© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
26.12.2005
Phan Khôi
Khoa học với văn hóa
 
I. Ý nghĩa và chủng loại của văn hóa

Khoa học tức là một thứ văn hóa.

Muốn biết khoa học là thứ văn hóa gì, cần phải biết trước cái bổn thể của khoa học là vật gì.

Muốn biết bổn thể của khoa học cần phải đem khoa học mà so sánh với các thứ văn hóa khác.

Muốn so sánh khoa học với các thứ văn hóa, trước hết phải biết rõ ý nghĩa của toàn thể văn hóa.

Ý nghĩa của văn hóa, xưa nay các nhà học vấn vì cuộc biến thiên của thời đại và nghệ thuật, dụng công giải thích rất nhiều, không thể dùng một vài lời mà thuật lại cho hết. Những lời giải thích trọng yếu thì: về đời cổ cho là "phàm chủ nghĩa nào có thể cải lương được kiểu sanh hoạt mọi rợ, và tăng tiến được trình độ học thuật, tức là văn hóa"; về gần nay phần nhiều cho là: "phàm chủ nghĩa nào có thể trừ được sự chướng ngại cho loài người và tăng tiến được nền hạnh phúc của loài người, tức là văn hóa".

Theo như hai thuyết nói trên mà chia riêng chủng loại, thì nguồn suối của văn hóa có thể tóm lại làm ba thứ lớn. Phàm những văn hóa có thể bỏ sự chướng ngại của loài người đối với thần linh mà khiến cho loài người tăng tiến hạnh phúc thì để vào một môn. Môn đó tức là tôn giáo. Phàm những văn hóa có thể bỏ sự chướng ngại cho tri thức của loài người, mà khiến cho loài người tăng tiến được hạnh phúc về tinh thần, thì để vào một môn. Môn đó tức là triết học. Phàm những văn hóa nào có thể bỏ sự chướng ngại ở con đường tri thức của loài người mà khiến cho loài người tăng tiến được hạnh phúc về vật chất thì để vào một môn. Môn đó tức là khoa học. Tha hồ các nhà học vấn đem văn hóa mà tách bạch làm bao nhiêu loài, cũng không ra khỏi phạm vi ba môn văn hóa đó.

Theo ba thứ văn hóa đó mà tìm nguồn xét ngọn thì ở thế giới, không cứ nước nào, đều phải công nhận tôn giáo là thứ văn hóa khai sáng sớm nhất. Vì rằng: trong khi loài người mới bắt đầu khai hóa, đối với hiện tượng của võ trụ và ý nghĩa về nhân sanh quan (conception de la vie), không cứ khảo sát về dĩ vãng, về hiện tại, hay là suy tưởng về lương lai, đều là mù mù mờ mờ, chẳng biết chi hết; dầu cho lên một bực nữa cũng chỉ biết nên làm như vậy mà không biết tại sao mà làm vậy.

Trong lúc đó, loài người vì tình ý phát động, cũng muốn biết những sự mà mình chưa biết, nhưng vì tri thức chưa đủ, mới tưởng rằng bên trên loài người còn có ông nào đứng làm chúa tể, ông đó vẫn chi phối hết thảy các việc mà mình không thấy. Bởi các tư tưởng đó, mới đem hết những sự không thể giải thích, phó cho quỷ thần và thượng đế sai khiến. Việc gì cũng cứ theo mạng lệnh của thượng đế và quỷ thần, tự mình chỉ đứng vào địa vị vô tri vô giác. Các nguồn suối của tôn giáo, đại khái như thế.

Tánh trời của loài người, thường vẫn mỗi ngày mỗi cầu cho tiến bộ. Tỷ như thời đại thái cổ, do bực thân thể trần truồng, lên bực may quần sắm áo; do bực ăn sống nuốt tươi mà lên bực nấu nướng ăn chín; do bực nằm hang ở nội, lên bực xây dựng cửa nhà; do bực đi lại không thông, lên bực đóng xe đóng thuyền v.v... Phàm thuộc về vấn đề sanh hoạt của loài người, việc gì cũng cầu cho mỗi ngày mỗi tấn tới, mỗi ngày mỗi cải lương. Vì rằng loài người đã có tánh "biết", mới đem năng lực về bụng nghĩ của mình mà mở mang tri thức, giải quyết những vấn đề không thể giải quyết. Đó là nguồn suối của triết học.

