© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
21.11.2005
Trần Vàng Sao
Tôi bị bắt
(Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù) 10 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
III. Về Hà Nội

Sáng 17.01.1975, ông Thụ, bí thư chi bộ gác tôi ở bảo tôi xuống văn phòng lãnh đạo K để làm việc. Không biết có chuyện gì đây? Tôi nói với anh Bính: Chắc tôi sắp chuyển đi đâu đây. Anh Bính nói: tôi mong mọi việc đều tốt lành cho anh.

Tôi xuống văn phòng. Ông Hý, trưởng K100 và ông bí thư Đảng ủy khối bệnh nhân đã ngồi đó. Ông Hý nói:

‘‘Có lệnh chuyển anh về Cục.’’

Ông đưa cho tôi 1 tờ giấy. Đó là công văn số 104CB/CĐ ngày 15.1.1975 của Cục đón tiếp cán bộ B do ông Phan Văn Thuận, Cục phó, ký điều tôi về Cục, không nói để làm gì.

Ông Hý nói:

‘‘Anh chuẩn bị đồ đạc khi nào có xe về Hà Nội chúng tôi báo. Về đó anh sẽ biết lý do.’’

Tôi đoán là anh Triều và chị Trai vận động cho tôi về Hà Nội đây.

Hai ngày sau, người ta báo cho tôi hiện nay K không có xe về Hà Nội, do đó tôi phải đi tự túc, tiền tàu xe Cục sẽ thanh toán. Tôi biết ngày hôm trước có một chuyến xe đưa mấy ông lãnh đạo ở đây về Hà Nội họp nhưng họ không muốn cho tôi đi cùng với họ. Nhân cô Thu và cô Đào về Hà Nội, tôi nhờ hai người mang vác đồ đạc giùm. Trước khi đi tôi tặng anh Bính cuốn Tự do của Roger Garaudy. Đưa tôi ra ga, anh Bính nói: “Mong anh đi một nơi nào khác không phải là một K điều dưỡng. Bọn mình sẽ gặp nhau, tôi sẽ vào Nam lại”.

Ngày 21.1.1975 tôi về đến Hà Nội, vất vả nhất là bọn tôi phải ôm đồ đạc từ ga Hàng Cỏ đến chợ Đồng Xuân để lên tàu điện về trường Chu Văn An (?) rồi từ đó đi bộ qua 11A Hoàng Hoa Thám.


11A Hoàng Hoa Thám – Cục đón tiếp cán bộ B, cái cổng mở toác hoác, đường qua cổng không có bực cấp mà chỉ là một cái dốc chuồi xuống. Tôi quá ớn và quá chán cái chỗ này rồi. Tôi vào gặp ông Phan Văn Thuận, Cục phó.

‘‘Anh mới về à? Mấy bữa ni tôi chờ anh. Thôi thế là tốt rồi.’’

Ông Thuận cho tôi biết là Tiểu ban văn nghệ miền Nam thuộc Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam xin tôi về Trại sáng tác B và các anh trên đã đồng ý. Ông Thuận bảo:

‘‘Tôi sẽ báo cho anh Doãn Triều và chị Ngọc Trai biết. Anh cứ ở lại đây. Cứ thong thả. Anh muốn đi đâu cũng được. Giấy tờ chuyển anh về đã xong hết. Đây, anh cầm lấy.’’

Tôi ra chỗ hội trường là nơi tạm nghỉ báo cho Thu và Đào biết. Đào nói:

‘‘Bọn em mừng cho anh.’’

Tôi cười, chắc là tôi còn nhiều gian nan nữa. Đào bảo Thu ở lại giúp tôi sắp xếp lại đồ đạc một chút, Đào có việc phải đi.

Trưa đó cả chị Trai và anh Doãn Triều đến.

‘‘Cảm ơn anh Triều và chị Trai vô cùng.’’

Chị Trai nói:

‘‘Điều quan trọng là cậu phải về với bọn mình cái đã. Sau đó thì thế nào hẵng hay.’’

Anh Triều:

‘‘Chỉ có cách đưa mầy về đây mới cứu được mầy. Mầy ở đây nghỉ. Sáng mai tao lấy ô tô đưa mầy về. Mầy sẽ để đồ đạc ở nhà bà Trai. Mọi việc sẽ sắp xếp sau.’’

Tôi nói:

‘‘Ngày mai tôi sẽ mang đồ đạc đến nhà chị Trai. Tôi sẽ nhờ bọn thằng Ngô.’’

Chiều hôm đó, tôi đến 56 Quán Sứ gặp thằng Ngô. Sáng hôm sau hằn với thằng Tình xuống 11A Hoàng Hoa Thám, chở đồ đạc của tôi về nhà chị Trai ở 6 Lý Thường Kiệt. Thấy tôi, thằng Ngô cười:

‘‘Răng rứa mi? Tụi hắn buông tha giả dớm mi rồi à? Thoát được, ở gần với bọn tao là vui rồi. Dù sao thì cũng đỡ khổ.’’

Thằng Tình nói:

‘‘Theo bà Trai thì mi coi như công tác A, nhưng vẫn hưởng chế độ B.’’

Thằng Ngô:

‘‘Tức là Ban Thống nhất với cái Cục đón tiếp vẫn quản lý mi.’’

Tôi cười:

‘‘Tao đã được thả ra đâu. Đời nào tụi nó chịu buông tha tao.’’

Buổi trưa hôm đó, thằng Ngô, thằng Tình và tôi ăn cơm ở nhà chị Trai. Tôi nói với chị Trai trong lúc chờ đợi sắp xếp việc làm, tôi ở chơi với bọn thằng Tình. Mới đầu anh Triều và chị Trai định đưa tôi ở một căn phòng nào đó của một đoàn văn công, nhưng đoàn này đi diễn xa chưa về. Sau đó, chị Trai bảo tôi tạm thời ngủ tại phòng làm việc của Tiểu ban văn nghệ miền Nam ở 51 Trần Hưng Đạo. Nhưng ở đó việc đi lại hơi vất vả, đi chơi khuya về kêu cửa rất khó, mà bạn bè đến gặp cũng quá phiền. Cuối cùng anh Triều và chị Trai đưa tôi về ở nhờ nhà anh Châu Đình Du trong khu tập thể bên ngoài phòng triển lãm Vân Hồ. Ngày 27.01.1975 tôi về nhà anh Du. Anh Châu Đình Du, người Huế là một nhà điêu khắc nổi tiếng ở Hà Nội. Vợ anh là người Hà Nội. Vợ chồng anh có hai đứa con gái còn bé và một đứa con trai đang ăn bột. Nhà anh chật. Anh cho tôi mượn cái ghế bố kê ở lối ra vào cạnh cái bàn tiếp khách nhỏ làm chỗ ngủ. Anh chị Du đi làm suốt ngày. Cả hai vợ chồng đối đãi với tôi rất tốt. Nói là ở trại sáng tác B, nhưng thật ra tôi cũng chẳng biết mặt mũi cái Trại sáng tác này như thế nào. Tôi biết anh Triều và bà Trai tạo điều kiện cho tôi về Hà Nội, thoát khỏi cái cảnh tù túng lâu nay của tôi. Công việc của tôi được giao là tìm đọc những bài viết về văn học và triết học ở miền Nam trên sách báo miền Bắc và ghi lại những nhận xét của mình.

