© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
26.1.2006
Václav Havel
Quyền lực của Không Quyền lực
5 kì
Khải Minh dịch và giới thiệu
Lâm Yến hiệu đính
 1   2   3   4   5 
 
XI.

Trong các xã hội dưới hệ thống hậu toàn trị, mọi đời sống chính trị theo nghĩa truyền thống đều đã bị xoá sổ. Con người không có chút cơ hội nào biểu đạt quan điểm chính trị của mình nơi công cộng chứ đừng nói đến hình thành tổ chức chính trị. Khoảng trống được tạo ra bị lấp đầy bởi giáo điều ý thức hệ. Trong hoàn cảnh như vậy, quan tâm của con người về các vấn đề chính trị tự nhiên teo lại và tư tưởng chính trị độc lập, nếu có chăng nữa, cũng bị số đông coi là không hiện thực, viển vông, một trò lạc thú, xa cách thảm hại với quan tâm hàng ngày của họ; một cái gì đó đáng tôn trọng, có thể, nhưng khá vô bổ, bởi vì một mặt hoàn toàn không tưởng, mặt khác lại quá nguy hiểm, [nó tồn tạị] trong quan điểm của những người nhiệt tình thái quá, và mọi hành động theo hướng này đều bị chế độ trừng phạt.

Dù vậy, thậm chí trong những xã hội như thế, vẫn tồn tại các cá nhân và nhóm, không từ bỏ chính trị với tư cách là nghiệp của họ, và những người, bằng cách này hay cách khác, vẫn cố gắng suy nghĩ độc lập, thể hiện [lập trường của] mình, và trong một số trường hợp thậm chí còn hình thành tổ chức chính trị, bởi vì đó là một phần trong nỗ lực sống trong sự thật của họ.
Chính tự thân việc những người này tồn tại và lao động đã vô cùng quan trọng và có giá trị. Thậm chí trong những thời điểm đen tối nhất, họ vẫn duy trì sự liên tục của tư tưởng chính trị. Nếu có một cuộc bùng phát chính trị thực sự nào đó xuất hiện từ những đụng chạm "tiền chính trị" này hay khác, và được làm rõ đủ sớm (vì thế làm tăng cơ hội thành công một cách tương đối), thì nó thường xuyên là do công lao của những "vị tướng không quân đội" đơn độc này. Bởi vì họ đã duy trì sự liên tục về tư tưởng chính trị trong những lúc khó khăn nhất, có thể ngay lập tức làm giàu [tính lý luận và kinh nghiệm] cho các cuộc bùng phát này này với những thành quả của tư tưởng chính trị của họ. Một lần nữa, lại có những ví dụ phong phú cho tiến trình này ở Tiệp khắc. Không thể khác hơn, hầu hết những người từng là tù chính trị trong đầu những năm 70 (những người tưởng như bị hành hạ vô ích vì những hoạt động chính trị Đông-ki-sốt của họ bên cạnh một xã hội đã hoàn toàn vô cảm và mất đạo đức) chính là những nhà Hiến chương năng nổ nhất. Trong Hiến chương 77, di sản đạo đức của những hi sinh trước đây của họ được đánh giá cao, và họ đã làm giàu cho phong trào với kinh nghiệm và tư tưởng chính trị của mình.

Dù vậy, tôi có cảm giác là tư tưởng và hoạt động của những người bạn này của chúng ta (những người không bao giờ từ bỏ sự nghiệp chính trị trực tiếp, và luôn sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chính trị trực tiếp) rất hay mắc phải một sai lầm kinh niên: sự hiểu biết không đầy đủ về đặc thù lịch sử của hệ thống hậu toàn trị như là một thực tế chính trị và xã hội. Họ có ít hiểu biết về bản chất đặc thù của quyền lực, là cái tiêu biểu cho hệ thống này, và vì thế họ đánh giá quá cao tầm quan trọng của các công việc chính trị trực tiếp theo nghĩa truyền thống. Hơn nữa, họ không đánh giá được tầm quan trọng chính trị của các sự kiện và quá trình "tiền chính trị" đã cung cấp đất mùn mà từ đó các thay đổi chính trị thực sự sẽ bắt rễ. Với tư cách là những nhà hoạt động chính trị - hay, như những người có tham vọng chính trị - họ thường xuyên cố gắng bắt đầu ở điểm đời sống chính trị tự nhiên dừng lại. Họ duy trì các mô hình hành vi có thể đã từng phù hợp trong những môi trường chính trị bình thường hơn, và do đó, vô tình đã đem những lối suy nghĩ lạc hậu, thói quen, khái niệm, phân loại và quan niệm cũ áp đặt vào những môi trường khá mới và rất khác, mà không cân nhắc đủ mức về ý nghĩa và bản chất của những thứ như thế trong môi trường mới, về cái kiểu chính trị như thế giờ đây có nghĩa gì, về kiểu sự kiện nào sẽ có ảnh hưởng và tiềm năng chính trị, và [nếu có thì] theo cách nào. Vì những người như thế đã bị loại ra khỏi các cấu trúc của quyền lực và không còn khả năng ảnh hưởng cấu trúc ấy một cách trực tiếp (và vì họ vẫn trung thành với các quan niệm truyền thống về chính trị, được xác lập ở những xã hội ít nhiều dân chủ hay trong các nền độc tài truyền thống), họ thường xuyên, theo một nghĩa nào đó, mất liên hệ với hiện thực. Tại sao phải nhượng bộ với thực tiễn, họ nói, nếu đằng nào thì cũng chẳng có đề xuất nào của chúng tôi được chấp nhận? Do dó, họ thấy mình ở trong một thế giới của tư duy hoàn toàn không tưởng.

Tuy nhiên, như tôi đã cố gắng chỉ ra, những sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng thực sự rộng rãi trong hệ thống hậu toàn trị không nổi lên từ những nguồn gốc và theo những cách giống như ở nền dân chủ. Và nếu như một phần lớn dân chúng thờ ơ, thậm chí nghi ngờ các mô hình và chương trình chính trị thay thế, [thậm chí] họ nghi nghờ cả việc ra đời của các chính đảng đối lập, thì đó không đơn thuần vì người ta vô cảm với các vấn đề công cộng và đã đánh mất cảm giác về "trách nhiệm cao hơn"; nói cách khác, nó không chỉ là hậu quả của sự phi đạo đức hóa. Nó cũng là một chút bản năng xã hội lành mạnh đang thức dậy trong thái độ này. Nó như thể là quần chúng đã nhận thức được bằng cảm tính là "không có gì là cái mà nó trông có vẻ nữa", như người ta vẫn nói, và rằng từ nay, do đó, mọi thứ cần phải làm theo cách hoàn toàn khác.

Nếu một vài đợt bùng phát chính trị quan trọng nhất trong khối các nước Xô viết trong những năm gần đây đã đến trước hết (trước khi được cảm nhận trên bình diện sức mạnh vật chất) từ các nhà toán học, triết học, vật lý, nhà văn, nhà sử học, các công nhân bình thường và vân vân; và nếu động lực đằng sau vô số những "phong trào bất đồng chính kiến" này đến từ rất nhiều người trong các nghề "phi chính trị", thì không phải vì những người này thông minh hơn những người tự coi mình là nhà chính trị. Đó là vì những người này,vì không phải là nhà chính trị, nên không bị trói buộc quá chặt vào những tư tưởng chính trị truyền thống và những thói quen chính trị, và vì thế, thật nghịch lí là, họ nhận thức được hiện thực chính trị đúng đắn, và nhạy cảm hơn về cái gì có thể làm và cần làm dưới những điều kiện như vậy.

