© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
21.1.2004
Clare Farrow
Wolfang Laib – Một hành trình
Mai Chi lược dịch
 
Chỉ riêng cái mầu cũng đã quyến rũ. Từ nhạt tới đậm, màu vàng dường như bay lơ lửng ngay bên trên tảng đá, như một chiếc thảm bay, nhẹ nhàng và sáng rực tới mức bạn không tin vào mắt mình nữa. Nhưng nếu bạn tiến thêm một bước nữa, tới gần cái hình ảnh có vẻ nguyên vẹn kia, với sự giản dị, tinh tế và vẻ đẹp xa cách của nó, thì có một thay đổi xảy ra, và bạn bắt đầu nhận thấy một chiều sâu, một lối mở, vượt xa hơn cả cái ánh sáng làm ta ngạc nhiên kia, và chắc chắn là vượt xa tất cả những gì có thể đạt được trên bảng pha mầu của một hoạ sĩ. Bởi vì cái mầu quyến rũ này không phải do một họa sĩ tạo nên, mà nó có một nguồn gốc rất bình thường (có gì bình thường hơn là một cây bồ công anh hay cây phỉ tử?). Và cái ánh sáng rực rỡ kia chỉ là một sắc thái của cái chất liệu hữu cơ, sáng tạo và mỏng manh này, một chất liệu vừa mạnh mẽ vừa dễ bị tổn thương. Bởi vì nằm trong những cái thìa đựng thứ bột mỏng manh mà Laib rắc lọc qua một lớp vải phin để rơi xuống phiến đá trắng hình vuông trên nền nhà, là cái tiềm năng vừa vô hình vừa vô hạn của những rừng thông, những cánh đồng bồ công anh và cây mao lương hoa vàng. Năng lượng đầy sức sống được trữ lại, tách rời khỏi nguồn của nó, hoãn lại trong hành trình thời gian. Sự cân bằng, sự tĩnh lặng kia vừa tinh tế và tinh khiết, vừa quý giá và ngoài tầm với. Bạn có cảm giác được chứng kiến một điều kỳ diệu. Những hạt phấn hoa riêng lẻ thì nhỏ nhoi và không bền, nhưng hợp lại, sau khi được người nghệ sĩ sàng qua vải, chúng làm mê hoặc các giác quan, và bằng năng lượng tập trung của mình, chúng tạo ra sự cân bằng với sức nặng của tảng đá mà chúng nằm trên. Theo một nghĩa nào đấy thì Laib đã chơi một trò chơi hệ trọng, một trò mà Lewis Carroll [1] chắc là đồng tình. Trong trò chơi này, điều không hình dung được, thậm chí điều vô nghĩa, trở thành hiện thực: nhỏ biến thành lớn, nhẹ nhàng đối trọng với sức nặng, và chất liệu tầm thường nhất trở nên đặc biệt hơn cả giấc mơ không tưởng nhất.

Phấn hoa phỉ tử, 1992



Câu trả lời của Laib, khi tôi kể với anh những ấn tượng của tôi, thẳng thắn và cới mở, tới độ anh không chấp nhận cái giả định rằng người nghệ sĩ, tác giả của hành động sáng tạo kia, là người có thể lý giải được mọi thứ. "Tôi đã sàng phấn hoa rất nhiều lần, nhưng nó luôn luôn là một trải nghiệm mới. Một cái gì bạn chưa bao giờ gặp, một thực tại mà bạn không thể tin đó là thực tại..." Với Laib, phấn hoa, cũng như sữa, sáp ong, gạo và đá cẩm thạch, là một chất liệu mà đặc tính của nó nằm ngoài quyền lực và khả năng hoán chuyển của người nghệ sĩ. Chấp nhận điều đó, anh nhìn mình như một người đóng vai trò trung gian hơn là một người tạo lập (creator). "Khi tôi nói về sự hy sinh," anh nói, khi tôi hỏi anh về sự cô đơn trong công việc của anh, "đó là sự hy sinh với nghĩa rộng nhất của nó."