Ông Bảo Định Giang, Ủy viên thường trực Đảng đoàn Văn nghệ, bảo tôi:

‘‘Chúng tôi đã tìm cách đưa anh về đây. Anh còn ở các K viện miền Nam là anh còn bị hành hạ, cho đến khi nào anh phẳng như tờ giấy… thế này.’’

Ông đưa bàn tay xa xa trên mặt bàn.

‘‘Chị Trai và anh Triều sẽ sắp xếp công việc của anh. Nếu có ai hỏi anh về đây làm gì, anh cứ bảo là hỏi chúng tôi. Chúng tôi là người chịu trách nhiệm về công việc của anh.’’

Chị Trai nói:

‘‘Nếu họ biết công việc của cậu, họ sẽ phản đối và gây khó khăn cho cậu.”

Tôi ăn cơm ở nhà ăn tập thể của Hội nhà văn, 49 Trần Hưng Đạo. Mọi tiêu chuẩn, chế độ ăn uống do Cục đón tiếp cán bộ B chịu. Tôi vẫn hưởng chế độ B, một tháng 21 đồng tiêu vặt. Hàng ngày thỉnh thoảng tôi đến tiểu ban văn nghệ miền Nam nói chuyện, mượn sách. Không vào thư viện, gặp lúc bọn thằng Ngô rảnh tôi đi chơi với chúng. Lâu lâu tôi về Hà Đông gặp thằng Lê Ích Đề (lúc này Lê Ích Đề đã ra công tác A, làm việc ở Ty giáo dục Hà Tây). Nơi tôi hay đến ngoài bọn thằng Tình, thằng Ngô là nhà bà Trai và nhà anh Triều. Nhà anh Doãn Triều ở phố Bà Triệu gần nhà anh Châu Đình Du, tối tối tôi hay sang uống nước nói chuyện. Tôi với thằng Ngô cũng hay ghé nhà Nguyễn Xuân Thâm ở Bà Triệu. Khi nào có hào, mấy đứa ra Cổ Tân hay các quán dọc đường uống bia hơi. Chen lấn bở hơi tai mới mua được mấy ly, đã thèm. Lúc này thằng Thái Ngọc San đi tham quan ở Hungary hay đi chữa bệnh ở Quế Lâm thì phải.

Tôi về Hà Nội gặp lúc các cơ quan làm việc thông tầm. Sáng nào tôi cũng dậy sớm đi bộ từ khu triển lãm Văn Hồ đến 51 Trần Hưng Đạo ăn cơm. Nhiều buổi sáng ăn không nổi, nhưng tôi không có cà mèn để bới nên buổi trưa đành chịu đói. Buổi chiều, có lúc đi chơi về trễ, nhà ăn đóng cửa, thấy cơm để trong tủ mà chịu. Vì làm việc thông tầm, nên mỗi khi đến thư viện, tôi mua một ổ mì nhỏ bán tự do, bốn hào, hoặc hai ba cái bánh rán, mỗi cái 2 hào để ăn trưa. Khi hết tiền thì nhịn.

Về Hà Nội tôi thoát được tình cảnh bị nhòm ngó của những người chung quanh. Ngoài những lúc đi chơi với bạn bè, tôi vẫn giữ thói quen đọc sách. Chỉ có về đêm tôi phải đi ngủ sớm để tránh gây phiền hà cho vợ chồng anh Châu Đình Du. Đó là điều cực khổ của tôi. Và, tôi viết, tôi làm thơ. Tôi muốn đọc lại những gì tôi viết, nhưng tôi không còn một cái gì hết, thơ tôi đã bị tịch thu. Tôi chỉ còn lại một bài duy nhất, bài “Chiến tranh nhân dân và đồng chí” chép trên tờ giấy croquis. Sau những ngày bị khảo tra ở K65, tình cờ tôi nhặt được tờ giấy đã bị vò nhàu này trong góc phòng dưới giường thằng Nguyễn Viết Trác. Lúc nhìn thấy bài thơ này tôi xúc động, như thể lâu nay mình đánh mất mình bây giờ tìm thấy mình. Tôi viết, tay tôi chưa cứng. Tôi viết, lâu quá, lâu quá, máu óc, tinh thần tôi không ra chữ được. Tôi phải bình tĩnh. Tay tôi chưa cứng, nhưng óc não và miệng lưỡi lâu nay bị nén lại, tôi chưa lấy được đà. Tôi ghi ở đầu 1 cuốn sổ tay:

Có một lúc lâu tôi không nhớ mình
ra ngoài đường gặp ai tôi cũng ngó
cứ vác mặt đứng như người lạ
không biết đi đâu không biết đi đâu.

Ở Hà Nội những ngày này tôi mang cái tâm trạng đó.

Không có điều chi buồn
không có điều chi vui
không mệt mỏi
không chán
không no
không bình thường
không quá độ
không biết mình đang đi đang ngồi đang nói đang thở
tôi không là gì hết.

(26.2.1975)

Tôi muốn được yên ổn. Những cơn dạ dày thỉnh thoảng lại hành hạ tôi toát mồ hôi. Tôi uống Atropine, trước 1 ống, bây giờ phải 2 ống mỗi khi đau. Loáng thoáng một hai lần tôi thấy một người tên Sung trên 40 tuổi thường đội mũ cát dạ màu đen ở 51 Trần Hưng Đạo. Có lần thấy tôi ở trong đi ra, hắn đứng phía ngoài đường một bên cửa hông ra vào ngó chăm hăm tôi. Tôi nhìn hắn như hắn là ai. Anh Triều nói: “Thằng Sung hỏi tao: hiện nay mày làm gì? Hắn nói với giọng dọa dẫm. Tôi báo cho các anh biết, Cục 78 vẫn theo dõi thằng Đính đó. Tao bảo hắn, việc của các anh các anh cứ làm’’. Tôi nói với anh Triều và chị Trai: “Tôi chẳng sợ gì cả. Đằng nào thì tôi cũng bị đối xử như một con vật rồi. Tôi phải sống để gặp mẹ tôi”.

Từ những ngày đầu tháng 3, sau khi quân giải phóng đánh chiếm Buôn Mê Thuột, ngày nào ở Tiểu ban Văn nghệ miền Nam cũng đông người. Các văn nghệ sĩ tấp nập đến đây để xin vào Nam, trong số này có những người mới ở chiến trường ra chữa bệnh hoặc an dưỡng. Mặt mày ai cũng hớn hở. Người nào cũng nói tiếng to và cười luôn miệng, chuyện nói là xoay quanh của cải, vật chất ở các đô thị miền Nam, vùng hiện bị địch tạm chiếm.

Những ngày tháng 3 này chúng tôi thường gặp nhau ở nhà chị Trai, nhà anh Triều, ở quán cà phê hầm Trần Hưng Đạo. Sau ngày 26.3.1975, ngày Huế được giải phóng, chúng tôi gặp nhau hầu như hàng ngày. Lúc này San, Quê đang tập trung ở K10 chuẩn bị vào Huế, nhưng thường xuyên có mặt ở Hà Nội.

