© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
22.11.2005
Cao Việt Dũng
Từ Frankfurt nghĩ về “công nghệ làm sách” Việt Nam
 

Không có sách chúng ta làm ra sách
Chúng ta làm ăn nhố nhăng kiếm sống cuộc đời mình
(HT’)

Cảm giác nào bạn có thể có khi hoang mang đứng trước một thế giới sách thực thụ dựng lên trước mặt bạn ở hội chợ sách lớn nhất thế giới, Frankfurter Buchmesse? Nhất là khi ở thế giới phương Tây đó, gian hàng đẹp nhất, lớn nhất thuộc về Hàn Quốc, một nước châu Á cách đây vài chục năm có thể chỉ có số lượng sách ngang bằng chúng ta? Hôm nay Hàn Quốc là khách mời danh dự của Hội chợ Sách Frankfurt. Hàn Quốc nằm ở trung tâm, còn Việt Nam có ba gian hàng ở nơi không ai ngó đến. Hàn Quốc trưng bày một màu trắng sang trọng, trên đó những cuốn sách không thể đẹp hơn nổi bật như một niềm kiêu hãnh, còn tất cả với Việt Nam đều trắng tinh… như một trang giấy trắng. Cảm giác nào bạn có thể có? Sung sướng vì được có mặt ở nơi tập trung tinh hoa nhân loại? Xấu hổ vì sự hiện diện của Việt Nam chỉ có thể so sánh với mấy nước châu Phi Hạ Sahara? Hay tức giận vì tại sao phải xấu hổ đến thế? Sau khi trải qua hết các cảm giác đó rồi, bạn sẽ nghĩ gì? Dẫu sao, cảm giác nào cũng được, miễn là không vô cảm.


Câu chuyện với một người làm xuất bản chuyên nghiệp

Actes Sud là nhà xuất bản Pháp chuyên xuất bản các tác giả của nhiều nước nhỏ. Sách của một số tác giả Việt Nam cũng được in tại đây. Đó là một trong những NXB dễ tiếp cận hơn cả của thế giới xuất bản mênh mông đầy màu sắc trong những khu sảnh đường rộng lớn của Frankfurter Buchmesse. Ngày thứ ba của Hội chợ, 21/10, tôi có cuộc nói chuyện khoảng nửa giờ với bà Marie-Catherine Vacher, phụ trách mảng sách văn học của NXB. Ngoài những dự định mơ hồ về hợp tác sách vở hai chiều giữa Actes Sud và các NXB Việt Nam, bà Vacher không ngại ngần bày tỏ ý kiến của mình về chuyện xuất bản nói chung: “Tôi phụ trách mảng sách văn học và thật sự không hề coi nhẹ giá trị của sách khối anglo-saxon, nhưng phải nói thật là không dễ làm việc với họ, vì với họ bản quyền, tác quyền đã thật sự trở thành hàng hóa. Chỉ có thể tiếp cận họ với tư cách một khách hàng, và không hẳn là dễ tiếp cận.” Trong thế giới xuất bản, ngay cả các NXB Pháp cũng có những bối rối nhất định khi phải giao tiếp với các đại gia của Anh, Mỹ như DK, Harper Collins, McGraw-Hill. Có lẽ Gallimard là NXB Pháp duy nhất có phong cách làm việc đậm chất business như vậy.

Đứng ở ngoài nhìn các gian hàng của các NXB này bạn sẽ có một ý niệm nào đó về một cách làm việc căng thẳng, kỹ càng, lên chương trình từ trước, thậm chí từ rất lâu. Lũ lượt những đối tác từ khắp mọi nơi, trong đó không ít khuôn mặt châu Á (đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc), đến các gian hàng theo giờ đã định, bàn thảo về những vấn đề đã định trước, và nhiều khi ra về với những hợp đồng đã ký hoặc những lời hứa hẹn chắc chắn.

Vui chuyện, bà Vacher kể những kinh nghiệm từng có khi làm việc với các đối tác châu Á. Một lần có một dự án với người Hàn Quốc, một dự án mà theo bà là rất hấp dẫn. Mặc dù cuối cùng cuốn sách cũng ra đời, nhưng trong quá trình làm việc, vì phía Hàn Quốc đòi tham gia quá sâu vào công việc biên tập của NXB, nên cuối cùng giữa hai bên xảy ra không ít xích mích. Đó cũng thuộc vào những điều vô hình mà các NXB Việt Nam cần phải chuẩn bị đương đầu, nếu thật sự muốn tham gia thị trường sách mênh mông của thế giới.


