© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.11.2005
Nguyễn Tài
Khúc khuỷu đường đời - Mười một năm liên tục đấu tranh để sự thật và lẽ phải được thừa nhận
(Hồi tưởng và suy nghĩ) 13 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Mục lục

 Lời nói đầu
I.
Giở lại nhật ký cũ
II.
Đột ngột bị đình chỉ công tác
III.
Công văn 139 của Tiểu ban Bảo vệ Đảng
IV.
Những biện pháp ngầm
V.
Tiểu ban Bảo vệ Đảng chất vấn
VI.
Gặp đồng chí Lê Đức Thọ lần thứ nhất
VII.
Gặp đồng chí Lê Đức Thọ lần thứ hai
VIII.
Thường trực Ban Bí thư
IX.
Kết luận treo
X.
Sự thật về bản Anh văn
XI.
Kết luận chụp mũ
XII.
Kết luận cuối cùng đúng sự thật, hợp lẽ phải
XIII.
Những suy nghĩ qua nhiều năm


Lời nói đầu

Ngày 10/6/2002, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an tổ chức trọng thể lễ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ cho tôi.

Các bạn bè gặp chúc mừng. Họ đều nói: “Anh hùng ở tuổi 76! Chậm! Nhưng hơn là không có”. Bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc đã 27 năm; và ở ta đã từng có 2 đợt tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (AHLLLVTND) thời chống Mỹ.

Có người nói:

Về ý kiến của anh Sáu Dân [1] quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trung, mưu trí khi bị địch bắt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Tài, cho thấy đồng chí thực sự xứng đáng là một Anh hùng”, thì mọi người đều hiểu được, nếu đã đọc cuốn hồi ký Đối mặt với CIA Mỹ.

Còn về ý kiến cũng của anh Sáu Dân: “Sau giải phóng, đồng chí Tài đã kiên trì thẳng thắn đấu tranh có nguyên tắc để bảo vệ mình trước những nghi vấn về thời gian bị địch bắt giam cầm và đã được các cơ quan chức năng của Đảng kết luận. Việc đó càng làm sáng tỏ hơn phẩm chất anh hùng của đồng chí”, thì cho đến nay nhiều người chỉ mới nghe loáng thoáng.

Vì thế, nhiều bạn bè nhắc nhở tôi sau cuốn Đối mặt CIA Mỹ đã xuất bản năm 1999, nên viết tiếp hồi ký về đoạn đường khúc khuỷu của tôi kéo dài 11 năm; mà trong thư đề xuất việc xét phong danh hiệu AHLLVTND cho tôi, anh Sáu Dân đã nêu lên là 1 trong 2 căn cứ.

Tuy nhiên, nếu so với chặng đường đời đã 76 năm của tôi thì đoạn đường khúc khuỷu mà tôi đã trải qua 11 năm, vẫn còn là ngắn.

Từ khi kết thúc câu chuyện không hay đó, đến nay đã trên 20 năm trôi qua, nên cũng đã đến lúc tôi có thể và nên công bố câu chuyện – không thuộc bí mật quốc gia – về đoạn đời khúc khuỷu của tôi từ 1977 đến 1988 để mọi người đều hiểu đúng; đồng thời cùng nhau rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết về xây dựng Đảng, xây dựng Công an (CA).

Để biên soạn hồi ký này tôi đã có sẵn đầy đủ tư liệu, là những trang nhật ký cũ.

Hồi 1977, tôi đã bắt đầu ghi những dòng nhật ký này. Khi đó, tôi đặt tên cho bản viết là Mối nghi vấn xung quanh một chuyện nghi vấn.

Đến năm 1995, với chương trình làm việc mới, tôi đã chép lại những dòng đã ghi các năm trước; có chỉnh đốn về văn; còn nội dung vẫn theo bản cũ; nhưng đặt cho tên mới 11 năm liên tục đấu tranh để sự thật và lẽ phải được thừa nhận, bởi lẽ nhật ký cũ chỉ mới dừng lại ở cuối năm 1981, trong khi tình hình phát triển đến cuối năm 1988 đã có nhiều thay đổi một cách căn bản.

Đến năm nay – năm 2002 – là đã trải qua trên ¼ thế kỷ - với cách nhìn mới, tôi đã đọc lại tập nhật ký cũ và thấy nên đặt tên mới – như ở bản này – khi công bố một sự thật lịch sử đã từng xẩy ra đối với mình – và cũng là đã xẩy ra trong Đảng ta – sau thắng lợi của giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ Quốc.