Những ngày này Hà Nội ồn ào. Ở 51 Trần Hưng Đạo, người ta xúm bên cái radio bán dẫn, chúi đầu, chổng tai, la hét, nghiến răng, vỗ tay, hoan hô, chửi đổng. Người ta sướng, người ta nhảy, người ta cười. Có được một miền Nam Mỹ ngụy để lại là miền Bắc có thêm của cải vật chất. Các văn nghệ sĩ háo hức muốn vào Nam ngay để viết, vẽ, làm thơ, làm nhạc. Miền Nam sẽ có nhiều đề tài, miền Nam sẽ là chất men để sáng tạo.

Lúc đó tôi ghi: ngày 23.3.1975, BBC nói: “Huế gần như trống không, không chợ búa”.

Huế, im và câm.

Thành phố: nhà, tường và ngói, những phết sơn bất động
đường cứ dài, mất và đứt ở đầu xa
người chạy trốn vội vã;
người ở lại: những con mắt sau khe cửa – những cái tròng giả
im lặng, câm chờ
những cái đầu quay lại
những con mắt quay lại, không có nước mắt
thù ghét
căm giận
tủi hờn
nhục nhã
hy vọng
chết

ngục
không khóc
không cười
không la hét
Cách mạng
Chiến thắng.

Ngày 28.3.1975, trong buổi phát thanh 21 giờ 30, đài tiếng nói Việt Nam đưa tin: 3000 người ở Thừa Thiên theo nhau lên tàu chạy trốn, tàu chìm, chết hết. Tin loan theo các hãng thông tấn phương Tây. Cô phát thanh viên khi đọc tin này, giọng tàn nhẫn. Cô cố nhấn mạnh con số 3000 nhằm tố cáo tội ác của Mỹ ngụy, nhưng lạnh quá, tàn nhẫn quá. Nghe tin này, một nhà thơ nổi tiếng lâu nay buột miệng: “Đồ ngu”.

Thời gian này, cán bộ miền Nam ở các viện điều dưỡng lục tục tập trung về K15, K10 chuẩn bị vào Nam. Khoảng đầu tháng 4, Thái Ngọc San, Võ Quê vào Huế. San gửi thư ra cho tôi báo là có về nhà tôi và đã gặp mẹ tôi. San nói là tôi phải tìm cách mà vào, trong này (Huế) không có vấn đề gì nghiêm trọng đối với trường hợp của tôi. Đúng lúc đó, một số cán bộ văn nghệ của Thừa Thiên Huế ra Bắc chữa bệnh và dưỡng sức hiện ở trại sáng tác B đang làm thủ tục vào Nam. Nhân đó, anh Doãn Triều thảo một công văn [1] gửi Ban Thống nhất trung ương và Cục đón tiếp cán bộ B xin cho tôi đi cùng với những người này. Tôi cầm công văn lên Cục đón tiếp cán bộ B gặp ông Phan Văn Thuận, Cục phó và ông Hai [2] . Hai ông đồng ý. Đầu tháng 4.1975, tôi cùng một lần với những anh em quen biết là Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đệ được chuyển về K15 ở thị xã Hà Đông để bồi dưỡng và chờ ngày vào Huế. Đến K15 vài ngày, tôi sang Ty Giáo dục Hà Tây bảo thằng Lê Ích Đề lên Cục xin vào Nam ngay. Cục đón tiếp đồng ý và hắn về K15 ở cùng phòng với tôi.

Những ngày chờ đợi ở K15 thỉnh thoảng tôi về Hà Nội kiếm thêm một ít sách để vào Huế tặng bạn bè. Ngày đi chưa biết, nhưng có thể đi bằng máy bay. Nếu đi máy bay mỗi người ngoài ba lô, túi sách tay, có thể mang theo thêm 20 kg nữa. Ngoài những thứ cần dùng lúc đi đường tôi bỏ vào ba lô, còn toàn bộ là sách. Tôi đựng sách trong một cái bao lớn và lấy một cái ba lô cũ cắt hết quai và túi ngoài bỏ sách vào, thắt miệng lại, nặng, nhưng vẫn là túi xách.

Ngày 6.4.1975, ông Bảo Định Giang, Ủy viên thường trực Đảng đoàn văn nghệ gửi công văn cho Cục đón tiếp cán bộ B và K15 đề nghị “sắp xếp cho tôi, Tô Nhuận Vỹ, Quang Hà, Nguyễn Đệ được vào Huế gấp trong đợt đầu tiên vào ngày 18.4.1975” để kịp triển khai công tác. Anh Triều và chị Trai sợ có những trắc trở bất lợi cho tôi nếu ở K15 dài ngày. Nhưng rồi đợt đó chúng tôi không đi được.

Khoảng sau ngày 20.4, tôi về Cục đón tiếp nhận sinh hoạt phí. Tôi gặp ông Hai.

‘‘Anh cho tôi nhận quyết định sinh hoạt phí để lãnh tiền.’’

Ông Hai nhìn tôi ngậm ngự một lát, kéo hộc bàn rồi đóng lại, nói:

‘‘Chiều, chiều hai giờ cậu lại đây.’’

‘‘Người nào cũng nhận tiền lâu rồi mà tôi vẫn chưa có.’’

Ông Hai:

‘‘Ờ, ờ, thì chiều, chiều…’’

Chiều tôi đến. Ông Hai nói:

‘‘Quyết định sinh hoạt phí của mi có lâu rồi, vẫn là quyết định cũ, 50 đồng. Với mức lương này khi vào Huế sẽ không có lợi cho mi cả về mặt chính trị và về việc xếp lương cho mi sau này. Ông Bảo Định Giang có gửi công văn đề nghị xếp cho mi 68 đồng trước khi vào Nam. Nhưng Ban thống nhất không đồng ý. Mấy lần tao định đưa quyết định cho mi, nhưng nghĩ cũng tội mi. Tao nghĩ thôi mi cứ vô Huế đi, không cần quyết định nữa, sau răng đó hãy hay. Nhưng không có quyết định thì mi không có tiền đi đường. Thôi, tao cứ đưa cho mi, ít ra mi cũng có được vài chục.

Ông Hai đưa cho tôi bản sao Quyết định số 1097/QĐ của Ủy ban thống nhất do Phó chủ nhiệm Phan Triêm ký ngày 31.12.1974 (Bản sao do Cục phó Võ Công Nghị ký ngày 1.1.1975). Vẫn là Quyết định cũ, xếp tôi 50 đồng sinh hoạt phí.

Sáng 28.4.1975, đoàn đi Nam được thông báo: 10 giờ sáng 30.4.1975, đoàn sẽ lên đường tại sân bay Gia Lâm. Máy bay sẽ hạ cánh tại sân bay Phú Bài, Huế. Sau đó, các đoàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… sẽ đi đến địa phương của mình bằng ô-tô. Để tránh bị tắc đường ở cầu Long Biên, 3 giờ sáng ngày 30.4, đoàn sẽ xuất phát.