Bản quyền chỉ là bước khởi đầu

Bước chân vào một thế giới như thế, dù muốn hay không, bạn cũng phải tuân thủ chặt chẽ những điều luật nhất định. Tôi nghĩ đến “vụ” Da Vinci Code đang ầm ĩ trên báo chí Việt Nam thời gian qua. NXB Văn hóa – Thông tin đã tuân thủ luật chơi ngay từ đầu: mua bản quyền, thậm chí còn trả tiền khá cao cho tác quyền một cuốn sách mà họ tính sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Đó là việc làm không có gì đáng chê trách. Nhưng cuối cùng luật chơi đã bị vi phạm. Vấn đề không phải là tuân thủ luật chơi, mà phải tuân thủ tất cả những gì đã được quy định, dù là nhỏ nhất, và nhiều khi không thành văn. Điều này đòi hỏi một chiến lược dài hơi, mà đáng tiếc là không phải NXB Việt Nam nào cũng làm được và sẵn sàng làm. Đến khâu thực hiện cuốn sách thì NXB Văn hóa – Thông tin để tuột dây cương. Không một lời biện bạch nào, kể cả từ phía người có quyền cao nhất của NXB, có khả năng hàn gắn lại cái uy tín vốn đã không lấy gì làm vững chãi của họ. Cuốn Da Vinci Code mang đầy đủ khả năng giúp NXB Văn hóa – Thông tin lấy lại rất nhiều uy tín mất đi sau khoảng thời gian liên tục lên mặt báo vì những lần làm ăn chụp giật, vi phạm bản quyền trắng trợn. Thế nhưng vì không được chuẩn bị đầy đủ, hoặc vì cái đà quán tính cung cách làm việc không tôn trọng người khác, mọi chuyện đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Mua bản quyền một cuốn sách không tốn kém và khó khăn như nhiều người nghĩ, ít nhất là không khó khăn như một số NXB Việt Nam khôn ngoan thường lớn tiếng, thậm chí còn mượn lời báo chí để nói, lợi dụng bước đi nhanh hơn người khác để khoác lên công việc bình thường này một màu sắc huyền bí đậm chất marketing. Bản quyền chỉ là một món hàng, và qua gặp gỡ với khá đông NXB ở Hội chợ Frankfurt lần này, tôi có thể khẳng định đại đa số họ sẵn sàng bán bản quyền cho Việt Nam, và với giá có thể chấp nhận được, vì mỗi NXB, mỗi nước đều có chiến lược giá hợp lý cho từng loại đối tượng khách hàng. Trong môi trường thương mại, khi có cầu, nhất định sẽ có cung (nhất là khi cầu không đến nỗi là chất gây cháy nổ, hàng quốc tế cấm, tất nhiên!) và hai đường cung cầu sẽ gặp nhau ở một điểm có khả năng đem lại thỏa mãn cho cả hai bên. Những kinh nghiệm làm ăn với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, thậm chí Philippines đủ để bộ phận bán hàng của các NXB phương Tây đánh giá đúng tiềm năng của thị trường sách của Việt Nam, và từ đó định giá hợp lý.

Phần lớn các NXB sẵn sàng bán, nhưng vì là người kinh doanh, họ cần nhìn thấy lợi nhuận. Chẳng hạn NXB DK (Dorling Kindersley) của Anh (đã có quan hệ với một số đối tác Việt Nam như Trẻ, First NewsAlphabooks) với mỗi đối tác đều muốn có được kết quả của cuốn sách đầu tiên để có thể hoạch định chiến lược lâu dài. Steven Ellis, phụ trách mảng châu Á của DK biết khá rõ thị trường Việt Nam. Nói chuyện với ông, tôi nghĩ mình toàn hiểu sự e ngại của ông trong việc bước sâu hơn vào một nơi chứa đựng nhiều rủi ro như Việt Nam, nơi dường như các bãi mìn thời chiến tranh còn chưa được phát quang hết, chỉ chực chờ một bàn chân chểnh mảng để phát nổ. Licence sách mà DK bán cho các NXB Việt Nam sẽ chỉ có thời hạn trong vòng hai năm, có lẽ phải cho đến chừng nào Việt Nam đủ sức thực sự loại bỏ được “trường phái Văn hóa – Thông tin” ra khỏi cuộc chơi chung. Các trường đại học lớn của Mỹ (Yale, Princeton, Columbia…) thận trọng hơn, họ muốn biết các thông tin cụ thể về một thị trường mới mẻ như Việt Nam. Một NXB nghiêm túc và chuyên nghiệp của Việt Nam cần biết cách cung cấp đầy đủ những thông tin đó. Mọi cuộc kinh doanh đều mang yếu tố lòng tin. Chỉ cần một vài NXB nữa để xảy ra sự cố như Da Vinci Code, cái niềm tin vừa được xây dựng mong manh đó sẽ chắc chắn mất đi, và người chịu thiệt hại đầu tiên sẽ là NXB gây ra sự cố, nhưng cái đáng nói hơn là thiệt hại chung gây ra cho toàn ngành xuất bản Việt Nam trong những bước đi chập chững vào thế giới xuất bản quốc tế. Khi đó, Công ước Berne sẽ thực sự trở thành một rào cản, chứ không còn hứa hẹn cung cấp vô vàn cơ hội cho chúng ta. Việc tham gia thế giới mới với tư cách một người mới rất có thể, trái với không ít người rụt rè đã nghĩ và đã trình bày ý kiến trên báo chí, tạo ra một thúc đẩy bất ngờ cho sự trì trệ; một sự trì trệ bị rào kín chắc chắn ít đường thoát hơn là nếu bức tường được đục vài cái lỗ, dù nhỏ. Một hy vọng le lói về một phong trào “Tân thư” mới vẫn tồn tại. Miễn là hai phái đầu nậu và phái Văn hóa – Thông tin bớt chơi trò thọc gậy bánh xe.


