© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
20.12.2005
Nguyễn Thị Phương Châm
Dân tộc Kinh ở Giang Bình (Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc)
 
Trung Quốc là quốc gia đa dân tộc, trong đó người Kinh là một trong 55 dân tộc thiểu số chiếm số lượng khiêm tốn 18.700 người so với một số dân tộc khác như người Choang 15.555.800 người, người Di 6.578.500 người,... [1] Trên các trang web, bản đồ, các sách tổng quan chung về các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc hiện nay [2] khi giới thiệu về dân tộc Kinh thường ghi ngắn gọn về địa bàn cư trú tập trung nhất của họ là ở Kinh Đảo thuộc trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây. Kinh Đảo bao gồm 3 hòn đảo (Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu) mà từ năm 1971 đến nay đã lần lượt thành bán đảo, vì thế còn có tên là Tam Đảo. Sau thời gian điền dã ở Kinh Đảo chúng tôi nhận thấy việc giới thiệu về người Kinh ở Trung Quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Đúng là người Kinh ở Quảng Tây tập trung phần lớn ở Tam Đảo, trấn Giang Bình nhưng ngoài khu vực Tam Đảo, trong trấn Giang Bình người Kinh còn tập trung ở 4 nơi khác nữa là các làng Hạnh Vọng, Hồng Khảm, Đầm Cát [3] và khu vực chợ Giang Bình. Chính vì vậy, trong bài viết này chúng tôi mong muốn đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn đầy đủ hơn về địa bàn cư trú và một số vấn đề văn hoá xã hội của dân tộc Kinh ở Giang Bình. Thêm nữa chúng tôi cũng muốn tìm hiểu tại sao nói đến người Kinh ở Trung Quốc và Quảng Tây, người ta lại chỉ thường nói đến Kinh Đảo.

Người Kinh ở Giang Bình hiện tập trung sinh sống trong 6 làng và một khu phố chợ:

Số lượng người Kinh ở Giang Bình như chúng tôi đã ghi lại là do số lượng cũng như thành phần dân tộc Kỉnh giữa sự quản lý hành chính chính thức của chính phủ và sự thừa nhận của dân chúng. Theo ý kiến của dân chúng, nhất là ở các làng Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu thì có sự phân biệt khá rõ ràng giữa người Kinh gốc, người Kinh tự nhận, người Kinh mới và người Kinh theo. Người Kinh gốc là người Kinh đã định cư ở các làng trên từ 5 đời đến 10 đời, còn duy trì tiếng Kinh và nhiều phong tục tập quán Kinh; người Kinh mới là những người đến Giang Bình rải rác từ khoảng đầu thế kỷ 20 đến nay chủ yếu là những người buôn bán, đi tàu, lao động ở các bến bãi gần chợ Giang Bình và Đầm Cát, họ học phong tục Hán, nói tiếng Hán để phục vụ cuộc sống và rất ít có liên hệ với ngời Kinh gốc đã ở Giang Bình trước đó; người Kinh tự nhận là không ít người Hán tự nhận là người Kinh trong chính sách dân tộc của chính phủ Trung Quốc những năm 80 (khi đó chính phủ để cho dân tự khai về thành phần dân tộc của mình), kết quả là nhiều người Hán ở Vạn Đông (Vạn Vĩ) ở Đầm Cát và rải rác trong các làng khác đã tự khai ông, bà tổ tiên của họ là người Kinh để được công nhận và hưởng những quyền lợi ưu tiên cho người Kinh trong tư cách là một dân tộc thiểu số. Trên thực tế họ không hề biết tiếng Kinh và xa lạ với lịch sử và phong tục tập quán của người Kinh; người Kinh theo là những người Hán hoặc các dân tộc thiểu số khác kết hôn với người Kinh, con cái họ sau một vài đời cũng được coi là người Kinh. Trong bối cảnh như thế một số người mặc dù trong giấy tờ chính thức của chính phủ vẫn là người Kinh nhưng trong cộng đồng người Kinh ở Giang Bình thì vẫn có sự phân biệt nhất định tuy rằng sự phân biệt này dường như chỉ gắn với niềm tự hào của những người Kinh gốc trên địa bàn mà không thành vấn đề gì ảnh hưởng đến quan hệ cộng đồng. Chúng tôi nhận thấy sự tương đồng và khác biệt giữa các thành phần người Kinh, giữa các làng người Kinh ở Giang Bình thể hiện rõ hơn khi xem xét đến các yếu tố văn hoá, xã hội của họ.

