© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
15.10.2003
Bùi Như Hương
Triển lãm Xanh - Ðỏ - Vàng: Bước ngoặt thứ hai của nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới
 
Vừa qua, 3 tháng 10 năm 2003, tại địa điểm mới của Viện Goethe - Hà Nội, một công trình còn xây dựng dở dang tại 56-58 Nguyễn Thái Học, đã diễn ra triển lãm nghệ thuật của 16 hoạ sĩ, với tên gọi "Xanh - Ðỏ - Vàng". Ðây có thể coi là cuộc trựng bày lớn nhất từ trước tới nay về nghệ thuật đương đại [1] . Khai mạc tưng bừng, ồn ào, chật ních người xem, với đủ các thái độ khác nhau, từ tò mò, hoài nghi, thăm dò, cho đến ngạc nhiên, phấn khích.

16 hoạ sĩ bao gồm: Nguyễn Quỳnh Chi, Nguyễn Văn Cường, Phạm Ngọc Dương, Lê Quang Ðỉnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Huy, Trần Lương, Nguyễn Trí Mạnh, Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Quân, Veronika Radulovic, Brian Ring, Nguyễn Minh Thành, Vũ Thụy, Trương Tân, Lê Vũ. Trần Lương là curator - người phụ trách tổ chức triển lãm.

Con số 16 người này gợi nhớ một sự kiện tương tự xảy ra cách đây đã 14 năm. Cũng vào tháng 10 mùa thu, nhưng là năm 1989, có 16 họa sĩ [2] đã cùng nhau đứng ra tổ chức triển lãm kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Thủ đô (10.10) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Và họ không hề nghĩ rằng sự kiện đó đã đi vào lịch sử mỹ thuật, như một bước ngoặt của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới, mở cửa, xoá bỏ bao cấp: lần đầu tiên, một triển lãm hoàn toàn tự do, cởi mở, không lệ thuộc vào sự bảo trợ của nhà nước, không bị kiểm duyệt, các họa sĩ tự chịu trách nhiệm cá nhân, tự lo tổ chức, tự đăng giá bán tranh, tự vẽ những gì mình thích.

Lần này, cũng 16 người, ở một thế hệ trẻ hơn, bằng triển lãm "Xanh - Ðỏ - Vàng" đã làm nên bước ngoặt thứ hai cho mỹ thuật đổi mới.

Nếu bước ngoặt thứ nhất chủ yếu đánh dấu sự mở rộng tự do, dân chủ trong hoạt động nghệ thuật, thì bước ngoặt thứ hai đánh dấu sự thay đổi về tính chất và quan niệm nghệ thuật. Bước ngoặt thứ hai là bước ngoặt từ môđéc chuyển sang đương đại, gia nhập dòng nghệ thuật đương đại quốc tế.

Thực chất, nghệ thuật đương đại đã bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ ở Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước [3] với một vài họa sĩ tiên phong ở Hà Nội lúc đó là Trương Tân, Bảo Toàn, Vũ Dân Tân, Trần Lương, nhóm ba người trẻ Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy... Sau đó càng về cuối thập kỷ, nghệ thuật này phát triển rộng ra, với tần xuất dày hơn, ở Huế và thành phố Hồ Chí Minh có thêm tên tuổi các hoạ sĩ trẻ như Lê Thừa Tiến, Nguyễn Minh Phương, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang và một vài người khác. Tuy nhiên, các hiện tượng nghệ thuật này vẫn bị coi là thiểu số, dị biệt, và là điểm nóng để báo chí kiếm chuyện tranh cãi. Những cái lạ, cái mới, cái chưa ổn định, thường khó được chấp nhận. Phái truyền thống đứng ngoài cho rằng đó là của "ngoại nhập" hoàn toàn, bất kể rằng các tác phẩm "Rằm tháng Bảy" của Bảo Toàn, hay "Một con đường" và "Cánh đồng đỏ" của Minh Thành, dùng chủ yếu các chất liệu truyền thống như giấy dó, giấy điều, hương nhang, vàng mã... theo tinh thần của nghi lễ tín ngưỡng dân gian, để từ đó nâng lên thành biểu tượng, ý niệm nghệ thuật.