Laib thu lượm phấn hoa bằng tay, bắt đầu khi vào xuân với cây phỉ tử, tiếp theo là cây bồ công anh, cây mao lương, và cây thông. Anh góp nhặt được nhiều khi có nắng và trời ấm, được ít khi trời lạnh và gió. Một công việc có vẻ như đều đặn và đơn điệu, kéo dài từ tháng này qua tháng khác, nhưng đối với anh đó là một khoảng thời gian quan trọng mà anh tiếp xúc được với nhịp điệu và quá trình tái sinh của thiên nhiên. Với anh, công việc này không chỉ có ý nghĩa thu thập một chút ít vật liệu. Sự lặp đi lặp lại đem đến một sự thăng bằng và tập trung cao độ gần như của thiền định. "Nhìn bên ngoài thì công việc có vẻ đơn điệu, nhưng bạn không cảm thấy như vậy... Mỗi sáng mặt trời mọc, nhưng bạn không cho rằng đó là việc lặp đi lặp lại". Lòng tôn trọng những vật thể trong công việc của anh cũng thể hiện rõ khi anh nói về việc lưu trữ và rắc lọc phấn hoa. Phấn hoa của cây bồ công anh, cây mao lương, cây thông, cây phỉ tử, cây sồi... được đựng riêng rẽ trong những lọ thuỷ tinh. Chúng khác nhau, không những về mầu sắc hay kết cấu, mà cả về khối lượng mà người nghệ sĩ có thể thu lượm được. Ví dụ, anh chỉ có thể thu lượm được một lượng nhỏ phấn hoa bồ công anh. Nó là một chất liệu rất thô và khi khô đi vẫn giữ được mầu sắc rực rỡ của mình. Quá trình sàng loại phấn này rất mất công, và Laib cần nhiều tiếng đồng hồ để có thể sàng một "hình vuông" phấn bồ công anh kích thước 60 x 80 cm. Ngược lại, anh có tới bốn lọ phấn thông (thu lượm được qua hai mùa), loại này mầu vàng nhạt, rất mịn, như cát khô vậy. Chúng được lọc rất nhanh qua vải mịn (mịn hơn loại vải cho bồ công anh nhiều), bay như một đám mây bụi, tạo nên những hình chữ nhật lên tới 400 x 500 cm mà những đường viền của chúng mờ nhạt hơn là những đường nét rõ ràng của những hình vuông phấn bồ công anh hạt to. Vậy là, cũng như việc thu lượm phấn hoa phụ thuộc vào nhịp điệu của các mùa và sự biến đổi của thời tiết, sự hình thành của tác phẩm - thời gian cần thiết, độ mịn của vải lọc, kích thước, mầu sắc và độ kết của những hình vuông - cũng được xác định bởi chính các chất liệu hữu cơ. Người nghệ sĩ, theo nghĩa này, trở thành một người hầu hơn là một kẻ độc tài. Lòng tôn trọng chất liệu của Laib là không khoan nhượng, và được thể hiện nhiều lần qua những trình tự làm việc chính xác của anh. Khi triển lãm kết thúc, anh phải thu lượm và sàng lọc lại phấn hoa qua một lớp vải tinh hơn, để tách lớp phấn mỏng manh ra khỏi những hạt bụi gần như vô hình phủ lên tác phẩm trên sàn. Với Laib, để đạt được tính liên tục thì hồi kết của một nghi lễ cũng quan trọng như khúc mở đầu vậy.

Trong xưởng của mình, Laib muốn cùng lúc nhìn thấy được những chất liệu của anh - sữa, phấn hoa, sáp ong - những chất liệu đã được anh sử dụng trong nhiều giai đoạn khác nhau, sữa là chất liệu đầu tiên của anh sau khi anh bỏ nghề y. Với anh, việc chất liệu nào xuất hiện trước trong quá trình sáng tác không quan trọng. Anh không tin vào khái niệm "tiến bộ", và khi anh kể về một chất liệu anh cũng thường nhắc tới các chất liệu khác. Sáp ong mà Laib sử dụng để xây những căn phòng và lối đi do một thương gia ở Hamburg gửi đến. Nó có nhiều màu khác nhau (như phấn hoa vậy), từ một mầu đỏ kinh ngạc tới da cam, tới màu vàng. Màu của sáp ong là một yếu tố thuộc về bản chất của cái chất liệu dính dính này, mùi hương đậm và ngọt của nó còn mạnh mẽ hơn mùi của phấn hoa hay mùi sữa. Đối với anh, việc mầu sắc tự nó xuất thân từ chất liệu là rất quan trọng, không phải một mầu được vẽ lên. Những tính chất của sáp ong, phấn hoa hay sữa, nằm ngoài tầm hình dung của một cá nhân. "Tôi sử dụng sáp ong bởi đó là một chất liệu không do tôi tạo ra, nó nằm ngoài phạm vi những gì con người sản xuất... Đó là vật liệu xây dựng của những con ong... Nó khác với tất cả những vật liệu xây dựng mà bạn có thể hình dung được - nó là một thế giới khác."

