© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
25.1.2006
Václav Havel
Quyền lực của Không Quyền lực
5 kì
Khải Minh dịch và giới thiệu
Lâm Yến hiệu đính
 1   2   3   4   5 
 
VI.

Tại sao trên thực tế người bán rau quả của chúng ta lại phải trưng bày lòng trung thành của mình lên cửa sổ? Chẳng phải anh ta đã chứng tỏ lòng trung thành đủ lắm rồi qua bao thủ tục nội bộ và bán-công khai? Ở các cuộc họp công đoàn, cuối cùng thì anh ta vẫn luôn luôn bỏ phiếu như anh ta cần phải làm. Anh ta cũng luôn tham gia các phong trào thi đua. Anh ta bỏ phiếu trong các kì bầu cử như là một công dân tốt. Anh ta thậm chí còn kí "Phản-Hiến chương” [1] nữa ấy chứ. Tại sao, bất chấp mọi điều ấy, anh ta vẫn phải tuyên bố lòng trung thành một cách công khai? Cuối cùng, những người đi ngang qua cửa sổ anh ta cũng không dừng lại mà đọc nó, và theo quan niệm của người bán rau, vô sản toàn thế giới có thể đoàn kết lại cơ mà. Sự thật là, họ chẳng đọc khẩu hiệu này, và thậm chí cũng đúng nếu giả định là họ cũng chẳng nhìn thấy nó. Nếu anh hỏi một phụ nữ dừng trước cửa hàng anh ta liệu bà ta thấy gì trong cửa sổ, bà ấy chắc chắn sẽ nói cho anh liệu họ có khoai tây hôm nay hay không, nhưng rất ít hi vọng là bà ấy nhìn thấy khẩu hiệu, đừng nói gì đến chuyện khẩu hiệu ấy nói gì.

Có vẻ như vô nghĩa khi đòi hỏi một người bán rau công khai tuyên bố lòng trung thành của anh ta. Tuy thế, nó vẫn có ý nghĩa. Mọi người lờ khẩu hiệu của anh, nhưng họ làm thế vì những khẩu hiệu như thế cũng treo ở các cửa sổ cửa hàng khác, các bốt đèn, bảng tin, cửa căn hộ và trên các nhà cao tầng; trên thực tế, chúng ở khắp nơi. Chúng tạo thành một phần bức tranh toàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. Đương nhiên, trong khi họ phớt lờ cái chi tiết, con người nhận thức rất rõ cái toàn cảnh trong tổng thể. Và cái khẩu hiệu của người bán rau kia còn gì hơn là một chấm đen nhỏ điểm tô cho cái phông vĩ đại của cuộc sống đời thường?

Vì thế, người bán rau phải đặt khẩu hiệu trong cửa sổ của anh ta, không phải với hi vọng rằng ai đó sẽ đọc hoặc sẽ bị nó thuyết phục, mà để góp phần, với hàng ngàn khẩu hiệu khác, vào cái toàn cảnh mà tất cả đều nhận thức rõ. Toàn cảnh này, tất nhiên, cũng có một ý nghĩa vi tế: nó nhắc nhở mọi người rằng họ đang sống ở đâu và cái gì được chờ đợi từ họ. Nó nói với họ về những gì mọi người khác đang làm, và chỉ cho họ thấy rằng họ cũng phải làm nếu không muốn bị loại bỏ, bị rơi vào cô lập, bị xa lạ hóa khỏi xã hội, phá vỡ luật chơi, và phải chịu rủi ro của sự mất bình yên, thanh thản và an toàn.

Người đàn bà đã phớt lờ khẩu hiệu của người bán rau rất có thể đã treo một khẩu hiệu tương tự chỉ một giờ trước đây, trên hành lang cơ quan nơi bà ta làm việc. Bà ta làm thế không ít thì nhiều là chẳng suy nghĩ gì, cũng hệt như người bán rau của chúng ta, và bà ta làm được việc ấy chính bởi vì bà đang treo cái khẩu hiệu trên nền của một toàn cảnh, và với sự nhận thức nào đó về nó, tức là, trên cái nền của toàn cảnh mà trong đó cái cửa sổ cửa hàng anh bán rau là một phần. Khi người bán rau đến cơ quan của bà, anh ta cũng sẽ chẳng nhận ra khẩu hiệu của bà, cũng hệt như bà không nhận ra khẩu hiệu của anh ta. Tuy nhiên, các khẩu hiệu của họ phụ thuộc lẫn nhau, cả hai đều được bày ra với nhận thức nhất định về toàn cảnh chung, và ta có thể nói, dưới diktat của nó. Cả hai, tuy nhiên, đã góp phần tạo ra toàn cảnh ấy, và do đó cũng tạo thành diktat ấy. Anh bán rau và bà văn phòng đều phải thích nghi với những điều kiện mà họ đang sống, nhưng khi làm thế, họ góp phần tạo ra những điều kiện này. Họ làm cái gì đã từng được làm, cái gì cần phải làm, cái gì buộc phải làm, nhưng đồng thời, cũng chính là vì việc ấy, họ đã xác nhận cái gì phải làm trên thực tế. Họ tuân thủ một đòi hỏi cụ thể, và trong khi tuân thủ, chính họ duy trì quy định ấy. Nói một cách bóng bẩy, không có khẩu hiệu của người bán rau quả thì khẩu hiệu của bà văn phòng không tồn tại, và ngược lại. Mỗi người đề xuất với người kia rằng có cái gì cần phải lặp lại, và người này chấp nhận đề nghị của người kia. Sự bàng quan song phương của họ đối với khẩu hiệu của nhau chỉ là một ảo ảnh: trên thực tế, bằng cách trưng khẩu hiệu của họ, mỗi người buộc người kia phải tuân thủ luật chơi, và từ đây xác nhận chính quyền lực đã đòi hỏi khẩu hiệu từ lúc ban đầu. Thật đơn giản, mỗi người giúp người kia phục tùng. Cả hai là khách thể trong một hệ thống kiểm soát, nhưng đồng thời là chủ thể của nó. Họ vừa là nạn nhân của hệ thống, đồng thời là công cụ của nó.

