© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
25.11.2005
Phan Khôi
Đàn bà với quốc sự
 
Đàn bà cũng nên làm quốc sự

Đã lâu, bên nam giới hay khuyên chị em ta ra làm quốc sự. Cái luận điệu của họ như vầy: "Trai gái đều là con em của nhà nước, mà việc nhà nước cũng là việc chung, thì bạn phụ nữ của ta cũng nên ra gánh vác lấy một phần mới được". Cái ý kiến vẫn là phải là hay, song tiếc thay anh em nam giới chỉ mới lấy lý mà nói với chị em mình, chớ chưa nói đến việc. Ôi! Quốc sự là một nghĩa vụ thần thánh của hết thảy con em nhà Việt Nam; có phải đâu là độc quyền của bọn tu mi, mà họ phải khuyên thì chị em mình mới biết. Vả lại có lý nào con trai nên làm quốc sự, còn con gái không nên làm hay sao?

Song bạn nam giới chỉ khuyên chị em ta nên làm quốc sự thôi, mà không nói thêm gì nữa, thì thiệt là minh mông quá, ai biết bờ biết bến ở đâu mà đi. Thiệt vậy, gọi là quốc sự thì giới hạn của nó không biết đâu là đất trời, công việc của nó biết bao nhiêu là chi tiết. Làm người đờn bà, hết lòng khuyên chồng dạy con, cho chồng con được thành tài đạt đức, trở nên những người lợi ích cho xã hội, vẻ vang cho gia đình, ấy là quốc sự. Biết lo về ruộng nương, gắng công về nghề nghiệp, để cho nguyên lợi trong nước được giàu, công nghệ trong nước được thạnh, ấy cũng là quốc sự. Hay là gìn giữ quốc hồn, chăm lo học nghiệp, để cho trong bọn lầu son các tía, cũng nẩy ra hạng học rộng tài cao, mở mặt cho chị em, giúp ích cho xã hội, ấy đó cũng là quốc sự nữa. Những việc của cá nhơn làm mà có ích hoặc gần hoặc xa cho nhơn quần xã hội, thì đều là quốc sự cả. Những việc gọi là quốc sự như thế, thì từ khi nào tới giờ, chị em mình vẫn làm hoài, tuy chưa được vẻ vang rực rỡ như ai, nhưng cái thiên chức ấy, bọn ta không phải là không biết tôn trọng.

Cái nghĩa quốc sự của họ khuyên mình, chắc là thuộc về một phương diện khác. Phải rồi, họ khuyên mình nên lưu tâm về việc hưng vong của nòi giống, biết hiến thân để trả nợ cho nước nhà. Chừng đó, quốc sự mà có nghĩa chuyên về việc chánh trị vậy.

Song nói vậy cũng còn lờ mờ hơn nữa. Quốc sự có đứng vào nghĩa ấy mà nói, cũng vẫn còn là nhiều phương pháp lắm. Nếu thiệt là đàn bà nên làm quốc sự, thì cũng nên chỉ rõ ra nên theo phương pháp nào, cho thích hạp với tánh chất và tâm lực của họ mới được. Biểu làm như bà Trưng, bà Triệu, bà Jeanne d' Arc, gối tuyết nằm sương, cầm thương lên ngựa; hay là bà La Lan, bà Thu Cận, lấy bút mực làm gươm làm đao, lấy văn chương làm cờ làm trống? Biểu làm như Camwell, quyên sanh cứu quốc, nhi nữ anh hùng; hay như bà Hà Hương Ngưng tổ chức ra chánh đảng, cô Trịnh Dục Tú, chẳng nhục mạng ở nước ngoài? Biểu làm như chị em trong hội Hồng thập tự, xông pha trong đám mưa tên gió đạn, để buộc băng sức thuốc cho các chiến sĩ ở sa trường, hay là làm như bạn gái các nước văn minh, tổ chức ra cơ quan nầy cơ quan khác, hết cuộc vận động nọ đến cuộc vận động kia, để đòi lấy nữ quyền ở trong nền xã hội và chánh trị? Phải, biểu đàn bà nên làm quốc sự mà nên làm thế nào mới được. Nếu chỉ nói lờ mờ, nghĩa là chỉ nói có lý thuyết ra, còn phương pháp thì không chỉ, ấy tức là biểu họ bưng mắt lại mà đi, không sao tránh khỏi được sự lạc lối lầm đường, chẳng ích gì cho ai hết.

