© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
28.11.2005
Phan Nhiên Hạo
Đọc “Theo đuổi tự nhiên…” của Thi Hoàng
 
Đã lâu tôi mới có dịp đọc một tập thơ thú vị như Theo đuổi tự nhiên và những bài liên quan hay là Cộng sinh với những khoảng trống [1] của Thi Hoàng. Trong mớ thơ phú tràn ứ ra tận lề đường hôm nay, nơi đa số bày bán hoặc hàng cũ hỏng mốc meo, hoặc hàng tân trang xộc xệch, thơ Thi Hoàng đem lại cho tôi cảm giác tin tưởng. Tin tưởng vì những bài thơ được viết bởi cảm xúc rất thật, bởi suy tư đàng hoàng, và bằng bút pháp thông minh. Thi Hoàng thuộc vào số những nhà thơ mà khi đọc họ, tôi nghĩ về đời sống chứ không phải về hệ lụy văn chương, nhìn thấy số phận một con người chứ không phải một diễn viên tham vọng.

Thơ Thi Hoàng như nỗ lực diện kiến bản thể, sống thật với chính mình: “Mình là ai mà miết mát giả vờ/ Mình chỉ đóng chính mình mà chả giống” (“Theo đuổi tự nhiên”, 26-27). Con người, bơi trong biển xấu, không khỏi bị sóng dữ quăng lên quật xuống. Chủ đề cái ác trở đi trở lại trong thơ Thi Hoàng. Cái ác như sự ô nhiễm, phản tự nhiên. Cái ác, trong cách nhìn của Thi Hoàng, hiện ra dưới nhiều dạng, nhiều vẻ. Nó “nghĩ ngợi bằng hàm răng (cũng lắm khi bằng bộ phận sinh dục)”, nó “tìm cách nâng quần lót lên thành mốt”, nó “thấy bãi lầy lại cứ tưởng đám đông nên đi ủng lội vào” (“Lại theo đuổi tự nhiên”, 57-58). Nhưng con người không xa lạ với cái ác. Con người tạo ra cái ác. Thi sĩ đôi khi cũng vậy:

Kẻ ác
Không xa lạ gì với ta
Ta có lúc không khác gì kẻ ác.

(“Lại theo đuổi tự nhiên”, 58)

Người tốt không nhất thiết là người chưa bao giờ phạm sai lầm, mà là kẻ có khả năng đàn hồi trở lại cái nhân tính tự nhiên. Thi sĩ đi xa hơn một bước, hắn nói về sai lầm, về xung đột trong chính hắn một cách tỉnh táo:

Ý nghĩ của ta có lúc tựa chân ruồi lòng có lúc
như
vòi muỗi độc
Viết những chữ nói những lời ung rữa.


(“Bóng tối dưới chân đèn”, 45)

hoặc:

Ta có lúc cũng từng ruột gan nhàu héo như dưa
Có lúc cũng là dưa khú cà thâm bày lên mâm niềm vui một đôi kẻ khác
Trong mắt nhiều người (có cả người đã nằm trong đất)
ảnh ta chắc còn lưu trên võng mạc
Với rất nhiều tư thế chẳng ra sao.

(“Nhờ nhau”, 16)

Thi Hoàng ý thức cả về quá trình tự ý thức của mình, thậm chí giễu cợt:

Dưới bóng cây ngồi ngô nghê
Còi xe đường cao tốc thét lên quẳng mình ra đây
Xương cốt vội vàng làm một cuộc
nghệ thuật sắp đặt
Những gian khó luôn rình ở các khớp các đốt

Da thịt rủ bóng râm một hai che đi
Ngồi đây mà phân tích phân vai phân bổ,
phân...

