© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
23.11.2005
Trần Vàng Sao
Tôi bị bắt
(Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù) 10 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Chủ nhật, ngày 12.11.1977

Có khi đầu óc tôi trống không. Tôi không muốn nghĩ gì hết. Tôi đi rồi đứng lại. Phố xá cứ đông người, ồn ào. Ở một vài góc đường người ta đứng đông lại, quần áo giày dép, khăn mũ đủ thứ đủ loại, ta có địch có, nửa ta nửa địch có, thứ này một nửa, thứ kia một nửa, đeo vào người, choàng lên vai, vắt lên cổ, đội lên đầu, không cần kiểu cách và làm đẹp; mặc cho có mặc, đeo cho có đeo. Những khuôn mặt trắng bệch, không tái xanh, không mốc meo, không béo đỏ, hơi hốc hác một tí, phấn khởi; những khuôn mặt mở toét miệng cười, những khuôn mặt bình tĩnh, tuổi trẻ để ria… Đầu óc tôi trống không.

Huế đang có những ngày như Tết. Trời ấm, không có nắng, không biết được trưa sớm, không phải để mưa, đôi khi loáng thoáng một chút gió, rồi mất đi, cây cối lại đứng yên. Đã có ngày mưa vào buổi trưa buổi chiều, rồi lại có nắng. Trời cứ không chừng độ như thế này.

Như buổi mai này chủ nhật và tôi nghỉ phép 15 ngày, tôi ngồi ở nhà, trời cũng yên lành vô cùng. Chim kêu trên mái ngói…


Thứ hai, ngày 12.12.1977

Buổi sáng tươi tốt và có tiếng gà gáy, tiếng trẻ con nói ngoài đường. Mùa đông không có mưa to suốt ngày. Thỉnh thoảng một vài cơn mưa lào rào vào buổi trưa, buổi tối. Sáng sớm trời chưa nắng kịp, rồi trưa trưa nắng hửng, trời lại trong và ấm ấm. Có khi suốt buổi mai không có chút nắng, trời không phân biệt được trưa sớm. Những ngày này ở Huế hay như thế.

Huế thường bắt đầu một ngày bằng cái bình yên và lặng thinh của trời đất vào buổi sớm mai và hết một ngày vào lúc không còn tiếng động to và rất vắng, thành phố lại dần dần yên tĩnh. Những ngày mới giải phóng, về đêm thành phố này yên tĩnh một cách kỳ cục. Đường vắng, cái vắng vẻ đó vốn không phải của Huế, nó nặng và câm, chứ không phải bình yên. Buổi sáng ở Hà Nội cũng có khác. Tinh mơ Hà Nội yên lặng, rồi khi không ào ào lên tiếng người, tiếng guốc dép, xe cộ. Huế chưa có được cái không khí đó, từ sự yên tĩnh sang sự ồn ào không phải thình lình, khi không nổi ào lên, mà dần dần từng lúc từng chặp, từng nơi, từng chỗ cho đến khi trời sáng trắng ra; có khi cái ồn ào đó lại ngưng đi một chút.

Theo đúng ngày khai trong giấy khai sinh, hôm nay, ngày 12 tháng 12.1977, tôi chẵn 36 tuổi. 36 tuổi có một đứa con trai hơn 15 ngày tuổi và với những cơn dạ dày cứ khi có khi không bình thường.


Thứ Hai, ngày 2.1.1978

Tôi đã không có thì giờ để trong đêm 31.12.1977 viết vài chữ vào đây. Con tôi đau và hết gạo. Một ngày đầu năm, trời không nắng, trời không mưa, trời không biết được buổi mai, buổi chiều, trời cứ như trời những ngày tết. Hình như đêm mồng một trời có mưa cho đó và suốt ngày mồng 2 trời mưa to. Bây giờ mới có một cơn mưa đầu mùa đông. Thôi tôi tức ngực lắm rồi, đi ngủ đây.


Thứ tư, ngày 4.1.1978

Câu chuyện được kể như thế này, không phải, một thằng bé bảy tám tuổi kể thế này: lâu nay con không có bữa mô ăn no hết, có ngày con chỉ được một chén cơm, mấy anh và em con cũng rứa. Cả nhà cứ bị say sắn hoài. Đứa em út 2 tuổi khi mô cũng được ăn nhiều hơn, nhưng ăn rồi em con nó cũng cứ khóc. Mạ con chết rồi, mạ uống thuốc chuột mạ chết. Và mấy ngày ni, con và anh em con được ăn no, ăn bữa mô cũng còn dư cơm bắt nhiều, lại có thịt gà, thịt heo nữa, mỡ loạn lắm. Mai thì đưa đám mạ con.

Con không khóc được.


Thứ năm, ngày 12.1.1978

Một tuần ăn muối, thỉnh thoảng có 5 hào ruốc và mỡ. Hết gạo, hết mì, không có củi. Ván, gỗ mặt ghế, chân bàn, chân ghế cũ đều đem chẻ chụm. Sữa của mạ con Bồ Câu trong và không cương như trước nữa. Tôi xin được 3 trái đu đủ ở cơ quan về xào với ruốc. Vợ tôi nói: mấy bữa ni sữa có hơi cương nhờ có đu đủ. Ngày 7.1, Bồ Câu phải bú bình, mỗi ngày 2 bữa, và chỉ mới bú được sữa hộp 2 ngày, nay phải bú nước gạo với đường. Cơn dạ dày cứ hành hạ tôi, không kịch liệt, cứ ngấm ngầm, kéo tôi gục xuống.