Cuốn sách hay, cuốn sách đẹp

Một NXB nghiêm túc và chuyên nghiệp tất nhiên còn cần bảo đảm cho cuốn sách ra đời một cách xứng đáng. Những hiệu sách lòe loẹt màu sắc ở Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội) và những nơi khác ở những thành phố khác xét về mặt nào đó là tốt cho túi tiền của độc giả, và giống như một thứ phong vũ biểu đo nhiệt độ cho ngành xuất bản, thị hiếu người đọc (cái này hoàn toàn có thể giải thích bởi sự kém cỏi đến không thể hiểu nổi của kiểm soát văn hóa; một tư tưởng trái chiều được định vị nhanh gấp nhiều lần hàng chục nghìn bản sách in lậu; trên thực tế các NXB nhà nước đang dần dần chỉ còn giữ được một chức năng duy nhất: bán giấy phép; sẽ có lúc ngay bản thân lẽ tồn tại của những thiết chế cồng kềnh đó cũng sẽ bị đặt vấn đề)… nhưng sự tồn tại của những hiệu sách đó không phải không có chỗ vô lý. Tiền chiết khấu bán hàng quá cao chỉ mang lại lợi ích cho một số người nắm được đường dây phân phối sách, sở hữu cửa hàng có tiếng tăm, còn lợi ích cho toàn ngành xuất bản thì gần như không có, nếu không nói là gây tác hại. Ai biết cách làm sách của một số “đầu nậu” cỡ lớn sẽ biết tiền lời của cuốn sách thu được từ đâu. Có thể tóm tắt quy trình như thế này: một đầu nậu nắm được thị hiếu khách hàng, đi nhập về những cuốn sách mà họ biết là sẽ bán chạy, trả một khoản tiền thuê những người dịch đáng ngờ để tạo ra những bản dịch đáng ngờ, và sau đó để nhân lên gấp bội số tiền lãi, họ sẵn sàng in lậu. Thậm chí sách nguồn có khi còn xuất phát từ những lần thản nhiên rút bừa những cuốn sách tiếng Tàu tìm được trong hiệu sách đến thăm chớp nhoáng trong tour du lịch Hà Nội – Bắc Kinh – Thượng Hải – Quảng Châu của một “đồng chí” đầu nậu nào đó, không cần biết nội dung, miễn bìa trông giật gân là chọn. Trong bầu không khí khó thở đó, dĩ nhiên chỉ các đầu nậu ấy kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền, còn người đọc nhận về những ấn phẩm kém chất lượng. Những người viết sách, dịch sách chỉ nhận được số phần trăm trên lượng in chính thức, nhiều khi không bằng 1/10 số lượng in thật. Nói ngắn gọn, các đầu nậu sách kiếm được tiền một cách bất chính, nhờ lấy phần tiền nhẽ ra thuộc về người khác. Đó là sự vô lý nằm ngay trước mắt tất cả chúng ta, to bằng cái nhà Hàm cá mập.

Vẫn còn nhiều vô lý.

