
Trong các loài gia súc, từ thời thượng cổ cho đến mãi tận gần đây, chó và ngựa vẫn được xem là gần gũi với con người nhất. Thế rồi, theo dòng lịch sử, hình ảnh những chàng kỵ mã oai hùng «da ngựa bọc thây» chìm dần vào quên lãng, ngựa cũng đành chịu chung số phận, lùi vào bóng tối, nhường chỗ cho lũ mèo mon men đến gần người hơn. Nhưng vị trí thứ nhất bên cạnh loài người vẫn luôn dành cho chó, con vật tinh khôn và trung thành, mà sự bày tỏ tình cảm lộ rõ từ cái vểnh tai, ánh nhìn đến chót đuôi vẫy rộn. Vì vậy, không phải là điều ngạc nhiên khi nhìn vào kho tàng truyện tranh và phim hoạt họa của các «cường quốc» trong lĩnh vực này: Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp và Nhật Bản, người ta thấy cơ man nào chó là chó.
Nhật Bản

Vì không đủ tài liệu về kỹ nghệ truyện tranh (manga) và phim hoạt họa của Nhật Bản, bài này chỉ xin đề cập đến bộ phim hoạt họa nhiều kỳ
Tchaou và Grodo, kể về cuộc phiêu lưu đi tìm mẹ của chú chó con
Tchaou, với sự trợ lực của lão chó lang thang
Grodo và cô bạn
Mosso. Một chú chó khác,
Hihn, xuất hiện trong bộ phim hoạt họa
Tòa lâu đài lưu động, 2003, của Hayao Miyazaki, dựa theo tiểu thuyết của Diana Wynne-Jones, kể về câu chuyện cô bé Sophie bị biến thành lão bà vì lời nguyền của mụ phù thủy sa mạc và bị cầm tù trong tòa lâu đài của ảo thuật gia Hauru. Nhiều bộ phim hoạt họa của Hayao Miyazaki (studio Ghibli, cùng với họa sĩ Takahata) được thế giới «khám phá» và yêu chuộng trong những năm gần đây, có thể kể đến:
Nausicaa, 1984,
Lâu đài trên trời, 1986,
Bạn hàng xóm Totoro, 1988,
Kiki, cô phù thủy bé nhỏ, 1989,
Porco Rosso, 1992,
Công chúa Mononoké, 1997. Bộ phim
Cuộc du lịch của Chihiro, 2001 đã đem đến cho ông Giải Gấu Vàng Berlin 2002.
Hoa Kỳ
Có thể kể ngay đến thế giới của Walt Disney (1901-1966) với hàng trăm nhân vật hoạt họa do ông dựng nên. Trong số đó, có khá nhiều… chó. Nói đến Disney, không thể nào không nhắc đến chú chuột láu lỉnh Mickey. Nhưng nếu nhiều người trong chúng ta biết đến người đẹp Minnie của chàng chuột này, hoặc những người bạn nối khố của Mickey như chó đần Dingo (Goofy), chó Pluto trung thành hay vịt Donald cáu bẳn, thì lại ít ai biết đến kẻ thù «không đội trời chung» của Mickey là
Pat Hibulaire. Xuất hiện từ năm 1925 trong loạt phim ngắn về cô bé Alice, đến 1928 thì Pat Hibulaire chính thức trở thành đối thủ của Mickey. Trong những phim hoạt họa đen trắng của thời kỳ đầu, Pat - còn mang tên Peg Leg Pete - là gã mèo đen khổng lồ mang một chân giả bằng gỗ, lúc nào cũng chực chờ ăn tươi nuốt sống chú chuột tí hon. Rồi theo năm tháng, Pat Hibulaire dần thay hình đổi dạng, để cuối cùng, đội lốt một con sói hung dữ, miệng thường phì phèo điếu xì-gà to tướng, và trở thành kẻ thù chung của Mickey và bạn hưũ. Nhưng, với trào lưu «sống chung hòa bình», trong loạt phim truyền hình nhiều kỳ
Dingo & Cie mới đây, Pat Hibulaire trở thành ông hàng xóm của cha con chó Dingo và
Max, tuy vẫn mang tánh khó chịu, ăn thua đủ, nhưng đã trở nên khá tốt bụng và mất đi gần hết thói hung hiểm. Trong một trào lưu khác, trào lưu «trẻ hóa» các nhân vật, bé Pat vui sống và cũng làm đầy những trò «nhí nhố» bên cạnh các bé Mickey, Minnie, Donald, Daisy, Dingo, Pluto, Gus...