Nói ngay thật ra, N không sợ mích lòng một vài chị em mình thì đàn bà Nam Việt ta bây giờ không nên làm quốc sự; nói cho rõ hơn, là không nên làm quốc sự có ý nghĩa về chánh trị, thứ nhứt là cái chánh trị ở trong tình cảnh ta ngày nay.

Vì sao?

Có một lẽ phân minh và tầm thường hơn hết, là chị em mình chưa có giáo dục và huấn luyện gì về đường ấy hết. Đừng có thấy trong lịch sử của loài người, và riêng lịch sử của nước mình nữa, có một đôi người đàn bà hiến thân vì nhà nước, đổ máu cho đồng bào, làm oanh liệt trong nhứt thời, lưu anh danh về thiên cổ, đặng vin lấy đó mà nói cao rằng đàn bà cũng có thể làm việc nước đặng. Ta nên biết đó là một việc rất ít có. Những bực nữ anh hùng, nữ chí sĩ ở trong chỗ không ai ngờ mà nổi bồng lên như vậy, đã hay tự họ phải có tâm huyết và tài năng mặc lòng, nhưng hình như thời thế có ý gây nên, để tô điểm thêm cho cuộc đời, và treo gương cho nhơn loại, chớ không phải đâu là sự bắt buộc, mà thời nào cũng có, hay ai cũng làm đặng. Phương chi cái thiên chức của đàn bà đối với xã hội, không phải cứ chuyên vào mặt đó thôi, mới là có sự vẻ vang, có nghĩa cao thượng. Thiên chức của chị em mình, nếu biết làm cho tròn ra, thì không phải rằng cứ làm quốc sự mới là đáng quý.

Nói chung về sự giáo dục huấn luyện ở trong nước mình, ta phải nên công nhận rằng trai gái có chỗ hơn kém nhau xa, chớ không phải đã được đồng đẳng. Tức là nói riêng về sự giáo dục và huấn luyện trong đường chánh trị, thì trai gái cũng không được đồng đẳng. Thử coi trong đường chánh trị, bọn anh em trai chúng ta đã đi được đến đâu rồi? Có phải là chưa đâu vào đâu hay không? Một phần người được tiếng là từng có giáo dục và huấn luyện ít nhiều, mà còn thở than lăn lóc, như dã tràng xe cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công chuyện gì, huống chi là chị em mình, giáo dục còn thiếu sót, huấn luyện chưa có gì, thì óc nào suy nghĩ, sức nào gánh vác, tài nào đảm đương, mà biểu chị em mình cũng nên làm quốc sự!

Phải, nghĩa vụ của chị em mình không phải ở chỗ đó, còn có nhiều công việc quan hệ như trời, mà trách nhiệm đều đổ hết vào mình chị em ta, chị em ta phải lo mới được. Việc gia đình, việc chức nghiệp, việc giáo dục, việc canh nông, việc khuyên chồng nuôi con, việc trong nhà ngoài họ v.v... đều là trách nhiệm của mình, tưởng làm hết đời người, chưa chắc đã đầy đủ, can chi họ lại bỏ đó mà đi theo đuổi một việc như nhẩy lên lưng cọp, như lội qua sông dài, mà lại không phải là việc mình phải quan tâm tới. Họ biểu chị em mình nên lo quốc sự là nói nóng nẩy quá, không hạp với địa vị của người đàn bà ở nước ta chút nào. Nếu như đàn bà đều bỏ việc gia đình mà lo quốc sự hết, thì tằm ai nuôi, vải ai dệt, con ai dạy, nhà ai coi, cái trật tự trong xã hội sẽ phải rối ren hết.

Tuy vậy quốc sự vẫn có quan hệ đến chị em ta nhiều, chị em ta cũng nên lo mà lo một cách khác.

P.N.T.V.

Phụ nữ tân văn Sài Gòn, số 2 (9.5.1929)


*


Đàn bà với quốc sự

Phải, đàn bà nước ta chưa cần gì phải ra tranh luận ở giữa nghị trường, xông pha ở nơi hàng ngũ mới là làm được quốc sự đâu. Chị em cứ việc ở trong buồng the trướng gấm, lo lắng khuyên chồng dạy con, mà tức là làm quốc sự một cách rất sâu xa, rất cao thượng.

Thử coi chị em ta làm thế nào?