Bạn bè có kiến thức về văn học góp với tôi nhiều ý khác nhau về thể loại có thể sử dụng.

Tuy nhiên, vì tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp; nên tôi gọi cuốn hồi ký này là loại Hồi tưởng và suy nghĩ.

Lời nói đầu dẫn chuyện, và chương cuối cùng (XIII) là xen kẽ nhật ký về các sự kiện cũ với những suy nghĩ của tôi từ năm 1955 cho đến hiện nay. Từ chương I đến chương áp chót (XII) là ghi lại y nguyên những sự kiện và những suy nghĩ của tôi vào đúng thời điểm có sự kiện ấy – xẩy ra cách đây đã trên 20 năm [2] .

Vậy, nếu sự thể hiện không đạt được yêu cầu là do trình độ viết của tôi còn kém; mong được độc giả gần xa thông cảm và lượng thứ cho.

Đặc tính của Hồi ký là phải phản ánh trung thực về việc và về người trong đời (không được hư cấu). Để soạn cuốn Hồi ký này tôi đã gặp phải sự phân vân: Vì câu chuyện này của tôi liên quan đến rất nhiều nhân vật trong nội bộ ta ở nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau (mà một số người nay đã qua đời). Do đó bạn bè có góp ý là: Để giữ sự tế nhị, nên viết tắt tên các nhân vật trong cuộc. (Tuy nhiên, rồi độc giả cũng vẫn sẽ tự tìm cách đoán xem từng nhân vật thật là ai).

Nói thật tình, ngay khi tôi còn chưa được minh oan triệt để, tôi cũng đã không hề có ý nghĩ oán hận đối với bất kỳ ai đã gây khó khăn rắc rối cho tôi trong 11 năm ấy. Huống hồ đã trên ¼ thế kỷ trôi qua, mọi việc và người – hồi đó dù tốt hay xấu, là hay hay là dở - đến nay đối với tôi tất cả đều đã trở thành dĩ vãng. Còn: Tôi vẫn là tôi; trước sau như một.

Vả lại, khi công bố trung thực cuốn Hồi ký này, chỉ với mong mỏi để rút được bài học kinh nghiệm bổ ích trong xây dựng Đảng, xây dựng CA, thì sau khi cân nhắc kỹ - tôi thấy rằng: tốt nhất là cứ nên ghi mọi người trong cuộc với tên thật của từng người. Bởi: ai có động cơ tốt và hành vi trong sáng; ai tuy có nhiệt tình cách mạng, nhưng phạm sai lầm trong phương pháp tư duy và cách làm việc; độc giả đều rất minh mẫn để tự phân biệt được với ai có hành động không trong sáng, tuy chưa kết luận được về động cơ. Như thế sẽ tránh được mọi sự hiểu nhầm không đáng có về người này hay người khác – tuy có khi không ở trong cuộc mà do có chữ tên được viết tắt giống nhau – nên bị hiểu nhầm thành người trong cuộc.

Đó là một chi tiết quan trọng về quan điểm thể hiện mà tôi mong được độc giả hiểu đúng trước khi đọc những trang viết sau đây của tôi.


I. Giở lại nhật ký cũ

Trong khoảng thời gian từ năm 1977 về sau, tôi không nhớ đích xác ngày tháng, do sự giới thiệu của bạn bè và người thân, tôi đã đọc 2 cuốn sách dịch.

Một cuốn tên là Ô-lê Biên-kốp dịch của CHDC Đức, mà nay tôi không còn tìm đâu để có. Đại ý chuyện một người nông dân kiên trì với ý tưởng của mình, bị mọi người chỉ trích, nhưng vẫn kiên định; cuối cùng chết mang theo lòng tin đó. Anh Mai Văn Mạc với ý tốt, cười bảo tôi “Không khéo ông cũng là một Ô-Lê Biên-kốp Việt Nam đấy”. Anh Mạc nay đã qua đời; nhưng tôi không thể quên Anh, vì trong lúc mình còn gặp khó khăn rắc rối, Anh đã vẫn giữ quan hệ thường xuyên với tôi; và chính Anh chủ động cho tôi mượn đọc cuốn truyện dịch đó - không thể nào khác là - khi đọc cuốn truyện, Anh đã nhớ đến tôi với những tình cảm tốt đẹp và chân thành.