Nếu toàn thị trấn được trát bởi toàn khẩu hiệu mà không ai đọc, thì một mặt đó là một thông điệp từ bí thư thị trấn gửi lên bí thư vùng, nhưng mặt khác còn là gì hơn thế: một ví dụ nhỏ của nguyên lý của toàn trị-tự động xã hội đang vận hành. Một phần của cái căn bản của xã hội hậu toàn trị là nó kéo mọi người tới lãnh địa quyền lực của nó, không để họ có thể nhận ra họ như những con người, mà để họ có thể rút cái bản sắc cá nhân để phục vụ cái bản sắc của tập thể, tức là để họ có thể trở thành những nhân viên của bộ máy tự động của hệ thống và đầy tớ cho các mục đích tự định của nó, để họ có thể tham gia trong một trách nhiệm chung cho nó, để họ có thể bị lôi kéo vào và mắc bẫy trong đó, như Faust với Mephistopheles [2] . Hơn thế nữa: để họ có thể thông qua sự tham gia của họ mà tạo ra những quy tắc ứng xử chung, và do đó mà gây sức ép lên các công dân anh em của họ. Và xa hơn: để họ có thể học cách cảm thẩy thoải mái với sự dính líu của họ, để quen với nó như thể cái gì đó hoàn toàn tự nhiên và tất yếu, và cuối cùng, để họ có thể-không với bất kì sự thúc ép bên ngoài nào - đi đến chỗ coi mọi sự không dính líu như là bất bình thường, là kiêu ngạo, là một sự tấn công vào họ, là một dạng từ bỏ xã hội. Bằng cách kéo mọi người vào cấu trúc quyền lực, hệ thống hậu toàn trị biến mọi người thành phương tiện của một chế độ toàn trị qua lại, sự toàn trị-tự động của xã hội.

Tuy nhiên, tất cả mọi người trên thực tế đều dính líu và bị nô dịch, không chỉ anh hàng rau quả mà cả các thủ tướng. Các vị trí khác nhau trong thang đẳng cấp chỉ đơn thuần nói lên sự mức độ dính líu khác nhau: anh hàng rau chỉ dính líu ở mức nhỏ, đồng thời anh ta cũng có rất ít quyền lực. Ngài thủ tướng, đương nhiên, có quyền lực lớn hơn, nhưng đổi lại, ngài ấy phải dính líu sâu hơn nhiều. Tuy nhiên, cả hai đều không tự do, mỗi người mỗi cách. Tòng phạm thực sự trong sự dính líu này, không phải là ai khác nữa, mà chính là hệ thống. Vị trí trong thang quyền lực quyết định mức độ trách nhiệm và tội lỗi, nhưng nó không cho ai trách nhiệm và tội lỗi vô biên, mà cũng không miễn tội hoàn toàn cho ai cả. Vì thế, xung đột giữa các mục tiêu của cuộc sống với các mục tiêu của hệ thống không phải là xung đột giữa hai cộng đồng tách biệt được xác định về mặt xã hội; và chỉ có cách nhìn trừu tượng hóa rất cao mới cho phép ta phân chia xã hội thành người thống trị và kẻ bị trị (và thậm chí như vậy thì sự cũng chỉ rất tương đối). Tuy nhiên, đây chính là một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hệ thống hậu toàn trị với nền độc tài cổ điển - nơi mà ranh giới của xung đột còn có thể được vạch theo các nhóm xã hội. Trong hệ thống hậu toàn trị, lằn ranh này chạy qua mỗi cá nhân, vì trong mỗi người, theo cách riêng của họ, vừa là nạn nhân, vừa là người ủng hộ hệ thống. Cái chúng ta hiểu về hệ thống, do đó, không phải là một trật tự xã hội áp đặt bởi một nhóm lên một nhóm khác, mà là cái gì xuyên suốt toàn xã hội và là một yếu tố định hình nó, cái gì đó có vẻ như không thể nắm bắt hay định nghĩa (bởi vì trong bản chất, nó thuần túy là một nguyên tắc), nhưng lại được thể hiện bởi toàn xã hội như một đặc điểm quan trọng của đời sống của nó.

Do đó, sự thật rằng loài người đã (và hàng ngày đang) tạo ra hệ thống tự định hướng này, và qua đó họ tự tước đoạt đi bản sắc sâu kín nhất của chính họ, không phải là kết quả của sự hiểu nhầm không thể tưởng tượng nổi của lịch sử, hay là vì sao đó lịch sử đã đi chệch đường ray. Nó cũng không phải là sản phẩm của một ý chí hắc ám tối cao nào đó đã quyết định, do một lý do nào không rõ, hành hạ một bộ phận của loài người theo cách này. Nó có thể xảy ra, và thực tế đã xảy ra chỉ vì rõ ràng là đã tồn tại trong nhân loại hiện đại một xu hướng nhất định hướng tới việc tạo ra, hoặc ít nhất là cúi đầu chấp nhận, một hệ thống như thế. Rõ ràng có gì đó ở nhân loại đã lên tiếng cùng với hệ thống này, cái gì đó họ phản ánh và dung dưỡng, cái gì đó bên trong họ đã làm tê liệt mọi cố gắng của phần cái Tôi nhân bản hơn trong họ nổi dậy. Nhân loại bị buộc phải sống trong một sự dối trá, nhưng họ chỉ có thể bị buộc sống như vậy nếu như họ có thể sống như vậy trên thực tế. Do đó, không chỉ hệ thống tha hóa con người, mà cùng lúc, nhân loại tha hóa cũng ủng hộ hệ thống này như thể đó là kế hoạch tự nguyện của họ, như là hình ảnh suy đồi của sự suy đồi của chính họ, như là bảng kê sự thất bại của chính con người với tư cách là các cá nhân.

Các mục tiêu cơ bản của cuộc sống hiển hiện tự nhiên trong mỗi con người. Trong mỗi con người có cái gì đó khát khao phẩm giá chân chính của bản chất người, khát khao sự hòa hợp đạo đức, tự do biểu hiện sự tồn tại, và những suy nghiệm vượt lên trên thế giới của những sinh tồn hàng ngày. Nhưng đồng thời, mỗi con người lại có thể, dù ít dù nhiều, thỏa hiệp với cuộc sống trong dối trá. Mỗi con người theo cách nào đó quy phục tính nhân văn trong anh ta trước sự tầm thường hóa ô nhục và chủ nghĩa vị lợi. Trong mỗi con người luôn có chút sẵn lòng hòa mình với đám đông vô danh và vui vẻ trôi cùng với nó xuống dòng sông của cuộc sống giả tạo. Điều này không đơn giản như xung đột giữa hai bản sắc. Nó là cái gì đó tồi tệ hơn rất nhiều: nó là thách thức với chính khái niệm bản sắc.

Theo nghĩa đơn giản hóa cao độ, có thể nói rằng hệ thống hậu toàn trị được xây dựng trên những nền tảng được xếp đặt bởi cuộc đối đầu lịch sử giữa nền độc tài và xã hội tiêu thụ. Khả năng thích nghi nhanh chóng với cuộc sống lừa dối, sự mở rộng dễ dàng của nền toàn trị-tự động trong xã hội chẳng phải đã có mối liên hệ với sự miễn cưỡng chung của những người tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng khi anh ta phải vứt bỏ một vài giá trị vật chất để đối lấy sự hòa hợp về đạo đức và tâm hồn? Với sự sẵn lòng từ bỏ các giá trị cao hơn khi đối mặt với các cám dỗ tầm thường hóa của văn minh hiện đại? Với bản chất dễ tổn thương của họ trước sức hút của tính bàng quan tập thể? Và cuối cùng, chẳng phải màu xam xám và trống rỗng của đời sống trong hệ thống hậu toàn trị chỉ là một bức tranh biếm họa được thổi phồng của đời sống hiện đại nói chung đó sao? Và chẳng lẽ chúng ta tên thực tế không phải là một thứ cảnh báo cho phương Tây, bộc lộ cho nó thấy những xu hướng tiềm tàng của nó sao? (mặc dù theo các tiêu chuẩn thế giới bên ngoài đang sử dụng để đo mức độ văn minh, chúng ta còn tụt lại xa phía sau).