Ngày 29.4.1975, 17 giờ 20, còn 10 phút nữa là hết giờ làm việc, một ông bước nhanh vào phòng tôi ở, qua khỏi cửa dừng lại, ngó quanh. Đó là ông trưởng đoàn của đoàn Thừa Thiên. Thấy tôi, ông ta bước thêm ít bước nữa. Ông ta chỉ tay vào mặt tôi:

‘‘Ngày mai anh ở lại, anh không đi nữa. Có lệnh đình chỉ chuyến đi Nam của anh.’’

Tôi hỏi ngay:

‘‘Vì sao?’’

‘‘Tôi không biết, đó là lệnh trên. Tên anh đã bị gạch trong danh sách của đoàn.’’

Hết giờ làm việc rồi. Tôi có chạy đi kêu cứu ở Hà Nội cũng không kịp. Mấy thằng Vỹ, Hà, Đệ nhìn tôi chỉ “ủa” một tiếng. Tôi lên văn phòng. Văn phòng K đóng cửa. Văn phòng Đảng ủy cũng đóng cửa. Tôi xuống nhà ăn, chỉ có mấy người phục vụ đang dọn dẹp. Tôi quay lại văn phòng, cũng không có ai. Tôi hỏi một người làm việc trong K tình cờ đi qua. Cô ta bảo: Các ông về nhà hết. Vô ích, chẳng được gì đâu. Tôi trở về phòng. Thằng Phương, phóng viên quay phim mới tập trung để di chuyển sau, nói:

‘‘Tôi biết trước rồi là ông Đính không được đi. Trưa nay, đến văn phòng Đảng ủy có việc, tình cờ tôi nghe mấy ông nói với nhau rồi.’’

Mấy thằng Vỹ, thằng Hà, thằng Đệ, đứa nào cũng: “tại sao thế?”, “vì sao nhỉ”, “sao lại có chuyện này?”… chẳng có đứa nào bận tâm thêm nữa, đứa nào cũng lo sắp xếp đồ đạc để sáng mai đi sớm.

Ba giờ sáng ngày 30.4.1975, tôi đưa mấy đứa ra xe. Xe chạy, có đứa nói với: “Ở lại mạnh khỏe nghe!”.

Tổ cha bây.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 30.4, một vài người mang vác ba lô, đồ đạc vào phòng. Người chỉ dẫn, nhân viên của K15, bảo tôi:

‘‘Anh mang đồ đạc đi nơi khác, để chỗ này cho người khác nằm.’’

‘‘Đi nơi khác là đi chỗ nào?’’ Tôi sấn lại trước mặt anh ta.

‘‘Tôi không biết.’’

Tôi không nói thêm với hắn nữa. Tôi lên văn phòng. Ông Thiệt, trưởng K đang đứng trước cửa ra vào. Tôi hỏi liền:

‘‘Tại sao các anh lại không cho tôi đi?’’

Ông ta nói:

‘‘Tôi không biết, đó là lệnh trên.’’

‘‘Thế bây giờ tôi ăn ở ở đâu?’’

‘‘Chúng tôi xem như anh đã vào Nam. Anh không có tên ở K15 nữa. Chúng tôi không có trách nhiệm gì về anh hết.’’

Tôi tức tối:

‘‘Ông nói cái gì lạ thế?’’

Ông ta khiểng cái chân gỗ quay vào phòng:

‘‘Anh lên Ban thống nhất mà hỏi.’’

Tôi về phòng thì thấy ba lô đồ đạc của tôi đã dồn đống trong góc dưới sàn nhà. Một thằng cha nào đó ló mặt vào:

‘‘Anh Đính lên phòng làm việc.’’

Hắn đưa tôi đến văn phòng Đảng ủy. Một ông mặt to, người béo ngồi sẵn sàng ở đó. Tôi biết rồi, ông ta là ủy viên thường vụ Đảng ủy phụ trách tổ chức. Ông ta nói giọng Quảng Nam.

‘‘Anh ngồi xuống đó. Tôi báo cho anh biết hiện nay anh không được ở đây nữa. Chúng tôi coi anh như đã vào Nam.’’

Tôi nói to:

‘‘Tôi không nói với anh. Tôi không cần phải gặp anh. Anh không có quyền gọi tôi đến đây.’’

Ông đứng dậy:

‘‘Tại sao tôi lại không có quyền. Tôi là trưởng ban tổ chức, anh nên nhớ như vậy.’’

Tôi cười:

‘‘Anh là trưởng ban tổ chức của Đảng, mắc mớ gì đến tôi.’’

Tôi bỏ đi ra ngoài. Ông ta nói giọng giận dữ:

‘‘Tôi biết anh là ai rồi?’’

Tôi quay lại, đứng trước bàn, chỉ tay vào mặt ông ta:

‘‘Tôi là ai, anh nói nghe nào? anh dọa tôi hả?’’

Ông ta hừ hừ. Tôi bỏ đi ra. Về phòng, tôi mang đồ đạc gửi cho Hoàng Thị Thọ ở một dãy nhà gần đó. Thọ ở Huế vừa mới ra, chuẩn bị đi học một lớp gì đó. Tôi về Hà Nội. Chị Trai, anh Triều thấy tôi thì chưng hửng. Anh Triều nói:

‘‘Mấy thằng cha ở K15 chơi mầy đó. Tụi nó ghét mầy.’’

Chị Trai lắc đầu:

‘‘Tụi thằng Vỹ, thằng Hà, thằng Đệ quá tệ, chẳng có phản ứng gì cả. Nếu mầy ở K10 mà bị như thế, thằng San, thằng Quê cũng bỏ ba lô xuống không đi, đấu tranh cho kỳ được.’’

2 giờ chiều tôi xuống Cục đón tiếp, nhưng không gặp ông Thuận. Tôi ghé qua thằng Ngô. Thằng Tình và thằng Ngô thấy tôi cũng ngã ngửa ra.

‘‘Tưởng bở, cứ tưởng bở!’’

‘‘Nguyễn Đính đi Nam, đánh dấu than một cái! A ha!’’

Thằng Ngô lắc đầu:

‘‘Tụi hắn chơi quá hiểm mi hí. Kêu trời không thấu.’’

Chiều, tôi đến nhà ông Thuận. Ông Thuận nói:

‘‘Đây là do mấy cha ở K15 tự tiện không cho mi đi. Tao có biết gì đâu. Nếu biết sớm thì có thể can thiệp được.’’

‘‘Gần hết giờ làm việc họ mới báo cho tôi biết.’’

Ông Thuận chắc lưỡi:

‘‘Tao sẽ tìm cách đưa mi về Huế.’’

Ngày 9 hay 10.5.1975 tôi về K15 với giấy giới thiệu của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam:

Ban thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam xin giới thiệu đồng chí Nguyễn Đính là cán bộ trại sáng tác B đến K15 hỏi ngày và phương tiện đi lại. Nếu K15 không giải quyết được phương tiện xin cho biết lý do và trả lời bằng công văn. Yêu cầu các đồng chí giúp đỡ đồng chí Đính làm tròn nhiệm vụ.