Về nguồn gốc dân tộc, tất cả các làng trên đều nhận rằng tổ tiên họ là người Đồ Sơn và Thanh Hóa (Việt Nam) đã di cư đến vùng biển Giang Bình được từ 5-10 đời, khai phá Tam Đảo đầu tiên, sau đó mới đến các khu vực khác. Ở các làng đều lưu truyền câu chuyện về tổ tiên của họ là những người đánh cá đến Giang Bình bằng bè, mảng, thấy đất này là ngư trường và lâm trường tốt nên ở lại. Lúc đầu họ gặp rất nhiều khó khăn, dần dần người đông đúc thành làng, thành xóm, nơi thờ tự cũng được lập nên và cuộc sống phát triển ổn định. Như vậy người Kinh ở Giang Bình có sự thống nhất về nguồn gốc.

Từ trong lịch sử khai phá, cơ cấu nghề nghiệp của tất cả các làng người Kinh ở Giang Bình giống nhau là khai thác: biển và rừng, ruộng đất để canh tác rất ít mặc dù người dân cũng đã bỏ ra nhiều công sức để đắp đê lấn biển, cải tạo đất bãi thành ruộng. Nhưng sau mấy trăm năm định cư, cơ cấu nghề nghiệp ấy đã thay đổi đáng kể và có sự khác nhau giữa các làng. Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu khá giống nhau ở cơ cấu nghề nghiệp. Hiện hầu như không còn ai làm ruộng, nghề truyền thống là đi bè đánh cá, kéo lưới, khai thác ven bờ cũng chỉ còn khoảng 40% người làm, còn lại là các nghề nuôi hải sản, buôn bán và dịch vụ du lịch. Ngay cả trong 40% làm nghề biển ấy thì cũng có sự kết hợp, ít hộ làm chuyên chỉ nghề khai thác biển. Với cơ cấu nghề nghiệp năng động như vậy nên thu nhập của người Kinh 3 làng này rất khá, trung bình khoảng 4300 Nguyên [5] /người/năm (thời điểm năm 2003). Với làng Hạnh Vọng do vị trí ngay sát chợ Giang Bình, bãi biển do bị bồi nên đã ngày càng lùi ra xa làng nên dân làng không còn khai thác biển được bao nhiêu, nếu muốn làm phải sang bãi của Sơn Tâm để làm. Vì thế hiện nay dân làng chủ yếu làm buôn bán, cải tạo ruộng, vườn trồng các loại rau xanh mang ra chợ Giang Bình bán. Thu nhập của dân làng so với 3 làng trên thì kém hơn, chỉ khoảng 3000 Nguyên/người/ năm (thời điểm năm 2003). Cũng không còn nhiều người làm biển nhưng Hồng Khảm vẫn duy trì nghề này do bãi, lạch, ngòi từ biển vẫn còn khá gần làng thuận lợi cho việc khai thác ngao, sá sùng, móng tay, làm đăng, làm dậu,... Tuy vậy dân làng cũng đã đi làm buôn bán nhiều và cũng làm thêm ruộng, vườn trồng rau, hoa màu. Thu nhập của dân làng cũng cùng mức với làng Hạnh Vọng. Do đặc thù địa lý là nhiều bến bãi, nơi neo đậu tàu thuyền, đầu mối giao thương nên Đầm Cát hiện nay phát triển nghề buôn bán than và nhiều loại hàng hoá khác với Việt Nam và các vùng phụ cận. Một số phụ nữ và người già trong thôn thì vẫn khai thác biển nhưng chỉ là khai thác nhỏ, ven bờ với ngư cụ đơn giản. Do buôn bán phát triển nên thu nhập của người Kinh ở đây cao tương đương với Vạn Vĩ, năm 2003 đạt hơn 4000 Nguyên/người. Mặc dù cơ cấu nghề nghiệp và thu nhập của các làng có khác nhau nhưng nhìn chung người Kinh ở Giang Bình có cuộc sống ổn định và ngày càng giàu có...

