. Tôi ngó trật lên, thằng Ngô mặt đỏ lù lù ở đâu không biết đang đứng trước mặt tôi. Hắn cười rồi kéo ghế ngồi bên cạnh tôi.

‘‘Răng rứa mi?’’

Tôi cười, ừ. Nhà ăn lại láo xáo. Những người đã cầm bát đũa ra về đứng lại. Mấy ông Đảng ủy, chi ủy, hội đồng bệnh nhân nhìn nhau. Những người đang ăn dừng đũa, ngừng nhai, nói nhỏ. Thằng cha Lai với ông Hà, Chủ tịch hội đồng bệnh nhân ghé sát đầu nhau thì thầm bên thùng nước uống.

‘‘Răng mi biết tao ở đây?’’

‘‘Tao sơ tán gần Chùa Tây Phương. Hắn đẩy gọng kính sát mũi. Rứa mà tao tưởng mi đi K3 rồi.’’

‘‘Thà rứa còn hơn.’’

Hắn khoanh tay lên bàn nhìn tôi cười, rồi nhìn chung quanh:

‘‘Họ ngó mi với tao đó.’’

Tôi và hết chén cơm đứng dậy:

‘‘Về chỗ tao nói chuyện.’’

Thằng Ngô dắt xe đạp đi theo tôi. Tôi nói:

‘‘Ở sơ tán có đỡ. Ở dưới thị xã bọn hắn cứ chằm hăm tao.’’

Thằng cha Lai gù vai lạch bạch sau lưng bọn tôi cách mười thước.

Tôi chế một bình trà, mang ghế ra sân chỗ có bóng im ngồi nói chuyện với thằng Ngô. 15 phút sau ông Lai đi vòng ngã sau nhà anh Cận về tới. Thằng Ngô nói:

‘‘Bà Trai và ông Doãn Triều đã cho bọn tao biết chuyện của mi. Bọn hắn làm dữ lắm phải không. Ông Triều và bà Trai nói là mi bị đấu tố.’’

‘‘Cả hàng trăm con người nhảy vào chửi mắng xỉ vả tao.’’

‘‘Kinh.’’ Hắn làm thinh rồi tiếp, ‘‘nghe bọn hắn đòi bắn mi.’’

‘‘Thiếu một chút nữa là tao bị xé xác.’’

‘‘Vì răng tụi hắn không đưa mi đi K3?’’

‘‘Mi ít biết. Tất cả những người ở đây đều coi tao là kẻ thù, là chó. Để tao ở đây là một cách hành hạ tao tốt nhất.’’

‘‘Khiếp!’’

Tôi hỏi:

‘‘Thằng Thanh, thằng Sở ra sao rồi?’’

‘‘Hai đứa ở Hà Nội. Thỉnh thoảng có về nơi cơ quan sơ tán.’’

‘‘Sau vụ của tao, tao nghe mi còn đọc trên đài giải phóng buổi phát thanh cho Huế, tao mừng. Tao cứ lo bọn hắn làm khó dễ với mi. Lúc hỏi cung tao, bọn hắn có đưa bài “Cảnh tượng” của mi cho tao đọc và hỏi tao có biết của ai không, bài thơ nói gì? Tao bảo tao không biết và nói đó là một bài thơ tả cảnh. Mi có nhớ tờ Hòn Kẽm mi cho tao mượn không? Bọn hắn bảo tao có liên hệ với bọn sinh viên Việt Nam phản động bên Tây Đức.’’

Thằng cha Lai cứ lảng vảng vô ra trên thềm nhà, ngoài sân, mắt liếc, mặt hầm hầm. Kẻng báo động có máy bay Mỹ. Tôi với thằng Ngô xuống ngồi dưới hàng tre bên bờ ao. Tôi nói với thằng Ngô:

‘‘Bọn hắn nghi CIA cài tao vào để phá hoại.’’

Chị Thuận và mấy đứa nhỏ xuống hầm. Ông Lai ngồi bên miệng hầm mắt cứ đảo qua hai đứa tôi. Kẻng báo động khẩn cấp. Có tiếng bom nổ xa. Súng nhỏ súng lớn bắn loạn xạ trên trời. Tôi kéo tay thằng Ngô đứng dậy:

‘‘Lên xem tên lửa rượt máy bay.’’

Anh Đại, anh Sinh và những người hàng xóm đều đứng trên sân ngẩng mặt ngó lên trời.