Một cuốn tên là Pháo đài Brest dịch của Liên Xô (cũ), do em gái tôi giới thiệu. Kể về sự tích anh hùng của những nhân vật - chiến sĩ Hồng quân, ở đồn biên phòng Brest, nơi phát xít Đức mở đầu cuộc tấn công Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ 2; những người mà tin tức hồi đó nói là đã chết hết, những sự thật là nhiều người còn sống; nhờ một nhà báo Xô-viết công khai đề nghị mọi người cung cấp tin tức, nên đã tìm được tên và địa chỉ những người còn sống. Qua chuyện kể lại thì họ còn anh hùng hơn cả truyện đã từng viết về họ trước đây. Tuy nhiên, với cách nhìn và cách giải quyết thời đó, những người còn sống ấy đã bị bạc đãi thậm tệ, đến nỗi nhiều người không dám nhận mình chính là những anh hùng đã được nêu gương của pháo đài Brest. Đọc xong cuốn sách này, tôi cảm thấy là mình còn may mắn hơn họ, và mong sao trong đời, trong một đất nước tự hào với danh hiệu là Xã hội chủ nghĩa, không bao giờ để tái diễn những trường hợp tương tự cho bất cứ ai. Rất may là mấy năm sau, tôi bỗng tìm mua được một cuốn Pháo đài Brest, để đặt trong tủ sách của tôi.

Gương sáng của nhà báo Xô-viết vì chân lý, vì lẽ phải, vì tình người, khôi phục vị trí xứng đáng phải có, của những con người anh hùng nhưng đã bị vùi dập, đã như tiếp sức cho tôi kiên trì đấu tranh - một cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng, nên hết sức khó khăn bởi nhiều lẽ, mà cuối cùng ta cũng nên tìm ra bài học - chẳng những để tự bảo vệ sinh mệnh chính trị, mà đồng thời bảo vệ chân lý và giữ vững tính nguyên tắc trong Đảng và Nhà nước ta.

Bây giờ, xin hãy trở lại những dòng hồi ký của tôi; bắt đầu được ghi từ năm 1977; với ý nghĩ khi đó của tôi là: Nếu vấn đề không được làm sáng tỏ ngay khi tôi còn sống, thì thế hệ sau - với tư liệu thật này - sẽ có điều kiện làm rõ.

Sau đây là những chuyện có thật đã xảy ra đối với tôi trong thời gian 11 năm từ cuối năm 1977 đến cuối năm 1988 [3] .

Không nên coi đó chỉ là những chuyện xẩy đến cho riêng tôi, vào lúc tuổi đời đã trên 50, sau hơn 33 năm chiến đấu cho Cách mạng. Mà xin hiểu đó là một loại việc đã xẩy ra trong Đảng ta, sau khi nhân dân ta đã chiến thắng oanh liệt đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất cả nước, thiết lập Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng kết thúc mới được gần một năm.

Qua những sự thật này, hy vọng rằng trong Đảng và trong Nhà nước ta sẽ mãi mãi thật sự có trung thực, dân chủ, công bằng và lẽ phải để đạt được chân lý; mọi công việc sẽ được tiến hành tuân đúng theo những nguyên tắc thông thường của Đảng và pháp luật của Nhà nước; mối quan hệ giữa đồng chí với đồng chí, giữa người với người, thể hiện đúng đắn những điều đã được ghi trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ IV.

Chớ có bao giờ vì lẽ này hay lẽ khác, mà để cho giữa lời nói và việc làm của những người Cộng sản chúng ta không nhất quán.

Đó là lòng mong mỏi thiết tha của tôi khi kể lại câu chuyện này.

Tôi ra đời ngày 11 tháng 12 năm 1926, trong một gia đình có nhiều người sớm tham gia cách mạng theo con đường của Đảng và bị tù đầy. Cha tôi là một nhà văn, có sự đóng góp đáng kể đối với nền văn học Việt Nam.

Từ tuổi thanh niên, tôi bắt đầu hoạt động trong Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (mật danh của Hà Nội); được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1945; sau đó được cử lên chiến khu Tân Trào học Trường Quân Chính kháng Nhật khóa I. Ở Giải phóng Quân cho đến sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, thì được phân công về Công an Bắc Bộ.

Suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tôi tham gia Thành ủy Hà Nội, phụ trách Công an, có mấy năm hoạt động trực tiếp ở Nội thành. Sau tháng 7 năm 1954, tôi tham gia công tác Uỷ ban Liên hiệp đình chiến trung ương về chuyển giao hành chính và tiếp quản Thủ đô Hà Nội; rồi đến khu 300 ngày [4] , cùng thành phố cảng Hải Phòng. Sau đó, được điều động về Bộ Công an, tham gia Đảng đoàn Bộ, 7 năm trực tiếp phụ trách công tác An ninh chính trị cho đến 1964.