Không có cách nào vòng qua nó: bất kể mô hình chính trị thay thế có đẹp đến đâu, nó không còn có thể nói chuyện được với "không gian bí mật", khích động dân chúng và xã hội, gợi lên sự sôi sục chính trị thực sự. Không gian thực sự của chính trị tiềm tàng trong hệ thống hậu toàn trị là ở chỗ khác: ở căng thẳng thường xuyên và nghiệt ngã giữa những đòi hỏi phức tạp của hệ thống và những mục tiêu của đời sống, tức là, những nhu cầu căn bản của nhân loại đòi được sống, ít nhất là ở mức độ nào đó, hòa hợp với chính họ, tức là, sống theo cách có thể chịu đựng được, không bị các quan chức và cấp trên xúc phạm nhân phẩm, không phải bị cảnh sát theo dõi thường xuyên, có thể tự do bộc lộ bản thân, có thể tìm một nơi cho sáng tạo của họ, để hưởng an ninh luật pháp và vân vân. Bất kì điều gì động chạm đến mảng này một cách cụ thể, bất kì điều gì liên quan đến căng thẳng cơ bản và phổ biến/tồn tại khắp nơi này, sẽ tất yếu đánh động con người. Những dự án trừu tượng về các trật tự kinh tế và chính trị chẳng khiến họ quan tâm như thế, và đúng vậy-không chỉ bởi vì tất cả đều biết rõ cơ hội thành công của chúng mỏng manh đến mức nào, mà còn vì ngày nay, con người cảm thấy rằng các chính sách chính trị mà càng ít bắt nguồn từ cái "ở đây và bây giờ" rất con người và rất cụ thể, và nếu chúng càng tập trung vào một "ngày nào đó" trừu tượng, thì họ càng dễ bị thoái hóa vào những dạng nô lệ mới. Những con người sống trong hệ thống hậu toàn trị hiểu quá rõ rằng câu hỏi liệu một hay nhiều chính đảng cầm quyền, và các đảng này sẽ định nghĩa và dán nhãn cho mình ra sao là ít quan trọng hơn nhiều câu hỏi: liệu có thể sống như một con người hay không.

Trút bỏ gánh nặng của các thói quen và cách phân loại chính trị truyền thống và mở hết mình ra thế giới sinh tồn của con người, và sau đó rút ra những kết luận chỉ sau khi đã phân tích nó: điều này không chỉ thực tiễn hơn về mặt chính trị mà cùng lúc, từ quan điểm của "trạng thái lí tưởng của vấn đề", cũng hứa hẹn hơn về mặt chính trị. Một sự thay đổi cơ bản, lâu dài và thực sự để tốt lên - như tôi sẽ cố gắng chứng minh ở một chỗ khác - không còn có thể bắt nguồn từ những chiến thắng (nếu những chiến thắng ấy là có thể) của bất kì quan niệm chính trị truyền thống cụ thể nào đó, cái mà rốt cuộc vẫn chỉ là ngoại sinh, tức là, một quan niệm có tính cấu trúc hay hệ thống. Hơn bao giờ hết, một thay đổi như vậy sẽ phải bắt nguồn từ sự tồn tại của con người, từ việc cấu trúc lại căn bản vị trí của con người trong thế giới, mối quan hệ của họ với bản thân và người khác, và với vũ trụ. Nếu một mô hình kinh tế và chính trị tốt đẹp hơn có được tạo ra, thì có lẽ hơn bao giờ hết nó phải xuất phát từ những thay đổi đạo đức và hiện sinh căn bản trong xã hội. Nó không phải là cái gì có thể thiết kế và giới thiệu như một cái ô tô mới. Nếu nó muốn hơn là một biến tướng từ sự xuống cấp cũ, nó phải trên hết là sự thể hiện của cuộc sống trong quá trình tự biến đổi. Một hệ thống tốt hơn không tự động đảm bảo một cuộc sống tốt hơn. Trên thực tế, ngược lại mới đúng: chỉ bằng cách tạo ra một cuộc sống tốt hơn, một hệ thống tốt hơn mới được phát triển.

Một lần nữa tôi lặp lại rằng tôi không đánh giá thấp tầm quan trọng của tư tưởng chính trị và các công trình chính trị mang tính khái niệm. Ngược lại, tôi nghĩ rằng những tư tưởng chính trị chân chính và những công trình thực sự chính trị phải chính là cái mà chúng ta vẫn luôn luôn không đạt được. Tuy nhiên, nếu tôi nói "chân chính", tôi đang nghĩ trong đầu về một dạng tư tưởng và khái niệm đã giải phóng nó khỏi mọi sơ đồ chính trị truyền thống đã được nhập khẩu vào hoàn cảnh của chúng ta từ một thế giới sẽ không bao giờ trở lại (và sự trở lại của nó, nếu có thể, cũng không cung cấp giải pháp lâu dài cho những vấn đề quan trọng nhất).

Đệ nhị và đệ tứ quốc tế, cũng như bao tổ chức và quyền lực chính trị khác, có thể cung cấp một cách tự nhiên những hỗ trợ đáng kể cho những cố gắng đa dạng của chúng ta, nhưng không cái nào có thể giải quyết vấn đề thay cho chúng ta. Chúng vận hành trong một thế giới khác, và là sản phẩm của những môi trường khác. Các khái niệm lí thuyết của chúng có thể thú vị và đem đến gợi ý cho ta, nhưng có một điều chắc chắn là: chúng ta không thể giải quyết các vấn đề của mình chỉ bằng cách nhận/gắn mình vào những tổ chức này. Và cố gắng trong nước ta đặt cái ta đang làm vào bối cảnh các thảo luận đang thống trị các xã hội dân chủ thường có vẻ vô cùng ngu ngốc. Ví dụ, liệu có thể nói chuyện một cách nghiêm túc về việc chúng ta nên thay đổi hệ thống hay chỉ cải cách nó? Trong những hoàn cảnh mà ta đang sống, đây là một giả-vấn đề, bởi vì trong thời gian hiện tại, đơn giản là chúng ta chẳng thể thực hiện được bất kì mục tiêu nào trong đó. Chúng ta thậm chí còn chưa rõ cải cách sẽ dừng ở đâu và thay đổi sẽ bắt đầu từ chỗ nào. Chúng ta biết rõ từ những kinh nghiệm cay đắng rằng cải cách hay thay đổi, tự thân nó đều chẳng phải là bảo đảm cho bất kì điều gì. Chúng ta biết rằng cuối cùng thì đối với chúng ta, việc liệu hệ thống mà chúng ta đang sống, dưới ánh sáng của một học thuyết nào đó, có vẻ được "cải cách" hay bị "thay đổi" cũng chẳng khác gì nhau. Quan tâm của chúng ta là liệu ta có thể sống trong danh dự trong một hệ thống như vậy không, liệu nó có phục vụ con người thay vì buộc con người phải phục vụ nó không. Chúng ta đang đấu tranh để đạt được điều này với những phương tiện sẵn có, và những phương tiện đáng được sử dụng. Các nhà báo phương Tây, ngập chìm trong những tầm thường chính trị mà họ đang sống cùng, có thể dán nhãn cho cách tiếp cận của ta là quá hợp hiến, hay quá mạo hiểm, cải lương, phản cách mạng, tư sản, cộng sản hay quá cánh tả hoặc cánh hữu. Nhưng đó là điều cuối cùng hấp dẫn chúng ta.


XII.

Một khái niệm vẫn luôn luôn là nguồn hiểu nhầm, cơ bản là vì nó được nhập khẩu vào hoàn cảnh của chúng ta từ những hoàn cảnh hoàn toàn khác, là khái niệm về đối lập. Đối lập thực sự là gì trong một hệ thống hậu toàn trị?