Còn đến nguồn suối của khoa học, thì cũng bởi lẽ loài người mỗi ngày mỗi cầu tiến bộ, mỗi ngày mỗi cầu cải lương, nhân thấy phương pháp khi trước dùng để giải quyết những vấn đề võ trụ và những vấn đề nhơn sanh, rất hư huyền, không có chi là chắc chắn, mới kiếm lấy một phương pháp thiết thực để giải quyết những vấn đề đó. Ví như chỉ nhờ phương pháp tôn giáo mà giải quyết, tức là chỉ nhờ sự giả thác và sự mê tín, chẳng có gì là chứng cớ đích xác; hay là chỉ nhờ phương pháp của triết học mà giải quyết, cũng là chỉ nhờ sự suy lường và sự tưởng tượng, cũng chẳng có gì là chứng cớ đích xác. Về sau tánh "biết" của người ta đã tiến bộ, biết đem những vấn đề hoài nghi, theo sự thiệt mà nghiệm đi xét lại, để kiếm lấy phương pháp giải quyết, đó là rễ gốc sanh ra khoa học.


II. Sự xung đột và sự điều hòa của ba thứ văn hóa

Ba thứ văn hóa chi phối cuộc sanh hoạt của loài người và giải quyết hiện tượng của võ trụ, theo dấu cũ của lịch sử thì hình như ở bên Âu Mỹ từ đời thượng cổ tới thế kỷ XIV, có thể kêu là thời đại tôn giáo; từ thế kỷ XV tới thế kỷ XVIII, có thể kêu là thời đại triết học; từ thế kỷ XIX đến bây giờ có thể kêu là thời đại khoa học. Trong ba thời đại đó, trừ ra thời kỳ rất cổ, là thời kỳ tánh "biết" của loài người chưa phát đạt lắm, thế lực chi phối sự sanh hoạt chỉ có tôn giáo làm chúa tể, n trở về trước còn từ sau khi Socrates, Platon, Aristote đã ra đời, thì mầm nhánh triết học đã lần lần mọc ra. Về sau, thời đại càng lâu, tri thức của loài người càng phát đạt, những sự mê tín giả thác càng ngày càng bị đánh đổ, cho nên các nhà tôn giáo thường thường nổi lên chống lại với các nhà triết học. Tới thế kỷ khoảng giữa [1] thì tôn giáo và triết học xung đột nhau luôn. Từ khi Roger Bacon, Fransis Bacon và Galileo Galilée đã giáng sanh thì nền móng của khoa học lần lần vững chãi. Sau nầy tri thức của loài người càng phát đạt nữa, phương pháp nghiên cứu sự biết càng hoàn toàn, khoa học càng bị hai phe tôn giáo và triết học thù ghen. Bởi vậy từ thế kỷ XVIII mà đi, ba phe tôn giáo, triết học và khoa học thường theo riêng sự "biết" của mình mà cùng nhau cãi lộn, lúc thì xung đột, lúc thì điều hòa, đến bây giờ vẫn chưa yên định.

Theo như lời của phe tôn giáo thì ở đời duy có tôn giáo là thứ văn hóa có thể cấp cho loài người những tri thức cần dùng, ngoài tôn giáo ra không có chi là thứ hai. Tôn giáo không những có thể cung cấp cho loài người những tri thức có hình mà lại có thể cung cấp những tri thức không hình [2] ; chẳng những chi phối được cuộc sanh hoạt trong khi còn sống, mà lại có thể chi phối cuộc sanh hoạt ở khi đã chết; chẳng những biết rõ những việc quan hệ đến loài người, mà lại biết rõ những việc quan hệ đến thần linh. Đối với những lời trách bị của các nhà triết học và các nhà khoa học thì phe tôn giáo cho rằng đó là họ nói mỉa nói dèm, phá hoại sự tín ngưỡng của loài người, xâm phạm vẻ tôn nghiêm của thần linh, làm giảm bớt hạnh phúc về tinh thần của loài người, nói vắn tắt thì họ gây vạ cho loài người.