VII.

Bây giờ, ta hãy tưởng tượng rằng một ngày kia, điều gì đó đứt gãy trong anh chàng bán rau nọ, và anh ngừng đặt các khẩu hiệu chỉ để cho lòng mình thanh thản. Anh ta thôi bỏ phiếu trong các kì bầu cử mà anh biết rõ là trò khôi hài. Anh bắt đầu nói những gì anh thực sự nghĩ trong các cuộc mit-tinh chính trị. Anh ta thậm chí còn tìm thấy sức mạnh nội tâm để bày tỏ sự đoàn kết với những người mà lý trí của anh ta đòi hỏi anh phải ủng hộ. Trong cuộc nổi dậy này, người bán rau quả bước ra khỏi cuộc sống vốn chìm trong dối trá. Anh ta phủ nhận tín điều và phá vỡ các luật chơi. Anh ta khám phá lại bản sắc và nhân phẩm bị đè nén của mình. Anh cho tự do của mình một tầm quan trọng cụ thể. Sự nổi dậy của anh là một cố gắng để sống trong sự thật.

Hóa đơn thanh toán đến không chậm trễ. Anh ta sẽ bị đưa khỏi vị trí quản lý cửa hàng và thuyên chuyển đến nhà kho. Lương sẽ hạ. Hi vọng về một kì nghỉ ở Bun-ga-ri bay hơi. Việc vào đại học của con cái bị đe dọa. Thượng cấp sẽ sỉ nhục anh và những người công nhân bạn bè sẽ nghi ngờ anh. Tuy nhiên, hầu hết những người sẽ áp dụng các đòn trừng phạt này làm thế không vì họ thực sự kết tội anh trong thâm tâm, mà vì các sức ép từ hoàn cảnh, cái hoàn cảnh đã từng gây sức ép với anh hàng rau quả khiến anh trưng các khẩu hiệu chính thức kia. Họ hành hạ anh hoặc là vì họ được kì vọng là phải làm thế, hoặc để chứng tỏ lòng trung thành, hoặc chỉ đơn giản là một phần của cái toàn cảnh chung, mà đi kèm với nó là nhận thức rằng: đây là cách xử trí với những tình huống kiểu này, tức là, trên thực tế, là cái mà cách mà người ta luôn làm, đặc biệt là nếu một người không muốn đi đến chỗ chính mình trở thành kẻ bị nghi ngờ. Những người thi hành bản án, do vậy, cũng ứng xử như mọi người khác, ở mức độ thấp hay cao: với tư cách là các thành tố của hệ thống hậu toàn trị, với tư cách là nhân viên của cỗ máy tự vận hành của nó, như là các công cụ đáng thương của hệ toàn trị-tự động xã hội.

Như vậy, cấu trúc quyền lực, qua đại diện là những người thực thi những đòn trừng phạt, những thành tố vô danh của hệ thống, sẽ khạc người bán rau quả ra khỏi mồm nó. Hệ thống, qua sự hiện hữu tha hóa của nó trong con người, sẽ trừng phạt anh ta vì sự nổi loạn. Nó phải làm thế vì logic của sự tự vận hành và tự bảo vệ của nó quy định như thế. Người bán rau đã không thực hiện việc công kích cá nhân, đơn lẻ và cô lập trong sự độc nhất của nó, mà là cái gì nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bằng việc phá vỡ các quy tắc của luật chơi, anh ta đã làm gián đoạn cuộc chơi. Anh ta đã lột trần rằng nó chỉ là một trò chơi. Anh ta đã đập tan thế giới hình thức, cái trụ cột căn bản của hệ thống. Anh ta lật đổ cấu trúc quyền lực bằng cách xé toạc cái đã cố kết các phần của nó với nhau. Anh ta đã chứng tỏ rằng sống trong sự dối trá chính là sống dối trá. Anh ta đã phá vỡ cái mặt tiền được thần thánh hóa của hệ thống và vạch trần cái nền móng thực của quyền lực. Anh ta đã nói rằng vị hoàng đế cởi truồng. Và bởi vì vị hoàng đế trên thực tế đang cởi truồng, một điều gì cực kì nguy hiểm đã xảy ra: bằng hành động của anh ta, người bán rau đã sửa đổi cả thế giới. Anh ta cho mọi người nhìn chăm chú vào đằng sau sân khấu. Anh ta đã cho tất cả mọi người thấy rằng có thể sống trong sự thật. Sống trong dối trá chỉ có thể tạo thành hệ thống nếu mọi người đều làm vậy. Nguyên lý của nó phải bao quát và xuyên thấu tất cả. Không có thỏa hiệp nào cho phép nó cùng tồn tại với sống trong sự thật, và do đó tất cả những ai bước qua vạch đều đã phủ định hệ thống về nguyên tắc và đe dọa nó trong tính toàn thể của nó.

Điều này dễ hiểu thôi: chừng nào mà hình thức còn chưa đụng đầu với hiện thực, chừng đó nó còn có vẻ không phải hình thức. Chừng nào mà sống dối trá còn chưa đối mặt với sống trung thực, góc nhìn cần thiết để vạch trần sự dối trá còn bị thiếu. Nhưng ngay khi mà cái thay thế xuất hiện, nó lập tức đe dọa chính sự tồn tại của thế giới hình thức và cuộc sống dối trá, nó cho biết chúng là gì, cả về bản chất và tính bao trùm của chúng. Và đồng thời, việc cái thay thế này chiếm bao nhiêu không gian không mảy may quan trọng: sức mạnh của nó không nằm ở các thuộc tính vật lý mà ở ánh sáng nó chiếu rọi vào những trụ cột này của hệ thống và vào nền móng bất ổn của nó. Sau cùng thì người bán rau quả là mối đe dọa với hệ thống không phải vì sức mạnh vật chất hay thực tế mà anh ta có, mà bởi vì hành động của anh vượt lên chính nó, bởi vì nó soi rọi xung quanh, và tất nhiên, là vì những hậu quả khôn lường của sự sáng rõ ấy. Trong hệ thống hậu toàn trị, do đó, sống trong sự thật vượt lên chiều kích hiện sinh thuần túy (trả cho con người bản chất cố hữu của nó), hay chiều trí tuệ (phản ánh thực tiễn như nó vốn có), hoặc chiều kích đạo đức (làm gương cho người khác). Nó còn có một chiều kích chính trị không thể chối cãi. Nếu trụ cột chính của hệ thống là sống giả dối thì không có gì đáng ngạc nhiên khi đe dọa cơ bản với nó là sống thật. Chính vì điều này mà nó phải bị đè nén mạnh mẽ hơn bất kì điều gì khác.