Đời nầy, đừng có ai đeo cái tư tưởng quá khích lắm thì mới chối cãi rằng gia đình không có quan hệ cho xã hội. Còn thì ai, từ bực thánh hiền cho tới những hạng tầm thường, đều phải công nhận rằng gia đình là cái gốc của xã hội, hễ gia đình có vững vàng, thì xã hội mới tốt đẹp được. Có người thấy người Âu châu trọng về phương diện xã hội mà biểu là họ sơ về phương diện gia đình là lầm. Họ mới là quan tâm đến gia đình thứ nhứt. Ta có xét kỹ mới thấy ở trong gia đình của họ, cũng trọng về lễ nghĩa và giáo dục lắm. Thứ nhứt là họ chú trọng vào việc giáo dục trong gia đình, vì họ cho là cái tinh hoa của xã hội từ trong gia đình nặn khuôn ra trước, rồi xã hội mới tô điểm cho thành hình sau. Cái nghĩa gia đình có quan hệ đến xã hội là ở chỗ đó.

Khi tôi nói rằng trọng gia đình, là nói ngay vào việc gia đình giáo dục, chớ không phải có cái tư tưởng muốn giữ những thói xưa tục cũ là những thứ có thể ngăn trở bước đường tiến hóa của ta. Đó lại là một vấn đề khác.

Điều tôi muốn nói là nói hiện nay người mình không mấy ai chịu lo đến việc gia đình giáo dục hết. Nói bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu. Chẳng qua là chúng mình lầm mà quá đem lòng tin cậy vào việc giáo dục ở trong xã hội ta hiện thời, tưởng vậy là đủ đào tạo cho con em mình nên người, chớ có biết đâu việc giáo dục của xã hội ở trong cái cảnh ngộ của chúng ta không có thể tin cậy được. Ta có con cái, từ nhỏ tới tuổi đi học, ở trong gia đình, không lo đến một sự giáo dục nào riêng, cứ nói rằng có trường lớn trường nhỏ, thầy tây thầy ta đây kia, thiếu gì chỗ dạy biểu chúng nó, ấy là một điều lầm to. Kết quả chỉ là gây nên một bọn nhìn tỏ là người… và thuộc sông núi ở đâu đâu, chớ không biết Trung Nam Bắc ba kỳ là một nước một giống. Ở trong thứ lò đào chú như thế mà ra, dầu có nên ông chi bà chi đi nữa, cũng không nên vội mừng cho xã hội, mà có khi buồn cũng nên, vì nó thiếu mất cái bổn lãnh phải nhờ sự gia đình giáo dục mới có.

Bổn lãnh có thể nói là cái tinh thần hay là nhơn cách của người ta, từ trong nền gia giáo mà đào luyện ra. Làm người phải có bổn lãnh để làm cái gốc lập thân xử thể, còn sự học vấn là để tô điểm thêm vào mà thôi, chớ không thể ỷ y nguyên vào đó được. Cho nên ta thấy có nhiều người học vấn rộng, mà nhơn cách hèn, là chỉ vì họ không có bổn lãnh, nghĩa là không từng có sự giáo dục trong gia đình. Trái lại, có người chẳng có học vấn gì, mà nhơn cách của họ cao, ấy là từ khi còn ở trong nhà với cha mẹ anh em, họ đã chịu được nhiều điều khuyên hay dạy phải lắm.

Còn sự giáo dục trong gia đình nên làm thế nào, thì tưởng ta nên lấy câu nói nầy của ông Léon Tolstoi làm câu thiên cổ định án: "Nếu mình muốn nâng cao con cháu mình lên, mà tự mình không nâng cao mình lên, thì hình như việc giáo dục là một việc khó khăn lắm. Ví bằng người ta, ai cũng hiểu rằng sự làm gương là một cách giáo dục hay hơn hết, thì cái vấn đề nầy rõ ràng lắm vậy".

Bây giờ, nên trở lại câu chuyện tím ruột của ta.

Trên nửa thế kỷ nay, cái cảnh non sông tổ quốc của ta đã sanh ra bao nhiêu nhà làm quốc sự, có người tư tưởng đến trắng tóc bạc đầu, có người hiến thân đến xương tan thịt nát, tuy không thành công gì, nhưng trước cái hùng tâm tráng chí của những bực ấy, ta cũng nên cúi đầu. Trừ một số người rất ít, có thành tâm, có tư cách, có tài năng làm việc quốc sự ra, còn biết bao nhiêu kẻ không thành tâm, không tư cách, không tài năng mà cũng lăm le ra gánh vác quốc sự, nếu công phu và ngày giờ của họ đem làm việc khác còn có ích hơn. Thời đại khác thì phong tục khác. Thuở xưa còn chuộng những thi cử và quan cách, thì ai cũng đổ xô vào con đường ấy, còn đời nay trọng những người chí sĩ, thì người ta cũng tranh nhau mà đi, dầu tự mình không xứng đáng gì cũng mặc. Quốc sự đối với những hạng ấy, cũng là một cái nghĩa hiếu danh như đời trước mà đổi mục đích đi đó thôi.