Cả nhà vẫn vui vì Bồ Câu ngoan. Hôm nay, Hay mua phần gạo của mình. Không có chuyện tiêu chuẩn người đẻ, vẫn có độn. Được vậy là quá quý rồi. Tôi nói với vợ nấu 3 lon đi em, gạo không a.


Thứ Ba, 13.6.1978

Một con chuột chạy băng qua đường Trương Định (trước kia ở đây là một quán cà phê). Con chuột chạy từng bước một, nhổm từng bước một cố hết sức đẩy cái thân của nó di chuyển, nhưng không vội vàng, không trốn chạy. Phía trên lưng con chuột, một đôi ba sợi lông con dài mọc trên một vệt trắng loét có vảy. Đoạn cuối cùng của cái đuôi cũng trắng bệch và cùn ở đầu mút. Thân con chuột cong lên, nó chập choạng chạy. Nó dừng lại, bò lui một mô mất hơi cao rồi vất vả từng bước đục vào connex. Tôi không gớm guốc chi con chuột hết, tôi không tởm. Tôi thấy nó quá tồi tệ, quá bần tiện và quá cực. Con chuột đã không cần trốn tránh khi thấy con người. Nó hết sức và quá mệt rồi.


Chủ nhật, 29.10.1978

Cả nhà ăn bột mì xay từ mì hột, trừ Bồ Câu. Được như thế đã là quý lắm rồi. Hầu như vợ tôi và tôi chẳng tiêu một xu gì cho riêng mình hết. Cuộc sống vất vả nhưng vui. Bây giờ chỉ cần có những thứ có chất bột độn vào dạ dày, không phải khi nào cũng được đầy, miễn là có để ấm bụng. Một tô bún, một bữa ăn có cá thịt, dù rất ít, chỉ là họa hoằn. Còn ngoài ra có khi không có nước mắm mà ăn. Vợ tôi gầy, tôi hay đau. Mẹ tôi không được khoẻ. Sức đọc và viết có giảm đi, vì thức khuya không được dài. Nếu vợ tôi đủ ăn, chỉ cần cơm nhiều hơn, thêm một ít thức ăn có chất tanh là béo, con tôi sẽ khá hơn. Mọi thứ mua theo tiêu chuẩn cung cấp, kể cả chỉ một bao thuốc tôi cũng bán, trừ nước mắm, mỡ và những thứ cần thiết cho bữa ăn. Tệ hơn nữa là hôm qua mua được 2 cân cà rốt, một bắp su cũng phải bán một nửa để mua gạo. Cơn dạ dày cứ đau rất bất thường, hầu như không ngày nào không đau, không đêm nào tôi ngủ được thẳng giấc. Cơ thể thường rã rời và mệt mỏi.


Thứ Ba, ngày 31.10.1978

Mong có một bữa cơm không, ăn với cá, cá vụn, với muối và một chút ớt.


Thứ Hai, 22.07.1979

Nhà cứ không có gạo hoài. Có nửa lon, một lon dành cho Bồ Câu. Phải bới sắn non, nhưng chỉ vài ba bữa, còn thì quá non. Hay chưa có được gạo. Giấy trả về làm việc từ 1.6. Chúng mày không có gạo thì chúng mày đói chứ tao có đói đâu.

Gạo.

Bây giờ ai cũng chỉ mong, không phải bữa nào cũng cơm mà sắn cũng được, mỳ hột cũng được. Miễn là dộng vào cho đầy cái dạ dày. Ước mơ của thiên hạ thì cũng đơn giản thôi: làm sao bữa nào nồi cũng đầy cơm, đầy tràn ra, đến nỗi hôi khói. Có cơm ăn với chi cũng được, với muối, nước mắm thì tuyệt rồi. Người ta không ao ước gì hơn nữa. Không có mơ ước, không có hy vọng.
Và không ai dám nói ra những suy nghĩ của mình về chế độ, thậm chí những suy nghĩ của mình về một người thứ ba cho một người thứ hai nghe. Người ta phải nói láo hoặc nói nhỏ. Kinh khủng thật. Thành ra có một không khí chính trị giả dối trong dân chúng. Nhưng mà chưa ai chết ngay cho. Có người nói: không chết tươi ngay mà chỉ chết mòn, chết dần; ngày nào cũng cố ráng làm việc. Cố tìm cho ra những thứ chi ăn được dộng vào miệng. Chưa lúc nào người lao động làm việc cật lực, siêng năng, hết sức như bây giờ, chưa bao giờ lao động lại có ý nghĩa thiết thân như bây giờ. Lao động không phải là một cách để tồn tại của con người. Lao động để có cái ăn, để khỏi chết, để khỏi bò, rồi quỵ xuống như con vật. Thành ra cái ý nghĩa của lao động đã đạt đến đỉnh cao của nó: người ta lao động cho chính thể xác của người ta sống và để cho nhân loại còn có con người đang ngu ngoe, động đậy trên trái đất này. Lao động để sống như một con vật, chứ không phải để thành người.