Trên trời máy bay Mỹ chao đảo tránh tên lửa.

Tôi hỏi thằng Ngô:

‘‘Mi thấy không chiến lần nào chưa?’’

‘‘Rồi.’’

‘‘Ban đêm thấy đạn đan trên trời mới thú.’’

Đĩ Xuân, con chị Thuận cũng chạy lên sân. Tên lửa nổ lụp bụp trên cao. Tôi hỏi đĩ Xuân:

‘‘Cháu có phân biệt được tên lửa nổ với máy bay cháy không?’’

‘‘Khói màu da cam là của tên lửa, khói nâu là máy bay cháy.’’

Kẻng báo yên. Thằng Ngô về. Tôi đưa nó một đoạn.

‘‘Rảnh, tao tới mi chơi.’’

Hắn lên pê-đan, đạp xe chậm chậm dưới hàng bạch đàn. Hắn quay đầu ngó lại, đưa tay khoát khoát. Tôi nhìn theo cho đến khi hắn đi khuất.

Tôi vừa bước chân lên thềm nhà, ông Lai đang ngồi trong nhà đứng dậy hỏi liền:

‘‘Anh đó là ai thế?’’

‘‘Bạn tôi.’’

‘‘Anh ta ở đâu?’’

‘‘Đài giải phóng.’’

Một lát sau, ngó lui ngó tới tôi không thấy anh ta ở đâu nữa. Chiều ngày hôm sau, bác Nhã cho tôi biết: “Tôi nghe mấy ông trong Đảng ủy nói rằng lâu nay chúng nó nằm im, bây giờ đã bắt liên lạc với nhau. Cái anh bạn đến thăm anh đó, họ bảo là đồng bọn với anh đó”. Tôi bảo họ: “Bạn bè lâu ngày không gặp, người ta đến thăm nhau là chuyện thường. Có gì đâu”.

Nửa tháng sau thằng Lê Ích Đề đến thăm tôi. Đề đến vào buổi chiều, hắn đem theo mấy bao Tam Đảo và một gói trà. Hắn nói:

‘‘Tao ở Viện điều dưỡng gần đây. Người ta nghi tao bị phổi nên chuyển lên đó để điều trị. Vừa rồi có mấy người ở đây chuyển lên chỗ tao. Tao nghe được chuyện của mi. Bữa ni sơ tán về đây, tao đến gặp mi và hỏi cho ra chuyện.’’

Tôi kể sơ cho hắn nghe mọi sự của tôi. Hắn ngồi nghe thỉnh thoảng hơi mím môi. Hắn nói:

‘‘Bọn hắn nói mi dữ lắm. Mi là một tên phản động, một thằng gián điệp, CIA. ‘Hết ai mà hắn dám nói xấu cả Hồ Chủ Tịch’. Bọn hắn căm thù mi, coi mi là địch, là Mỹ ngụy. Hôm đem mi ra đấu ở hội trường K65 có thằng bảo nếu có súng hắn bắn mi ngay tại chỗ. Bọn hắn cho Đảng khoan hồng với mi như thế là quá lắm rồi. Bọn hắn đã đề nghị đưa mi đi cải tạo lao động. Có thằng còn nói những thằng như mi không thể cải tạo được, nhưng phải ‘bỏ tù cho nó biết tay’. Tao nghe cũng ớn.’’

Thằng Đề có tật nói là hay thít tha. Hắn nói bao giờ cũng chậm rãi, sau một câu, hắn mở miệng ra tưởng như cười. Lê Ích Đề ở trong rừng cũng như ra đây gặp nhiều khó khăn về lý lịch. Và hình như vì lý do đó mà hắn phải ra Bắc. Tổ chức cho là trong gia đình hắn có người liên hệ với bọn Đại Việt. Thằng Đề hỏi sinh hoạt hàng ngày của tôi bây giờ thế nào, tôi nói:

‘‘Tao coi như bị bắt và sống tù. Đi đâu cũng phải xin phép. Ra khỏi chỗ ở là có người đi theo. Ở đây tao không có bạn bè. Sống như thế này tao nhớ tụi bây quá sức.’’

‘‘Mi còn ở đây lâu mau nữa?’’

‘‘Tao cũng chịu, không biết.’’

Tôi chỉ một cái thùng đang nức dở và mấy cái rổ, rá, nia cũ có, mới có chưa nức có, nói:

‘‘Hàng ngày tôi ngồi nức rổ rá cho vui. Tao lấy thúng mủng trong nhà ra nức lại hết. Có mấy ông già người Quảng Ngãi mới đến thường đến đây đan rổ rá. Họ đan, tao nức giùm.’’