Trong hệ thống hậu toàn trị, sự thật theo nghĩa rộng nhất của từ này có tầm quan trọng đặc biệt, không hề được biết đến trong những hoàn cảnh khác. Trong hệ thống này, sự thật đóng vai trò lớn hơn nhiều (và khác hẳn thông thường) vì nó trở thành một yếu tố quyền lực, hoặc một lực lượng chính trị triệt để. Sức mạnh của sự thật vận hành như thế nào? Sự thật với vai trò là một yếu tố của quyền lực hoạt động ra sao? Làm thế nào để quyền lực của nó - với tư cách là quyền lực - được hiện thực hóa?


VIII.

Các cá nhân có thể bị biến thành xa lạ với chính mình chỉ khi có cái gì đó trong họ để mà trở nên xa lạ. Đối tượng của sự vi phạm ấy chính là cuộc sống chân thật của họ. Vì vậy, sống thật luôn được đan cài trực tiếp vào tấm thảm sống dối trá. Chính vì cái mục tiêu [sống] chân chính, cái [cuộc sống] thay thế đang bị đè nén này mà [mới tồn tại] sống giả dối với tư cách là một sự phản ứng bất chính. Chỉ trên cái nền sống thật ấy mà sống dối trá mới có ý nghĩa: nó tồn tại cái nền ấy. Nó bám rễ vào trật tự sống của con người, không gì khác hơn chỉ vì nó là sự phản ứng lại với cái mong muốn sống thật có sẵn trong mỗi con người. [Trong xã hội] dưới bề mặt có vẻ trật tự của cuộc sống giả dối, do đó, luôn ẩn giấu một không gian cho đời sống thật, một cách giấu giếm, nó cởi mở và sẵn sàng đón nhận sự thật.

Quyền lực chính trị phi thường, mãnh liệt và khôn lường của sống thật khởi nguồn từ chân lý rằng sống công khai trong sự thật sẽ có một đồng minh, đương nhiên là vô hình nhưng mạnh mẽ vô song, đó chính là cái không gian bị che giấu. Chính là từ không gian này mà sống thật có thể phát triển; chính không gian này là cái lắng nghe sự lên tiếng của sống thật, và chính trong đó, nó tìm thấy sự cảm thông. Đây chính là nơi mà tiềm năng cho trao đổi còn tồn tại. Nhưng nơi này lại bị che giấu, và vì thế, từ quan điểm của quyền lực, là rất nguy hiểm. Sự sôi sục phức tạp diễn ra trong những miền mờ tối, mà với thời gian, khi nó lộ ra dưới ánh mặt trời như là một chuỗi bất ngờ chấn động toàn hệ thống thì thường là đã quá muộn để che đậy chúng bằng các lề thói thường ngày. Do đó, nó làm cho chế độ bị lúng túng, hoảng hoạn và đẩy mình tới chỗ có những phản ứng ngu xuẩn.

Có vẻ như mảnh đất nuôi dưỡng cái có thể được hiểu là đối lập, theo nghĩa rộng nhất của từ này, trong hệ thống hậu toàn trị là sống trong sự thật. Tất nhiên, sự đối đầu giữa những lực lượng đối kháng này và quyền lực thống trị, rõ ràng phải có hình thức rất khác với sự đối đầu trong các xã hội mở hoặc trong các nền độc tài cổ điển. Thoạt đầu, sự đối đầu này không diễn ra trên bình diện quyền lực thực, đo đếm được và đã được thể chế hóa (quyền lực dựa trên những công cụ truyền thống), mà ở trên bình diện khác hẳn: bình diện của nhận thức và lý trí con người, của hiện sinh. Phạm vi hiệu lực của quyền lực đặc biệt này không thể đo lường được theo tiêu chuẩn số lượng tông đồ, cử tri hay quân lính, bởi vì nó nằm trải ra trong đội quân tình báo của nhận thức xã hội, trong các mục đích ngầm của cuộc sống, trong khao khát bị đè nén của nhân loại về nhân phẩm và các quyền cơ bản, về hiện thực hóa những lợi ích xã hội và chính trị của họ. Sức mạnh của nó, do đó, không dựa trên sức mạnh của các nhóm chính trị và xã hội theo định nghĩa, mà chủ yếu là sức mạnh của tiềm năng, cái ẩn giấu trong toàn xã hội, kể cả trong cấu trúc quyền lực chính thức của xã hội ấy. Cho nên, sức mạnh ấy không dựa vào những người lính của mình, mà dựa vào những người lính của kẻ thù, bởi vì nó ở trong tất cả mỗi con người đang sống trong giả dối, những người có thể bị hạ gục vào bất kì khoảnh khắc nào (ít nhất là trên lý thuyết) bởi sức mạnh của sự thật (hoặc những người, từ ham muốn bảo vệ địa vị mang tính bản năng mà có thể ngả theo sức mạnh ấy). Có thể nói, đó là thứ vũ khí vi trùng, được sử dụng khi các điều kiện đã chín muồi cho một dân thường loại khỏi vòng chiến cả một sư đoàn. Sức mạnh này không tham gia bất kì một cuộc đấu tranh trực tiếp giành quyền lực nào; thay vào đó, nó gây ảnh hưởng đơn giản chỉ bởi vì nó là chính nó. Tuy thế, chuyển động ngầm mà nó gây nên có thể hiện thân thành cái gì đó hiện hữu: một sự kiện hay hành động chính trị thực, một phong trào xã hội, sự bộc phát những bất ổn xã hội, các xung đột gay gắt trong trong lòng cấu trúc quyền lực tưởng chừng thống nhất một khối, hoặc chỉ đơn giản là sự biến đổi không cưỡng được trong bầu không khí xã hội và trí thức (khi nào, ở đâu, dưới những điều kiện nào, và ở quy mô nào thì thật khó dự đoán). Và vì tất cả những vấn đề và trục trặc thực sự thì đều bị che giấu bên dưới lớp vỏ cứng dày của sự dối trá, không bao giờ rõ ràng khi nào thì cọng rơm rơi xuống, như tục ngữ nói, hay cọng rơm ấy là gì. Điều này cũng là lí do tại sao chính quyền kết án, hầu như một phản xạ không điều kiện có tính ngăn chặn, những cố gắng dù khiêm tốn nhất nhằm sống trong sự thật.