Ngày 28.7.1979

… không phải người ta không cần gì nữa hoặc mất hết lòng tin mà người ta không còn biết tin là gì nữa, người ta không có lòng tin. Nói đúng ra là thế này: Bây giờ không phải người ta khủng hoảng niềm tin (đó chỉ là một cách nói chữ). Bởi vì người ta không thể sống mà không tin vào một cái gì cả, kể cả người không có lý tưởng vẫn tin vào cái không có lý tưởng của mình. Điều dễ sợ là con người bây giờ sống bị buộc phải tin, và sự bị buộc phải tin này như một bệnh dịch lan từ người này sang người khác, nó khống chế người này đến người khác; nó kiểm soát, nó đe dọa, đọa đày, vật vã. Nó làm cho con người mất cá tính và tư cách của mình. Nói gọn lại, nó đẩy con người và cũng tự con người đó đẩy mình sống trong một tình trạng ngột thở không cựa quậy được. Người đó tự giam cầm mình.

Tôi có nói với một người quen: người nào là trí thức bây giờ họ cũng không biết cái trí thức của họ là gì nữa, và họ phải dùng cái tri thức của họ ở đâu và để làm gì. Sự hiểu biết bây giờ là cái cùm để cùm người có tri thức lại. Mô Phật. Đồ tư sản, bọn tiểu tư sản bây đã ăn phải cái bả tự do của bọn tư sản rồi!


Thứ Hai, 31.12.1979

Một hai ba ngày một tuần mẹ tôi, vợ tôi, tôi ít khi có cơm ở trong bụng. Bồ Câu có bữa ăn bánh canh, và cơm thì thường với nước ruốc hoặc muối. Cả nhà không no, mệt rã rời chân tay. Tôi không thức khuya được, mắt mờ đi rất nhiều, và những cơn dạ dày.


Thứ Sáu, 1.2.1980

Đói và những cơn dạ dày, có nửa tháng nay cả nhà chưa khi nào được một bữa no. Một tuần gần đây thì chuối non nấu với ruốc và bột sắn, bột mì, mì sợi. Bồ Câu chỉ có cơm với ruốc hoặc nước mắm. Có bữa Bồ Câu cũng không có cơm.

Tôi không có đủ sức nghĩ đến những chuyện khác.

Thèm ăn, vợ tôi có nhiều bữa đói lả đi. Tôi lại đi ỉa ra máu.

Ngày mai sẽ mua được gạo tháng 2. Có chắc họ bán gạo vào ngày mai không?

Thương Bồ Câu quá.


Khoảng tháng 11, 12.1979, tại Phòng văn hóa thông tin thành phố Huế đã xảy ra vụ “Biên bản 68 trang”. Vì vụ này tôi bị đẩy về lại xã Hương Lưu. Những người lãnh đạo thành phố này đã quy tội tôi và một số người khác là đã đã kích động, xúi giục cán bộ nhân viên Phòng văn hóa thông tin quấy phá, làm loạn, chống lãnh đạo, thóa mạ Đảng. Trưởng phòng văn hóa thông tin lúc đó là một tay gian ngoan và bần tiện. Biên bản 68 trang đánh máy là biên bản của buổi họp ngày 7.12.1979 của công đoàn Phòng văn hóa thông tin và Phòng thể dục thể thao tố cáo ông ta đã lợi dụng việc thảo luận của cán bộ nhân viên về dự thảo Hiến Pháp mới (bằng văn bản báo cáo tổng hợp các buổi họp thảo luận) để buộc tội một số cán bộ là đã không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, và trong quá trình làm việc đã lợi dụng khả năng, kể cả những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ nhân viên dưới quyền của ông ta làm thủ đoạn để tiến thân v.v… Buổi sáng một số anh em đến Phòng văn hóa thông tin để đánh máy biên bản, cô Khánh, em của Nguyễn Khoa Điềm, nói riêng với tôi: “Anh Điềm có bảo em nói với anh, là anh em làm như thế (tức là đã phê bình, tố cáo những thủ đoạn của ông Trưởng phòng trong các buổi họp) là đủ rồi. Thành ủy Huế đã biết. Không nên làm biên bản gửi lên Thường vụ. Làm như thế sẽ không có lợi cho anh”. Tôi nói: “Tất nhiên chúng ta không làm gì được tên trưởng phòng này. Nhưng chúng ta phải tỏ thái độ của chúng ta. Bây giờ chúng ta không gửi biên bản lên thành ủy, anh em sẽ bảo chúng ta sợ và đã thỏa hiệp”.

Biên bản gửi lên thành ủy. Nguyễn Đức Hân, phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế phụ trách văn xã, đến Phòng văn hóa thông tin họp các cán bộ chủ chốt (tôi không được dự), vừa vuốt ve, dụ dỗ, vừa trấn áp, đe dọa và nói cho họ biết tôi là một người như thế nào: lập trường và tư tưởng phản động, chống Đảng, chống chế độ, làm thơ nói xấu Hồ Chủ tịch v.v… Sau cái màn gợi ý, thổ ngọt và hăm dọa này, ngày 19.12, ngày 21.12 và ngày 31.12.1979, Nguyễn Đức Hân hầm hầm kéo một đoàn cán bộ thành ủy và Ủy ban nhân dân đến Phòng văn hóa thông tin để đàn áp.