‘‘Mi mà cũng biết nức đồ rứa à?’’

‘‘Ngó họ làm mình tập thì biết. Đan thì tao chịu. Tao không kiên nhẫn vót nan. Nhưng nức và chạy chân rết thì tao làm rất đẹp. Thôi thì những nhà chung quanh đây ai có rổ, rá, nia hư tao đều nức lại cho hết. Cũng vui. Cắn chặc cặp vành giữa hai hàm răng rút mạnh sợi mây, nghe kêu rắc rắc… thú vị và sung sướng vô cùng. Có nhiều khi cũng tức vì nửa chứng đứt mây.’’

Thằng Đề cười hì hì. Tôi kể cho hắn nghe mới đây thôi, tôi đang ngồi dựa cột đọc báo trên thềm nhà, hai ba ông bệnh nhân với mấy người hàng xóm, người đứng người ngồi uống nước chè nói chuyện giữa sân, chị Thuận sửa soạn gì đó trong nhà, ông Lai gù vai xuống hậm hực bước lên thềm, không nhìn tôi nói lắp bắp: “Anh… anh nên học đan đát đi. Tôi nói thật, những người như anh sau này không ai dùng đâu”. Tôi nghe tiếng ông già người Quảng Ngãi đang ngồi đan rá ngoài sân: “Mệt quá, ông Lai ơi! Gì đâu không”. Ông Lai hỷ mũi bước nhanh vào nhà.

Thằng Đề cầm gói thuốc xắc mân mê những sợi thuốc nói:

‘‘Mi hút thuốc nhiều quá. Tao cũng cố bớt dần. Thuốc này mi kiếm đâu ra đây?’’

‘‘Ừ, bây giờ tao chỉ có thuốc với trà. Tao thường ngồi hút thuốc uống trà một mình, ngó trời đất cây cối, xem bọn trẻ con chơi đùa, cãi nhau. Thuốc đó tao nhờ bà chủ nhà mua ngoài lò sấy. Mua dễ lắm, một xấp có ba bốn hào. Tao chỉ hút được loại 2, loại 3, loại 1 quá nhẹ. Có khi mấy ông xã viên hàng xóm cho cả một bó.’’

‘‘Này, thằng Đề uống một ngụm nước, hai môi chúm lại, này Đính, lúc hỏi cung mi, bọn hắn có nói chi tao không?’’

‘‘Có, có. Bọn nó hỏi tao lúc lên K65 gặp ai. Tao bảo lên thăm ở chơi với mi và thằng Minh mấy ngày.’’

Hắn chím môi cười hỏi:

‘‘Này, tụi Thừa Thiên hắn đối xử với mi ra răng?’’

‘‘Ui chào, tụi hắn cho tao làm nhục, bôi xấu quê hương. ‘Cái đồ nó sống làm chi cho dơ dớp’. Có đứa nhổ nước miếng ngay trước mặt tao. Chẳng có một thằng người Thừa Thiên nào đến chơi với tao hết.’’

Thằng Đề ngồi nói chuyện với tôi một lúc nữa rồi về. Hắn đi nhờ xe đạp một người khác cũng đến đây thăm bạn.

Mãi hơn hai năm sau tôi mới có dịp gặp hắn ở Hà Đông. Thằng Đề là một thằng rất lạ. Hình như hắn có cái gì đó hơi rắc rối trong cuộc sống riêng tư và trong gia đình nên trong cách cư xử với những người khác nhiều khi hắn có vẻ khắc khổ. Sau này về Huế có dạo tôi gặp hắn luôn, rồi biệt đi có hàng tháng hắn mới ló mặt gặp anh em. Hắn cứ vội vàng nhưng xét ra cũng chẳng có việc gì đến nổi hắn phải hấp tấp.

Hàng tuần thường có người từ bệnh viện E2 ở Hà Nội, E1 ở Thạch Thất chuyển đến, và những người ở đây chuyển đi nơi khác. Những người thương tôi cũng dần dần đi hết. Những người mới đến bao giờ cũng được chi bộ cho biết về tôi để cảnh giác và canh chừng. Hôm nào có người mới đến bao giờ ở nhà ăn cũng có người chỉ chỏ tôi thì thầm: “đó, hắn đó”, “thằng nó đó”. Phần nhiều những người mới đến đối xử với tôi ít căng thẳng, vì họ là những người không dự cuộc đấu tố tôi. Hơn nữa, do hoàn cảnh sơ tán ít thấy nhau, nên cũng đỡ cho tôi.

