© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
28.7.2002
Mai Chi
Tokio's Camera
Nhà nhiếp ảnh Nobuyoshi Araki, Tokio và những người đàn bà bị trói trong kimono
 
Giám đốc của triển lãm mĩ thuật quốc tế Documenta 11 tại thành phố Kassel, Đức, lần này là người Nigeria, sinh năm 1963. Đó chỉ là một dấu hiệu nữa cho thấy nghệ thuật thế giới ngày nay đã không còn là chỗ cho phương Tây độc quyền thống soái. Toàn cầu hoá, sự pha trộn và đan chéo của những tư tưởng, ngôn ngữ, lối sống trên toàn thế giới diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ. Chưa bao giờ những đại diện nghệ thuật từ các khu vực vốn bị coi là ngoại vi, ngoài rìa được chú ý, và là một bộ phận đầy tự tin của nghệ thuật thế giới như bây giờ. Chưa bao giờ cuộc đi tìm cái mĩ cảm mới, đủ sức biểu đạt những vấn đề của kỉ nguyên hiện đại này lại giầu sáng tạo như bây giờ.

Còn nghệ thuật ở Việt Nam? Chúng ta vẫn tiếp tục lặn ngụp trong sình lầy của tinh thần tỉnh lẻ, mài giũa những ngón nghề thảm hại để nắn nót tô vẽ cái cảm quan về thế giới đã mòn mỏi của mình. Cộng thêm thương mại hoá, nghệ thuật của chúng ta càng nhạt nhẽo và suy thoái thành món súp đại trà hoặc xú-vơ-nia du lịch. Đồng quê, phố cổ, tượng Phật, cô gái bên nhành hoa tràn ngập các phòng tranh. Chúng ta tiếp tục hôn mê, bất lực, không hiểu nổi ngôn ngữ nghệ thuật của bên ngoài, không giao tiếp nổi với thế giới. Cái hiện thực mới của xã hội Việt Nam ngày nay hoàn toàn nằm ngoài nghệ thuật Việt Nam đương đại. Chúng ta rệu rão, chẳng NHÌN thấy gì, chẳng đặt chân ra ngoài, chẳng buồn để ý rằng mình đã hết hơi và đang ngắc ngoải.

Trong mục "Góc nhìn" này tôi muốn giới thiệu mỗi kì một đại diện của nghệ thuật hiện đại bằng một bài viết nhỏ và hình chụp một số tác phẩm, không phải Picasso và các quy phạm của nghệ thuật hiện đại, mà trước hết là những nghệ sĩ đương đại từ các nuớc không thuộc phương Tây. Những tác phẩm ấy có thể và nên mang tính khiêu khích. Lạ, gây sốc, gây bàng hoàng, buộc chúng ta phải nghĩ ngợi, phải kiểm tra lại những quan niệm cố hữu về cái Đẹp và thói quen NHÌN của mình.

Mai Chi
Nobuyoshi Araki là một người chép sử của Nhật Bản đương đại, một Nhật Bản của thế kỷ 21 trộn trong truyền thống ràng buộc nghiêm khắc, một Nhật Bản của những nghi lễ nhục dục và hiện thân của chúng trong nền công nghiệp sex hiện nay. Araki lớn lên tại khu phố bình dân Minowa ở Tokio, gần Yoshiwara, nơi gái điếm quý tộc hành nghề. "Toàn bộ sáng tác nhiếp ảnh của tôi xuất phát từ thời thơ ấu. Minowa đối với tôi như một tử cung. Gốc rễ của tôi ở đó". Từ năm 12 tuổi, Araki bắt đầu chụp ảnh như một kẻ bị ma nhập. Ông chụp Tokio, với mọi sắc thái của nó. Và ông chụp đàn bà.



Arika xây dựng một thế giới mà Tokio là sân khấu và phụ nữ là nhân vật duy nhất của ông. Trong ba thập kỷ qua, ông quan sát cuộc hành trình của xã hội truyền thống Nhật Bản để cập bến siêu hiện đại ngày nay. Trong sáng tác của ông, những người đàn bà bị trói gần như đã trở thành những hình ảnh hữu cơ của cái thủ phủ khổng lồ mang tên Tokio này. Những cảnh bạo dâm-khổ dâm (sadomasochistic) của ông cũng nhân tạo, cũng siêu thực như những hình ảnh của Tokio. Chúng cùng một lúc vô tội và tục tĩu.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên với những tác phẩm của Araki thường đem lại những cảm giác trái ngược. Kỳ lạ, tò mò, cuốn hút, báo động. Sự dày đặc và đối chọi của chúng làm cho ta choáng váng. Ảnh của Araki giao động giữa sự dàn dựng kỹ lưỡng và những khoảnh khắc tình cờ. Một thế giới của những cơ thể khỏa thân, hoa, chân dung, cảnh đường phố, đồ chơi cao su. Chúng nằm trên một ranh giới chênh vênh ngăn cách nghệ thuật và khiêu dâm. Chúng không phản ảnh một hiện thực đơn giản, mà chứa đầy những mã hoá và ẩn dụ. Thằn lằn, mèo, cây, cấu trúc của mây và thân thể phụ nữ trở đi trở lại trong sáng tác của ông. Nhìn kỹ, ta sẽ thấy ảnh của Araki gần với những tĩnh vật truyền thống hơn ta tưởng.