Trong các xã hội dân chủ với hệ thống nghị viện truyền thống, đối lập chính trị được hiểu như là một lực lượng chính trị trên bình diện quyền lực thực (thường thấy nhất là một chính đảng hoặc một liên minh các đảng phái) mà không phải là một phần của nhà nước. Nó cung cấp một cương lĩnh chính trị khác, nó có các tham vọng lãnh đạo, và nó được nhà nước nắm quyền thừa nhận và tôn trọng như là một thành tố tự nhiên của đời sống chính trị nước đó. Nó tìm cách mở rộng ảnh hưởng bằng các biện pháp chính trị, và cạnh tranh giành quyền lực trên cơ sở các quy định pháp luật đã được thừa nhận.

Cùng với hình thức đối lập này, còn tồn tại hiện tượng "đối lập ngoài nghị viện", cái mà cũng lại bao gồm các lực lượng ít nhiều được tổ chức trên bình diện quyền lực thực, nhưng vận hành ngoài những quy tắc được tạo ra bởi hệ thống, và thực thi các biện pháp khác với thông thường trong khung đó.

Trong các nền độc tài cổ điển, khái niệm đối lập chính trị được hiểu là các lực lượng chính trị cũng có cương lĩnh chính trị riêng. Họ hoạt động hoặc hơp pháp hoặc bên ngoài các giới hạn của tính hợp pháp, nhưng trong bất kì trường hợp nào họ cũng không thể cạnh tranh giành quyền lực trong những khuôn khổ các quy định được thỏa thuận trước. Hoặc khái niệm đối lập có thể được áp dụng với những lực lượng chuẩn bị cho một cuộc đối đầu bằng bạo lực với quyền lực thống trị, hoặc những người tự cảm thấy đã ở trong trạng thái đối đầu này, như là các nhóm du kích hoặc các phong trào giải phóng.

Đối lập trong hệ thống hậu toàn trị không tồn tại trong bất kì hình thái kể nào trên. Vậy, thuật ngữ này có thể được dùng theo nghĩa nào?

  1. Đôi khi, thuật ngữ "đối lập" được áp dụng, chủ yếu bởi các nhà báo phương Tây, cho những người hoặc nhóm trong cấu trúc quyền lực, những người thấy mình đang trong trạng thái mâu thuẫn ngấm ngầm với quyền lực cao nhất. Những lí do cho mâu thuẫn này có thể khác nhau đôi chút về mặt khái niệm (nhưng tất nhiên cũng không quá khác biệt), nhưng thường thì chỉ là sự thôi thúc về quyền lực hoặc sự thù ghét cá nhân với người đang đại diện cho quyền lực ấy.

  2. Đối lập cũng có thể được hiểu là bất kì thứ gì có thể có tác động chính trị gián tiếp theo nghĩa đã kể trên, tức là bất kì cái gì mà hệ thống hậu toàn trị cảm thấy là mối đe dọa, và trên thực tế cũng chính là cái đang đe dọa hệ thống. Theo nghĩa này, đối lập là mọi cố gắng sống trong sự thật, từ việc người bán rau quả từ chối đặt khẩu hiệu trong cửa sổ, cho đến một bài thơ viết tự do; nói cách khác, bất kì điều gì trong đó các mục tiêu của cuộc sống vượt lên trên các giới hạn do các mục tiêu của hệ thống áp đặt lên chúng.

  3. Tuy nhiên, thông thường hơn, đối lập thường được hiểu (một lần nữa, chủ yếu là các nhà báo phương Tây) như là các nhóm người công khai thái độ bất phục tùng và có quan điểm phê phán, những người không hề giấu giiếm những suy nghĩ độc lập của mình, và là những người, ở mức độ ít hay nhiều, coi họ như là một lực lượng chính trị. Theo nghĩa này, khái niệm "đối lập" ít nhiều trùng lặp với khái niệm "bất đồng chính kiến", mặc dù hiển nhiên là, có nhiều sự khác nhau to lớn về mức độ mà cái nhãn này được chấp nhận hay bác bỏ. Nó phụ thuộc không chỉ vào phạm vi mà những người này hiểu quyền lực của họ như là một lực lượng chính trị độc lập, và liệu họ có tham vọng tham dự vào quyền lực thực hay không, mà còn vào cách mỗi người trong số họ hiểu về khái niệm một lực lượng"đối lập".
Một lần nữa, đây lại là ví dụ: trong tuyên bố gốc của nó, Hiến chương 77 nhấn mạnh rằng nó không phải là đối lập vì nó không có ý định trình bày một cương lĩnh chính trị thay thế. Nó coi nhiệm vụ của nó là một cái gì đó tương đối khác, vì nó đã không trình bày những cương lĩnh như thế. Trên thực tế, nếu việc trình bày một cương lĩnh thay thế được coi là bản chất của đối lập trong các nhà nước hậu toàn trị, thì [phong trào] Hiến chương không thể được coi là đối lập.

Chính phủ Czecholovak, tuy thế, đã coi Hiến chương 77 như là một tổ chức đối lập công nhiên ngay từ đầu, và đã đối xử với nó theo cách ấy. Điều này có nghĩa là nhà nước - và điều này là tất nhiên thôi - hiểu từ "đối lập" ít nhiều giống với cách tôi đã định nghĩa ở điểm 2, tức là, như là bất kì cái gì cố gắng tránh khỏi sự giật dây hoàn toàn và vì thế đã phủ nhận nguyên lí rằng hệ thống có quyền sở hữu tuyệt đối các cá nhân.

Nếu ta chấp nhận khái niệm đối lập này, thì tất nhiên chúng ta phải, cùng với nhà nước, coi Hiến chương là đối lập thực sự, bởi vì nó đại diện cho một thách thức nghiêm trọng sự toàn vẹn của quyền lực hậu toàn trị, được xây lên như nó vốn thế trong thế giới của "sống trong dối trá".

Tuy nhiên, sẽ là một vấn đề khác, nếu chúng ta nhìn vào mức độ mà những người kí tên trong Hiến chương 77 nghĩ về họ như là đối lập. Ấn tượng của tôi là cách hiểu của phần lớn trong số họ dựa vào nghĩa truyền thống của từ này, bởi vì cái nghĩa ấy đã được thừa nhận trong các xã hội dân chủ (hay trong các nền độc tài cổ điển). Vì thế, họ hiểu "đối lập", thậm chí ở Tiệp khắc, như là lực lượng được định danh về chính trị mà, mặc dù nó không vận hành ở tầng mức quyền lực thực, và thậm chí còn ít hơn trong khuôn khổ của các quy tắc nhất định được nhà nước tôn trọng, vẫn sẽ không phủ nhận cơ hội tham gia quyền lực thực, bởi vì theo một nghĩa nào đó nó có một cương lĩnh chính trị mà những người đề đạt cương lĩnh này đã được chuẩn bị để gánh vác trách nhiệm chính trị trực tiếp cho nó. Với khái niệm về đối lập này, thì một số - [thực ra là] tuyệt đại đa số - nhà Hiến chương không nhìn nhận họ theo cách này. Những người khác -thiểu số - thì có, mặc dù họ hoàn toàn tôn trọng thực tế là không có chỗ trong Hiến chương 77 cho các hoạt động "đối lập" theo nghĩa này. Nhưng cùng lúc, có thể là tất cả mọi nhà Hiến chương đều khá quen thuộc với bản chất cụ thể của các điều kiện của hệ thống hậu toàn trị để nhận ra rằng không chỉ sự đấu tranh cho quyền con người mới có sức mạnh chính trị, mà còn cả những hoạt động "vô tư" hơn rất nhiều, và do đó chúng có thể được hiểu như là một mặt của đối lập. Không một nhà Hiến chương nào có thể thực sự phủ nhận là sẽ bị coi là "đối lập" theo nghĩa này.