Hôm đó, Lịnh, Kim và Hiếu đến chơi. Lịnh nói:

‘‘Hôm kia mít tinh bọn tôi không thấy anh. Sáng nay họp chi bộ tôi có hỏi mấy ông: Vì sao không để anh Đính dự mít tinh? Mấy ông trả lời: “Lệnh của Cục bảo vệ Đảng của Ban thống nhất Trung ương không cho anh Đính tham dự bất cứ một cuộc họp nào”. Có ông nói: “Mít tinh kỷ niệm Quốc khánh (?), thằng Đính không xứng đáng để tham dự”. Tôi không đồng ý: “ở trong tù bọn địch bắt chúng ta phải chào cờ ba que của chúng. Chúng ta phải để cho anh Đính tham dự mít tinh để chào cờ. Mà anh Đính đâu phải địch. Chúng ta không nên quá hẹp hòi và phải cao thượng. Các đồng chí làm như thế khó mà cảm hóa được người khác”. Có một ông đã nói: “Đối với thằng Đính cho nó sống được như thế này là may cho nó lắm rồi”.

Tôi nói:

‘‘Nói thật, lúc này mà tôi phải ngồi giữa đám đông những người ở trong K này, cũng cực cho tôi…’’

Kim hỏi:

‘‘Tôi nghe nói có một người tên Tấu hay Tấn gì đó cùng quê với anh nói rằng lúc còn ở thị xã Sơn Tây, anh đã đến phòng của anh ta chơi, trong lúc nói chuyện anh đã kể cho một số người nghe nội dung một cuốn phim Mỹ. Anh ta bảo lúc đó và những người khác không để ý gì về chuyện đó. Nhưng sau khi biết về con người anh, anh ta mới thấy anh là một tên nguy hiểm. Anh ta đã báo cáo cho lãnh đạo khối bệnh nhân biết nội dung cuốn phim mà anh kể là phản động, đồi trụy. Và anh bị kết án là đã tìm cách đầu độc thanh niên bằng phim ảnh của Mỹ ngụy. Các chi đoàn đã họp để vạch trần những tư tưởng phản động chống Đảng của anh và phát động trong toàn các chi đoàn một đợt căm thù tội ác của Mỹ ngụy và cảnh giác những âm mưu thâm độc của chúng.’’

Tôi mở miệng như cười, rồi thở ra một hơi:

‘‘Tôi biết anh ta, tên của anh hơi khó nhớ, Tấn, Tấu gì đó. Anh ta người cao, ốm, đen, tóc quăn, ít nói, hoặc nói không ra tiếng. Dạo sau này gặp tôi, hắn giả vờ không thấy, rồi lãng đi. Hắn sợ liên lụy. Trước tôi thỉnh thoảng có nói chuyện với hắn. Có một lần đến chơi ở phòng hắn, tôi có kể cho hắn và một cô bé tên Phương người Quảng Ngãi, cụt cánh tay phải với một hai người nữa nội dung một cuốn phim mà tôi đã xem ở Huế. Đó là phim La Strada của một đạo diễn người Ý, Federico Fellini. Ờ, thì ngồi với nhau nói chuyện chơi, tôi luôn miệng cũng kể cho vui. Nhiều khi còn kể chuyện ma nữa chớ.’’

Nói xong tôi cười ra tiếng, Lịnh nói:

‘‘Người ta cho là anh đã bị nhiễm nặng tư tưởng tư sản phản động, khó mà gột rửa được.’’

Rồi Kim hỏi:

‘‘Chắc anh muốn đi khỏi đây cho đỡ căng thẳng?’’

‘‘Đâu cũng thế thôi. Mà tôi đâu có muốn cái gì được.’’

Tất nhiên tôi không thể nói hết suy nghĩ của mình với những người bạn này. Cũng phải bán tín bán nghi chớ. Lâu ngày quá, tôi cũng quen đi cái không khí của những người chung quanh đối xử với tôi như thế.
Một hôm ăn cơm xong tôi ngồi trước sân uống nước cho mát. Một ông nào đó tôi không quen mặt, đến kéo ghế ngồi cạnh tôi. Tôi đoán ông ta là cán bộ của Cục đón tiếp cán bộ B. Ông ta nói ngay liền:

‘‘Tôi tiếc cho anh quá. Nếu anh không phạm những sai lầm nghiêm trọng vừa qua thì anh đã được đi tham quan ở nước ngoài rồi. Anh Nguyễn Viết Trác cũng đang chuẩn bị đi Hungary đó.’’