Nguyễn Đức Hân kết tội tôi và năm anh em khác là “một làn gió độc, một đám hồng vệ binh lộn xộn, có xu hướng biệt phái, xúi giục, quấy phá, gây chia rẽ nội bộ, dùng cách đấu tranh hợp pháp chống địch ngày trước để đấu tranh chống ta nhằm làm một cuộc đảo chính nội bộ, thóa mạ Đảng, xúc phạm đến tổ chức…”. Ông ta xỉ vả tôi “Đảng rất độ lượng, rất chân tình đối với anh Đính. Anh quấy cái Phòng thông tin này hơi nhiều. Anh Đính đáng ra là bị xử lý khác, nhưng khi ở miền Bắc vào anh được thành ủy nhận ngay. Anh là một quần chúng lạc hậu...”. Rồi tôi được gọi lên Phòng tổ chức Ủy ban. Ông Lớn, trưởng phòng, bảo thẳng tôi: “Ủy ban chuyển anh về công tác ở Hương Lưu”. Tôi hỏi: “Có phải vì chuyện vừa xảy ra ở Phòng văn hóa mà tôi phải về Hương Lưu không”. “Làm gì có chuyện đó”.

Và những người đồng lòng với tôi rồi cũng phải mỗi đứa mỗi ngả, bằng cách này hoặc bằng cách khác.


Đói, cực, vợ tôi bỏ làm việc Nhà nước. Tháng 4.1979, tốt nghiệp trường trung cấp y tế tỉnh, lớp y sĩ xã, tháng 6 đi làm ở trạm y tế Vĩnh Lợi, lương định suất 36 đồng cộng 2 đồng chuyên môn là 38 đồng, lương thực 11 cân, nhưng 2 tháng sau mới cho mua, đầu năm 1980 vợi tôi xin nghỉ. Xoay xở buôn chèo bán chẹt chi cũng còn hơn đi làm cho Nhà nước, có điều nghỉ làm việc thì mất tiêu chuẩn 11 cân lương thực với giá cung cấp. Vợ tôi đi Vinh, gọi là đi buôn, năm bảy cân phân đạm, một hai tá bút chì, vài cân cà phê bột… Một chuyến bốn năm ngày, vất vả vì phải trốn bọn thuế vụ, một phần nữa là bọn quái cướp giựt tự do trên tàu. Đến chuyến thứ 7 thì lỗ, cà phê bị bắt ở Ga Vinh. Liều thêm một chuyến thứ 8, thì vợ tôi đau. Sau đó, vợ tôi đi bán thuốc lá, bánh kẹo tại các sân bãi biểu diễn văn nghệ, rồi triêng gióng lên chợ Thông, Lựu Bảo mua thơm mít về chợ Đông Ba bán, rồi qua chợ Đông Ba gánh nước đá thuê, coi ngó hàng hóa cho người ta…

Vợ tôi nghỉ việc có 2 tháng tôi mới đi cắt tiêu chuẩn gạo. Kệ, gian được tháng nào đỡ tháng nấy, nhưng phải cắt, không họ sẽ trừ vào phần tôi, thì cũng như không.


Thứ Tư 28.5.1980

Sáng nay, tôi đi làm giấy cắt tiêu chuẩn lương thực của vợ tôi.

Cô gái ngồi đối diện trước mặt tôi cầm bút ghi vào tờ khai lương thực ở phần vợ tôi – 11 (trừ 11). Mang sang: Hay; giảm –11, bắt đầu từ 6.1980. Tôi lạnh hết cả thân thể, lạnh lắm. Tôi hơi ngẩng đầu lên một chút rồi cúi xuống. Tôi đến đóng dấu rồi cứ cầm cuốn sổ đọc cho đến khi đi ra ngoài đường.


Tháng 8.1980, tôi về công tác ở UBND xã Hương Lưu.

Người ta giao cho tôi một công việc hết sức tức cười, thư ký văn phòng. Tôi ngồi chình ình trước một cái bàn sắt to nặng đặt choán gần hết cửa ra vào của văn phòng Ủy ban. Công việc của tôi là đối chiếu các bản sao giấy khai sinh, bằng cấp v.v… với bản chính, nhận công văn, bỏ vào các cặp bìa cứng có hai chữ “Trình ký” để ở ngoài, rồi đúng giờ đem vào cho ông chủ tịch, phó chủ tịch ký. Thằng Thái Ngọc San cười: “Thằng Đính làm thư ký mà không được ký”. Trong anh em bạn bè có đứa nói: “Về quách cha cho rồi Đính ơi”. Ông Tường bảo: “Chỉ có thiền sư mới đi làm việc như mi”.