(“Dưới bóng cây”, 22-23)

Thơ Thi Hoàng đề cập khá nhiều đến thực trạng xã hội hôm nay, nơi giả dối đã thành thần, các giá trị đang mục vữa. Đối mặt với cái ác, con người có vài chọn lựa: hoặc phản kháng, hoặc hùa theo, hoặc tự cứu chuộc. Có những kẻ cũng tìm thấy tự cứu chuộc thông qua phản kháng. Thi Hoàng là nhà thơ “tự nhiên” theo nghĩa, anh tin vào chuyển dịch tất yếu của lẽ phải. Nhưng anh cũng ý thức một chờ đợi tự nhiên như vậy sẽ phải mất rất lâu mới viên thành, có khi vượt giới hạn đời người:

Lẽ phải dềnh dàng còn tế nhị gởi thưa
với muôn trùng biến dịch
Lẽ phải không tự tử cũng không bị ai giết chết

Lẽ phải đến kia rồi ta đã già rồi thôi để con ta ra đón.

(“Lại theo đuổi tự nhiên”, 58)

Sự bi đát của con người, như ẩn dụ trong Waiting for Godot của Beckett, là chờ đợi, đôi khi chờ đợi điều không bao giờ đến. Trong khi chờ đợi, người ta có thể chỉ đứng lên ngồi xuống, người ta có thể bóp cổ nhau, hoặc người ta có thể cùng bước về hướng đoàn tàu sẽ đến. Người làm thơ có thêm công việc khác: trong khi chờ đợi, hắn kể câu chuyện về chính sự chờ đợi, về sự bi đát sau cùng của số phận hắn, bất kể đoàn tàu rồi sẽ đến hay không.

Con người thi si trong thơ Thi Hoàng là kẻ mang ý thức sáng rõ về mình. Hắn ghê sợ cái xấu nhưng phải tồn tại trong môi trường ô nhiễm. Hắn muốn thoát ra, cộng sinh với những khoảng trống, nhưng trong khoảng trống, hắn bị dằn vặt bởi nhu cầu phân tích, phản tỉnh. Thi Hoàng nhiều lần đề cập đến khoảng không, nhưng hầu hết là những khoảng không xao động, nơi suy tư không lắng xuống mà chỉ bắt đầu: “May còn khoảng không chùi lau gột rửa trong đầu” (“Lại theo đuổi tự nhiên”, 58),“bắt đầu từ một khoảng không/ ánh sáng lên ngồng mọc những đầu đen” (“Bóng tối dưới chân đèn”, 52), “Thấy khoảng không không nói gì làm mình e ngại/ Những lời đã trượt ngã tìm cách đứng dậy trong miệng mình” (“Mở cửa”, 74),“Sao chả thấy gì/ Chỉ thấy khoảng không rưng rưng” (“Lại theo đuổi tự nhiên”, 81). Hành động “cộng sinh với những khoảng trống” của Thi Hoàng là phản ứng tách ra khỏi cái ác, một cố gắng tự lọc. Nhưng tìm được khoảng trống, nhà thơ lại đối diện mình đau đớn hơn. Thi Hoàng kết thúc tập thơ với hai câu thế này:

Khao khát tìm nơi vắng vẻ tịnh liêu
Để tự vả vào mặt mình một cái!

(“Lại theo đuổi tự nhiên”, 110)

Ít thi sĩ có khả năng tự phán xét như vậy. Những ngày này, chúng ta có quá nhiều thi sĩ người mẫu và thi sĩ anh hùng.

Thơ Thi Hoàng, mới đọc qua, mang phong vị cổ điển. Điều này ít nhiều do giọng điệu thế thái nhân tình trong thơ anh. Thi Hoàng thường nhắc đến trời đất: “Trời đối với mình quá tốt”, “Bắt đền cao xanh hay tạ lỗi với trời” (“Theo đuổi tự nhiên”, 25, 27). Nhà thơ xưng “ta”, “mình”, thay vì “tôi”. Anh nói về cái ác, về khoảng không, cái chết, những đề tài vĩnh hằng. Anh nói giọng lừng khừng của một người đã mệt với chốn nhộn nhạo, chỉ đợi dịp đi xa, dù biết rồi chẳng đi đâu được. Đằng sau bề ngoài cổ cổ, thật ra thơ Thi Hoàng khá mới. Như một người làm thơ hiện đại, Thi Hoàng ít câu nệ vào sự liền lạc của tứ. Những ý nghĩ rời rạc, ít ăn nhập của giòng nội tâm, đôi khi thản nhiên đứng cạnh nhau trong một khổ thơ Thi Hoàng:

Khi thật vui hay thật buồn
thì thích ở ngoài sân hay trong nhà
Đây không phải là một câu thơ

Tóc còn đen mà làm quan rất to
Đây cũng không phải là một câu thơ
Mẹ ta mất đã hơn mười năm rồi.

(“Người đem thơ đi đâu”, 5)

Từ chuyện nhà cửa bất ngờ chuyển sang chuyện làm quan. Mà tóc đen với làm quan thì liên quan gì? Rồi chợt nhớ đến mẹ. Hình như Thi Hoàng đang ngồi đọc sách về nhân vật đời xưa, cảm hứng ghi bên lề một câu, hờ hững viết thêm vài câu rời, vừa viết vừa ý thức hành động viết của mình: “Đây không phải là một câu thơ”. Bài thơ ngắn, thêm vài câu nữa về mẹ, nhắc lại ông tóc đen, vẫn không rõ ông tóc đen nào, rồi thôi:

Không biết chân trái của người
đã khỏi đau chưa
Người mang theo những câu thơ

mà mình mong ước
Giờ thì lên đỉnh niềm vui

hay xuống đáy nỗi buồn
Những câu thơ kia
cũng chẳng tìm thấy được
Hỏi ông tóc đen ư
Câu hỏi ngã đau ở ngay cửa miệng!

(“Người đem thơ đi đâu”, 5)

Trong một bài thơ khác, Thi Hoàng đang viết về cái nhìn, đột ngột chuyển sang người nước ngoài: “Người nước ngoài hoai hoài mùi lạ/, /Người nước ngoài của tôi ơi/ Bao giờ về nước ngoài đêm ngủ mê chắc thấy ở đây đang nhai nhóp nhép” (“Lại theo đuổi tự nhiên”, 54).

Thơ Thi Hoàng chuyển đổi bất ngờ giữa những câu, những khổ thơ. Thơ Thi Hoàng bất ngờ ngay trong liên tưởng từng hình ảnh. Thi Hoàng nhìn cột ăng-ten bằng con mắt rất lạ:

Trông cái cột ăng-ten nhâng nháo rất cao bồi
Nó gạ gẫm bầu trời chích hút

(“Lại theo đuổi tự nhiên”, 56).

Tôi không quan tâm lắm việc gọi ra một cái tên như Siêu Thực cho thơ Thi Hoàng. Có những chỗ anh viết rất trực tiếp, không so sánh, ẩn dụ. Tôi chỉ muốn nói, tôi thích sự liên tưởng bất ngờ trong thơ Thi Hoàng. Cái khó của liên tưởng thơ, theo tôi, là làm thế nào vừa chính xác lại vừa lạ. Cột ăng-ten và ống chích, mặc dù khác xa nhau về kích cỡ, không phải không có những tương đồng bên ngoài. Mặt khác, khi liên tưởng cột ăng-ten với ống chích, tác giả lập tức nhắc người đọc về một tệ nạn xã hội hôm nay. Một liên tưởng như vậy, xa, nhưng chính xác. Trong ý nghĩa này, tôi đồng ý với Ngô Tự Lập khi anh nói: “Về bản chất, làm thơ chính là một cách sử dụng điển tích đời sống cá nhân của một hay một lớp độc giả” [2] . Trong thơ, người đọc sẽ ngán ngẩm trước những liên tưởng hoặc quá lệch, nhưng tệ hơn, quá cũ. Liên tưởng hình ảnh Việt Nam với người đàn bà đang ưỡn người chẳng hạn. Liên tưởng này không khập khiễng nhưng rõ ràng quá cliché, được sử dụng đã nhiều, có khi biến thể chút ít qua hình ảnh “mẹ Việt Nam còng lưng nhẫn nại”, “dải đất yêu kiều”...

