© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
29.12.2005
Đinh Linh
Đi và đếm
 
Ngày 18 tháng 12, 2005, BBC Online có đăng một tin khá ly kỳ: “Giấc mơ nhà quê kết thúc tại phi trường Heathrow.” Ludwik Zon, một người Ba Lan 84 tuổi, đã rời nhà bất thình lình để bay đến London. Trước đó, ông chưa từng đi đâu. Để chuẩn bị cho chuyến mạo hiểm này, ông đã phải dành dụm rất nhiều năm. Đến nơi, không một chữ tiếng Anh, không ai đón hay hướng dẫn, không bản đồ, kế hoạch hay chương trình, ông chỉ có thể lang thang quanh Heathrow, một phi trường bát ngát, khó mò nhất thế giới. Trong lúc đó, tại làng Znin, quê ông, 36 nhân viên cảnh sát và chữa lửa đã phải bỏ công đi tìm kẻ mất tích. Cuối cùng, ông già lẩn thẩn này đã được tòa đại sứ Ba Lan dàn xếp cho về nước. Tuy kinh nghiệm London của Ludwik Zon chỉ vỏn vẹn có vài tiếng tại phi trường, ông mãn nguyện vì đã vượt biên được một lần. Trở về Ba Lan, ông nói với báo chí: “Rất tiếc là tôi không được ở lại lâu hơn vì dân ở đó có một đời sống rất tuyệt vời […] Suốt cuộc đời dài, chưa ai lịch sự đối với tôi như người Anh, và biết đâu tôi sẽ không trở lại đấy?”

Những phi trường quốc tế, nói chung, đều mang máng nhau. Ở đâu cũng xài Anh ngữ, cũng có những tiệm bán báo, quà lưu niệm, nước hoa, thuốc lá, rượu và bánh kẹo, cũng có những quán ăn vừa mắc vừa dở, cũng có những quán bar lạnh lùng. Đến phi trường, bạn vẫn chưa nhập cảnh. Tuy vậy, nó vẫn là cái cổng chính thức của một quốc gia, và vẫn phản ảnh đôi chút xứ sở nó. Vừa rời máy bay tại phi trường Changi của Singapore, chẳng hạn, bạn đã đọc được lời cảnh cáo: “Ai bị bắt buôn ma túy tại lãnh thổ Singapore sẽ bị xử tử.” Vào trong, bạn thấy một nơi sạch sẽ và ngăn nắp. Ngồi ăn, bạn còn được nghe miễn phí nhạc cổ điển Tây phương, trình diễn bởi những nhạc sĩ ăn mặc trịnh trọng. Phi trường Incheon của Seoul, xây vào dịp World Cup năm 2002, thì rất tiện nghi và sang trọng; phi trường Tegel của Berlin thì xinh và gọn gàng; phi trường quốc tế tại Denver thì hãnh diện có một dàn mái trắng nhô lên cao như những ngọn núi tuyết ở vùng đó.

Phi trường là ấn tượng đầu tiên tại một xứ lạ. Tại đấy, bạn đã có thể thấy cách đi, đứng, ngồi và ăn mặc của dân địa phương, thấy thoáng nét mặt, thái độ và cách giao thiệp của họ. Người Nhật thì cúi đầu khá thấp để chào nhau, người Ý thì hôn nhau trên má hay miệng. Tại những phi trưòng Âu châu, bạn thường thấy những cặp vợ chồng già nâng niu, nắm tay, dìu giắt nhau. Tại Trung Hoa lục địa thì ông đi trước, bà đi sau, nhiều khi cách nhau cả 3, 4 mét như những người dưng. Tại Tân Sơn Nhất của Sài Gòn thì bạn có cơ hội trao đổi hay “buôn”, như tiếng lóng Hà Lội, với những nhân viên hải quan điềm đạm và ngọt ngào. Có dúi đô vào túi, họ cũng không thèm. Dân thì đứng bu hay ngồi chồm hổm ở phía ngoài. Không phận sự, xin miễn vào, mưa nắng mặc bay! Cút, cút đi nhé! Phi trường còn là cơ hội để giật le. Vì vậy, nhiều chính phủ đã mướn những kiến trúc gia khét tiếng để thiết kế phi trường của họ. Để chuẩn bị cho Thế Vận hội năm 2008, Bắc Kinh đã thuê Norman Foster, chẳng hạn.

