© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
21.12.2005
Từ Huy
Nhà văn có nên nói về tác phẩm của mình hay không?
 
Câu hỏi đã giải quyết xong từ lâu này, đáng buồn thay, cho đến nay ở Việt Nam vẫn cứ tiếp tục là một câu hỏi.

Nhà văn thực sự, trước khi làm nhà văn, là một độc giả, một độc giả đặc biệt, vì anh ta (trong chữ «anh ta» này bao hàm cả nghĩa «chị ta» nữa, thành thực xin lỗi các nhà văn nữ vì sự bất lực của tôi trong việc sử dụng tiếng Việt) say mê đọc và có khả năng đọc những cuốn sách mà không phải ai cũng đọc được. Nếu anh ta có thể là độc giả của những nhà văn khác, tại sao không thể là độc giả của chính mình và không thể đưa ra những nhận định về sách của mình? Nói rằng «nhà văn phải quên đi những gì đã viết để tạo ra những giá trị mới» chỉ là một cách nói, nó đồng nghĩa với một cách nói khác, «nhà văn phải nhớ những gì đã viết để không lặp lại chúng nữa». Kỳ vọng tạo ra cái mới không hề là lý do ngăn cản nhà văn làm độc giả của chính họ, nếu không muốn nói ngược lại. Chữ littérature (văn học) được giới nghiên cứu ở Pháp «chiết tự» như sau: «lit et rature» (đọc và gạch bỏ). Đó không chỉ là một câu chuyện đùa. Họ xem hành động viết đồng nghĩa với hai hành động song song: đọc và gạch bỏ. Do vậy mà lao động của nhà văn là loại lao động hết sức cực nhọc.

Không chỉ là độc giả, nhà văn là kẻ sáng tạo. Bằng tác phẩm, anh ta xây lên một thế giới. Khi thế giới ấy hoàn tất, nó không còn thuộc về anh ta nữa. Đó là một chuyện khác. Anh ta có muốn nói về thế giới ấy hay không. Đó là một chuyện khác. Anh ta có khả năng diễn giải về quá trình hình thành nên tác phẩm hay không. Đó là một chuyện khác nữa. Anh ta không và sẽ không bao giờ kiểm soát hết được những khả năng diễn giải từ phía người tiếp nhận. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh ta không biết mình muốn gì, và không biết bằng cách nào anh ta đã tạo ra tác phẩm. Và một khi anh ta viết như một ý thức mãnh liệt, anh ta có nên bộc lộ ý thức của mình không?

Độc giả Việt Nam có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi trên đây ở Kundera và Umberto Eco, hai tác giả xuất hiện nhiều trên báo chí chúng ta những năm gần đây.

Bạn đọc cũng có thể tìm thấy câu trả lời ở bức thư dưới đây của Alain Robbe-Grillet, một nhà văn trong phong trào Tiểu Thuyết Mới ở Pháp, đối với ông sáng tạo đồng nghĩa với phá huỷ, và cả sáng tạo lẫn phá huỷ đều chỉ có thể được tiến hành với một ý thức đầy đủ.

Nhà văn không nên nói về tác phẩm của mình. Phương châm này, theo tôi, sẽ là cái cớ lý tưởng cho những người viết thiếu ý thức trong hành động viết, và lười biếng trong hành động đọc.

Điều đáng ngạc nhiên là: những phát biểu về nghề nghiệp của Eco hay Kundera được đón nhận hoàn toàn tự nhiên. Chẳng có ai phản ứng gì về việc Kundera phân tích cấu trúc tiểu thuyết của ông hay việc ông giải thích các ý đồ xây dựng tác phẩm, những ý kiến này được trình bày rất rõ ràng trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết do Nguyên Ngọc dịch. Nhưng độc giả Việt Nam lại thấy không tự nhiên khi những phát biểu mang tính chất tương tự được nói ra bởi các nhà văn của chính họ. Cắt nghĩa như thế nào về hiện tượng này? Đấy cũng đang còn là một câu hỏi.




Thư gửi Emile Henriot
Alain Robbe-Grillet

Paris, le 15 juin 1955

Thưa ông,

Ông đã đọc cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi (cuốn Kẻ nhìn trộm - ND). Bất chấp sự khó chịu mà nó gây ra cho ông ngay từ những trang đầu tiên, dường như là ông vẫn đọc nó một cách cẩn thận và không định kiến. Thậm chí ông nói rằng ông đã đọc lại nhiều lần. Trước hết tôi xin cảm ơn ông về điều đó.