Bởi vậy, ta thấy có phần nhiều người làm quốc sự, đã không ích gì cho nước nhà, lại gây thêm những tiếng chê trò cười, cho thiên hạ thấy hết chỗ dụng tâm của họ. Rất đỗi có kẻ gặp bước gian nan, nửa đường gai góc thì bao nhiêu mạch máu như dầu sôi, lời nói như gươm chặt hồi trước đều đổ đi đâu mất hết, trở lại năn nỉ ai khất với người đối địch của mình. Cái tâm đức của những người muốn ghé vai gánh vác việc non sông mà như thế, thiệt là làm nhục cho cả quốc dân. Đừng kể chi sự thất bại là một sự đáo đầu thi khỏi phải nói, nhưng lấy ngay tâm sự và cách hành vi của một số người làm quốc sự mà coi, thì hình như tự ngay trong tòa án lương tâm của họ cũng đã hành phạt một cách nghiêm khắc. Cái đó chỉ là tự họ thiếu mất bổn lãnh làm người, bổn lãnh làm việc, mà còn phải giáo dục nhiều nữa mới được.

Sự giáo dục ấy, tuy có nhờ về hoàn cảnh và cơ hội gây nên nhiều, song chị em ta cũng có thể tự nhận một cách vẻ vang rằng ta có cái thiên chức rất cao ở trong đó.

Thiệt vậy, chị em ta làm quốc sự mà làm gián tiếp từ trong gia đình.

Có con thì ngay từ lúc chúng nó ở quanh gối bên mình, là lúc cái thiên lương của chúng nó còn trong sạch, thì nên đem ngay đại nghĩa ra mà khuyên răn dạy biểu, để cho chúng nó in sâu cái nghĩa quốc gia chủng tộc từ hồi còn thơ, tới khi lớn ra làm việc đời, đã đã có cái kết tinh ấy, thì tự khắc biết cả quyết và hy sanh mà làm, không có gì lay chuyển được. Thành công là nhờ chỗ đó, có thất bại hoặc cũng là thời mà thôi. Xưa nay biết bao nhiêu bực thánh hiền hào kiệt, làm nên anh danh trong một thuở, để lại sự nghiệp cho muôn đời, là nhờ có mẫu giáo.

Có chồng thì nên nhơn lúc đêm khuya canh vắng, chuyện nhỏ lời êm, phải làm sao cho họ biết trọng liêm sỉ, có lòng phân phát, biết để lòng lo đến việc quốc gia xã hội, biết việc công là trọng, niềm tây sá gì. Đã có người làm quốc sự là việc vong gia, mà còn quay đầu lại vợ dại con thơ, sanh ra thối chí. Vậy cần phải có cách khuyến khích như thế, đừng có ai là hạng chồng gỗ đá thì không nói làm gì, còn ai có cái chí khí nam nhi lại không trợn mắt nghiến răng bỏ thân làm việc cho được. Cái tiếng thỏ thẻ của đàn bà, đã êm tai như chim hót buổi sớm, mà cũng giựt mình như trống giục nửa đêm, thiệt là dễ khiến cho người ta sanh lòng cảm hứng và phấn phát lạ thường. Ta còn nhớ chuyện xưa có người đàn bà, chồng đi học nửa chừng bỏ về, mà chặt đứt khung cửi; có người đàn bà, chồng ra trận mới bị gãy có một cánh tay chạy về, thì biểu ra cho gãy luôn cánh kia hãy về ngó mặt thiếp.

Đó, chị em ta ở trong gia đình mà biết lo cái thiên chức của mình để khích động nhơn tài như vậy, thì chẳng làm quốc sự, mà kỳ thiệt là làm quốc sự có ý nghĩa sâu xa và cao thượng lắm. Cần gì phải thở vắn than dài, liều thân hoại thể mới được sao?


P.N.T.V.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 5 (30.5.1929)
Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Tồn nghi, Lại Nguyên Ân sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004