Ông ta còn nói thêm một lúc nữa. Tôi ngồi yên uống nước không nói gì hết. Rồi ông ta đứng dậy chào tôi đi.

Tôi thường hay bị hành hạ bằng những cuộc nói chuyện chán ngắt, nhưng vẫn không đứng dậy đi được, phải ngồi im nghe. Và, những lúc đó, tôi chỉ thấy chung quanh mình, bàn ghế, bình chén, đất đá cây cối. Những lúc đó, tôi cứ nhìn chăm chăm một viên sỏi, một cục đất, một rễ cây ở xa, ở ngoài xa, ở ngoài tôi và người tôi đối mặt.

Một đêm tháng 12.1972, Mỹ đánh B52 Hà Nội. Tôi đang nằm liền vùng dậy chạy ra sân. Lửa chớp sáng rực một dãy dài phía trên nóc nhà chị Thuận. Tiếng nổ xa từng trận không dứt, rầm rầm.

‘‘B52 rồi!’’

Những nhà chung quanh người ta gọi nhau thức dậy. Tôi hỏi anh Đại và anh Sinh, những người hàng xóm của chị Thuận:

‘‘Hướng đó có phải là Hà Nội không?’’

‘‘Đúng là Hà Nội.’’

Lửa trên trời phía trên Hà Nội cứ chớp liên tục, đỏ ối.

Tôi cảm thấy mình như tức thở và trong người xôn xao.

Mỹ đánh B52 Hà Nội 12 ngày đêm, hiệp định Paris, tôi vẫn ở Cam Đà. Những ngày mùa hè nóng rát da ở đây như vẫn còn lại trong trí nhớ của tôi đầy đủ những cảm giác mệt mỏi buồn chán và xúc động. Tôi thường nằm trên đám lá tre khô trên bờ ao sát cánh đồng. Buổi trưa nhiều khi gió rất nhiều. Tôi nhìn mấy cây chuối mọc cheo leo bên bờ nhớ lại những ngày còn nhỏ của tôi ở Vỹ Dạ. Bây giờ chắc mẹ tôi vẫn còn đi bán cháo ở ngoài chợ hay trên Đập Đá, dưới hàng hiên Morin ngoài đường Lê Lợi. Chiều nào cũng thế đi học ở trường Thế Dạ về, tôi nấu cơm rồi in đầy một đọi, xé miếng lá chuối đậy lại, một tay bưng cơm, một tay cầm cây đèn bóng đem ra chợ cho mẹ tôi. Năm lớp nhì, lớp nhất, bốn năm ở Bồ Đề, ba năm ở Quốc Học, công việc đó đối với tôi hàng ngày vẫn cứ đều đặn. Cho đến năm 1962, tôi đậu tú tài và đi dạy học ở trường bán công Truồi, thỉnh thoảng lúc nào rảnh tôi mới bới cơm và mang đèn ra chợ cho mẹ tôi. Vào nhà tôi ăn cơm một mình, lấy sách vở ra học bài, rồi đóng cửa lại leo lên ngựa nằm ngủ. Khoảng 10 giờ là sớm nhất, thường khi là 11, 12 giờ, có khi 2, 3 giờ sáng, có tiếng chó sủa ngoài xóm, rồi có tiếng hò, rồi một ánh lửa lúc sáng lúc tối, lúc mất lúc còn lấp loáng qua hàng chè tàu, mẹ tôi về. Tiếng hát vẫn kéo dài mệt mỏi, áo não cho đến khi mẹ tôi đặt gánh xuống đất, kéo vạt áo lên lau mặt. Những đêm mùa đông mưa to mới thê thảm. Có khi đến 2 giờ sáng mẹ tôi mới về. Lửa trong lò vẫn đỏ chập chờn. Cháo còn, lòng còn. Mẹ tôi bảo: con với mấy đứa ăn hết cháo đi. Còn lòng với thịt thì cái ni xắc ăn hết, còn cái ni luộc lại cho mạ, không thôi siu. Mạ tôi đi nằm. Tôi kêu thằng Bé, thằng Vinh, anh Tân, những người bạn nghèo khổ hàng xóm tới ăn cháo. Cháo lúc đó bao giờ cũng ngon. Bốn năm giờ sáng mẹ tôi dậy đi lấy lòng. Tôi múc nước đổ vào khương đặt lên bếp, nhen thêm một bếp bắc ấm nước sôi, chế trà. Có mùa mẹ tôi đi bán sớm, có mùa đi bán chiều, mà cũng còn tùy cháo lòng cháo gà hay cháo vịt nữa. Những buổi trưa ngồi lặt rau sống, những buổi chiều buổi tối ngồi một mình, mẹ tôi hay hát, khi thì hò mái nhì mái đẩy, khi thì ru em, những câu hát buồn đau đớn. Mẹ tôi hát và khóc một mình. Những câu hát đó cứ luẩn quẩn mãi trong trí tưởng tôi suốt cả đời.