Với sự góp mặt trong hơn một trăm phim ngắn dài, trải từ 1930 đến 2005, chú chó khù khờ
Pluto luôn là người bạn đường trung thành của chuột Mickey. Pluto có người yêu là
Fifi,
Dinah, có kẻ thù là chú chó bulldog
Butch, có những bạn «đồng diễn»: rùa con, hải cẩu, anh em sóc Tic và Tac… Tương tự Pluto, chó đần
Dingo cũng là một «khuôn mặt lớn» của gia đình Disney. Xuất hiện thường xuyên trong phim hoạt hoạ và truyện tranh từ 1932 đến nay, Dingo nổi tiếng đần và tốt bụng, gây nên những cảnh tức cười, nhất là trong loạt phim có liên quan đến các môn thể thao (Nghệ thuật trượt tuyết, 1941 - Thế vận hội, 1942 - Vợt tennis, 1949…). Cùng với các «siêu sao» Mickey, Minnie, Donald, Daisy…, Pluto và Dingo cũng đã góp mặt trong bộ phim
Ngày xưa, mùa Giáng Sinh, sản xuất năm 2004, hoàn toàn được thực hiện bằng hình ảnh tổng hợp của máy vi tính.
Quý độc giả nào có con em thường xuyên theo dõi chương trình Disney Club trên đài truyền hình chắc sẽ nhận ra ngay kẻ thù không đội trời chung của bác vịt Picsou là anh em nhà chó
Rapetou, chuyên tìm cách trộm kho vàng của bác vịt giàu nứt đố đổ vách này. Ngoài ra, các nhân vật… chó khác cũng xuất hiện rải rác đây đó trong những phim truyện dài ngắn của hãng Walt Disney:
Lão sói dữ (
Ba chú heo con, 1933 -
Lão sói dữ, 1934), cha con chó đồng
Bent-Tail (
Huyền thoại Hòn Chó Đồng, 1945 –
Chó chăn cừu, 1949),
Con sói (
Pierre và con sói, 1946), chó già
Bruno (
Lọ Lem, 1950), vú
Nana (
Peter Pan, 1953),
Người Đẹp và chàng
Lang thang, cùng bạn hữu:
César,
Jock,
Toughy,
Dachsie,
Boris,
Peg,
Pedro,
Bull (
Người Đẹp và chàng Lang thang, 1955), gia đình chó đốm
Pongo,
Perdita,
Rolly,
Patch,
Penny,
Lucky,
Freckles,
Pepper và bạn bè:
Đại tá,
Towser,
Danny (
101 con chó đốm, 1961),
Napoléon và
Lafayette (
Quý tộc mèo, 1970),
Cha Tuck,
Cảnh sát trưởng Nottingham,
Otto (
Hiệp sĩ rừng xanh, 1973), chó săn
Rouky,
Xếp (
Rox & Rouky, 1980),
Toby (
Thám tử tư Brasil, 1986), bầy chó viả hè
Roublard,
Rita,
Tito,
Francis,
Einstein, cô nhà giàu
Georgette và hai tên «khỉ đột»
Roscoe,
DeSoto (
Oliver và bạn bè, 1988),
Max (
Nàng nhân ngư, 1989), lũ chó cười
Shenzi,
Banzai,
Ed (
Vua sư tử, 1994),
Percy (
Pocahontas, 1995), chó lò xo
Zig Zag (
Truyện đồ chơi 1 & 2, 1995 & 2000), chó cảnh sát
Rusty (
Nông trại nổi loạn, 2004)…
Nếu như trong thế giới hoạt họa và truyện tranh của Disney, người ta có thể phân biệt rạch ròi hai phe chính - tà (Bạch Tuyết - Nữ hoàng, Lọ Lem - mẹ ghẻ, nàng nhân ngư Ariel - mụ phù thủy Bạch Tuộc, Aladin - lão Tể tướng…) thì hầu hết các nhân vật của Tex Avery đều có ít nhiều óc khôi hài đen (humour noir). Trong các phim của ông (đa số là phim ngắn), thường chỉ có hai nhân vật - đối thủ, lúc nào cũng tìm cách đấu trí để thắng đối phương. Có nhiều người xem các phim «cười bể bụng» của Tex Avery là «phim hoạt dành cho người lớn», trong đó, chân lý luôn luôn thuộc về kẻ chiến thắng, thường là yếu sức nhưng lanh trí và nhanh nhẹn hơn kẻ thù.