Laib bắt đầu đi tìm một "thế giới khác" cách đây hai mươi năm, khi anh vỡ mộng với ngành học y khoa của mình. (Anh tốt nghiệp y khoa, nhưng khác với bố anh, anh không bao giờ là bác sĩ.) "Điều khó khăn nhất khi tôi học y là khoa học tự nhiên chỉ dựa vào mỗi logic, coi cơ thể chỉ là một cơ thể mang tính vật chất. Tôi nghĩ đó chỉ là một phần, còn có những điều khác nữa... Vậy là tôi bắt đầu đi tìm một cái gì đó - một cơ thể khác." Anh bắt đầu đọc về các triết học và tôn giáo phương Đông, kể cả Đạo Phật và Kì Na giáo. Anh quan tâm tới cuộc đời của thánh Francis xứ Assisi, của Rumi, nhà thơ và nhà thần bí Ba tư thuộc thế kỷ 12, cũng như tới các văn hoá cổ xưa nhìn thiên nhiên dưới góc độ tâm linh và tìm đến một sự hài hoà của vũ trụ qua sự cân bằng của những yếu tố trái ngược nhau.

Một mặt, Laib chỉ di chuyển những khoảng cách rất ngắn ngủi. Anh vẫn sống tại căn nhà mà bố anh thiết kế hồi anh 12 tuổi, và trong 20 năm vừa qua anh chỉ làm việc với một ít loại chất liệu - sữa, đá hoa, gạo, sáp ong và phấn hoa mà anh vẫn tiếp tục thu lượm một mình trên những cánh đồng và mảng rừng xung quanh xưởng - vẫn tạo ra những tảng đá-sữa, những hình vuông phấn hoa, nhà gạo, những lối đi và căn phòng sáp ong, và chẳng bao giờ tìm cách cải tiến những kỹ thuật mà anh đã sử dụng trong thời kỳ đầu. Mặt khác, tất nhiên, anh đã đi khắp thế giới, từ Ấn độ, Tiểu Á và Tây Tạng tới Paris, London và New York (một thành phố anh rất thích). Có lẽ cuộc hành trình quan trọng nhất của anh là cuộc hành trình từ y học tới nghệ thuật, một cuộc hành trình được lặp lại mỗi khi anh đổ sữa lên trên đá hoa. Ý niệm "hành trình" là một ý niệm quan trọng với Laib, và cũng là ý niệm cơ bản đối với lối đi và căn phòng sáp ong anh tạo ra tại Halifax (Israel). Nhưng trước đó tôi muốn miêu tả quá trình một phiến đá-sữa hình thành; đây là sáng tác đầu tiên của anh thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật quốc tế, vào năm 1975.

Laib đặt một phiến đá hoa (chỉ cao 3 cm) lên nền xưởng vẽ và bắt đầu đổ sữa lên trên mặt đá. Bề mặt đá (anh dùng nhiều kích thước khác nhau) có những khía răng cưa nông cho phép sữa bám trên phiến đá được đánh bóng, đạt trạng thái cân bằng. Laib dùng ngón tay đưa sữa, và sữa đặc có vẻ như miễn cưỡng chảy tới các góc của phiến đá. Sau đó Laib dùng ngón tay giữa chạy dọc viền của phiến đá, nơi hai chất liệu gặp nhau. Với động tác đơn giản, gần như không nhận thấy được đó, sữa và đá trở thành một. Sữa trông gần như được đánh bóng, phản chiếu ánh sáng và những cành mận bên ngoài xưởng, và một cách bí hiểm, sự linh động lỏng của sữa đã biến thành một sự tĩnh lặng bất động. Không thể nói được sữa kết thúc ở đâu và phiến đá bắt đầu ở đâu, chỗ nào sự nhẹ nhàng kết thúc và chỗ nào sức nặng bắt đầu. Phiến đá-sữa dường như nằm ngoài thời gian, mặc dù sau một vài giờ lớp sữa biến mất, và phiến đá, vẫn đang tiếp xúc với sữa, có một sức sống riêng của mình. "Đá là một sinh thể sống - giống như sữa, phấn hoa, con người hay núi non vậy. Những nền văn hoá khác coi đá là vậy, chỉ có văn hoá của chúng ta là không, chúng ta đã tự tách mình khỏi những điều này." Lớp sữa dường như trở nên mê hoặc, tĩnh tại trên mặt đá. Một chất liệu quen thuộc trở nên khó tin, gần như phi vật chất, không chạm tới được.