Đêm khuya dựa gốc cây bòng
Nước chua gió xuống động lòng em đau

Như lúc này đây tôi đang nằm ở dưới hàng tre ở cái xứ sở xa lạ này, những câu hát đó vò xé ruột gan tôi. Những câu hát đó lại chập chờn trong ánh lửa thấp thoáng, và mẹ tôi như một bóng ma, trên vai một gánh cháo mệt mỏi thất thểu giữa đêm khuya mưa gió, rồi thắp một nạm hương ra sân khấn vài trời đất, khấn vái ba tôi phù hộ cho tôi còn sống. Sau này tôi mới biết, vì không chịu nổi cái cảnh trống vắng, cô quạnh của cảnh nhà mà nhìn đâu cũng thấy như tôi có ở đó, mẹ tôi đi bán thỉnh thoảng ngủ luôn ngoài chợ Vỹ Dạ.

Lần khảo tra tôi ở Hà Nội, thằng cha Lai hỏi vặn tôi: “Anh khai man lý lịch, anh nói mẹ anh bán cháo ở chợ Vỹ Dạ là nói láo. Chúng tôi biết là mẹ anh mở một tiệm ăn rất lớn ở Huế”. Tôi nói: “Lúc tôi đi, mẹ tôi bán cháo ngoài chợ. Lâu nay tôi không liên lạc được với gia đình, tôi không biết gì hết”. Những cái ông này bao giờ cũng muốn cho người ta nghèo khổ mãi để cho lý lịch được trong sạch. Có nghèo khổ mới căm thù đế quốc, tư bản, mới trung thành mãi mãi với họ, với cách mạng.

Tôi cứ sống âm thầm một mình thế này, hết đọc sách, đọc báo lại quanh quẩn qua các nhà hàng xóm uống nước nói chuyện, ngồi xem mấy đứa trẻ chơi đùa. Tôi kiếm giấy báo cũ xếp tàu bay, tàu thủy cho chúng chơi. Nhiều khi muốn lên chùa Tây Phương xem cho biết, nhưng phải báo cáo, xin xỏ mấy ông lãnh đạo, tôi cũng chán nên thôi. Cô Xiêm thỉnh thoảng lén cho tôi Ka-vet, Bismuth.

Một buổi chiều tôi sang nhà anh Cận chơi. Cụ thân sinh anh Cận và anh đang ngồi uống nước trên bức phản kê sát thềm nhà, thấy tôi ông cụ gọi:

‘‘Chú Đính vào uống chè.’’

Tôi dạ. Chuyện qua lại một lát. Ông cụ hỏi:

‘‘Chắc mấy bác, mấy chú sắp trở về thị xã rồi chớ gì?’’

Anh Cận nói:

‘‘Mỹ hết đánh bom rồi, các anh cũng không còn ở đây lâu nữa đâu.’’

Ông cụ nói:

‘‘Chú Đính ạ, tôi cũng như bà con quanh đây, chú Sinh, chú Đại, cô Thuận đều biết tình cảm của chú. Chú sống ở đây dễ gần một năm rồi. Có một lần, nói thật với chú, tôi mượn chén rượu làm như tình cờ ngồi nói chuyện với bác Lai. Tôi nói thế này: bác Lai ạ, việc của mấy bác chúng tôi không dám xen vào, nhưng tôi thấy giữa chú Đính và mấy bác ở đây có một sự khác biệt về cách đối xử. Các bác, các chú cũng là người ở chiến trường ra cả, đối xử với nhau như thế cũng không phải cho lắm, củi đậu mà lại nấu đậu, tôi thấy đau lòng lắm. Chú Đính có những chuyện gì đó chúng tôi không rõ, tôi chỉ xin nói với bác Lai điều này. Thời gian ở đây chú Đính là một người rất tốt, bà con ai cũng thương. Bác Lai với bác Nhã sống gần với chú Đính, sau này xin bác báo cáo lại với tổ chức như thế. Nghe tôi nói thế, ông Lai làm thinh, chỉ ậm ừ những gì đó rồi nói lãng qua chuyện khác.’’

