© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
9.12.2005
Phạm Xuân Nguyên
Tác phẩm hay: hãy hết mình
(Hay là điều kiện cần và đủ để có tác phẩm hay)
 
Tham luận tại hội thảo khoa học nhan đề “Để có tác phẩm hay” do Hội nhà văn Hải Phòng tổ chức ngày 25.11.2005 tại Hải Phòng
1.

Trước hết ta phải bàn với nhau về chữ hay, tức thế nào là một tác phẩm hay. Bởi cái hay không bất biến trong không gian và thời gian, nó vận động và biến đổi tùy theo hoàn cảnh, với những tiêu chí cụ thể khác nhau. Cũng đã một lần ở Hải Phòng (tháng 4/2002), nhân kỷ niệm 20 năm mất Nguyên Hồng, tôi đã có nói đến chuyện Xuân Diệu “nhà thơ mới nhất trong những nhà Thơ Mới”, nhưng chỉ mười năm sau đã không thể cảm nổi thơ Nguyễn Đình Thi, cho đó là thơ dở, là thơ “đầu Ngô mình Sở”. Cái hay của Xuân Diệu, như thế, đã khác cái hay của Nguyễn Đình Thi. Trong những cuộc tranh luận văn học thời gian qua (mà nói đúng ra thì phần nhiều là cãi nhau ngoài văn chương), có một câu mà một bên tranh cãi hay chốt lại: viết gì thì viết, miễn là hay. Thực ra câu đó chỉ là một câu cãi cùn, ở thế bí, vì cái hay không phải là cái thước mét mà đem đo vào mọi vật, mọi thứ của lĩnh vực sáng tạo ngôn từ. Vụ tranh luận quanh tập thơ Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều dạo nào là một thí dụ. Một bên cho là tác giả viết “Tây” quá, không Việt, và thế là thơ Thiều không hay. Một bên (có tôi trong đó) bảo chính cái lối viết tưởng như “Tây” ấy là một cách tân, một cách làm mới thơ của tác giả, và thơ Thiều hay vì thế. Thời gian đã cho thấy cái đúng và cái hay ở về phía nào.

Vậy thế nào là hay? Có cái hay trong lối cũ, lối đã quen. Nhưng lại có cái hay trong sự mới sự lạ. Mới lạ cả ở cái quen thuộc. Thơ lục bát đã hay, sẽ vẫn hay. Nhưng thơ Tân hình thức, thơ dưới dạng “chát”, email, cũng hay, sẽ hay. Tiểu thuyết tả thực đã hay, còn hay. Nhưng tiểu thuyết không tả thực, viết lối hậu hiện đại, cũng hay, đang hay. Như bài thơ lục bát này của Nguyễn Thế Hoàng Linh là hay hay không hay?

Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông

tôi hỏi một không tám không
chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?
chị tổng đài giọng nhu mì
à nhiều màu lắm vặt đi vẫn nhiều
hình như là bạn đang yêu?
không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên
hình như là bạn đang điên?
vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han
...
xong xuôi hết bốn chín ngàn

(16.02.04)


2.

Tác phẩm văn học, theo ý kiến của một nhà nghiên cứu nước ngoài, phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung. Cái hay là ở cái sự phát minh và khám phá đó. Cho phép tôi được nói đến ở đây, như một dẫn chứng, trong quan hệ với điều đang bàn là tác phẩm hay, về truyện ngắn “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu đang gây hai luồng trái ngược nhau. Tôi phải nói ngay, với tôi, đây là một truyện ngắn hay, hay cả ở cách viết và nội dung. Trong tâm thế, tâm thức giải mã lịch sử và truyền thống Việt, một xu hướng đã được dấy lên từ thời văn học đổi mới, Đỗ Hoàng Diệu đã tạo được một hình tượng “bóng đè” đầy ám ảnh và dằn vặt.