Nhìn vào những bộ sách được quảng cáo rầm rộ gần đây, tôi giật mình vì những bìa sách được những người có tên tuổi trong ngành làm sách vẽ ra vi phạm đến cả những quy tắc cơ bản nhất của ngành design, những cái bìa không một chút thẩm mỹ, những sách văn học nghiêm túc thì được trình bày bằng hai màu vàng và đen đậm nét, vốn chỉ được dùng cho loại sách “nhà ga”, trinh thám rẻ tiền. Tất nhiên những cuốn sách đó nổi bật trong nhà sách, nhưng là một sự nổi bật đáng khôi hài. Rất ít NXB thực sự chăm chút cho bìa sách của mình, dường như có một ý nghĩ chung trong đầu những người trực tiếp làm sách là bìa sách chỉ là trang 1 của một cuốn sách, chứ không phải là một tác phẩm nghệ thuật nhiều khi có chỗ đứng không nhỏ trong lòng người đọc. Cách chọn font chữ, những quy tắc về chú thích cũng gần như không bao giờ được đoái hoài. Cuốn sách Cha và con và… tàu bay của Nguyễn Ngọc Thuần mới xuất bản có khá nhiều hình ảnh minh họa và không phải không có những hình rất độc đáo, nhưng người đọc chỉ được cung cấp quyền được đoán già đoán non xem tác giả những hình minh họa đó là ai, vì dường như công ty sách Đông A và cả NXB Hội Nhà Văn đều quên không chú thích.

Nhiều người đã từng in sách ở Việt Nam hẳn đã, hoặc từng nghĩ, phải đi trốn đâu đó biệt tích một thời gian trong khoảng mấy ngày ngay sau khi sách của mình được in ra. Không phải là tránh báo chí (báo chí chỉ biết đặt không dưới 10 câu hỏi, không cần đoán cũng biết trước), cũng không phải tự thưởng cho mình một chuyến lên núi xuống biển (tiền đâu ra? đầu nậu lấy hết rồi!) mà để trốn khỏi phải nhận quyển sách kia là của mình. Trong hình dung hẳn không ai có thể tưởng tượng quyển sách của mình lại phải chịu số phận khoác cái bìa lố bịch đến thế kia, cũng không nghĩ bản thảo của mình có tội tình gì mà biên tập viên NXB không buồn động bút đến sửa cho những lỗi typo hiển nhiên, có khi ngay ở trang bìa… Chừng nào ngành xuất bản còn sản xuất ra những cuốn sách không mất đến một giờ đồng hồ biên tập đó, những cuốn sách khoác bên ngoài cái áo xấu xí quê kệch đó, thì nói gì đến chuyện đi ra ngoài thế giới; rất có thể nhiều tác giả có tự trọng đang làm một công việc đầy tuyệt vọng: tự thủ tiêu sách của mình.

Thất vọng còn là một từ quá nhẹ khi chứng kiến số phận của những cuốn sách ở Việt Nam hiện nay lại nằm trong tay những người không có chút hiểu biết nào về sách, để thực sự biết, hiểu, và tôn trọng một quyển sách, từ phần hồn cho đến hình thức bên ngoài. Một cuốn sách sau khi được mua bản quyền, được dịch ra với chất lượng đáng tin cậy vẫn là một cuốn sách thất bại nếu sau khi in ra nó quá… xấu.


Việt Nam ở đâu?

Quay trở lại với Hội chợ Sách Frankfurt. Ngoài việc đi thăm các gian hàng vô cùng ấn tượng đổ về từ khắp nơi trên thế giới, tôi đặc biệt để ý tìm kiếm các gian hàng Việt Nam. Dù đã được sự trợ giúp của sách chỉ dẫn hội chợ, tôi vẫn mất không ít thời gian để tìm ra được ba NXB của chúng ta có mặt lần này. Ba gian hàng nằm ở một dãy hành lang khuất nẻo với lèo tèo vài cuốn sách, trong đó phần lớn là tiếng Việt, có lẽ không thu hút được mấy ai, vì suốt một giờ đồng hồ tôi là người khách duy nhất dừng chân ở đó. Xunhasaba có mặt ở Frankfurt đã từ hơn mười năm, và vẫn tiếp tục là một sự góp mặt đơn thuần, một sự góp mặt không tiếng nói, với các nhân viên ngáp vặt chờ đến giờ hội chợ đóng cửa. Các NXB Việt Nam vẫn chưa thật sự quan tâm đến thế giới, nhưng rất đòi thế giới quan tâm đến mình. Dĩ nhiên, tham gia các hội chợ lớn nhất thế giới như Frankfurt, Paris và London không phải là chuyện đơn giản, nhưng ngoài ba hội chợ đó ra, còn vô vàn những hội chợ nhỏ hơn, vừa tầm hơn, và gần với chúng ta hơn. Một tin vui để khép lại bài viết có vẻ hơi u ám của tôi: các nhà tổ chức Hội chợ Sách Tokyo sắp diễn ra đang chào mời hết sức nồng nhiệt các NXB Việt Nam…

© 2005 talawas