Anh Cận nói:

‘‘Nhiều lần nói chuyện với anh tôi cũng hiểu được một phần nào hoàn cảnh của anh. Bác Nhã cũng đã nói cho tôi biết một ít về anh. Bà con chung quanh họ thấy chứ. Anh không được đi họp, không được khám bệnh, không được phát thuốc, đi đâu ra khỏi đây cũng có người đi theo. Bọn trẻ con bảo, chúng cháu thấy chỉ có bác Lai là được khám bệnh và phát thuốc không thôi. Mà bác Lai lại hay nói tiếng to và nặng lời với chú Đính. Còn chú Đính thì làm thinh. Nói thật với anh, tôi thấy ông Lai thế nào a. Ở đây chẳng có ai có cảm tình với ông ấy.’’

‘‘Cũng may cho tôi, về ở đây có bớt căng thẳng hơn ở thị xã. Tôi cảm ơn hết sức tấm lòng của ông cụ, của anh, chị Thuận và bà con… với mấy cháu Xuân, Thu, Lan, đĩ Bình, đĩ Sinh…’’

Viết đến ngang đây, tôi như đang sống những ngày đó ở Cam Đà với những con người mà tôi vừa kể tên, tôi thấy rõ từng nét mặt, hình dáng, cửa chỉ, giọng nói của mỗi người…

Buổi chiều trước khi sáng mai về lại K65 ở thị xã Sơn Tây, tôi nói với ông Lai lấy cơm về ăn chung một bữa với gia đình chị Thuận cho vui. Tối đó, nhà nào cũng mời tôi uống nước nói chuyện. Anh Cận cho tôi một lạng chè và một gói thuốc rê. Chị Thuận cho tôi một bó thuốc lá ngon. Chị nói:

‘‘Khi nào có ai về Sơn Tây tôi gửi thuốc cho chú. Mà chú hút thuốc nhiều quá.’’

Tôi nói với chị, chị thông cảm cho tôi, về thị xã rồi tôi khó có dịp trở lại thăm chị với các cháu.

‘‘Thôi, khi nào về thị xã, chúng tôi sẽ ghé thăm chú.’’

Nói thế, nhưng tôi biết những người ở thôn Cam Đà này có người năm sáu năm chưa khi nào đặt chân đến thị xã.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm cùng bác Nhã đi từ giã hàng xóm. Anh Cận bắt tay tôi:

‘‘Chúc anh mạnh khỏe. Tôi mong mọi sự đều tốt đẹp cho anh. Tôi hy vọng sau này có dịp vào Huế.’’

Tôi để lại phần bánh mì buổi sáng và buổi trưa cho mấy đứa nhỏ. Tôi xoa đầu đĩ Xuân và đĩ Thu, rồi bế đĩ Lan lên:

‘‘Chú Đính về thị xã nghe. Khi nào có dịp chú lên thăm mấy cháu. Chúc các cháu học thật giỏi.’’

Chị Thuận rơm rớm nước mắt:

‘‘Bác Lai và chú Đính uống một bát chè xanh rồi đi.’’

Chị quay vào buồng, rồi trở ra:

‘‘Tôi phải ra đồng đây. Bác Lai và chú Đính lên đường mạnh khỏe.’’

Anh Sinh, anh Đại, anh Cận mang đồ đạc giúp tôi và ông Lai ra xe. Chị Thuận vác cuốc đi theo, đến ngã rẽ ra đồng, chị nói:

‘‘Chú đi mạnh khỏe, chú Đính nghe. Không lên đây chơi được, chú nhớ viết thư. Mấy đứa nhớ chú lắm đấy.’’

Hình như trước ngày chuyển lên K100 một hai hôm tôi có đuồng theo xe đạp một người nào đó lên Cam Đà thăm bà con.

© 2005 talawas



[1]khoảng tháng 5 tháng 6 năm 1972.