Trước hết, theo trong mạch truyện, đó là bóng đè của truyền thống văn hóa dân tộc đổ xuống khao khát bản năng được sống, được yêu hết mình của những người phụ nữ. Họ muốn bung tỏa, bùng nổ toàn bộ con người bản năng của mình trong sự dâng hiến và đón nhận tình yêu, vượt qua những rào cản cấm kị, kiêng cữ của hệ giá trị một thời, của những tập tục gia đình, dòng họ. Nhưng truyền thống không cho được công khai thỏa mãn tình yêu đầy bản năng của mình. Nhân vật “tôi” trong truyện phải cam chịu phận làm dâu trước một bà mẹ chồng suốt đời coi sóc chiếc bàn thờ của gia tộc. “Tôi” cũng phải nén cơn khát thèm mãnh liệt của mình bên người chồng cứ mỗi lần về quê cúng giỗ là mất hết sinh lực đàn ông, là thành ra như bất lực. Người con gái trong truyện “Vu quy” đã tự hỏi: “Sống trong căn nhà trang trí tranh Đông Hồ đầy bụi bám, ngửi hít mùi phù sa sông Hồng ngày này qua ngày khác, không hiểu cuộc đời tôi sẽ ra sao”.

Rộng ra, đó là bóng đè của quá khứ đổ xuống con người hôm nay, hay là sự níu buộc, trả thù của quá khứ đối với hiện tại. Con người trong đời sống hiện tại khát vọng sống tự do, khát vọng tự do cá nhân. Nhưng áp lực của truyền thống, của cộng đồng, của dân tộc đè nặng xuống họ. “Tôi” trong truyện nằm trên tấm phản ở trước bàn thờ. “Tấm phản mang quá khứ của gia đình Thụ, xa xôi, chất chồng. Còn tôi, hiện tại, một đứa con dâu đĩ thõa đang ưỡn ngửa căng rát đón chờ”. Chiếc bàn thờ che màn đỏ ở nhà Thụ là hiện thân, là biểu tượng của quá khứ đó. Trước nó, “tôi” trong truyện bị hãm hiếp mà không thể phản kháng, chống cự. Đồng lõa với nó là bà mẹ chồng và cô em chồng, những người cam phận sống trong khuôn khổ quá khứ. Quá khứ là tốt đẹp. Truyền thống là tốt đẹp. Do đó mọi sự cựa quậy muốn thoát khỏi cái bóng quá khứ, truyền thống, đều bị coi là sai trái, tội lỗi.

Rộng ra nữa, đó là bóng đè của Trung Hoa đổ xuống Việt Nam. Cả về chính trị, xã hội và văn hóa. Gia đình Thụ là dòng dõi đế vương Trung Hoa. Cô gái, vợ Thụ, đã bị cha chồng mình từ bàn thờ bước xuống đè bóng hãm hiếp, lần đầu cô bị cưỡng bức, nhưng lần sau cô tự nguyện, sau đó nữa thì cam chịu, vừa thỏa mãn vừa nhục nhã. Một người tình của cô gái trong “Vu quy” là thương gia Trung Hoa. Trong cuộc tình, cô gái đã cong tấm thân mình lên thành hình chữ S, “một hình chữ S. cố phản kháng” để không trở thành nô lệ của ông ta. Nhưng gã tình nhân người Tàu này nói: “Trong tâm tưởng, em luôn nghĩ em là nô lệ. Em nghĩ thế từ khi em chưa sinh ra, từ cả ngàn năm nay. Em không có sự tự tin”. Và thế là: “Người tôi oằn xuống thẳng đơ, phục tùng giọng nói, phục tùng ý nghĩ của ông. Không còn chữ S nữa mà là chữ I, hai đầu xẹp nhép”. Cô gái đã thử một lần trốn chạy, nhưng rồi lại quay về với lão ta để bị đối xử nô lệ một cách nhục nhã hơn. Tình cảnh Việt Nam dưới bóng đè Trung Hoa là vậy chăng. Đã không cam phận, đã tìm cách vượt ra, nhưng dường như vẫn chưa thoát được cái bóng to lớn của người láng giềng phương Bắc. Có thể lấy một liên tưởng ở đây tới đoạn văn Nguyễn Huy Thiệp viết gần hai chục năm trước, cũng trong một truyện ngắn: “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó” (“Vàng lửa”).