Theo như lời của hai phe triết học và khoa học thì loài người cần có tri thức, tri thức có đích xác thì mới có thể dựng nên công việc. Tri thức của các nhà tôn giáo chỉ là sự mê tín không thiệt, còn tri thức của hai phe triết học và khoa học cống hiến cho loài người, thì cái gì cũng có thể chứng minh rõ ràng, thiệt là cái cột làm cho loài người nương dựa. Họ lại nói rằng: sự mê tín của các nhà tôn giáo tức là bức tường che lấp cái cửa "chân lý", sự hy sanh của các nhà tôn giáo, tức là cái máy phá hoại sự tự do của loài người, cho nên tôn giáo đối với con đường tiến hóa của loài người, đối với hạnh phúc khoái lạc của đời người, đều làm trở ngại hết thảy.

Từ thế kỷ thứ XVIII mà đi, triết học mỗi ngày mỗi phát đạt, khoa học mỗi ngày xương minh, trong hai phe đó lại vì bên nào bên nấy đều mở lớn bờ cõi của mình, thành ra thường thường cùng nhau xung đột. Sự trọng yếu nhứt trong cuộc tranh luận của hai phe thì là phương pháp mở mang tri thức. Theo như ý kiến của các nhà triết học thì sự mở mang tri thức nếu chỉ do ngũ quan quan sát một cách trực tiếp thì phần nhiều sanh ra sai lầm, tất phải tựa vào sự suy nghĩ ở trong bụng thì mới có bằng cớ đáng tin. Ví như đi coi hát bóng, mình thấy núi sông, người, vật đều hoạt động như đồ "sống", ai không nghĩ tưởng là cảnh thiệt, kỳ thiệt chỉ là một tấm "phim" dài nối nhau mà thay đổi, lại còn có nhiều hiện tượng ở nơi vô hình, nếu không dùng bụng nghĩ thì không thể tìm ra tri thức đích xác. Theo như ý kiến của phe khoa học thì cho rằng: phương pháp mở mang tri thức phải chia làm hai thứ, một thứ dùng bụng nghĩ cũng có thể kiếm ra, như phép kỷ hà đại số trong khoa "toán", một thứ thì phải dùng ngũ quan mà quan sát mới có thể biết được, tỷ như nước, lúc cực nóng thì lên trăm độ hàn thử biểu, lúc cực lạnh thì xuống tới độ 0, trong đó biến hóa những sao, nếu không nhờ ngũ quan mà quan sát, chỉ chắc ở lý tưởng trong bụng, e rằng muôn muôn năm nữa cũng không biết sự biến hóa đó ra thế nào?

Tới hồi gần nay, đối với sự xung đột của ba thứ văn hóa, có nhiều người chủ trương điều hòa. Họ lấy cớ rằng: hiện tượng ở trong võ trụ quan (conception de l'univers) và nhân sanh quan rất là phiền phức, muốn đem những hiện tượng phiền phức ấy mà giải quyết cho gọn gàng, không phải tinh lực một người có thể làm được mà cũng không phải một thứ học thuyết có thể bao quát được hết. Tất phải chia môn xẻ loại mỗi người mỗi khoa, thì cái "biết" của mình về võ trụ quan và nhân sanh quan mới có thể vừa nhiều vừa chắc. Bởi vậy hiện nay học thuật có khoa chuyên môn, học giả có nhà chuyên môn, đem những vấn đề quan hệ đến võ trụ quan và nhân sanh quan chia ra ba thứ sau nầy:

  1. Việc gì?
  2. Là thế nào?
  3. Bởi vì đâu?
Muốn đem ba câu hỏi trên mà trả lời cho rõ ràng gẫy gọn thì phải chia từng môn mà nghiên cứu, mới có thể tường tận không sót chỗ nào. Khoa học là văn hóa để nghiên cứu câu hỏi thứ nhứt, triết học là văn hóa để nghiên cứu câu hỏi thứ hai, tôn giáo là văn hóa để nghiên cứu câu hỏi thứ ba. Trong khi nghiên cứu ba câu hỏi đó, các nhà học giả vì muốn nới rộng phạm vi của mình, và vì sự lựa chọn tài liệu tự nhiên có khi phải ra ngoài giới hạn của mình, mà thêm lời nghị luận hoặc phê bình đến giới hạn của văn hóa khác. Cái đó tự bên giới hạn khác kia, cũng nên coi là sự khuyên nhau giúp nhau, phe nọ lợi dụng lấy phe kia, phe kia gây dựng cho phe nọ, để cùng tăng tiến cho loài người cuộc sanh hoạt hoàn toàn về tinh thần và về vật chất. Chớ nên công kích lẫn nhau, phá hoại lẫn nhau, làm giảm bớt hạnh phúc về sự sanh hoạt của loài người.