Tôi làm việc ở Ủy ban Hương Lưu đâu được 5 tháng, một hôm, ông Chủ tịch bảo tôi: Chi ủy và thường trực Ủy ban đang họp cần gặp tôi để bàn một số công tác. Vào phòng, tôi thấy đầy đủ bộ sậu của cấp ủy và ủy ban. Tay bí thư chi bộ bảo tôi: “Anh Đính ạ, anh về đây cũng không phải do chúng tôi yêu cầu. Và công việc của anh đang làm hiện nay xét ra thì… trong tổ chức của văn phòng Ủy ban không có và vả lại… không hợp với khả năng của anh…“

Tôi ngắt lời hắn:

‘‘Tôi cũng như anh, tôi thi hành quyết định của trên. Tôi có xin về đây đâu và công việc của tôi đang làm là do các anh sắp xếp.’’

Tay bí thư chi bộ là cháu của bí thư thành ủy lúc này, lúc ở trên rừng làm việc ở bộ phận nhà in, sau giải phóng, công tác ở Phòng tổ chức Ủy ban thành phố, và bây giờ là bí thư chi bộ xã Hương Lưu.

Nói qua nói lại một lúc, tay bí thư chi bộ đề nghị tôi phụ trách công tác thương binh xã hội. Tôi không nhận, lý do là tôi không phải là Đảng viên nên không thể dự hợp với cấp ủy xét duyệt hồ sơ thương binh, liệt sĩ. Ông phó bí thư làm chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã nói tôi làm công tác lao động. Tôi từ chối vì không thích. Có một người nào đó gợi ý tôi làm thông tin văn hóa, những chỉ nói chiếu lệ, nên không ai để ý. Tay bí thư chi bộ nói:

‘‘Thôi thế này, các đồng chí ạ, anh Nhơn làm liên lạc mới bỏ việc. Công tác liên lạc của Ủy ban thiếu người. Mà xét ra cũng chẳng còn công việc nào phù hợp với anh nữa, chỉ có việc này. Anh nhận cho. Chúng tôi cũng không biết phải giải quyết thế nào nữa.’’

Tôi nhận làm liên lạc xã. Tay bí thư vừa cười vừa nói:

‘‘Anh nhớ là anh làm liên lạc luôn cho chi bộ nữa đó, anh Đính nghe.’’

‘‘Trong giờ hành chính.’’

Tôi vào ngồi ở cái bàn sắt to nặng đặt chình ình giữa cửa ra vào của văn phòng Ủy ban xã. Hàng ngày tôi đến Ủy ban, không có việc thì ngồi hút thuốc đọc sách, có công văn, giấy mời thì tôi đi đưa, khi lên Ủy ban thành phố, khi về các tổ trong xã. Ngay ở Ủy ban, có nhiều người không tin tôi làm liên lạc. “Anh làm liên lạc thiệt hả, anh Đính?”. “Thiệt chứ chơi à?”. Mấy ông tổ trưởng dân phố thấy tôi đi đưa giấy mời cũng nói: “Bữa trước tưởng nhân tiện anh đưa giùm, té anh làm liên lạc à? Anh nói chơi?”. Tôi cười: “Ngoài công tác liên lạc ra tôi còn nhiệm vụ giữ chìa khóa văn phòng Ủy ban, sáng chiều phải đến sớm mở cửa, hết giờ làm việc khóa cửa lại.’’ Nhận một xấp giấy mời, tôi nhờ một đứa nào đó khóa cửa, rồi đi tuốt. Thường tôi nhờ người đưa giúp giấy tờ, gặp ông ở tổ 3, tôi nhờ đưa cho tổ 4, tổ 5, hoặc gặp ai đó giữa đường tôi cũng nhờ. Vui nhất là ở thôn Phao Võng, một thôn vạn đò trên sông Hương. Có giấy mời đi họp, tôi ra bờ sông gọi đò. “Chi rứa anh Đính?”. “Có giấy Ủy ban mời họp, nhờ bác đưa giúp”. “Anh Đính nì, tổ trưởng tổ.. ra làm ngoài biển rồi”. “À, tổ trưởng tổ… con đau, nhờ anh báo lại Ủy ban như rứa”. Thành ra tôi quen nhiều bà con ở đây.

Nói thiệt bà con ai cũng cám cảnh cho tôi. Tôi cứ cười. “Tưởng anh đi bao nhiêu năm về bà con nhờ, té ai từng đời…”, “Ai ngờ thằng Đính con mệ Đính bây giờ như rứa”. Làm liên lạc, đám lãnh đạo ở ủy ban chẳng ai hạch sách tôi. Hồi còn làm cái chức thư ký văn phòng, mấy cái tay chủ tịch, phó chủ tịch cứ tiếng to tiếng nặng với tôi. “Tôi đã bảo, thứ hai, thứ tư, thứ sáu là ngày ký giấy tờ, sao hôm nay thứ 5 anh lại đem vào đây”. “Tôi đã bảo sáng thứ 7 hội ý cán bộ văn phòng là không giải quyết giấy tờ, sao anh lại…”. Tôi chỉ nói: “Nhưng mà dân họ cần… thì này… thế này…”.

Một buổi sáng đầu tháng 4.1981 tôi lên Ủy ban thành phố lãnh lương, lúc đi ra thì gặp ông Nguyễn Văn Kháng, cán bộ phòng tổ chức tại phòng trực. Ông Kháng cười:

‘‘Chuyến ni được truy lãnh, sướng hí!’’