Đọc ở những tầng nghĩa này, thấy chỉ với hai truyện tiêu biểu là “Bóng đè” và “Vu quy”, Đỗ Hoàng Diệu đã đưa đến người đọc những thông điệp nhiều chiều, mà chắc với không ít người là khó tiếp nhận và chấp nhận. Những phụ nữ trong truyện ở đây vừa là phụ nữ, vừa là dân tộc. Để phản kháng lại quá khứ, truyền thống trói buộc, kìm hãm, nhân vật “tôi” đã chạy ra giữa cánh đồng, giữa khu mồ mả nhà chồng để được là chính mình: “Mười một ngôi mộ yên bình, sự yên bình thái quá một u mê. Tôi muốn những ngôi mộ nứt đất chui ra từng bóng ma, từng oan hồn liệt sĩ xéo sắc, tay dài chạm gối. Tôi nghĩ mình sẽ không sợ hãi. Tôi muốn họ trả lời tôi họ muốn gì ở đứa con gái nhiều xúc cảm này và có gan hãy hãm hiếp tôi giữa ban ngày ban mặt. Vẫn chỉ là im lặng. Má tôi nóng hực, miệng tôi lại khát cháy. Giật tung hàng khuy áo, cành hoa đỏ thẫm đứt đôi, tôi xoay vòng quanh mười một ngôi mộ. Vú tôi rứng tràn không khí. Vú tôi là đời sống, là hơi thở, là khí quyển. Mồ mả là quá khứ, là huân chương, là tổ quốc. Tôi chạy giữa bãi tha ma thênh thang hoang dại. Tôi múa điệu múa da thịt tươi tốt, thách thức thần linh, thách thức âm hồn dòng dõi Trung Hoa nhà Thụ. Tôi tung tăng thể xác, đôi bầu vú tự do khiêu khích cho đến lúc bàn tay xa lạ có năm ngón thuôn mềm đưa lên cài lại hàng khuy áo ngay ngắn. Tôi đứng nhìn bàn tay của chính mình như nhìn bàn tay của một kẻ chất phác quả quyết giắt tay tôi lầm lũi trở về. Có phải bàn tay của kẻ nào đó còn dính vào cườm tay tôi đã hiểu không thể nào chống cự nổi chiếc bàn thờ to dài quá cỡ với tấm màn đỏ nhức nhối chất chứa cả một quá khứ phi phàm?”.

Đoạn kết truyện “Bóng đè” đã nâng cao hẳn tầm tư tưởng của tác phẩm. Đầu truyện là hình ảnh bàn tay lạ lùng, mỏng tang, “không thay đổi theo mùa hay béo gầy cơ thể”. Cuối truyện lại là bàn tay đó. “Tôi đưa tay mình ra sáng. Nắng lung linh trên năm ngón dài ngắn thanh tao lạ thường. Chiến tranh, giông gió, bão lũ, hán hạn, tôi có thể chết đi rồi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn. Tôi đinh ninh điều ấy. Con tôi sẽ có bàn tay của mẹ. Một bàn tay không béo gầy, không trọng lượng, chỉ có làn da mỏng tanh nhưng biết níu giữ tự do cho dù bị thân thể buộc trói. Nắng tắt, mà bàn tay vẫn óng ánh diệu kỳ”. Đó là cái duy nhất của cô gái (Việt Nam) thuộc về cô (Việt Nam). Còn bàn tay đó thì còn ước mơ, còn hy vọng chống lại bóng đè.

Để chuyển tải được một thông điệp có nhiều lớp nghĩa như vậy, “Bóng đè” đã được xây dựng như một ẩn dụ sâu sắc trong một câu chuyện nhiều nhục cảm. Chính lối viết này là một sự táo bạo của tác giả, và nó là thích hợp cho sự thể hiện chủ đề tác phẩm. Tình dục (hay sex) ở đây đã trở thành một yếu tố nghệ thuật cần thiết. Bởi sự mô tả gần như tỉ mỉ, chi tiết cảm giác nhục thể của nhân vật truyện là đồng thời mang ý nghĩa thực và hư, cụ thể và tượng trưng. “Vu quy” cũng vậy, sự chung đụng của cô gái trong truyện với mấy người tình là mang nghĩa tượng trưng, cô chưa biết tương lai đời mình sẽ gắn bó với ai, chẳng lẽ là với xác ướp. Thân phận cô gái là thân phận đất nước, vu quy vẫn chỉ là ước vọng.