Người ta có thể chia sự nghiệp của Tex Avery ra làm hai thời kỳ:
- Thời kỳ đầu (1936-1942): làm việc ở hãng Warner Bros, ông đã khai sinh chú heo Porky, chú vịt đen Daffy, chú thỏ Bugs Bunny, thợ săn Elmer và chú chó Willoughby (1940).
- Thời kỳ sau (1942-1955): làm việc ở hãng Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), ông tiếp tục cho ra đời chú chó Droopy (1943) cùng hai đối thủ: chó Spike (1949) và Con Sói (1952), cô bé quàng khăn đỏ, gấu George, sóc điên Casse-Noisettes…

Chú chó
Droopy ra đời muộn nhưng lại nổi tiếng hơn nhiều so với
Willoughby. Với bộ mặt ngủ ngày và dáng điệu lờ rờ, Droopy thường để cho tình địch là chó
Spike hoặc
Con Sói khinh thường, nhưng cuối cùng, luôn chiến thắng nhờ nhanh trí và… hên! Ngoài ra, trong các phim hoạt họa của Looney Tunes - hãng Warner Bros (các hoạ sĩ Friz Freleng, Chuck Jones, Bob Clampett, Robert McKimson, Tex Avery…), còn có sự góp mặt của các anh tài khác: chó đồng
Vil luôn tìm cách sáng chế ra đủ thứ bẫy gài để bắt cho bằng được chú chim băng đồng Bip-bip; chó chăn cừu
Sam và con sói
Ralph, chó
Barnyard Dawg…
Ngoài những nhân vật của Disney và Tex Avery, những chú chó Mẽo khác thường được nhắc nhở đến là chú chó lười và thích mơ mộng
Snoopy (họa sĩ Schultz), chú chó
Odie, bạn của mèo vằn Garfield (họa sĩ Jim Davis), chú chó
Scoubidou bự con nhưng lại rất sợ ma, cha con chó
Spike và
Tyke, kẻ thù không đội trời chung của mèo Tom (họa sĩ William Hanna & Joseph Barbera)…
Bỉ-Pháp
Nếu kỹ nghệ phim hoạt họa của châu Âu còn kém xa Hoa Kỳ về số lượng lẫn chất lượng, kỹ thuật và nghệ thuật, thì bù lại, trong lĩnh vực truyện tranh, người ta thấy xuất hiện khá nhiều nhân tài, tập trung tại hai nước Bỉ và Pháp. Có hàng chục nhà xuất bản chuyên về truyện tranh, dẫn đầu là Dupuis, sau đó có thể kể đến Dargaud, Casterman, Glenat, Le Lombard (Hachette cũng nổi tiếng về sách cho thiếu nhi nhưng không xuất bản truyện tranh). Còn về các họa sĩ, các nhân vật cùng đề tài thì không sao kể xiết.
Tìm trong cái «rừng» nhân vật đó, cũng tóm được vài chú chó để đem ra đây trình làng.
Trước tiên, xin giới thiệu đến
Milou, chú chó nhỏ thông minh, bạn đường trung thành của nhân vật Tintin nổi tiếng Âu Á. Họa sĩ Rémi Hergé (1907-1983), cha đẻ của Tintin và Milou là người Bỉ và được xem là người sáng lập ra trường phái Bỉ (école Belge) về truyện tranh. Cũng xin kể ra đây hai cặp bài trùng chủ-chó là Boule & Bill (họa sĩ Roba) và Sémaphore & Cubitus (họa sĩ Dupa). Trong những truyện tranh Boule & Bill, nguời ta thấy rõ sự «bình đẳng» giữa chó
Bill và chú bé Boule, cả hai thân thiết và gấu ó với nhau như bạn bè hay như anh em trong gia đình. Trái lại, chú chó
Cubitus rõ ràng có thái độ lấn lướt ông chủ của mình và trở thành nhân vật trung tâm trong loạt truyện tranh của họa sĩ Dupa. Ta thấy có đủ ba mối tương quan chủ-chó (Tintin-Milou), đôi bạn (Boule-Bill) và chó-chủ (Cubitus-Sémaphore), nhưng ngoài ra, cũng không thiếu những chú chó đứng độc lập một mình, như chó
Pif tinh khôn (họa sĩ Arna) hay chú chó
Gai-Luron lẩm cẩm triết lý của họa sị Gotlib, người đặc biệt thích vẽ truyện tranh châm biếm, thường chỉ có hai màu đen trắng.