‘‘Truy lãnh chi rứa anh Kháng?’’

‘‘Anh được lên lương tháng trước rồi mà.’’

‘‘Có mô, vẫn 56 đồng.’’

‘‘Thì chính tôi ghi quyết định và gửi về Hương Lưu cho anh mà. Anh lên hỏi ông Lớn đi. Nhưng đừng nói tôi nói nghe.’’

Tôi lên phòng tổ chức gặp ông Lớn, trưởng phòng. Ông Lớn nói:

‘‘Có, có quyết định tăng lương cho anh. Nhưng sau đó xét công việc của anh làm ở Hương Lưu hiện nay, nên Ủy ban đình lại.’’

Tôi trở xuống phòng trực, ông Kháng còn đứng đó. Ông Kháng nói:

‘‘Rứa là thằng chi đó phó chủ tịch của Hương Lưu chơi ông đó.’’

Tôi nói:

‘‘Lúc đi phép Sài Gòn về tôi có nghe nói là tôi có quyết định tăng lương và hiện tay phó chủ tịch cất. Tôi hỏi hắn, hắn nói, tôi không biết, làm chi có.’’

‘‘Đúng là hắn chơi ông. Chắc hắn cho rằng hắn là phó chủ tịch, Đảng viên mà lương chỉ 50 đồng, còn anh làm liên lạc đã hơn lương hắn rồi mà lại còn được lên lương nữa. Chắc hắn gặp ông Lớn phản đối việc tăng lương cho anh. Thằng bần tiện.’’


Ngày 16.5.1981 tôi viết đơn gửi Ủy ban nhân dân thành phố Huế xin nghỉ việc lý do: đau dạ dày và vết thương cũ tái phát, không làm việc được. Một tháng sau, 16.6.1981, tôi viết đơn báo cho Ủy ban xã Hương Lưu biết tôi đã xin nghỉ việc và bắt đầu từ ngày 18.6.1981 tôi sẽ không đến Ủy ban làm việc nữa. Ông chủ tịch nói tôi bàn giao công việc. Tôi nói: “Có gì mà bàn giao. Tôi chẳng giữ giấy tờ sổ sách gì cả”.

Và bắt đầu từ ngày 18.6.1981, tôi không đi làm việc nữa.

Tôi không đi làm việc cho Nhà nước, anh em bạn bè ai cũng mừng cho tôi. “Đáng lẽ mi phải về từ lâu rồi. Về là phải, mà phải về”. “Đứa nào nghe mi thôi việc cũng đồng ý”. “Đồng ý mi nghỉ việc là hết sức khó khăn cho mi, cả nhà mi đang đói. Nhưng mi có tư cách của mi. Không thể để cho người ta làm chi thì làm”. Có đứa còn nói: “Anh không đi làm việc, tôi sợ gia đình sau này có chuyện không ổn, vì anh phải sống nhờ vợ. Mà nói thật ra anh đừng giận, nếu người đàn bà mà làm ra tiền…“ Mấy người hàng xóm nói: “Anh nghỉ việc là phải. Làm cái việc chi mô cho cực”. “Anh thôi làm việc rồi phải không? Làm chi cho nhục”. Mẹ tôi một hôm đi chợ về, kêu tôi bảo: “Mạ thì không biết, mạ ra ngoài chợ nghe họ nói bữa ni con không đi làm trên xã nữa. Họ nói: chị nói thằng Đính đừng đi làm nữa, làm chi ba cái việc không ra chi mà cũng làm cho xấu”.

Một tháng sau khi tôi nghỉ ở nhà, Phòng tổ chức thành phố gởi giấy gọi tôi lên. một anh cán bộ của phòng hỏi tôi: “Anh xin nghỉ dưỡng sức một thời gian hay xin nghỉ luôn? Anh muốn chúng tôi giải quyết thế nào?” Tôi nói:

‘‘Anh cứ xem trong đơn của tôi. Tôi xin nghỉ việc không đi làm nữa. Còn giải quyết thế nào là việc của các anh. Đúng chế độ và thủ tục thì tôi nhận.”

Anh cán bộ này tôi có quen sơ hồi ở trong rừng.

‘‘Anh chỉ nên xin nghỉ vài tháng đi chữa bệnh. Dại chi mà nghỉ luôn, anh Nhân.’’ Lúc tôi đi về ngang qua phòng tài vụ, cô kế toán gọi lại:

‘‘Anh Đính vào lãnh lương.’’

Tôi nói:

‘‘Tôi có đi làm đâu mà lãnh lương.’’

‘‘Anh cứ lãnh. Anh xin nghỉ việc mà Ủy ban chưa có quyết định, chúng tôi cứ phát lương và anh cứ lãnh.’’

Môt lần sau cô phát lương còn phát cho tôi cả tiền hao mòn xe đạp. Tôi nói:

‘‘Ngó tức cười chưa, lúc còn đi làm thì lại không có tiền hao mòn xe đạp.’’

Trước kia có lần đến lãnh lương tôi nói với người phát lương: “Sao ai cũng có tiền hao mòn xe đạp mà tôi lại không có”. “Vì anh khai không có xe đạp”. “Thì đi bộ cũng phải hao mòn chân cẳng chớ chị?”.