Về văn hoá, xét bề nổi, các làng tương đối giống nhau vì đều được bao trùm bởi văn hoá Hán nhưng mức độ Hán hoá và bảo lưu các yếu tố văn hoá cổ ở mỗi làng có sự khác nhau rõ rệt. Trước hết về ngôn ngữ, trong 6 làng hiện chỉ còn Sơn Tâm và Vu Đầu còn đông người nói tiếng Kinh nhất, Vạn Vĩ cũng đông người nói giỏi tiếng Kinh nhưng vì là đảo lớn, định cư đan xen với người Hán nhiều lại là khu du lịch nên quá trình giao lưu diễn ra mạnh mẽ hơn, trong làng dân chúng không thường xuyên nói tiếng Kinh như ở Sơn Tâm, Vu Đầu. ở Hạnh Vọng và Hồng Khảm người nói giỏi tiếng Kinh còn khá ít, hầu hết là các cụ già từ 70 tuổi trở lên, tầm 50–70 cũng có một số người còn biết nghe nhưng dưới tuổi đó thì đã không còn cả nghe được nữa. Riêng Đầm Cát thì trong suốt thời gian điền đã chúng tôi đã không còn tìm được ai nói được tiếng Kinh nữa. Một số cụ già đã trên 70 tuổi kể lại rằng đời cha các cụ cũng chỉ nói được ít câu.

Cùng với ngôn ngữ, các yếu tố văn hoá cổ Kinh tộc cũng được bảo lưu đậm nét hơn cả ở 3 làng Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu. 3 làng này có đầy đủ đình, chùa, miếu. Đình cả 3 làng cùng thờ 3 vị là Bạch Long trấn hải đại vương, Đức Thánh Trần, thành hoàng bên cạnh các vị thần khác. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa Liễu Hạnh, miếu thờ các vị thổ thần; thổ địa và các vị thần linh khác. Cùng với hệ thống di tích, 3 làng này còn duy trì được ngày hội đình kéo dài trong 7 ngày với đầy đủ lễ rước tế long trọng, tục hương ẩm, hát đình,... mang đậm nét văn hoá truyền thống Kinh tộc. Làng Hồng Khảm cũng có đình thờ bách thần và chư vị gia tiên và cũng duy trì lễ hội nhưng không tổ chức được lớn, đầy đủ các lễ và chu đáo như ở Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu. Ở Đầm Cát không có đình, chùa gì, chỉ có một vài ngôi miếu nhỏ của người Hán và cũng không có hội hè gì. Riêng Hạnh Vọng là xóm đạo nên ở làng này không có đình, chùa, miếu như các làng Kinh khác mà chỉ có nhà thờ ngay đầu làng. Sau khi nhà Thanh và Pháp đã ký hiệp ước thừa nhận quyền truyền giáo của Pháp ở Trung Quốc năm 1844, nhiều nơi trong đó có Hạnh Vọng thiết lập cao đường [6] Thiên Chúa và người dân theo đạo từ đó. Do là xứ đạo nên dân làng coi trọng và thực hành các nghi lễ tôn giáo như: lễ Phục sinh, Noel, ngày Đức Thánh hiện xuống,... mà không theo lịch tiết truyền thống của người Kinh.