Tại sao Solzhenitsyn [3] bị tống ra nước ngoài? Chắc chắn không phải vì ông đại diện cho một đơn vị quyền lực thực sự, tức là, không phải vì một đại diện nào đó của chính quyền cảm thấy ông có thể lật ghế họ và thay vị trí của họ trong chính quyền. Trục xuất Solzhenitsyn là một điều gì khác: một cố gắng tuyệt vọng để nút cái suối nguồn sự thật rất đáng sợ ấy, cái sự thật có thể gây ra những biến đổi không tính hết được trong nhận thức xã hội, cái mà đến lượt nó lại có thể, một ngày kia, gây ra tiêu vong chính trị với những hậu quả khôn lường. Và vì thế, chính quyền hậu toàn trị ứng xử theo cách điển hình: nó bảo vệ sự toàn vẹn của thế giới hình thức nhằm bảo vệ chính nó. Bởi vì cái lớp vỏ cứng tạo bởi đời sống dối trá được làm từ một thứ nguyên liệu kì quái. Chừng nào nó còn bịt kín mít toàn xã hội, chừng đó nó còn có vẻ như làm bằng đá. Nhưng vào thời điểm ai đó xuyên thủng nó ở một điểm, vào lúc ai đó kêu lên "Hoàng đế cởi truồng kìa" - khi một người phá vỡ luật chơi, và vì thế mà vạch rõ nó chỉ là một trò chơi - thì tất cả đột nhiên lộ ra dưới một ánh sáng khác và toàn khối thạch bì từ đây dường như được làm từ giấy mỏng, và sự tan rã là không thể kiểm soát nổi nữa.

Khi tôi nói về việc sống trong sự thật, tất nhiên tôi không có ý nghĩ chỉ có những sản phẩm của tư duy khái niệm, như một sự phản đối hay một kháng thư của một nhóm trí thức. Nó có thể là bất kì phương tiện nào mà nhờ đó cá nhân hay một nhóm nổi dậy chống lại sự giật dây: bất kì cái gì, từ một bức thư của một nhóm trí thức, đến bãi công của công nhân, từ một đêm nhạc rock đến biểu tình của sinh viên, từ việc từ chối bỏ phiếu trong những màn bầu cử lố bịch hay đọc diễn văn ở một đại hội chính thức nào đó, đến thậm chí là một cuộc tuyệt thực. Nếu đàn áp các mục tiêu của cuộc sống là một quá trình phức tạp, và nếu sự đàn áp này dựa trên việc phải đồng loạt giật dây mọi phương diện thể hiện của cuộc sống, thì cũng chính vì thế mà bất cứ sự thể hiện tự do nào cũng đều gián tiếp đe họa hệ thống hậu toàn trị về mặt chính trị, bao gồm cả những hình thức thể hiện mà nếu ở trong các hệ thống xã hội khác thì không ai có thể nghĩ rằng nó có một ý nghĩa chính trị tiềm tàng nào đấy, chứ đừng nói gì đến chuyện nó có năng lượng có thể bùng nổ.

Mùa xuân Praha thường được hiểu như là sự đụng độ giữa hai nhóm trên bình diện sức mạnh thực chất: những người muốn duy trì hệ thống như nó vốn có, và những người muốn cải cách nó. Nhưng người ta thường xuyên quên rằng, sự đối đầu này chỉ là hành động sau chót và là kết quả tất yếu của của một vở kịch dài đầu tiên được công diễn chủ yếu trong các nhà hát của tinh thần và trong nhận thức của xã hội. Và rằng ở nơi nào đó vào lúc bắt đầu tấn kịch, có những cá nhân sẵn sàng sống trong sự thật, thậm chí kể cả khi mọi thứ ở vào lúc tồi tệ nhất. Những người này không có kênh tiếp cận nào với quyền lực thực, mà cũng không khơi dậy nó. Những lãnh địa mà họ đang sống thật thậm chí không nhất thiết là lãnh địa của tư tưởng chính trị. Họ có thể là nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ, hoặc đơn giản chỉ là những công dân bình thường, những người có khả năng duy trì giá trị nhân văn của họ. Ngày nay, tất nhiên là khó để truy nguyên khi nào và qua những đường hầm rộng mở và lộng gió nào mà một hành động hay thái độ nào đó đã bắt đầu gây ảnh hưởng lên hệ thống này, mà cũng khó lần theo những siêu vi trùng của chân lý, bởi vì nó từ từ lan ra trong những mô tế bào của đời sống giả dối, dần dần khiến nó phải tan rữa. Tuy nhiên, có một điều có vẻ rõ ràng: cố gắng cải cách chính trị không phải là nguyên nhân làm bừng tỉnh xã hội, mà là kết quả cuối cùng của sự bừng tỉnh ấy.

Tôi cho rằng có thể hiểu hiện tại rõ hơn dưới ánh sáng của kinh nghiệm này. Sự đối đầu giữa 1000 nhà Hiến chương [4] với hệ thống toàn trị dường như [là sự đối đầu] vô vọng về chính trị. Điều này đúng, đương nhiên, nếu chúng ta nhìn nó qua những lăng kính cổ điển của hệ thống chính trị mở, trong đó, khá tự nhiên là mọi lực lượng chính trị phải được đo bằng những vị trí của nó trong thang đo quyền lực thực tế. Với góc nhìn ấy, một tiểu-đảng như Hiến chương hoàn toàn không có cơ hội nào. Nhưng, nếu sự đối đầu ấy được quan sát trên cái nền những điều mà ta đã biết về quyền lực trong hệ thống hậu toàn trị, sự kiện này sẽ được soi rọi dưới ánh sáng hoàn toàn khác. Trong thời gian hiện tại, chưa thể nói đích xác ảnh hưởng của sự xuất hiện Hiến chương 77, sự tồn tại của nó, và những gì nó đã làm trong không gian ngầm, và liệu những cố gắng của Hiến chương nhằm nhóm lên sự tự ý thức và và niềm tin dân sự nên được xem xét ở đây như thế nào. Liệu sự đầu tư này, rốt cuộc, có tạo ra tiền lãi cổ phần theo nghĩa những thay đổi chính trị cụ thể hay không, vào lúc nào và theo cách nào, lại càng khó dự đoán hơn nữa. Nhưng điều đó, tất nhiên, là sống trong sự thật. Là một giải pháp hiện sinh, nó đưa con người trở lại với nền tảng vững chắc của bản chất của họ; về chính trị, nó ném họ vào một canh bạc được ăn cả, ngã về không. Chính vì lí do này, nó chỉ được chọn bởi những người sẵn sàng chịu mạo hiểm, hay bởi những người đã đi tới kết luận là không còn cách nào khác để thực thi nền chính trị thực chất ở Tiệp khắc ngày nay. Điều này, tuy thế, cũng chỉ là một: chỉ những ai không chịu hi sinh bản chất người của mình vì chính trị, hay những ai không tin vào một nền chính trị đòi hỏi sự hi sinh như thế, mới có thể đi tới kết luận này.