Tuy nhiên, còn một hoàn cảnh khác nữa làm phức tạp hóa vấn đề một cách tương đối. Trong nhiều thập kỉ, lực lượng cầm quyền trong các xã hội thuộc khối Xô viết đã coi cái mác "đối lập" như là lời buộc tội ghê gớm nhất, đồng nghĩa với từ "kẻ thù". Dán nhãn ai đó là "phần tử thuộc phe đối lập" cũng tương đương với việc nói rằng anh ta đang cố gắng lật đổ chính quyền và đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa xã hội (tất nhiên là vì mua chuộc của bọn tư bản). Đã có những lúc mà cái mác này đưa thẳng tới giá treo cổ, và tất nhiên điều này không khuyến khích mọi người áp dụng một cái nhãn như thế lên họ. Hơn nữa, đó chỉ là một từ, và chuyện thực sự làm được gì bao giờ cũng quan trọng hơn là nhãn mác.

Lí do cuối cùng tại sao nhiều người phủ nhận một khái niệm như vậy là vì có một cái gì đó tiêu cực về khái niệm "đối lập". Nhưng người tự định nghĩa như vậy về mình làm như thế trong quan hệ với "lập" [1] nào đó có trước. Nói cách khác, họ đặt mình trong mối quan hệ với quyền lực đang thống trị xã hội, và qua đó mà định nghĩa mình, rút ra "lập" của họ từ vị trí của chính quyền. Với những người chỉ đơn giản là quyết định sống trong sự thật, nói lên những điều họ nghĩ, biểu thị sự đoàn kết với những công dân anh em của họ, sáng tạo như họ muốn, và chỉ đơn giản là sống hòa hợp với cái Tôi tốt đẹp của mình, thì thật tự nhiên là mâu thuẫn với cảm giác phải đinh nghĩa cái "lập" chân chính và tích cực của mình bằng một cách tiêu cực, thông qua một cái gì khác, và nghĩ về mình như là đang chống lại cái gì đó, mà không phải đơn giản là con người đúng với cái thực sự là họ.

Rõ ràng, cách duy nhất để tránh hiểu nhầm là nói rõ - trước khi người ta dùng chúng - là theo nghĩa nào các từ "đối lập" và "thành viên thuộc phe đối lập" đang được dùng và chúng phải được hiểu như thế nào trong hoàn cảnh của ta.


XIII.

Nếu thuật ngữ "đối lập" đã được du nhập từ các xã hội dân chủ vào hệ thống hậu toàn trị mà thiếu sự thống nhất về việc từ này có nghĩa gì trong từng hoàn cảnh vốn rất khác nhau, thì thuật ngữ "bất đồng chính kiến" lại ngược lại, được các nhà báo phương Tây chọn và bây giờ được chấp nhận rộng rãi như là nhãn cho một hiện tượng thông thường của hệ thống hậu toàn trị và không bao giờ xảy ra-ít nhất là không dưới hình thức ấy - trong các xã hội dân chủ.

Những "nhà bất đồng chính kiến" này là ai?

Có vẻ như là thuật ngữ này được áp dụng với các công dân thuộc khối Xô viết, những người đã quyết định sống trong sự thật, và những người mà thêm vào đó, thỏa mãn các tiêu chí sau:

  1. Họ thể hiện quan điểm bất phục tùng và quan điểm phê phán một cách công khai và có hệ thống, trong những giới hạn rất hẹp sẵn có đối với họ, và vì thế, họ được biết tới ở phương Tây.

  2. Bất chấp việc không thể xuất bản ở trong nước và bất chấp mọi hình thức hành hạ của chính quyền, họ, bằng thái độ của mình, đã giành được sự kính trọng nhất định, cả từ công chúng và từ chính quyền, và do đó họ có thể hưởng một mức độ quyền lực thực gián tiếp, hết sức hạn chế và lạ lùng trong môi trường của họ. Điều này hoặc là bảo vệ họ khỏi các hình thức hành hạ tồi tệ nhất, hoặc ít nhất đảm bảo rằng nếu họ bị áp bức, thì điều đó sẽ gây ra những rắc rối chính trị nhất định cho chính quyền.

  3. Phạm vi tập trung phê phán và những cam kết của họ phải vượt qua khung cảnh chật hẹp của môi trường sát cạnh họ hay các lợi ích đặc biệt để hướng tới các hoài bão lớn hơn; và do đó, công việc của họ trở nên có tính chính trị ngay trong bản chất, mặc dù có sự khác biệt đáng kể trong mức độ họ tự nghĩ về bản thân như là một lực lượng chính trị.

  4. Họ là những người nghiêng về các đích tri thức, có nghĩa là, họ là những người “viết”. Đối với họ, những từ ngữ được viết ra là phương tiện trực tiếp - và thường là duy nhất- mà họ nắm giữ, và điều này có thể đem lại cho họ sự chú ý, đặc biệt là từ nước ngoài. Các cách khác mà theo đuổi nhằm sống trong sự thật thì, hoặc là các nhà quan sát nước ngoài không nhìn thấy được [vì chúng ở] trong môi trường địa phương khó nắm bắt, hoặc nếu chúng vượt được qua cái khung địa phương này thì cũng chỉ xuất hiện như là những phụ gia mờ hơn bổ sung cho những cái mà họ đã viết.

  5. Bất kể nghề nghiệp của họ là gì, những người này được nói đến ở phương Tây vì những hoạt động của họ với tư cách những công dân tận tụy, hoặc theo các mặt chính trị hay phê phán của các tác phẩm của họ hơn là các công việc thực tế họ đã thực hiện trong lĩnh vực của mình. Từ kinh nghiệm các nhân, tôi biết rằng có một lằn ranh vô hình mà nếu bạn vượt qua - mà thậm chí dù không muốn hay không nhận ra - thì họ sẽ không còn coi bạn như là một nhà văn và tình cờ lại là một công dân quan tâm [đến thời cuộc]; họ sẽ bắt đầu nói về bạn như là một "nhà bất đồng chính kiến" tình cờ cũng thích viết kịch (có thể, trong thời gian nhàn rỗi?) .
Hẳn nhiên, có nhiều người đạt được tất cả những tiêu chí này. Cái có thể gây tranh cãi là liệu chúng ta có nên dùng một thuật ngữ riêng cho một nhóm được định nghĩa theo cách hầu như ngẫu nhiên như vậy không, và đặc biệt là họ có nên bị gọi là "nhà bất đồng chính kiến" hay không. Tuy nhiên, rõ ràng là ta chẳng thể làm gì khác được. Thi thoảng, để khởi động đối thoại, chúng ta thậm chí còn dùng cái nhãn này, mặc dù, điều đó được làm với ác cảm, hơi hài hước và luôn trong ngoặc kép.

Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để liệt kê một vài lí do tại sao chính các "nhà bất đồng chính kiến" lại không thích bị gọi như vậy. Một là, cách gọi này có vấn đề về gốc từ học (etymology). Những "người bất đồng chính kiến", như báo chí chúng ta vẫn giảng giải, là cái gì đó từa tựa "kẻ phản bội" hay "tái phạm". Nhưng những người bất đồng chính kiến không coi họ là phản bội, vì một lẽ đơn giản là họ chẳng phủ định hay từ chối điều gì. Ngược lại, họ đang cố gắng khẳng định bản chất nhân văn của chính họ, và nếu họ có phủ nhận điều gì đó chăng nữa, thì đó chỉ là những thứ sai lầm và xa lạ trong cuộc đời họ, cái khía cạnh của "sống trong dối trá" [2] .

Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Cái từ "nhà bất đồng chính kiến" thường ám chỉ một nghề đặc biệt nào đó, như thể, cùng với những nghề tầm thường hơn, có một nghề đặc biệt nữa là gầm gừ với các hiện trạng của đời sống. Thực tế là, một "nhà bất đồng chính kiến" chỉ đơn giản là một nhà vật lí, nhà xã hội học, nhà thơ, các cá nhân chỉ đơn thuần làm cái việc mà họ cho là phải làm, và vì thế, họ nhận ra họ trong một cuộc mâu thuẫn công khai với chính thể. Mâu thuẫn này không xuất hiện từ bất kì nhận thức duy lí nào về phần họ, mà chỉ đơn giản từ logic nội tại trong tư tưởng, hành vi hay công việc của họ (mà thường sự đối đầu với ngoại cảnh này ít nhiều vượt quá sự kiểm soát của họ). Nói cách khác, họ không quyết định một cách duy lí như là một kẻ phản động chuyên nghiệp, như cách người ta vẫn quyết định trở thành một cô thợ may hay anh thợ khóa.

Tất nhiên, trên thực tế họ thường không phát hiện ra là mình là những "nhà bất đồng chính kiến" cho đến khi họ thực sự trở thành người ấy. "Bất đồng chính kiến" khởi nguồn từ những động cơ hoàn toàn khác với lòng hám danh vọng và địa vị tên tuổi. Tóm lại, họ không quyết trở thành "nhà bất đồng chính kiến", và thậm chí nếu họ có dành hai bốn giờ một ngày cho nó, nó vẫn không phải là một nghề, mà cơ bản là một thái độ nhân sinh. Hơn nữa, thái độ đó hoàn toàn không phải là độc quyền của những người nhận cái danh hiệu "nhà bất đồng chính kiến" chỉ vì họ ngẫu nhiên đáp ứng được các điều kiện chắp vá và mang tính hình thức kể trên. Có muôn ngàn người không tên tuổi khác đang cố gắng sống trong sự thật, và hàng triệu người muốn mà chưa thể, đơn giản vì có lẽ làm như thế trong điều kiện của họ cần can đảm lớn gấp mười lần cái can đảm của những người đã bước trước một bước kia. Nếu vài chục người ngẫu nhiên được nhấc ra trong số ấy và đặt vào một hạng đặc biệt, thì điều này sẽ hoàn toàn bóp méo bức tranh chung. Nó bóp méo theo nhiều cách. Hoặc là nó gợi ý rằng những "nhà bất đồng chính kiến" ấy là những người lỗi lạc, như là các "loài thú được bảo vệ", người được phép làm những điều mà người khác không được làm, là những người mà chính quyền thậm chí còn nuôi dưỡng để thể hiện sự khoan dung nhân từ của nó; hay nó che chắn cho một ảo ảnh rằng: vì số những kẻ phản động vốn chưa làm được gì nhiều này không đếm đủ đầu ngón tay, thì chắc là số còn lại là người phục tùng, bởi vì nếu họ không phục tùng thì chắc là đã bị liệt là "nhà bất đồng chính kiến" rồi.

Nhưng đó không phải là tất cả. Cách phân loại này vô tình đã tô đậm ấn tượng rằng quan tâm cơ bản của những "nhà bất đồng chính kiến" này là lợi ích thiết thân (vested interest) nào đó mà họ cùng chia sẻ với tư cách là một nhóm, như thể toàn bộ cuộc cãi lộn của họ với nhà nước chẳng có gì hơn là xung đột khó hiểu giữa hai nhóm đối lập, một cuộc xung đột chẳng liên quan tí gì đến xã hội. Nhưng ấn tượng ấy mâu thuẫn về cơ bản với tầm quan trọng thực sự của thái độ "bất đồng chính kiến", thái độ mà dù vùng lên hay ngã xuống đều vì quyền lợi của người khác, vì cái đang gây ra nỗi đau cho toàn xã hội, hay nói cách khác, vì sự quan tâm tới những người còn chưa dám nói. Nếu các "nhà bất đồng chính kiến" có một thứ uy quyền nào đó, và nếu họ còn chưa bị tiêu diệt từ lâu như những con côn trùng kì cục xuất hiện không đúng chỗ, thì không phải vì nhà nước muốn giữ lại một nhóm đặc biệt này và tư tưởng đặc biệt của họ trong một niềm phấn khích, mà vì nó hoàn toàn hiểu rõ quyền lực chính trị tiềm tàng của "sống trong sự thật" bắt rễ từ "không gian bí mật", và cũng nhận thức rõ cái loại thế giới mà "bất đồng chính kiến" được sản sinh ra và cái thế giới mà nó tác động: thế giới của đời sống thường ngày, thế giới của mâu thuẫn hàng ngày giữa những mục tiêu của cuộc đời với mục tiêu của hệ thống. (Còn gì minh chứng tốt cho điều này hơn là hành động của chính quyền sau khi Hiến chương 77 xuất hiện, khi nó khai hỏa một chiến dịch buộc toàn dân tộc phải tuyên bố rằng Hiến chương 77 là sai? Hàng triệu chữ kí đã chứng tỏ, bên cạnh những điều khác, rằng điều ngược lại mới đúng). Các bộ máy chính trị và cảnh sát không phung phí một sự quan tâm to lớn đến những "nhà bất đồng chính kiến" (cái có thể gây ấn tượng là chính quyền sợ họ như thể sợ một tập đoàn quyền lực khác vậy) bởi vì họ chính là một tập đoàn quyền lực khác; mà bởi vì họ là những người bình thường, với những mối quan tâm thường nhật, và chỉ khác với số đông ở chỗ họ nói lớn điều mà những người khác không thể hoặc vì sợ mà không dám nói. Tôi đã từng đề cập đến ảnh hưởng chính trị của Slzhenitsyn: nó không nằm trong một quyền lực chính trị riêng biệt mà ông có với tư cách là một cá nhân, mà ở trải nghiệm của hàng triệu nạn nhân Gulag mà ông chỉ đơn giản là tăng âm và truyền đạt tới hàng triệu người có lương tri khác.

Chọn ra một nhóm các "nhà bất đồng chính kiến" lỗi lạc cũng có nghĩa là phủ nhận khía cạnh đạo đức cốt lõi nhất trong hoạt động của họ. Như ta đã thấy, "phong trào bất đồng chính kiến" phát triển từ nguyên tắc bình đẳng, đặt trên quan niệm rằng quyền con người và tự do là không chia tách được. Cuối cùng, chẳng phải những "nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng" trong KOR [3] đã bảo vệ những người lao động không tên tuổi hay sao? Và chẳng phải chính vì lí do này mà họ trở thành "những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng"? Và chẳng phải "những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng" trong Hiến chương 77 đoàn kết lại dưới Hiến chương 77 sau khi họ đã đến cùng nhau để bảo vệ những nhạc sĩ vô danh, và họ trở nên "các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng" chính vì lẽ đó? Thật là một nghịch lí tàn nhẫn là càng nhiều công dân đứng lên bảo vệ các công dân khác, thì họ lại càng bị dán bởi một từ ngăn cách họ với "các công dân khác".

Cách giải thích này, tôi hi vọng, sẽ làm rõ tầm quan trọng của các dấu ngoặc kép mà tôi đặt ngoài từ nhà bất đồng chính kiến trong suốt tiểu luận này.


XIV.