Truyện ngắn “Bóng đè” hay là vì vậy, theo cách đọc văn bản nghệ thuật của tôi. Có những người khác thấy nó là phản chính trị, phản đạo đức, thì đấy là tùy cách đọc của họ. (Dịp này đang kỷ niệm 240 năm sinh thi hào Nguyễn Du, tôi liên tưởng đến những nhà nho thủ cựu một thời coi Truyện Kiều là “dâm thư” nên đã khuyên răn: “Đàn ông chớ đọc Phan Trần, đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều”. Ôi chao, từ Truyện Kiều đến “Bóng đè” đã cách hai thế kỷ rồi!). Nhưng vậy là ở đây có sự khác nhau về quan niệm, về cách đọc. Tuy nhiên, khác nhau thế nào thì cũng phải trên cơ sở văn bản in ra. Do đó, điều kiện đủ cho tác phẩm hay là phải bắt đầu từ quan niệm hay như một quá trình động, biện chứng. Và như thế thì không thể tiên quyết đứng trên một quan niệm hay cố định, tĩnh tại để quyết định cái viết nào là được in ra, còn cái viết nào là cấm in, cấm phát hành. Cuốn truyện Bóng đè được ra tại nhà xuất bản Đà Nẵng, và hiện giờ nơi đó đang bị sức ép từ phía những ý kiến phê phán nặng nề cuốn sách. Còn những ý kiến đánh giá cao tác phẩm thì không được coi trọng từ phía quản lý xuất bản. Thế thì sao nào? Thế thì văn học Việt Nam khó có tác phẩm hay, nhất là những tác phẩm hay vượt ra ngoài thói quen, khuôn khổ thông thường.


3.

Nói rộng ra, để có tác phẩm hay, điều kiện đủ là phải có bầu không khí tự do, cởi mở cho sáng tạo nghệ thuật, phải để năng lượng sáng tạo của nhà văn được giải phóng và phát huy đến hết mức độ của nó. Bài học Thơ Mới (1932 - 45) để lại còn tươi nguyên giá trị cho hôm nay.

Mười năm Thơ Mới là cả một thời đại. Thời đại của sự giải phóng tình cảm cá nhân, của sự tự do nảy nở cá tính sáng tạo. Tác giả Thi nhân Việt Nam đã viết một cách sảng khoái tự tin: “Tôi quả quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời phong phú như thời đại này. Cá tính con người bị kiềm chế trong bao nhiêu lâu bỗng được giải phóng. Sự giải phóng có thể tai hại ở chỗ khác. Ở đây nó chỉ làm giàu cho thi ca. Cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đán tung bờ vỡ đê. Cảnh tượng thực là hỗn độn”.

Không có cảnh tượng hỗn độn đó thì đã không có ngày hội tưng bừng của Thơ Mới. Bao nhiêu nguồn tình cảm bấy lâu âm ỉ giờ trào ra trong thơ theo nhiều hướng, nhiều dòng, mỗi cách một vẻ, mỗi vẻ một riêng. Người thơ mới cảm thấy sung sướng được tự do, thành thực, được bộc lộ hết mình, được đi đến tận cùng cảm xúc, được tự mình khám phá thể nghiệm những lối đi chưa ai từng đi, được thoải mái bày tỏ những quan niệm suy nghĩ riêng về nghệ thuật. Lấy nhóm thơ Bình Định làm thí dụ. Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên đi một lối thơ riêng, họ gọi là thơ Điên thơ Loạn, trong khi Quách Tấn vẫn giữ một lối Đường thi cổ điển trong sáng. Họ phân công đề tựa cho nhau khẳng định nhau và tuyên ngôn “trường phái” thơ mình. Tập thơ Điêu tàn cùng bài tựa nổi tiếng của nó chỉ có thể ra đời được trong hoàn cảnh đó. Cũng nhờ hoàn cảnh đó, Hàn Mặc Tử mới phát lộ hết độ huyền thẳm của tài năng, thu nhận vào mình cả tính chất ái tình của Xuân Diệu, cảm xúc vũ trụ của Huy Cận, cảm giác nhục thể của Bích Khê và tinh thần điên loạn của Chế Lan Viên.