Hà Nội, ngày 8.5.1975
TL Ban TV Hội LHVHNT VN
Nguyễn Xuân Bàng

Ông Thiệt, trưởng K15, nói:

‘‘Tôi đã nói với anh rồi. Chúng tôi không có trách nhiệm gì với anh nữa. Anh lên Ban thống nhất mà hỏi.’’

Hai ngày sau, tôi đi với chị Trai về K15. Chị Trai vào gặp ông Thiệt. Chị kể:

‘‘Mình báo cho ông ta biết rằng, chính ông và ban lãnh đạo K15 đã tự tiện không cho cậu đi. Cục đón tiếp và Ban Thống nhất không biết gì về chuyện này. Mình nói, không cho đi, các anh cũng không nói lý do tại sao. Đã không cho đi, các anh lại không cho người ta ăn ở. Thế bây giờ anh Đính sẽ sống như thế nào? Mình làm một trận thật dữ. Nếu các anh cho thằng Đính là phản động, các anh cứ bắn chết nó đi. Các anh đừng hành hạ người ta như thế”.

Tôi về Hà Nội để đồ đạc ở nhà chị Trai, sống lang thang với thằng Ngô. Thỉnh thoảng tôi đến nhà chị Trai, anh Triều, tạt qua nhà Nguyễn Xuân Thâm ăn cơm, ngủ.

Kệ cha mệ nội, có ra sao thì ra. Tôi cũng chẳng ngọ ngoạy gì được. Tôi thường ăn cơm với thằng Ngô, những bữa cơm tồi tàn, dộng vào cho đầy bụng, rồi ra khỏi nhà ăn, vác mặt ngó cây cối Hà Nội lá xanh màu ngọc. Những bữa cơm tập thể, những bữa cơm làm tê liệt sức phản kháng, chống đối. Thần kinh, sinh lý đều mỏi mệt, lỏng ra hết cả, tê ra hết cả. Ăn cho có ăn, nói là đã ăn. Đến nhà ăn, không nhìn ai, không hỏi ai, chìa phiếu lấy phần, cái muỗng trong túi, cúi mặt ăn, nuốt, nghỉ một lát, ngó mặt vào khoảng không, xọc xọc cái muỗng vào cái tô men, rau, đậu phụ, su hào, bắp cải, magi, ngậm miệng lại nuốt những thứ còn lại trong miệng, rồi cúi đầu, xúc, ăn. Rồi một bữa, đã ăn rồi. Ra vòi nước, rửa muỗng bỏ vào túi áo, túi xách. Về phòng nằm một chút, đi làm. Sáng, trưa, chiều lại như thế.

Ăn cơm với thằng Ngô cũng kẹt. Hắn có tiêu chuẩn. Tôi thì chẳng còn mấy đồng, lại không có tem gạo. Nhiều bữa tôi lang thang ngoài phố, buổi sáng ăn một bát mì nước hai hào, no. Thằng Ngô nói: mi liệu thế nào, chứ sống thế này thì ăn ở ra sao đây. Tôi làm thinh. Thằng Ngô thường đưa tôi đến nhà bà Thúy Hà ở khu tập thể của Công ty quốc doanh phát hành phim nói chuyện chơi. Có lần bà Hà lục túi xách của thằng Ngô thấy có một ổ bánh mì, bà lắc đầu:

‘‘Cái ông Ngô, ông Đính này, cứ bánh mì thế này thì sống sao nổi. Trưa nay hai ông ở lại đây ăn cơm. Tôi mới mua gạo đấy.’’ Bà mở nắp cái thùng thiếc để trên đầu giường:

‘‘Đấy, gạo đấy. Các ông thấy chưa? Trưa nay tôi đãi hai ông ăn cơm, không độn đâu nha!’’

Bà Hà nói chuyện rất vui, giọng bao giờ cũng dữ dằn, nóng nảy đầy vẻ chống đối.

Bà nói:

‘‘Mấy thằng ở bên Tây về bao giờ cũng giở cái giọng dạy đời, động viên lên lớp bọn này. À, các anh các chị phải biết hãnh diện mình là những người Việt Nam được sống ngay trên đất nước mình vào thời đại này… Đủ thứ chuyện. Nói gì chúng nó cũng không chịu nghe, chịu hiểu. Chỉ khi về nhà bọn mình thấy những bữa ăn như thế này chúng nó lại tỏ ra ngơ ngác, chẳng hiểu gì cả.’’

Bà quay sang chuyện khác:

‘‘Bây giờ miền Nam của các ông đã được giải phóng rồi. Các ông vào sẽ thấy, những đám thanh niên nam nữ cứ ùa ra đường, nhảy cỡn lên, reo hò: ‘như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…’ và rồi sau này sẽ sáng mắt ra… như bọn này hồi năm tư.’’

Tôi nhớ một lần quá tức cười và cũng quá cực cho tôi với thằng Ngô. Hôm đó hai đứa tôi đi chơi đến hơn 8 giờ tối mới về 6K, nơi ở và ăn tập thể của đài Giải phóng. Thằng Ngô nói:

‘‘Tao có báo cơm cho mi rồi.

Nhà ăn vắng và tối, ghế đã để lật ngửa lên bàn. Chỉ còn một ngọn đèn không sáng lắm và một cái bàn ăn có đậy lồng bàn trong góc phòng gần cửa ra vào nhà bếp. Tôi và thằng Ngô ngồi xuống. Thằng Ngô giở lồng bàn.

‘‘Răng nhiều và ngon rứa mi?”

Thằng Ngô hất cái đầu lên ngúc ngúc:

‘‘Hôm nay ăn tươi! Mi không biết à?“

Ăn tươi là ăn sướng và có thịt! Chừng được nửa bữa ăn, một bà ở sau bếp chạy lên. Tôi nghe tiếng cái cán chổi vất cạch xuống nền nhà. Bà ta nhảy dựng lên:

‘‘Chết tôi rồi, ông Ngô ơi! Những 4 phần đấy, ông Ngô ơi! Làm sao bây giờ đây, ông Ngô ơi!’’ Thằng Ngô cũng sững ra. Hắn ngừng nhai, nhướng mắt lên:

‘‘Tôi có biết đâu, cứ tưởng 2 phần. Sao bác không ghi lên bàn cho tôi biết. Thôi được, bọn tôi ăn lỡ rồi, để tôi đền sau.’’

Bà ta cứ la lên:

‘‘Đền, sao mà đền được. Bây giờ đêm hôm tôi đào đâu ra 2 suất thức ăn chứ? Mà hôm nay lại ăn tươi, mới chết tôi chứ!’’

Hai đứa tôi cứ ăn, lỡ rồi. Về phòng thằng Ngô nói:

‘‘Đã mi hí!”

‘‘Quá no!”

Đầu tháng 5, chị Trai cho biết là sẽ có một đoàn cán bộ của Hội Văn nghệ Việt Nam đi vào Nam do nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm trưởng đoàn. Ngày 5.5.1975, anh Doãn Triều đã viết thư cho ông Phan Văn Thuận nhờ ông nói với ông Hưng, Cục trưởng Cục đón tiếp xin ông Đặng Thí cấp cho tôi một giấy giới thiệu để tôi có thể đi phép với đoàn của Hội Văn nghệ. Tôi đã gặp ông Thuận hai ba lần. Ông nói:

‘‘Ở đây người ta xem danh sách của mầy đã chuyển vào Huế trong chuyến đi ngày 30.4. Tao sẽ cố gắng giúp mi.’’