Đá-sữa, 1980-81



Trong một thời gian dài Laib mơ ước có điều kiện xây một phòng sáp ong ở đâu đó bên trong một núi đá, và kết hợp ba yếu tố kiến trúc mà từ trước anh chỉ thực hiện riêng lẻ bằng sáp (lối đi, phòng và tường) để tạo nên một tác phẩm có kích thước lớn. Ước mơ đầu tiên đã bắt đầu được thực hiện (với sự giúp đỡ của Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bordeaux) trong núi Pyrenees-Orientales, gần Massif du Canigou - một khối đá quay mặt nhìn dãy núi Canigou, có tên địa phương là "Le Roc del Maure". Một căn phòng sáp ong nhỏ sẽ được đặt bên trong khối đá, có một cửa ra vào nhỏ bằng gỗ. Ước mơ thứ hai đã bắt đầu hình thành tại một nơi khác hẳn: bên trong một toà nhà công nghiệp, một phần của khu phân xưởng Dean Clough tại Halifax. Xưởng được Quỹ điêu khắc Henry Moore biến thành một nơi tổ chức triển lãm rộng lớn, và cũng là nơi các nghệ sĩ có thể làm việc. Đó là một nơi các nghệ sĩ được mời đến để thử những điều không làm được, để giáp với rủi ro, thử may rủi, làm những điều họ chưa làm bao giờ.

Lối đi bằng sáp ong (dài 935 cm và rộng 80 cm), và căn phòng nối với lối đi (dài 584 cm và rộng 160 cm) có kích thước rất lớn và cần tới sáu tấn sáp ánh vàng được đặt từ Hamburg. Laib nhận ra rằng do kích thước lớn mà công trình của anh có thể bị coi là một tác phẩm điêu khắc đặt trong một không gian công nghiệp, điều đi ngược với cách nhìn của anh rằng tác phẩm phải thể hiện một không gian bên trong. Vì vậy anh biến tác phẩm thành "vô hình" trước cái nhìn ở bên ngoài bằng cách đặt nó sát vào một bức tường sẵn có và sơn trắng cấu trúc gỗ hỗ trợ bên ngoài lớp sáp ong. Qua đó, lối đi và căn buồng sáp gần như được cải trang, trở thành một phần của cái "kiến trúc công nghiệp".

Người ta không thể không kinh ngạc trước lượng sáp ong được sử dụng và hình dung bao nhiêu con ong phải lao động trong bao lâu để tạo ra được chỗ vật liệu xây dựng này. Sáp được làm trong thời kỳ đầu của cuộc đời dài sáu tuần của con ong thợ (trước khi nó bay ra ngoài để thu thập phấn và mật hoa). Sáp được tiết ra từ bụng ong, được chuyển từ những chân sau lên những chân trước, được nhai để trở thành một chất liệu dính và mềm dẻo, và sau đó được dùng để xây những tầng ong lỗ sáu cạnh. Sáp được tạo ra với những lượng bé tí xíu, giống như quá trình sản xuất phấn hoa vậy, và điều này làm cho kích thước của lối đi và căn phòng của Laib trở nên khó tin như một giấc mơ, và đặc biệt như khi ta chuyển động bên trong một con trai biển.