Cái thuyết đó nghe cũng có lẽ.

Tóm xem những lẽ nói trên thì khoa học ở trong văn hóa đã chiếm được địa vị rất trọng yếu. Song le, nhiều người chưa hiểu, bàn đến tình hình đại khái của khoa học. Một thì nói rằng: khoa học chỉ biết thực nghiệm và phát minh, làm ra vô số những thứ học vấn thuần về công lợi như là xe lửa mới, tàu thủy mới, máy bay mới, và các thứ thuốc mới v.v...; hai thì nói rằng: khoa học chỉ biết quan sát và thí nghiệm, lợi dụng phép quy nạp mà nghiên cứu hết thảy những vật có hình, thuần là thứ học vấn về vật chất. Như vậy là coi cái phạm vi khoa học rất hẹp, coi cái giá trị khoa học rất rẻ.

Muốn trừ khỏi sự hiểu lầm đó, phải đem ý nghĩa của bổn thể khoa học mà nói cho rõ ràng.

Vào thế kỷ XVI, XVII trong khi Francis Bacon mới dựng nên ngọn cờ khoa học, phương pháp của ông, vốn là đối với sự quan sát những sự ở võ trụ, trước hết dùng ngũ quan mà xem xét, rồi sau dùng cách thiệt nghiệm mà nghiệm xem sự xem xét đó có thiệt chắc hay không. Đến sau, cái phương pháp đó càng ngày mở rộng, tới thế kỷ XVIII, ý nghĩa của khoa học lại thay đổi một cuộc rất lớn, nhiều người nói rằng: khoa học là dùng phương pháp có manh mối mà nghiên cứu nhân lý. Wolf quyết định cái định nghĩa cho khoa học có nói rằng: "Phàm những cái dạy cho ta dò xét nguyên lý một cách "có manh mối" thì ta gọi là khoa học"; coi đó biết rằng thế kỷ XVIII cũng đã biết phạm vi khoa học, không phải chỉ riêng về vật chất. Vì cái lẽ đó, cho nên đến thế kỷ XIX, trong khi khoa học thạnh hành, các nhà tôn giáo và các nhà triết học đều dùng phương pháp khoa học mà nghiên cứu phạm vi của mình. Nói cho phải, thì từ thế kỷ XIX, giọc trận của tôn giáo và triết học đã bị khoa học đánh tan. Những nhà tôn giáo nói về sự quan hệ của thần với người, đều dùng phương pháp có manh mối và có thiệt chứng, và lại đem những sách cũ mà thay đổi nhiều chỗ để bổ cứu những điều cổ nhân còn thiếu, và làm cho hiệp với làn sóng tư tưởng mới.

Triết học cũng vậy, ví như gần nay, môn tâm lý học của phần đông những nhà triết học các nước, đều dùng phương pháp khoa học, lập ra nhà thí nghiệm rất hoàn toàn, hết sức xét đi xét lại. Cả đến bổn thể của triết học tức là môn học "ở ngoài hình thức", cũng đều đem những lý luận không hoàn toàn không trật tự như thuở trước mà chỉnh đốn lại, sửa sang lại.

Cứ vậy thì ở trong văn hóa, cái thứ học vấn có thể mở mang sự "biết" đích xác cho loài người tức là khoa học, cái công sửa lại tôn giáo, đổi lại triết học, cũng là công của khoa học. Nói về sự "đem ra mà dùng" thì ở Âu châu Mỹ châu, cái công làm cho nước nhà giàu mạnh, làm cho xã hội tốt đẹp, làm cho loài người tinh khôn, cũng là công của khoa học.

Khoa học thật là một vật thần thông biến hóa ở thế giới này vậy.


Thần chung, Sài Gòn, số 20 (29.1.1929); số 23 (1.2.1929); số 24 (2.2.1929)



[1]Sau này sẽ được dịch là: trung cổ, trung thế kỷ, trung đại.
[2]“có hình / không hình” ở đây dùng để dịch “phisique / methaphysique”.
Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929 (Tồn nghi), Lại Nguyên Ân sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004