Sự giải phóng ở đây chỉ làm giàu cho thi ca. Đúng! Bởi đây là sự giải phóng cái “Tôi”. Và bởi cái “Tôi” này là của một lớp người trẻ. Tuổi trẻ, và tài năng, và nhiệt huyết, và sự được giải phóng, được cởi mở, bấy nhiêu cái đó đã thúc đẩy Thơ Mới đi tới trên những đợt sóng với các ngọn trào Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Chính sự nở rộ này đã làm nên mùa chín tới rất nhanh, khiến cho người thơ nhìn người thơ thấy ngay được cái cốt lõi, cái tương lai. Tập Thơ thơ xuất bản năm 1938, Thế Lữ viết tựa đã dám nói chắc chắn: “Và từ đây chúng ta đã có Xuân Diệu. Loài người hãy hiểu con người ấy!”. Trước đó một năm, chàng thi sĩ mang họ dân Chàm 16 tuổi tự mình viết tựa Điêu tàn cho mình rất ngông và rất thực: “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”. Hàn Mặc Tử đề tựa Thơ điên (1939) của mình: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống. Thôi mời cô cứ vào. Ánh sáng lạ trong thơ tôi sẽ làm cho gò má cô đỏ gấc. Và một khi cô đã vào là cô sẽ lạc, vì vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh”. Huy Cận viết trong Kinh cầu tự (1942): “Ta nhớ lại những bà mẹ may áo cho con, trừ hai dài rộng: ‘lớn lên thì vừa’. Kẻ đọc ta ơi! (ta không muốn gọi người là người bạn đọc) đừng phiền lòng nhé! Ta đang may áo trừ hao cho người đây!”. Quả là sự điên cuồng của những người dũng cảm hát ca lên. Và may sao sự điên cuồng đó đã có cơ hội thoát ra để thành thơ. Thơ Mới là một thế hệ thi ca thành thực, một thời đại thi ca tự do.

Điều kiện đủ này đang từng bước được xác lập. Và thế tất rồi phải được thực hiện. Tự do ngôn luận, tự do sáng tạo là một quyền con người, và đối với văn nghệ sĩ quyền đó càng thiêng liêng, thiết thân. Nhưng điều kiện cần là ở chính tự người viết. Nhà văn phải luôn tự làm mới mình. Bổn phận nhà văn là phải viết hay.


4.

Trong nghề văn khiêm tốn là một đức tính thừa!” - quan niệm này của Gabriel García Marquez, nhà văn Columbia giải Nobel 1982, đáng là châm ngôn của mọi người cầm bút. Trong quá trình học và đọc, luôn luôn có những bậc thầy cho ta ngưỡng mộ, kính phục, yêu mến. Nhưng khi bắt tay vào viết, ta phải luôn nghĩ ta là nhất, là hơn hết cả, là sẽ vượt lên trên các giá trị đã có, tạo lập những giá trị mới chưa từng có. Câu thơ Xuân Diệu nói cái cô đơn cá nhân có thể vận cho tâm thế sáng tạo: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất / Không có chi bè bạn nổi cùng ta”. Nghĩ được thế rồi, được nghĩ thế rồi, ta mới dám mạnh bạo phá tung mọi luật lệ văn chương ràng buộc níu trói chân tay, mới dám mở bung đầu óc tâm trí tìm đến những miền xa tưởng tượng, mới dám làm mới cho từng lời văn câu thơ. Ai bảo ta kiêu căng, mặc! Ai bảo ta hỗn hào, mặc! Ai bảo ta điên rồ, mặc! Đã rằng khiêm tốn nên gác ra ngoài khi một mình đối diện trang giấy, ta chỉ biết có ta trong cơn xúc cảm sáng tạo mà thôi. Trang giấy “pháp trường trắng” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) không cho phép ta hèn nhát chỉ nghĩ là mình cố viết sao cho bằng được cái đỉnh này, cái ngọn kia. Phải dũng cảm ở đây. Sự điên rồ của những người dũng cảm ở đây mới có thể tạo ra kiệt tác văn chương. Cái làng Macondo đã nảy nòi dưới ngòi bút G. García Marquez chính là khi ngồi vào bàn viết ông đã xác quyết không chịu khiêm tốn với ai cả. Một trăm năm cô đơn, người mọc đuôi lợn, cả một cái làng bị thoái hóa..., đó là cái riêng, cái duy nhất của ông nhà văn Columbia này, trước ông văn học thế giới chưa có hình tượng nào như thế, nhờ ông Columbia trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ văn học thế giới. Tôi lại muốn nhắc đến ở đây một câu nói nữa, lần này là của Dostoevsky: “Thưa quý vị, suốt đời tôi chỉ làm mỗi một việc, đó là đẩy tới tận cùng cái mà các vị chỉ dám làm một nửa”.