Vào thời gian các vùng đất Czech cùng với Slovackia là một phần của Đế chế Áo-Hung, và khi mà không tồn tại cả những điều kiện xã hội, tâm lí, chính trị lẫn lịch sử cho phép những người Czech và Slovack tìm kiếm bản sắc của mình bên ngoài cái khung đế chế này, thì T. G. Masaryk đã xác lập một cương lĩnh dân tộc Czechoslovak dựa vào khái niệm "công việc quy mô nhỏ" (drobná práce). Theo đó, ông hàm ý rằng các công việc có trách nhiệm và trung thực trong những mặt vô cùng khác nhau của đời sống nhưng nằm trong trật tự xã hội hiện thời sẽ kích thích sự sáng tạo và tự tin quốc gia. Đương nhiên, ông đặt trọng tâm vào sự khai sáng và giáo dục, và vào các mặt đạo đức và nhân văn của cuộc sống. Masaryk tin rằng điểm bắt đầu khả thi duy nhất cho một tương lai quốc gia sáng lạn hơn là ở chính con người. Nhiệm vụ đầu tiên của con người là tạo ra các điều kiện cho một cuộc sống nhân văn hơn: và theo Masaryk, nhiệm vụ chuyển biến tầm vóc của quốc gia bắt đầu từ chuyển biến con người.

Khái niệm "làm việc vì lợi ích dân tộc" bám rễ trong lòng xã hội Czechoslovak và theo nhiều khía cạnh, nó đã thành công và còn sống đến ngày nay. Cùng với những người khai thác khái niệm này như là biện minh tinh tế cho việc hợp tác với chính quyền, vẫn còn nhiều người khác, ngay cả ngày nay, vẫn ấp ủ lý tưởng và, ít nhất trong một số lĩnh vực, có thể dẫn tới những thành quả không chối cãi được. Rất khó nói sự thể sẽ còn tồi tệ đến đâu nếu không có những người làm việc cật lực, những người chỉ đơn giản là không chịu từ bỏ và cố gắng không ngừng làm mọi việc có thể, trả một cái giá tối thiểu cho "sống trong dối trá" để họ có thể cống hiến tới mức cao nhất cho những nhu cầu chân chính của xã hội. Nhưng người này coi, một cách đúng đắn , rằng mọi việc tốt đều là một sự phê phán gián tiếp nền chính trị tồi tệ, và rằng có những điều kiện khiến cho con đường này đáng để đi theo, cho dù nó có thể có nghĩa rằng họ phải từ bỏ quyền tự nhiên được phê phán trực tiếp.

Tuy nhiên, ngày nay, có những giới hạn rất rõ ràng cho thái độ này, thậm chí khi so sánh với tình huống những năm 60. Ngày càng thường xuyên có những người đang cố gắng thực hiện phương châm "làm những việc nhỏ" cuối cùng đã phải đối mặt với hệ thống hậu toàn trị và thấy mình đứng trước một thế lưỡng nan: hoặc họ phải rút bỏ vị thế ấy, từ bỏ sự ngay thẳng, trách nhiệm và nhất quán mà vị thế ấy dựa vào và thích nghi với hoàn cảnh (cách mà đa số đã lựa chọn), hoặc là phải đi tiếp con đường đã đi và không thể tránh khỏi rơi vào xung đột với chế độ (có một thiểu số đã chọn cách này).

Nếu ý tưởng về "công việc quy mô nhỏ" không bao giờ có chủ đích - như là mệnh lệnh phải tồn tại bên trong cấu trúc chính trị và xã hội hiện có, bằng bất kì giá nào (trong trường hợp đó, những người tự cho phép mình bị cách li khỏi hệ thống tất yếu sẽ phải thôi "làm việc cho dân tộc") - thì ngày nay nó thậm chí càng ít quan trọng. Không có mô hình chung nào cho phép ứng xử, tức là, không có cách tổng quát và ngắn gọn nào quyết định cái điểm mà các "công trình quy mô nhỏ" không còn là "vì lợi ích dân tộc" và trở thành "gây hại cho dân tộc". Tuy nhiên, hiển nhiên là cái mối nguy của sự đảo ngược chiều ngày càng sâu sắc, và các công việc quy mô nhỏ ấy (với tần suất ngày càng thường xuyên hơn) trở nên chống lại cái giới hạn mà nếu vượt qua đó, tránh xung đột có nghĩa là tự gây tổn thương tới chính bản chất của nó.

Trong năm 1974, khi tôi được nhận vào nhà máy bia, cấp trên trực tiếp của tôi là ông S, người rất sành sõi trong nghệ thuật làm bia. Ông tự hào về nghề và ông muốn nhà máy làm bia ngon. Ông dành phần lớn thời gian cho công việc, không ngừng cải tiến, và ông thường xuyên làm chúng tôi khó chịu vì ông nghĩ chúng tôi cũng yêu nấu bia như ông. Kẹt giữa sự thờ ơ với công việc mà chủ nghĩa xã hội tạo ra, thật khó tưởng tượng một người lao động có thinh thần xây xựng hơn ông.

Nhà máy bia được quản lí bởi những người làm việc ít hơn và cũng không yêu thích nó lắm, nhưng lại có ảnh hưởng lớn hơn về chính trị. Họ khiến nhà máy bia sụp đổ và không chỉ không đáp lại bất kì đề xuất nào của S, mà họ còn ngày càng thù địch với ông và bằng mọi cách cản trở những nỗ lực làm việc tốt của ông. Cuối cùng, tình huống trở nên quá tồi tệ đến nỗi S cảm thấy buộc phải viết một lá thư dài cho cấp trên của ban giám đốc, trong đó ông cố gắng phân tích những khó khăn của nhà máy. Ông giải thích tại sao nó kém nhất trong quận và chỉ ra những người phải chịu trách nhiệm.

Tiếng nói của ông không bao giờ được lắng nghe. Giám đốc, người có quyền lực chính trị nhưng mù tịt về bia, một người thù công nhân và đầy mưu mô, giả thử có thể bị thay thế và những điều kiện trong nhà máy bia giả thử có thể được cải thiện - từ những đề nghị của S. Nếu điều đó xảy ra, nó đã có thể là ví dụ hoàn hảo cho "công việc quy mô nhỏ" trên thực tiễn. Không may, điều ngược lại đã xảy đến: giám đốc nhà máy, một ủy viên Quận ủy, có bạn bè ở các vị trí cao hơn và ông ta đã thấy sự việc kết thúc có lợi cho mình. Phân tích của S được coi là "tài liệu vu khống" và S bị chụp mũ là "gián điệp chính trị". Ông bị đuổi khỏi nhà máy bia và chuyển sang làm một nghề chẳng đòi hỏi kĩ năng gì. Ở đây, khái niệm "công việc quy mô nhỏ" đã đụng phải bức tường của hệ thống hậu toàn trị. Vì nói lên sự thật, S đã bước qua lằn ranh, phá vỡ luật lệ, loại mình ra, và ông kết cục thành công dân hạng hai, bị bêu rếu như kẻ thù. Giờ đây, ông có thể nói bất kì điều gì ông muốn, nhưng ông sẽ không bao giờ kì vọng là sẽ được lắng nghe - như là vấn đề nguyên tắc. Ông đã trở thành một "nhà bất đồng chính kiến" của Nhà máy bia Đông Bohemia.