Khi bạn bước chân vào lối đi dài, nó tối và cái không gian khép kín đầy hương vị nặng và ngậy của sáp ong. Dường như lối đi vừa đầy vừa rỗng - một điều quan trọng với Laib. Khi nói về phiến đá-sữa, anh nhận xét rằng "càng mỏng manh bao nhiêu, càng thoảng qua bao nhiêu thì càng hấp dẫn bấy nhiêu". Những lời này làm tôi nhớ tới một số câu từ đoạn đầu của cuộc hành trình qua thời gian của Proust , bắt đầu bằng một mẩu vụn bánh táo mađelen ngấm đầy nước chè: "chỉ mùi vị của nó, mỏng manh hơn mà cũng lâu bền hơn, vô thực hơn mà bền vững hơn, trung thành, thăng bằng trong một thời gian dài... và trong cái hạt bé tí xíu của cái bản thể của nó chứa cả cái cấu trúc rộng lớn của ký ức." [2] Mùi sáp đặc biệt mạnh nhưng nó phi vật chất, nó nằm ngoài tầm nắm bắt. Đó là một mùi vị vừa khổ hạnh vừa quyến rũ, giống như mùi hương dùng trong những nghi lễ thiêng liêng. Đó là một mùi ngọt ngào, xa xưa, đầy ứ - như mùi vị của cái chết. Cái lối đi cũng dường như gợi lên những "ký ức" xa xưa và phổ quát - những ý niệm về di chuyển, hành trình, hành hương, thám hiểm, sự ra đời và cái chết.

Phòng sáp, 1994



Khi bạn tới phần cuối của lối đi dài, bạn bước vào căn phòng sáp - bước vào mầu sắc và sánh sáng. (Laib treo ba bóng đèn trên trần, một ở đoạn kết của lối đi, và hai ở trong phòng sáp). Ánh sáng làm biến đổi sáp ong, giống như nước biển rửa một tảng đá và đem lại cuộc sống cho mầu sắc của nó, giống như trò chơi Nhật Bản, nhúng những mảnh giấy không hình thù hay chữ viết vào một bình sứ đựng nước, trong khoảnh khắc bị ướt, chúng dãn ra, nở to, xoắn lại, biến thành mầu sắc, trở thành những bông hoa hay ngôi nhà... Laib mô tả sáp ong thay đổi như thế nào. "Nếu bạn có một nguồn sáng yếu, bạn sẽ thấy sáp ong sáng lên một ánh vàng kỳ lạ làm sao. Nó có một sự trong suốt cao độ, và cả một sự đậm đặc mà bạn khó hình dung được. Ánh sáng không được mạnh quá. Cái chất liệu này gần như trở thành phi vật chất... Đấy chính là điều tôi thích ở phấn hoa, sữa và sáp ong. Chúng là những chất liệu có thể mang tính tâm linh." Giống như sữa và phấn hoa, sáp ong - một chất liệu có khả năng mang những trạng thái vật chất khác nhau - có thể trở thành một cái gì "khác" với chính nó, "ngược" với chính nó, mà trong lúc đó vẫn là chính nó. Nói khác đi, sáp ong có thể mang tính vật chất và phi vật chất cùng một lúc, cùng lúc vừa đục vừa trong suốt, sáng và tối, nghiêm khắc và gần gũi - giống như sữa vừa có thể động lại vừa tĩnh tại, khi nó nằm trên phiến đá, và phấn hoa vừa hiện hữu vừa không chạm tới được...

Tôi hỏi Laib, liệu một người không biết gì tới Phật giáo hay các triết học phương Đông khác, thậm chí không biết gì tới lịch sử nghệ thuật có thể hiểu được những tác phẩm của anh không.
"Được chứ, nhưng điều đó phụ thuộc vào bản thân người đó. Tôi cho rằng trong cuộc đời của anh ta phải có cái gì đó gắn với những điều này. Người ta có thể đọc rất nhiều sách mà chẳng hiểu gì cả. Tôi nghĩ quan trọng hơn là quan niệm của anh ta về cuộc đời."

Wolfgang Laib, sinh năm 1950 tại Metzingen, Đức. Anh sống và làm việc tại một làng nhỏ tại miền Nam nước Đức.