Người Kinh ở Giang Bình tự hào về đặc sắc văn hoá là lời ca tiếng hát đối đáp trữ tình, về tiếng đàn bầu được người Hán coi là "độc hữu Kinh tộc". Cả hai yếu tố văn hoá này này chỉ còn được bảo lưu sống động ở Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu. Ngoài ra trong các lễ tiết, trong sinh hoạt và sản xuất người Kinh ở Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu còn duy trì được nhiều tập tục truyền thống của ngời Kinh như lễ chạp mộ [7] vào trước Tết, tục giỗ họ, lễ vào làng, kinh nghiệm trong nghề biển,... Chúng tôi nhận thấy (và người dân cũng thừa nhận) rằng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ ở 3 làng Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu đã là nền tảng quan trọng thúc đẩy việc phục hồi và phát triển nhiều yếu tố văn hoá truyền thống: di tích được dựng lại khang trang, nhà văn hoá cho hoạt động ca hát được xây dựng và thường xuyên có nguồn chi phí cho hoạt động đó, các trí thức trong làng mở lớp dạy tiếng Kinh, chữ Nôm miễn phí,...

Trong 6 làng người Kinh ở Giang Bình, lớn nhất và có vị trí trung tâm nhất là Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm, việc buôn bán và cả khai thác biển ở cả 3 làng này cũng tấp nập và thuận lợi nhất: biển bãi rộng, đường lớn đi lại dễ dàng, có sự giao lưu rộng mở, việc học hành của dân làng cũng được chủ động với trường lớp tốt và ngay ở làng nên số lượng người học cao và đi công tác cũng nhiều nhất. Hơn thế nữa 3 làng này xét tổng thể có nhiều nét tương đồng và có sự cố kết với nhau bền chặt hơn và cùng khác khá nhiều so với 3 làng còn lại.

Như vậy người Kinh ở Giang Bình hiện đang tập trung sinh sống ở 6 làng và khu vực chợ trung tâm. Mỗi làng một đặc điểm riêng nhưng nhìn chung đặc sắc văn hoá, xã hội Kinh tộc đã khá nhạt nhoà ở Hạnh Vọng, Hồng Khảm và Đầm Cát nhưng 3 làng này vẫn là thành phần không thể thiếu trong bức tranh dân tộc Kinh ở Giang Bình. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong tên gọi Kinh Đảo đã hàm chứa vai trò trung tâm của Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu so với các làng người Kinh khác. 3 làng này có lịch sử định cư dài nhất ở Giang Bình, có đông dân nhất, diện tích lớn nhất, vị trí trung tâm nhất và có kinh nghiệm về nghề biển nhất và cũng lưu giữ được nhiều yếu tố văn hoá cội nguồn nhất. Ngoài ra 3 làng này còn sự giao lưu văn hoá rộng mở, buôn bán nội vùng, ngoại vùng và quốc tế tấp nập, hiện nay lại có đời sống kinh tế khá nhất. Hội tụ được đầy đủ các yếu tố: lịch sử tự nhiên, xã hội và con người, Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu xứng đáng giữ vị trí trung tâm, là khu vực mang đặc trưng Kinh tộc nhất để mỗi khi nhắc đến người Kinh ở Trung Quốc, người ta nói đến Kinh Đảo đầu tiên.



[1]Số liệu từ website giới thiệu về 56 dân tộc thiểu số Trung Quốc: www.c-c-c.org/chineseculture/minority/minority.html
[2]Xem: Gia đình các dân tộc Trung Quốc: Dân tộc Kinh, Vân Nam Nhân dân Xuất bản xã, Vân Nam Đại học Xuất bản xã (?), 2003; Website: www.taishan.com/english/families/jing.htm, www.china.org.cn/e-groups/shaoshu/shao-jing.htm.
[3]Mặc dù theo sự quản lý hành chính thì các địa danh này đều là thôn nhưng trong tâm thức dân chúng và thực tế cách gọi của họ thì những nơi này là làng.
[4]Thiên chúa giáo (BT)
[5]Đồng Nhân dân Tệ (BT)
[6]Nhà thờ (BT)
[7]Có lẽ là Tảo mộ chăng? (BT)

Nguồn: Thông báo văn hoá dân gian 2004, tr. 43-50