Tôi đoán ông Thuận có cấn cái gì đây trong việc này. Không có đầy đủ giấy tờ, tôi khó đi được và vào Huế sẽ gặp nhiều rắc rối. Anh Triều nói:

‘‘Tao đi khắp, cục trưởng, cục phó gì cũng bảo: giấy tờ của mầy đã chuyển về Huế. Tao đề nghị họ cho một công văn xác nhận điều đó, họ không làm.“

Ngày 19.5.1975, Đảng đoàn văn nghệ có gửi cho ông Phan Triêm, Phó chủ nhiệm Ủy ban thống nhất, một công văn như sau:

Kính gửi:

Đồng chí Phan Triêm
Ủy ban thống nhất của Chính phủ

Sau khi nghiên cứu thẩm tra trường hợp đồng chí Nguyễn Đính, chúng tôi xét thấy không có vấn đề gì quan trọng, đây chỉ là vấn đề cũ ở K như các đồng chí biết mà thôi.

Chúng tôi xét thấy có thể đưa đồng chí Đính trở về công tác ở Huế tùy theo sự phân công của địa phương. Vậy trân trọng đề nghị các đồng chí giải quyết thủ tục cho đồng chí Nguyễn Đính có thể kịp đi theo đường giao liên của đoàn cán bộ Hội Văn nghệ chuyến chiều ngày 21.5.75.

T.M Đảng đoàn Văn Nghệ

U.V Thường trực

Bảo Định Giang


Tôi lại đi gặp ông Thuận. Ông Thuận nói:

‘‘Chịu. Tao cũng hết sức với mi đó. Mi cứ đi theo đoàn Văn nghệ. Miễn là mi đến Huế. Đính ơi, tao mong mi qua khỏi cầu Mỹ Chánh, qua khỏi cầu Mỹ Chánh là cứt hết, ỉa hết. Thôi mi đi mạnh giỏi.”

Chỉ có cách đi duồng với đoàn của Hội Văn nghệ, tôi mới vào Huế được. Chị Trai và anh Triều muốn làm cho tôi yên tâm. Mi cứ đi không can chi đâu.

Tối 20.5.1975, tôi ở lại nhà chị Trai. Thằng Tình, thằng Ngô thấy tôi cả hai đứa đều cười to:

‘‘Được đi thiệt hả mi?’’

Hai đứa nói chuyện với tôi tới khuya mới về.

‘‘Thôi mai đi mạnh giỏi.’’

Thằng Tình cho tôi 10 đồng, thằng Ngô cho 10 đồng. Thằng Xuân tới sau cùng cho 10 đồng. Sáng mai, chị Trai dúi vào tay tôi một xấp, có tới ba bốn chục. Lúc này tôi chẳng có đồng nào hết.

Sáng sớm 21.5, tôi ra 51 Trần Hưng Đạo. Khoảng 7 giờ một chiếc ô tô con đến, có 4, 5 người đã ngồi ở trong. Trong số này tôi có quen một vài người. Trưởng đoàn là ông Đỗ Nhuận không biết lý do gì không đi. Ông Chế Lan Viên đến tiễn anh em, thấy tôi, cười:

‘‘Bà Trai, ông Triều tài thật. Thế là anh Đính đi được rồi.’’

Thằng Ngô và thằng Tình lay hai vai tôi, cầu mong tôi đi trót lọt.

Anh Triều và chị Trai lên xe đưa đoàn đi. Khi chúng tôi đến Giáp Bát, một đoàn tàu quân sự đã đậu sẵn ở đó. Tàu sắp chạy, chị Trai bảo:

‘‘Mình mong rằng trên đường đi mình không nhận được một cái điện nào ách cậu lại.’’

Anh Triều trước khi xuống tàu bảo:

‘‘Tao gửi lời thăm mạ.’’

Rồi anh bỏ vào tay tôi một gói giấy nhỏ, tôi biết anh cho tôi tiền.

‘‘Đến Huế là viết thư báo cho tụi mình biết ngay nghe.’’

Tàu chạy. Mỗi lúc tôi mỗi xa dần Giáp Bát. Tôi xúc động. Người tôi như rung lên. Tôi bàng hoàng ngơ ngác. Tôi vui và tôi sợ, tôi lo. Không ai ở trong toa tàu cùng đi với tôi biết tâm trạng của tôi lúc này. Họ đang náo nức về một chuyến đi xa hoàn toàn kỳ lạ chưa từng có trong cuộc đời họ. Cả thảy là 17 người, họ là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, cán bộ giáo dục, văn hóa… Không có ai là người Huế, có một người quê ở miền Nam, nhưng sau năm 54 tập kết ra Bắc. Tôi có quen 1, 2 người, trong đó có anh Ngô Văn Phú một người làm thơ tiếng tăm ở Hà Nội. Suốt dọc đường đi tôi hay nói chuyện với Ngô Văn Phú. Quân số trong giấy tờ là 32, nhưng có lẽ những người kia vì biết chuyến đi này vất vả qua nhiều trạm bằng nhiều phương tiện khác nhau nên không đi.

Tàu chạy, tôi cứ không yên trong bụng. Tàu dừng ở một ga nào đó tôi nhấp nhỏm. Tôi chỉ có một giấy giới thiệu do ông Bảo Định Giang ký. Cứ mỗi lần tàu dừng, cứ mỗi lần có người đi qua tôi cứ phập phồng. Tôi sợ bị lôi cổ xuống. Nhưng suốt ngày hôm đó chỉ có một lần người kiểm soát vé xem giấy của đoàn. Đến Vinh, chúng tôi vào trạm nghỉ đợi xe. Chúng tôi được phân tán ở trong nhà dân. Người phụ trách trạm thông báo cho đoàn biết: tất cả đồ đạc, quân trang phải quân sự hóa để khi có xe là đi ngay; phải đề cao cảnh giác, coi chừng bọn trộm cắp, nhất là khi lên đường vào lúc tảng sáng; phải đề phòng kẻ gian có thể giả gây ra những đám cháy hoặc những vụ ẩu đả để thừa cơ dễ bề trộm cắp đấy.