Hệ thống hậu toàn trị càng ngược đãi bất kì một đối thủ nào trên bình diện quyền lực thực tế bao nhiêu, càng đàn áp bất kì hình thức chính trị nào độc lập với các luật vận hành tự động của nó bao nhiêu, thì sức nặng của các mối đe dọa chính trị tiềm tàng sẽ càng chuyển tới khu vực hiện sinh và tiền chính trị bấy nhiêu: thường là không cần tới cố gắng có ý thức nào, sống trong sự thật trở thành điểm xuất phát tự nhiên của mọi hoạt động chống lại sự tự vận hành của hệ thống. Và thậm chí nếu những hoạt động như vậy cuối cùng vượt lên trên lãnh địa của việc sống trong sự thật (có nghĩa là chúng đã chuyển thành vô số các phong trào, tổ chức, thể chế song song, nếu chúng bắt đầu được coi là hoạt động chính trị, mang đến sức ép thực tiễn lên cấu trúc chính thức, và trên thực tế đã bắt đầu có ảnh hưởng ở tầng mức quyền lực thực, thì chúng vẫn luôn mang trong mình những dấu vết đặc thù về cội nguồn của chúng. Do đó, đối với tôi, có vẻ như là ngay cả cái gọi là phong trào bất đồng chính kiến cũng không thể được hiểu đúng nếu không ngừng lưu ý về cái nền đặc biệt mà từ đó nó xuất hiện.


IX.

Sự khủng hoảng nghiêm trọng của con người xuất hiện do sống trong dối trá, một cuộc khủng hoảng mà đến lượt nó lại làm cho một cuộc sống như vậy trở nên khả thi, chắc chắn phải mang một chiều kích đạo đức nữa: nó bộc lộ, bên cạnh những đặc điểm khác, như là một cuộc khủng hoảng đạo đức sâu sắc trong xã hội. Một người đã từng bị hấp dẫn bởi hệ thống giá trị tiêu thụ, người mà bản sắc đã bị hòa tan trong những trang phục hỗn tạp của nền văn minh đại chúng, người không có gốc rễ trong trật tự của tồn tại, không có cảm nhận trách nhiệm về bất kì cái gì ngoài sự sinh tồn của bản thân, là một người bị vô đạo đức hóa. Hệ thống dựa vào sự vô đạo đức hóa này, khoét sâu nó, và trên thực tế hệ thống ấy chính là sự phóng chiếu sự vô đạo đức lên xã hội.

Ngược lại, sống trong sự thật, như là sự nổi dậy của con người chống lại sự sắp đặt cưỡng bức, là một cố gắng giành lại quyền kiểm soát cảm nhận của cá nhân về trách nhiệm. Nói cách khác, nó hiển nhiên là một hành vi đạo đức, không chỉ vì người ta phải trả giá đắt cho nó, mà cơ bản là vì nó vô tư lợi: rủi ro có thể được đền đáp dưới hình thức chữa lành bệnh cho hiện trạng, mà cũng có thể không. Về mặt này, như tôi đã trình bày trước đây, nó là một canh bạc được tất hoặc mất tất, và thật khó mà tưởng tượng được một con người duy lý lại bước lên con đường chông gai ấy chỉ vì anh ta tin rằng hi sinh hôm nay sẽ đem lại lợi ích ngày mai - dưới hình thức sự cảm kích của công chúng. (Nhân tiện, những người đại diện cho quyền lực luôn vu khống những người sống trong sự thật bằng cách không ngừng quy kết những động cơ vị lợi cho họ - sự thèm muốn quyền lực, danh vọng, hay tiền tài - và do đó chúng đã thử, ít nhất là tìm cách dính líu những người sống trong sự thật này vào thế giới của chúng, thế giới của sự phi đạo đức tổng thể).

Nếu cuộc sống chân thật trong hệ thống hậu toàn trị trở thành mảnh đất chính nuôi dưỡng các ý tưởng chính trị độc lập thay thế (alternative), thì mọi xem xét về bản chất và viễn cảnh tương lai của những ý tưởng này nhất thiết phải phản ánh chiều kích đạo đức này như là một hiện tượng chính trị. (Và nếu niềm tin Mác-xít rằng đạo đức là một sản phẩm của thượng tầng kiến trúc đã ngăn cản ai đó trong số bạn bè của chúng ta nhận thức ra ý nghĩa đầy đủ của chiều kích này, và bằng cách này hay cách khác đã gộp nó [đạo đức theo quan điểm của Mác-xít] vào trong thế giới quan của họ, thì người thiệt hại chính là bản thân họ: lòng trung thành khắc khoải với các nguyên lý của thế giới quan này không cho họ hiểu biết đầy đủ những cơ chế ảnh hưởng chính trị của họ, vì thế, nghịch lý thay, nó khiến họ, với tư cách là những người Mác-xít, lại trở nên chính xác là cái mà họ vốn luôn nghi kỵ ở những người khác, đó là trở thành các nạn nhân của “nhận thức sai lầm”) Tầm quan trọng chính trị đặc biệt của đạo đức trong hệ thống hậu toàn trị là hiện tượng mà ít nhất là rất hiếm có trong lịch sử chính trị hiện đại, một hiện tượng rất có thể có những hậu quả sâu xa - như tôi sẽ sớm cố gắng chỉ ra.


X.