Liên tưởng thơ Thi Hoàng phần lớn lạ và chính xác: “Người bồm xộp như cắt ra từ nệm mút” (“Để nhớ một cái tên”, 18), “Lá ngang nhiên xanh dưới trời da cá lạnh” (“Dưới bóng cây”, 24), “Máy tính ti-vi màn hình có hôm nhùng nhầy như cục đờm thằng nghiện/ Trong ấy có không biết bao nhiêu vi trùng” (“Lại theo đuổi tự nhiên”, 82). Thảng hoặc, Thi Hoàng cũng rơi vào những liên tưởng hoặc gượng ép: “Tiếng còi xe được nhìn thấy như mỡ rịn ra hai bên mép”, hoặc cũ: “Tiếng gà gáy thắp lên những ngón tay búp măng” (“Theo đuổi tự nhiên”, 105, 27).

Đọc Thi Hoàng, ta không khỏi mỉm cười vì cách chơi chữ ngộ nghĩnh, thông minh. Anh viết: “Nhiều hôm đến cơ quan có điều muốn báo mà các cáo đi họp cả”, “Bố thành khủng bố/ Mẹ thành mẹ mìn/ Rò rỉ thông tin, được rồi. Lại còn rò rỉ lò phản ứng hạt nhân” (“Lại theo đuổi tự nhiên”, 63, 109). Thi Hoàng không ngại dùng cả những cách nói tiếu lâm vỉa hè: “Bỏ đi những danh ôi danh thiu rất là cô lô nhếch”, “Ta-Ni-Cô-Lai-Đờ-Nhân-Dân đông nghịt” (“Lại theo đuổi tự nhiên”, 65, 82). Có khi anh điệp vận kiểu đồng dao: “Những A còng a gập/ Những Đờ rim đờ kho”, “Víp vịp vìm vim úm ba la một lão ba hoa thành ra số dách”, “A, hai con bồ câu đang bú mớm tâm hồn/ trên cành đào xuẩn xuần xuân hừ hư hứ hự” (“Bóng tối dưới chân đèn”, 41- 43). Những trò chơi chữ, Thi Hoàng sử dụng chỉ đủ đem lại chút khôi hài nhẹ nhàng, không lạm dụng. Tôi thích một thông minh kềm chế như vậy. Thật khó chịu khi đọc phải những loại thơ bông phèng trơ trẽn.

Tập thơ của Thi Hoàng chỉ gồm mười bốn bài, trong đó “Lại theo đuổi tự nhiên” là một bài thơ dài. Tôi đã trích khá nhiều bên trên. Sự trích dẫn, tuy vậy, chắc chắn không thay được việc đọc trọn vẹn những bài thơ. Tôi thích thơ Thi Hoàng vì thái độ tự chiếu chân thành, giọng tự thoại trầm trầm. Tôi thích thơ Thi Hoàng vì bút pháp dung dị nhưng thật ra tinh tế, cổ điển nhưng thật ra hiện đại. Sau cùng, tôi thích thơ Thi Hoàng vì tôi chia sẻ với anh niềm tin về sự tốt đẹp của tự nhiên. Tôi biết, có những kẻ chỉ nhìn thấy trong tự nhiên mầm xấu xa hung bạo. Dây dưa hoài với những kẻ như vậy thật oải. Vì thế, trong suốt bài viết này, tôi đã thấy chẳng cần định nghĩa tự nhiên. Việc đó, tôi nghĩ, Thi Hoàng đã làm rất tinh tế bằng những bài thơ của anh rồi.

11/2005

© 2005 talawas



[1]Thi Hoàng. Theo đuổi tự nhiên và những bài liên quan hay là Cộng sinh với những khoảng trống. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn, 2005
[2]Ngô Tự Lập, “Văn học như là quá trình dụng điển”. Minh triết của giới hạn. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn, 2005. Tr. 95