Ông không ưa cuốn tiểu thuyết này. Đó là quyền của ông. Ông đã trung thực đưa ra những lý lẽ giải thích vì sao không ưa, trong bài báo đăng trên Le Monde: ông đánh giá cuốn sách là «mới» nhưng «cụt ngủn», «có sự sắp xếp» nhưng «không hợp lý». Tất cả những điều ấy là chính xác, theo một nghĩa nào đó. Tương tự, ông có lý khi nhận xét rằng câu chuyện được tổ chức từ những ngã rẽ, những điều lặp lại, những đoạn hồi cố, những lẫn lộn về thời gian một cách cố ý, còn khi nói đến diễn tiến chính xác của các sự kiện thì thực tế chỉ thấy sự bấp bênh của chúng, v.v…

Ngược lại, tính từ «làm chán ngấy» hình như hơi thiếu công bằng đối với tôi. Quả thực là có thể cuộc phiêu lưu của Mathias «có liên quan đến Phòng thứ 9», nhưng ông cũng nhận thấy rằng tôi đã xử lý nó rất thận trọng, vì ông báo trước cho những người có thể yêu thích cuốn sách sự thất vọng về phương diện này khi họ đọc nó. Còn về việc ông trách cứ nhân vật của tôi là một kẻ sát nhân hay một kẻ điên, tôi nghĩ rằng điều đó không đặt thành vấn đề. Liệu, ít nhiều, đó có phải là trường hợp của tiểu thuyết từ một trăm năm nay? Ví dụ minh hoạ cho vấn đề này rất phong phú. Các lý thuyết gia trịnh trọng chẳng phải đã khẳng định rằng đó từng là hiện tượng tiểu thuyết chủ yếu trong xã hội chúng ta?

Nhưng tôi sẽ nói ngay đến điều khiến tôi cảm thấy buồn nhất, trong bài báo của ông, nó được tóm gọn trong câu này: «… tác giả-nhà khoa học của chúng ta đã khó nhọc một cách vô ích».

Tôi hy vọng rằng từ «nhà khoa học» không mang nghĩa xấu. Dù sao, nó cũng chính xác: như người ta đã cho ông biết, tôi được một trường đại học lớn (grande école)của Nhà nước cấp bằng, đầu tiên tôi thực hành - một cách nghiêm túc - nghề kỹ sư canh nông trong nhiều cơ quan nghiên cứu sinh học khác nhau. Nếu như tôi rời bỏ nghề này, một nghề vừa lý thú vừa có lợi ích, để theo đuổi cái nghề không chắc chắn, là văn học, là bởi vì tôi muốn tin rằng ngay từ lúc lựa chọn nó, tôi đã có một mục đích cũng nghiêm túc như vậy - thậm chí còn nghiêm túc hơn.

Mặt khác, tôi đã «khó nhọc», điều này cũng đúng. Tôi viết một cách khó khăn. Tôi phải làm việc nhiều, cô đơn, nhẫn nại. Tôi không phàn nàn, khi tôi cho rằng làm việc như vậy là để đạt tới một cái gì xứng đáng với sự nhọc công. Điều làm tôi lo lắng, đó là nhận định dứt khoát của ông, rằng tôi đã làm điều đó «vô ích».

Trái lại, tôi rất mong thuyết phục ông rằng tôi sẽ cố gắng trả lời, trong một vài dòng, câu hỏi của ông về ý đồ mà tôi theo đuổi. Từ «cụ thể», mà ông đã nhặt ra trong đề từ của tôi, đã có nghĩa ám chỉ. Tôi muốn – và tôi biết rằng tôi còn có nhiều con đường phải vượt qua trước khi đến được cái đích này – tôi muốn xây dựng một thế giới vững chắc, rõ ràng, bất biến, một thế giới mà sức nặng và độ rắn của nó không lệ thuộc vào sự sáng rõ của câu chuyện (và câu chuyện của Kẻ nhìn trộm thực sự là mờ mịt), không lệ thuộc gì ở sự hoàn chỉnh của nghiên cứu về tâm lý cũng như ở sự hấp dẫn của các nhân vật (ông cũng nhận xét một cách chính đáng rằng khuôn mặt cũng như tính cách của Mathias đều mờ), cũng không hề lệ thuộc vào tính chính xác hình học của khung cảnh (các đường nét quá nhiều và chất đầy bức tranh đến mức khiến người ta không thể nhìn ra nổi nó), và cuối cùng, không lệ thuộc gì vào cái thế giới bên kia mang tính chất siêu hình học của những ẩn dụ hiện đại; ngược lại đó là một thế giới mà người ta không thể bác bỏ được sức nặng và độ rắn của nó, giống như một kiểu hiện diện lồ lộ mà ta không thể nói gì khác hơn là: «nó ở đó».

Cũng vậy, để kết thúc, cho phép tôi gửi tới ông một câu hỏi. Bây giờ, khi ông đã mua cuốn sách, khi ông đã đánh giá và lên án nó, ông có cảm thấy rằng, bất chấp tất cả, vẫn tiếp tục tồn tại đâu đó một hòn đảo – được bảo vệ bởi con đê kếch xù mà biển cố công vô ích để nhấn chìm - một hòn đảo đơn độc và trần trụi, ở đó một du khách vẫn tiếp tục theo đuổi – bây giờ và mãi mãi – cái hành trình đá và cát của anh ta?

Nhưng thứ lỗi cho tôi cái lối cường điệu như vậy. Những tham vọng của tôi cũng không được phải lẽ lắm.

Tuy nhiên, thưa ông, xin gửi tới ông sự kính trọng và lòng tận tuỵ của tôi.

Nguồn: Tạp chí Oblique, số 16-17, năm 1978

© 2005 talawas