Tôi ở nhà làm việc nhà chơi với con, đọc sách, viết. 2, 3 tháng rồi 5, 7 tháng.


Tháng 9.1981

buổi trưa
tôi ngủ một giấc dậy
năng nề chân tay
rồi nhắm mắt lại
tôi bỏ việc ở nhà chơi với con
tuổi thơ không biết có cuộc đời này
con khóc nhưng không biết được cha mẹ con muốn cười
cho hai bàn tay hai bàn chân nhẹ nhàng

tôi ngó con tôi cười
rồi chơi rồng rắn
để xin khẩu súng bắn cái đùng
cho tới khi đứt đuôi
hết

(trong sổ tay ghi hàng ngày)


Ngày 27.10.1981, tôi viết xong bài thơ dài về khúc đầu của quãng đời này của tôi với đề từ: “Tôi được thả ra và sống như tù”.

Những ngày của tháng 12.1981 tôi viết trong nhật ký:

Vợ tôi nói: anh ở nhà để được yên tĩnh mà chữa bệnh dạ dày
Tôi mệt và đau
Tôi muốn được yên tĩnh
Bây giờ thì đang lạnh. Tôi đang bị dạ dày hành.
Những cơn đau dữ dội, toát mồ hôi, muốn mửa.
Trong những giấc ngủ tôi cứ thấy mình được ăn.
Những cục thịt đầy mỡ nổi lều bều trong một cái bát để trước mặt.
… Có khi tôi cảm thấy mình kiệt lực, bụng thắt lại, thân thể hễ đụng vào là đau như bị đánh.
Tôi không muốn suy nghĩ gì thêm.

Trời khô có trăng, lạnh. Đêm yên tĩnh. Mệt quá.
Đôi khi tôi sống lơ đãng, không chịu suy nghĩ gì hết. Tôi nghĩ về một bữa ăn ngon trong gia đình, nghĩ tới những đĩa thịt, nghĩ tới nỗi vất vả của mẹ tôi và vợ tôi.
Tôi thích thằng điên, thằng hề và đứa con nít.
Tôi viết về thằng điên, thằng hề và đứa con nít.

Ngày 25.10.1981, tôi làm bài “Bản thánh ca của một tên hề mất trí là thi sĩ – hay là Sự tích tôi làm hề” với mấy câu mở bài:

tôi tên hề mất trí
nói lời công an theo dõi
và làm thơ bị bắt
tôi ký tên tôi
Nguyễn Đính


Ngày 25.12.1981, tôi ghi trong sổ tay:

1981 năm trước Chúa ra đời ở Bết-lê-hem
1981 năm sau ở Huế gạo 10 đồng 4 lon
Tôi chảy 2 hàng nước mắt
Con ơi
Con cứ làm con gà gáy o o
buổi trưa buổi chiều buổi sáng
làm chi


Dần dà về sau có nhiều đứa anh em quen biết khuyên tôi nên đi làm lại, đi làm cho vui với anh em. Tôi nói: “Tao ở nhà tao mới vui”. Ông Tường cũng nói: “Thôi, đi làm đi”. “Sao trước kia anh nói tôi đừng đi làm nữa? Chỉ có nhà thiền sư mới chịu đựng như mi?”. “Trước khác, bây giờ mi qua hội văn nghệ, có anh em…”. Tôi không chịu. Nhiều khi tôi đổ bực khi thấy mấy thằng thường xúi tôi đi làm bước vào nhà: “Ê, về chơi nói chuyện trên trời dưới đất chơi, chứ đừng nói chuyện tao đi làm lại nữa nghe”. Có đứa còn gặp vợ tôi xúi: “Hay, nói với thằng Đính đi làm với bọn anh cho vui đi. Nghỉ ở nhà lấy chi mà ăn?”. Vợ tôi nói: “Làm chi cũng được, nhưng với Nhà nước thì không. Anh biết không, từ ngày anh Đính nghỉ ở nhà, cái dạ dày có đỡ đau đó”.


Ngày 7.3.1982

Tôi ở nhà gần 9 tháng rồi

… Lúc này tôi viết nhiều hơn đọc.

Thức khuya không nổi. Dạ dày hay trở chứng. Thèm thịt và đường quá sức, cả nhà đều thèm. Tôi mệt mỏi, chẳng để ý gì đến thời sự.

Em sắp đẻ, tháng 3 âm thì đẻ. Lấy chi mà ăn. Không lý lại nói liều, trời sinh trâu thì trời sinh cỏ.

Trăng sáng, trời bắt đầu nóng. Khí trời khó chịu. Đêm không có gió. Cây cối im không.


Ghi hàng ngày trong tháng 3, 4.1982.