Tôi cho rằng đây là trường hợp điển hình mà, từ một góc nhìn khác, minh họa cái tôi vừa nói ở phần trên: anh không trở thành một "nhà bất đồng chính kiến" chỉ vì trong một ngày đẹp trời, anh chọn sự nghiệp bất bình thường nhất này. Anh bị ném vào trong đó vì cảm nhận cá nhân về trách nhiệm của anh, cộng với một phức hợp ngoại cảnh. Anh bị loại khỏi cấu trúc hiện thời và bị đặt vào vị trí đối lập với nó. Nó bắt đầu bằng cố gắng làm việc tốt của anh, và kết thúc bằng biệc bị dán nhãn là kẻ thù của xã hội. Đây là lí do tại sao hoàn cảnh của chúng ta không thể đem so được với Đế chế Áo-Hung, khi mà dân tộc Czech, trong giai đoạn tồi tệ nhất của nền chuyên chế Bach, chỉ có mỗi một "nhà bất đồng chính kiến" thực sự, Karel Havlícek, người bị bỏ tù ở Brixen. Ngày nay, nếu không hợm hĩnh [việc chúng ta là những nhà bất đồng chính kiến], chúng ta buộc phải thừa nhận rằng các "nhà bất đồng chính kiến" có thể tìm thấy ở mọi góc phố.

Phê phán các "nhà bất đồng chính kiến" vì họ từ bỏ "công việc quy mô nhỏ" thì thật là kì quặc. "Bất đồng chính kiến" không phải là một sự thay thế cho ý tưởng của Masaryk, mà nó thường xuyên là kết quả tất yếu [của ý tưởng ấy]. Tôi nói "thường xuyên" để nhấn mạnh rằng không phải lúc nào cũng vậy. Tôi còn lâu mới tin rằng những người có trách nhiệm và tử tế không ai khác ngoài những ai đã nhận ra mình lạc lõng trong cấu trúc chính trị và xã hội hiện thời. Cuối cùng thì, nghệ nhân bia S có thể đã chiến thắng trận đánh của ông. Nguyền rủa những người vẫn giữ vị trí của họ chỉ vì họ đang giữ vị trí ấy, hay nói cách khác, vì họ không phải là "nhà bất đồng chính kiến" thì cũng kì cục như là dựng họ lên như những "nhà bất đồng chính kiến". Trong bất kì tình huống nào, sẽ là mâu thuẫn với toàn bộ thái độ "bất đồng chính kiến" - được xem như một cố gắng sống trong sự thật - nếu người ta đánh giá hành vi con người không như nó vốn có và liệu nó tốt hay không, mà lại theo những tình cảnh cá nhân mà những cố gắng như thế đã đưa họ đến chỗ đó.


XV.

Cố gắng sống trong sự thật của người bán rau quả có thể được giới hạn trong việc không làm một số điều nhất định. Anh quyết định không đặt cờ trong cửa sổ khi động cơ duy nhất cho việc đặt cờ lên cửa sổ chỉ là để tránh bị gã công an khu phố sách nhiễu; anh không bỏ phiếu trong những kì bầu cử mà anh cho là giả tạo; anh không giấu ý kiến của mình với cấp trên. Nói cách khác, anh có thể không làm gì hơn là từ chối phục tùng những đòi hỏi nhất định của hệ thống đối với anh (vốn đương nhiên không phải là một bước tiến nhỏ). Điều này, tuy thế, có thể thành cái gì đó lớn hơn. Người bán rau quả có thể bắt đầu làm cái gì đó cụ thể, cái gì đó vượt lên hành động tự vệ cá nhân cấp thời chống lại sự giật dây, cái gì đó có thể thể hiện cảm nhận mới tìm ra của anh về trách nhiệm cao hơn. Ví dụ, anh có thể tổ chức những người đồng nghiệp bán rau quả hành động chung để bảo vệ lợi ích của mình. Anh có thể viết thư cho các cơ quan, kêu gọi sự chú ý của họ về các ví vụ mất trật tự và bất công xung quanh anh. Anh có thể tìm sách báo chui, copy chúng và cho bạn bè mượn.

Nếu cái tôi gọi là sống trong sự thật là điểm khởi đầu về mặt sinh tồn (và đương nhiên là tiềm ẩn cả mặt chính trị) căn bản cho mọi hiện tượng như "sáng kiến của các công dân độc lập" và "bất đồng chính kiến" hay "đối lập" sẽ được làm rõ trong tiểu luận này, thì điều này không có nghĩa là mọi cố gắng sống trong sự thật đều ngay lập tức thuộc về những phong trào này. Ngược lại, trong ý nghĩa rộng nhất và nguyên bản nhất của nó, sống trong sự thật bao trùm một lãnh địa rất rộng mà ranh giới rất mờ nhạt và khó vạch rõ, một lãnh địa gồm đầy những biểu hiện khiêm tốn của ý hướng nhân văn, thì tuyệt đại đa số những biểu hiện ấy vẫn vô danh và những ảnh hưởng chính trị của chúng có lẽ sẽ không bao giờ được cảm nhận hay mô tả rõ ràng hơn là một phần của không khí hay cảm xúc xã hội. Hầu hết những biểu hiện này vẫn chỉ là những sự nổi dậy sơ đẳng chống lại sự giật dây: bạn chỉ đơn giản là đứng thẳng và sống trong nhân phẩm hơn, như một cá nhân.

Ở đâu đó, nhờ tự nhiên, các giả định và nghề nghiệp của một số người, cũng nhờ những biến số ngẫu nhiên, thí dụ các đặc thù của một bối cảnh cục bộ, các bạn bè và v.v..., mà một sáng kiến hữu hình và thống nhất hơn có thể xuất hiện từ những vùng đất xa xôi vô danh và bao la này, một sáng kiến cao hơn hẳn những "cuộc nổi loạn" cá nhân và chuyển thành những công việc tự giác, có tổ chức và hướng đích hơn. Cái điểm mà ở đó sống trong sự thật không còn là một sự phủ định đơn thuần cuộc sống dối trá và được cụ thể hóa theo một cách nhất định, là điểm mà có cái gì đó được sinh ra, có thể gọi là "đời sống chính trị, xã hội và tinh thần độc lập của xã hội". Đời sống độc lập này không tách rời phần còn lại của cuộc sống ("cuộc sống phụ thuộc") bằng một ranh giới được phân định rõ ràng. Cả hai thường xuyên cùng tồn tại trong một con người. Tuy thế, tiêu điểm quan trọng nhất của nó được đánh dấu bởi mức độ tương đối cao của giải phóng nội tâm. Nó bơi trên đại dương mênh mông của đời sống bị giật dây như những chiếc thuyền con, bị sóng dập vùi nhưng luôn nhấp nhô như là sứ giả hiện hữu của sống trong sự thật, nói lên những mục tiêu đang bị đàn áp của cuộc sống.

Đời sống độc lập này của xã hội là gì? Dải tần của các biểu hiện và hoạt động của nó dĩ nhiên là phải rất rộng. Nó bao gồm mọi thứ, từ tự giáo dục và nghĩ về thế giới, từ các hoạt động sáng tác tự do và truyền tải nó tới người khác, đến cách phong phú tự do bày tỏ thái độ công dân, bao gồm cả những tổ chức xã hội độc lập hình thành tự phát. Tóm lại, nó là một khu vực mà trong đó sống trong sự thật được chi tiết hóa và vật chất hóa theo cách nhìn thấy được.