Lần này, triển lãm "Xanh - Ðỏ - Vàng" với sự hiện diện tự tin, vững vàng của cùng một lúc 16 tác giả trẻ, đa phần là thế hệ sinh sau 1970 (không kể Nguyễn Quân, Trần Lương và hai tác giả nước ngoài sống và làm việc lâu năm ở Hà Nội - Brian Ring và Veronika Radulovic), cho thấy rõ ràng rằng nghệ thuật đương đại đã có đầy đủ nền tảng, môi trường, lý do để nảy sinh ở Việt Nam, là nhu cầu bộc lộ nghệ thuật của một thế hệ mới, và là một trong những xu hướng tất yếu của nghệ thuật Việt Nam thời kỳ tới. Nó trả lời một cách rành mạch dứt khoát, rằng con người Việt Nam, xã hội Việt Nam cũng như thông qua đó nghệ thuật Việt Nam đã bước vào quá trình toàn cầu hoá.

Có thể còn những thắc mắc cho rằng toàn cầu hoá như vậy sớm quá chăng?

Thực chất, xã hội Việt Nam sau khi mở cửa, phát triển kinh tế thị trường, đã trở thành một phần thị trường cuả nền kinh tế toàn cầu, và chịu sự tác động đa chiều của nó. Mặc dù chưa phải nước công nghiệp hoá hoàn toàn, song Việt Nam đã biết rõ thế nào là sức ép của hàng hoá, siêu thị, quảng cáo, cạnh tranh, ô nhiễm rác thải, thế nào là bi kịch hậu trường của lối sống chạy theo vật chất, hưởng thụ. Việt Nam cũng chịu sự cám dỗ của công nghiệp giải trí nghe nhìn, văn hoá mạng, văn hoá đại chúng, công nghệ tin học..., nơi có cả cái thiện, cái ác, cái thực, cái ảo, cái văn minh, cái tồi tệ. Ðó chính là môi trường đẻ ra văn hoá và nghệ thuật đương đại - một kiểu ánh xạ, hay phản tỉnh của con người trước hiện thực xã hội.

Sự xuất hiện nghệ thuật đương đại ở Việt Nam do vậy không có gì lạ, mà tự nó đang chứng minh rằng hợp với qui luật. Sự ảnh hưởng quốc tế về phương tiện và cách làm việc, như sử dụng video, màn hình, kỹ thuật số, chất liệu lấy từ chính đời sống... là có, nhưng không mấy đáng ngại (giống như trước kia ta từng học cách sử dụng mực tàu, sơn dầu để vẽ nên câu chuyện của mình). Ðiều cơ bản là các nghệ sĩ có chân thực với lòng mình, có nói lên được câu chuyện của chính mình và xã hội hay không? Ðiều này, triển lãm Xanh - Ðỏ - Vàng đã thể hiện được khá rõ.

Rõ nét nhất là tác phẩm sắp đặt "Tương phản" của Nguyễn Trí Mạnh. Một căn buồng thống trị bởi màu đỏ: bàn đỏ, những con dấu màu đỏ, ghế đỏ, trên ghế là những chiếc thớt đỏ, tất cả là màu đỏ gắt gao- tín hiệu của stop, và cũng là màu của cấp cứu, báo động đầy kịch tính. Xung quanh tường có treo vô số các khẩu hiệu trích ra từ báo, phóng to, viền đỏ, với các nội dung quen thuộc, đại loại: vì nhân dân phục vụ, hết lòng vì dân, mình vì mọi người, lương y kiêm từ mẫu... tất cả gợi cho ta sự tương phản với cái bàn 'hành chính' và con dấu 'cửa quyền' chễm chệ đầy uy lực. Mỉa mai hơn là phía dưới gầm bàn 'hành chính' có một cái cửa thực thụ, rất thấp, cũng màu đỏ, mà ai muốn đi qua chắc chắn phải chui luồn, hoặc cúi, mô hình của những hiện tượng tiêu cực phổ biến trong xã hội.