Ngoài những nhân vật chó trung tâm hay rất gần với nhân vật chính, một số chú khuyển khác, tuy chỉ giữ vai phụ nhưng cũng có những cá tính đặc biệt và rất được yêu thích. Chẳng hạn như chú chó tí hon
Idéfix của chàng «bé bự» Obélix. Khi dựng nên bộ ba Astérix-Obélix-Panoramix, cặp bài trùng Uderzo-Goscinny đã tạo nên hàng chục nhân vật vệ tinh, từ những con người bình thường của ngôi làng gaulois nhỏ bé cho đến nhà quân sự độc tài César hay nữ hoàng Ai Cập Cléopâtre. Chú chó Idéfix nằm trong đám nhân vật vệ tinh ấy, và khác biệt vì là… chú chó duy nhất! Là chó, dĩ nhiên món khoái khẩu của Idéfix là xương, nhất là xương heo rừng, nhưng đừng quên rằng Idéfix sẵn sàng nổi xung hay khóc tu tu lên khi thấy những cây đại thụ trong khu rừng quanh làng bị bứng bật gốc.
Nhưng đặc biệt hơn hết thảy, có lẽ là
Rantanplan, chú chó cảnh sát của Morris. Là người Bỉ nhưng Morris đã khá thành công khi tạo nên hình ảnh anh chàng cao bồi cô đơn miền viễn tây Hoa Kỳ, người có biệt tài «bắn nhanh hơn cái bóng của mình» qua loạt truyện Lucky Luke (bắt đầu bằng quyển
Arizona 1880, 1946). Nói đến Lucky Luke, không thể nào không nhắc đến chú bạch mã Jolly Jumper, bốn anh em nhà Dalton và chú chó… má nhất trong những nhân vật chó của truyện tranh và phim hoạt họa! Mang tiếng là chó cảnh sát nhưng hình như Rantanpkan không có khiếu làm cảnh sát lẫn làm… chó (!) nên đã gây ra khá nhiều cảnh cười ra nước mắt giữa chàng cao bồi Lucky Luke và bốn anh em Dalton, chuyên nghề cướp cạn.

Milou, Idéfix, Rantanplan và Pif đã lần lượt từ trang giấy truyện tranh bước vào sự chuyển động của những bộ phim hoạt họa. Gần đây, người ta còn thấy chú chó
Finot sát cánh cùng thám tử Gadget và cô cháu gái Sophie trong việc truy lùng tội phạm qua loạt phim hoạt họa
Thám tử tư Gadget (Bruno Bianchi & Jean Chalopin) hay chú chó ù
Bruno trong bộ phim
Chị em sinh ba khu Belleville của đạo diễn Pháp Sylvain Chomet, sản xuất năm 2002. Cũng không thể không nhắc đến cặp bài trùng Wallace và
Gromit trong những phim bằng bột nắn của đạo diễn Anh Nick Park, nổi tiếng thế giới qua bộ phim
Gà chẩu –
Chicken run, 2000.
Thay lời kết
Bài viết ngắn này đã có dịp giới thiệu qua những chú chó ít nhiều nổi tiếng trong thế giới truyện tranh và phim hoạt họa. Chắc chắn là còn nhiều thiếu sót và chắc chắn rằng trong tương lai, chúng ta sẽ còn thấy xuất hiện nhiều nhân vật chó khác, những con vật bốn chân được xem là gần gũi với loài người nhất, và luôn luôn là một loại «thiên thần hộ mạng» của trẻ em.
Có phải vậy không, Cún, Vàng, Vện, Mực?
Tài liệu tham khảo
- Treasures of Disney Animation Art – Robert E. Abrams (Abbeville Press)
- Tex Avery – Patrick Brion (Chêne)
- Figures de la BD – Henri Bruhat & Jean Luc Fromental (Hoebeke)
- Encyclopedia of Walt Disney’s Animated Characters – John Grant (Hyperion)
- Looney Tunes, l’encyclopédie – Jerry Beck (Semic)
© 2006 talawas