Đầu năm 1964, tôi tình nguyện vào Nam trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ; là Uỷ viên Ban An ninh Trung ương cục miền Nam; sau đó tham gia cấp ủy Đảng khu Sài Gòn - Gia Định và trực tiếp làm Trưởng ban An ninh khu này.

Ngày 23/12/1970, tôi bị địch bắt trên đường đi công tác. Lúc đầu còn giấu được tung tích, lừa địch bằng một bình phong giả tạo; nhưng 6 tháng sau, do một sự sơ hở từ bên ngoài, rồi do bọn phản bội khai báo nhận diện, tôi bị lộ tung tích. Một cuộc đấu tranh trực diện gay go, quyết liệt và gian khổ đã diễn ra đối với tôi trong hoàn cảnh bị biệt giam từ đầu đến cuối. Khi thì với bọn tình báo Ngụy, khi thì với bọn CIA Mỹ. Theo nhiều tin tức thì bọn chỉ huy tình báo địch đã chủ trương giết tôi vào những ngày cuối tháng 4/1975; nhưng bọn tay sai bên dưới sợ không dám thi hành; vì quân ta đã đến sát Sài Gòn. Cuối cùng, bộ đội ta tấn công vào Sài Gòn đã giải thoát tôi khỏi nhà tù 3 Bạch Đằng, buổi trưa ngày 30/4/1975; sau đúng 4 năm 4 tháng 10 ngày bị cầm tù. [5]

Từ đầu tháng 5/75, tôi đã làm báo cáo kiểm điểm về thời kỳ bị địch bắt giam giữ với cấp ủy Đảng Sài Gòn. Sau đó được Thành ủy ra Quyết định công nhận Đảng tịch liên tục; và – theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng – được phân công ngay trở lại là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban An ninh thành phố mới giải phóng. Và tôi đã lao ngay vào công việc. Tuy nhiên, sức khỏe của tôi khi đó giảm sút nhiều; vài tháng sau, tôi được trở về Bắc điều trị bệnh. Sau 11 năm xa cách, mới gặp lại được gia đình. Sau đó, nhận công tác ở Hà Nội, với nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ từ đầu năm 1976.

Ngày 28/10/1977, tôi nhận được Quyết định số 254 ngày 12/10/1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “đình chỉ công tác, kiểm điểm về một số vấn đề chưa rõ trong thời gian bị địch bắt giam giữ”.

Từ đây là bắt đầu câu chuyện.

Nhưng có phải câu chuyện chỉ thật sự bắt đầu từ ngày 28/10/1977; hay nó đã bắt đầu từ bao giờ?

Đó mới thật sự là đề tài cần được giải đáp của câu chuyện kể lại sau đây, mà có lẽ tôi cũng chỉ là một nhân vật.

Nay nghĩ lại, thấy câu chuyện xẩy ra như một giấc mơ. Tôi bỗng nhớ đến hồi 1973 - lúc đó không được trao trả theo Hiệp định Paris – nằm trong phòng biệt giam của nhà tù Mỹ Ngụy, tôi có làm mấy câu thơ mô tả Giấc ngủ trong tù, như sau:

Nằm chập chờn luôn mơ đời thực
Mắt mở tròn ước mãi là mơ.
Mắt nhắm nghiền thấy đang đời thực
Bỗng mở bừng cánh cửa xà lim.
Mơ không mơ biết bao đời thực
Tỉnh mơ rồi nghĩ ngỡ là mơ.
(1973)

Vậy phải chăng từ cuối năm 1977, chính tôi đã lại phải trải qua một cơn ác mộng dài 11 năm?



[1]Ông Võ Văn Kiệt (BT)
[2]Mọi sự trích dẫn hay thể hiện lời nói đều bằng chữ nghiêng; còn ý nhấn mạnh đều bằng chữ bôi đậm.
[3]Tính đúng phải là 12 năm (BT).
[4]Khu vực dành cho đối phương tập kết trong thời hạn 30 ngày theo quy định của Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương (BT).
[5]Về những chuyện này tôi đã viết trong cuốn Hồi ký: Đối mặt với CIA Mỹ

Nguồn: Tài liệu chÆ°a xuất bản, lÆ°u hành dÆ°á»›i dạng samizdat. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.