Ba gương mặt sáng giá nhất của văn học đổi mới nước ta, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, là ba nhà văn chẳng hề “khiêm tốn” chút nào, hiểu theo nghĩa câu nói ở trên của García Marquez. Họ viết như đường văn trước họ chưa có người đi. Họ viết, bất chấp những ràng buộc thành văn và không thành văn trên trang viết và ngoài trang viết. Họ viết, theo sự thôi thúc của văn chương, và theo chính họ. Chính vậy nên họ đã có được những tác phẩm hay, mang tính đột biến và cách tân mạnh mẽ. Và cũng chính vậy, họ là ba nhà văn bị hứng chịu nhiều “đòn roi” nhất của phê bình, của dư luận, cả trong và ngoài văn học. Nhưng họ đã đứng lại được trong văn học bằng tên tuổi mình. Cái hay, nhất là cái hay lối mới, thường gây dư luận, và thường là dư luận trái chiều. Truyện “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Thị Ngọc Tư) mọi người đồng thanh khen. Truyện “Bóng đè” mọi người khen chê trái ngược nhau. Nhưng đó đều là hai truyện hay.

Muốn viết hay, vậy là, nhà văn còn cần phải có sự dũng cảm nữa. Dũng cảm để tìm đường mở lối. Dũng cảm để tự tin vào mình. Dũng cảm để chịu đựng những sự chưa hiểu, hiểu lầm, hiểu sai, cả những sự ác ý của người đời, khi tác phẩm mình xuất hiện. Bài học của Walt Whitman với tập thơ Lá cỏ đáng được đưa ra liên hệ ở đây. Năm 1855 khi tập Lá cỏ ra đời, một nhà phê bình ở thành phố Boston đã gọi ông là "một thằng rồ đáng đánh roi vì tội vi phạm thuần phong mỹ tục". Ezra Pound nổi tiếng đương thời cũng không khá hơn khi nói đến Whitman: "Ông ta thật là tởm. Ông ta là một viên thuốc cực kỳ buồn nôn”. Các dịch giả Lá cỏ ra tiếng Việt (Vũ Cận và Đào Xuân Quý) cho biết số phận nguyên tác: "Tập thơ in ra một nghìn bản, chỉ tiêu thụ được non ba mươi bản. Mấy trăm bản gửi biếu hầu như chịu chung một số phận: hầu hết bị trả lại, nhiều khi kèm theo những lời xỉ vả thậm tệ đối với tác giả và tác phẩm. Có người trước khi gửi trả còn cẩn thận xé đôi cuốn sách để tác giả không thể còn hiểu lầm thái độ của mình". Nếu W. Whitman không tự tin khi tung ra tập thơ và không dũng cảm chịu đựng những lời chỉ trích thì ông đã không thành một tác gia lớn của văn học Mỹ. Tôi đã nêu ra thí dụ này khi viết về thơ Vi Thùy Linh, không phải để so sánh tầm vóc hai tác giả, mà tôi chỉ liên hệ thái độ phản ứng đối với một loại thơ, ở Mỹ giữa thế kỷ XIX, và ở Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Một số người phản ứng thơ Vi Thùy Linh viết hẳn lên báo là không dám cầm tập thơ về nhà cho con gái xem, và khuyên sinh viên không nên đọc, vì cho đó là dâm, là tục. Rất may nàng Vi (như cách cô nhà thơ này thường gọi mình trong thơ) đã không gục ngã, cô vẫn tiếp tục viết, và mới đây nhất đã trang trọng ra mắt tập thơ thứ ba của mình có tên gọi Đồng tử tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) ở Hà Nội. Bìa bốn tập thơ đề hẳn câu thơ trong một bài thơ của một phần thơ trong tập: “Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ chân lý”, mặc dù biên tập đã yêu cầu đổi “chân lý” thành “bóng tối”.