Triển lãm cá nhân (trích)
2002
"Wolfgang Laib: A Retrospective," Haus der Kunst, Munich, Germany Leslie Tonkonow Artworks + Projects, New York Galerie Chantal Crousel, Paris, France Folkwang Museum, Essen, Germany Goethe-Institut, New York "Wolfgang Laib: A Retrospective," San Diego Museum of Contemporary Art, La Jolla, CA
2001
"Wolfgang Laib: A Retrospective," Henry Art Gallery, Seattle, WA "Wolfgang Laib: A Retrospective," Dallas Museum of Art, Dallas, TX "Wolfgang Laib: A Retrospective," Scottsdale Museum of Contemporary Art Galerie Konrad Fischer, Düsseldorf, Germany Kenji Taki Gallery, Tokyo, Japan

2000
Sprengel Museum, Hanover, Germany "Wolfgang Laib: A Retrospective," Hirshhorn Museum and Sculpture Garden, Washington, DC "Wolfgang Laib: Une chambre de cire pour la montagne," Roc del Maure (Pyrénées Orientales), Prieuré de Marcevol, France Berkeley Art Museum, Berkeley, CA Anthony Meier Fine Arts, San Francisco, CA Sara Hildén Kunstmuseum, Tampere, Finland,
1999
Galerie Buchmann, Cologne, Germany Carré d'Art, Musée d'art contemporain, Nîmes, France Milleventi, Milan, Italy Kunsthaus Bregenz, Austria
1998
Galleria Artiaco, Naples, Italy
1997
Kenji Taki Gallery, Nagoya, Japan Staatliche Kunsthalle Karlsruhe, Germany The Arts Club of Chicago, Chicago, IL Sperone Westwater , New York Kenji Taki Gallery, Nagoya, Japan Kenji Taki Gallery, Tokyo, Japan


Triển lãm tập thể (trích)
2001
"Locating Drawing," Lawing Gallery, Houston, TX "The Inward Eye: Transcendence in Contemporary Art," Contemporary Arts Museum, Houston, TX "Minimalia," Sean Kelly Gallery, New York
2000
"Cosmologies" Sperone Westwater, New York "Around 1984, A look at Art in the Eighties," P.S.1, New York "Fiona Rae, Wolfgang Laib," Buchmann Galerie, Basel, Switzerland "Shadow of Reason, Exploring the Spiritual in European Identity in the 20th Century", Galleria d'Arte Moderna, Bologna, Italy "Enclosed and Enchanted," Museum of Modern Art, Oxford, England "Anselmo, Merz, Penone, Kounellis, Laib," Konrad Fischer, Düsseldorf, Germany "A Century of Innocence: The Story of the White Monochrome," The Rooseum Center for Contemporary Art, Mälmo, Sweden
1999
"The collection of the 'Fondation Cartier pour l'art contemporain'," Palazzo delle Papesse, Centro Arte Contemporanea, Siena, Italy "Powder," Aspen Art Museum, Aspen, CO "In Passing," Center for Curatorial Studies, Bard College, Annandale-on-Hudson, NY
1998
"The Edward R. Broida Collection: A Selection of Works," Orlando Museum of Art, Orlando, Fla. "Early Forms," Galerie Chantal Crousel, Paris, France "Être nature," Fondation Cartier pour l'art contemporain, Paris, France "Ensemble Moderne: The Still Life in Contemporary Painting and Sculpture," Galerie Thaddeaus Ropac, Paris, France "Objects of Desire: The Modern Still Life," Hayward Gallery, London, England
1997
"Cittá Natura," Palazzo delle Espozioni, Rome, Italy Epicenter Ljubljana, Moderna Galeria, Ljubljana, Slovenia "Objects of Desire: The Modern Still Life," The Museum of Modern Art, New York "La Biennale di Venezia," Venice, Italy "4e Biennale de Lyon d'art contemporain," Halle Tony Garnier, Lyon, France "97 Kwangju Biennale: Unmapping the Earth," Kwangju, Korea "Anselmo, Boetti, Laib, Merz, Nauman, Paolini, Pistoletto, Vital, Zorio," Sperone Westwater, New York "Magasin 3 Stockholm Konsthall på Arken: Udvalgte værker fra samlingen/Selections from the Collection," Arken Museum for Moderne Kunst, Sweden

© 2004 talawas


[1]Lewis Carroll (1832-1898): tác giả của hai cuốn sách trẻ em nổi tiếng "Alice ở xứ diệu kỳ" ("Alice's Adventures in Wonderland") và "Through the Looking-Glass" ("Nhìn qua gương") (chú thích của người dịch).
[2]"Swann's way", Marcel Proust, trong "Remembrance of Things Past" (Phần 1), bản dịch của C. K. Scott Moncrieff và Terence Kilmartin, Penguin Books, 1983.
Nguồn: "Wolfgang Laib - A Journey", Clare Farrow, Cantz, 1996