Nguyễn Trí Mạnh, Tương phản

Tác phẩm "Cái lốt" của Lê Vũ lại là một "định nghĩa" kiểu mới về sự giả dối, không bền mà ta thường gặp ở nhiều sản phẩm cũng như con người của nền kinh tế thị trường. Lê Vũ làm một chiếc giường đôi, phủ đệm và gối rất khéo léo bằng chất liệu thực dụng, hấp dẫn và chóng tàn là mỳ ăn liền. Trên tường, Vũ treo một chiếc ảnh chân dung của chính mình (ảnh viện phóng to hết cỡ, thật hài hước!) bóng bảy, đẹp trai, hoàn mỹ đến khó tin, đóng khung cũng bằng mỳ ăn liền. Sự kết hợp phi lý này giống như một thông điệp ám chỉ lối sống mỳ ăn liền, hay tình yêu mỳ ăn liền đang thịnh hành trong xã hội thời nay, và cả những giá trị nông cạn, giả dối bề ngoài mà con người hay ưa thích, có khi dùng để tự lừa phỉnh chính mình.

Các tác phẩm video-art của Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Quang Huy hướng tới một khía cạnh hiện thực khác của xã hội. Ðó là sự phân hoá giàu nghèo, cảnh làm thuê, thất nghiệp, những khuôn mặt, những cuộc đời lang thang, cơ nhỡ trên vỉa hè Hà Nội. Tuy vậy, đã là con người đều có những ước mơ. Nguyễn Minh Phước đã mời một số người lao động tham gia trực tiếp vào tác phẩm của anh, bằng cách dùng phấn màu ghi kín lên bốn mảng tường những nỗi niềm, khát vọng khác nhau của họ. Ðó là một trong những biểu hiện xã hội hoá nghệ thuật khá rõ ràng ở triển lãm này.

Tính xã hội hoá nghệ thuật còn thể hiện ở nhiều tác phẩm khác tại triển lãm, ở khía cạnh vui cười, giải trí nhẹ nhàng hơn. Phạm Ngọc Dương mời người xem cùng trải nghiệm tác phẩm "Tín hiệu và những con đường" của anh. Một lối vào, 'một cái bẫy' hun hút bí ẩn, gợi sự hiếu kỳ, nhưng khi sa vào rất dễ lạc lối, bế tắc, nếu không thật sáng suốt tỉnh táo, bạn có thể không thoát ra được. Ðó chính là những tình huống, những khúc quẩn mà con người ít nhiều đã gặp phải trong đời sống hàng ngày, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nguyễn Quân, trong tác phẩm "Phố-phường", đã sắp đặt những con lợn đất phú quí béo tốt (lợn bỏ tiền tiết kiệm), tượng trưng cho các nhà hàng buôn bán phát tài thời kinh tế thị trường, giăng kín mặt phố những thương hiệu liên doanh, quốc tế, lẫn nội hoá như: Sony, National, Triumph, Trung Nguyên, Vinamilk... Nguyễn Quân có sáng kiến mời người xem cùng chiêm ngưỡng, cảm nhận tác phẩm, và sau đó nếu có thể, bỏ vào lợn chút tiền ủng hộ những người nghèo. (Cuối buổi khai mạc, các chú lợn đã được đập ra như một sự kiện vui vẻ, có ý nghĩa trực tiếp, cụ thể của triển lãm).