Trở về Ludwik Zon: ông ấy sống ở Ba Lan, một nước vừa trải qua mấy thập niên cộng sản, tương đối nghèo - hai hiện tượng này đi đôi với nhau, Bác ạ - nên xuất cảnh không phải là chuyện đùa. Nhờ Ba Lan mới gia nhập Liên hiệp Âu châu, nên ông Zon có thể đi Anh mà không cần xin visa. Ngày 3 tháng 11, 2005, BBC Online đăng: “Em trai Việt Nam ‘bơi’ đến bãi biển”. Dân tại Swansea, một tỉnh nước Anh, phát giác một người Việt nằm lạnh cóng trên bãi biển của họ. Sau khi đem em trai này lại nhà thương, cảnh sát cho biết rằng em 14 tuổi, và có lẽ đã nhảy từ một tàu ngoài khơi, rồi bơi lên bờ. Ao ước được di cư, nhiều người Việt chỉ chờ cơ hội bán thân cho một gã tàn tật Đài Loan, còn nhiều người khác thì sẵn sàng trả xã hội đen một số tiền khổng lồ để được rinh qua Nga, Đức hay Anh. Nhưng nếu bạn là con ông, cháu cha thì những bi kịch này chẳng liên quan gì. Bạn có thể chính thức đi du học để “không làm gì ngoài viết, vẽ và café,” như một vị đã rao trên mạng.

Việc ông Zon luẩn quẩn quanh Heathrow làm tôi nhớ đến vụ Merhan Karimi Nasseri. Ông này nổi tiếng vì đã sống 19 năm tại phi trường Charles de Gaulle của Paris.
Merhan Karimi Nasseri
Cha Nasseri là người Iran, mẹ người Anh. Đi du học tại Anh giữa thập niên 70, Nasseri tham gia biểu tình chống chính phủ Iran của vua Mohammed Reza Pahlavi. Khi về nước năm 1975, Nasseri bị bắt ngay tại phi trường Mehrabaad của Tehran, nhốt vô tù 4 tháng, bị tra tấn rồi trục xuất. Trở về Âu châu, Nasseri xin tị nạn chính trị tại Đức, Hòa Lan, Ý, Pháp và Anh, nhưng đều bị từ chối. Mãi đến năm 1980, nước Bỉ mới cho Nasseri tị nạn. Sống ở Bỉ 6 năm, Nasseri không hài lòng. Ông muốn di cư sang Anh, quê mẹ. Không giấy tờ nhập cảnh, Nasseri bay đại đến phi trường Heathrow năm 1986, nhưng chính phủ Anh không cho vô, nên phải quay về phi trường Charles de Gaulle của Paris. Từ 1986 cho đến ngày nay, Nasseri đã nằm lì ở Charles de Gaulle. Có lẽ bao nhiêu năm sống một cách bấp bênh, phập phồng, lại luôn luôn phải đối phó với những bộ máy quan liêu, đã làm Merhan Karimi Nasseri phát điên. Nhờ sự can thiệp của một luật sư Pháp, ông đã không bị trục xuất khỏi phi trường Charles de Gaulle và nước Pháp. Năm 1999, Pháp đã cho Nasseri quyền tạm thời định cư, nhưng ông không chịu ký đơn chấp nhận. Tự xưng là “Sir, Alfred” [“Ngài, Alfred”], Nasseri bảo là mình không nói được tiếng Iran, thậm chí không phải người Iran. Mỗi sáng, Nasseri thức trước 5 giờ để rửa ráy trong phòng vệ sinh công cộng. Trong ngày thì nghe radio, đọc sách hay viết nhật ký. Nhân viên phi trường thỉnh thoảng giặt quần áo cho Nasseri, và họ cũng cho ông một ghế xôfa để nằm. Quanh xôfa này là những thùng cạc tông và bao ny lông khá lôi thôi. Tại phi trường Charles de Gaulles, và cả phi trường Heathrow nữa, có vài chục người vô gia cư ở lậu, nhưng tất cả đều sống rất kín đáo, không ai lại công khai, bình thản hay chễm chệ như Merhan Karimi Nasseri. Cuộc đời quá ly kỳ này đã là đề tài của hai cuộn phim, một Pháp, một Mỹ. Trong phim Mỹ, The Terminal, vai của Nasseri được đóng bởi tài tử ăn khách hàng đầu, Tom Hanks. Tuy được trả 250.000 USD cho bộ phim này, Nasseri vẫn không chịu rời phi trường Charles de Gaulle. Có lẽ ông sẽ chết ở đấy.