Không thể phủ nhận rằng, sự kiện chính trị quan trọng nhất ở Tiệp khắc sau sự kiện Husák lên cầm quyền năm 1969 là sự xuất hiện của Hiến chương 77. Bầu không khí trí thức và tinh thần bao quanh sự xuất hiện của nó, tuy nhiên, không phải là sản phẩm của bất kì sự kiện chính trị trực tiếp nào. Bầu không khí ấy được tạo ra bởi phiên tòa xét xử một số nhạc sĩ trẻ có quan hệ với một nhóm nhạc rock gọi là "Những người nhựa của vũ trụ". Phiên tòa của họ không phải là sự đối đầu của hai lực lượng hay quan niệm chính trị khác nhau, mà là hai quan niệm cuộc sống khác nhau. Một bên là giáo lý khổ hạnh khô cằn của thành tựu hậu toàn trị, và bên kia là một nhóm người không tên tuổi, không muốn gì hơn là sống trong sự thật, chơi nhạc mà họ thích, hát các bài hát thích hợp với cuộc sống của họ, và sống tự do trong danh dự và tình bạn. Những người này không hề có quá khứ hoạt động chính trị. Họ không phải là những thành viên rất tích cực với các tham vọng chính trị, hay là các cựu chính trị gia bị gạt khỏi cấu trúc quyền lực. Họ đã được cung cấp mọi cơ hội để thích nghi với nguyên trạng, sống trong dối trá, hưởng thụ cuộc đời không bị chính quyền quấy nhiễu. Tuy thế, họ vẫn quyết định đi con đường khác. Cho dù thế, hay đúng hơn, chính vì thế, mà trường hợp của họ có một tác động vô cùng đặc biệt tới những người còn chưa tắt hi vọng. Hơn nữa, khi phiên tòa diễn ra, một cảm xúc mới đã cuộn lên bề mặt sau những năm chờ đợi, vô cảm và nghi ngờ mọi hình thức phản kháng. Con người đã "mệt mỏi vì mệt mỏi", họ chán ghét trì trệ, bất động, chỉ trụ hờ vào một niềm tin rằng rồi mọi thứ cuối cùng sẽ phải khá lên. Theo nhiều lẽ, phiên tòa là giọt nước làm tràn bát nước. Nhiều nhóm thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, mà cho đến lúc đó vẫn biệt lập với nhau, vẫn ngại hợp tác, hay những nhóm đã bị ràng buộc vào các hình thức hành động khiến hợp tác trở nên khó khăn, bỗng nhiên bị giáng mạnh bởi một thực tế mạnh mẽ là tự do là không thể phân chia. Tất cả mọi người đều chợt nhận ra rằng tấn công vào tầng hầm âm nhạc Séc (Czech) là tấn công vào cái cơ bản và quan trọng nhất, cái trên thực tế đã kết nối mọi người với nhau: nó là sự tấn công vào chính khái niệm "sống trong sự thật", vào mục đích đích thực của cuộc sống. Tự do chơi nhạc rock đã được hiểu như là quyền tự do của con người, và do đó cũng giống như là quyền tự do tham gia vào nhận thức chính trị và triết học, tự do viết lách, tự do biểu đạt và bảo bệ các lợi ích chính trị và xã hội khác khau trong xã hội. Con người đã được khơi gợi để cảm thấy ý nghĩa thực sự của việc đoàn kết với những nhạc sĩ trẻ, và họ hiểu ra rằng, không đứng dậy cho tự do của người khác, không kể các phương tiện sáng tạo của họ hay thái độ sống của họ cách xa mình đến đâu, đều là từ bỏ quyền tự do của chính mình. (Không có tự do nếu không có bình đẳng trước pháp luật, và không có bình đẳng trước pháp luật nếu không có tự do; Hiến chương 77 đã cho khái niệm cổ này một chiều mới và điển hình, cái có ý nghĩa vĩ đại với lịch sử Czech hiện đại. Cái mà Slábecek, tác giả cuốn Sáu mươi tám, trong một phân tích thiên tài đã gọi là "nguyên tắc loại bỏ", cái luôn nằm dưới gốc rễ của mọi khốn khổ về chính trị và đạo đức ngày nay. Nguyên tắc này ra đời vào cuối Thế chiến II trong một xung đột lạ lùng giữa những người cộng sản và những người dân chủ, và đã được phát triển xa hơn nữa sau đó, thẳng tới "cái đích cay đắng". Lần đầu tiên trong bao thập kỉ, nguyên tắc này đã bị vượt qua, bởi Hiến chương 77: tất cả những người đoàn kết dưới Hiến chương 77 đều, lần đầu tiên, trở thành những đối tác ngang hàng. Hiến chương 77 không chỉ đơn thuần là một liên minh của những người cộng sản và không cộng sản - điều đó thì không có gì lạ về mặt lịch sử và, từ giác độ đạo đức và chính trị thì không có gì là cách mạng - mà là một cộng đồng mà a priori là mở cho tất cả mọi người, và không ai trong đó bị đặt vào vị trí thấp kém một cách tiên nghiệm). Đó chính là không khí mà trong đó Hiến chương 77 đã ra đời. Ai có thể tiên đoán được rằng việc buộc tội một hai nhóm rock lại có những hậu quả sâu xa như thế?

Tôi nghĩ rằng những nguồn gốc của Hiến chương 77 minh họa rất rõ cái tôi đã đề xuất ở trên: trong hệ thống hậu toàn trị, cái nền thực sự cho các phong trào đang dần dần giành được ý nghĩa chính trị thường không bao gồm những sự kiện chính trị nổi bật như các cuộc đối đầu giữa các lực lượng hay quan điểm chính trị công khai. Các phong trào này chủ yếu bắt nguồn từ đâu đó khác, từ lãnh địa rộng hơn rất nhiều của "tiền chính trị", nơi mà "sống trong giả dối" đối đầu với “sống trong sự thật", tức là, nơi mà các đòi hỏi của hệ thống hậu toàn trị mâu thuẫn với mục đích chân chính của cuộc sống. Một cách tự nhiên, những mục đích thực sự này có khả năng mang những hình thức vô cùng đa dạng. Đôi lúc nó xuất hiện dưới dạng các quan tâm vật chất và xã hội cơ bản của một nhóm hay một cá nhân; những lúc khác, chúng có thể xuất hiện dưới dạng các quan tâm trí tuệ hay tinh thần; vào những lúc khác nữa, chúng có thể là những đòi hỏi hiện sinh cơ bản nhất, thí dụ như thôi thúc tự nhiên của con người được sống cuộc đời trong danh dự. Vì vậy, xung đột này khoác lên mình cái vẻ chính trị không phải vì bản chất chính trị sơ đẳng của các mục tiêu đòi hỏi được lắng nghe, mà đơn giản là: với một hệ thống giật dây phức tạp mà trên đó chế độ hậu toàn trị được xây xựng lên và chịu lệ thuộc vào, thì mọi hành vi hay biểu hiện tự do của con người, mọi cố gắng sống trong sự thật không cách nào khác hơn là mang dáng vẻ đe dọa đối với hệ thống, và, vì thế,trở thành những thứ đặc biệt chính trị. Mọi biểu đạt chính trị cuối cùng của các phong trào xuất thân từ nền móng "tiền chính trị" này đều chỉ là thứ yếu. Nó phát triển và chín muồi với tư cách là kết quả của chuỗi đối đầu tiếp theo với hệ thống, chứ không phải vì nó khởi đầu đã là một chương trình, dự án hay áp lực chính trị.

Một lần nữa, những sự kiện năm 1968 khẳng định điều này. Những nhà chính trị cộng sản muốn cải tổ hệ thống đã xây dựng nên chương trình cải tổ của mình không phải vì đột nhiên họ giác ngộ một cách thần bí, mà bởi vì họ bị ép buộc phải làm như vậy do những sức ép liên tục và ngày càng tăng từ nhiều lĩnh vực của đời sống không hề liên hệ gì với chính trị theo nghĩa truyền thống của từ này. Trên thực tế, họ đã cố gắng sử dụng các biện pháp chính trị để giải quyết các xung đột xã hội (mà trên thực tế là đối đầu giữa những mục tiêu của hệ thống và những mục tiêu của cuộc sống) đang hàng ngày diễn ra hầu như tại mọi tầng mức xã hội, và đã nghiền ngẫm về nó trong nhiều năm với những suy tư ngày càng cởi mở. Được hậu thuẫn bởi sự cộng hưởng sống động trên toàn xã hội, các học giả và nghệ sĩ đã nhìn nhận vấn đề theo vô vàn cách và sinh viên thì đòi hỏi câu trả lời.