Ngày đi càng kéo dài, càng qua nhiều trạm càng chờ đợi, tôi càng lo. Đang nằm đu đưa trên võng, một người ở trạm bước vào thông báo một điều gì đó, tôi giật mình. Đang ăn cơm, ông trạm trưởng đi ngang qua nhìn vào, tôi ngừng nhai, bỏ chén xuống. Biết đâu mình bị chận lại giữa đường. Ở một binh trạm cuối cùng, đoàn phải chờ hơn 2 ngày mới có xe. Lần này, vì không có xe lẻ, chúng tôi phải đi ghép theo một đoàn xe bộ đội chuyển quân. Xe chúng tôi đi không có mui trần và đi gần sau cùng. Chúng tôi ngồi bệt giữa sàn. Sắp qua cầu Bến Hải, cả đoàn xe dừng lại. Không biết có chuyện gì đây? Đây vẫn là miền Bắc, mình vẫn có thể bị bắt và buộc phải quay về Hà Nội. Một vài người đứng dậy nhìn ra trước. Tôi vẫn ngồi yên, lấy thuốc hút. Tin được chuyển từ xe chỉ huy dẫn đầu: qua miền Nam, đường tốt, không được chạy nhanh, phải giữ đúng cự ly. Xe qua cầu Bến Hải. Gió mát. Tôi đứng dậy nhìn chung quanh. Bên kia là miền Nam. Xe qua cầu, xuống dốc. Chạy một đoạn xe dừng lại. Hàng quán hai bên đã khác, màu sắc đã có xanh đỏ tím vàng, lủng lẳng cái treo, cái xếp chồng, trong tủ, trên sạp… Và lần đầu tiên tôi thấy những cô gái đội mũ mặc đồ bộ. Vài người trên xe nhảy xuống. Tôi bước vào một cái quán. Hàng hóa lạ mắt. Tôi hỏi mua một bao Bastos xanh. Biết tôi là ở miền Bắc vào bà bán hàng nói giá tiền Bắc, hình như 5 hào thì phải. Xe chạy. một người trên xe chỉ xuống đường.

‘‘Kìa, xe hoong đa!’’

Và cũng là lần đầu tiên tôi thấy một chiếc xe Honda.

Sắp qua hết Quảng Trị rồi. Đoạn đường này trong trí nhớ của tôi chỉ mơ hồ; thị xã Đông Hà loáng thoáng còn lại cờ và khẩu hiệu. Ở một đoạn trống hai bên nhà cửa thưa thớt mới dựng vội vã bằng gỗ, tôn, gót cũ chắp vá, một đoàn người mặc quần áo lính ngụy lếch thếch, người có mũ, người vấn khăn trên đầu, người đi giày, người đi dép, người nào cũng có một cái bọc nhỏ mang, xách trên lưng trên tay, rải rác bên cạnh là những anh bộ đội mang súng đi kèm. Tù binh. Đoàn người đi ngược chiều với xe chúng tôi, phía bên phải sát lề đường. Họ lầm lũi như những cái bóng màu đất đen, trước mặt là một vùng đất trống, cát và cây dại, không xa lắm là núi. Tôi cứ cố nhìn những cột cây số. Trời, cầu Mỹ Chánh, cầu Mỹ Chánh! Xe qua cầu rồi, xe qua cầu rồi! Tôi thoát thiệt rồi à? Tôi vui, tôi sướng, tôi hết phập phồng. Có bị lôi cổ xuống đây thì cũng cứt hết, chẳng có chi mà sợ nữa. Đã tới An Lỗ, bên kia là Sịa, nhất Huế nhì Sịa. Tôi mở bi đông ực một ngụm nước. Xe xóc, nước tràn cả mặt mũi, chảy xuống cổ. Tôi mát. Trường trung học Hương Điền rồi. Tôi thấy núi Kim Phụng, độn Ngang và dốc Kết Nghĩa mà dưới chân dốc này tháng 6.1966 tôi đã bị thương. Và cầu An Hòa, bên kia là đường xe lửa và ga An Hòa. Một tấm bảng to bằng xi măng đựng bên đường: ĐỊA PHẬN THÀNH PHỐ HUẾ, chữ trắng trên nền lục đậm.

‘‘Đến Huế chưa?’’

Tôi nói.

‘‘Coi như đây là Huế rồi.’’

Nắng, trời nắng như nắng to của những ngày tháng 11. Mây đục nên không chói. Tôi cứ tưởng là xe sẽ qua đường Trịnh Minh Thế rồi qua cầu Trường Tiền. Xe đi thẳng, qua cầu Giả Viên. Nước chảy dưới cầu, cứ xuôi nữa là Vỹ Dạ. Ông trưởng đoàn nói với lái xe đổ chúng tôi ở Ga Huế. “Biết rồi, tôi đã đi lại nhiều lần trên tuyến đường này”. Xe dừng lại. Chúng tôi vội vã xuống xe. Cảm ơn đồng chí lái xe. Có 2, 3 người đi thẳng về trạm Phú Bài để đi Quảng Nam. Tôi, ông Ngô Văn Phú và một người nữa đi bộ về 26 Lê Lợi để xin xe lên đón đoàn. Tôi đã ngửi được cái mùi của Huế. Quen mà lạ. Trong lòng tôi cứ lao xao như lá long não lao xao hai bên đường tôi đi với những tiếng nói quen thuộc chung quanh. Và con sông trước mặt, con sông mà cách đây 10 năm mỗi buổi chiều từ Hải Cát trở về cơ quan C90, tôi với Nguyễn Thiết ngồi trên đỉnh Ba Dốc, bên chân núi Kim Phụng chỉ thấy thấp thoáng qua những rặng cây. Trường Pellerin, Cư xá giáo sư đại học, Phủ Thủ hiến, ngã 3 qua cầu Nam Giao lên Từ Đàm, rẽ vào chùa Vạn Phước là nhà của ngoại tôi. Trường Luật, trường Quốc học, trường Đồng Khánh, Thừa Phủ, tỉnh đường. Bệnh viện Huế là lạ và mới đối với tôi. Đến đây, đường Lê Lợi sáng ra và bị cắt bằng một khoảng rộng.

‘‘Cầu gì đây?’’

Tôi nói:

‘‘Chắc là Cầu Mới.’’

Lúc tôi đi chưa có cầu này. Hết Cercle, Trung tâm Văn hóa Pháp, Thư viện Đại học, một đoạn qua khỏi trường Thành Nhân nữa là đến 26 Lê Lợi, trụ sở của Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên – Huế. Người quen có, người lạ có, gặp ai tôi cũng mừng, cũng cười, cũng vui. 26 Lê Lợi cho một chiếc ô tô lên ga chở đoàn về. Tôi nhờ Võ Quê điện báo cho Thái Ngọc San. Quê bảo San đi vắng và có nhắn lại. Tôi mượn Quê chiếc xe đạp đi về nhà liền. Tôi chỉ mang theo cái ba lô, còn mấy bao sách gửi cho Quê. Lúc này khoảng 3 giờ chiều ngày 25.5.1975.


Con đường Thuận An cao hơn và rộng ra. Hai bên đường không có gì thay đổi lắm. Tôi ghé vào quán chị Thuận. Chị Thuận la lên:

‘‘A, thằng Đính đây nì!’’

Những năm tôi thi thành chung và tú tài, lúc đi coi bảng về ngang qua quán chị, chị hỏi: ‘‘Răng, Đính?’’ Tôi ngúc đầu. Chị vội vã chạy ra chợ báo cho mẹ tôi biết: “Thằng Đính đậu rồi”.