"Nhiếp ảnh là tục tĩu, là một hành động của tình yêu". Tại một đất nước mà người ta không được phép chụp hay vẽ lộ ra dù chỉ một sợi lông ở chỗ kín, những tác phẩm của Araki hẳn mang tính khiêu khích. Những triển lãm của ông thường xuyên bị đóng cửa, sách của ông bị thu hồi. Ở châu Âu, từ đầu những năm 90 ông đã được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu tâm hồn Nhật Bản nhạy cảm và quan trọng nhất. Tại quê hương, mặc dù nổi tiếng như một ngôi sao nhạc Rock, mãi gần đây ông mới có những triển lãm lớn ngoài phạm vi những phòng tranh tư nhân. Tiêu biểu nhất là triển lãm cá nhân tại Museum of Contemporary Art Tokio năm 1999 với hơn 1000 bức ảnh.
Những phụ nữ của Araki thoát y giữa đường, hoặc nằm nhàn hạ trên giường, hoặc tạo dáng như tài tử. Họ ngồi trên thảm, hay bị treo lơ lửng giữa phòng. Họ luôn luôn son phấn kỹ lưỡng và mặc đồ kimono truyền thống. Họ bị trói theo những kiểu kinbaku (nghệ thuật trói dây dục cảm Nhật Bản) phức tạp. Với Araki, trói không phải chỉ để trói. "Tôi nhằm vào trái tim họ. Đó chính là cái tôi muốn đặt trong vòng dây. Có thể nói, qua thời gian, những người mẫu của tôi dần dần tự trói mình, tự buộc mình lại, phục tùng tôi."



Araki hấp thụ thế giới qua ống kính. Trong tác phẩm Tokyo Nostalgy, hàng trăm bức ảnh phủ kín những bức tường của phòng triển lãm, bao trùm lấy người xem. Người xem có cảm giác đang trôi trong một cuộn phim của những khoảnh khắc, thỉnh thoảng đột ngột bị lay mạnh bởi hình ảnh một đám mây trên một bầu trời hoàn toàn quang đãng, hay hình ảnh một con rắn trườn qua đầu một dương vật.
Araki dường như sống bằng ảnh. Năm 1990, khi Yoko, vợ ông, từ trần, ông công bố Sentimental Journey, một bộ ảnh ghi lại những khoảnh khắc riêng tư của hai người. Yoko hút thuốc trên giường, Yoko đang nhẩy, tay Yoko trên giường bệnh, Yoko trong quan tài, bàn thờ của Yoko. "Cũng có thể tôi đã sống với cô ấy chỉ với tư cách một nhà nhiếp ảnh, chứ không phải là bạn đời. Nếu tôi không lưu lại hình ảnh cái chết của cô ấy, chắc chắn trạng thái tinh thần của tôi và tình yêu của tôi sẽ không được diễn tả đầy đủ. Tôi tìm thấy sự an ủi trong việc phơi bày khoái lạc cũng như sự mất mát, trong việc dàn dựng những cuộc đụng độ không khoan nhượng của những biểu tượng. Sau khi Yoko chết, tôi chỉ còn muốn chụp sự sống. Nhưng, mỗi lần tôi bấm máy là một lần tôi tiếp cận cái chết. Bởi chụp ảnh là làm thời gian ngừng trôi."
Nobuyoshi Araki, nhà nhiếp ảnh và quay phim, sinh năm 1940 tại Tokyo, là một trong những đại biểu quan trọng nhất của nghệ thuật đương đại Nhật Bản. Một số triển lãm gần đây của ông bao gồm: The Cartier Foundation, Paris (1995), Hara Museum of Contemporary Art, Tokyo (1997), Museum of Contemporary Art, Tokyo (1999), Facts of Life: Contemporary Japanese Art, London (2001).