Sự thay đổi và phát triển chóng mặt của xã hội Việt Nam thời mở cửa được Brian Ring thể hiện bằng tác phẩm sắp đặt "Vô đề", dựa đúng trên chủ đề 3 màu xanh - đỏ - vàng một cách dí dỏm thú vị. Anh sử dụng máy chiếu, màn hình, kỹ thuật số và các tấm mica để dựng hình ảnh khúc xạ trong không gian ba chiều, tạo ấn tượng thị giác về sự thay đổi vùn vụt của môi trường sống, của văn hoá Việt Nam từ cổ sang kim, trong đó có sự tương phản, hài hoà, đan xen, kết nối từ truyền thống sang đương đại.

Ðời sống của con người, xã hội còn đi vào một số tác phẩm khác tại triển lãm của Trần Lương, Nguyễn Mạnh Hùng, Vũ Thụy, với các chất liệu, hình ảnh và lối đề cập khác nhau. Những cái quạt đủ kiểu mà ai cũng dùng, cũng cần, như một nét bản sắc của lối sống Việt Nam, quay lung tung mỗi cái một hướng, một tốc độ, giống như sự khác biệt, tuỳ tiện, thiếu thống nhất, va đập của các cá thể trong xã hội ("Gió Việt Nam" của Nguyễn Mạnh Hùng). Hay cảnh xếp hàng quen thuộc, mà ngay tại triển lãm này mọi người cũng phải xếp hàng để được nhìn vào một ô thủng nhỏ đầy tò mò trên tường, tuy nhiên, điều trớ trêu bất ngờ với họ là không nhìn thấy gì khác ngoài cái gáy của chính mình ("Xếp hàng" của Vũ Thụy, dùng mắt thần kết nối màn hình).

Thể hiện ý tưởng theo chiều sâu, có tính triết lý là tác phẩm sắp đặt "Hãy nên như hình với bóng" của Nguyễn Minh Thành. Tác phẩm giống như một kim tự tháp nhỏ, treo rất nhiều ổ khoá và chìa khoá ở hai mặt tam giác, ổ một nơi, chìa một nẻo, riêng biệt, trơ khấc, vô dụng. Tình huống phi lý, bế tắc này giống như kiểu cửa không then, đèn không bấc, dễ gợi liên tưởng về những mất mát, trục trặc, hay thiếu hụt thường xảy ra trong cuộc sống con người, trong mọi chuyện, kể cả giữa đàn ông và đàn bà, nửa này khó tìm thấy nửa kia. Người ta thường hay nói "chìa khoá là thứ cần thiết để giải quyết mọi vấn đề, xin giữ cẩn thận, đừng đánh mất". Có lẽ đó cũng chính là thông điệp của tác giả gửi đến người xem.

Nguyễn Minh Thành, Hãy nên như hình với bóng

Xuất phát từ khái niệm Xanh - Ðỏ - Vàng dành cho số đông, Nguyễn Văn Cường, một nghệ sĩ nhạy cảm, đã làm một tác phẩm ngược lại, chỉ có Ðen và Trắng cực đoan, tạo tương phản mạnh mẽ, khắc nghiệt, như bóng tối giữa ánh sáng, đêm đen giữa ban ngày. Tuy nhiên Đen và Trắng lại là hai màu duy nhất mà người mù cảm nhận được. Do vậy, tác phẩm mang tên "Qui ước đen - trắng" này có thể là sự chia sẻ cảm thông đặc biệt của nghệ sĩ đối với số ít những người khiếm thị trong xã hội? Hoặc là lời nhắc nhở số đông hãy nghĩ tới họ.