Dũng cảm để biết chấp nhận những cái khác mình, ở ngoài mình. Tôi không phản đối một nhóm thơ như nhóm Mở Miệng (Sài Gòn) ở thể nghiệm làm một lối thơ mới của họ. Họ có một quan niệm thơ khác và họ thực hành làm thơ theo quan niệm đó của mình. Hãy cứ để họ xuất hiện, rồi thời gian và công chúng sẽ là người phán định thơ họ hay hay dở. Thời gian thì cứ trôi và công chúng thì cũng trôi theo dòng thời gian và biến đổi cơ mà. Trong sáng tạo văn chương nghệ thuật, đừng nhân danh ai, cái gì, để cấm đoán, ngăn chặn ai, cái gì; đừng nhân danh giá trị một thời để phê phán, phủ nhận cái đang làm nên giá trị của một thời khác. Đọc tập thơ mới Khoan cắt bê tông của nhóm Mở Miệng và bạn bè sẽ thấy họ thực sự có cái thơ mới. Một quy luật của sự phát triển văn học là sự chuyển dịch cái cũ từ trung tâm ra ngoại biên và cái mới từ ngoại biên vào trung tâm. Ta hãy chờ xem.

Dũng cảm còn là để biết dám thay đổi mình. Trong nghệ thuật đứng lại là đã thụt lùi. Nhà văn ta, nói xin lỗi, hình như ít băn khoăn day dứt trước những cái mới của văn chương, nhất là văn chương thế giới. Đọc tác phẩm của các nhà văn trong nước có cảm tưởng như văn học bên ngoài chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì mới mẻ. Ấy vậy mà giới dịch thuật văn học nước nhà vẫn đang cần mẫn chuyển tải sang Việt ngữ những tác phẩm có giá trị nghệ thuật của các nhà văn thế giới. Đọc họ đi, và nếu thấy họ làm cho mình phải chùn tay trước trang viết, thấy không thể viết như trước được nữa, đó đã là một yếu tố có thể đưa đến tác phẩm hay. Một cuốn tiểu thuyết như Từ điển Khazar của Milorad Pavic, nhà văn và tác phẩm được coi là đầu tiên của thế kỷ XXI hiểu với nghĩa là cách tân hậu hiện đại, đọc sẽ mệt vì người đọc buộc phải làm quen với lối đọc phi tuyến tính, nhưng đọc sẽ bổ ích cho cách viết. Gần đây cuốn tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà cũng cho thấy sự tìm tòi lối viết khác lạ. Truyện trong truyện đã không còn là thủ pháp mới nữa. Nhưng truyện viết về cái truyện viết ra thì là một cố gắng đáng khích lệ của nhà văn này. Có thể nói nội dung của cuốn tiểu thuyết đó chính là ở cách viết của nó. Đó là viết nội dung, không phải kể nội dung.


5.

Điều kiện cần và đủ để có tác phẩm hay, tóm lại, là hãy hết mình. Nhà văn hết mình với trang viết của mình. Cơ chế xuất bản hết mình với văn bản của nhà văn. Khi đó, mượn lời K. Marx, không phải tất cả người viết văn đều là Raphael cả, nhưng những ai có mầm mống Raphael trong mình đều được tự do phát lộ. Và những tác phẩm hay sẽ từ đó mà ra.

Hà Nội, đầu đông 2005

© 2005 talawas