Sự ra đời của Hiến chương 77 cũng minh họa tầm quan trọng chính trị đặc biệt của khía cạnh đạo đức của những điều mà tôi vừa đề cập. Thật khó tưởng tượng ra Hiến chương 77 nếu thiếu cảm nhận về sự đoàn kết giữa các nhóm rất khác nhau, và mọi người không đột nhiên nhận ra rằng không thể tiếp tục chờ đợi nữa, và rằng sự thật phải được nói lớn lên và nói đồng loạt, bất kể cái chắc chắn hiển hiện về những đòn trừng phạt và những hậu quả sờ mó được trong tương lai gần kề. "Có cái gì đó đáng để hi sinh", Jan Patocka đã viết trước khi chết [5] . Tôi nghĩ rằng những nhà Hiến chương hiểu điều này không chỉ là di sản của Patocka, mà còn là lời giải thích tốt nhất tại sao họ lại làm những việc họ đã làm.

Nếu quan sát từ bên ngoài, và chủ yếu góc nhìn của hệ thống và cấu trúc quyền lực của nó, Hiến chương 77 đến bất ngờ, như là sét giữa trời quang. Tất nhiên, nó không phải là sét giữa trời quang, nhưng ấn tượng ấy cũng thông cảm được, bởi vì sự sục sôi dẫn tới Hiến chương đã diễn ra trong "không gian bí mật", trong vùng mờ tối nơi mà sự vật thật khó được vẽ lại hay phân tích. Những cơ hội để dự đoán sự xuất hiện của Hiến chương 77 cũng mỏng manh như cơ hội vào lúc này để đoán nó sẽ dẫn tới đâu. Một lần nữa, nó quả là chấn động, rất điển hình cho những thời khắc khi mà một điều gì từ không gian bí mật đột nhiên bùng lên xuyên thấu bề mặt bất động của "cuộc sống trong dối trá". Càng bị mắc bẫy trong thế giới của những vỏ hình thức, thì càng ngạc nhiên khi một cái gì như thế xảy ra.


Bản tiếng Việt © 2006 Duy Tân Trẻ (duytantre@walla.com)
© 2006 talawas



[1]Phản Hiến chương: ý nói bản tuyên bố do nhà cầm quyền Tiệp Khắc dựng lên nhằm bác bỏ Hiến chương 77. (Hiến chương 77 là một tuyên ngôn công bố vào tháng 1 năm 1977, lên án nhà nước Tiệp Khắc vi phạm các quyền tự do của con người, do 243 trí thức và công dân Tiệp Khắc kí tên. Theo nghĩa rộng, đây là một phong trào dân sự phi cộng sản đã góp phần quan trọng đưa đến sự sụp đổ của nhà nước toàn trị ở Tiệp Khắc).
[2]Faust: nhân vật thần thoại trong văn học nghệ thuật châu Âu, người bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy tuổi trẻ, tri thức và sức mạnh. Lần đầu tiên chính thức xuất hiện là trong vở kịch của Christopher Marlowe ở những năm 1590, sau đó trong một vở kinh điển của Johann Wolfgang von Goethe ở thế kỷ 19.
Mephistopheles, Quỷ vương, chính là nhân vật tiến hành mua bán với Faust. Cái tên này được dùng thay cho Satan hay Quỷ sứ, nhưng không có từ ban đầu trong Kinh thánh mà chỉ được hư cấu kể từ thời Phục hưng. Từ thế kỷ thứ 17, nhiều huyền thoại Thiên chúa giáo bắt đầu nói đến Mephistopheles cùng với Lucifer - Ma vương/ Diêm vương - như những thiên thần nổi loạn chống lại Thượng đế vào lúc khởi thủy, bị đuổi khỏi Thiên đàng (talawas).
[3]Alexander I. Solzhenitsyn: nhà văn bất đồng chính kiến Liên Xô, các tiểu thuyết của ông tố cáo sự tàn bạo trong các trại lao động Xô viết (talawas).
[4]Hiến chương 77: một sáng kiến công dân không chính thức ở Tiệp Khắc những năm 1977-1992, đóng vai trò quan trọng trong khoảng thời gian cuối những năm 1980, khi chủ nghĩa cộng sản đi đến sụp đổ tại nước này. Trong số các thành viên sáng lập hàng đầu của Hiến chương 77 có Václav Havel. Lần đầu tiên Hiến chương xuất hiện như một cương lĩnh vào tháng Giêng năm 1977, trên một tờ báo ở Tây Đức, với chữ ký của 243 công dân Czechoslovakia thuộc những ngành nghề, chính kiến và tôn giáo khác nhau. Đến giữa những năm 1980, số chữ ký lên đến 1200. Hiến chương phê phán nhà nước Tiệp Khắc thất bại trong việc thực thi các điều khoản về nhân quyền như đã được ghi trong các văn kiện mà nhà nước này đã ký kết, trong đó có cả chính Hiến pháp Tiệp Khắc, Hiệp ước An ninh và Hợp tác châu Âu, các điều khoản của Liên hợp quốc về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa… Nó mô tả những người tham gia ký Hiến chương như một liên hiệp không cố kết, không chính thức và để mở, thống nhất với nhau do cùng chung ý chí phấn đấu, về mặt cá nhân và tập thể, cho sự tôn trọng nhân quyền và dân quyền trên đất nước Tiệp Khắc và khắp thế giới. Nó cũng nhấn mạnh đây không phải là một tổ chức, một quy chế hay một cơ chế vĩnh viễn, và không phải là hình thức làm cơ sở cho hành động đối lập chính trị. Phản ứng của nhà nước Tiệp là bôi nhọ và đàn áp. Họ dùng truyền thông chính quyền, kể cả trong truyền thông đối ngoại, để mô tả Hiến chương là “chống nhà nước”, “chống chủ nghĩa xã hội”, là “mị dân” và “phần xỉ nhục của viết lách”. Họ gọi những người ký vào Hiến chương là “những kẻ phản bội và nổi loạn”, là “đầy tớ trung thành và gián điệp của chủ nghĩa đế quốc”, những kẻ “phá sản về chính trị” và “phiêu lưu quốc tế”… Tháng Mười năm 1979, sáu nhà lãnh đạo của nhóm, trong đó có Václav Havel bị đưa ra xử vì tội lật đổ và bị kết án với những mức tù đến năm năm (talawas).
[5]Jan Patocka là một triết gia có ảnh hưởng lớn và là môn đồ của Edmund Husserl. Ông cũng là một trong những phát ngôn viên đã sáng lập ra Hiến chương 77. Ông bị cảnh sát quấy rối nghiêm trọng, bị gọi thẩm vấn triền miên, và theo đúng nghĩa, đã bị cảnh sát săn lùng cho đến tận giường bệnh viện nơi ông trút hơi thở cuối cùng. Trích đoạn trên được lấy từ diễn văn cuối cùng của ông, được dịch ra tiếng Anh là “Political testament” (Di chúc chính trị), Telos, 31 (mùa xuân 1977), trang 151-2. (Chú thích của biên dịch)

Nguồn: Václav Havel et al., The Power of the Powerless: Citizens against the State in Central Eastern Europe, trans. Paul Wilson, M.E. Sharpe, Inc. Armonk, New York, pp 23-96.