Đối với đa số nhân loại, hai cản trở chính cho việc xuất ngoại là kinh tế và hành chánh. Chỉ có máu mạo hiểm thôi thì chưa đủ. Vì vậy, công dân của những quốc gia giàu đi du lịch nhiều nhất. Ở Mỹ có hội Travellers’ Century Club, với một khẩu hiểu: “Du lịch thế giới… Hộ chiếu dẫn đến Hòa bình qua Thông cảm”. Phải đặt chân đến ít nhất 100 nước thì mới được vào hội này. Chỉ cần đáp xuống phi trường, không cần vào phố, bạn cũng có thể tính đó là một nước. Người Mỹ vốn thích ghi sổ những thành tích và chiến công, nói chung họ thích đếm, nên chuyện họ đua nhau đếm nước đã viếng thăm, tuy chỉ viếng thăm phi trường, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Johnny Cash, một ca sĩ Mỹ nổi tiếng, có hát một bài, “I’ve Been Everywhere, Man!” [“Tao đã đi khắp nơi, Mày!”] Sau những lời khoe khoang như “Nghe đây! Tao đã đi tất cả con đường trên đất đai này!” và, “Tao đã xuyên qua sa mạc, Mày!” và thậm chí, “Tao là một kẻ sát nhân [!],” bài này liệt kê tổng cộng 92 địa danh! Vừa đi vừa đếm, bốn người đi nhiều nơi nhất trên thế giới hiện nay đều là người Mỹ. Đi khắp các nước, họ còn thi nhau đặt chân lên các thuộc địa và đảo, kể cả những đảo hẻo lánh nhất. Tristan da Cunha, chẳng hạn, một đảo của nước Anh nằm ở nam Đại Tây Dương. Chỉ có 300 người ở, đảo này cách đảo có người gần nhất 2.334 km, cách đất liền 2.778 km. Nauru, Anjouan, Moheli, Rio Muni, Ras Musandam, Ras Al Khaimah, Fernando do Noronha, Buryat, họ đi hết, vừa đi vừa đếm. Bill Altaffer, ở California, 62 tuổi, khoe là hắn đã đi đến 560 nơi trên thế gian này. “Tôi không thể nhìn vào một tạp chí, thấy hình một nơi nào hay hay mà không muốn đi đến đó. Chỉ nghe cái tên Timbuktu là tôi muốn đi đến đó.” Charles Veley, cũng ở California, 40 tuổi, thì đã đi đến 544 nơi, kể cả đảo Bouvet của Na Uy, một nơi không ai ở. 93% mặt đất của đảo này được lấp bởi băng đá, 3% bởi phân của chim cánh cụt. Năm 2002, Veley bay hơn 300 chuyến. Hắn đã tốn hơn 1 triệu USD để du lịch. Đi hấp tấp, đi vội, đi tham, có lần hắn đặt chân xuống 5 nước trong 1 ngày. Jeff Shea, cũng từ California, 50 tuổi, thì khoe là đã đi 1.246 nơi, vì hắn tính mỗi tỉnh là một nơi. Tại mỗi lục địa, hắn còn tự thách là phải trèo lên ngọn núi cao nhất của lục địa đó.

Một ông già Piraha
Nếu người Mỹ thích đi và đếm, thì có một dân tộc trên thế gian này vừa ghét đi vừa ghét đếm. Thậm chí họ không biết đếm! Tôi không nói về bộ lạc bố láo 4.000 năm văn hiến nhấp nhô từ bẹn háng sông Hồng, mà nói về dân thiểu số Piraha của Brazil. Ngôn ngữ của họ chỉ có 1 và 2, không có 3 hay bất cứ số nào lớn hơn. Tất cả số lớn hơn 2, họ chỉ nói là “nhiều”. Chỉ còn vỏn vẹn 150 người, họ không buôn bán với ai hay đi đâu cả. Họ không chịu mượn từ từ những ngôn ngữ khác vì nếu dùng từ lai căn, họ đoán rằng mình sẽ không thỏ thẻ được với tổ tiên. Người Piraha đói thường xuyên, không phải vì thiếu thực phẩm, mà vì họ muốn được cứng rắn.

Vì nhiều lý do, người Việt cũng ít đi và ít đếm. Khi đếm, họ cũng đếm rất tùy tiện, không cần chính xác. Họ còn ưa gài số cho những thứ đáng lẽ phải có tên đàng hoàng. Thằng Hai đâu rồi? Con Ba đâu? Cậu Tư, dì Bảy, bà Năm Sa Đéc?

© 2005 talawas