Tôi vào xóm. Đoạn đường này trước kia đâu có rải nhựa. Tôi rẽ trái, đường đất như cũ. Hình như chiều hôm qua ở đây có mưa. Nhà cửa vẫn như cũ, có một vài nhà xây lại. Đến nhà tôi rồi. Vẫn hàng chè tàu; hai cột trụ vàng mốc rêu. Mấy hòn đá kê làm bậc cấp vẫn còn, trong đó có một hòn như con số một lùn cụt nằm giữa. Bốn năm đứa nhỏ đang chơi dưới gốc cây vú sữa. Những đứa nhỏ ngưng chơi vây quanh tôi. Ngôi nhà bây giờ so với ngôi nhà trong trí nhớ của tôi còn lại nhỏ đi rất nhiều. Cây vú sữa che kín gần hết sân. Và mặt trước ngôi nhà, màu vôi hơn 40 năm không quét trông lại âm u hơn. Tôi bỏ cái ba lô xuống đất, đu người lên song cửa sổ nhìn vào trong. Nền nhà như mới chùi, có chỗ còn ướt. Sau này tôi mới biết là ngói trụt nên nhà bị dột. Tôi bước lên hiên nhà. Tôi hỏi mấy đứa nhỏ cứ luẩn quẩn bên tôi:

‘‘Này mấy em, con Bi đâu rồi?’’

Con Bi là con o Lài của tôi. Một đứa chỉ một đứa con gái khoảng 12 tuổi đứng cạnh tôi:

‘‘Đây, con Bi đây!’’

‘‘Anh Đính đây Bi nờ! Bi có chìa khóa không?’’

Con Bi đưa cho tôi chìa khóa. Nó không nói gì hết, cứ ngó tôi. Tôi mở cửa. Tôi vẫn nhớ cách mở cửa. Cái cửa này mở ở ngoài rất khó. Vào nhà tôi mở hết các cửa sổ. Mọi vật vẫn như này tôi còn ở nhà, vẫn để nguyên chỗ cũ. Chỉ có trước bàn thờ che một tấm màn bằng vải bông màu xanh nhạt lẫn màu lục đã ố vàng, cũ hết rồi. Bức kính thờ thì đã mờ bụi. Tôi ngồi lên bức ngựa gõ. Những đứa trẻ vẫn cứ nhìn tôi. Tôi nhìn quanh trong nhà. Tôi xuống nhà bếp. Tôi đi lên nhà; có một mùi ẩm mốc dễ chịu.

‘‘A, mệ Đính nơi tề!’’

Một đứa nhỏ bước xuống một bậc cấp trước hiên la to. Tôi bước ra cửa. Chị Thuận cầm tay dắt mẹ tôi lên thềm. Mẹ tôi vừa bước vừa khóc:

‘‘Thằng Đính mô rồi, mô rồi.’’

Tôi cầm hai tay mẹ tôi, dìu mẹ tôi ngồi lên ngựa. Mẹ tôi cứ khóc:

‘‘Mạ tưởng con không về nữa.’’

Chị Thuận cũng rơm rớm nước mắt. Mẹ tôi lấy trong túi áo ra 2 gói Bastos luxe:

‘‘Chị Thuận cho đó. Con hút đi.’’

Tôi bóc thuốc hút. Mẹ tôi ốm và đen, tóc bạc gần hết rồi. Bây giờ mẹ tôi ngồi đó, hai bàn tay cứ mở ra nắm lại, khi để trên chân, khi để trên ngực, lâu lâu lại đưa tay áo lên lau nước mắt. Sông mang phù sa đỏ, chảy ra biển muôn năm, người mang hồn sông đỏ, lòng như biển vô cùng.

‘‘Mạ đang bán trên Đập Đá, chị Thuận chạy lên nói con về rồi. Chị gánh về giùm cho mạ.’’

Chị Thuận cười:

‘‘Chị lên nói với mạ: Chị Đính ơi, thằng Đính về rồi. Mạ cuống lên. Mạ bán gần hết rồi.’’

Tôi hỏi mẹ tôi:

‘‘Rứa bữa ni mẹ bán cháo chi rứa.’’

Chị Thuận nói giùm:

‘‘Thôi thì đủ thứ. Khi thì cháo gà, khi thì cháo lòng. Bánh bột lọc nữa. Bữa ni rứa là mau hết đó, chớ thường khi mô cũng 10, 11 giờ đêm. Có khi tới gần sáng.’’

Những người hàng xóm đến thăm mỗi lúc một nhiều. Chị Rạm, nhà ở trước mặt nhà tôi, nói:

‘‘Mạ cứ nói em e chết rồi. Thôi rứa là mạ vui. Vui rồi.’’

Quay sang mẹ tôi, chị cười:

‘‘Chị sướng chưa, bữa ni hết khóc rồi. Chà Đính ơi, đêm mô cũng khóc, cũng hò, cũng hát.’’ Nói ngang đây, chị Rạm chảy nước mắt. Chị hỏi tôi:

‘‘Đi rứa có cực không em?’’

‘‘Dạ, cực chứ.’’

Thằng Thái Ngọc San về. Đi theo hắn là một cô bé người nho nhỏ. Thằng San ngúc ngắt cái đầu, cười:

‘‘Mạ thấy chưa, con nói hắn còn mà mạ không tin.’’

Mẹ tôi nói:

‘‘Hắn tội lắm, lâu lâu lại về gặp mạ, nói mạ đừng lo, mai mốt thằng Đính về.’’

Thằng San giới thiệu cô bé với tôi, Phan Lê Dung. Mẹ tôi định đi nấu nước, thằng San nói để hắn nấu. Mẹ tôi ra ngoài sân nói chi đó với thằng San và Dung. Té ra mẹ tôi dặn đừng cho ai nấu hết, mẹ tôi sợ bỏ thuốc độc.

Ngó quanh không thấy con Bi đâu, tôi hỏi: “A, con Bi đâu rồi?”. Con Bi mới đi đâu về đang hớt hơ hớt hải đứng ngoài cửa. Thấy tôi về, nó ba chân bốn cẳng chạy lên chợ Đông Ba báo cho mẹ nó, là o tôi biết là tôi đã về.

Chiều rồi. Cơn mưa hôm qua làm cho khí hậu dịu đi. Trời không có nắng nữa. Tôi ra đứng ngoài thềm nhìn cây cối. Thằng Trần Đại Lang, một thằng bạn cũ đến thăm tôi. Hắn là đại úy bộ binh. Tôi hỏi thằng Phạm May ở đâu. Thằng Lang nói, thằng May là thiếu úy, phụ trách phân chi khu Phú Vang. Có lẽ bây giờ hắn kẹt ở Đà Nẵng. (Bây giờ thì cả hai thằng đều đi HO, một thằng HO7, một thằng HO10). Thằng Lang đi rồi, hai anh bộ đội đóng quân ở nhà bên cạnh bước vào nhà tôi. Hai anh bảo nghe tôi ở miền Bắc mới vào, đến thăm và khuyên tôi nên lên cơ quan ở lại đêm, tình hình an ninh ở đây chưa bảo đảm. Trước khi thằng San và Dung lên, hắn cũng nói tôi nên lên chỗ hắn làm việc ở lại.

Tôi bước vào nhà thắp 3 cây hương lên bàn thờ.

© 2005 talawas


[1]do ông Bảo Định Giang ký.
[2]tôi không rõ chức vụ của ông Hai, chỉ biết ông ta có quyền quyết định trong việc điều động cán bộ B.