Ngày…

tôi ăn một củ sắn sượng
và mửa ra máu

Ngày…

trời mưa to hết 2, 3 ngày không tạnh
tôi ở nhà hút thuốc ngó ra đường
nước nổi bọt đầu miệng cống
người mua chai bao rao lên mấy tiếng

Ngày…

tôi đọc một bài thơ cổ
có câu
chỉ tay lên trời viết
Chữ không
tôi cười tôi dại dột

Ngày…

Có một thằng điên bị bắt đang lúc lượm cơm đổ trong đống rác
người ta nói nó làm giặc

Ngày…

một người ngó trước ngó sau
nói to cực quá

Ngày…

Cờ treo ngoài đường
mít tinh trong hội trường
phố xá đông ồn ào
tiếng vỗ tay hoan hô trong máy

Chủ nhật…

một người mù chết trôi
không có ai nhận xác

Thứ bảy…

trời mưa dông
phố không đèn
hơi đất bốc lên mặt


Ngày 19.04.1982, vợ tôi sinh đứa con thứ 2, vợ chồng tôi đặt tên là Bờm.

buổi sáng tháng 4 anh đưa em đi đẻ
đang mùa gặt gạo có hơn vài hột
anh mừng em đẻ dễ
và con trai
Cây cối 2 bên đường còn ướt
Mẹ thắp một nạm hương tạ ơn trời đất và ông bà



Ngày 15.5.1982

Cả nhà không có một giác
Bồ Câu ăn cơm với muối
may có gạo
Nam mô A Di Đà Phật

Một hôm tôi đi chơi ngang qua Ủy ban thành phố, một đứa quen gọi vào. Tôi đang nói chuyện với nó, ông Lớn, trưởng phòng tổ chức đang đứng đó thấy tôi, nói:

“À, anh Đính, may gặp anh ở đây. Tôi định nhắn anh lên. Mời anh lên phòng cho tôi gặp”. Ông đưa cho tôi một bức thư không có phong bì của ông Nguyễn Đức Hân, Phó chủ tịch, gửi cho tôi. Ông Hân viết:

“Anh Đính,

Cho anh thôi việc thì dễ, nhưng nghĩ hoàn cảnh khó khăn của anh hiện nay, lại có mẹ già đau yếu, nên tôi để anh chuyển công tác… Bên Hội Văn nghệ có gợi ý xin anh về…”


Hèn chi mấy đứa bên Hội Văn nghệ cứ rà rà về nhà tôi cù rũ tôi đi làm. Tôi nói với ông Trưởng phòng tổ chức:

‘‘Tôi xin nghỉ việc, chứ không phải xin chuyển công tác.’’

Ông Lớn bảo tôi là anh Hân có nhắn là tôi đến nhà anh Hân cho anh gặp. Tôi nói:

‘‘Vì anh Hân nhắn anh, tôi nhờ anh nói lại với anh Hân: Tôi không có việc gì để gặp anh Hân tại nhà riêng hết. Nếu anh Hân cần gặp tôi, anh cứ đến nhà tôi.’’

Ngày 8.3.1982, tôi ra Hội đồng giám định y khoa làm thủ tục để về.

Cuối tháng 4.1982, tôi nhận giấy báo sau ngày 1.5 lên Ủy ban thành phố nhận quyết định thôi việc. Cô Huê, cán bộ phòng tổ chức, bảo tôi đáng lẽ hôm nay tôi nhận quyết định, nhưng các anh nói là để Ủy ban xem xét lại đã. Cô nói, cuối tháng 5 anh lên nhận. Cô Huê có đưa cho tôi xem tờ quyết định đánh máy, nhưng chưa ký. Cuối tháng 5.1982, tôi nhận quyết định thôi việc. Quyết định ghi tôi có 22 năm 4 tháng công tác liên tục, về hưu, thôi việc vì mất sức lao động, được trợ cấp hàng tháng bằng 65% lương chính cộng khu vực là 44đ 09 (bốn mươi bốn đồng chín xu). Quyết định do Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hân ký ngày 20.5.1982.

Tôi hỏi cô Huê, cán bộ phòng tổ chức:

‘‘Sao quyết định trước ghi lương tôi là 56 đ, quyết định này lại ghi 64 đ?

Cô Huê trả lời:

‘‘Ủy ban mới quyết định cho anh lên một bậc lương.’’

Tôi nói cô Huê cho tôi xem quyết định tăng lương. Cô Huê bảo, không có tờ quyết định chỉ căn cứ vào Quyết định nghỉ việc thôi.

Nhưng tôi chỉ được hưởng lương mới 64 đ này một tháng mà thôi.

Ngày 1.7.1986, Sở thương binh xã hội Bình Trị Thiên xét lại trường hợp của tôi và cho tôi hưởng trợ cấp hưu trí.

Thời gian công tác: 30 năm 2 tháng.

Trợ cấp hàng tháng: 75% lương = 217đ 50.


Vào lúc này đây, tôi đi vô đi ra, cuốc đất, bửa củi, quét nhà, đi chợ, nấu ăn, đọc sách, làm thơ, viết nhật ký, ghi chép, chơi với 2 đứa con, vẽ cho chúng học, lui tới với anh em bạn bè lúc cốc rượu, lúc chén trà điếu thuốc, cực quá, nhiều khi là 5, 3 cái tàn vấn lại. Người ta có thể hành hạ tôi, nhưng tôi không thể tự hành hạ mình được. Tôi muốn yên ổn. Nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn cứ bị nhòm ngó.

Vỹ Dạ, ngày 1.9.1993
Nguyễn Đính

© 2005 talawas