Vì thế, cái sau này sẽ được nhắc đến như là "sáng kiến công dân", "phong trào bất đồng chính kiến", thậm chí đối lập, nổi lên như là một phần mười hiển hiện nhô khỏi mặt nước của tảng băng, từ khu vực đó - từ đời sống độc lập của xã hội. Nói cách khác, cũng hệt như đời sống độc lập của xã hội bắt rễ từ sống trong sự thật theo nghĩa rộng nhất của từ này, như là cách biểu hiện chi tiết và tách biệt của đời sống đó, "bất đồng chính kiến" cũng dần trỗi dậy từ "đời sống độc lập của xã hội". Tuy vậy, vẫn có một khác biệt đáng kể: nếu "đời sống độc lập của xã hội", ít nhất là bề ngoài có thể được hiểu như là một dạng cao hơn của sống trong sự thật, thì sẽ kém rõ ràng hơn nhiều rằng "các phong trào bất đồng chính kiến" lại nhất thiết là dạng cao hơn của "đời sống độc lập của xã hội". Chúng chỉ đơn giản là một biểu hiện của nó, và mặc dù có thể chúng dễ nhận ra nhất nhất, và mới nhìn thoáng qua, là biểu hiện chính trị nhất (và được chi tiết hóa rõ nhất) của nó, chúng còn lâu mới là trưởng thành nhất, thậm chí quan trọng nhất, không về mặt xã hội nói chung, mà thậm chí về mặt ảnh hưởng chính trị trực tiếp. Sau rốt, "bất đồng chính kiến" đã bị bứt khỏi ngọn nguồn của nó một cách giả tạo, bằng việc đặt cho nó một cái tên đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, khó có thể nghĩ về nó biệt lập khỏi toàn bộ cái nền chung mà từ đó nó phát triển lên, cái mà nó là một phần hữu cơ và là cái cung cấp nguồn sức mạnh cho nó. Dù gì đi nữa, từ những gì trình bày ở trên về những dị biệt của hệ thống hậu toàn trị, rõ ràng là cái tưởng chừng như là có tính chính trị nhất trong các lực lượng tại một thời điểm cho trước, cái vẫn tự nghĩ về mình theo lối ấy, trên thực tế lại không nhất thiết một lực lượng như vậy. Phạm vi mà nó trở thành một lực lượng chính trị thực sự hoàn hoàn phụ thuộc vào bối cảnh tiền-chính trị của nó.

Cái gì sẽ tiếp sau mô tả trên? Không nhiều hơn và không ít hơn điều này: không thể nói về cái mà các "nhà bất đồng chính kiến" đang làm trên thực tế, và ảnh hưởng của những việc họ làm mà lại không trước hết nói về những việc của tất cả những người, bằng cách này hay cách khác, tham gia vào cuộc sống độc lập của xã hội, những người hoàn toàn không nhất thiết phải là "nhà bất đồng chính kiến". Họ có thể là các nhà văn viết theo ý thích mà không thèm để ý đến kiểm duyệt hay những mệnh lệnh chính thức, những người truyền bá tác phẩm của họ - trong trường hợp các nhà xuất bản chính thức từ chối in chúng - với tư cách là samizdat (văn chương bí mật, văn chương “không chính thống”). Họ cũng có thể là các nhà triết học, sử học, xã hội học, hay tất cả những nhà nghiên cứu độc lập, mà nếu như không thể qua các kênh chính thức hoặc bán chính thức, lưu truyền tác phẩm của mình trong samizdat, hay những người tổ chức các cuộc đàm luận, thuyết giảng và hội thảo tư nhân. Họ có thể là các giáo viên, những người kín đáo dạy thanh niên những điều vốn bị "cấm kị" trong các trường công, những linh mục đang tại vị, hoặc đã bị [chính quyền] phế truất, vẫn cố gắng thực hành đời sống tôn giáo tự do; các họa sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ, những người đang lao động nghệ thuật mặc cho nhà cầm quyền nhòm ngó thế nào; những người, bằng mọi phương tiện sẵn có, cố gắng thể hiện và bảo vệ các lợi ích xã hội thực sự của người lao động, trả lại ý nghĩa đích thực cho các công đoàn, hay sáng lập các công đoàn độc lập; những người không sợ thu hút sự chú ý của các quan chức tới những trường hợp bất công, những người đấu tranh để được thấy luật lệ đang được bảo vệ; và những nhóm thanh niên khác nhau đang gỡ bở những sự giật dây và sống theo chính cách của mình, theo tinh thần của hệ giá trị của mình. Bảng liệt kê vẫn còn mãi.

Rất ít người nghĩ đến chuyện gọi tất cả những người này là "nhà bất đồng chính kiến". Và dù thế, chẳng phải những "nhà bất đồng chính kiến" nổi tiếng cũng chỉ là người bình thường như họ hay sao? Chằng phải tất cả những hành động ấy chính là cái mà những "nhà bất đồng chính kiến" đang thực hiện hay sao? Chẳng phải những người mà ta vừa kể không tạo ra các công trình học thuật và đăng chúng trong samizdat? Chẳng phải họ không viết kịch, viết tiểu thuyết và thơ? Chẳng phải họ cũng đang vật lộn chống lại đủ loại bất công và cố gắng tìm hiểu và thể hiện những quan tâm xã hội thực sự của vô số bộ phận dân chúng?

Sau khi đã cố gắng chỉ ra các nguồn mạch, cấu trúc bên trong và một số mặt của thái độ "bất đồng chính kiến" như trên, rõ ràng tôi đã chuyển góc nhìn từ bên ngoài sang một cuộc điều tra về những gì mà các "nhà bất đồng chính kiến" đang thực sự làm, và làm thế nào mà các đề xướng của họ được thực hiện, và chúng sẽ dẫn tới đâu.

Vì thế, kết luận thứ nhất được rút ra là, cái không gian hoạt động căn bản và quan trọng nhất, cái quyết định mọi không gian khác, chỉ đơn giản là một cố gắng tạo ra và hỗ trợ "đời sống độc lập của xã hội" với tư cách là một sự thể hiện cụ thể của "sống trong sự thật". Nói cách khác, là hành động tôn vinh sự thật một cách kiên định, có mục đích và cẩn trọng, và tổ chức việc tôn vinh này. Điều này, rốt cuộc, là tự nhiên thôi: nếu sống trong sự thật là xuất phát điểm cơ bản cho mọi nỗ lực của con người chống lại sức ép tha hóa của hệ thống, nếu nó là cơ sở duy nhất có ý nghĩa cho bất kì hành động có ý nghĩa chính trị nào, và nếu, cuối cùng, nó cũng là nguồn hiện sinh sâu sắc nhất của thái độ "bất đồng chính kiến", thì thật khó tưởng tượng được rằng thậm chí một sự "bất đồng chính kiến" công khai còn có cơ sở nào khác ngoài tôn vinh sự thật, tôn vinh một cuộc sống chân thành và cố gắng mở đường cho những mục tiêu đích thực của cuộc sống.


Bản tiếng Việt © 2006 Duy Tân Trẻ (duytantre@walla.com)
© 2006 talawas



[1]Tác giả dùng chiết tự: đối lập - opposition với "kiến lập" - position và tiếp đầu tố "đối" - op. (Biên dịch)
[2]Tại đoạn này, Havel đã chính thức trả lời một cách hiệu quả lời kết tội của các báo chí Czechoslovakia, trong đó “bất đồng chính kiến” đôi khi được hiểu là odpadlik. Nghĩa đen của từ này là “kẻ bị sa ngã”, hay “kẻ phản bội” hoặc “tái phạm” (Biên dịch).
[3]Ủy ban Bảo vệ Công nhân, một tổ chức của Ba Lan tồn tại trước khi có sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết năm 1980. Sau đó nó được đổi tên thành KSS-KOR (Ủy ban Tự vệ Xã hội-KOR) để nhấn mạnh đến cam kết bảo vệ các quyền dân sự cũng như sự ủng hộ của nó đối với các sáng kiến xã hội chống lại các thể chế của nhà nước toàn trị (Biên dịch).

Nguồn: Václav Havel et al., The Power of the Powerless: Citizens against the State in Central Eastern Europe, trans. Paul Wilson, M.E. Sharpe, Inc. Armonk, New York, pp 23-96.