Nguyễn Văn Cường, Quy ước đen trắng

Lê Quang Ðỉnh, một nghệ sĩ Việt kiều đương đại có uy tín quốc tế, đã tham dự triển lãm với các tác phẩm tiêu đề "Campuchia: Sự huy hoàng và bóng tối". Ðây là các bức tranh dùng kỹ thuật đan lồng từ các bức ảnh chụp đen trắng phóng to, kiểu đan nong mốt - nong đôi thủ công, chất liệu là giấy ảnh, tạo nên sự đan xen về thời gian, không gian và sự kiện. Ta có thể cảm thấy cùng một lúc những hình ảnh lịch sử ẩn sâu, tan chảy trong đương đại, những tâm hồn, ánh mắt Campuchia đan quện thành Angkor-Wat, sự huy hoàng của văn hoá bị đe doạ bởi bóng đêm diệt chủng. Tác phẩm của Lê Quang Ðỉnh cùng một lúc mang tính thời sự và tính nhân văn sâu sắc, thực sự gây xúc động người xem. Tác phẩm có tầm lớn bởi vượt qua biên giới của cá nhân, dân tộc để hướng tới nhân loại. Ðó là một trong những ví dụ tiêu biểu của lao động sáng tạo cũng như giá trị nghệ thuật đích thực, vĩnh hằng của mọi thời đại.

Người cuối cùng, luôn bay bổng lãng mạn, là Trương Tân. Tác phẩm của anh lung linh gợi cảm, có sức cuốn hút thẩm mỹ đặc biệt. Trương Tân làm vô số những con chim bạc, những thiên thần tình yêu (theo môtíp riêng của anh) với đôi cánh bạc đang bay và bay mãi theo mây gió, tràn ngập tự do và hạnh phúc, trong một không gian bao la lấp lánh bạc (toàn bộ bên trong căn phòng - không gian của tác phẩm được phủ gương và giấy kim loại thiếc, tạo cảm giác về sự mở rộng vô tận và tinh khiết của bầu trời). "Nhạc tượng trưng cho gió và thời gian, kim loại cho ánh sáng và vận tốc, thuỷ tinh cho không gian và sự dối lừa" - lời của tác giả. Mặc dù Trương Tân gọi tác phẩm của mình là "Những con chim di cư", để lý giải phần nào hoàn cảnh, tâm trạng cá nhân, nhưng tác phẩm của anh lại mang đến cho người xem ý niệm về sự thăng hoa, bay bổng vô cùng của sáng tạo.

Triển lãm Xanh - Ðỏ - Vàng thực sự là một bước tiến của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, nó gợi mở những con đường sáng tạo mới, đa dạng, cập nhật với đời sống xã hội. Tuy nhiều tác phẩm còn mang tính thử nghiệm, song bước đầu thể hiện tính tích cực xã hội, ý thức trách nhiệm cũng như thái độ người nghệ sĩ trước những vấn đề con người và toàn cầu.

Xanh - Ðỏ - Vàng trong giao thông là tín hiệu Ði, Dừng và Chuẩn bị. Trong quá trình sáng tạo, nghệ sĩ cũng thường gặp phải những tình huống tương tự. Ứng xử tình huống thế nào là tuỳ ở cá nhân mỗi người. Song nghệ thuật không cho phép dừng lại hẳn. Dừng có nghĩa là Chết.

Hà Nội 3.10.2003

© 2003 talawas




[1]Tất cả các chữ "nghệ thuật đương đại" trong bài này xin được hiểu theo khái niệm chung của quốc tế, chỉ các hình thức nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video-art..., xu hướng áp dụng high-tech, đa dạng chất liệu, xoá bỏ biên giới thể loại, hướng tới tính không gian, liên ngành, tính xã hội hoá, trí tuệ hoá và phi lợi nhuận.
[2]16 hoạ sĩ: Nguyễn Tư Nghiêm, Việt Hải, Ðỗ Sơn, Ðỗ Thị Ninh, Phạm Viết Hồng Lam, Hoàng Ðình Tài, Thành Chương, Nguyễn Quân, Lý Trực Sơn, Lê Huy Tiếp, Lương Xuân Ðoàn, Nguyễn Xuân Tiệp, Ðặng Xuân Hoà, Bùi Minh Dũng.
[3]Sách "The New Vietnamese Art in the 90's", Bùi Như Hương-Trần Hậu Tuấn (phần nghệ thuật sắp đặt, pop-art và nghệ thuật trình diễn).